× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Quan Niệm Tu Chơn Trong ĐĐTKPĐ


4/- Tòa Thánh chủ trương thế nào về Khoa Tịnh Luyện?

Ngay từ những ngày đầu thành lập Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ khi ban hành bộ Tân Luật vào năm 1927, Tòa Thánh Tây Ninh đã dành một chương trong bộ luật Đạo để nói về những sinh hoạt tịnh luyện trong chương trình phổ độ của Hội Thánh. Chương này gồm 8 điều khoản qui định một cách tổng quát nhà Tịnh phải có một Tịnh chủ điều khiển giờ giấc công phu, chế độ ăn uống của ngừơi tu tập, điều kiện nhập tịnh và sự quan hệ với ngừơi ngoài.v.v...

Pháp Chánh Truyền qui định các Tịnh Thất đặt dưới sự trông coi của vị Thượng Phẩm Hiệp Thiên Đài.

Như vậy trong chánh thể của Đại Đạo Tam Kỳ Độ các sinh hoạt về khoa tịnh luyện, thiền định nằm ở Hiệp Thiên Đài nghĩa là vị chưởng quản Hiệp Thiên Đài. Hộ Pháp chịu trách nhiệm tối cao về việc truyền bí pháp hướng dẫn những sinh hoạt công phu, tịnh luyện, thiền định của người tu tập. Vị chức sắc phải chịu trách nhiệm trực tiếp là Thượng Phẩm.

Ngài Thái Thơ Thanh vị chức sắc Cửu Trùng Đài người đã có công đầu tiên đi tìm mua miếng đất xây cất Tòa Thánh và Khuôn viên Nội Ô Tòa Thánh hiện nay cũng đã theo đuổi công phu tu tập tịnh luyện và đã được Đức Hộ Pháp trợ thần, điều chỉnh kịp thời một bước sai lầm trong một chuyến xuất thần của Ngài. Nhờ sự can thiệp giúp đỡ đúng lúc của Đức Hộ Pháp ở cấp độ chơn thần đầy linh hiển, Ngài Thái Thơ Thanh trở thành một người bạn Đạo trọn lòng tín nhiệm nơi Đức Hộ Pháp và Ngài đã hủy bỏ sơ đồ Nội Ô Tòa Thánh mà Ngài đã phác họa và chấp nhận tuân theo sự sắp đặt của Đức Hộ Pháp mà thôi.

Năm 1928 Đức Hộ Pháp mở Phạm Môn, một đường lối tu hành vượt qua hình tướng áo mão, quyền hành chuyên chú nhiều về phương diện Tam Lập ( lập Đức, lập Công, lập Ngôn ). Và Phương-luyện-Kỷ để đạt tới tình trạng Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần hườn Hư mà đoạt cơ giải thoát. Ngài đã tuyển lựa một số người ở Phạm Môn có đủ điều kiện để nhập tịnh và Ngài đã truyền bí pháp công phu tịnh luyện, thiền định cho từng người. Các sinh hoạt loại nầy không được phổ biến rộng rãi vì rất khó thành công và rất ít người có điều kiện theo đuổi.

Trong suốt thời gian còn sanh tiền Đức Hộ Pháp cũng đã thường xuyên theo dõi tình trạng Chơn Thần của một số chức sắc Hiệp Thiên, Cửu Trùng, Phước Thiện có điều kiện phát triển về khoa luyện kỷ nầy để kịp thời điều chỉnh những sai lệch và nâng đỡ bước đường công phu cho được tinh tấn. Ấy là phận sự đặt biệt của Đức Hộ Pháp y như lời dạy của Đức Chí Tôn nhân khi đề cập tới cái hại của rượu về phần hồn con người như sau :

 

  • " Thầy dạy về hại của phần hồn các con Thầy nói cái Chơn Thần là nhị xác thân các con, là khí chất nó bao bọc thân thể các con như khuôn bọc vậy nơi trung tâm của nó là óc nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác gọi tiếng chữ là Vi Hộ nơi ấy Hộ Pháp hằng đứng mà gìn giữ chơn linh các con khi luyện thành Đạo đặng hiệp một với Khí rồi Khí mới thấu đến Chơn Thần hiệp một mà siêu phàm nhập Thánh ".

Ngày 14-4- Tân Mão (1956) Đức Hộ Pháp còn tuyên bố rõ ràng công việc trợ lực của một vị Hộ Pháp còn mang xác phàm đối với người xin nhập Tịnh vào Trí Huệ Cung một cách cụ thể như sau :

  • " Ấy vậy khi muốn bước vô Trí Huệ Cung phải có đủ Tam lập là tu thân, nhưng làm sao biết họ đã lập công, lập ngôn, lập đức của họ rồi, dầu giao cho Bộ Pháp Chánh cũng chưa chắc điều tra được bởi nó thuộc về nửa bí pháp nửa thể pháp…

    Bây giờ bần Đạo có một điều. Những người nào xin đến Trí Huệ Cung Bần Đạo coi màng màng được thì Bần Đạo trục Chơn Thần của họ cho hội diện cùng quyền năng Thiêng Liêng nếu có đủ Tam lập thì vô không đủ thì ra…".

