× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Quan Niệm Tu Chơn Trong ĐĐTKPĐ


VI. Cân Thần Truyền Pháp

Trong Đại Đạïo Tam Kỳ Phổ Độ người chịu trách nhiệm tối cao truyền bí pháp là Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc - người đứng đầu cơ quan Hiệp Thiên Đài. Trong Pháp Chánh Truyền Đức Chí Tôn dạy :

 

  • " Hiệp Thiên Đài là nơi Thầy ngự cầm quyền Thiêng Liêng mối Đạo ".

Cầm quyền thiêng liêng mối Đạo có nghĩa là dùng quyền lực vô hình của Bát Quái Đài tác động trên đời sống hữu hình của Hội Thánh và chúng sanh. Bí Pháp là quyền năng của điển lực để giải thoát Chơn Thần con người khỏi những ràng buộc của thất tình lục dục, bí pháp thuộc phần trách nhiệm của Hiệp Thiên Đài truyền lại cho chức sắc gồm có hai phần :

_ Cái thể tức nhiên là hình thức, phương pháp phải làm như thế nào để diêu động được điển quang trong nội thân con người và trong Trời Đất. Phần nầy người đi trước học được truyền lại cho người đi sau được.

_ Phần thứ hai là hiệu ứng của nó tức nhiên là kết quả của sự vận dụng phương pháp đó đã đạt được những gì. Phần nầy thuộc quyền năng của Bát Quái Đài vô tư và khách quan.


1/- Nguồn gốc Bí Pháp Đạo Cao Đài do đâu ?

Chúng ta hãy nghe một đoạn trong lời giảng của Đức Hộ Pháp đêm 13-8-Mậu Tý ( 16-9-1948 ) tại Đền Thánh.

 

  • " Nhớ lại từ khi Đức Chí Tôn chọn Bần Đạo làm Hộ Pháp, dạy Bần Đạo phò loan và chấp bút. Đặc biệt hơn hết là chấp bút vì nhờ chấp bút mà Bần Đạo được Đức Chí Tôn dạy cách tham thiền. Khi biết tham thiền rồi mới nhập tịnh nhưng nhập tịnh không phải dễ, chỉ sai một tí, sót một chút là có thể hỏng cả cuộc đời. Nhập tịnh mà không tới thì bị hôn trầm tức là ngủ gục, còn nhập tịnh mà quá mức thì phải điên đi mà chớ. Nhập tịnh mà đúng rồi còn phải nhờ các Đấng Thiêng Liêng mở Huệ Quang Khiếu nữa mới xuất hồn ra được. Con đường mà Chơn Thần xuất ra rồi về với Đức Chí Tôn là con đường Thiêng Liêng hằng sống đó vậy.

    Chính Bần Đạo được Đức Chí Tôn mở Huệ Quang Khiếu, nên mới về được hội kiến cùng Đức Chí Tôn và đã học hỏi được nơi Đức Chí Tôn nhiều điều bí yếu, bí trọng"

Và một đoạn khác trong lời Thánh giáo của Đức Chí Tôn ngày 24-4-1926 :

  • " Chiêu là môn đệ yêu dấu của Thầy, nó có công tu luyện, Thầy lại dùng huyền diệu mà rỗi nó trước các con ". ( Trích Đạo Sử Hương Hiếu )

Một đoạn khác trong lời giảng của Đức Hộ Pháp thuật lại lần gặp gỡ đầu tiên giữa Ngài và Đức Ngài Lê Văn Trung.

 

  • "…… Khi chúng tôi ôm cái cơ đến nhà Ngài đặng Đức Chí Tôn độ, mục đích chúng tôi là Đức Chí Tôn bảo đâu làm đó vậy thôi. Khi tới nhà thú thật với Ngài rằng :

    Chúng tôi được lệnh Đức Chí Tôn đến nhà anh phò loan cho Đức Chí Tôn dạy Đạo, ông biết Đấng đó hơn chúng tôi, lo sắp đặt bàn ghế sửa soạn buổi phò loan rồi bắt ông nhập môn. Trong nhà có một người con nuôi tên Thạnh còn nhỏ độ 12 tuổi, hai cha con kiếm được cơ đâu không biết, vái rồi cầu cơ, khi phò loan thằng nhỏ ngủ, ông thì thức. Cơ chạy hoài, ông hỏi thì Đức Chí Tôn mới trả lời, chỉ có hai người biết với nhau mà thôi. Từ đó ông mới tin Đức Chí Tôn ". ( Trích lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp, 13-10- Giáp Ngọ- 1954 )

