× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Con Đường Của Người Đệ Tử Cao Đài


Chương III : Đời sống của người đệ tử Cao Đài

Trong chương nầy chỉ mô tả đời sống của người đệ tử Cao Đài Việt Nam. Dĩ nhiên đó không phải là một đời sống gương mẫu cho các nước khác vì mỗi quốc gia đều có phong tục tập quán riêng và trình độ dân trí khác nhau.

Tại Việt Nam Tỉnh Tây Ninh là nơi có nhiều tín đồ Cao Đài nhất. Khoảng 163.000 tín đồ đang tập trung chung quanh Đền Thánh Tây Ninh trên một vùng đất rộng gọi là Thánh Thị. Rải rác các nơi khác gần đó họ sống lẫn lộn với những tín đồ các Tôn giáo khác và những người không theo Tôn Giáo nào, suất bách phân tín đồ Cao Đài trong toàn tỉnh lên đến 70% . Họ cũng sống trên hầu hết các Tỉnh Miền Nam và một số Tỉnh ở Miền Bắc Việt Nam, tại đây trước ngày phân lãnh thổ bởi Hiệp Định Genève 1954 Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh đã phái nhiều chức sắc đến truyền giáo và đã thiết lập được những cơ sở truyền giáo tại địa phương trong tình trạng xã hội hiện tại sự liên lạc có phần khó khăn.

Bây giờ chúng ta đi vào chi tiết những gì mà một người Đệ Tử Cao Đài phải làm khi mới theo Đạo và trong suốt cả cuộc đời


I/- NHẬP MÔN CẦU ĐẠO :

Bước đầu tiên để một người thường trở thành đệ tử Cao Đài là phải nhập môn cầu đạo. Đây là một nghi lễ hữu hình nhưng nó có giá trị đối với tâm linh và Hội Thánh cũng như hầu hết các tôn giáo khác đều làm. Người đệ tử phải quì trước Thiên Bàn và nói lên lời minh thệ của họ đại ý như sau :
    " Tôi tên là................ tuổi....... từ đây biết một Đạo Cao Đài Ngọc Đế chẳng đổi dạ đổi lòng hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài như ngày sau có lòng hai thì Thiên Tru Địa lục"

Người chứng lễ này là một vị Chức Sắc ở cấp nào cũng được. Tại các địa phương hẻo lánh không có chức sắc hành đạo thì chức việc trong tổ chức Bàn Trị Sự được phép chứng lễ. Sau nghi lễ đó, người đệ tử được cấp một giấy chứng nhận tạm thời tiếng Việt Nam gọi là " Sớ Cầu Đạo".

Từ đây người đệ tử phải gìn giữ một vài điều khoản luật định sơ khởi và thực hành một vài nghi lễ thường xuyên như ăn chay mỗi tháng ít nhất 6 ngày (06 ngày chay trong tháng âm lịch là mồng 1, 8 ,14,15, 23, 30 - [ Như tháng thiếu thì ăn ngày 29 thế cho ngày 30]. ) và chầu lễ Chí Tôn hai kỳ mỗi tháng tại các Thánh Thất vào ngày rằm và mồng một âm lịch.

Ăn chay theo Đạo Cao Đài có nghĩa là nuôi dưỡng cơ thể bằng chế độ thực phẩm gốc ở thực vật. Họ không được phép ăn thịt của bất kỳ loại động vật nào trong ngày chay lạt, từ con thú lớn như thịt bò, thịt heo cho đến tôm cua. Nói một cách khác thực phẩm mà họ dùng không do một vụ sát sanh động vật nào.

Sau một thời gian 6 tháng người đệ tử phải bắt đầu ăn chay 10 ngày trong một tháng (10 ngày chay trong tháng âm lịch là mồng 1, 8, 14, 15, 18, 23 24, 28, 29, 30 - [Tháng thiếu ăn ngày 27] ). và có thể dùng ở mức độ nầy cho đến suốt đời nếu họ không muốn đi xa hơn nữa trên bước đường tu hành. Mỗi tháng hai kỳ người đệ tử phải đến Thánh Thất đọc kinh. Những bài kinh nầy có tính cách đồng nhất cho tất cả mọi nơi trong toàn quốc. Và sau đó tất cả mọi người trong đàn cúng đều dâng sớ tập thể cầu nguyện cho những vấn đề trọng đại của nhơn sanh và Hội Thánh. Lời cầu nguyện được viết trên lá sớ trình tấu cùng Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng. Một vị xướng đọc trong khi mọi người đều giữ yên lặng. Đọc xong họ đốt sớ. Đó là hình thức biểu lộ lòng tin tưởng nơi Đức Chí Tôn và cũng là cách để tập trung tư tưởng của nhiều người vào một ước muốn duy nhất. Sau lời cầu nguyện tập thể, nếu muốn, người đệ tử có thể cầu nguyện vài điều cho cá nhân họ. Trong 6 tháng tập sự nầy người đệ tử phải cố gắng học thuộc kinh, làm quen với các nghi lễ cúng kiến và giữ chay lạt ở mức tối thiểu 6 ngày trong một tháng. Sau 6 tháng nếu họ làm tròn những phận sự nầy sẽ được Hội Thánh cấp cho Sớ Cầu Đạo thiệt thọ.


