Kinh Bồ Tát Thiện Giới
Phẩm thứ sáu…Chẳng thể nghĩ bàn

Thế nào là sự không thể nghĩ bàn của Đại Bồ Tát?

-Đại Bồ Tát chứng chánh định tự tại, phát tâm rồi, được công đức chẳng thể lường, chẳng tạo tác nghiệp mà được quả báo, chẳng tu Thánh Đạo, mà được thánh tâm. Đây là sự không thể nghĩ bàn của Đại Bồ Tát.

Tạo thiện nghiệp ít, được quả báo lớn, vì đạo Bồ Đề nên trong vô lượng kiếp tu các hạnh khổ. Bồ Tát biết rõ thật không chúng sanh, nhưng luôn luôn vì chúng sanh mà siêng tu khổ hạnh, rõ biết không người tạo tác, không người thọ nhận, nhưng vẫn luôn luôn tạo tác và luôn luôn chịu đựng. Thế là sự không thể nghĩ bàn của Đại Bồ Tát.

Sự không thể nghĩ bàn này có năm:

Một là: Sáu thần thông không thể nghĩ bàn.

Hai là: Pháp chẳng thể nghĩ bàn.

Ba là: Sống chung chẳng thể nghĩ bàn.

Bốn là: Chẳng sống chung không thể nghĩ bàn.

Năm là: Chung và chẳng chung không thể nghĩ bàn.

Sáu thần thông là những gì?

Một là Thần túc. Hai là Thiên nhãn.

Ba là Thiên nhĩ. Bốn là Tha tâm.

Năm là Túc mạng. Sáu là Lậu tận.

Thế nào là pháp chẳng thể nghĩ bàn?

-Đó là sáu pháp Ba la mật: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ.

1. Thần thông là gì? -Thần thông có hai: Một là biến. Hai là hoá.

-Sao gọi là Biến? Nghĩa là làm chấn động, phát ra lửa, tuôn ra ánh sáng, tự chuyển đổi thân hoặc qua lại trong hư không, hiện các thứ sắc, hoặc ẩn hoặc hiện ở giữa đại chúng, hoặc làm chướng ngại thần thông kẻ khác, lời lẽ không ngại, làm cho kẻ khác nhớ lại, đem sự hoan hỷ cho nhiều người, phóng ánh sáng lớn v.v…Như thế gọi là thần thông biến hiện.

Làm chấn động là thế nào?

-Đại Bồ Tát chứng được chánh định tự tại có thể làm rung nhà cửa, thôn xóm, thành lũy, cõi nước. Từ một thứ thiên hạ cho đến một tiểu thiên thế giới, trung thiên thế giới, đại thiên thế giới, một trăm đại thiên thế giới, một ngàn đại thiên thế giới, ngàn vạn đại thiên thế giới cho đến chấn động vô thiên thế giới. Đó gọi là chấn động.

Thế nào là phát ra lửa?

-Trên thân phun ra nước, dưới thân phun ra lửa, trên thân phun ra lửa, dưới thân phun ra nước, hoặc cử động thân phát ra ánh lửa với đủ màu sắc: xanh, vàng, đỏ, tím, đen…Thế gọi là Phát ra lửa.

Thế nào là tuôn ra ánh sáng?

-Nơi thân phát ra ánh sáng đầy khắp một nhà, một xóm, một thành, một nước, cho đến vô lượng vô biên đại thiên thế giới.

Thế nào là thị hiện?

-Chư Phật, Bồ Tát vì độ chúng sanh mà thị hiện địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Trời, Người, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già. Hoặc hiện thân Phật, thân Bồ Tát khắp mười phương vô lượng vô biên Hằng hà sa cõi nước cùng chư Bồ Tát quyến thuộc nói danh hiệu Phật làm cho chúng sanh hay biết. Đây gọi là thị hiện.

Thế nào là chuyển đổi thân?

-Chư Phật, Bồ Tát chứng chánh định tự tại có thể biến đất làm lửa, biến lửa làm nước, biến gió cũng vậy. Biến màu sắc thành mùi thơm. Biến mùi thơm thành màu sắc. Hương, vị, xúc biến làm cỏ cây, quần áo, thức ăn, đồ trang sức, chén bát, đá gạch, tiền tệ, lưu ly, chơn châu, vàng bạc… Sắc tốt thành sắc xấu, sắc xấu thành sắc tốt… Đây gọi là chuyển đổi.

