× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Giáo Lý

Đời người


Luyện Kỹ

    Ai đã vào vòng sanh tử, mang lấy mảnh thi hài nầy, thọ bẩm tinh cha huyết mẹ, đều phải chịu món nợ của tổ phụ lưu truyền, phải ăn mới sống, phải mặc mới lành thì chưa dễ gì thoát khỏi quyền vật dục của xác thân đòi hỏi.

    Mảnh thi hài nầy nhờ tinh cha huyết mẹ nên hình thì trí lự khôn ngoan cũng phải do nơi quyền thiêng liêng khai mở. Cái phép tu hành là phải làm cho thân tâm hòa nhịp cùng nhau đặng phát triển một cách điều hòa 3 yếu tố Tinh. Khí, Thần gọi là luyện kỷ.

    Phương luyện kỷ đặng vào con đường thứ ba Đại Đạo là một phương pháp sống tích cực, mục đích sau cùng là để mở cửa Bát Quái Đài tại thế, chơn thần đủ quyền năng xuất ngoại xác thân, tương liên cùng các Đấng Trọn lành mà đoạt cơ giải thoát. Con đường ấy buộc kẻ tu hành phải biết làm giảm tiêu nghiệp chướng tiền khiên của mình bằng công nghiệp phụng sự vạn linh, gìn giữ giới luật một cách nghiêm nhặt đối với bản thân, để tránh gây thêm nghiệp chướng tân tạo, lại còn phải biết bảo thủ khối Tinh Khí cho cường lực, thanh bai, an tịnh để đem ánh sáng Chí Linh rọi soi phàm ngã, dẫn dắt về cội nguồn thiêng liêng là Trời vậy.

    Mỗi mỗi đều có bí quyết ẩn tàng bên trong phải gia công tìm hiểu, học hỏi không ngừng thì trí lự khôn ngoan mới bừng sáng. Điểm giác tánh từng ngày từng ngày thâu nhập phép huyền vi của Tạo Hóa, cho đến một ngày kia Đại Từ Phụ định cho mảnh thân phàm nầy đủ tánh linh, đủ đức hạnh của một vị Bồ Tát hay Tiên gia, Thánh vị, thì cái công tu hành của một kiếp sanh mới không phí uổng.

    Ai là người hiểu biết luật pháp của Trời một mảy lông qua chẳng lọt thì chưa dễ gì nong nả đoạt vị Thần Thánh Tiên Phật bằng phương pháp mờ mị, yếm thế bi quan, chẳng làm mà mong có hưởng !

    Đời hay Đạo chẳng qua là hai mặt trái phải của bàn tay, là sự sống. Sống theo quyền vật dục hay sống theo ánh linh tâm cũng nằm trong cơ Tạo vay trả trả vay, trường khảo thí nếu không giám khảo thì lấy ai định mặt anh hùng sĩ tử. Cái khó của kẻ tu hành là phải có công nghiệp phụng sự chúng sanh, mới bôi xóa được oan gia trái chủ, chừng ấy cái công luyện đạo tham thiền chẳng bao nhiêu cũng tìm ra ánh sáng. Giác ngộ ! Giác ngộ ! Duy có Đức Chí Tôn mới ban cho chúng ta tánh linh ấy mà thôi.

    Từ chốn quan trường lặn lội cùng đời, lo ăn lo sống, cũng vợ cũng con, đã lần dò theo ánh chí linh dìu dẫn bước vào cửa Đạo, trải thân ra mảnh áo tơi, che mưa đỡ nắng cho đời nguy nan. Ngài đã làm nên sự nghiệp, lại nghiền ngẫm chân lý ẩn tàng trong phép tu thiền của các bậc Thánh trước Hiền xưa, san định lại cho phù hợp với tâm lý nhơn sanh, chỉ rành trên văn tự, lưu truyền hậu thế cho khỏi điều mộng mị dị đoan của cái trí đầy huyền ảo, vẽ vời che khuất chân lý Đức Chí Tôn.

    Ấy vậy, trong cửa Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, duy có lấy thuyết nhơn nghĩa của Khổng Thánh lưu truyền mà đối đãi cùng nhau cho vẹn bề nhơn đạo, còn việc luyện Tam Bửu cho Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần huờn Hư là chuyện của Tiên gia sùng tín, cửa Đạo vẫn nạp dụng và phổ truyền trong tín hữu. Vẫn thấy người đời hay bày bố ra những chuyện mơ hồ, hư hư thiệt thiệt, sản xuất từ trí não của mình, Thần vọng tưởng gọi là ấn chứng công phu, khuyến dụ nhơn sanh phế bỏ thực trạng xác phàm đói no ấm lạnh của muôn vạn ức sanh linh đang phiền não, thì vẫn là phương pháp mơ màng, vẽ màu không tưởng. Thực tế của đời người phải ăn mới sống , phải học mới hay, phải tìm mới hiểu cái hay cái khéo của đời do trí thức tinh thần nhơn loại truyền lại cũng đủ chứng chắc rằng nhơn loại đang bước đi từng bước cả xác lẫn hồn trong cơ tấn hóa.

