Kinh Bồ Tát Thiện Giới
Phẩm thứ mười ba…Tinh tấn Độ

(TINH TẤN BA LA MẬT)

1.Thế nào là tánh tinh tấn của Đại Bồ Tát?

-Tánh tinh tấn là: Một lòng chuyên cần, ròng rã tiến tới.

Vì nhiếp giữ pháp lành. Vì lợi ích chúng sanh. Vì làm cho chúng sanh được đạo vô thượng. Vì phá sự điên đảo. Do tánh tinh tấn nên được thiện nghiệp thuộc thân, miệng, ý.

2.Tất cả sự tinh tấn là gì?

Có hai tính cách: Thế gian. Xuất thế gian.

Lại có hai thứ: Tại gia. Xuất gia.

Lại có ba thứ: Sự trang nghiêm. Nhiếp giữ pháp lành. Lợi ích chúng sanh.

Sự trang nghiêm là gì?

-Khi Đại Bồ Tát mới phát đại tâm chuyên cần tinh tấn trang nghiêm (tự thề nguyện rằng) “Nếu như có thể làm cho một người được quả giải thoát mà vô lượng kiếp tôi phải ở địa ngục chịu khổ não lớn, chịu khổ lớn rồi, sau đó mới được Vô thượng Bồ Đề. Chứng Bồ đề rồi, cho đến có thể làm cho một người được quả giải thoát, mà tôi phải chịu sự khổ địa ngục, dầu vậy tâm tôi vẫn không thôi nghĩ”.

Đây gọi là sự trang nghiêm.

Bồ Tát đầy đủ trang nghiêm tinh tấn là hơn tất cả những công đức của Thanh Văn, Duyên Giác không sao tính kể. Tại sao như vậy?

-Vì chịu khổ lớn để làm lợi ích tất cả chúng sanh. Nếu vì một người mà chịu khổ lớn, còn được vô lượng vô biên công đức, huống gì lại vì tất cả chúng sanh?

Đây gọi là sự trang nghiêm tinh tấn nhiếp giữ pháp lành của Đại Bồ Tát.

Thế nào là nghĩa chuyên cần tinh tấn nhiếp giữ pháp lành?

-Nếu vì tu hành Thí ba la mật. Giới ba la mật. Nhẫn ba la mật. Tấn ba la mật. Thiền ba la mật. Bát nhã ba la mật mà chuyên tinh tấn, như thế được gọi là sự Bất động.

Tất cả mê lầm, tất cả nghiệp ác, tất cả tà kiến, tất cả khổ não không làm lay động, thế nên cũng gọi là sự kiên cố, là sự trang nghiêm mạnh mẽ, và còn gọi là Biết khắp tất cả, vì biết các thuật thế, xuất thế gian. Còn được gọi là đầy đủ phương tiện, vì làm nhân duyên tu đạo chơn thật. Còn gọi chơn thật, vì được nghĩa thật. Còn gọi rộng rãi, vì trong tất cả thế gian, không gian đều không thôi nghĩ…Còn gọi điều phục, vì siêng tu tinh tấn không sanh kiêu mạn. Bảy việc như thế nuôi lớn pháp lành, cho nên mạn danh là sự tinh tấn nhiếp giữ pháp lành.

Bởi siêng tu tấn, cho nên đầy đủ tinh tấn của sáu pháp ba la mật. Đối với sự thú hướng Bồ Đề, nó là nhân duyên gần gũi hơn hết, không gì trên nổi, không gì qua nổi. Bởi vậy Như Lai nói trong các kinh: “Này A Nan Đà, sự siêng tinh tấn mau được vô thượng chánh đẳng, chánh giác”.

Vì lợi ích chúng sanh siêng tu tinh tấn:

Gồm có mười một điều, như đã nói nơi phẩm Trì giới độ.

3.Tinh tấn khó khăn là gì?

Bực Đại Bồ Tát không tự tác ý tưởng đến y phục, không tưởng đến những thức ăn, mền mệm không nghĩ tưởng đến “cái gọi là Ta”, không tưởng về pháp, không tưởng về Đạo, không tưởng Bồ Đề.