II/- CON ĐƯỜNG HÀNH ĐẠO :

Từ đây người đệ tử được chánh thức thâu nhận và có những con đường mà luật pháp Đạo đã dành sẵn cho họ. Hội Thánh có bao nhiêu cơ quan, bao nhiêu chức vụ thì người đệ tử có thể bước vào làm việc trong những cơ quan ấy và giữ những chức vụ ấy nếu muốn và nếu có đủ khả năng.

Ngoại trừ những chức vụ do Đức Chí Tôn hoặc các Đấng Thiêng Liêng chỉ định trong buổi ban sơ bằng cơ bút và không có dạy điều gì về sự tuyển chọn người thay thế , hầu hết các phẩm vị khác đều có thể thay thế được bằng lối công cử .

Trước khi mô tả những con đường hành đạo mà một người đệ tử có thể chọn lựa, thiết tưởng chúng ta cần tìm hiểu sơ lược tổ chức của Hội Thánh ra sao. Để diều khiển cơ Đạo có ba Đài cùng hoạt động :

-BÁT QUÁI ĐÀI : Là một tối linh đài điều khiển cả càn khôn vũ trụ dưới quyền Chưởng Quản của Đức Chí Tôn và các Đấng trọn lành .

-HIỆP THIÊN ĐÀI :Là cơ quan lập Pháp và là một cơ quan có phận sự thông công với cõi vô hình để tiếp nhận Thánh Giáo do Thiêng Liêng chỉ dạy, bảo thủ chơn truyền luật pháp của Đạo, bênh vực những người cô thế hoặc tiếp nhận những sự uất ức, bất công của toàn sanh chúng tức là giữ nét công bình trên mặt Đạo.

-CỬU TRÙNG ĐÀI : Hay cơ quan Hành Pháp là một cơ quan Hành chánh Đạo có phận sự truyền giáo.

Trong ba cơ quan căn bản ấy chỉ có hai Đài Hiệp Thiên và Cửu Trùng có chức sắc làm việc. Còn Bát Quái Đài là một tên có trong sự tin tưởng của người đệ tử tượng trưng cho quyền năng của Đức Chí Tôn và các Đấng trọn lành. Ngoại trừ ĐỨC HỘ PHÁP Phạm Công Tắc có tiết lộ đôi điều về những gì Đức Ngài đã nghe thấy trong một chuyến xuất thần về chầu Chí Tôn ( Xem con đường Thiêng Liêng Hằng Sống - Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc) khi Ngài còn sanh tiền kỳ dư cho đến bây giờ riêng tôi vẫn chưa thấy có lời giải thích nào rõ ràng về những hoạt động nơi đây ra sao.

Đức Ngài chỉ được phép công bố một số giới hạn những sự kiện trong lĩnh vực nầy, còn nhiều điều khác nữa Đức Chí Tôn đã cho Ngài biết nhưng Ngài không được phép nói rõ hơn.

1)- HÀNH ĐẠO NƠI CỬU TRÙNG ĐÀI :

Bây giờ nếu muốn đi vào cơ quan Cửu Trùng Đài thì những Phẩm vị sau đây, một người đệ tử có thể giữ được :

      - Đạo Hữu.
      - Chức việc Bàn Tri Sự.
      - Lễ Sanh.
      - Giáo Hữu.
      - Giáo Sư.
      - Phối Sư.
      - Đầu Sư.
      - Chưởng Pháp.
      - Giáo Tông.

Quyền hành của vị Giáo Tông Đạo Cao Đài không giống như một Giáo Hoàng Thiên Chúa ở Toà Thánh La Mã. Các danh từ dùng để dịch tên các hàng giáo phẩm chỉ cho ý niệm về sự đối phẩm mà thôi, dĩ nhiên có nhiều sự khác biệt giữa một " Giáo Hữu" và những gì mà chư huynh có thể hiểu được khi nghe người ta gọi lần đầu tiên danh từ " Caodaist Priest" (Mục sư Cao Đài).

Theo luật lệ hiện hành thì Đạo hữu muốn được vào hạng chức việc phải do toàn thể Đạo hữu trong thôn xóm công cử. Dĩ nhiên người được công cử phải là những đệ tử xứng đáng biết tuân y luật Đạo và có phẩm hạnh tốt.

Chức việc Bàn Tri Sự có ba phẩm :

    - Chánh Tri Sự : Làm đầu một Hương Đạo.
    - Phó Tri Sự : Coi về Hành chánh trong Hương.
    - Thông Sự : Coi về Luật Pháp trong hương Đạo.

Một Ông Đầu Hương có thể có nhiều vị Phó Tri Sự và Thông Sự dưới quyền, và trong trường hợp đó Phó Tri Sự và Thông Sự trông coi một Ấp.

- Chánh Tri Sự còn gọi là " Đầu Sư Em" tức là vị thay mặt cho quyền hành Đầu sư ở cấp Xã.

- Phó Tri Sự còn gọi là "Giáo Tông Em" tượng trưng cho quyền hành Gíáo Tông (3) ở cấp Xã.

