× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Main » Chuyện tâm linh huyền bí » Cao tăng dị truyện

57. THIỀN SƯ NGỌC TUYỀN
Thiền sư Tông Liễn, người quê Thạch Chiếu, Hạp Châu, họ Ðổng. Lúc nhỏ, có vị tăng đi ngang qua nhà, thấy Sư mặt mũi sáng sủa, bèn chỉ ngọn đèn hỏi thử rằng:

- Ðèn chiếu con hay con chiếu đèn?

Sưnói:

- Ðèn không chiếu con, con cũng chẳng soi đèn. Ở giữa không một vật, hai bên thấy công năng.

Tăng lấy làm lạ, khuyên nên đi tham phỏng các nơi. Sư trải qua khắp các pháp tịch, sau đến Nguyệt Am Quả Công, nghe một câu biết đường về.

Sư khai pháp ở Ngọc Tuyền, treo bảng thất là "Cùng Cốc". Lưu Kỷ làm quan trấn ở Hình Nam, đến phỏng vấn Sư ý nghĩa của tên này. Sư nói:

- Tâm hết là "cùng", tánh ngừng là "cốc". Tùy vang ứng tiếng, chẳng vội mà nhanh.

Cơ biện ứng đáp của Sư đại loại như thế, so với với Hạo Công chẳng kém. Sư thường nói:

- Việc này chẳng thuộc có lời hay không lời, chẳng ngại nói hay nín. Người xưa nói một lời, nửa câu đều như binh khí quốc gia, bất đắc dĩ mới dùng. Nói ngang nói dọc đều cốt mong người vào được đạo, kỳ thực đạo không ở trên chương cú. Người đời nay chẳng thể thẳng một đường mà chứng suốt cội nguồn, chỉ toàn dùng nói năng, chữ nghĩa mà cho là đến được đạo. Ðó giống như Trịnh Châu ra cửa của Tào. Theo như dưới hội của bậc Tông sư, thì đến đâu cũng lấy sự hành cước làm chính. Hễ có chỗ nghi, liền đối trước chúng mà quyết trạch, ngay dưới một câu thấy được rõ ràng. Vì tông Phật Tổ chỉ thẳng chẳng truyền, cùng các loài hữu tình mãi mãi đời sau, đồng đắc đồng chứng. Nếu chưa phải là chỗ bạc đầu, há mở suông hai miếng da môi ra nói Hồ nói Hán sao? ...

Sư khai thị như thế cũng đích đáng rõ ràng, tạo khí thế cho người. Chưa rõ cuối đời Sư thế nào!

58. HÒA THƯỢNG HÀ TỬ

Hòa thượng Hà tử (Tôm) tên Trí Nghiễm ở chùa Tĩnh Am, Hoa Ðình. Ngày rằm tháng Bảy, ngoài làng tổ chức lễ Vu Lan. Tăng chúng trong chùa được thỉnh đi gần hết, chỉ còn Sư ở lại chùa. Có cháu của thôn trưởng đến mời tăng, mà không có ai để mời, muốn kéo Sư đi, Sư bảo:

- Hãy về trước sắp đặt, ta sẽ đến sau.

Rồi lên thuyền đi. Giữa đường thấy người câu tôm. Sư bảo ghé lại mua một đấu, đòi nước mà ăn sống. Sư nuốt trọng không nhai. Ăn xong, bảo người bán tôm rằng:

- Ta đi dự đám, lúc về sẽ trả ông tiền.

Và hối chủ thuyền chèo mau kẻo trễ. Ðến làng, chủ thuyền nhịn không nổi, kể lại cho mọi người nghe. Chủ đám nghe được, khinh bỉ không mời ngồi mâm trên, trải chiếu xuống đất, có cơm mà không cúng dường để làm nhục. Sư vẫn tỉnh tuồng, vui vẻ nạp thọ. Lúc về, gặp người câu tôm, Sư cười nói:

- Xui quá! Hôm nay dự trai không có tiền, biết tính sao đây?

