× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Con Đường Của Người Đệ Tử Cao Đài


Chương VI: Kết luận

Tu hành thật sự có giải thoát con người được không ? Phần kết luận của quyển sách nầy sẽ bàn đến. Những con đường vừa trình bày trên đây có đảm bảo một sự thành công chắc chắn cho người đệ-tử không ?

Tôn-giáo tự nó chỉ là một môi trường, phương tiện giúp cho con người dễ dàng tháo bỏ những ràng buộc xung quanh mình trong cuộc sống hồng trần hầu đạt đến mức tối cao là sự giải thoát toàn vẹn con người. Không ai có thể ban cho mình sự giải thoát toàn vẹn nếu không có sự cố gắng của chính mình. Đức-Chí-Tôn hay Thượng-Đế chỉ giúp cho con người đạt đến cái đích tối thượng ấy,còn sự thành công hay không tùy ở mỗi cá nhân. Một lời dạy trong giáo lý Cao-Đài đã minh định rõ rằng nếu chúng ta không tu thì chính mình Chí-Tôn cũng không thể bồng ẵm lên đặng. Những lời nói quả quyết về sự thành công khi theo Đạo của nhà truyền giáo khi khuyến dụ kẻ khác nhập môn chỉ có tác dụng tạo cho con người niềm tin vững chắc làm điều kiện cần thiết cho sự thành công màsự thành công ấy do những cố gắng liên tục của chính mình cùng với sự trợ giúp từ bên ngoài kể cả quyền lực thiêng liêng.

Con đường của người đệ-tử Cao-Đài cũng như con đường của những môn đồ các tôn giáo khác vẫn phải nằm dưới định luật ấy.

Tôn giáo tự nó không phải là một chướng ngại cho sự tiến bộ của xã hội mà là phương thế giục tấn cho toàn thể vạn linh.

Trong cuộc tranh đấu để sanh tồn trên mặt đất có nhiều yếu tố bị mất đi đồng thời phát sinh những lợi ích. Lẽ vô thường ấy của Tạo-Đoan vẫn chi phối tất cả mọi người dù có tu hay không cũng vậy, nhưng nếu phải lựa chọn giữa cái được và cái mất thì tôn giáo là phương lọc lừa một kết quả thích hợp của nhiều lợi và ít hại. Nó được sáng tạo nên bởi những khối óc phi phàm của tiền nhân và bởi huyền-linh của Thượng-Đế để tạo cho xã hội một sự tiến bộ nhanh hơn về thời gian, hạnh phúc hơn về phẩm lượng. Nhưng tiếc thay, vì con người thường hay thích sống cho hiện tại hoặc quá khứ hay tương lai chớ ít khi thích sống trong trường cửu nên chẳng hạn, họ đã bằng lòng :

    - Mất hai, được ba để còn một .
    hơn là :
    - Mất một được hai để còn một .

Tỷ lệ 2/3 ( =0,666 ) giữa cái mất và được của đời vẫn còn lớn hơn ½ ( =0,500 ) của đạo và ngược lại .

Tỷ lệ 3/2 ( =1,5 ) giữa cái được và cái mất của đời vẫn nhỏ hơn 2/1 ( = 2,0 )của đạo .

Thế nên, xã hội vẫn còn đầy dẫy những sự đau khổ, bất công và phi lý. Vậy thì con đường chỉ là con đường mà khách lữ hành mới thật là người đi và sự giải thoát nằm ở cuối con đường ấy và bắt đầu ở từng bước đi./.


KIỂM DUYỆT
Ngày 13 tháng 12 năm Kỹ Dậu
( DL. 21 - 01 - 1970 )
Trưởng Ban Kiểm Duyệt Kinh Sách
HIẾN PHÁP HIỆP THIÊN ĐÀI
Ấn Ký: TRƯƠNG HỮU ĐỨC


Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 572 | Tác giả: Nguyễn Long Thành