Đây cũng gọi là sự siêng tinh tấn của Đại Bồ Tát, thế nên gọi là tinh tấn khó khăn. Trong tất cả thời gian, trong tất cả quốc độ, trong tất cả tâm đều siêng tinh tấn. Đó gọi là khó. Không gấp, không hưỡn, ngay đó vận dụng. Như thế gọi là tinh tấn khó khăn. Cái khó khăn của mọi sự tinh tấn có hai thứ nhân: Một là Từ Bi. Hai là Trí tuệ.

4.Tất cả tự tinh tấn là gì? -Đây có bốn điều:

Một là. Lìa các pháp ác.

Hai là. Tăng trưởng pháp lành.

Ba là. Trau dồi sáng sủa pháp lành.

Bốn là. Tăng trưởng trí tuệ.

-Lìa các pháp ác: Đại Bồ Tát siêng tu tinh tấn, những ác chưa sanh, siêng tạo phương tiện khiến chẳng phát sanh.

-Tăng trưởng pháp lành: Đã sanh pháp lành, dùng phương tiện khéo làm cho thêm rộng.

-Trao dồi sáng sủa pháp lành: Siêng năng tu tập nhân duyên ba nghiệp thuộc thân, miệng, ý. Hết lòng buộc niệm gìn giữ pháp lành.

-Tăng trưởng trí tuệ: Như sự tinh tấn học rộng nghe nhiều, tu tập Thiền định, làm cho trí tuệ của Đại Bồ Tát được tăng trưởng lên.

Trên đây gọi là Tất cả tự tinh tấn.

5.Tinh tấn của người lành:

-Khi Bồ Tát vì cầu thiện pháp mà siêng tinh tấn, giả sử đầu thân đều bị lửa đốt, chẳng lấy làm nóng. Khi Đại Bồ Tát siêng tu thiện pháp tinh tấn thực hành, tự mình còn chẳng cảm giác cái nóng của lửa địa ngục huống lửa thế gian. Khi Đại Bồ Tát siêng tu tinh tấn chẳng nhiều, chẳng ít, vận dụng đều đặn. Vì khéo điều phục nên sự tinh tấn càng được tăng trưởng. Tại sao vậy? Vì tâm đã thanh tịnh. Vì chẳng thôi nghĩ. Vì chẳng hối đổi. Vì được lợi ích không bị điên đảo. Vì rốt ráo có thể chứng Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là tinh tấn của người lành.

6.Tinh tấn trong tất cả hạnh?

-Luôn luôn tinh tấn, dốc lòng tinh tấn, sáng suốt tinh tấn, chẳng ngớt tinh tấn, tinh tấn trang nghiêm, tinh tấn chịu khổ, tinh tấn không lay chuyển, tinh tấn không kể thời gian, tinh tấn không hề thấy đủ…Bồ tát thành tựu những sự tinh tấn trong tất cả hạnh, được mệnh danh là Năng lực vĩ đại. Thường siêng tinh tấn tâm an trú vào chỗ lành vững chắc, trang nghiêm mãi mãi chẳng thôi chẳng nghĩ, do đó chúng được thiện pháp thù thắng.

Vì muốn cho tâm càng tinh tấn hơn, Đại Bồ Tát cầu Vô thượng Bồ Đề. Vì dốc một lòng mong muốn tinh tấn, Đại Bồ Tát tăng trưởng Bồ Đề Tâm và phương tiện tâm. Sự siêng tinh tấn của Đại Bồ Tát, các thứ cấu bợn không thể làm nhơ. Bồ Tát đem thân làm vật cúng dường để mau thành tựu Vô thượng Bồ Đề. Sự tinh tấn của Đại Bồ Tát là vì thiện pháp, dầu lửa đốt đầu thân cũng không cứu chữa. Do những điều này Bồ Tát hơn hẳn tất cả Thanh Văn, Duyên Giác.

Đại Bồ Tát tinh tấn tìm cầu, tinh tấn học hỏi phương thuật thế gian và pháp xuất thế. Vì tinh tấn học cho nên nhanh chóng đạt được kết quả. Đây gọi là sự tinh tấn trong tất cả hạnh.

