× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Quan Niệm Tu Chơn Trong ĐĐTKPĐ


V. Biến Tướng Của Phạm Môn

Nguyên từ buổi ban sơ, các nhóm phò loan học Đạo bằng cơ bút, giáo lý của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ truyền dạy qua cơ bút cũng có đôi phần khác hơn với cựu luật của Tam Giáo đang lưu truyền buổi ấy. Đặc biệt vấn đề tịnh luyện, thiền định, Đức Chí Tôn giáng cơ xác định những điều căn bản sau đây đối với các tín đồ gốc ở Đạo Phật và Đạo Lão chuyển sang. Tóm tắt như sau :

 

  • " Luật lệ tuy cũ nhưng Đạo vẫn như nhiên. Do công đức mà đặng đắc Đạo cùng chẳng đặng ".

    " Tu thành công hay không là do người hành Đạo".

    " Phép luyện Đạo không đổi".

    " Tam Kỳ Phổ Độ là một trường thi công quả".

    " Duy Thầy cho Thần hiệp cùng Tinh Khí đặng hiệp Tam Bửu là cơ siêu phàm nhập Thánh ".

    " Thầy đến đặng huờn nguyên cho Chơn Thần các con đắc Đạo".

Yếu tố công đức được quan tâm trước tiên thay vì phương pháp công phu, tịnh luyện, thiền định. Do đó, khi tổ chức đời sống tu hành của tín đồ nhằm mục đích giải thoát sau cùng, đường lối Phạm Môn chủ trương phải dấn thân nhiệt thành làm công quả một thời gian song song với việc học hỏi để mở mang trí tuệ, tu chỉnh đức hạnh của mình cùng với cúng kiến, công phu để rèn luyện Tinh Khí Thần theo chiều hướng hiệp nhứt Tam Bửu. Nếp sống nầy hiện ra thành những sinh hoạt cộng đồng của nhà sở có tính chất giống như phước thiện, thu hút được một số đồng đạo ngày càng đông dần theo thời gian và có một sắc thái đặc biệt hiện rõ lên giữa một khối tín đồ Cao Đài buổi đầu còn đa dạng. Từ đó dấy sinh lên trong lòng người cái nhìn và phê phán có tính cách trường phái là nguyên nhân đưa đến những khảo dượt làm biến tướng Phạm Môn.

Trước tiên là danh xưng Phạm Môn nguyên văn lấy từ bài thi của Đức Chí Tôn giáng cơ cho.

  • " Tỉnh ngộ xá thân tại Phạm Môn .."

Phạm Môn có nghĩa là cửa Phật, chữ Phạm còn đọc là Phạn có nghĩa là Phật (Hán Việt Tự Điển của Nguyền Văn Khôn. Khai Trí. Xuất bản năm 1969, nơi trang 692 ghi rõ như sau : Phạm ( Phật ) thanh tịnh, trong sạch. Một âm nữa là Phạn).

Vì Đức Hộ Pháp mang họ Phạm nên Phạm Môn bị hiểu lầm xuyên tạc là của dòng họ Phạm. Phạm Nghiệp là tên của cơ sở kinh tế đầu tiên của đường lối tu chơn tại Tây Ninh. Nguồn vốn đầu tiên của cá nhân và gia đình Ngài, có sự hùn công của một số đồng đạo cùng chung sống với nhau, tổ chức như một đơn vị kinh tế tự lập, không phải là tài sản của Hội Thánh.

Lời giải thích xác định ấy được diễn dịch ra dưới cái nhìn phe phái cho rằng Đức Hộ Pháp lập riêng sự nghiệp của những người họ Phạm.

Xin trích nguyên một đoạn trong tờ lời giảng ngày 15-10 - Nhâm Thân do Ngài Thượng Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh viết :

 

  • " Đức Hộ Pháp ban đầu có lập một cảnh nhà bên đường lộ Tây Ninh Sài Gòn, gần ngã ba Mít Một, đặt tên là Phạm Môn để cho gia quyến của Ngài ở và thờ ông bà kiến họ Phạm là họ của Ngài. Ngài khai rằng : là của riêng của Ngài sắm không ăn nhập với Hội Thánh. Hai năm nay Ngài có lập riêng ra nhiều chỗ nữa, người ta cũng kêu là Phạm Môn, song Ngài nói để chữ Phạm là Phật như :

     

    • 1/- Phạm Môn gần Ao Hồ.
      2/- Khách Đình.
      3/- Phạm Nghiệp Nam.
      4/- Nữ Công Nghệ ở gần Tòa Thánh.
      5/- Phạm Từ ở Cẩm Giang. Đức Hộ Pháp coi là của riêng của người họ Phạm, hay là người vào Phạm Môn, không ăn nhập với Đạo.
      6/- Giang Tân ở Bến Kéo.
      7/- Sở làm ruộng ở Núi Sập (Long Xuyên).

