Kinh Lương Hoàng Sám
Chương 35 CẢNH TỈNH VÔ THƯỜNG

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng đã cùng nhau lễ Phật, sám hối phát nguyện thế cho hết thảy chúng sanh trong lục đạo rồi; bây giờ cần phải tỉnh ngộ vô thường.

Than ôi! Tội phước trong ba cõi, nhân quả sanh nhau ở ngay tại tâm, không rời đương niệm, nhân quả ảnh hưởng lẫn nhau, không ngoài thiện ác; không thể sai lầm.

Nguyện xin Đại chúng nên giác ngộ lý vô thường; phải siêng lo tu hành để tự cứu lấy bản thân, chớ sanh tâm lười biếng mà không cố gắng.

Người trí thức thường than: “Giả sử người hưởng thú dục lạc trăm, ngàn, vạn ức năm, rốt cuộc cũng không thể tránh được đau khổ trong ba đường ác”. Huống gì chúng ta trong khoảng thời gian ngắn ngủi một trăm năm, nhưng mấy ai sống được một nửa. Thế thì chúng ta không thể tự dung túng qua ngày không lo tu tập.

Vả lại thế gian huyễn hóa, rốt cuộc tất cả đều tiêu ma. Có rồi hoàn không, lên cao rồi phải xuống thấp; có sum họp phải có chia ly; có sanh quyết có tử; cha mẹ vợ con chồng bạn, anh em quyến thuộc, thương yêu đến tận cốt tủy, đến giờ phút lâm chung, không ai có thể chết thế cho ai.

Quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quý, tiền tài bảo vật cũng không thể kéo dài đời sống cũng không thể dùng lời lẽ, ăn uống cầu chúc để mong thoát khỏi tử thần. Sống chết là việc vô hình, không ai có thể lư lại được!

Kinh dạy rằng: “Chết là hếr”. Tắt hơi thở rồi, thần thức thoát ly, thân hình tan rã, nhơn vật như nhau, không ai sống mà không chết. Nhưng trong lúc bỏ thân mạng sống nầy, khổ não vô cùng. Sáu dòng bà con, nội ngoại, vây quanh khóc lóc. Người chết khi ấy sợ lắm; không biết nương nhờ ai.

Lúc hơi thở cuối cùng sắp tàn, người chết nhớ lại hết thảy việc thiện ác mình đã làm trong một đời qua; hành tướng quả báo sum la hiện ra trước mắt.

Người làm lành được thiên thần (thần trời) phù hộ. Người làm ác có ngưu đầu ngục tốt xua đuổi. Ngục tốt la sát hằng không khoan dung tha thứ. Từ thân, hiếu tử không thể cứu giúp; vợ chồng ân ái chỉ nhìn nhau, xem cái chết đến. Gío phong đao xẻ thân đau khổ không thể nói được.

Người chết lúc ấy ruột đau như dao cắt, bao nhiêu thống khổ đồng thời dồn dập; tinh thần hoảng hốt như điên như cuồng. Dầu muốn khởi tâm nghĩmột niệm hành làm một mảy phước, lễ Phật một lạy cũng không thể được. Lòng càng hối hận, khổ não như vậy, không ai chịu thế cho ai.

Kinh Niết Bàn dạy rằng: “Người chết ở nơi chốn hiểm nạn, không có lương thực; đường đi mờ mịt xa xăm lại không có bạn bè; ngày đêm đi mãi không biết về đâu, không có phương hướng; thâm thúy tối tăm, không có ánh sáng; vào vô gián địa ngục; đến rồi không thoát ra được. Sống không tu phước chết về chỗ khổ, sầu thảm cay chua, không thể liệu trị. Việc ấy không có hình sắc nên không thể biết trước mà lo sợ”.

Ngày nay Đại chúng đồng nghiệp trong Đạo tràng đã biết quả báo của sự sống chết như sợi giây xích, không có mối manh, không bao giờ cùng tận. Chết rồi thần hồn đi ngơ ngác, thui thủi một mình, không biết về đâu, không ai thất biết, không thể tìm kiếm, không thể ghi nhớ. Chỉ mỗi người tự nỗ lực siêng năng chịu khổ, chăm lo tu tập, thật hành lục độ, tứ vô lượng tâm v.v... để làm tư lương riêng về xứ sở. Chớ ỷ mình còn mạnh khỏe mà tự yên tâm. Phải nên hết lòng tha thiết, đảnh lễ quy y Đại từ bi phụ:

Nam mô Di Lặc Phật
Nam mô Thích Ca Mâu ni Phật
Nam mô Đa Văn Hải Phật
Nam mô Trì Hoa Phật
Nam mô Bất Tùy Thế Phật
Nam mô Hỷ Chúng Phật
Nam mô Khổng Tước Âm Phật
Nam mô Bất Thối Một Phật
Nam mô Đoạn Hữu Ái Cấu Phật
Nam mô Oai Nghi Tế Phật
Nam mô Vô Động Phật
Nam mô Chư Thiên Lưu Bố Phật
Nam mô Bảo Bộ Phật
Nam mô Hoa Thủ Phật
Nam mô Oai Đức Phật
Nam mô Phá Oán Tặc Phật
Nam mô Phú Đa văn Phật
Nam mô Diệu Quốc Phật
Nam mô Hoa Minh Phật
Nam mô Sư Tử Trí Phật
Nam mô Nguyệt Xuất Phật
Nam mô Diệt Ám Phật
Nam mô Sư Tử Du Hý Bồ tát
Nam mô Sư Tử Phấn Tấn Bồ tát
Nam mô Vô Biên Thân Bồ tát
Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát.
Lại quy y như vậy mười phương tận hư không giới hết thảy Tam bảo.


Nguyện xin Tam bảo đồng gia tâm che chở nguyện cho Đại chúng đồng sám hối trong Đạo tràng từ nay trở đi cho đến ngày thành Phật, bao nhiêu tội nhơn, vô lượng khổ quả đều được đoạn trừ, phiền não kiết nghiệp hoàn toàn thanh tịnh. Thường được đích thân tham dự các hội thuyết của chư Phật; tu đạo Bồ tát, tự tại thọ sanh, tứ đẳng lục độ như pháp tu hành; tứ biện lục thông hoàn toàn đầy đủ, trăm ngàn tam muội, ứng niệm hiện tiền, các môn tổng trì đều hay chứng nhập, chóng lên Đạo tràng, thành bậc Chánh giác.

« Xem chương trước « » Xem chương tiếp theo »
Về mục lục Kinh Lương Hoàng Sám