Thế nào là qua lại?

-Hoặc qua đến chỗ Phạm thiên, từ Phạm thiên trở về, hoặc lên cõi trời Sắc cứu cánh trở về, hoặc đến phương Đông, Nam, Tây, Bắc, trên, dưới, cho đến vô lượng vô biên thế giới cũng vậy. Xa có thể làm gần, gần có thể làm xa, có thể làm cho núi Tu di nhỏ như hạt bụi, hạt bụi lớn như núi Tu di v. v…Đây gọi là qua lại.

Thế nào là hiện các thứ sắc?

-Có thể biến tự thân trở thành người nam người nữ, lớn, nhỏ, đứa ở, cây rừng, thảo mộc…Đó là hiện các thứ sắc.

Thế nào là ẩn hiện tự tại giữa đại chúng?

-Có thể đem thân đại chúng nhập vào thân mà tâm không sợ, thân không chướng ngại, các đại chúng này mỗi mỗi đều không tự biết chỗ nơi qua lại. Hoặc có khi qua đến chỗ đông đảo Bà la môn hiện hình giống như họ, cũng một màu sắc, hình chất, y phục, tiếng nói không khác gì những kẻ ấy. Họ nói gì cũng có thể nói được. Có thể dùng phương tiện hay khéo dẫn dắt những kẻ kia, chỉ dạy xong rồi liền đó biến mất. Đám đông ấy chẳng biết là từ đâu đến, biến đâu đi đâu, không biết là người hay là trời.

Như đám đông Bà la môn, đám đông Sắt đế lợi (quý tộc), đám đông trưởng giả, Tứ thiên vương, Đao Lợi Thiên, Dạ ma Thiên, Đâu xuất đà Thiên, Hoá Lạc Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên, Đại Phạm Thiên, Thiểu Tịnh Thiên, Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Quang Âm Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên, Phước Sanh Thiên, Phước Ái Thiên, Quảng Quả Thiên, Nghiêm Sức Thiên, Vô Lượng Nghiêm Sức Thiên, Nghiêm Sức Quả Thiệt Thiên, Vô Tưởng Thiên, Vô Thiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Kiến Thiên, Thiện Hiện Thiên, Sắc Cứu Cách Thiên….Sự ẩn hiện thân tại cũng như vậy. Ở nơi những chỗ đông đảo chư thiên như thế, trong khoảng thời gian ngắn, có thể trăm lần hiện, trăm lần ẩn, ngàn lần hiện, ngàn lần ẩn, vạn lần hiện, vạn lần ẩn, ngàn vạn lần hiện, ngàn vạn lần ẩn. Đây gọi là ẩn hiện tự tại giữa đại chúng.

Thế nào là làm chướng ngại thần thông kẻ khác?

-Đại Bồ Tát chứng được thần thông, trừ đức Phật và các Bồ Tát đồng tánh, đồng hành, đồng chánh định, ngoài ra, những chúng sanh lớp sau, có bao nhiêu sức thần thông, Bồ Tát đều hơn tất cả. Đó gọi là chướng ngại thần thông kẻ khác.

Thế nào là lời lẽ không ngại?

-Khi Đại Bồ Tát nói pháp, lời lẽ vô tận, ý vị, nghĩa lý vô tận, lạc thuyết vô tận. Đó gọi là lời lẽ vô ngại.

Thế nào là giúp kẻ khác nhớ lại?

-Khi Đại BồTát nói pháp, những gì xảy ra trong vô lượng đời trước của vô lượng chúng sanh họ đều quên hết, Bồ Tát đều có thể làm cho họ nhớ lại. Đây gọi là giúp kẻ khác nhớ lại.

Thế nào là đem lại sự hoan hỷ cho nhiều người?