- Thông Sự còn gọi là "Hộ Pháp Em" tượng trưmg cho quyền hành Hộ Pháp ("Trong Đạo Cao Đài HỘ PHÁP là một phẩm tương đương với GIÁO TÔNG . Cả Hộ Pháp và Giáo Tông đều đồng phẩm đối cùng GIÁO HOÀNG bên Thiên Chúa tại Toà Thánh La Mã ". ) ở cấp Xã.

Cả hai Phó Tri Sự và Thông Sự đều đồng phẩm cùng nhau và dưới quyền Chánh Tri Sự. Chánh Tri Sự làm tròn phận sự trong 5 năm có thể cầu phong Lễ Sanh.

Số Lễ Sanh trong Đạo Cao Đài không giới hạn.

Lễ Sanh sau 5 năm làm tròn phận sự được cầu phong lên Giáo Hữu. Số Giáo Hữu được ấn định là 3.000 người được chia làm 3 phái :

    - Phái Thái : Mặc áo màu vàng, có 1.000 Giáo Hữu.
    - Phái Thượng : Mặc áo màu xanh da trời, có 1.000 Giáo Hữu.
    - Phái Ngọc : Mặc áo màu đỏ , có 1.000 Giáo Hữu.

Đức Chí Tôn đã định giới hạn nầy khi ngài lập pháp Chánh Truyền hay là bản Hiến pháp bất di bất dịch của Đạo Cao Đài. Như vậy không ai có thể thay đổi con số nầy. Ba ngàn Giáo Hữu gồm những người đang nắm quyền hoạt động không kể những chức sắc đã hồi hưu hay giải nhiệm.

Giáo Hữu là phẩm thấp nhất để được kể vào hàng Hội Thánh tức là Thánh Thể Đức Chí Tôn. Giáo Hữu có thể cầu thăng lên các phẩm trên cao hơn đến tột đỉnh bên Cửu Trùng Đài là Giáo Tông giới hạn tổng số chức sắc trong các phẩm kế tiếp là :

    - Giáo Sư : 72 vị, mỗi phái 24 .
    - Phối Sư : 36 vị, mỗi phái 12 ( trong số này có 3 vị Chánh Phối Sư, mỗi phái 1 vị)
    - Đầu Sư : 3 vị, mỗi phái 1 vị.
    - Chưởng Pháp : 3 vị, mỗi phái 1 vị.

Và chỉ có một vị Giáo Tông là người lảnh đạo Cửu Trùng Đài.

Giới hạn nầy không áp dụng cho nữ phái, chức sắc nữ phái không được giữ phẩm vị Giáo Tông và Chưởng Pháp, phẩm cao nhất là Nữ Đầu Sư. Như vậy một vị nữ tu hành đạo nơi Cửu Trùng Đài có thể đi từ phẩm Đạo Hữu đến Nữ Đầu Sư và tổng số nữ chức sắc trong mỗi hàng phẩm thì không giới hạn.

Nói chung hầu hết các phẩm vị trong Hội Thánh đều có thể tuyển chọn bằng lối công cử. Chức sắc ở phẩm nầy muốn lên phẩm kế tiếp cao hơn phải hành Đạo ở phẩm vị mình trong một thời gian tối thiểu bao lâu tùy luật định, thường thừơng là 5 năm và phải chờ đến khi có khuyết vị ở phẩm trên một bực, giả sử tổng số Phối Sư Phái Ngọc đương quyền hành chánh là 12 vị tức là đủ số ấn định trong Pháp Chánh Truyền, thì một vị Giáo Sư phái Ngọc dù đã hành Đạo đầy đủ trong 5 năm hay 6 năm đi nữa cũng phải đợi đến khi nào trong hàng Phối Sư phái Ngọc khuyết một vị thì mới được ứng cử. Riêng phẩm Chánh Phối Sư do Giáo Tông chỉ định lựa chọn trong số 36 Phối Sư.

Sự công cử các phẩm vị chức việc và chức sắc Cao Đài do bạn đồng phẩm của mình chọn lựa, chẳng hạn toàn thể Lễ Sanh lựa chọn những người xứng đáng để đưa lên hàng Giáo Hữu, toàn thể Giáo Hữu lựa chọn người xứng đáng đưa lên hàng Giáo sư. Riêng Giáo Tông phải do toàn thể tín đồ công cử và cả hai phẩm Đầu Sư và Chưởng Pháp đều có thể tranh cử đặng.

Đó là sơ lược lối tuyển chọn chức sắc Cửu Trùng Đài bằng lối công cử dựa theo những điều được qui định trong quyển Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.

Nhưng hiện nay tôi nhận thấy khi tuyển chọn một chức sắc để đưa lên hàng phẩm cao hơn, thì Hội Thánh không để những chức sắc đồng phẩm tự lựa chọn với nhau mà phải luôn luôn hỏi ý kiến của Hội Nhơn Sanh, lấy quyết định của Hội Thánh, Thượng Hội và sau cùng là phán quyết của quyền Thiêng liêng bằng cách thông công. Hiện giờ không có đủ chức sắc tới số ấn định trong Pháp Chánh Truyền.

