× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Quan Niệm Tu Chơn Trong ĐĐTKPĐ


Giải Đáp Vài Thắc Mắc về Tu Chơn Luyện Kỷ

1/- Hỏi :

Điều thứ 13 chương II Bộ Tân Luật Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do Tòa Thánh Tây Ninh ban hành từ năm 1927 qui định rằng :

Trong hàng hạ thừa ai giữ trai kỳ từ 10 ngày sắp lên được thọ truyền Bửu Pháp vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo. Nay Đức Hộ Pháp chủ trương phải có đủ tam lập mới được nhập tịnh tại Trí Huệ Cung, điều ấy có quá khắt khe chăng ?

Đáp :

Về khoảng trong hàng hạ thừa ai giữ trai kỳ từ 10 ngày trở lên được thọ truyền Bửu Pháp vào tịnh thất có người chỉ luyện Đạo. Hội Thánh đã cho phổ biến một phương pháp tập dưỡng sinh cho cơ thể tinh tấn dần, chuẩn bị bước lên bậc thượng thừa đòi hỏi nhiều công phu nghiêm khắc hơn.

Phương pháp nầy gồm :

* Một số động tác thể dục bắp thịt và gân cốt, cách thở dài hơi sâu, chậm và cúng thời Mẹo mỗi ngày để điều hòa khí huyết và dưỡng thần một cách nhẹ nhàng, áp dụng cho bậc hạ thừa ở nhà cũng luyện tập được không đòi hỏi điều kiện phải vào tịnh thất.

* Phương pháp nầy đã thấy phổ biến từ khi Đức Hộ Pháp còn sanh tiền, nhưng tiếc thay chỉ có một số ít người chịu khó luyện tập thành thử lâu ngày ít nghe nhắc tới, đến thế hệ sau gần như thất truyền nên có một số người hiểu lầm là Hội Thánh không thi hành điều khoản nầy của Tân Luật. Đó là lúc sống, còn khi chết Hội Thánh cũng đã thực hiện lời hứa của Đức Chí Tôn, ai giữ trai kỳ từ 10 ngày trở lên được thọ truyền Bửu Pháp, bằng cách cho làm phép xác, cắt dây oan nghiệt, độ thăng, tức là thực hiện phần bí pháp độ hồn cho những ai có đủ điều kiện giữ trọn 10 ngày chay mỗi tháng.


2/- Hỏi :

Cũng trong Bộ Tân Luật nầy chương nói về Tịnh Thất, điều thứ nhứt qui định trong hàng tín đồ, ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai giới từ 6 tháng trở lên thì được xin vào tịnh thất nhập định.

Luật đạo chỉ đưa ra về điều kiện trai giới và gia đạo, không đòi hỏi phần công quả, phải chăng vì quá chú trọng đến việc truyền giáo. Đức Hộ Pháp đã đưa ra tiêu chuẩn tam lập đẩy lùi sinh hoạt tịnh luyện vào giao đoạn chót của tiến trình tu tập. Như vậy có thiệt thòi gì cho người tín đồ hay không về phương diện tinh luyện thân xác.

Đáp :

Chẳng những không thiệt thòi mà còn có lợi vì đỡ mất nhiều thời gian luyện tập mà không đem lại kết quả mong muốn. Nói theo lối hạ thừa tiệm tiến cho dễ hiểu, ai cũng biết nguyên lý căn bản của việc tu luyện là Giới Định Huệ, phải đi bước thứ nhứt trước rồi mới đến bước thứ hai, thứ ba tuần tự diễn tiến. Vả chăng trong phép cúng tứ thời cũng đã rèn luyện cho người tín đồ quen gom thần định trí, đến khi có đủ tam lập bước qua sinh hoạt tịnh luyện, thiền định kết quả dễ dàng nhanh chóng bảo đảm hơn. Đời người có giới hạn, sự phân phối thời gian tu tập như vậy có lợi và hợp lý hơn, vả chăng đâu phải người chức sắc đi làm công việc truyền giáo hay là tín đồ tu thân tại gia không có bổn phận tinh luyện xác thân mình, đâu phải không vào nhà tịnh là không tinh luyện thân xác, có nhiều hình thức tùy hoàn cảnh mà thích nghi.

Đây chỉ nói về phương pháp tu học còn riêng về cá nhân con người thì bất cứ trong lãnh vực sinh hoạt nào, tổ chức nào cũng có kẻ siêng người lười, lẫn lộn xưa nay vẫn vậy.


3/- Hỏi :

Nếu công đức là yếu tố quyết định cho người tu dắc đạo, vậy trong trường hợp một người có nhiều công nghiệp phụng sự vạn linh, nhưng các hạ thể chưa tinh luyện, chẳng hạn đời sống còn se sua, lãng phí, hoặc còn uống rượu, hút thuốc trong các ngày hội họp tiệc tùng chi đó. Hỏi những người nầy có được truyền bí pháp không ?