Về phương diện hình tướng Đức Hộ Pháp đã hoàn tất được hai trung tâm Tịnh Luyện là Trí Huệ Cung và Trí Giác Cung còn lại trung tâm thứ ba là Vạn Pháp Cung chỉ mới phác họa, kế đến Ngài qui Thiên nên chưa hoàn thành được.

Điều quan trọng hơn hết mà người nghiên cứu về Đạo Cao Đài không thể quên được là chương trình phổ độ của Tòa Thánh Tây Ninh gồm hai phần tương liên mật thiết với nhau là thể pháp và bí pháp.

Thể pháp là hình tướng của Đạo tức nhiên là hình trạng của Hội Thánh. Bí pháp là quyền năng của điển lực để giải thoát. Phận sự đặt biệt của Hộ Pháp trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là cầm bí pháp để giúp đỡ chúng sanh tự giải thoát lấy mình. Việc phổ độ bắt đầu bằng hình tướng đưa người vào cửa Đạo để nương theo các tổ chức, sinh hoạt Đạo giáo mà lập công, lập đức, lập ngôn tiêu trừ nghiệp chướng tiền khiên tân tạo của mỗi người và kết thúc bằng pháp giới độ tận chúng sanh. Hai phần nầy nằm trong chánh thể Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Hội Thánh có nhiệm vụ thực hành trọn vẹn cả hai. Tuyệt nhiên trong chơn truyền của Đức Chí Tôn không hề có sự phân chia làm hai, phần phổ độ gọi là Ngoại Giáo Công Truyền do Tòa Thánh Tây Ninh đảm trách, còn phần công phu tịnh luyện, thiền định gọi là Nội Giáo Bí Truyền do một chi phái đảm trách.

Cơ siêu phàm nhập Thánh là quyền năng của điển lực Chơn Thần con người, nó không chịu thúc phược bởi bất cứ thế lực chính trị hữu hình của tổ chức Đạo giáo nào. Hễ tinh thần cá nhân của mỗi người tu có đủ tính thánh thiện thì đương nhiên siêu phàm nhập Thánh hiển linh tại thế, thoát xác rồi Chơn Thần bất tiêu, bất diệt và ngược lại, tinh thần còn vương vấn những nét phàm tục thì cửa luân hồi vay vay, trả trả chưa hề qua khỏi.

Quyền pháp này không phải riêng có trong Cao Đài Giáo mà nó vẫn có từ ngàn xưa trong tất cả các Đạo giáo bất di bất dịch với thời gian. Hình tướng Đạo giáo chỉ là cái vỏ bề ngoài còn sự giải thoát là nội dung chứa đựng bên trong không thể có tình trạng vỏ một nơi ruột một nẻo.

Thể pháp và bí pháp tương liên cùng nhau như bóng với hình, hễ có hình thì có bóng, có bóng thì có hình. Tỉ như lời kinh tiếng kệ tụng niệm hằng bữa là cái hình thể mà người tu đang cố gắng gom Thần định Trí vào một tư tưởng thanh cao là Trời Phật. Còn cái bóng của kệ kinh tức nhiên là kết quả của sự tụng niệm, là trạng thái sống của tinh thần người ấy đạt được, hoặc là tình trạng vắng bặt tà tâm, tư ý, vọng niệm, hoặc chú định được vào cái âm ba trầm bỗng hoặc dường như quên hẳn âm ba hòa nhập được vào dòng Thần lực của Trời Phật tuôn chảy qua hồn phách mình tỏa ra một vùng không gian lân cận, một sức sống tâm linh mãnh liệt bàng bạc nhiệm mầu làm thức tỉnh Chơn Thần sanh chúng. Âm ba kinh kệ là hình sức sống; tâm linh là bóng; hình với bóng không thể xa nhau.

Ấy là luận một việc nhỏ, còn việc lớn hơn Thiên Thơ của Đức Chí Tôn mở cơ tận độ khi Ngài lập pháp Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ban quyền cho Hội Thánh độ rỗi con cái của Ngài đến chỗ giải thoát, Ngài ban cho Hội Thánh đủ quyền cả về thể pháp lẫn bí pháp.

Đây là lời dạy của Phật Mẫu đối với Đức Hộ Pháp :

 

    • " Hễ làm mẹ quyền hành dạy trẻ
      Con đừng lo mạng thế thi phàm
      Huyền linh mẹ chịu phần cam
      Ban cho con trẻ vẹn toàn pháp môn."

