× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Con Đường Của Người Đệ Tử Cao Đài


Chương V: Sự hòa hợp giữa thế và đạo

Đây xin nhắc lại tổ chức Hội-Thánh Cao-Đài có hai cơ quan hữu hình là Hiệp-Thiên-Đài và Cửu-Trùng-Đài. Hiệp-Thiên-Đài ấy là phần hồn của Đạo còn Cửu-Trùng-Đài là xác thân. Hội-Thánh tượng hình cho Thánh-thể Đức-Chí-Tôn tại thế nên hai cơ quan ấy tượng trưng cho hai phần vật- chất và tinh-thần của vạn loại. Sự hòa hợp giữa vật chất và tinh-thần là điều tối cần thiết để duy trì sự sống trên mặt địa cầu nầy.

Sau đây là một đoạn trích trong quyển Pháp-Chánh-Truyền giải thích về điều đó.

" Cơ Tạo-Hóa chỉ có hai bí mật tối trọng, một là quan sát sự hữu hình, hai là xét đoán sự vô vi, quan sát sự hữu hình thì dễ mà xét đoán sự vô vi rất khó, hữu hình với vô vi chỉ phân nhau với màn bí mật, từ thuở tạo thiên lập địa dầu cho bậc trí thức nhơn sanh đang tấn hóa lên bậc đại giác đi nữa cũng chưa hề có phương thế hé trọn vẹn màn bí mật ấy mà dòm qua phía vô vi cho đặng nhưng nhơn sanh đã có sẵn nơi tay một cái chìa khóa là xem cơ tương đắc của hữu hình và vô vi trong sự sanh hoạt của vạn vật. Vô vi và hữu hình phải hiệp làm một mới thuận theo cơ tạo, Trời đất có âm dương, vạn vật có thể phách, nhơn loại có xác hồn. Sự sống của vạn loại trong Càn-khôn thế-giới chỉ nhờ có vật chất và tinh thần tương hiệp mới thành hình, cả vật chất hồn, thảo mộc hồn, nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn,Tiên hồn, Phật hồn đều khác đẳng cấp nhau, nên hình thể cũng biến sanh ra khác. Vật chất không giống thảo mộc, thảo mộc không giống thú cầm, thú cầm không giống người, người không giống Thần, Thần không giống Thánh, Thánh không giống Tiên, Tiên không giống Phật, Phật không giống Trời, nói tóm tắt một lời hình thể tâm thần đều khác hẳn.

" Vật chất phải tùng lịnh tinh thần mà lập thành hình tượng. Cái cớ hiển nhiên là hình thể nhân loại cũng phải tùng tinh thần mà phân biệt đẳng cấp, kẻ hung bạo thì hình dung cổ quái còn người lương thiện thì tướng hảo quang minh nhờ đó mà cổ nhơn xem tướng đoán tánh người.

" Xác phải phù hợp với hồn cũng như vật chất phải phù hợp với tinh thần. vật chất vốn hữu hình mà tinh thần lại vô vi, vô vi cùng hữu hình phải tương đắc, thấy hữu hình đoán biết vô vi, biết vô vi mới định quyết hữu hình"

Và trong một dịp khác, Đức-Hộ-Pháp Phạm-Công-Tắc đã thuyết minh trong một bài diễn văn luận về một khía cạnh triết lý của Đạo Cao-Đài hay là sự dung hợp giữa hai chủ thuyết duy tâm và duy vật. Đức Ngài nói :

" Bần Đạo cũng muốn giảng về điều siêu việt về tinh thần đạo-đức hầu tóm cả chơn lý của các tư tưởng đối cùng Đức-Chí-Tôn, nhưng e sợ cao sâu mầu nhiệm nó sẽ quá sức cho sự đoán xét của thính giả mà biến thành ra tuồng mộng ảo nên quyết lấy cái thuyết hiển nhiên của Đạo đối cùng đời đương giữa cơn tinh thần phát triển, sưu tầm một mối tư tưởng phù hạp với trình độ trí thức nhơn sanh đương nhiên, hầu giúp hay cho bậc cố tâm tầm Đạo.