Trong thời kỳ lập Đạo hầu hết các chức sắc đều do Đức Chí Tôn phong vị và cho tới bây giờ cũng có vài trường hợp ngoại lệ, một vài vị được thăng chức không do luật công cử mà do sự phong thưởng của Thiêng Liêng trong những đàn cơ ("Cơ bút là một hình thức thông công dùng hai đồng tử để diển tả Thánh ý bằng cách viết chữ trên một miếng ván, dụng cụ dùng để viết gọi là cái cơ hình giống như cái giỏ có cần dài và một cái mõ dùng để viết". ) tại cung Đạo Đền Thánh .

Có điều cần nói rõ là các phẩm vị hữu hình trong Hội Thánh Cao Đài đều được xem như ngang hàng với các phẩm vị của Thần, Thánh, Tiên, Phật trong thế giới vô hình. Mọi người đều tin tưởng như vậy. Lẽ dĩ nhiên khi một linh hồn rời khỏi xác thân thì những gì liên quan đến phẩm trật đều trở thành vô nghĩa những tiếng " phẩm vị thiêng liêng" mà người Cao Đài thường dùng chỉ có ý nghĩa là những trình độ tấn hóa của một chơn hồn.

Những quyển sách sau đây nói rõ hơn về phận sự của từng phẩm chức sắc :

    - Pháp Chánh Truyền.
    - Tân Luật.
    - Đạo Luật năm Mậu Dần (1938).


2)- HÀNH ĐẠO NƠI HIỆP THIÊN ĐÀI

Nơi Hiệp Thiên Đài hay là cơ quan lập pháp có hai hạng chức sắc :

    - Hàng chức sắc cao cấp do Đức Chí Tôn phong thưởng, không thể thay thế được bằng lối công cử.

    - Hàng chức sắc thấp hơn do Hội Thánh phong thưởng tổng số không giới hạn.

Chức sắc Hiệp Thiên Đài giữ quyền tư pháp trong Đạo, họ lập những phiên tòa để xử các vụ vi phạm luật Đạo của chức sắc và tín đồ ( Còn có một loại tòa án khác nữa gọi là Tòa Tam Giáo Cửu Trùng Đài tức là Hội Đồng tư pháp tối cao bên Cửu Trùng Đài .) . Họ còn có phận sự mở những cuộc điều tra về mọi hành vi của một chức sắc để cung cấp cho Hội Thánh những tài liệu cần thiết xác định vị chức sắc đó có tuân theo luật lệ Hội Thánh hay không cùng là hạnh kiểm và công nghiệp thực sự đã làm được những gì cho nhơn sanh.

Một người đệ tử Cao Đài có thể bắt đầu làm việc nơi Hiệp Thiên Đài với phẩm Luật sự và dần dần thăng phẩm đến Tiếp Dẫn Đạo Nhơn theo thứ tự như sau : Luật Sự - Sĩ Tải - Truyền Trạng - Thừa Sử - Giám Đạo - Cải Trạng - Chưởng Ấn - Tiếp Dẫn Đạo Nhơn . (Xem sơ đồ tổ chức Hiệp Thiên Đài) .

Tiếp Dẫn Đạo Nhơn có công phổ độ một nước được phép cầu thăng vào hàng Thập Nhị Thời Quân nếu có khuyết tịch. Ngoài việc xử đoán và điều tra, chức sắc cao cấp Hiệp Thiên Đài còn phải thông công với Đức Chí Tôn và các Đấng trọn lành để tiếp nhận Thánh Giáo hay là các phán lịnh tối cao trong việc điều khiển Hội Thánh.


3)-HÀNH ĐẠO NƠI CƠ QUAN PHƯỚC THIỆN :

Ngoài hai con đường vừa trình bày trên đây còn có một lối khác nữa, đó là con đường Phước Thiện. Phước Thiện là một cơ quan đặt dưới quyền điều khiển tối cao của Hiệp Thiên Đài chức sắc Phước Thiện có 12 phẩm từ dưới lên trên như sau :

    - Minh Đức, Tân Dân , Thính Thiện , Hành Thiện , Giáo Thiện , Chí Thiện.

    - Đạo Nhơn, Chơn Nhơn, Hiền Nhơn , Thánh Nhơn, Tiên Tử, Phật Tử .

Số chức sắc ở mỗi cấp trong cơ quan Phước Thiện cũng không có giới hạn. Sau một thời gian làm tròn phận sự theo luật định là 3 năm người đệ tử có thể thăng lên một phẩm.

Phước Thiện là cơ quan bảo tồn sanh chúng trên con đường sinh hoạt nuôi sống thi hài, tức là cơ quan giải khổ cho chúng sanh tầm phương bảo bọc những kẻ tật nguyền, cô độc, dốt nát hoặc giúp tay cho bên hành chánh thi hành luật pháp dễ dàng. Đó là tổ chức xã hội của Đạo Cao Đài và Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc là người đóng vai trò quan trọng nhất trong sự thành hình của cơ quan nầy.

Để có được ý niệm rõ rệt hơn về những hoạt động của người đệ tử Cao Đài theo đường lối Phước Thiện, sau đây là vài điều căn bản đòi hỏi người đệ tử phải cố gắng thực hiện cho được ngay trong những bước đầu tiên sau khi thâu nhận.

