× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Cao Đài » Biên khảo - Luận giải

Con Đường Của Người Đệ Tử Cao Đài


Chương II : Khái niệm về nhân sinh quan

Để có thể dễ dàng hiểu được khái niệm về sự cấu tạo của con người theo quan niệm thần học Cao Đài Giáo trước hết xin chư huynh tạm thời rời bỏ vài định kiến của mình , nếu có và giữ một thái độ khách quan trong khi đọc những dòng chữ sau đây. Nếu chư huynh thấy có chỗ nào khiếm khuyết, khó hiểu, đó chính là vì soạn giả vụng về chớ chẳng phải thực thể cấu tạo con người không toàn vẹn, vì sự bất tài của người viết chớ chẳng phải vì giáo lý Cao Đài không đủ sáng tỏ.

I/- BẢN THỂ CON NGƯỜI :

Nguồn cội con người vốn linh thiêng, nhưng khi tìm hiểu nó chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ không linh thiêng trước đã. Khối tế bào tạo thành thịt, xương, da, lông, tóc ... đó chính là hình hài của chúng ta, nhưng như vậy nó có khác chi một tử thi bất động đang nằm bên vệ đường kia ? Phải có một yếu tố thứ hai khác hơn cộng thêm vào hình hài đó mới làm cho nó linh hoạt, nghĩa là nó sống. Sự sống được thể hiện dưới hình thức cái hình hài bằng xương, bằng thịt của con người biết ăn, uống, ngủ, biết ham muốn, buồn vui, ghét, giận, lo lắng, suy tư ...

Yếu tố thứ hai đó gọi là " đệ nhị xác thân". Nếu con người chỉ gồm có hai phần như vậy thôi, nghĩa là một "thể xác" bằng tế bào và một "đệ nhị xác thân" nhập lại làm một để thể hiện được sự sống, thì con người có khác chi một con thú, vì thú vật cũng biết cử động, ăn uống, ham muốn, buồn vui, ghét giận, như chúng ta vậy. Vượt lên trên hai phần cấu tạo đó, con người phải có một cái gì khác hơn nữa làm cho nó phân biệt với động vật và có một giá trị cao hơn tất cả các sinh vật hiện hữu trên mặt địa cầu về mặt tấn hóa.

Yếu tố thứ ba đó là nhà thần học gọi nó là "linh hồn" và nhà khoa học chỉ thấy tác dụng của nó dưới hình thức trí khôn.

Bây giờ chúng ta xem lại kỹ hơn từng phần một trong ba thể cấu tạo nên con người như vừa trình bày.


HÌNH HÀI THỂ CHẤT :

Nếu chư huynh là người Tây Phương thiết tưởng không cần bàn giải gì hơn về cấu tạo và tính chất của thể xác con người, nếu chư huynh là người Đông Phương chưa từng khảo cứu học thuật Âu Mỹ xin chư huynh hãy tham khảo các sách vở, báo chí về cơ thể học , sinh lý học...


ĐỆ NHỊ XÁC THÂN :

Đây là một thực thể đã gây nhiều khó khăn cho người nghiên cứu. Trước hết, xin bàn đến sự hiện hữu của nó. Sau một ngày làm việc, đêm đến, chúng ta nằm nghỉ rồi trong một lúc mơ màng dường như chúng ta cảm thấy quên tất cả. Thân thể chúng ta nằm yên thường bất động đến nỗi muỗi cắn, cũng không biết, một người đứng bên cạnh cũng không hay, thậm chí có khi một vật lạ chạm vào người chúng ta cũng không cảm thấy. Tại sao vậy ? Cái đệ nhị xác thân ngự trị trong hình hài con người làm cho chúng ta cảm biết dễ dàng trong lúc thức như vừa kể trên, giờ đây đã rút ra khỏi thể xác một phần và đi vào cảnh giới khác thích hợp với những hoạt động riêng biệt của nó. Tuy nhiên, nó vẫn còn giữ lại sự liên lạc với thể xác, tượng trưng bằng sợi dây từ điển, làm cho con tim còn đập, phổi còn thở và tay chân vẫn còn cử động một cách vô thức. Ngày nào sự liên lạc này chấm dứt hoàn toàn, thì lập tức thân xác chúng ta sẽ trở thành một tử thi bất động.