" Những cơ quan và những hành vi hiện tượng của các tôn giáo đương nhiên ngày nay như đương biến thành cố vật nên đã mất cái hay để giúp đời tự tri tự giác tâm hồn thiếu an ủi, tư tưởng mất phép chuẩn thằng, trí thức không phù hợp hành động, biểu sao đời không trở thành một trường náo nhiệt rắc rối khó khăn, rồi giục cho cả nhơn sanh dong ruổi trên con đường duy vật mà quên hẳn cái quyền vi chủ của trí thức tinh thần.

" Ôi ! Thử nghĩ cái ngày nào trí thức tinh thần đã tiều tụy thì cái lương tri, lương năng cũng do đấy mà điêu tàn, thì con người đứng giữa cõi trần hòan nầy phải trở nên bao nả.

" Chúng ta duy buộc phải trả lời rằng : luật thiên nhiên tự bảo nó sẽ buộc mỗi cá nhân chuyên chú về sự sống. Hại thay ! Cái sống ấy do nơi phép duy vật mà lưu tồn, thì con người chỉ sống hèn như con vật mà thôi.

" Bần Đạo chẳng cần luận thuyết chi sự phân biệt xa cách nhau như trời với vực của vật chất với tinh thần thì chư thính giả cũng đủ hiểu hể vật chất bổn nguyên hữu định thể, còn tinh thần thì tự chủ tự do. Ấy vậy vật chất có giới hạn chớ tinh thần vốn không giới hạn.

" Chúng ta lại thầm hiểu rằng : mỗi điều chi hữu-bổn hữu nguyên hữu định thể, thì cái lớn cái nhỏ của nó, dầu hình dầu bóng cũng phải tùng theo mặt luật pháp định hành tàng . Hễ có bổn nguyên ắt có xứ sở cội nguồn, có định thể ắt có khuôn viên sắc tướng, nói tóm tắt hễ vật thì có chủ.

" Ấy vậy do quyền có chủ ấy, nó giục thành một trường tranh đấu đua chen mà làm cho mặt thế đã biến thành nơi chốn chiến trường náo nhiệt.

" Sống của con vật là phải ăn mà sống, phải mặc mà sống, phải ở mà sống, sống một khuôn luật của sắt đá cỏ cây côn trùng điểu thú.Nhơn loại đã nghịch lẫn nhau, tàn hại lẫn nhau, giết bỏ lẫn nhau cũng do bởi chạy theo cái sống của con đường duy vật.

" Trái lại cái sống của tinh thần là cái sống tự chủ tự quyền, thì cái sống ấy không nguồn không cội, không luật, không hình, không bờ, không cõi, sống theo gió theo mưa, sống theo Trời theo Đất, sống với Càn-khôn vũ-trụ, sống với Nhật Nguyệt Tinh Quang theo một khuôn luật với cái sống vô ảnh vô hình của các tư tưởng bậc Thánh-hiền từ thượng cổ.

" Cái sống của con vật chỉ có hai bữa ăn mà sống còn cái sống của tinh thần vốn về độ lượng. Cái sống của vật chất ở tại bụng, cái sống của tinh thần ở tại óc, bụng với óc khác nhau thì hai cái sống cũng khác nhau đặc biệt.

" Cái vấn đề tương tranh của hai cái sống ấy, dầu cho trình độ trí thức nhơn sanh đã đặng cao siêu tăng tiến dường nào cũng chưa xử trí và giải quyết thế nào cho đích xác.

" Dường như chúng ta phải biết hẳn rằng :hể bụng no thì óc rỗng, óc cứng thì bụng mềm, cuộc tương tranh nầy chưa có mặt Ông Tòa nào nghị án nổi.

" Ấy vậy cái thuyết duy vật với tinh thần từ thử chưa có một tôn giáo nào cầm đủ quyền hành dung-hợp.