- Mỗi Quận Đạo phải lập ra một nhà sở Phước Thiện chánh thức, nơi nhà sở ấy mới đặng phép hội hiệp lo thương lượng làm ăn thuộc về Phước Thiện.

- Mỗi Làng Đạo phải khai mở nhiều sở lương điền, công nghệ, thương mãi, các sở lương điền công nghệ, thương mại ấy phải chịu dưới quyền của sở Phước Thiện Chánh.

- Nơi mỗi nhà Sở Phước Thiện chánh phải lập những cơ quan thiết dụng như là : Bảo sanh viện - Y viện - Ấu trĩ viện - Dưỡng lão đường - Học viện .

Đây là những nhu cầu dựa trên thực trạng xã hội Việt Nam, dĩ nhiên ở những xứ khác sẽ có những đòi hỏi khác.


4)- TU CHƠN

Rời khỏi cơ quan Phước Thiện chúng ta vẫn có thể tìm thấy một con đường khác nữa bao la và huyền bí đó là con đường tu chơn. Nơi đây chúng ta không bị chi phối bởi những luật lệ của Hội Thánh phân định từng phẩm vị phải làm gì, phải có những đức hạnh gì và điều kiện nào nhưng kỳ thật chúng ta tự đặt mình trong những luật lệ cũng không kém khắc khe. Nơi đây chúng ta có thể giữ cương vị một người Tín đồ cho đến suốt đời đối với Hội Thánh, nhưng phải cố gắng trau luyện tâm linh, phải lập công cùng xã hội luôn luôn. Cho đến bây giờ tôi chưa tìm thấy bộ luật nào của Hội Thánh riêng cho những người tu hành theo lối nầy, chỉ có lời chỉ dẫn của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, người điều khiển cơ quan Hiệp Thiên Đài, thiết tưởng có thể xếp vào đây được.


PHƯƠNG LUYỆN KỶ
ĐẶNG VÀO CON ĐƯỜNG THỨ BA ĐẠI ĐẠO :

- Phải biết thân thích cùng cả nhân vật tức là tìm nguyên nhân do của vạn linh và chí linh.

- Phải ân hậu và khoan hồng.

- Phải thanh nhàn đừng vị kỷ.

- Phải bình tỉnh, nghĩa là đừng chịu ảnh hưởng của họa, phước, buồn, vui , tập tánh không không đừng nhiểm, vui cũng vui, buồn cũng buồn, nhưng đừng để nọc buồn vui thấm vào chơn tánh.

- Phải độ lượng, khoan dung, tha thứ.

- Phải vui vẻ, điều hòa, tự chủ và quyết đoán.

- Giữ linh tâm làm căn bổn, Hiếu hạnh với Chí Tôn và Phật Mẫu .


PHƯƠNG PHÁP TRỊ TÂM
VÌ TÂM LÀ HÌNH ẢNH THIÊN LƯƠNG :

- Đức tin và khôn ngoan là kho chí bửu, ngoài ra là của bỏ là đồ vô giá.

- Ai đã cố oán kẻ thù của mình thì khó giữ thanh tâm công chánh cho đặng.

- Ai chẳng oán hận mới thắng đặng kẻ thù nghịch cùng mình.

- Sự cừu hận là khối thảm khổ đệ nhất của nhơn sanh nên người hiền thì không biết đến hay là từ bỏ cừu hận oán ghét.

- Thắng đặng khí nộ mình thì không chọc ai giận dữ.

- Lấy thiện mà trừ ác.

- Lấy nhơn nghĩa trừ bạo tàn.

- Lấy lòng quảng đại đặng mở tâm lý hẹp hòi.

- Lấy chánh trừ tà.

- Ấy là đường thương huệ kiếm.


LUYỆN THÂN LUYỆN TRÍ

- Ẩm thực tinh khiết.
- Tư tưởng tinh khiết.
- Tín ngưỡng mạnh mẽ nơi Chí Tôn, Phật Mẫu.
- Thương yêu vô tận.
- Ấy là chìa khóa mở cửa Bát Quái Đài tại thế nầy.


Thực ra những lời chỉ dẫn nầy áp dụng cho tất cả mọi tín đồ chứ không riêng gì cho kẻ tu chơn.

Ngoài ra còn có một chương trong bộ Tân Luật Cao Đài có liên quan đến đời sống người tu chơn riêng về phương diện luyện Đạo, chương nầy gồm 8 điều khoản và vài lời giới thiệu như sau :

Tịnh thất là nhà thanh tịnh để cho các tín đồ vào mà tu luyện.

Muốn vào nhà tịnh thất phải tuân y những điều lệ như sau :

Điều thứ nhất : Trong hàng tín đồ ai đã xử tròn nhơn đạo và giữ trai giới từ sáu tháng sắp lên thì được xin vào tịnh thất mà nhập định.

Điều thứ hai : Phải có một người đạo đức hơn mình tiến dẫn và một người đạo hữu bảo hộ.

Điều thứ ba : Cấm không đặng thư tín vãng lai với người ngoài trừ ra thân nhân, song phải có người tịnh "tịnh chủ" xem trước.

Điều thứ tư : Cấm người ngoài không được vào nhà tịnh, chẳng luận là viên quan chức sắc cùng thân tộc tín đồ.