-Khi Đại Bồ Tát nói pháp, có thể làm cho chúng sanh tăng trưởng sự an vui, hoại diệt các phiền não, những người nghe vui vẻ như ở đệ tam thiền, các chứng bệnh thuộc thân tứ đại đều tiêu diệt trong một lúc, các thứ ác quỷ chẳng thuận tiện làm hại. Đó là đem lại sự vui vẻ cho nhiều người.

Thế nào là phóng ánh sáng lớn?

-Đại Bố Tát phóng quang minh lớn soi suốt mười phương vô lượng thế giới. Ánh sáng đến địa ngục phá hoại sự khổ của chúng sanh nơi địa ngục, chiếu đến cõi trời Phóng Dật, chỉ dạy chúng sanh nơi đó tu pháp Nhơn thừa, để được thân người qua đến chỗ Phật, đồng thời mời thỉnh vô lượng Bồ Tát nhóm lại chỗ Phật dạy dỗ chúng sanh. Đây gọi là phóng ánh sáng lớn.

Những việc như trên gọi là Thần Thông Biến Hiện. Vì đổ pháp tánh, nên gọi là thần thông biến hiện.

Thế nào là Thần thông Hoá hiện?

-Vật không là vật, cho nên gọi là Hóa, như hóa thân, hóa tiếng chẳng hạn. Hóa thân là, hoặc hóa giống thân mình, hoặc giống thân người, có đủ giác quan, hoặc không đủ giác quan v.v.. Ngoài ra như trong đoạn chuyển đổi thân ở trước.

Lại nữa, hóa làm vô lượng thân. Chư Phật, Bồ Tát vì khắp chúng sanh hóa làm vô lượng thân trong khắp vô lượng cõi. Chư Phật, Bồ Tát hiện thân biến hoá, có thân như huyễn, có thân chơn thật, hoặc hiện áo quần, thức ăn, vàng bạc, lưu ly, chơn châu, pha lê v.v…lại cũng như vậy, để phá sự nghèo nàn khốn khổ của chúng sanh. Đó gọi là hóa thân.

-Hóa ra tiếng: chư Phật, Bồ Tát hóa hiện tiếng hay, tiếng nhanh, tiếng thanh tao, tiếng tự nói nghĩa, tiếng người khác nói nghĩa, tiếng vô tình, tiếng thuyết pháp, tiếng giáo hóa v.v…Dùng các tiếng này có thể phá tâm buông lung của các chúng sanh. Đây gọi là tiếng hóa hiện.

Tiếng của Phật, Bồ Tát xa thẳm như tiếng sấm vang, trong trẻo như tiếng chim Ca lăng Tần Già, tiếng được người nghe vui thích, tiếng khắp vũ trụ, tiếng rõ ràng, tiếng dễ hiểu, tiếng không vướng mắc, tiếng hoan hỷ, tiếng không thể chê bai, tiếng vô tận. Các thứ tiếng như trên của Đại Bồ Tát, nếu trong một tam thiên đại thiên thế giới có bao nhiêu chư thiên nhơn, bao nhiêu Thanh văn, Duyên Giác và bao nhiêu Bồ Tát dù xa, dù gần, tất cả đều nghe. Trong tiếng như thế phát ra các thứ pháp môn làm lợi ích chúng sanh.

Tiếng tự hóa là gì?

-Như tự nói pháp để giáo hóa chúng sanh buông lung.

Tiếng tha hóa là gì?

-Như đức Phật hóa ra tiếng người khác nói pháp để độ những chúng sanh buông lung.

Tiếng vô tình là gì?

-Như trong hư không phát ra tiếng nói.

Tiếng nói pháp là gì?

-Vì chúng sanh si mê mà nói pháp.

Tiếng giáo hóa là gì?

-Vì kẻ buông lung làm tăng trưởng tánh không buông lung.

Chư Phật, Bồ Tát đồng hóa thiện nhiều thần thông như vậy, lần lượt không thể kể xiết, thần thông biến hóa vô lượng không thể tính kể. Những sự biến hóa như vậy đều vì hai việc: Một là, làm cho chúng sanh phát sanh lòng tin hướng về Tam bảo. Hai là, vì chỉ ruộng phước vô thượng cho những chúng sanh nghèo hèn khốn khổ.

(Trên đây là nói rõ ý nghĩa thần thông biến hóa. Dưới đây nói về lục thông).