" Có tôn-giáo thiên về mặt vô-vi phế vong hình thể, tức nhiên là đảng phái của tinh thần, lại cũng có nhiều tôn -giáo khác bị xu hướng hữu hình, còn vô vi thì vong phế là tức nhiên làm môn-đệ của thuyết duy vật đã đành. Hai đảng phái ấy đương đầu, đương tranh đặng bịa vào miệng thế tình những lẽ tà nổi chánh. Cũng vì do thuyết duy-vật tinh thần gây ra lắm điều quyền biến, một đàng là tôi chỉ tùng luật điều khuôn viên duy vật, một đàng thì cậy huyền diệu nhiệm-mầu do tinh thần duy chủ, nhưng nhơn sanh tùng giáo hai lý thuyết ấy vốn phải khác xa nhau dường như sao Khuê sao Dược.

" Hỏi đã có nảy sanh ra một vị Giáo chủ nào đủ đức tính, đủ quyền năng, đủ phép mầu, đủ trí huệ làm cho hai đảng phái ấy dung hòa mới mong mở đaị đồng thế giới hay chăng ?.

" Nếu chúng ta để cho tịnh tâm tịnh trí đặng tìm chơn lý của hai lẽ ấy cho hẳn hòi thì chúng ta dám cả tiếng phê rằng : sự xung đột của hai tư tưởng ấy thật ra chưa đích đáng, chẳng qua là một trường tranh luận tình cờ của tiền nhân lưu lại.

" Dưới ngọn đuốc văn minh chiếu diệu soi huệ trí sáng ngời giữa thế kỷ hai mươi nầy, chúng ta đã thấy quả quyết sự tương hiệp thân thiết của cơ quan hình thể với tinh thần thì chúng ta lấy làm ngạc nhiên cho sự quái dị cái nỗi phân chia của thuyết tinh thần đối cùng hình thể. Chúng ta lại còn để tâm nghiên cứu nguyên do của hình vật tương phân bởi đâu mà sản xuất thì chúng ta lại thấy đặng bởi tư tưởng của Nho-giáo và Đạo-giáo mà nảy sanh, chẳng phải do nơi miệng của Đức Khổng-Phu-Tử hay là Đức Lão-Tử mà ra, mà lại do bởi những thuyết của các môn đồ của đôi nhà luận bác.

" Chưa có một quyền hành nào mà chia đặng trí tuệ riêng ra hình vóc của con người, thì chưa có một quyền năng nào cả gan dám phân chia hình vật. Bởi vậy tinh thần và hình thể vốn là hai bộ phận cần yếu trọng hệ của kiếp con người, nếu chiếu theo phép thiên nhiên thì đôi bên cùng một bổn, hễ có xác không trí thì điên, mà hễ có trí không xác thì dị.

" Đời là hình duy vật, Đạo là bóng của trí thức tinh thần. Vậy thì phép đời đạo vốn đồng, cơ tạo thế phải có công đời cùng nghiệp đạo.

" Đạo Cao-Đài là một tôn giáo do lương tâm vi bổn lấy cả triết lý của toàn cầu làm căn bổn hầu làm trung gian cho các tư-tưởng hiệp đồng đặng dìu dắt nhơn sanh hồi bổn thiện.

"Ngoài ra pháp luật định quyền luật của thiên lương thì để cho mỗi cá nhân đặng tự do tư tưởng, chẳng cần luận giải chư thính giả cũng đủ biết rằng cái tư tưởng vốn vô cùng chiều theo thời thế của đời đặng nâng đỡ trí thức của nhơn sanh tạo thời cải thế, nên hiểu rằng nghĩa lý chữ Đạo là đường duy nhất của tâm lý nhơn sanh, bắt buộc phải nhìn nhận rằng phải để cho tinh thần đặng tự do tín-ngưỡng, miễn là làm thế nào cho đạo thuận cùng đời, đời không nghịch đạo mới gọi là lý thuyết cao siêu làm cho thái bình tâm lý.

" Thái bình tâm lý đặng, mới làm cho thái bình thiên hạ đặng. Thái bình thiên hạ đặng mới làm cho đại đồng thế giới đặng.