Điều thứ năm : Cấm không được chuyện vãng với người ngoài trừ ra cha mẹ và con cháu đến thăm, song cũng phải có phép người tịnh chủ cho.

Điều thứ sáu : Nhập tịnh thất rồi phải tuyệt trầu, thuốc và không ăn vật chi ngoài mấy bữa cơm.

Điều thứ bảy : Phải giữ cho chơn thần an tịnh đừng xao xuyến lương tâm. Phải thuận hòa không được tiếng lớn, phải siêng năng giúp ích cho nhau và dìu dắt nhau trong đường đạo.

Điều thứ tám : Phải tuân lịnh của một tịnh chủ , phải y theo giờ khắc đã định mà thực hành công phu tu luyện.

Có ba nơi luyện đạo là Trí Giác Cung độ chừng 7 cây số về phía Đông Nam Tòa Thánh Tây Ninh, Trí Huệ Cung độ chừng 9 cây số trên cùng một hướng, nơi thứ ba dự định sẽ xây cất trên núi Bà Đen độ chừng 8 cây số về phía Bắc Tòa Thánh, công cuộc kiến trúc chưa hoàn tất.

Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc khuyên mọi người nên bắt đầu hành đạo bằng cách phụng sự vạn linh trước đã, chỉ khi nào mình cảm thấy đã lập công lập ngôn, lập đức đầy đủ thì mới có thể theo đuổi việc luyện đạo. Mọi sự bắt đầu quá sớm, trên con đường nầy trong khi ba thể xác thân,vía phách,trí não của người đệ tử chưa được chuẩn bị để có đủ khả năng đón nhận những nguồn năng lực huyền bí vốn là sức sống tuôn tràn xuống mãnh liệt sẽ đưa tới thất bại hoàn toàn.


III/- SỰ TRAU GIỒI TÂM LINH

Cho dầu chúng ta đi trên con đường nào cũng vậy, tâm linh vẫn là căn bản cho mọi hành động. Vì vậy hằng ngày người đệ tử Cao Đài có bổn phận phải trau giồi tâm linh cho đến mức độ lòng yêu thương, sự công chánh của Thượng Đế thấm nhuần trong tư tưởng. Đó là những nguyên tắc căn bản hết sức đơn giản, nhưng huấn luyện cho tinh thần người đệ tử trở nên đầy lòng yêu thương và công chánh lại là việc làm vô cùng khó khăn có lẽ còn khó khăn hơn lập một quốc gia nữa.

Có những phương pháp giúp người đệ tử tự trau giồi tâm linh mình dưới hình thức những hình luật của Giáo Hội và những bài kinh cho mỗi cá nhân trong những giờ hành lễ cũng như trong lúc làm việc hằng ngày, nó giữ cho tư tưởng và tình cảm của người đệ tử gần với Thiên lý. Hình luật thì nghiêm cấmviệc này việc nọ, khuyên nhủ điều kia, nếu ai vi phạm sẽ bị trừng phạt nghĩa là có người trông chừng giùm hành vi của chúng ta. Vì lòng sợ hình phạt mà người đệ tử tự kiềm chế lấy mình và đi trên đường ngay chánh ; còn kinh kệ thì dùng năng lực tinh thần của chính mình của người khác, của Thượng Đế và các Đấng trọn lành mà đánh thức lòng mình, lập lại lời kêu gọi thống thiết một cách thường xuyên. Buổi đầu tâm linh nghe lời kêu gọi trong những giờ giấc nhứt định nhưng về sau nó càng được thúc giục nghe tiếp, những lời kêu gọi của Thượng Đế nhiều hơn và rộng rãi hơn trước khi hành động.

Sự trau giồi tâm linh không có giới hạn nào, chúng ta có thể ở cương vị một người tín đồ suốt đời, nhưng trình độ tấn hóa thì không bị ràng buộc trong tước phẩm.

Về luật hình thì có Ngũ Giới Cấm và Tứ Đại Điều Qui áp dụng cho tất cả tín đồ, dầu ở cấp bực nào cũng vậy.


NGŨ GIỚI CẤM:

1-Nhứt bất sát sanh là chẳng nên sát hại sanh vật.

2-Nhì bất du đạo là cấm trộm cướp, lấy ngang lường gạt của người, hoặc mượn vay không trả, hoặc chứa đồ gian, hoặc lượm lấy của rơi, hoặc sanh lòng tham của quấy, để ý hại người mà lợi cho mình, cờ bạc gian lận.

3-Tam bất tà dâm là cấm lấy vợ người, thả theo đàng điếm, xúi giục người làm loạn luân thường, hoặc thấy sắc dậy lòng tà, hoặc lấy lời gieo tình huê nguyệt [vợ chồng không gọi tà dâm].

4-Tứ bất tửu nhục là cấm say mê rượu thịt, ăn uống quá độ rối loạn tâm thần, làm cho náo động xóm làng, hoặc miệng ước rượu ngon bụng mơ đồ mỹ vị.

