× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Hội Lý Xiển Chơn Luận


Công-bình tôn chỉ luận

I

Trong việc tà chánh thấy thì đủ rõ. Như người học Nho không tu không hành theo Kinh Diệc làm sao biết (1), hiệp tịch càn-khôn chuyển biến, khi biến hào định quái; làm sao biết (2) cửu nhị kiến long tại điền đặng rõ thấy vị đại-nhơn (đắc chơn nhứt khí), luyện lục âm biến thành lục dương, lạc thơ đổi lại hà đồ, khôn quái trở thành càn quái, thuần âm biến ra thuần dương. Nếu biết đặng diệu-lý ấy mới gọi Quân-tử chung nhựt càn càn, mới vi mồ tựu kỷ, mới chiết khảm điền ly.

Nên người học đạo phải biết chỗ tu khôn-quái biến thành càn-quái, dời mồ thổ trở lại kỷ thổ, chiết quái khảm đem lại lấp quái ly cho thành càn. Càn là Trời thuộc dương thì phải luyện bát thuần-dương mới xung lên hiệp với Trời; còn quái Khôn là Ðất thuộc âm nếu không tu lại thì còn bát thuần-âm phải trọng trược nặng-nề đọa xuống Ðất.

Nào ai xưng đắc Ðạo mà không biết di hào định quái, luyện âm biến dương thì phải còn thuần-âm trọng trược nặng-nề làm sao thành đặng.

Bởi người theo học Trung-Dung Ðại-Học không giữ theo tam cang-lãnh, bát điều-mục mà làm cho ra minh-đức, tân-dân, chí-thiện, không khắc kỷ phục lễ mà tu cho cùng lý tận tánh, không biết nơi tri chỉ đâu định tịnh đặng, không biết an lự đâu gọi năng đắc.

Trời đã phú cho một cái tánh linh mà mình không biết đem cái tánh về nơi đạo thì uổng lắm. Nên Nho rằng: "Thiên mạng chi vị tánh, suất tánh chi vị đạo". Nghĩa là: Trời cho ta cái tánh, ta tu đem cái tánh siêu thoát về đặng là Ðạo.

 

II

Người học Ðạo Phật không y theo lời Tâm-Kinh, Kim-Cang, Lăng-Nghiêm, Pháp-Hoa, Huê-Nghiêm, Bửu-Ðàn.

Như người thường tụng Tâm-Kinh mà chẳng biết phép Quan-tự-tại làm sao, thường niệm Bát-nhã mà chẳng biết cái tánh Bát-nhã ở đâu; cũng như ngồi không mà nói ăn hoài, chẳng có cơm đem lại miệng, cứ ngồi nói mãi; có no đặng không? Như vậy thì muôn kiếp khó kiến tánh đặng mà thành. Kim-Cang rằng: "Bồ-Tát đãng ứng như sở giao trụ". Nghĩa là: Bồ-Tát phải thường ứng mà biết nơi chỗ trú dưỡng xá-lợi đạo thai cho viên mãn, nên Phật kêu rằng: "Sơ thoàn niệm trú, nhị thoàn túc trú, tam thoàn mạch trú, tứ thoàn diệt tận định". Nghĩa là vọng niệm, hơi thở, mạch lạc đều ngưng tụ lại không có, kêu là diệt tận.

Lăng-Nghiêm rằng: "Hình thành xuất thai thân vi Phật-Tử" thì cũng tu cái chơn hình hư-vô đầy đủ mà xuất thai làm Phật-Tử.

Huê-Nghiêm rằng: "Trượng-phu hình thành tựu như lai mả-âm tàng tướng". Phép hình thành tựu, chỗ như lai mả-âm tàng tướng làm sao? Hình thành là chơn-khí tụ đem lại đủ thì cái ngoại âm rút thun lại. Phật kêu là xá-lợi-tử thành, Tiên kêu là linh-đơn kiết, Thánh thì chơn-khí tụ.

