Tu là trau-giồi đức-hạnh, sửa bổn tâm chơn tánh, cải ác tùng lương, khử tà qui chánh. Nghĩa là: đổi dữ về lành bỏ các điều vạy mà làm theo điều ngay. Con người đồng thọ nhứt điểm Linh-quang của Tạo-hóa ban cho một cái tánh Thiêng-liêng, tánh ấy vẫn biết khôn ngoan trí hóa đạo-đức tinh-thần, nếu không lo trau-giồi để cho nó nhiễm lấy vật-chất hữu-hình lợi-danh phú-quí, sắc-dục tiền-tài, làm cho điểm linh-quang mờ ám, mà sanh ra các điều tội lỗi.
Có câu: "Ngọc bất trác bất thành khí". Ngọc chẳng giồi chẳng nên giống tốt. Ngọc ngà là vật quí báu của đời, nếu không biết cách trau-giồi, thành ra một vật vô giá-trị cũng như con người có một tánh lành, mà chẳng hay trọng dưỡng để cho nó trở nên hung ác thì gọi là mất nguồn cội. Cho nên bậc nào cũng lo tu-hành là điều cần nhứt, có câu: Tự Thiên-Tử chí ư thứ dân, nhứt thị giai dĩ tu thân vi bổn. Nghĩa là: từ ngôi Thiên-Tử xuống tới hàng thứ dân, chỉ dùng sự tu thân mà làm căn bản.
Xem trong thơ truyện các bậc Ðế-Vương cũng xuất thân lo việc tu-hành. Vua Hiên-Viên Huỳnh-Ðế, còn phế giang-san quì gối ba phen yết bái Ðức Quảng-Thành-Tử mà học Ðạo Tiên-Thiên. Lại nữa: Ðức Thích-Ca là con một của vua Tịnh-Phạn-Vương, Ngài là Ðông-Cung Thái-Tử, sao chẳng ở nối ngôi Vua mà hưởng nhờ vinh-huê phú-quí, lại xuất thân hành đạo chịu thiên tân vạn khổ, ly gia cắt ái giáo hóa chúng sanh thuyết pháp độ đời, thức tỉnh nhơn tâm, cho đặng thoát khỏi sông mê biển khổ. Do nơi công-nghiệp ấy Ngài mới đắc đạo là Phật-Tổ, thiên hạ phụng thờ, muôn người sùng bái, có phải là phương tu rất nên quí hóa chăng?
Ðến như các bậc Ðế-Vương mà còn mộ Ðạo tu-hành thay huống chi chúng ta nỡ nào mê theo mồi phú-quí bả vinh-hoa vẻ cân-đai mùi chung-đỉnh là điều giả cuộc, mà đành quên hết đạo-đức tinh-thần hay sao? Có câu: Ðức giã bổn giã, tài giã mạt giã.
Ðạo-đức là căn bản, còn tài là ngọn ngành, mà chúng ta lẽ nào bỏ gốc tầm ngọn, lại có câu: "Ðức thắng tài vi quân-tử". Sao lại không lo lập đức đặng làm người quân-tử mà lại tranh tài?
Phương tu rất có ích cho nhơn-quần xã-hội. Bởi có câu: Tu kỷ dĩ an bá tánh, một người tu mà trong bá tánh thảy đều an cư, ví như một người kia bình nhựt hay trộm cướp gian tham, mà nay biết ăn-năn hối ngộ lo việc tu-hành thì trong bá tánh đặng hưởng mọi điều yên tịnh, có phải là phương tu hữu ích chăng?
Nếu trong xã-hội từ lớn chí nhỏ đều lo việc tu-hành, giữ theo luật Ðạo làm lành lánh dữ, thương yêu thuận-hòa cùng nhau thì xã-hội trở nên thái-bình, đời mới đặng thuần-phong mỹ tục. Còn chẳng noi theo đường đạo-đức, để tranh đua mạnh hiếp yếu trí lấn ngu, giàu hiếp nghèo, khôn lấn dại, sanh ra các điều ác cảm không kể luân-lý cang-thường thì chi cho khỏi điều tồi phong bại tục.
Có câu: "Bang hữu đạo tắc trí bang vô đạo tắc nguy". Nước nhà có đạo-đức thì dân trở nên hiền lành, được mở mang trí hóa cao thượng.
Còn nước không có Ðạo, thì dân tranh cạnh thù nghịch lẫn nhau, tìm mưu sâu kế độc mà giết hại lẫn nhau chẳng thương yêu cốt nhục đồng bào, thì kết cuộc nhơn-sanh phải đi tới con đường tận diệt....
Tóm lại phương châm tu-hành đạo-đức là một cơ-quan bảo tồn nhân-loại.