Trí Túc mạng như thế nào?

-Đại Bồ Tát tự biết đời trước của mình với các chúng sanh liên hệ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc. Biết giòng tộc của mình và giòng tộc của vô số người khác. Biết sự ăn uống, sự khổ vui của mình và của vô số người khác.

Đại Bồ Tát tự biết đời trước như vậy và có thể dạy người khác, làm cho họ biết được kiếp trước. Tự biết những việc xảy ra trong vô lượng đời. Đây gọi là Trí Túc mạng. Do Trí Túc mạng này mà có thể nói ra nhân duyên, gốc gác thuở xưa của Bồ Tát, làm cho chúng sanh đối với Phật pháp phá sanh lòng tin. Nói ra các kinh Bổn Sanh, Bổn sự của chư Phật, Bồ Tát, nói nhân duyên nghiệp ác, nghiệp thiện, để phá chấp thường chấp đoạn của những chúng sanh tà kiến. Đây gọi là Trí Túc mạng của Đại Bồ Tát.

Thế nào là thiên nhãn thông?

-Đại BồTát với thiên nhãn thanh tịnh, hơn hẳn mắt của người đời. Thấy các chúng sanh chết nơi này sanh nơi nọ, nào sắc tốt, sắc xấu, nào nghiệp lành, nghiệp dữ, nào quả lành, quả dữ, người già, người trẻ, hoặc tự tạo nghiệp, hoặc bảo người gây tạo, nào thô, nào tế, hình sắc của người, của trời, hình sắc nơi ba đường ác, cho đến hình sắc của vô lượng chúng sanh trong vô lượng thế giới, vô lượng Phật độ ở khắp mười phương. Những sự vật như vậy, Bồ Tát đều thấy rõ, và khi các đức Phật trong mười phương thuyết pháp, cũng rõ thấu một cách sáng suốt. Đây gọi là thiên nhãn thông.

Thế nào là Thiên nhĩ thông?

-Những gì thuộc về âm thanh, lời lẽ, Đại Bồ Tát đều nghe rõ suốt. Hoặc tiếng cõi trời, tiếng loài người, tiếng thánh nhơn, tiếng chẳng thánh, tiếng to, tiếng nhỏ, tiếng biến hóa, tiếng thật sự, tiếng xa, tiếng gần v.v…

Tiếng cõi trời là sao? -Từ cõi trời Dục giới cho đến cõi trời Sắc cứu cánh thuộc về Sắc giới (có 18 cõi), tột đến vô lượng thế giới ở phương trên, có những âm thanh của chư thiên, Bồ Tát đều nghe tất cả.

Tiếng loài người? -Tiếng của loài người trong vô lượng thế giới ở khắp mười phương.

Tiếng Thánh là sao? -Tiếng của chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác vì giáo hóa chúng sanh mà tuyên nói Phật pháp. Hoặc khen ngợi các thiện nghiệp bố thí, trì giới v.v…để phá những ác nghiệp. Hoặc tiếng đọc tụng, giải nói, biên chép kinh Phật. Đây gọi là tiếng Thánh.

Tiếng không phải Thánh? -Nghĩa là những lời nói dối, hai lưỡi, nói ác, nói thêu dệt, nói vô nghĩa, dưới là ba đường ác, trên đến cõi trời cao nhất thuộc Dục giới, bao nhiêu chư thiên và mười phương chúng sanh có những lời gì xấu ác, gọi là tiếng chẳng phải thánh.

Tiếng to là sao? -Tiếng của nhiều người, tiếng kêu vang trong địa ngục, tiếng sấm rền, tiếng tù và, tiếng trống v.v…Đây là tiếng to.

Tiếng nhỏ là sao? -Tiếng nói thầm, tiếng không rõ như tiếng các nước Đà tỳ la, Lật Đặc, Nguyệt Chi, An Tức, là những nước biên địa, tiếng nói không rõ, khó hiểu. Đây gọi là tiếng nhỏ.