Người câu nói:

- Không tiền thì trả tôm lại cho tôi!

Sư đáp:

- Việc này dễ thôi!

Rồi đòi nước uống, mửa ra tôm sống đầy một đấu, đem trả lại. Mọi người lấy làm lạ, nhân đó gọi Hòa thượng Hà Tử.

Ðời Sư nhiều chuyện ly kỳ, những người ở bờ sông thường truyền tụng. Ðến lúc sắp tịch, Sư lượm cỏ bồ kết thành xâu hơn vạn dây, treo ở hiên nhà, nói với mọi người:

- Ta muốn gieo duyên với quí vị.

Bèn ngồi tịch. Mọi người tranh nhau đến cúng tiền, đầy hết các dây treo. Tiền này được dùng để xây dựng Phật Các ở trong chùa. Ðến nay, chùa vẫn được gọi là Ðạo Tràng Hà Tử.

59. TĂNG THANH TỦNG

Thanh Tủng người ở Phước Châu. Lúc đầu Sư tham vấn Thiền sư Pháp Nhãn. Pháp Nhãn chỉ mưa, bảo Sư rằng:

- Từng giọt, từng giọt rơi trong con mắt Thượng tọa.

Lúc ấy Sư không hiểu, sau đọc kinh Hoa Nghiêm mới ngộ được ý chỉ này. Nhân vào núi kiếm đất cất am, Sư đến Tứ Minh, lên cao xem bốn phía, ném một viên đá, nói:

- Ðá rơi chỗ nào, ta ở chỗ đó.

Rồi kết am. Ðến đời vua Trung Hiến Vương, vua nghe danh Sư mời về chùa Linh Ẩn, đặt hiệu là Thiền sư Liễu Ngộ.

Ma Ha Bát Nhã
Không phải thủ, xả
Nếu người chẳng hiểu
Gió lạnh tuyết rơi.
(Ma Ha Bát Nhã
Phi thủ phi xả
Nhược nhân bất hội
Phong hàn tuyết hạ).
Sư thuyết pháp như thế.

Một hôm vua xem kinh Hoa Nghiêm, biết ở Trung Hoa có núi Chi Ðề, Bồ tát Thiên Quan trụ ở đó. Vua bèn triệu tạp các vị kỳ đức ở các núi đến hỏi nhưng chẳng vị nào biết cả. Chỉ có Sư bảo rằng biết chỗ ấy rất rõ. Vua nói:

- Vậy nếu Sư không đi thì không ai đến được.

Rồi sai người cùng đi với Sư. Ðến mé biển, vết tích của cảnh Thánh hiện ra. Ði sâu vào núi ba ngày, bỗng nghe tiếng chuông ngân nga, có vượn trắng dẫn đường. Sư chí tâm đảnh lễ, thấy trong rừng rậm có một khoảng đất lớn, lầu các nguy nga, trên có biển đề chữ vàng: "Cảnh của Cổ Phật Ðại Hoa Nghiêm".

Sư vào chùa, thấy chúng tăng cả vạn người, ngàn vị Bồ tát, nghiễm nhiên ở trên, mùi hương lạ lan tỏa, hào quang chói lòa. Sư mặc tưởng chí thành, tùy hỷ trọn đêm. Ðến sáng, thấy mình vẫn ở giữa đám cỏ rừng, cảnh đã thấy chỉ là hóa cảnh. Sư về báo lại vua. Vua liền cho dựng chùa ở đấy, đúng như cảnh Sư đã thấy. Vua cho đúc tượng Thiên Quan ngàn thân đưa vào núi bằng thuyền. Ðến giữa dòng, sóng to gió lớn, thuyền nặng muốn chìm. Mọi người nhìn nhau không biết tính sao, bèn dìm một nửa tượng xuống nước. Nào ngờ nửa tượng này lại đến đất đó trước. Ðó là việc thật lạ lùng.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy
Lượt xem: 1829