BẢN CHẤT ĐỆ NHỊ XÁC THÂN :

Thần học Cao Đài Giáo dạy rằng lồng vào trong con người chúng ta còn có một thể thứ hai bằng khí chất, hình dạng giống hệt xác thân bằng xương bằng thịt nầy. Đặt tính của nó là linh hoạt, thu hút sanh khí trong càn khôn vũ trụ để truyền đến xác thân, và nuôi sống các tế bào cho được tốt tươi. Nó cũng rút tỉa những kinh nghiệm của xác thân ở hồng trần chuyển đi đến những thể thanh cao hơn trong số những thể cấu tạo con người. Kinh nghiệm ấy là những viên gạch kế tiếp trải ra trên con đường chúng ta đang đi hay là những dấu vết đương nhiên phải có trên con đường tấn hóa của mỗi người .

Đệ nhị xác thân đang lồng trong khuôn hình hài xác thịt, nó có cả thể tích giống y như xác thân vậy, và chịu ảnh hưởng nặng nề những nghiệp quả tư tưởng và hành động thường nhật. Nếu con người còn nặng nề đeo mang những dục vọng xác thân thì sau khi chết " đệ nhị xác thân" phải lưu luyến tử thi sắp rời rã như là một môi trường thích hợp cho sự thỏa mãn của nó. Trong một vài trường hợp con mắt của người bình thường có thể nhìn thấy " đệ nhị xác thân" của kẻ chết mà người ta gọi là "bóng ma". Nó không muốn rời khỏi xác thân vì người bạn đó đã giúp nó thỏa mãn mọi dục vọng khi nó còn ở trong xác, giờ đây nó sắp mất người bạn đó, nó muốn trở lại sống với người bạn cũ, nó muốn tiếp tục toại hưởng lạc thú hồng trần, nhưng mà luật vô hình buộc nó phải rời bỏ, nên nó hối tiếc, nó đau khổ .

Các phép độ hồn, giải oan, cầu siêu... của các nhà đạo giáo có tác dụng làm gảm bớt sự đau khổ nầy bằng cách giúp cho đệ nhị xác thân có đủ nghị lực và sự khôn ngoan để dễ dàng rời khỏi tử thi quên đi niềm luyến tiếc...Có thể sẽ có những thắc mắc rồi đệ nhị xác thân đi về đâu ?

Chắc chắn phải có con đường cho nó đi.
Nếu trong cuộc sống, chúng ta là người biết hướng thượng kiểm soát được dục vọng của mình, và dùng cái năng lực phát ra từ sự ham muốn ấy mà phụng sự vạn linh và tìm hiểu về sự sống thì trước buổi chết, đệ nhị xác thân đã đủ khôn ngoan để biết rằng nó đã hết phận sự dưới thế, nó phải đi vào những cảnh giới khác. Như là một kết quả đương nhiên của sự hiểu biết này, đệ nhị xác thân rời khỏi tử thi một cách dễ dàng với niềm sung sướng như một tù nhân vừa mãn hạn rời khỏi khám đường và đặt chơn lên con đường do nghiệp quả chồng chất của nó định ra.

Tóm lại, những gì mà đệ nhị xác thân phải làm sau khi chết là kết quả của những hành vi và tư tưởng khi nó còn lồng trong cái khuôn xác thịt. Thế nên, thân xác của người đệ tử Cao Đài phải chịu dưới những luật lệ của Giáo Hội, mục đích là để giúp cho người đệ tử có những dịp tạo nên những hành vi tốt, tư tưởng thiện để ngày sau đệ nhị xác thân dễ dàng siêu thoát, nghĩa là đi trở về nguồn cội linh thiêng của con người. Chư huynh có thể hiểu đó là một ân huệ do Thượng Đế ban cho hay là kết quả đương nhiên của một định luật công bình bất di bất dịch tùy theo trạng thái tinh thần của chư huynh khi đọc những lời nầy .