5-Ngũ bất vọng ngữ là cấm xảo trá láo xược, gạt gẩm người khoe mình, bày lỗi người, chuyện quấy nói phải, chuyện phải thêu dệt ra quấy, nhạo báng chê bai, nói hành kẻ khác, xúi giục người hờn giận kiện thưa xa cách, ăn nói lỗ mãng thô tục, chửi rủa người hủy báng tôn giáo, nói ra không giữ lời hứa.

TỨ ĐẠI ĐIỀU QUI

1/- Phải tuân lời dạy của bề trên chẳng hổ chịu cho bậc thấp hơn điều độ, lấy lễ hòa người, lỡ lầm lỗi phải ăn năn chịu thiệt.

2/- Chớ khoe tài đừng cao ngạo quên mình làm nên cho người, giúp người nên Đạo đừng nhớ cừu riêng chớ che lấp người hiền.

3/- Bạc tiền xuất nhập phân minh, đừng mượn vay không trả, đối với trên dưới đừng lờn dễ,trên dạy dưới lấy lễ, dưới gián trên đừng thất khiêm cung.

4/- Trước mặt sau lưng cũng đồng một bực, đừng kính trước rồi lại khi sau.

Đừng thấy đồng đạo tranh đua ngồi mà xem không để lời hòa giải, đừng lấy chung làm riêng, đừng vụ riêng mà bỏ việc chung, pháp- luật phải tuân, đừng lấy ý riêng mà trái trên dễ dưới, đừng cậy quyền mà yểm tài người.


Còn về kinh kệ thì ngoài những bài xưng tụng công đức của Đức-Chí-Tôn, các vị Phật, Tiên, Thánh đọc trong các thời cúng nhứt định, còn có những bài kinh khác có tác dụng nhắc nhở người đệ tử biết kính trọng quyền năng thiêng-liêng hằng ở bên mình, tự kềm chế lấy mình, sửa lại lỗi lầm, mở rộng lòng yêu thương...v..v.đó là những bài kinh.

    - Sám hối.
    - Giới tâm kinh.
    - Xưng tụng công đức Thần, Thánh. Tiên, Phật.

Tôi đặc biệt chú ý đến những bài kinh Thế-Đạo mà phần đông tín-đồ dường như quên lãng hoặc vì lười biếng hoặc vì bận rộn với sinh kế hằng ngày. Sau đây là những ý tưởng chánh rút ra từ những bài kinh đó, trong bản Việt Ngữ xin để nguyên văn.


    KINH KHI THỨC DẬY

    Vừa mở mắt giựt mình thức dậy,
    Con mang ơn cúi lạy Từ-Bi.
    Tử sanh, sanh tử là chi,
    Gẫm trong giấc mộng cũng bì như nhau.
    Đây tới sáng xôn xao dưới thế,
    Những đua chen kiếm kế sanh nhai.
    Có thân giữa chốn đọa đày,
    Đếm ba vạn sáu ngàn ngày khó khăn.
    Xin Từ-Phụ ra ân cứu độ,
    Tăng huyền-linh giác-ngộ chí thành.
    Rõ phước đức biết tội tình,
    Nắm tâm đắp vững mặt thành Càn-Khôn.
    Trên nhờ có Chí-Tôn che chở,
    Thần, Thánh,Tiên,Phật hộ thân hèn
    . Đường tu nối bước cho quen,
    Xa trần tăm tối cận đèn Thiêng-Liêng.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT
    [Niệm 1 lần ]


    KINH KHI ĐI NGỦ

    Các vật-dục xảy ra một buổi,
    Cả hành vi lầm lỗi khôn ngừa.
    Sấp mình cúi lạy xin thưa,
    Ơn trên Từ-Phụ cho chừa tội khiên.
    Trong giấc mộng nghỉ yên hồn phách,
    Đấng Thiêng-Liêng năng mách bảo dùm.
    Bồng-Lai Cực-Lạc chỉ chừng,
    Đẩy đưa xác tục dựa gần cõi linh.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠIBỒ TÁT MA HA TÁT.


    KINH KHI RA ĐƯỜNG

    Thân vận động trong trường thế sự,
    Đạo nhơn luân cư xử cùng đời.
    Đòi phen lúc biến khi dời,
    Thân như bèo bọt giữa vời linh đinh.
    Dòm thấy cuộc kinh-dinh dưới mắt,
    E trở tâm tánh bắt đổi thay.
    Con xin nương bóng Cao-Đài,
    Bước ra một bước cảm hoài căn tu.
    Gót chơn đưa rủi như sát mạng,
    Vật hữu linh phàm nhãn khôn soi.
    Xin tha họa gởi tai rơi,
    Hồn linh nhờ có ơn Trời chứng minh.
    Đại-TưØ-Phụ oai linh bảo hộ,
    Những chông gai quét ngõ ven đường.
    Đi an-khương, về an-khương,
    Cõi Thiên, cảnh tục cũng đường chung nhau.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.