Bồ Tát thành tựu Thiên nhĩ, nghe chúng sanh phát ra những lời tán thán cung kính, bèn dạy chúng sanh phát khởi tín tâm ở vào Phật pháp, vì chúng sanh mà phân biệt, giải nói mười hai phần giáo và bí tạng Bồ Tát. Nếu nghe lời xấu ác và mở bày pháp môn đối trị. Đây gọi là Thiên nhĩ thông của Đại Bồ Tát.

Thế nào là tha tâm trí thông của Đại BồTát?

-Đại Bồ Tát biết khắp những mê lầm chung và mê lầm riêng trong tâm của bao chúng sanh trong khắp thế giới khắp mười phương, biết những phiền não trói buộc và không trói buộc, biết những tâm nguyện lành và tâm nguyện ác, biết tâm nghi ngờ và tâm không nghi ngờ, tâm tham lam, giận dỗi, si mê. Biết tâm chúng sanh ở cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc, nhẫn đến tâm chịu khổ vui hay chẳng khổ vui của những chúng sanh trong đường súc sanh. Dùng một tâm quán sát tâm của một chúng sanh, dùng một tâm quán sát tâm của vô lượng chúng sanh. Đây gọi là Tha tâm trí thông.

Tha tâm trí thông của Phật, Bồ Tát biết rõ căn tánh lanh lợi hay chậm lụt, vì biết được căn tánh cho nên sau khi chúng sanh có những căn lành nào, liền diễn nói mười hai phần giáo và Bồ Tát Tạng. Trái lại, biết tâm ác liền quở trách, nói rõ tội lỗi nghiệp ác. Như thế gọi là tha tâm trí thông của Bồ Tát.

Thế nào là Lậu tận trí thông?

-Đại Bồ Tát vì đoạn phiền não mà tu tập Đạo. Vì phá hoại phiền não của chúng sanh mà thuyết pháp. Vì phá hoại tâm kiêu mạn hữu lậu của chúng sanh mà thuyết pháp, để dứt trừ cái mê lầm chẳng phải Đạo mà cho là Đạo của chúng sanh.

Đại Bồ Tát tuy vì chúng sanh nói pháp dứt trừ lậu hoặc, nhưng tự mình chưa rốt ráo sạch hết lậu hoặc, (vì chưa chứng quả Phật). Dầu chưa hoàn toàn sạch hết lậu hoặc, nhưng không bị lậu hoặc làm ô nhiễm thêm nữa.

Lậu tận trí thông của Bồ Tát không thể nghĩ bàn. Tu lậu tận trí là để giáo hoá khiến chúng sanh bỏ tâm kiêu mạn. Đây gọi là Lậu Tận Trí Thông.

2. Thế nào là Pháp chẳng thể nghĩ bàn?

-Kết quả của bố thí ba la mật cho đến Bát nhã ba la mật. Đây gọi là Pháp. Kết quả sáu độ này, mỗi độ đại hoại có bốn điều: Một là vì tu tập đạo. Hai là vì trang nghiêm Vô thượng Bồ đề. Ba là lợi ích tự và tha. Bốn là được kết quả lành rất lớn ở đời sau.