LINH HỒN :

Bây giờ chúng ta sang qua phần linh hồn hay là yếu tố thứ ba cấu tạo con người . Từ xưa các nền Tôn giáo đều dạy rằng con người có một linh hồn. Nhưng sự hiểu biết về linh hồn thì khác nhau tùy theo trình độ tấn hóa của mỗi cá nhân mỗi dân tộc . Những sự cố gắng giải thích linh hồn là cái gì bằng những lời lẽ thế gian , sau một thời gian có thể hằng thế kỷ đều trở nên thiếu sót, tương tợ như một bài học đã qua đối với một cậu học trò đã đỗ đạt. Nói như vậy không có nghĩa là ngôn ngữ chẳng giải thích được điều gì cả như có người thường nghĩ, nhưng trái lại chúng ta cũng phải làm công việc người xưa đã làm, nghĩa là vẫn phải dùng ngôn ngữ của chúng ta mà diễn tả một thực thể trong thế giới vô hình nhưng với một hình thức khác tuy biết rằng chẳng thể nào vẹn toàn được.

Hằng ngày chúng ta sống không ai không suy nghĩ Con người có trí khôn, cái trí khôn đó giúp cho nó chiếm địa vị tối thượng trong các loài sinh vật trên mặt đất . Khi chết trí khôn ấy đi về đâu ? Thật là khó hiểu nếu nói rằng một thực thể khôn ngoan dường ấy với những quyền năng sáng tạo phi thường mà lại chịu mất đi liền khi thể xác nầy chết . Cái trí khôn ấy có phải là linh hồn chúng ta không ? Thưa không, nó chỉ là tác dụng thấy được do sự hoạt động của linh hồn nơi một con người, hay nói một cách khác linh hồn là nguồn cội của sự khôn ngoan và câu nói ấy không phải là một định nghĩa , nó chỉ mô tả một trong vài điều giải thích về linh hồn và tùy theo mức độ quy phàm của linh hồn mà cái tác dụng thấy được của nó tức là trí khôn được thể hiện dưới hình thức cao thượng hay thấp hèn . Vậy thì chúng ta đừng cố gắng khoác cho nó một hình ảnh vật lý nào dù là tượng trưng, vì nó vốn không hình không ảnh, và cũng đừng đòi hỏi chứng minh sự hiện hữu của linh hồn bằng những thí nghiệm dựa vào giác quan xác thịt. Chúng ta chỉ có thể nhận thức rằng nó có mặt trong con người chúng ta chớ không thể sờ mó được cũng không thể thấy được bằng nhục nhãn.

Linh hồn vốn trọn lành, trên con đường nhập thế nó phải khoác lấy một cái áo bằng khí chất, nhẹ nhàng tức là đệ nhị xác thân, thích hợp với những sự hoạt động của nó ở cõi trung giới. Linh hồn muốn biểu lộ những hoạt động của nó ở cõi hồng trần nầy nó phải mượn thêm cái khuôn xác thịt nặng nề dầy đặc tức là thể xác của chúng ta. Càng đi sâu vào những cảnh giới nặng nề ô trược, linh hồn càng mất tính cách trọn lành vì sự trì kéo của những lớp áo ngoài mà nó mặc có khuynh hướng vị kỷ và cái lớp ngoài nặng nề nhất nhưng cũng cần thiết hơn hết để linh hồn có thể cư ngụ ở cõi trần chính là thể xác của chúng ta.