" Giữa buổi hòan cầu đang xôn xao chen lấn trong bước tiến bộ văn minh loạn hàng thất thứ, tùy theo tài lực của mỗi nước trong vạn quốc, có văn hóa, có dã man, có tài hay, có tục dở, phẩm giá vốn không đồng, nếu lấy giá trị hữu hình của mỗi nước đặng định phân thì ắt khó mong làm cho cả nhơn sanh hiệp chủng.

" Tài lợi không đồng, phương diện không đồng, xã-tắc không đồng tức nhiên buộc chính trị cũng không đồng, cái chính sách hiệp quốc hiệp quần chưa đủ kế hay mà vĩnh cửu, xin nói hẳn rằng nếu đem giá trị hữu-hình của mỗi nước trên cân công bình của vạn quốc tòan cầu đặng định nặng nhẹ thấp cao thì là phép giục thêm hại, so hơn tính thiệt. Tưởng khi dầu cho nhà chính-trị đại tài nào là bôn xu trên con đường vật chất, mong mõi cho thiên hạ hòa bình thì tỷ chẳng khác nào đem cung trăng thay mặt đất, chẳng qua lập phương lừa dối lẫn nhau, mượn chước khéo đặng tranh quyền giữ thế.

" Ngày nào cả nhơn sanh biết rằng con người chẳng phải sanh ra để vụ tất lấy cái sống theo con vật gọi là hạnh phúc khéo khôn, trái lại phải coi mạng sanh là báu trọng, biết kính nể nhau, biết thương yêu nhau, biết binh vực nhau, biết nuôi sống nhau, lại lấy phận sự cao thượng ấy đặng làm cái Đạo của người thì ngày ấy là ngày của toàn nhơn sanh đều hạnh phúc.

" Tưởng lại tương lai của Đạo Cao-Đài do nơi cái sở hành và cái tư- tưởng cao thượng của nó, ngày nay nó có thể hứa với nhơn sanh rằng chúng ta sẽ hưởng đặng điều hạnh phúc ấy ."

Áp dụng tinh thần triết lý ấy vào việc giải quyết các vấn đề nhân sinh trong hoàn cảnh xã-hội Việt-Nam, người đệ-tử Cao-Đài chủ trương nhập thế trong tinh thần thoát tục. Họ bằng lòng đảm trách hết tất cả mọi công việc từ trong gia đình đến xã-hội, từ quốc-gia đến quốc-tế, từ đời sống vật chất miếng ăn thức uống manh quần tấm aó đến những pháp thuật huyền-bí và sự tìm tòi những bí mật của Tạo Đoan bằng nhũng cơn thiền định và những chuyến xuất thần viễn-du Thiên cảnh. Tất cả những họat động ấy đều nhằm một mục đích nâng đỡ cơ sanh hóa vạn linh và giải quyết cái khó của cuộc đời.

Nhà chính trị, kinh tế gia, các chuyên viên xã-hội, kẻ cầm cương lên ngựa....mỗi hạng người đều có phương thế riêng để giải quyết sự khó của trường đời và họ thường kêu gọi người đệ-tử Cao-Đài đứng về phe của họ, hành động và suy nghĩ y như họ mới là đúng. Thực ra bởi triết lý đạo giáo định hướng cho hành động nên người đệ-tử giải quyết các vấn đề liên quan đến chữ khổ trên căn bản dung hợp giữa tinh thần và vật chất, nghĩa là phải làm sao thỏa mãn những đòi hỏi thúc bách của đời sống vật chất mà không rời bỏ giáo điều vốn do tinh thần mà nảy sinh.

Trong đời sống cá nhân, xu hướng cung ứng cho thể xác những khoái cảm triền miên về dục vọng và quên đi đời sống tâm linh cùng những phương pháp huấn luyện để đánh thức linh hồn đang mê ngủ không được chấp nhận.

Trong đời sống quốc tế sự đô hộ về hành chánh hay kinh tế, nắm chặt quyền phân phát aó cơm để buộc xác thân phải tùng phục bạo quyền và giết chết lần hồi đời sống tâm linh bằng cách kềm hãm sự phát triển của nó, cũng không được chấp nhận.

