× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Mật tông

Đưa vào Mật Tông



11. Hành Xử Như Phật

CHUYỂN THÂN HÈN MỌN RA THÂN ỨNG HÓA

Điều quan trọng nhất trong mật tông là phải có được một tiền vị, một kinh nghiệm thực thụ về những gì có ý nghĩa đối với ta. Dù chỉ có một thỏi sô cô la nhỏ bé, nhưng được nếm nó là ta thấy khoái rồi. Bởi thế những người nào nắm đựơc một cái gì thật minh bạch trong tâm trí rồi ngay khi hiểu được, liền đưa nó vào tim, thì đấy là những người thực sự hành trì mật tông. Đấy là những người có được thỏi sô cô la. Tâm nhị nguyên thông thường của ta, cái mà người ta thường gọi là tâm thực tiễn, luôn luôn diễn dịch rằng có một cái gì đó chưa được toàn hảo lắm nơi tôi và nơi hoàn cảnh xung quanh. Đó là một tâm lý luôn luôn chỉ trích, tìm lỗi. Đó là triệu chứng của tâm nhị nguyên: luôn luôn có một cái gì không ổn. Tâm nhị nguyên của chúng ta hoặc thổi phồng quá trớn, hoặc đánh giá quá thấp những gì hiện hữu. Một cái tâm bất mãn, bất thường như thế không bao giờ theo trung đạo. Dù cố ý hay vô tình, tâm lý ấy luôn luôn nghĩ: "Bản chất tôi xấu xa. Tôi sinh ra đã xấu, hiện tại cũng xấu, tôi sẽ chết mang theo những tội lỗi, và cuối cùng xuống địa ngục." Dù có tôn giáo hay vô thần, khi mất liên lạc với bản tâm là ta vẫn còn bị ảnh hưởng của những quan niệm chủ bại sai lầm như thế. Nếu muốn giải thoát mọi bệnh tật về thân tâm, thì điều cực kỳ quan trọng là phải đánh tan mọi khái niệm sai lầm tự bỉ ấy.

Vấn đề của chúng ta ở đâu ? Chính là ở chỗ ta cảm thấy "Tôi là người tệ nhất trên đời, xấu xa, tham sân si đầy dẫy, ôi tôi thật là tệ." Cái kiểu suy tư như vậy thật hoàn toàn tiêu cực. Chính đây là điều ta cần thanh lọc.

Mật tông dạy rằng con người có một đức tính thần tiên. Trọng tâm của mỗi người, bản chất tinh túy của họ, là một cái gì thuần tịnh, thiêng liêng. Muốn nhận ra nó, và hội nhập sự thực chứng ấy vào đời sống của ta chứ không chỉ là hiểu biết bằng tri thức, thì điều cần thiết là ta phải hóa thân làm một thiên thần.

Biến mình thành một thiên thần không phải là chuyện liên can đến văn hóa hay tín ngưỡng nào đặc biệt. Bạn đã tự biến mình thành cái gì rồi. Khi bạn biến ra hình ảnh thảm hại về chính mình, thì bạn không cho đấy là do một nền văn hóa đặc biệt nào cả, bạn chỉ có tự biến ra. Bởi vậy hãy tốp thói quen ngu si ấy; mà đào luyện một niềm tự hào mãnh liệt về tính thần tiên và tự biến mình thành một thiên thần. Hãy khởi sự sống đúng theo tiềm năng mãnh liệt của bạn.

Phương pháp tốt nhất để tập luyện điều này là thiền quán về ba thân Phật. Những bậc thầy mật tông vĩ đại trong quá khứ như Tsongkhapa thường nhấn mạnh rằng, không có pháp tu nào thiết yếu hơn thế.