       

    Ngài nói là sở làm ăn của người kiến họ Phạm của Ngài chớ không phải của Đạo, Ngài nói Ngài dùng tiền bạc riêng của Ngài mà lập ra các sở nầy nên Ngài không cho Hội Thánh hay trước. Ngài nói như Hội Thánh muốn lãnh các sở ấy mà làm theo sở hành Phước Thiện của Ngài sắp đặt cho đạo hữu thuở nay thì Ngài giao cho, song cũng phải thối hồi những tiền sở tổn về việc ấy thuở giờ cũng là nhiều…"

Còn về phía chính quyền tại Tây Ninh, người Pháp luôn luôn tình nghi Đạo Cao Đài là một tổ chức chính trị chống Pháp trá hình, nên những hình thức tập hợp tín đồ thành từng nhà sở kinh tế kiểu nầy càng làm tăng thêm mối nghi ngờ sẵn có, dĩ nhiên người Pháp phải tìm cách ngăn chận và dập tắt. Sau cuộc khám xét, lục soát tại Hộ Pháp Đường vào cuối năm Quí Dậu ( 1933 ) chính quyền Pháp ra lịnh đóng cửa các cơ sở Phạm Môn với lý do lập hội không giấy phép. Nội vụ đưa ra tòa, Hội Thánh chống án, và cuối cùng được tòa tối cao bên Pháp xử trắng án.

Mặc dầu được trắng án, mối căng thẳng giữa Đạo và chính quyền Pháp vẫn không có gì giảm bớt.

Sau cuộc đại náo Đạo quyền tại Toà Thánh Tây Ninh ngày 20-1- Giáp Tuất ( 5-3-1934 ) về việc chia chi phái, những người tu ở Phạm Môn tỏ ra rất trung thành với lập trường của Hội Thánh, nên Đức Quyền Giáo Tông yêu cầu Đức Hộ Pháp mượn người Phạm Môn bổ đi các địa phương để giữ vững tinh thần của các tín đồ.

Đứng trước tình thế nan giải ; trong thì nội bộ bất hòa, chia rẽ, chi nầy, phái nọ nghịch lẫn nhau. Ngoài thì Pháp đàn áp, bắt bớ, giam cầm, tra tấn số đông anh em Phạm Môn ở khám đường Tây Ninh cả ba tháng trời, Đức Hộ Pháp đồng ý đưa anh em Phạm Môn ra cầu phong, nhận lãnh áo mão, phẩm tước của Hội Thánh hành Đạo để giải tỏa những sự hiểu lầm trong và ngoài Hội Thánh.

Đàn cơ tại Cung Đạo Đền Thánh đêm 15-2- Ất Hợi ( 19-3-1935 ). Đức Lý Giáo Tông phong :

 

  • · ? Giáo Hữu.
    · 26 Lễ Sanh Nam.
    · 14 Lễ Sanh Nữ.

Hầu hết những vị nầy đều được bổ nhiệm làm đầu họ Đạo Phước Thiện tại các tỉnh có nhiệm vụ lập các sở Lương Điền, Công Nghệ, Thương Mãi y như Phạm Môn nhưng đổi tên lại thành Phước Thiện và các cơ sở nầy thuộc quyền Hội Thánh.

Cơ quan Phước Thiện mới thành hình đặt dưới quyền chưởng quản của Ngài Khai Pháp Hiệp Thiên Đài Trần Duy Nghĩa.

Như vậy đường lối tu chơn Phạm Môn không áo mão, phẩm tước trong buổi đầu đã bị biến tướng thành cơ quan Phước Thiện mở rộng ở nhiều tỉnh từ năm 1935 với Thập Nhị đẳng cấp thiêng liêng là 12 phẩm tước do Hội Thánh mới đặt ra gồm :

 

    • 1/- Minh Đức.
      2/- Tân Dân.
      3/- Thính Thiện.
      4/- Hành Thiện.
      5/- Giáo Thiện.
      6/- Chí Thiện.
      7/- Đạo Nhơn.
      8/- Chơn Nhơn.
      9/- Hiền Nhơn.
      10/- Thánh Nhơn.
      11/- Tiên Tử.
      12/- Phật Tử.

Tám phẩm dưới do Hội Thánh phong có nhiệm vụ giúp Hội Thánh Cửu Trùng Đài. Bốn phẩm sau cùng là Hiền Nhơn, Thánh Nhơn, Tiên Tử, Phật Tử phải do cơ bút định, giúp Hội Thánh Hiệp Thiên Đài giữ gìn chơn pháp tức là bảo thủ bí pháp tâm truyền.

 



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 936 | Tác giả: Nguyễn Long Thành