      ( Thánh giáo ĐHP cầu tại Trí Huệ Cung )

Vậy thì yếu tố quyết định sự thành bại trên đường tu là công nghiệp phụng sự vạn linh để tiêu trừ nghiệp chướng tiền khiên, trau dồi đức hạnh để nâng cao chất Thánh cho Tinh hóa Khí, Khí hóa Thần, Thần hườn Hư được mà không mang theo một chút ô trược trong Chơn Thần mới nhập vào cõi hằng sống được.

Tiến trình ấy liên tục và từng giai đoạn thăng tiến đều có sự hướng dẫn đúng lúc; chẳng hề có sự phân chia phái phổ độ dạy tu tề trị bình, phái vô vi lo siêu phàm nhập Thánh ; hoặc người muốn được siêu thoát phải rời khỏi phái phổ độ, nhập môn vào phái vô vi nhận khẩu khuyết tâm truyền luyện Tam Bửu Ngũ Hành công phu thiền định mới đắc Đạo.

Ngày nay Đức Hộ Pháp đã về Thiêng Liêng vị. Quyền năng chuyển pháp của Chơn Thần càng dễ dàng ứng biến với những lời cầu nguyện chân thành của người tầm Đạo dầu ở phương trời góc biển nào, khi người tín đồ đủ công đức xứng đáng để được khai mở năng khiếu tâm linh thành tâm cầu nguyện sự trợ lực của Ngài. Ngài sẽ diệu dụng quyền năng điển lực của Bửu Pháp Kim Quang Tiên và Long Tu Phiến để trợ thần cho người hành công phu tu luyện cho Tinh hoá Khí, Khí hóa Thần, Thần hườn Hư mà siêu phàm nhập Thánh.

Ấy là công việc của Đức Hộ Pháp nơi cõi Hư linh còn phần pháp giới bán hữu hình tức nhiên là những công việc huyền linh cần có xác phàm mới gần gũi đặng Chơn Thần và thể phách của chúng sanh, luôn luôn trong cửa Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nầy vẫn có những bậc cao tăng ẩn dạng, đủ quyền năng tinh thần để thi hành trọn vẹn sứ mạng ấy. Họ làm việc theo Thánh ý Đức Chí Tôn thể hiện sự công bình thiêng liêng nơi mặt thế hữu hình nầy. Cửa Bát Quái Đài vẫn luôn luôn mở để đón rước chơn thần sanh chúng đủ công đức xứng đáng đối diện cùng quyền năng của Đức Chí Tôn và các Đấng trọn lành.

Cho nên dù Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đã về thiêng liêng vị, phần Bí Pháp trong Đạo Cao Đài vẫn thực hiện được.

" Do công đức mà đặng đắc Đạo cùng chẳng đặng"
Ấy là lời phán quyết tối cao của Đại Từ Phụ vậy.

Lập Đạo Cao Đài Đức Chí Tôn mở cơ tận độ, ngay từ buổi sơ khai Đức Chí Tôn đã dạy :

  • " Chiêu Kỳ Trung độ dẫn Hoài Sanh ".

Ngài gọi đích danh Ngài Ngô Văn Chiêu trước nhứt dạy phải " độ dẫn hoài sanh " nghĩa là dầu trẻ con trong bụng mẹ cũng phải lo độ rỗi cho đến khi cuối cuộc đời chết đi lỡ có thất thệ hay bị tội lỗi chi mà sa đọa vào cõi âm quang thì trong cảnh giới này cũng còn có Thất Nương Diêu Trì Cung theo độ hồn ăn năn sám hối hay là chuyển kiếp đầu thai.

Chữ Phổ Độ nghĩa lý bao la như vậy.

Đức Chí Tôn lập một Đạo Cao Đài với tôn chỉ Tam Giáo qui nguyên, Ngũ Chi phục nhứt và cứu cánh của đời tu là giải thoát. Người hành Đạo không thực hiện trọn vẹn Thánh ý của Đức Chí Tôn mới nảy sinh ra bất hòa, chia rẽ thành ra nhiều chi, nhiều phái mặc dù họ vẫn nhân danh Thượng Đế mà hành sự.

Hiện tượng chi phái là một biến tướng trên dòng lịch sử của tổ chức Đạo giáo, nó ở ngoài chơn pháp của Đức Chí Tôn, một dấu hiệu qui phàm của tâm thức người hành đạo nói chung. Quyền tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi cá nhân con người nhưng chân lý vẫn có một và sự diễn tả chân lý thì muôn vàn hình thức khác nhau tùy theo tâm thức của mỗi người đạt được đến mức độ nào trên con đường tấn hóa vô tận.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 591 | Tác giả: Nguyễn Long Thành