    Hại thay những điều mê tín dị đoan lại từ trong cửa đạo giáo sản xuất ra thì trách sao cho khỏi tội tình cùng Đại Từ Phụ. Ngẫm cho cùng, triết lý đạo là con đường, ánh sáng dẫn dắt sanh linh, mà mình đã không đủ sáng thì còn mong mỏi đưa đón được ai ? Ánh linh tâm kia duy có tu mà có, chớ nào phải ngồi mơ màng mà được. Phép Thiền buộc phải có công đức mới xua đuổi được lằn tư tưởng huyễn ảo, khí lóng trong không gợn đục của thất tình, trí não mới quang minh gọi là linh tâm chiếu diệu. Cái bóng của Đức Cao Đài là tòa ngự của Thiên lương, là thần quang rạng rỡ, khí thể tinh anh, là sự hòa nhập vào khối thánh chất của Đại Từ Phụ mà khai đường dẫn nẻo cho chúng sanh tiến bước. Với bóng ấy mới có thể gọi là Thiền, bằng chẳng vậy nó chỉ là cái dáng vẻ bên ngoài, thiếu hẳn nội tâm chơn pháp. Kẻ tu hành phải có đủ công nghiệp, dầu âm thầm hay hiển lộ đủ đức hạnh chí chánh chí chơn, đủ lòng từ ái như sóng cả bao dung thì Thiền ấy mới thực là Thiền.

    Một Hộ Pháp trong cửa Đạo Cao Đài, xuất thân từ một tín đồ Thiên Chúa giáo, nương bóng từ bi, bỏ tục tìm thánh, suốt 34 năm dư, hoạt bát trong trường phổ độ, không có lúc nào không nghiền ngẫm suy tư về chuyện tứ khổ của con cái Đức Chí Tôn, tìm đủ mọi phương cách để giải khổ cho họ, day trở trở day cho phù hợp với thế tình biến thiên từng lúc từng hồi. Công nghiệp ấy đủ chứng chắc rằng Ngài đã hòa giọng yêu thương ngập tràn trong sanh chúng, đem ánh sáng chí linh dẫn đường về thánh cho biết bao con chiên lạc lối. Dung nạp triết lý cổ kim đạo giáo, Ngài đã để lại trên giấy trắng những lời căn dặn đơn sơ nhưng sâu sắc về một phương luyện kỷ để đoạt vị mình ngay khi còn sống. Lời căn dặn ấy áp dụng cho tất cả mọi người từ khi biết bỏ dữ về lành. Hễ phàm tâm tục tánh lắng đọng đến đâu thì ánh sáng tâm linh rọi soi đến đó.

    Đó là một công án Thiền đổi mới danh xưng, lấy tiếng Cao Đài thay hình Tam Giáo, trụ cả khối đức tin vào một quyền năng duy nhứt là Chí Tôn, Phật Mẫu, lấy hiếu hạnh phụng thờ làm phương giao cảm cho thần trí hoát thông cùng đạo pháp, phá vở ngục tù thân xác mà sống đời miên miên vĩnh phúc. Phương pháp ấy còn lưu truyền bằng những dòng chữ sau đây :


    PHƯƠNG LUYỆN KỶ ĐẶNG VÀO CON ĐƯỜNG THỨ BA ĐAÏI ĐAÏO

      _ Phải biết thân thích cùng cả nhân vật, tức là tìm nguyên do của vạn linh cùng Chí Linh.

      _ Phải ân hậu và khoan hồng.

      _ Phải thanh nhàn, đừng vị kỷ.

      _ Phải bình tĩnh, nghĩa là đừng chịu ảnh hưởng của họa phước, buồn vui (tập tánh không không đừng nhiễm, vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh ).

      _ Phải độ lượng khoan dung tha thứ.

      _ Phải vui vẻ, điều hòa, tự chủ và quyết đoán.

      _ Giữ linh tâm làm căn bổn, hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu.


    PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM VÌ TÂM LÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN LƯƠNG

      _ Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ là đồ vô giá.

      _ Ai đã cố oán kẻ thù của mình thì khó giữ thanh tâm công chánh cho đặng.

      _ Ai chẳng oán hận mới thắng đặng kẻ thù nghịch cùng mình.

      _ Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhứt của nhơn sanh, nên người hiền thì không biết đến hay là từ bỏ cừu hận oán ghét.

      _ Thắng đặng khí nộ mình thì không chọc ai giận dữ.

      _ Lấy thiện mà trừ ác. Lấy nhơn nghĩa trừ bạo tàn. Lấy lòng quảng đại đặng mở tâm lý hẹp hòi. Lấy chánh trừ tà. Ấy là đường thương huệ kiếm.

    LUYỆN THÂN - LUYỆN TRÍ

      _ Ẩm thực tinh khiết.

      _ Tư tưởng tinh khiết.

      _ Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn, Phật Mẫu.

      _ Ấy là chìa khóa mở cửa bát Quái Đài tại thế nầy.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1276 | Tác giả: Nguyễn Long Thành