Từ khi Đức Chí Tôn giao trọng trách một Đại Thiên Phong bên Cửu Trùng Đài, Ngài Thượng Trung Nhựt luôn luôn bận rộn với việc Đạo của Hội Thánh trong những năm đầu mới thành lập đầy những khó khăn đối nội và đối ngoại. Ngài từ chối hình thức tu luyện nhập tịnh thất, sống cách ly với những sinh hoạt bên ngoài với lý do "Đạo thì nghèo, em thì đông an nơi đâu mà tịnh…"

Nhưng trên thực tế Ngài là một đồng tử thông công được với Đức Chí Tôn và được Đức Chí Tôn giáng tâm chỉ dạy Ngài phương pháp " tĩnh tâm " Ngài áp dụng phương pháp tu tập nầy hằng ngày trong khi vẫn ngồi làm việc tại Giáo Tông Đường. Điều nầy chỉ một số ít người sống thân cận với Ngài mới biết được.

Và Ngài đã đắc Đạo linh hiển.

Như vậy trong buổi đầu của lịch sử Đạo Cao Đài, theo thứ tự thời gian cả ba Ngài Ngô Văn Chiêu, Phạm Công Tắc, Lê Văn Trung đều là những đồng tử thông công được với Đức Chí Tôn và chính Đức Chí Tôn dùng huyền diệu độ rỗi cả ba vị nầy.

Về sau Đức Chí Tôn giao trách nhiệm cho Ngài Phạm Công Tắc ở Hiệp Thiên Đài, còn hai vị kia ở Cửu Trùng Đài, một người nhận một người từ chối.

Vấn đề nguồn gốc bí pháp Đạo Cao Đài thọ truyền từ đâu đã rõ. Đức Hộ Pháp học bí pháp trực tiếp từ Đức Chí Tôn. Đức Hộ Pháp có tiếp xúc với Ngài Ngô Văn Chiêu trong buổi đầu nhưng về một vấn đề khác, không phải vấn đề bí pháp.


2/- Cân thần là gì ? Cân thần là từ ngữ bình dân mà các bậc tiền bối trong đạo hay dùng để chỉ công việc tuyển chọn người có đủ điều kiện được truyền bí pháp. Cân thần là đo lường, xem xét, cân nhắc mức độ trược khí trong Chơn Thần của một người nhiều ít thế nào có đủ sức chịu đựng nổi điển lực của các Đấng trọn lành ban cho hay chưa mà không bị biến tướng thành Tả Đạo. Đức Hộ Pháp dùng thần của Ngài, tức là sự minh triết thiêng liêng nơi con người của Ngài quyết định vấn đề nầy, các vị Thời Quân Chi Pháp cũng có truyền bí pháp cho chức sắc nhưng khả năng cân thần cho từng cá nhân người thọ nhận không thấy các Ngài thi thố.

Đối với các vị tu ở Phạm Môn đã chuyển qua hình thức Phước Thiện từ năm 1935 và có nhận lãnh trách nhiệm Đầu Họ Đạo Phước Thiện tại các tỉnh vào dịp lễ vía Đức Chí Tôn ngày 9-1- Bính Tý ( 1936 ) Đức Hộ Pháp có truyền các phép bí tích, giải oan, tắm thánh, phép xác, hôn phối cho các vị nầy tại Hộ Pháp Đường. Đức Hộ Pháp hành pháp trục thần, khai khiếu và truyền dạy cách thực hành cho từng vị, ngoài ra còn được đặc ân nhận lãnh phép " Bạch Đăng " ( cây đèn trắng ) để trong khi hành Đạo gặp chuyện khó khăn thắp lên vào giờ Tý và thành tâm cầu nguyện Đức Ngài sẽ đến giúp cho. Một số chức sắc Cửu Trùng Đài cũng được ban phép " Bạch Đăng " và nhiều giai thoại lý thú được ghi nhận chung quanh lối làm việc huyền linh nầy của Đức Hộ Pháp, xác thân ngồi tại Hộ Pháp Đường mà Chơn Thần ứng biến xuất hiện được nhiều nơi khác nhau để yểm trợ cho chức sắc hành đạo.