Pháp-Hoa rằng: "Bạch-Ngọc xỉ biên lưu xá-lợi, hồng liên thiệt thượng phóng hào-quang, hầu trung cam-lộ quyên quyên nhuận, khẩu nội đề hồ đích đích lương". Xỉ biên chỗ nào mà để Xá-lợi, làm sao trên lưỡi mà phóng hào-quang, làm sao trong cam-lồ thường tươi nhuận, mới có đề hồ mát mẻ thân.

Bửu-Ðàn rằng: "Hữu tinh lai hạ chưởng, nhơn địa quả huờn sanh". Hữu tinh phép hạ chưởng làm sao mà do đất lại hóa sanh. Có khí dương sanh phải dụng chơn quả gieo xuống đất thì do đất mà hóa sanh.

Nếu không biết, làm sao kiến tánh đặng thành Phật. Nên yếu chỉ tại tâm hành, chẳng phải khẩu niệm; như khẩu niệm mà tâm không hành theo thì ra việc huyễn bóng.

Lục-Tổ rằng: "Quy Phật, Phật tại hà xứ, nhược bất kiến Phật bằng hà sở qui, ngôn khước thành vọng". Nghĩa là: Qui y theo Phật, mà chẳng biết Phật tại đâu, nếu không biết chỗ tánh Phật mà trở về thì cũng như lời trông vọng mơ ước việc không có.

Nên có câu rằng: "Tâm mê chấp Pháp-Hoa chuyển minh, tâm ngộ minh chuyển Pháp-Hoa".

Tụng kinh lâu mà chẳng rõ nghĩa thì như lý gây thù với kinh. Nên để chữ vô niệm gọi là chánh, còn niệm gọi là tà.

Trong mấy bổn kinh đó là chánh lý tâm-pháp của người tu-hành, nếu không y theo cũng như hát bội mặc áo mão mà ra xưng Vương Bá vậy, đâu có chắc đặng.

 

III

Người học Ðạo Tiên-gia không y Huỳnh-Ðình, Tham-Đồng-Khế, Ngộ-Chơn-Thiên. Như kinh Huỳnh-Ðình rằng: "Tác đạo vu ưu thân độc cư, phò dưỡng tánh mạng thủ hư-vô, huợt đàm vô vị hà sở lự, võ dực mồ kỷ chánh phò sơ, trường sanh cửu thị nãi phi khứ". Nghĩa là: Ðức Lão-Tử dạy người học đạo thanh tịnh tâm ý nơi chỗ vắng, tu tiết dưỡng tánh mạng lại, giữ khí hư-vô lặng lẽ tự nhiên, không xen vọng tưởng, đem Kỷ-thổ về Mồ-Kỷ, lấy khảm lấp ly mới đặng trường sanh, cũng do chỗ cửu thị đó mà phi thăng.

Sách Tham-Ðồng-Khế rằng: (3) "Diên cầu ngọc-thố não trung tinh; hống thủ kim-ô tâm nội huyết, chỉ khu nhị vật kiến thành đơn, chí đạo bất phiền vô nựu nạt". Nghĩa là: phải biết chơn diên mà tìm ngọc-thố tinh trong não, biết hống mà dùng kim-ô huyết trong tâm, nếu biết hai vật đó thì kiết thành đơn, những người chí đạo không cần nhọc sức diêu động mà thành tựu.

Sách Ngộ-Chơn-Thiên rằng: "Tiên bả Càn-khôn vi đảnh khí, thứ tương ô-thố dược lai phanh, lâm khu nhị vật, qui huỳnh-đạo, tranh đắc kim-đơn bất giải sanh". Nghĩa là mượn lấy càn-khôn làm lò nồi, dùng ô-thố làm thuốc mà nấu đem hai vật ấy trở về huỳnh-đạo mới đắc linh-đơn khỏi tử sanh.