Bồ Tát thực hành bố thí nhằm phá hoại cá tánh sẻn tham, trang nghiêm đạo Bồ Đề mà thực hành bố thí. Muốn thí, lúc thí, thí xong hoan hỷ. Đây gọi là tự lợi. Dứt trừ đói khát, nóng lạnh, khổ buồn, sợ sệt của chúng sanh, gọi là lợi tha. Bỏ thân này rồi được sức tự tại, của cải dồi dào tôn quý, ấy là quả lớn. Đó là bốn điều thuộc bố thí độ của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát thọ và giữ gìn giới cấm, trừ diệt giới ác, trang nghiêm đạo Bồ Đề nhiếp lấy chúng sanh. Vì đạo Bồ Đề mà kiên trì giới cấm. Lìa sự lo sợ của nghiệp phá giới, ngủ yên, thức yên, tâm không hối hận mà là sung sướng, vui đẹp. Đây là tự lợi. Đối với chúng sanh không lòng làm hại, đem chúng sanh sự không sợ sệt, gọi là lợi tha. Do giữ giới cấm cho nên cảm thọ cái vui cõi trời, cõi người và được đạo Niết bàn. Đó là quả lớn. Ấy là bốn điều thuộc Trì Giới Độ của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát tu nhẫn nhục để phá tâm bất nhẫn, trang nghiêm đạo Bồ Đề, nhiếp lấy chúng sanh, vì đạo Bồ Đề mà tu nhẫn nhục. Tự mình, hoặc khiến người khác đều xa lìa sợ sệt. Đây là tự lợi, lợi tha. Do nhân duyên Nhẫn nên lòng không giận dỗi, quyến thuộc chẳng hư hỏng, chẳng bị khổ não, tâm không hối hận. Bỏ thân này rồi, cảm thọ sự vui cõi trời, cõi người và được đạo Niết bàn, gọi là quả lớn. Đó là bốn điều thuộc Nhẫn nhục Độ của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát siêng tu tinh tấn, phá bỏ sự biếng nhát, trang nghiêm đạo Bồ Đề nhiếp lấy chúng sanh, vì đạo Bồ Đề mà tu tinh tấn, ngủ yên, thức yên, lìa các phiền não, pháp lành thêm lớn, thân thọ an vui, đây là tự lợi. Bồ Tát tinh tấn chẳng buồn những kẻ đánh ném, quở mắng mình, đó là lợi tha. Bỏ thân này rồi, cảm thọ sự vui cõi trời cõi người, thân được sức khỏe rất mạnh, được đạo Bồ Đề. Đây gọi là quả lớn. Ấy là bốn điều thuộc Tinh Tấn Độ của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát tu Thiền định để phá tâm tán loạn, trang nghiêm đạo Bồ Đề, nhiếp lấy chúng sanh. Vì đạo Bồ Đề mà siêng tu thiền định, hiện thời thọ vui, thân tâm vắng lặng. Đây là tự lợi. Do thân tâm vắng lặng nên không làm phiền lụy chúng sanh, ấy là lợi tha. Bỏ thân này rồi, thọ thân trong sạch, an ổn sung sướng, được đạo Niết bàn gọi là quả lớn. Đó là bốn điều thuộc Thiền Định Độ của Bồ Tát.

Đại Bồ Tát thành tựu trí tuệ, phá hoại vô minh, trang nghiêm đạo Bồ Đề, dùng bốn Nhiếp pháp nhiếp lấy chúng sinh, vì đạo Bồ Đề mà tu trí tuệ, vì rõ Pháp giới cho nên thọ an vui. Đây là tự lợi. Hay dạy chúng sanh các việc thế gian, ấy là lợi tha, luôn luôn phá hoại hai chướng phiền não, sở tri, gọi là quả lớn. Bốn điều này thuộc Trí tuệ Độ của Bồ Tát.

3. Thế nào là sống chung chẳng thể nghĩ bàn?

-Đại Bồ Tát không phải dùng trí Túc mạng để nhớ biết việc đời trước, mà là xem xét nghiệp lành, nghiệp dữ của các chúng sanh. Sự cùng chịu khổ là muốn chúng sanh được lợi ích.

Đại Bồ Tát ở cung trời Đâu Xuất, thành tựu thọ mạng lâu dài. Có ba điều hơn. Một là sống lâu hơn. Hai là sắc thân hơn. Ba là tiếng đồn hơn.

