Trang chủ » Cao Đài » Giáo Lý » Giảng Đạo Chơn Ngôn
17. Triết-lý Thiện và Ác

Thiện ác là thế nào? Thiện là lành ác là dữ.

Chiếu theo luật công-bình thiêng-liêng của Tạo-hóa, thì lành thưởng dữ răn, lành siêu dữ đọa. Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng. Làm theo việc lành thì thuộc thanh khí nhẹ nhàng tức nhiên thăng phù siêu thoát.

Còn làm theo điều dữ, thì thuộc về ác khí trọng trược, là phải hạ giáng trầm luân. Cũng như thế gian hiện-hữu, người lành thì được thong thả tự-do. Kẻ dữ phải chịu lao tù khổ sở. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Lành có lành trả, dữ có dữ trả. Thiện ác nhược vô báo, càn-khôn tất hữu tư. Nếu làm lành mà không được hưởng phước còn làm dữ mà chẳng có tai họa, thì Trời Ðất ắt có tư vị hay sao? Không, Trời Ðất chẳng bao giờ mà tư vị ai tất cả.

Bởi có câu: Thiên Ðịa chí công, Thần minh ám sát, bất vị tế hưởng nhi giáng phước, bất vị thất lễ nhi giáng họa. Nghĩa là: Trời Ðất công-bình có các Ðấng Thần-minh soi xét, chẳng phải vì sự cúng tế cầu khẩn mà ban phước, cũng chẳng vì thiếu lễ vật cúng kiếng mà xuống cho tai họa. Chỉ có làm lành hay làm dữ mà định phần phước cùng họa, báo ứng phân minh.

Ðức Thái-Thượng nói: Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình. Lành dữ đều có trả cũng như bóng theo hình....

Xem về mặt hình-thức hữu vi, thì những hạng làm lành thấy chơn-chất nhu-nhược, không bằng cái thể tướng của kẻ làm dữ, bởi kẻ dữ thì có oai thế hùng cường mạnh bạo, ai xem thấy cũng đều kinh khủng. Mà kết cuộc người làm lành vẫn được trường tồn, còn kẻ làm dữ thị tự nhiên tiêu-diệt.

Có câu: Hành thiện chi nhơn như xuân viên chi thảo, bất kiến kỳ trưởng nhựt hữu sở tăng, hành ác chi nhơn như ma đao chi thạch, bất kiến kỳ tổn nhựt hữu sở khuy. Nghĩa là những người làm lành như cây cỏ mùa xuân, tuy là khô-khan còi cọc chẳng thấy lớn, mà đến lúc mưa dào thì phát triển thạnh mậu, nhành lá tươi tốt sum-sê. Còn những hạng người làm dữ thì xem sắc sảo cũng như lưỡi dao bén mài trên đá, tuy là chẳng thấy hao mòn, mà tự nhiên nó cùn tận.

Chẳng khác cái lưỡi với răng. Cái lưỡi tuy mềm mà còn mãi mãi, cái răng rất cứng mà kết cuộc thì nó gãy hết không còn....

Chiếu theo Nho-Giáo của Ðức Khổng-Tử lưu truyền thì mỗi bộ sách đều có dạy việc thiện và ác, nhưng có chỗ thì nói sự báo ứng thậm tốc, về mặt hình-thức, còn có chỗ thì nói quả báo bí ẩn vô-vi.

Có câu: Sỡ dĩ nhơn tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi kiết thần dĩ tùy chi, hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi. Nghĩa là: lòng người muốn làm việc lành tuy là việc lành chưa làm mà đã có vị kiết-thần chứng-minh rồi đó. Hoặc lòng người mống khởi làm việc dữ, mà việc dữ ấy chưa làm, thì đã có vị hung-thần chép biên rồi đó....

Lại có câu: Nhứt nhựt hành thiện, phước tuy vị chí họa tự viễn hỉ, nhứt nhựt hành ác, họa tuy vị chí phước tự viễn hỉ. Một ngày làm lành phước tuy chưa đến, mà tai họa đã lánh xa, một ngày làm dữ họa tai tuy chưa đến mà phước đã lánh xa.

Hai bài sách trên đây, là nói sự báo ứng về cơ mầu-nhiệm. Mặc dầu con người tin hay là không, đến khi kết cuộc thì sở hành thiện ác đều thấy rõ.

Sự lành thưởng dữ răn của nhân-loại trên mặt địa-cầu nầy ví như:

Trong gia-đình có đặt quyền của một ông cha cai-quản, khi mà ông cha nhứt định sẽ giao gia-nghiệp cho con gìn-giữ thì tự nhiên ông chọn lựa trong bầy con, người nào trọn tâm hiếu-nghĩa với cha mẹ, hòa-thuận với anh em, biết lo bồi-bổ mọi sự trong gia-đình, tánh tình hiền-lương đạo-đức, thì ông cha mới giao sự sản đất vườn cho người ấy bảo hộ. Chớ không bao giờ cha lại giao gia-nghiệp, chìa khóa tủ, bằng khoán đất cho một đứa con bất hiếu ngổ nghịch bạo tàn, ấy là lẽ cố nhiên trong gia-đình như thế.

Ðức CHÍ-TÔN là Cha cả, có quyền năng chưởng-quản toàn thể nhơn-loại trên mặt địa-cầu nầy, thì ông cha Thiêng-liêng muốn giao đại-nghiệp trong thế-giới cho một sắc dân nào cầm quyền thống-nhứt về mặt vật-chất hay là tinh-thần, thì Ðại Từ-Phụ cũng chọn lựa một dân-tộc nào, có trọn tâm hiếu hạnh, biết tôn trọng thành kỉnh Ðấng Cha lành và có lòng đạo-đức nghĩa-nhơn, biết giữ luật-pháp công-bình chánh trực thì Ðức Chí-Tôn mới giao phó cả đại-nghiệp trong vũ-trụ nầy, cho dân-tộc ấy giữ-gìn cai-quản. Chẳng khi nào Ðức Chí-Tôn lấy giao sản-nghiệp vĩ đại trong hoàn-cầu cho một sắc dân bất nghĩa vô nhơn bạo tàn hung ác, mà được cầm quyền bá chủ.

Trái lại dân-tộc ấy, đã không đặng hưởng hồng-ân của Ðấng Cha lành ban cho, mà còn phải chịu luật Thiên-điều trừng trị, ấy là lẽ công-bình của Ðức CHÍ-TÔN, lành thưởng dữ răn hai đường đặc biệt.

                  THI
        ÐỨC CHÍ-TÔN

Thiện ác đáo đầu đã biết chưa,
Hiểu rồi cái ác cũng nên chừa.
Theo làm âm-chất may bồi đấp,
Thì sẽ trở về chỗ vị xưa.

« Xem chương trước | Xem chương tiếp theo »