Đáp :

Khí thể con người luôn có điển quang, những người chưa tinh luyện các hạ thể một cách nghiêm khắc, lằn điển quang ấy còn nhiều trược khí thì từng ngày từng tháng họ đang tự phá hủy dần cái đức của mình đã có được do công của họ mang lại.

Đức Chí Tôn đã phán dạy :

  • " Các con đã rõ Đạo thì phải biết đức cần kiệm là đức hạnh đầu trong lúc các con còn ở thế gian nầy. Như sự lãng phí se sua ở đời nầy Thầy cũng cho là một việc tổn đức vậy ". ( TNHT.Q1. Tr 48 )

Và Đức Lý đã phán dạy :

  • " Tửu nhập tâm di, hại tổn bình sanh chi đức, tánh Thiên Đạo diệt, giục tranh thế sự chi oan ".

Nghĩa là : Rượu vào lòng đổi hại hao đức bình sanh, tánh dời Đạo hủy, giục tranh oan nghiệt thế tình. ( Trích Đạo Sử. Tác giả Hương Hiếu )

Và điều thứ sáu Chương Tịnh Thất Bộ Tân Luật, buộc người vào Tịnh Thất rồi phải tuyệt trầu thuốc và không ăn chi ngoài bữa cơm.

Do đó xét về mặt hữu hình, về phương diện tam lập chưa hội đủ điều kiện, xét về mặt bán hữu hình thì khí thể trong chơn thần còn ô trược. Lằn trược khí ấy khi tiếp nhận điển quang của các Đấng thiêng liêâng dễ làm biến tướng xảy ra các hiện tượng Tả Đạo Bàn Môn.

Vì vậy dù đứng trước Chân sư cũng khó mong được các Ngài chấp thuận truyền bí pháp.

Khi giảng về tam lập Đức Hộ Pháp có nói vấn đề nầy rất khó vì nó thuộc về nửa thể pháp, nửa bí pháp. Bí pháp là phần điển quang trong sáng của khí thể chơn thần. Thể pháp là phần công nghiệp và đức hạnh biểu lộ ra trước mắt nhơn sanh nhì thấy được. Tiêu chuẩn Tam Lập đầy đủ gồm cả hai phương diện nầy.


4/- Hỏi :

Có trường hợp nào một người tín đồ mới bắt đầu tu tập theo giáo pháp Tam Kỳ Phổ Độ chỉ một thời gian thật ngắn mà có đủ tam lập nghĩa là trong nhà tịnh có tuổi thanh niên tham dự không ?

Đáp :

Hội Thánh có nhiệm vụ tạo điều kiện cho tín đồ tu tiến, sự giác ngộ tâm linh không phân biệt tuổi tác. Cơ duyên để thành công sáng chói trên đường đạo của một người còn tùy thuộc vào khối nghiệp lực tiền khiên của kẻ ấy. Nếu họ đến thế nầy với một khối thiện nghiệp sẵn có của tiền kiếp thì dù còn trong tuổi thanh niên, một khi chơn thần đã hội đủ điều kiện tinh tấn cần thiết để nhập vào tịnh thất không ai ngăn cản bước đi của họ được.

Cũng như về phương diện hữu hình, chức sắc hành đạo đủ thâm niên công nghiệp có tài năng và đức độ, được thăng phẩm theo luật công cử từ Lễ Sanh lên Giáo Hữu rồi Giáo Sư, Phối Sư, Đầu Sư, Chưởng Pháp, Giáo Tông, bên cạnh những bậc thăng phẩm trật tuần tự ấy vẫn có trường hợp Đức Chí Tôn giáng cơ phong thưởng không theo luật công cử, nghĩa là từ một người tín đồ có thể được phong làm chức sắc cao cấp.

Tuy nhiên dù có mang phẩm tước hay tu chơn, mục đích sau cùng của việc tu hành vẫn là sự giác ngộ tâm linh nghĩa là giải thoát. Những trường hợp đặt biệt rút ngắn hay là vượt bực qua khỏi tiến trình tu tập được ấn định chung, chẳng qua chỉ là sự tiếp nối cuộc sống tu hành từ tiền kiếp của những linh hồn tấn hóa đến mức ấy rồi, người ta thường gọi đó là những kẻ có căn cơ thì chung qui cũng phải do nơi công đức của họ đã tạo được từ trước.


5/- Hỏi :

Điều khoản bổ túc của Đạo Luật Mậu Dần ban hành từ năm 1938 đã thủ tiêu hai chữ tuyệt dục trong Bộ Tân Luật ĐĐTKPĐ đã có từ năm 1927. Trong khi Tòa Thánh Tây Ninh vẫn chủ trương, người tu thượng thừa khi có đủ tam lập sẽ bước vào nhà tịnh mà luyện đạo, tham thiền để siêu phàm nhập Thánh. Điều nầy có mâu thuẫn hay không với nguyên lý thăng hoa của Tinh Khí Thần đòi hỏi phải có một thân phàm tinh khiết mới xuất chơn thần tinh khiết ?

