× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Hội Lý Xiển Chơn Luận


Chánh-đạo luận

ÐẠI-ÐẠO sanh Trời, sanh Ðất, sanh Người, sanh Vật. Trời, Ðất, Người, Vật cũng một khí đồng sanh.

Trời có Âm-Dương,
Ðất có Cang-Nhu,
Người có Nam-Nữ,
Vật có Trống-Mái.

Hễ có Âm-Dương thì sanh Nhựt, Nguyệt, Tinh; có Cang-Nhu thì sanh sơn, xuyên, thảo, mộc, thủy, hỏa, phong; có Trống-Mái mới hóa sanh các loài Thai-noãn, Thấp-hóa; bốn loại sanh, có Nam-Nữ thì có phối-ngẫu, sanh sản ra người.

Bởi phối-ngẫu, giao-cấu mới có dâm-dục sanh, ân-ái phát mới có ma-chướng phiền não; ma-chướng sanh phiền não khởi, thì có các điều khổ ách, các điều khổ ách mới hóa ra sanh, lão, bệnh, tử.

Bởi vậy Ðức Thượng-Ðế có lòng háo sanh, thương người cùng vật mở Ðạo cứu thế, cho Phật Tiên xuống giải bày kinh điển, chỉ truyền tâm-pháp, dạy đời tu-hành dưỡng tánh mạng thủ căn-bổn, giữ chỗ chơn nhất khí, đặng trở về nơi cựu vị, cõi hư-vô khí. Còn như công-quả chưa đầy-đủ thì ẩn nơi trần tục hằng ngày tu-dưỡng trau giồi ngọc báu của mình, tu cho đắc diệu lý yểu minh, thì chơn tinh thường ngày sanh hóa. Tu cho đắc pháp hoản hốt, thì chơn-khí không hao, thường sanh thì thạnh-vượng, không hao thì kiết tụ linh-đơn.

Tinh hay hóa Khí, Khí hay hóa Thần, Thần hay thông linh, thì khỏi âm-dương cướp hại, ngũ-hành xâm đoạt, tránh đặng sự nguy hiểm trong bốn mùa Phong, Hàn, Thử, Thấp mới hiệp đặng đồng thể với Ðạo, siêu thoát khỏi Trời-Ðất, ấy là Ðạo vô-vi thanh tịnh của Trời lập đó.

Ðời Hớn Ngụy-Bá-Dương Chơn-Nhơn, trong Kim-Ngọc-Bích làm sách Tham-Ðồng-Khế mới đặt tên rằng: Long-Hổ, Diên-Hống. Qua đời Ðường, Tống, chư Tiên lập các đơn-kinh lộ phát rõ ra để nhiều lời khác lạ, lưu ký đơn-kinh vô số, đã xét tột lý bổn nguyên, ứng bày cốt-chủy, cũng một mà lập khác tên.

Nên sách Thánh-Sư Xiển-Giáo lời dạy cặn-kẽ cho người tường ý muốn người người đều thông, cả thảy thành đạo.

Song bày danh ra càng nhiều mà trần-gian càng ràng buộc đắm sa. Kinh sách ra nhiều mà đường đạo-đức càng lu lấp, lời ẩn ngữ tâm-pháp của Tam-Giáo, bởi tại đó, mà làm cho người học không chủ ý mối đạo-đức cho thấu rõ căn nguyên mà nắm chánh lý, cứ học thoát qua mà thôi. Nay nhờ Trời muốn ra một sợi buộc mối Ðại-Ðạo lại đem trở về nơi vô danh cổ-giáo, cũng dùng rìu búa trẩy các nhánh nhóc bề ngoài bàn-môn ngoại đạo, cho thấy nơi căn-bổn cốt-chủy khử tà qui chánh.

Các lời thí dụ lộ hết bổn chơn, phô trương đường chánh lý sắp đặt các lời trực chỉ như đây, vậy phải tìm biết chơn Diên-Hống, chơn Long-Hổ, chơn Ðảnh-Lư dược vật mà thể thủ trừu thiêm, ôn-dưỡng hỏa-hầu, đặng lấy chơn Chưởng-Tử, phục tánh mạng lại cho kiết thành thai, rồi xuất thai thứ lớp.

Như người có chí tầm sư học đạo rồi xem các đơn-kinh thì rõ khỏi lầm bàn-môn ngoại đạo.

Vì đơn-kinh hạn ngưu sung đống giảng luận thì nhiều, lộ lời khẩu-khuyết, hỏa-hầu thì ít, nên khó thấu lý rõ mà tu-hành vì đó mà phải lầm nơi bàn-môn ngoại đạo.

Nay Trời thấy vậy mở lòng từ-bi lộ hết tâm-pháp bí-mật cho kẻ có duyên tu, phản hồi thượng-giới, đặng khỏi sa chìm nơi khổ hải.

Ông Vân-Phòng Chơn-Nhơn nói rằng: Ðạo pháp ba ngàn sáu trăm mối đạo, thì ai ai cũng chấp một mối, nhưng mà huyền-diệu khiếu khuyết chẳng ở trong ba ngàn sáu trăm ngoại đạo. Duy riêng đây là Linh-đơn Ðại-Ðạo thì có huyền-quang bí khuyết của đàng chánh-lý mà thôi.

Nếu bỏ đường chánh-lý nầy thì không nẻo nào tu thành chánh quả đặng. Song huyền-quang bí khuyết Ðại-Ðạo khó gặp mà dễ thành, lại thấy công hiệu ứng nghiệm thì lâu, còn bàn-môn diệu thuật dễ học mà khó thành lại mau thấy sự hiển linh hiệu nghiệm.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 584 | Tác giả: Nguyễn Văn Kinh