Tóm lại, nếu chúng ta phải tách rời ra ba phần riêng biệt cho dễ hiểu thì nơi mỗi con người đều có một linh hồn, một đệ nhị xác thân và một thể xác hữu hình. Cho đến đây chúng ta chỉ mới kể ra ba yếu tố cấu tạo con người theo quan niệm thần học Cao Đài Giáo, còn sự hoạt động của ba thể ấy ra sao trên con đường nhập thế và xuất thế không thuộc phạm vi quyển sách nhỏ bé nầy .

Có thể sẽ có những thắc mắc liên quan đến những khám phá của khoa học về sự di chuyển những luồng chấn động trong hệ thần kinh tạo thành cảm giác, sự hoạt động mà máy móc có thể kiểm chứng được của các trung khu trên những bán cầu não ... Tất cả những điều ấy chỉ là kỹ thuật điều khiển sự sống nơi con người do một quyền năng tối thượng sáng tạo, duy trì và hủy diệt nó. Con người chỉ có thể bắt chước kỹ thuật đó mà góp phần vào sự duy trì, đỡ nâng hay là hủy diệt sự sống. Tôi nhấn mạnh đến tánh cách kỹ thuật của những hiện tượng mà khoa học khám phá và nhiều người đã nhầm lẫn sự diễn biến của hiện tượng với nguyên thủy sáng tạo ra nó. Chính vì sự nhầm lẫn nầy mà con người đã để cho lòng kiêu hãnh ngự trị cả tâm linh khi nó vừa khám phá ra vài bí mật của vũ trụ trong số vô vàn những bí mật hãy còn che khuất. Lòng kiêu hãnh đã thực sự ngăn cản sự tiến bộ của con người không ít.


II/- Ý NGHĨA CỦA SỰ SỐNG :

"THẦY ĐÃ LẬP CHO CÁC CON MỘT TRƯỜNG THI CÔNG QUẢ TẠI THẾ GIAN NÀY" - Đó là lời dạy của Đức Chí Tôn đối với môn đồ của Đức Ngài và đó cũng là tóm tắt ý nghĩa sự sống của người đệ tử Cao Đài ít nhất trên một khía cạnh giải quyết các vấn đề xã hội.

Lẽ dĩ nhiên khi luận về một đề tài có tính cách triết học như thế thật không dễ gì trình bày tất cả mọi giá trị của đời sống con người trong vài trang giấy, vì đời sống là cả một sự tiếp nối những hoạt động tâm linh, trong các cảnh giới vô hình trước và sau khi thân xác xuất hiện trên mặt đất. Sự chằng chịt và ảnh hưởng lẫn nhau theo luật nhân quả của một cá nhân với tiền kiếp của nó, của một cá nhân đối với những người chung quanh trong đời sống cộng đồng làm cho vấn đề trở thành phức tạp vì những gì mà người ta cho là lẽ phải ở thế gian dường như chỉ có giá trị tương đối khi đối chiếu với cảnh vô hình. Ý nghĩa của sự sống phải được xây dựng trên một căn bản nào đó thì những điều được mô tả là có giá trị nhiều nhất mới trở nên hợp lý và mới có thể thông cảm được. Nền tảng đó phải được trình bày thật ngắn và gọn vì nó là một hệ thống tư tưởng xác định sự hình thành của cả vũ trụ nầy ra sao và trong số những gì được sáng lập, chúng ta đang xem xét sự sáng lập của một con người từ nguyên thủy trong một lần thác sinh.

