Chữ Khiêm là khiêm-nhượng, dầu mình khôn ngoan trí hóa, tài hay nghề giỏi cũng phải kính nhường người. Có câu: "Thánh-nhơn bất tự mãn túc, Nghiêu Thuấn kỳ du bịnh chư". Ðức Thánh-Nhơn còn chưa gọi mình là đầy-đủ, Vua Nghiêu, Vua Thuấn còn có chỗ thiếu sót thay. Ấy là bậc Thánh Hiền còn phải khiêm-nhượng như thế.
Người đời thường có tánh tự đắc, kiêu ngạo, chẳng biết khiêm-nhượng là gì, hễ mở miệng ra thì tự-tôn tự-đại, coi mình như Thần-Thánh, khinh bỉ người nhẹ như mảy lông.
Có câu: "Khinh bạc chi thái, thị chi quân-tử tắc tán ngô đức, thị chi tiểu-nhân tắc tán ngô thân". Nghĩa là: Cái thói khinh bạc mà đối với người quân-tử thì tổn cái đức của mình, còn đối với kẻ tiểu-nhân thì hại cái thân của mình.
Cho nên Ðức Khổng-Tử dạy rằng: "Thông-minh huệ trí thủ chi dĩ ngu, công bị thiên hạ thủ chi dĩ nhượng, dõng lực chấn thế thủ chi dĩ khước, phú hữu tứ hải thủ chi dĩ khiêm".
Ðức Khổng-Tử nói: dầu mình có thông-minh trí huệ hơn người cũng phải coi mình như ngu dốt vậy, dầu mình có công lao đầy-đủ trong thiên-hạ, thì cũng phải kính nhường người, mình có sức mạnh hơn đời, cũng phải coi mình như kẻ mềm yếu vậy, dầu mình giàu có trong bốn biển, thì cũng xem mình như nghèo khổ vậy. Ấy là cái hạnh khiêm-nhượng của Ðức Thánh-Nhân, để roi truyền cho đoàn hậu tấn.
Chữ khiêm đối với các phương-diện cần phải thật-hành tất cả. Người bác-học mà biết khiêm-nhượng thì kẻ tài sơ mới hết lòng mến phục, còn kẻ tài sơ mà biết khiêm-nhượng, thì người bác-học mới vui dạ dắt-dìu.
Còn tánh hiu-hiu tự đắc, thì thành ra người không được tiến hóa.
Trong gia-đình mà biết khiêm-nhượng thì mới được trên thuận dưới hòa. Trong xã-hội mà nhiều người biết khiêm-nhượng, thì xã-hội mới được thái-bình. Còn người tu-hành đạo-đức mà biết khiêm-nhượng thì mới đặng hoàn-toàn.
Trong quyển Phương-Châm Hành-Ðạo của Ðức Quyền Giáo-Tông dạy rằng: Quí hóa thay cái hạnh khiêm-nhượng, nguy-hiểm thay cho tánh tự-kiêu.
THI
Khiêm cung nhẫn-nại mới là hay,
Tự-đại tự-tôn chẳng phải tài.
Xem hạnh người xưa gương trước mắt,
Mắt dầu không thấy vẫn còn tai.