HÒA TAN

Trong mật điển, pháp thiền quán ba thân - thuộc pháp quán các vị phật thiền - có nhiều chi tiết, nhưng ở đây ta có thể làm cách vắn tắt như sau cũng đủ. Khởi đầu là nhớ lại ba pháp quy y, phát tâm bồ đề mong giác ngộ để lợi lạc hữu tình. Rồi làm phép Đạo Sư Du Già, căn bản của mật tông. Quán bậc thầy mật tông ở trước mặt, xem ngài như hiện thân của mọi đức tính giác ngộ mà ta mong thực chứng trong tâm ta. Tưởng tượng bậc thầy ngồi trên đỉnh đầu tan thành luồng ánh sáng đi xuống tim ta. Khi bậc thầy đi xuống như thế, ta quán tưởng mình đang trải qua những ảo tưởng của sự chết đưa đến sinh khởi Ánh Sáng Thuần Tịnh của bản tâm. Bằng cách ấy chúng ta quán sự hợp nhất giữa tuệ lạc của bậc thầy với tâm thức vi tế nhất của ta. Khi cố nhớ lại những pháp gia trì thầy đã ban, trí tuệ và từ bi của thầy đối với ta, ta nên tưởng tượng sự hợp nhất ấy là vô cùng phúc lạc. Ta càng có khả năng thể nghiệm lạc thọ bao nhiêu, tiến trình chuyển hóa càng dễ bấy nhiêu.

Kinh nghiệm phúc lạc vi tế của sự hợp nhất này vượt ngoài mọi khái niệm đối đãi thường tình. Khi tất cả mọi tướng phàm tình đã tan vào bầu hư không trống rỗng của trí bất nhị và đại lạc đồng khởi, chúng ta tập trung vào sự tan hòa ấy một cách nhất tâm không tán loạn. Hãy nghĩ "đây là pháp thân giác ngộ, và đây mới thực là tôi." Nhờ tự đồng hóa hoàn toàn với pháp thân, ta chuyển hóa được kinh nghiệm chết thông thường thành con đường đưa đến giác ngộ.

Khi thiền quán về pháp thân cách ấy, những khái niệm về tự ngã mà ta đã có bấy lâu sẽ từ từ rơi rụng; đây cũng đủ để được xem như một kinh nghiệm về chân không. Không nên nản chí nghĩ "tôi không có thực chứng nào về chân không. Ngay cả danh từ này tôi cũng không hiểu, thì làm sao để quán." Suy nghĩ vậy là một chướng ngại. Chung quy, ta đã có phần nào kinh nghiệm về ánh sáng trong suốt. Chúng ta đã chết nhiều lần trong quá khứ, và theo mật tông thì tiến trình chết tự động đưa đến sự khám phá Ánh sáng trong suốt, tính Toàn vẹn không hai. Không những khi chết, mà khi ngủ và lúc say sưa, ta cũng có được một mùi vị của ánh sáng trong suốt thể hiện cái Toàn vẹn này. Những kinh nghiệm như thế đánh đổ phần nào tự ti mặc cảm của ta. Bởi thế không nên lo lắng bạn chưa hiểu được Tính không một cách sâu xa; hiện tại chỉ cần bạn không vướng bận những khái niệm đối đãi. Hãy buông xả, để cho mọi chấp thủ của bạn tan vào hư không trong suốt.

Hãy duy trì sự tỉnh giác và xem tâm thức bén nhạy ấy là trí tuệ ôm trọn bầu vũ trụ trong sáng thuần tịnh. Trong không gian khoáng đạt ấy, ta không còn thấy đâu cái "tôi" tự than thân trách phận; nó hoàn toàn không hiện hữu. Hãy để cho tâm an trú trong sự khoáng đạt ấy, thoát mọi rắc rối và vận hành sai lạc, nhận thức nó là kinh nghiệm về pháp thân thực thụ. Đấy là một trạng thái tự nhiên, trong sáng không một mảy tơ tưởng nào, hoàn toàn trống rỗng mọi mâu thuẫn rối ren thuộc bản ngã. Chỉ cần bạn để cho tâm mình an trú vào đó một cách sống động.

Có lẽ bạn hơi khó chịu khi tôi giải thích về kinh nghiệm Ánh sáng trong suốt này. Có lẽ trong tâm bạn đang cãi "ê thầy Yeshe, nếu ông bảo Không chỉ là hư không, thì ông lầm rồi. Thầy đã đơn giản hóa một vấn đề hết sức phức tạp. Đấy không phải là quan điểm của Long Thụ, đấy không phải là triết học Trung Quán. Chân không không phải là chỉ có việc giả vờ tan thành hư không." Bạn cứ cãi như vậy đi, có thể lôi hết sách triết ra mà cãi và chứng minh rằng tan thành hư không không phải là ý nghĩa mà Chân không muốn diễn đạt. Nhưng đó chỉ là chuyện mất thì giờ.