Trước buổi xuất hiện trên mặt đất nầy như một con người riêng biệt có đầy đủ ba phần cấu tạo là hình hài thể xác, đệ nhị xác thân và linh hồn, thử hỏi có những hoạt động gì không, hay đó chỉ là một sự ngẫu nhiên ? Mọi người đệ tử Cao Đài đều trả lời là CÓ. Trên con đường nhập thế, linh hồn phải trải qua nhiều hoạt động trong các cảnh giới vô hình mới có thể ngự trị trong xác thân nầy. Tôi tránh không gọi tên những cảnh giới đó là gì, vì nó thường gây ra sự hiểu lầm do ấn tượng của những từ ngữ thế gian tạo nên. Mục đích của những sự hoạt động nầy là để tạo cho linh hồn những cái nhà trọ thích hợp với những hoạt động ở từng cảnh giới vô hình. Cũng trên con đường nhập thế, một linh hồn khi đã mang được một lớp vỏ hay cái nhà trọ, muốn tiến một bước nữa đến gần cảnh giới hồng trần hơn nó phải mang luôn cái nhà trọ cũ lồng vào trong cái nhà trọ mới càng thô kệt hơn và nặng nề hơn. Trong số những nhà trọ mà linh hồn cư ngụ cái nặng nề nhất và thô kệt nhất chính là thân xác hữu hình của chúng ta đây.

Rồi sau khi mượn thân xác nầy để biểu lộ sự sống của Thượng Đế dưới hình thức một cá thể biệt lập, linh hồn phải trở về nguồn cội của nó. Bây giờ trên con đường xuất thế hay là phản bổn huờn nguyên, trái lại nó phải rời bỏ, chứ không được mang theo những cái nhà trọ mà nó đã dùng trước kia. Nhà trọ nào nó dùng sau cùng sẽ bỏ trước nhất và theo thứ tự như vậy nó tiếp tục tháo bỏ nhiều thể cấu tạo khác, sau khi rời khỏi thể cuối cùng trên con đường nhập thế là thân xác của chúng ta. Một câu kinh Cao Đài đã mô tả sơ lược khúc quanh trong lộ trình ấy như sau :

      " Hồn Trời hóa trở về Thiên cảnh "
      " Xác đất sanh đến lịnh phục hồi"

Trong cuộc hành trình hai chiều ấy có nhiều giai đoạn sáng lập, tiến hóa và hủy diệt. Chúng ta tìm hiểu một trong số những giai đoạn ấy : giai đoạn linh hồn cư ngụ trong thân xác. Trở lại vị trí hiện tại của người đệ tử Cao Đài trên thế gian nầy, thử hỏi đời sống của họ có một ý nghĩa gì trong cái toàn diện sáng lập nên con người trong vũ trụ.

Người đệ tử nhận mình là con của Thượng Đế thì những gì là đặc tánh của Thượng Đế mà họ hiểu được người đệ tử phải cố gắng làm theo.

" THẦY LÀ CÁC CON, CÁC CON LÀ THẦY"
Đó là câu quen thuộc nơi cửa miệng của người đệ tử Cao Đài, họ thường nhắc nhở lời dạy nầy của Đức Chí Tôn để cố gắng thể hiện vai trò thay hình ảnh Chí Tôn tại thế .

Đức hóa sanh của Đại Từ Phụ thật là vô biên và trong đời sống hồng trần của cá nhân người đệ tử họ phải cố gắng thể hiện Đức hóa sanh ấy bằng cách hướng mọi hành động vào sự nâng đỡ cơ sanh hóa và bảo tồn vạn linh. Nói cách khác người đệ tử phải phụng sự vạn linh. Qua nghi lễ dâng hoa, rượu, trà tượng trưng cho tam bửu người đệ tử Cao Đài đã tự họ nói lên ý nghĩa của đời sống khi họ cầu nguyện dâng trọn xác thân, trí não và linh hồn cho Đức Chí Tôn dùng làm con tế vật phụng sự vạn linh. Đó là căn bản lý thuyết của giá trị đời sống : Phụng sự .