Ðây là tông-chỉ của Tiên-gia, nếu tu không rõ thấu y theo mấy lời đó, sao xưng rằng học đạo Tiên.

 

IV

Tuy Tam-Giáo nói khác nhau vậy, chớ tu thấu đáo tâm-pháp của ba Ðạo, thì mới biết cũng một lý, dầu trăm sông ngàn rạch cũng đổ về biển cả. Cũng lấy âm dương Tạo-hóa mà tu luyện đoạt ra một cảnh Tạo-hóa nhỏ riêng ra nữa.

Bởi người học chưa đắc tâm-pháp, đồ không trúng kiểu, nên tu không ứng nghiệm, ấn-chứng, mới phân nhơn ngã tranh luận; tôi đạo nầy người đạo kia, thì lầm cho mình lắm đó.

Còn người học đạo xưng rằng: "Tiên-Thiên Ðại-Ðạo kiêm hành Tam-Giáo" thì phải tu cho đắc xá-lợi của Phật, luyện cho kiết linh-đơn của Tiên, hành cho đắc chơn nhứt khí Thái-cực của Nho.

Người tu-hành nhằm lý trong ba Ðạo, tại Thích xuất thai thân vi Phật-tử; tại Tiên thì hiện xuất dương-thần, tại Nho thì siêu phàm nhập Thánh. Như vậy mới luận rằng kiêm hành Tam-Giáo, đắc cái sở-hành của người tu, còn chưa đặng như vậy đâu rằng Tiên-Thiên Ðại-Ðạo kiêm hành Tam-Giáo. Hễ tu Ðại-Ðạo thì phải khác phàm. Tinh-Khí-Thần nghịch hành phản lại Tiên-Thiên mà thành Ðạo. Vậy mới rằng tu Ðại-Ðạo, luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần phản về Hư-Vô.

Ðây nói tiếp về nhựt dụng tu-hành của các Ðạo.

Không y lời Tam-Giáo dạy, lại dùng sự hậu-thiên hữu hình chỉ truyền chư thiện-nam tín-nữ lầm sai, nên luyện Tinh không hóa ra Khí, luyện Khí không hóa ra Thần, luyện Thần không phục lại Hư-Vô chơn thần đặng, làm cho thuận hành, lạc về hậu-thiên tẩu tán hao mòn không đặng trường-sanh mà chứng quả.

Nếu Tinh lậu, Khí tán, Thần vọng động thì ba vật báu của người đâu còn làm sao y Phật, Pháp, Tăng đặng kiết tụ tam-bửu mà thành, tam-bửu không còn làm sao sanh đứng Tam-Tài; chẳng thấy Phật A-Nang nói sao? "Lậu tận nan thành" là đó.

Dầu có tu qui-giới tinh nghiêm làm các việc lành, quảng lập âm-công, cũng hưởng hồng phước hoặc về Lạc-Thiên-Ðường mà gia công tu nữa, chớ khó thành Tiên, Phật đặng; vì bởi tam-bửu còn lậu tận, thuộc âm-linh chí thần. Nên sách rằng: "Tu tánh bất tu đơn, vạn kiếp âm linh nan nhập Thánh".

Những người tu không biết luyện Tiên-thiên dùng hậu-thiên lầm mấy phép tu đó thường chuyên cần phải bị nguy hiểm, làm hại cho cả thân-thể, phản thành độc dược. Hoặc sanh bịnh nhức đầu, hoặc đau bụng, hoặc là thường di-tinh, hoặc là hư răng; hoặc lớn cổ, hoặc lờ con mắt, hoặc điếc lỗ tai hoặc là trệ khí, cùng là thống khí lại còn sanh các bịnh khác nữa, vì dùng hậu-thiên thần khí là những điều hữu-hình làm cho hại thân thể. Thương ôi! cho bọn chúng ta đây lắm, có lòng mộ đạo mà tu chưa thấy ấn-chứng sự trường-sanh lại còn bị điều vắn mạng cho chúng ta nữa.