7.Tinh tấn tự lợi, lợi tha:

-Có mười một điều như phẩm Trì giới đã nói (phẩm thứ mười một).

8.Tinh tấn để trừ khử?

-Như đã nói nơi phẩm Nhẫn Nhục độ.

9.Tinh tấn vắng lặng? -Có mười điều:

Một là. Thích nghi.

Hai là. Tu tập.

Ba là. Chẳng động.

Bốn là. Giữ vững.

Năm là. Tất cả thời gian.

Sáu là. Duyên ba tướng.

Bảy là. Chẳng bỏ.

Tám là. Chẳng tán loạn.

Chín là. Chế ngự.

Mười là. Hướng đến Bồ Đề.

-Đại Bồ Tát nếu khởi các phiền não, vì để trừ bệnh, cho nên tùy bệnh đối trị. Khi tham dục khởi, tu quán bất tịnh. Khi giận hờn khởi, tu quán từ bi. Tâm si mê khởi, quán mười hai nhân duyên. Tâm tán loạn khởi tu quán sổ tức và quán Giới phân biệt để phá kiêu mạn… Như thế gọi là tinh tấn thích nghi.

-Sự tinh tấn của Bồ Tát chẳng phải về trước, chẳng phải về sau mà vô lượng đời thường được thành tựu, gọi là tinh tấn tu tập.

-Bồ Tát tinh tấn siêng năng tu tập như lúc mới được. Đây mệnh danh là Tinh tấn chẳng động. Trong tất cả thời siêng cần tinh tấn, gọi là chẳng động.

-Đại Bồ Tát thường gần gũi sư trưởng các bậc tôn túc để siêng tu tập đa văn, quảng học, tư duy nghĩa lý tu các tam muội, tinh tấn thực hành thuận sự nghe nhận. Đây gọi là Tinh tấn giữ vững.

-Đại Bồ Tát tâm không nghiêng ngã, khi nên tu Chỉ thì tu pháp Chỉ. Lúc nên tu Quán liền tu pháp Quán, hoặc nên tu Xả thì tu pháp Xả. Đây là tinh tấn trong tất cả thời gian.

-Đại Bồ Tát khéo biết Định, Huệ, Xả. Lúc nào cũng đồng tu cả ba tướng. Khi nhập, trụ, xuất không mất chánh niệm, hết lòng tinh tấn. Đây gọi là tinh tấn duyên ba tướng.

-Bồ Tát nghe sự siêng năng tinh tấn chẳng thể nghĩ bàn của Phật, Bồ Tát, nghe điều ấy rồi tâm không xem thường, tâm không buồn rầu, không cho vừa đủ. Đây gọi là tinh tấn chẳng bỏ.

-Đại Bồ Tát mỗi lúc điều phục các căn, điều phục các thức, ăn uống vừa đủ, đầu đêm cuối đêm dẹp bỏ ngủ nghĩ, dốc lòng chẳng loạn, chẳng để phóng túng, nghiêm cẩn suy cứu, phát sức tinh tấn, siêng tu nghĩa thật tâm không điên đảo, tùy thuận đường tu…Như thế gọi là Tinh tấn chẳng tán loạn.

-Bồ Tát tinh tấn không gấp, không hưỡn. Sự nghiệp gầy dựng theo đó thực hành. Đây gọi là tinh tấn chế ngự.

-Tất cả tinh tấn của Đại Bồ Tát đều đem hồi hướng vô thượng Bồ Đề. Từ Tánh tinh tấn cho đến Tinh tấn vắng lặng của Bồ Tát đều vì Vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Tinh tấn hướng đến Bồ Đề.

Bồ Tát quá khứ tu trì tinh tấn đều đem hồi hướng Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát vị lai tu trì tinh tấn cũng đều hồi hướng Vô thượng Bồ Đề.

Bồ Tát hiện tại tâm chẳng phóng túng tu trì tinh tấn, cũng đồng hồi hướng vô thượng Bồ Đề. Đây gọi là Tinh tấn hướng đến Bồ Đề.

« Xem chương trước « » Xem chương tiếp theo »
Về mục lục Kinh Bồ Tát Thiện Giới