Từ cung trời Đâu Xuất, lúc mới hạ sanh xuống nhân gian, Bồ Tát phóng ánh quang minh chiếu khắp mười phương, rõ ràng tự biết vừa vào thai mẹ, thời gian thụ thai, lúc xuất thai, khi sanh ra bước đi bảy bước, xoay mặt ngó khắp mười phương, không nhờ người phò đỡ và thốt lời như vầy: “Thân của ta nay là thân cuối cùng” Chư Thiên và các bộ chúng quỷ thần đem hương hoa quý báu, âm nhạc vi diệu, tràng phan, bão cái cúng dường, thân Bồ Tát đầy đủ ba mươi hai tướng tốt trang nghiêm, thân không ai bằng. Bởi sức Từ Thiện mà hoại ma binh. Mỗi mỗi bộ phận cơ thể mà có sức mạnh như trời Na la Diên. Lúc còn thơ ấu chẳng học việc đời nhưng biết tất cả, không thầy dạy học mà tự mình chứng ngộ Vô Thượng Bồ Đề. Phạm Thiên khuyến thỉnh vì các chúng sanh mà chuyển Pháp luân. Sức thiền định kiên cố, dù sét vang, sấm nổ cũng không làm lay động, các giống thú gần gũi mến như cha mẹ, súc sanh biết được đem dâng hiến thức ăn thần mây tuông mưa tắm gội thân thể, thần cây vươn nhánh che mát chỗ ngồi. Khi đã thành đạo, trong sáu năm đầu ma thường rình rập nhưng chẳng tìm thấy điều gì sơ hở, luôn luôn ở trong trạng thái thiền định, thành tựu niệm tâm, khéo rõ biết sự sanh diệt của giác quán. Đây gọi là Sống Chung Chẳng Thể Nghĩ Bàn của Đại Bồ Tát.

4. Chẳng Sống Chung Không Thể Nghĩ Bàn:

-Chẳng sống chung là sao?

Vì muốn lợi ích cho khắp chúng sanh, như kẻ cuồng nọ do thấy Như Lai mà được tỉnh trở lại, người mù được sáng mắt, kẻ sanh nghịch được thuận sanh, kẻ điếc được nghe tiếng, người nhiều tham, giận, si, được trừ diệt tham, giận, si v.v…Đây gọi là chẳng Sống Chung Không Thể Nghĩ Bàn.

Lại nữa, sự sống chung là: Cũng có những việc đi, đứng, ngồi, nằm, ăn uống, thức ngủ như mọi người, nhưng những gì về động tác của Như Lai không thể nghĩ bàn: Luôn luôn mằm nghiêng về hông bên phải, nằm như dáng sư tử chúa, đầu nằm trên cỏ, trên lá cũng không động đậy cỏ lá. Dầu có gió bão mãnh liệt như gió chướng tỳ lam cũng không làm lay động y phục. Khi bước chân đi như sư tử chúa, hay chúa loài bạch nga. Khi muốn đi đâu, chân phải đi trước, chỗ Phật đi qua dầu có cao thấp cũng thành bằng phẳng. Tuy ăn, nhưng không hạt cơm nào rơi vào trong miệng. Đây gọi là Sống Chung Không Thể Nghĩ Bàn.

5. Thế nào là Chung mà chẳng chung?

-Chẳng chung với Thanh văn, Duyên giác, có ba điều chẳng chung với Thanh văn, Duyên giác: Một là Tế. Hai là Hạnh. Ba là Giới.

Như Lai rõ biết vô lượng phiền não của vô lượng chúng sanh, và có vô lượng pháp môn đối trị. Đây gọi là Tế.

Sáu thần thông, Sáu pháp Ba la mật chẳng thể nghĩ bàn, từ Pháp tánh sanh ra, gọi là Hạnh.

Giới nghĩa là: Tất cả thế gian không thể làm trở ngại Trí tuệ của Phật. Đó gọi là giới. Chẳng chung không thể nghĩ bàn là như vậy.

Thần thông của Thanh văn trong phạm vi một trung thiên thế giới (1 triệu tiểu thế giới). Thần thông của Duyên giác trong phạm vi một đại thiên thế giới (1 tỷ tiểu thế giới). Chư Phật, Bồ Tát thông đạt Vô lượng vô biên thế giới. Đây gọi là chẳng chung.

Sự chẳng chung là trừ ba điều trên, ngoài ra các điều khác có thể đồng. Vì vậy Thanh Văn và Duyên Giác còn chẳng được chung với Phật, Bồ Tát, huống gì hạng phàm phu, hàng trời người hay kẻ tà kiến.

Sáu Độ Ba la mật của Đại Bồ Tát cũng từ Pháp tánh chung sanh mà chẳng sống chung.

Thanh Văn, Duyên Giác chung pháp mà chẳng đồng pháp.

Đây gọi là chẳng thể nghĩ bàn.

 

HẾT QUYỂN HAI

--- o0o ---

« Xem chương trước « » Xem chương tiếp theo »
Về mục lục Kinh Bồ Tát Thiện Giới