Xin đơn cử vài trường hợp điển hình sau đây :

 

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Riêng về phần công phu nội thân để hàm dưỡng Tinh Khí Thần, việc truyền bí pháp không đồng đều, có người được Đức Hộ Pháp chỉ trọn một vòng luân chuyển khí lực, có người chỉ là mới hình thức khởi đầu. Điều ấy cũng dễ hiểu vì trình độ tu tiến và nghiệp lực của mỗi cá nhân không giống nhau. Cụ thể Đức Hộ Pháp đã chỉ cho những vị ấy cách thức công phu như thế nào, điều nầy không thể phổ biến rộng rãi trên giấy được, vì nó cũng giống như những liều thuốc thần kinh cực mạnh, phải đúng với bệnh trạng của từng cơ thể bệnh nhân và phải có sự giám sát kỹ lưỡng của bác sĩ, bằng không sẽ có hại nhiều hơn lợi, lý do bí truyền là ở chỗ tai hại nầy. Nếu như thuật điều khí, dưỡng thần, truyền thần, xuất thần…v..v.. là một công thức cố định mà bất cứ cơ thể người nào cũng có thể áp dụng có kết quả tốt thành Tiên hoá Phật được thì bậc chơn tu là kẻ có lòng từ tâm biết thương đời, muốn cứu vớt chúng sanh khỏi vòng trầm luân khổ hải đâu có lý do gì để giữ kín.

Đối với bậc hạ thừa Đức Hộ Pháp có cho phổ biến rộng rãi một phương pháp tập thể dục, gọi là phương pháp dẫn huyết gồm động tác vận động cơ bắp, gân cốt, kích thích thần kinh. Đặc biệt đáng chú ý là cách thở dài hơi, chậm,sâu xuống bụng gọi là dẫn khí xuống đan điền. Cách hấp cặp nhãn bằng cách xoa lòng bàn tay rồi vuốt mắt cho mở bùng ra, tinh thần phải mạnh dạng và thấy hình Thiên Nhãn, và phần chót thuộc tư tưởng buộc phải tập suy nghĩ cho chơn chánh hằng ngày. Thể dục xong cúng thời sáng mỗi ngày một lần. Trên thực tế áp dụng lối dưỡng thần nầy không phải dễ dàng thành công. Trong cuộc đời bon chen cơm áo nầy con người luôn bị tác động để suy nghĩ những chuyện gian dối tham lam, giành nhau từng chút lợi quyền nhỏ nhặt , hằng ngày buộc phải sống với hạnh đức của bậc chân tu, suy nghĩ cho chơn chánh, lòng phải thanh tịnh để tưởng tượng được ra hình Thiên Nhãn.

Dầu đó chỉ là bước đầu luyện tập, người tín đồ từ đó vẫn phải trải qua những cuộc tranh đấu nội tâm dữ dội lắm mới đi được trên con đường chánh đạo.

Ngay như hình thức cúng tứ thời hàng ngày tại tư gia người tín đồ, xét trên phương diện tâm pháp khả năng trụ thần được trong thời cúng ít bị phóng tâm cũng có ít người thành công, vẫn biết rằng :

  • " Lễ bái thường hành tâm Đạo khởi ".

Nhưng chỗ rốt ráo vẫn là :

  • " Sang hèn trối kệ tâm là quí
    Tâm ấy tòa sen của Lão ngồi "

Con đường tu chơn phải ngó đến chỗ rốt ráo ấy. Miệng đọc kinh lâm râm mà lòng tưởng nhớ lung tung chuyện đời, tâm ấy đâu còn chỗ trống để làm " Toà sen cho Lão ngồi ".Cúng mà Thần Thánh không ngự được nơi tâm thì lạy ai đây ?

Lạy khói nhang hay lạy bàn thờ bằng gỗ, hay lạy tiền tài danh vọng, tình duyên đang nhớ tới bên trong. Khía cạnh phàm tục của con người là như thế, chiếc áo không làm nên thầy tu.

Đi vào tu chơn là đối diện với sự thật tâm linh một cách rõ ràng Thánh, phàm không lẫn lộn, bí pháp trong nghi lễ cúng lạy là ở chỗ mở ra tâm mình giao cảm được với các Đấng để nắm bắt được bóng dáng của Chân Sư làm một quyền năng vô hình dìu dẫn mình từng chuyện lớn nhỏ trong suốt cuộc đời tu học về sau cho đến chỗ :

 

  • " Đạo hư vô Sư hư vô
    Reo chuông thoát tục phất cờ tuyệt sinh "

    ( Kinh xuất hội )

Bước khởi đầu mượn hữu hình tìm đến vô vi còn chưa thực hiện được, lại đòi bí pháp tịnh luyện để siêu phàm nhập Thánh chỉ là mơ vọng xa xôi.

Quan niệm tu chơn của Toà Thánh Tây Ninh rất nghiêm khắc, vì vậy việc truyền bí pháp của Hiệp Thiên Đài vẫn trong vòng im ẩn, ít người biết rõ.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 737 | Tác giả: Nguyễn Long Thành