Ngay trong thời kỳ Pháp còn đô hộ Việt-Nam và những người đệ-tử Cao-Đài vẫn nuôi hy vọng quật khởi, hy vọng ấy thành hình sau nầy khi các lực lượng quốc-gia kháng Pháp nắm được quyền độc lập tạm thời ngày 9-3-1945 , trong một đàn cơ Đức-Chí-Tôn chỉ dạy về sự tương ái của hai dân tộc Pháp Việt như sau :

" Thầy muốn sao cả hai được hòa hiệp nhau mãi mãi. Giáo lý của Thầy có mục đích dạy dỗ các con hòa-hợp nhau trong sự sống chung cộng đồng quyền lợi và sinh-hoạt. Vậy các con hãy chung hiệp nhau mãi mãi theo ý muốn của Thầy và hãy truyền bá khắp hoàn cầu thuyết hòa bình tương thân tương ái."

Sự hòa hợp giữa tinh thần và vật chất thể hiện rõ rệt nhất trong đường lối Phước-Thiện Cao-Đài. Đó là một tổ chức đời sống tập thể trong cộng đồng kinh tế, có khuynh hướng hạn chế quyền tư hữu cá nhân trên căn bản vì thương yêu mà tự hiến dâng quyền tư hữu củamình để cảm hóa lòng tham của kẻ ác, để gia tăng mức sản xuất hầu có đủ nhu cầu nuôi nấng thi phàm của kẻ ác, của người lành cũng như của chính mình. Người đệ-tử tự mình hiến dâng trọn cuộc sống để làm việc phụng sự vạn linh , cái chức vụ đích thực của họ là một người đầy tớ cho tất cả con cái Chí-Tôn.

Họ sống hợp quần để gây thêm sức mạnh hầu bảo vệ nếp sống đạo-đức để có đủ phương tiện trau luyện đời sống tâm linh cho nên chí thánh mà đoạt phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật, tại thế gian nầy .

Tình yêu thương, sự công bình vẫn là căn bản lý thuyết của đường lối nầy, ngày giờ nào và bất cứ nơi đâu nếu hai yếu tố đó cùng mất đi thì các nhà xã hội học vẫn có thể thấy một lối sống tương tự như vậy về hình thức, nhưng đó không phải là đường lối Phước-Thiện Cao-Đài .

Ngoài ra một tổ chức khác vừa mới được thành lập cách đây bốn năm nhằm mục đích mở rộng tầm hoạt động của Hội-Thánh sâu vào các tầng lớp quần chúng, trực tiếp liên hệ đến các vấn đề xã-hội, tổ chức nầy mệnh danh là "Ban-Thế-Đạo" đặt dưới sự hướng dẫn của chi Thế trong Hiệp-Thiên-Đài .

Hoài bão thực hiện sự hòa hợp đạo đời dược ghi rõ trong bản qui-điều như sau :

" Ban Thế Đạo là cơ quan thuộc về phần đời bắt nguồn từ cửa Đạo phát xuất làm dây nối cho đạo đời tương đắc, tương liên ngõ hầu tạo lập một đời sống thanhbình cho nhân loại trong thời kỳ chuyển thế .

Có bốn phẩm vị dành cho người đệ-tử hành đạo theo lối nầy là :

    - Hiền-Tài.
    - Quốc-Sĩ.
    - Đại-Phu.
    - Phu-Tử.

Hiền tài là một phẩm thấp nhất, những người trong Ban-Thế-Đạo có thể còn đang đảm trách những phần vụ ngoài xã hội và không bắt buộc phải phế đời hành đạo. Phần lớn họ là những nhà trí thức, thương gia, sĩ quan, những nhà chính trị, các danh nhân. Bổn phận của họ là phải tìm đủ phương thế trợ giúp các hoạt động của Hội-Thánh tùy theo khả năng chuyên môn của mỗi người . Họ được phép tham dự tất cả những sinh hoạt nhà nước với tư cách cá nhân hay nhân danh đoàn thể họ tùy trường hợp và tùy sở thích của mỗi người .



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1029 | Tác giả: Nguyễn Long Thành