Quả thật, trong khi nghiên cứu, chúng ta cần phải có được một cái nhìn đúng về tính không trên phương diện triết lý, để có thể hiểu được chính xác như Long Thụ, cùng tất cả các bậc đại hiền trí và hành giả khác. Nhưng bây giờ trong lúc thiền quán chúng ta không nói đến lý thuyết hay phân tích, mà cốt thực hành. Và để thực hiện kinh nghiệm ánh sáng pháp thân, mọi bậc thầy Ấn Tạng đều bảo hư không là điển hình tốt nhất cho ta hiểu được chân không hay bất nhị.

Muốn đạt đến kinh nghiệm thực thụ về chân không, ta phải bắt đầu từ một khởi điểm nào đó. Phải có một kinh nghiệm, một ý vị về nó như thế nào, để vượt qua những mâu thuẫn đối đãi do ngã chấp phát sinh. Đây là điểm chính. Chúng ta phải buông xả phần nào mọi khái niệm thô phù, cụ thể và hạn cuộc đã giam giữ chúng ta trong tri kiến bất toàn về chính mình và về mọi sự.

Từ quan điểm triết học, người ta nói rằng trong chân không, không có sắc thanh mùi vị .v.v. Một cái nhìn như thế có thể diễn thành kinh nghiệm thực thụ khi ta để cho mọi sự tan vào không gian bằng cách thể nhập tiến trình chết. Trong lúc hòa tan ấy, tâm ta không có cách nào tiếp xúc với thế giới giác quan quen thuộc. Trong không gian trong suốt của chân không, không có màu mùi cảm giác..., mọi rắc rối nhị nguyên đều tan biến, và kết quả là trạng thái tự nhiên của tâm ta có thể tỏa chiếu, bao trùm toàn thể thế giới thực tại. Hãy ở lại càng lâu càng tốt trong trạng thái khoáng đạt ấy, và hãy cảm thấy bạn đã đạt đến pháp thân thực thụ, trí tuệ vô ngại của toàn giác.

TÁI XUẤT GIANG HỒ

Bây giờ, làm sao để di chuyển sang kinh nghiệm báo thân. Trong khi lơ lửng trong không gian của pháp thân, ta buông xả tất cả cho đến khi không còn gì quấy rối tâm ta. Không một vật gì. Sau một lúc, những trò rối của nhị nguyên lại sẽ khởi sự xuất đầu lộ diện, lôi kéo sự chú ý của ta. Đây là lúc nên chuyển từ kinh nghiệm pháp thân đến kinh nghiệm báo thân. Chỉ hành giả biết được lúc nào nên tái xuất, không ai khác có thể nói được cái gì xảy ra trong tâm họ.

Khi sự rung động của đối đãi khởi lên trong tâm, hãy nhớ lại nguyện đại bi làm lợi ích hữu tình, và hãy làm quyết định mạnh mẽ sẽ xuất hiện dưới một hình dạng có thể tương giao với kẻ khác. Khi ấy trong bầu không gian bất nhị, trong ánh sáng trong suốt của chân không, một cái gì khởi sự hiện lên. Nó giống như một gợn mây nhỏ chợt hiện giữa bầu trời bao la trong suốt. Hình dạng và màu sắc của nó tùy thuộc loại thiền quán bạn đang tu tập. Trong mật tông, đó là chủng tự biểu trưng vị thần chính yếu. Nó có thể là một hạt giống, hay một hình dạng nào khác. Nhưng dù là cái gì, cũng nên hiểu đó là biểu hiện vi tế của chính tâm ta. Nó không phải là cái gì ta ngắm nhìn từ bên ngoài, mà ta phải hoàn toàn hợp nhất với nó. Nó chính là hình dạng tâm ta mới khởi lên.

Cũng như ta đã đồng nhất ánh sáng trong suốt trong không gian bao la với kinh nghiệm pháp thân, bây giờ ta hãy xem hình dạng vi tế này như báo thân thực thụ. Nó tương tự cái thân vô sắc ta có trong trung ấm phàm tình giữa chết và tái sinh. Ta cũng phải cảm nghiệm nó là hợp nhất bất khả phân giữa đại lạc và trí bất nhị, bây giờ được đồng nhất với báo thân của một vị Phật. Hãy nghĩ "đây thực sự là báo thân tôi." Hãy duy trì hình ảnh rõ rệt của chủng tự ấy và niềm tự hào thần tiên của báo thân trong một lúc, để chuyển hóa kinh nghiệm trung ấm phàm tình thành con đường đạt báo thân giác ngộ.