    KINH KHI VỀ

    Cảm-tạ ơn trên đầu dìu đỡ,
    Từ khi đi khi trở lộn về.
    Đặng xong phận sự mọi bề,
    Tâm tu lại vững chẳng hề lãng xao.
    Những nhớ bước động Đào buổi trước,
    Những nhớ khi Hớn rước Diêu Trì.
    Găn-Ta-Ca, đỡ bước đi,
    Ra thành Phật-Tổ gặp kỳ ly cung.
    Dẫy xe trâu Côn-Lôn trổi bánh,
    Lý Lão-Quân mong lánh phong trần.
    Núi Ô-Li-Vê để dấu chân,
    Gia-Tô Giáo-Chủ giải phần hữu sanh.
    Con nguyện xin khuôn linh giúp sức,
    Bước ta-bà giục thức huệ quang.
    Lòn thân dưới phép sầu than,
    Tìm phương cứu khổ mở đàng giải căn.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.


    KINH VÀO HỌC

    Đại-Từ-Phụ xin thương khai khiếu,
    Giúp trẻ thơ học hiểu văn từ.
    Gần điều nên lánh lẽ hư,
    Nương gươm thần huệ đặng trừ nghiệt căn.
    Dò đường Thánh khó khăn chẳng nại,
    Tùng khuôn hồng nhỏ dại lớn khôn.
    Buộc yêu thương bạn đồng môn,
    Nghĩa nhân vẹn giữ xác hồn trăm năm.
    Nguyện tam cang gìn tâm trọn Đạo,
    Nguyện ngũ thường hiếu thảo làm khuôn.
    Nguyện nên hương hỏa tông đường,
    Nguyện thương lê thứ trong trường công danh.
    Cầu khẩn Đấng Chơn-Linh nhập thể,
    Đủ thông minh học lễ học văn.
    May duyên gặp hội Long-Vân,
    Thuyền thơ ngọn gió Các-Đằng xuôi đưa.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.


    KINH VÀO ĂN CƠM

    Giữa vạn vật con người một giống,
    Phải uống ăn nuôi sống thây phàm.
    Từ-Bi ngũ cốc đã ban,
    Dưỡng nuôi con trẻ châu toàn mảnh thân.
    Công Thần-nông hóa dân buổi trước,
    Dạy khôn ngoan học chước canh điền.
    Nhớ ơn bảo mạng Huyền-Thiên,
    Con mong mượn xác đoạt quyền vĩnh sanh.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.


    KINH KHI ĂN CƠM RỒI

    Nguyện nhớ ơn Nông-canh nhằn nhọc,
    Nguyện ơn người lúa thóc giã xay.
    Ngậm cơm ơn ngậm hàng ngày,
    Nên người con nguyện ra tài lợi sanh.
    Con cầu xin mãnh hình tráng kiện,
    Giúp nên công xây chuyển cơ Đời.
    Trên theo pháp luật Đạo Trời,
    Dưới thương sanh chúng một lời đinh ninh.
    NAM MÔ CAO ĐÀI TIÊN ÔNG ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT.


Ngoài ra còn có kinh thuyết pháp, kinh nhập hội, xuất hội và nhiều bài kinh khác nữa, đọc vào các dịp tang, hôn. Kinh cứu khổ, cầu khẩn sự hộ trì của Thiêng-Liêng khi gặp nạn ốm đau hay điều chi thống khổ.

IV/- SỰ HUẤN LUYỆN THỂ XÁC

Song song với sự trau giồi tâm linh bằng phương pháp thần quyền và tâm lý, tôi nhận thấy có vài lời chỉ dẫn về một phương pháp tập thể dục mường tượng như phép yo-ga áp dụng cho các tín đồ ở bậc hạ thừa. Tuy nhiên phương-pháp nầy không được phổ thông vì nó đòi hỏi sự cố gắng triền miên của cả thể xác lẫn trí não và một thời giờ rỗi rảnh tối thiểu.

Theo sự nhận xét của riêng tôi, sự luyện tập nầy nhằm huấn luyện cho thể xác người đệ tử quen với những năng lực thần bí sẽ được thọ truyền sau nầy nếu họ tỏ ra xứng đáng và tập cho xác thân đủ sức chịu đựng sự sai khiến của trí não khi cái thể nầy của con người bắt đầu hướng thiện. Sự nuôi dưỡng cơ thể bằng thức ăn chay cũng là một trong những cách luyện tập thể xác nhằm đưa đến mục đích nầy. Xin nhắc lại rằng khi đệ nhị xác thân tức là cái gạch nối giữa thể xác và linh hồn đã thật sự hướng về Thượng-Đế thì người đệ-tử sẽ cảm thấy những sự thôi thúc kỳ lạ tự nội tâm buộc xác thân phải làm việc nầy việc nọ, phải hy sinh rất nhiều cho kẻ khác. Nếu thể xác không được huấn luyện dần dần từ trước thì nó dễ chống lại ý muốn của linh hồn và ngăn cản không cho tư tưởng lành trở thành hành động thiện.

Dĩ nhiên không ai tránh khỏi trận chiến theo kiểu nầy trong đời sống nội tâm, nhưng nếu thể xác được huấn luyện cẩn thận theo đường lối tu hành từ trước thì cường độ ác liệt của sự tranh đấu sẽ giảm bớt và ý muốn của linh hồn sẽ dễ-dàng chế ngự được thể xác từ việc nhỏ nhặt trong đời sống cá nhân đến những quyết định trọng đại giải quyết các vấn đề nhân sinh.




Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 2335 | Tác giả: Nguyễn Long Thành