Tôi đây, trước học chưa thấu đáo thành chánh đạo, nên tu mà thí-nghiệm phải lầm mấy điều hậu-thiên hình tướng đó, nó làm hại cho thân-thể.

Nay tôi sợ người mộ đạo chưa thí-nghiệm đặng chơn giả mà phân biệt, phải bị lầm hại nữa.

Cổ-Ðức nói rằng: "Trường-sanh tu phục khí, phục khí bất trường-sanh". Nghĩa là: muốn trường-sanh phải phục khí, nếu phục hậu-thiên khí thì chẳng trường-sanh đặng nên lấy chữ hữu-hình mà tu vô-hình là đó.

Còn Ðơn-kinh rằng: "Huyền quang nhứt khí", chẳng phải chỉ những vật có hình trong mình còn dùng riêng không hình cũng khó thành đặng; phải mượn hậu-thiên tu Tiên-thiên vô hình.

Kinh Lăng-Nghiêm nói rằng: "Chẳng biết chỗ tu dưỡng thần, thì u-âm-ma".

Như Thoàn môn nay: "Tu tánh bất tu mạng, vãng vãng điên đảo phản đáo, đắc bịnh như tử. Tuy nhiên khẩu xưng đốn ngộ thập địa tam thừa, vãng vãng đáo đầu hư lão. Bất tu tuyết sơn bạch ngưu phấn chi mỹ xứ, khống dĩ ma ngại tác cảnh, vọng dĩ tập tuyết vi lương, ngộ liễn cô đa niên thiếu, kỷ vô lập mạng chi. Lý hồ, thí dĩ hí đài thượng, nhơn tự xưng Hớn Cao-Tổ, Sở Bá-Vương". Nghĩa là: trong thiền môn nay tu tánh chẳng tu mạng, thảy đều phải điên đảo rồi gặp bịnh mà chết. Tuy miệng xưng rằng bực thập địa tam thừa, rốt cuộc đáo đầu cũng lão. Chẳng biết chỗ bạch-ngưu-phấn đó thì cũng như mài gạch đá làm kiếng soi, như gom tuyết lại làm cơm ăn thì lầm cho kẻ nhỏ, người lớn không chỗ lập mạng, đâu có tánh đạo mà thành. Châu ôi! Cũng như hát bộ ra xưng ta rằng: Hớn Cao-Tổ, Sở Bá-Vương đó vậy thôi.

Tuy xưng Tiên-Thiên đại đạo mà dạy người tu hậu-thiên tiểu đạo thì là uổng công ăn chay giữ giới trong đời khó trông hiểu đạo mà thành. Còn Ðại-Ðạo Tiên-Thiên tánh mạng thủy hỏa tại kỳ trung không hình, không tượng, không không đáng đáng thì mới là tu mạng.

Nếu không tu mạng lậu tận, trở nên thuần dương đâu có lý mà thành, khó thành vì bởi còn lậu tận nguơn tinh.

Luyện Tinh không hóa ra Khí, luyện Khí không hóa ra Thần, luyện Thần không huờn Hư đặng, đâu hiệp phù kinh điển mà thành. Nên Liễu-Huê-Dương rằng: "Thả thiên cổ chí kim, mạt bất dĩ manh dẫn manh, khanh hảm vô số chi thiện tín, thâm nhập cửu trùng bất năng xuất đầu, kiến Phật chi quang ba". Nghĩa là: từ xưa đến nay đã lầm đàng lạc nẻo, mà lại còn dẫn người vào đường lầm lạc nữa, sa vào hang sâu chôn lấp kẻ thiện tín vô số, không thế ngước thấy chỗ ánh sáng của Phật; ấy là lầm hại của bọn chúng ta, như kẻ mù mà dắt người đui thế nào chẳng hại.

Lấy sự sai thố mà truyền chỉ cho người sai thố nữa, hại cho kẻ hậu tấn mộ đạo muôn kiếp.