Có lẽ chư huynh cần biết rõ người đệ tử Cao Đài phải có những hành động cụ thể nào để biểu lộ ý nghĩa đời sống của họ. Không có một qui luật nào nhất định buộc tất cả mọi người đệ tử phải gánh vác những việc giống nhau vì trình độ tấn hóa của họ không bằng nhau. Không có một luật lệ nào kê khai đủ mọi chi tiết của các hoạt động thường nhật cho tất cả mọi người đệ tử ở khắp các vùng đất trên thế giới, nhưng có một luật căn bản cho tất cả mọi người mọi nơi đó là sự thương yêu. Sự biểu lộ lòng thương yêu của Thượng Đế tùy thuộc vào mỗi cá nhân, mỗi đoàn thể, phong tục tập quán của từng quốc gia, từng vùng đất trên toàn cầu mà khác nhau, vì vậy mà vài điều khoản luật lệ Giáo hội Cao Đài hiện đang áp dụng cho người Việt Nam có thể không thích hợp với người ngoại quốc và có thể sửa đổi được. Đó là điều quan trọng và là một sắc thái đặc biệt trong đời sống người đệ tử Cao Đài. Luật lệ không phải là những cái khuôn cứng rắn đóng cửa và xua đuổi những người từ bên ngoài, mà chính là cái khuôn uốn nắn người đệ tử trở thành kẻ phụng sự càng ngày càng mở rộng tầm hoạt động và sự hiểu biết của mình để đón nhận tất cả mọi người như Đức Chí Tôn vậy.

III/- SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA HỮU HÌNH VÀ VÔ HÌNH :

Nếu chúng ta nhìn xa hơn trên con đường phản bổn huờn nguyên của kiếp sống người đệ tử Cao Đài... Chúng ta sẽ thấy có những lý do thần quyền hơn là lý do vì xã hội, đã khiến cho người đệ tử phải buộc mình trong những khuôn luật khắc khe chủ yếu là để giúp đời giúp Đạo. Qua lời cầu nguyện trong những ngày lễ vía của các vị tiền bối hay kẻ quá cố trong gia đình, người đệ tử tại tiền có một ước muốn mãnh liệt cho các chơn linh được cao thăng phẩm vị trong cỡi vô hình. Họ tin tưởng nơi sự liên quan mật thiết giữa thế giới vô hình và hữu hình.

Như đã trình bày trước đây rằng sau khi chết đệ nhị xác thân sẽ đặt chân trên con đường do nghiệp quả chồng chất của nó tạo nên. Nói cách khác những gì mà con người đã làm trong kiếp sống sẽ định hướng cho đệ nhị xác thân và linh hồn sau khi rời khỏi xác . Đó là con đường thẳng tắp, gần gũi, nhẹ nhàng cho những người biết hướng thiện và là con dường ngoằn ngoèo xa diệu vợi và đầy khổ đau cho những kẻ hung bạo. Người đệ tử Cao Đài tin tưởng nơi công quả của mình tạo cho thế gian, sẽ giúp cho họ đi trên con đường thứ nhất trở về cùng Chí Tôn và chữ "cao thăng phẩm vị" chỉ có nghĩa là bước những bước dễ dàng trên con đường tấn hóa, nó không còn mang ý nghĩa những chức tước, phẩm trật, áo lễ của một triều nghi. Chính lý do thần bí này là nguyên động lực thúc đẩy người đệ tử Cao Đài chấp nhận sự hy sinh cho kẻ khác mặc dù sự " cao thăng phẩm vị " không phải là một mục đích tối hậu của tôn giáo này vốn không cho phép một hình thức ích kỷ nào dù là sự tiến bộ cho riêng mình tồn tại trong tâm tư của người đệ tử đã tấn hóa cao.

Mọi hình thức giải thích sự hy sinh của người đệ tử là vì quyền lợi của phe nầy nhóm nọ như một vài quan sát viên đã nói thì thật là thiếu sót. Trên bình diện xã hội, người ta có quyền nghĩ như vậy nhưng nếu muốn tìm hiểu đời sống của người đệ tử một Tôn Giáo chúng ta không thể bỏ qua lý do thần bí nầy.



Xem dưới dạng văn bản thuần túy.
Lượt xem: 1065 | Tác giả: Nguyễn Long Thành