Đáp :

Vấn đề tuyệt dục trong Đạo Cao Đài được áp dụng một cách nhẹ nhàng trên căn bản tự giác cho mỗi cá nhân. Nói chung các giới luật được áp dụng từ dễ đến khó, khởi đầu lỏng lẻo sau nghiêm khắc dần tùy theo mức độ thăng tiến của mình, lẽ dĩ nhiên khi bước vào sinh hoạt tịnh luyện, thiền định người tu phải ý thức được vấn đề nầy, tự mình phải biết tuyệt dục đâu đợi ai cấm đoán. Còn nếu như chưa ý thức được thì con đường hãy còn xa lắm.

Cũng như vấn đề trai giới luật Đạo đòi hỏi khởi đầu giữ được mức 6 ngày một tháng, rồi đến 10 ngày đến trường trai cho cơ thể quen dần. Còn nếu như mình tự nguyện giữ trường trai ngay từ bước đầu khi nhập môn thì đó là quyền của mình, đi nhanh hay chậm tự mình định đoạt. Thế nhưng kinh nghiệm của tiền nhân thường thấy tình trạng giục tốc bất đạt, nên mới đặt ra các điều luật hướng dẫn sinh hoạt tu tập của tín đồ tuần tự chậm rãi, dễ thành công hơn là chạy nhanh rồi vấp ngã.


6/- Hỏi :

Một số các chi phái Cao Đài chủ trương cho tín đồ luyện đạo, thiền định ngay từ lúc mới khởi đầu cuộc sống tu hành. Như vậy có phải tín đồ ở các chi phái nầy có đời sống tâm linh cao hơn các tín đồ tu ở Tòa Thánh Tây Ninh, nơi mà Hội Thánh đòi hỏi phải có một thời gian lập công bồi đức cho đến khi thấy đủ tam lập mới đi vào sinh hoạt tịnh luyện, thiền định ?

Đáp :

Giáo pháp ĐĐTKPĐ chủ trương đưa linh hồn con người trở về cựu vị là chỗ nguyên thủy của nó, tức là hòa nhập được vào bản thể của vũ trụ. Đến tình trạng nầy người ta gọi là đoạt vị, huờn nguyên hay siêu phàm nhập Thánh, mỗi từ ngữ đều có ít nhiều khía cạnh khác nhau trong ý nghĩa của nó là do ở nhân sinh quan của mỗi cá nhân nhìn cuộc đời như thế nào. Mỗi linh hồn đến thế nầy với vai tuồng gì lâu mau đều định trước, làm cho tròn thiên trách của mình trở về cựu vị được là thành công trong kiếp sống tu hành.

Khi đưa ra chương trình tu tập cụ thể, các bậc tiền bối cầm quyền Hội Thánh tại Tòa Thánh Tây Ninh đã cân nhắc về hiệu quả của chương trình phổ độ, làm thế nào giúp đỡ thiết thực các linh hồn đến thế nầy ngay từ khi còn trong xác phàm và sau khi thoát xác nữa, thúc giục, trợ duyên cho họ đi trên con đường tấn hóa, ấy là cơ tận độ của Đức Chí Tôn.

Ý niệm cao thấp, hơn thua trong tinh thần khinh trọng không có trong triết lý Đại Đạo nhưng trong lòng người thấy vẫn còn hay vướng mắc ở điểm nầy.


7/- Hỏi :

Nếu Ngài Ngô Văn Chiêu chấp nhận làm Giáo Tông Đạo Cao Đài theo Thánh giáo Tòa Thánh Tây Ninh do Đức Hộ Pháp và Đức Thượng Phẩm cầu thì vấn đề truyền bí pháp tịnh luyện của Ngài sẽ như thế nào. Vì theo Pháp Chánh Truyền vấn đề truyền bí pháp do Hiệp Thiên Đài chịu trách nhiệm trong khi Giáo Tông chỉ chịu trách nhiệm về phần xác của tín đồ ?

Đáp :

Trách nhiệm Giáo Tông là phải dạy dỗ tín đồ hiểu biết ý nghĩa và diễn tiến trên con đường tấn hóa cả về thể pháp lẫn bí pháp. Và khi người tín đồ cần được truyền bí pháp thì Hiệp Thiên Đài phải thi hành phận sự của mình làm một nơi trung gian cho quyền năng của Đức Chí Tôn diêu động khối điển quang trên chơn thần của họ.

Vì vậy Cửu Trùng Đài và Hiệp Thiên Đài không thể xa rời nhau được. Thánh ý Đức Chí Tôn muốn vậy./.

Nguồn: http://daotam.info/booksv/nltqnvtctddtkpd.htm



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 872 | Tác giả: Nguyễn Long Thành