Chớ chẳng phải tu mà lấy sự cao thăng chức phẩm đó mà thành đặng, lấy sự tiền của mà cầu tước vị đó gọi rằng siêu thăng.

Tước phẩm là bề ngoài, dùng mà tôn ti phẩm cấp với nhau, như coi xét sửa đoan trong việc tu-hành của đạo thì phải lấy sự tu-hành tâm-pháp, công-quả, đạo-đức cao dày mà tôn ti, phẩm cấp mới phải cho chớ, sao lại dùng tiền của lập tôn ti.

Và chẳng phải trường trai cho rằng đắc đạo, nếu trường trai mà tâm tánh, đức hạnh của người chưa đặng hoàn-toàn, làm sao thành đạo, mà gọi ăn chay rằng đắc đạo cùng là cao thăng phẩm tước đặng thì lầm sai cho người tu lắm.

Hễ người đắc đạo thì phải thành Phật, Thánh, Tiên mới kêu rằng nhơn đắc nhứt thành Thánh; chớ chẳng phải kẻ tầm thường mà thành đặng.

 

V

Nay tôi lấy lẽ công-bình mà biện luận ra đây, chẳng phải gọi là cao học thông hiểu, vì thấy người tu-hành tu không hiệp phù thành kinh sách, không nỡ để làm hại cho nhau; thật tôi không gọi rằng minh chánh mà bác bẻ mối tà; vì chẳng nên ẩn ác dương thiện, che lấp sự công-bình, sự tồi bại của ta mà đi kiếm sự thị-phi của người đặng bài báng.

Nếu cái lương-tâm như vậy, sao cho công-bình chánh lý. Hễ đứng bực Ðại Hiền chẳng nên khen ai, chê ai, chẳng gọi rằng mình thông biết đặng, hễ biết bao nhiêu, thì ra sức làm có ích cho đời bấy nhiêu; tài năng bao nhiêu, tùy theo bổn phận của người, chẳng luận là cao thấp, lớn nhỏ, vậy cái tâm mới công-bình.

Còn tôi đây lấy lời cổ-ngữ Tiên-Hiền hiệp các lý mà luận đây làm bằng chứng cho người đồng-chí thâm tín mà thám ngộ lấy công-tâm mà biện-luận, mặc dầu ai bác-bẻ chê bai thì cũng mặc nhiên, xin cho người khỏi lầm nơi đường quanh nẻo vạy mà thôi.

Nếu ai ăn-năn lại mà giữ điều-lệ của Tam-Giáo thì một ngày kia cũng gặp nẻo chánh.

Việc làm Tiên Phật chẳng khó, vì tại lòng người hành cùng không hành, song muốn phần đạo-đức thì phải giữ Tam-Cang Ngũ-Thường, khi việc nhơn-đạo đủ rồi, bước qua Thiên-đạo không xa. Nhơn-đạo là nền đức-hạnh, nếu không tu thì Thiên-đạo xa đó.

Nên Tam-Giáo ra điều lệ cấm răn cho người tu nhập-môn dầu giữ không đặng trọn thì cũng giữ chút ít cho có căn lành để kiếp sau tu nữa.

Hễ kiếp nầy chưởng giống gì thì kiếp sau đặng an hưởng giống nấy, lúc nầy gieo trồng sau mới có trái ăn, ấy là lẽ tự nhiên vậy.

 

(1) Nghĩa là: hòa hiệp âm dương hậu-thiên chuyển tiên-thiên, đem dương mà lấp âm.
(2) Dương khí sanh đến cảnh thứ nhì mới trọn đủ dùng, Phật gọi nhị hầu thể mâu-ni.
(3) Tá danh ô-thố cùng là Hống-Diên đặng luận về thần khí cho biết hậu-thiên thần-khí, mà hiệp đạo luyện đơn kêu rằng tá vật siểng đạo.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 720 | Tác giả: Nguyễn Văn Kinh