Khi đã sẵn sàng, hãy nhớ lại tâm nguyện bồ đề lợi tha, rồi mạnh mẽ quyết định sẽ xuất hiện dưới một hình dạng có thể liên lạc với nhiều hữu tình hơn nữa. Với động lực đại bi này, chủng tự thình lình hóa thành thân thể như ráng cầu vồng của chính vị thiên thần ta quán tưởng. Hãy hiểu đây là ứng thân thực thụ của toàn giác, thay vì cái thân vật lý thô phù của tái sinh phàm tình. Ứng thân ấy cũng có bản chất của lạc tuệ đồng thời sinh khởi. Một lần nữa, hãy tự đồng hóa với hình dạng ấy bằng cách khởi lên ý nghĩ: "Đây thực sự là ứng thân tôi." Bằng cách ấy, sự tái sinh phàm tục sẽ được đưa vào đường tu, như ứng hóa thân của một vị Phật.

Khi tu quán chư thần, ta phải thực sự cảm thấy mình là hóa thân của vị thần ấy. Đừng nghĩ mình giả vờ, mà phải tin chắc. Cũng như diễn viên vẫn còn "nhập vai" khi màn kịch đã chấm dứt, bạn sẽ ngạc nhiên thấy mình thực sự biến thành vị thần. Niềm tự hào thiên thần này là điều thiết yếu; phải ý thức mạnh mẽ mình thực sự là vị thần. Với phương pháp này, sự chuyển hóa mật tông sẽ xảy đến một cách tự nhiên và hết sức mãnh liệt. Những người tưởng pháp quán mật tông chỉ là thần tiên vờ vĩnh, thực hoàn toàn sai lạc.

BUÔNG XẢ

Trong lúc thiền quán, bạn thường cố duy trì trạng thái bất nhị khoáng đạt và tỉnh thức. Tuy thế bạn vẫn rất dễ bị tán loạn vì những vọng tưởng sinh khởi. Khi điều này xảy đến, đừng chống lại vọng tưởng, mà tốt nhất hãy khởi tưởng mạnh mẽ mình là vị thần bảo hộ [ví dụ Quan Âm] và phát tâm từ bi quảng đại. Hãy ở trong bầu không gian của ý thức sâu xa ấy, và cứ để mình là Quan Âm.

Nếu vẫn bị tán loạn - chẳng hạn, bạn nghĩ đến chuyện ăn bánh bao - thì hãy đừng quá phí sức chống cự vọng tưởng ấy. Chẳng hạn, đừng có dây dưa vào một cuộc độc thoại nội tâm, kiểu như "Ồ tôi thèm ăn bánh bao quá. Ai xui khiến tôi phải đến ngồi thiền thế này, trong khi giờ này tôi có thế thong dong bát phố?" Thay vì lải nhải như vậy, hãy khởi sự đọc thần chú của Quan Âm "Om tara, tuttare, ture svaha" cho đến khi tâm trở lại an tĩnh. Như thế còn tốt hơn là để cho tâm bạn bị lôi kéo bởi câu chú phàm tục "bánh bao, bánh bao, bánh bao."

Một chướng ngại lớn nữa của thiền định là chờ đợi quá nhiều, hy vọng quá nhiều. Thái độ mê tín này không làm ta thỏa mãn với những kinh nghiệm tốt của mình; nó luôn bắt ta so sánh kinh nghiệm ấy với một lý tưởng nào đó chỉ có trong tưởng tượng. Chúng ta lấy làm bất an với ý nghĩ : "Theo giáo lý, đáng lẽ đến giai đoạn này tôi phải có kinh nghiệm đại lạc, thế mà tôi có cảm thấy gì đâu. Chắc chắn tôi đã thất bại." Vì mong mỏi có được kinh nghiệm, nên kinh nghiệm mà ta mong đợi không bao giờ đến. Điều này dễ hiểu: làm sao lạc có thể phát sinh trong một tâm thức quá căng thẳng lo âu ?

Giải pháp duy nhất là hãy buông xả. Hãy nhận ra hy vọng là chướng ngại, và buông xả khi nó vừa phát sinh. Nói cách khác, ta nên tu hành một cách thong dong thư thái. Đôi khi ta để quá nhiều năng lực vào việc tu tập, tự kỷ luật mình quá khắc khe, tưởng thế là sẽ mau chứng. Nhưng nỗ lực quá căng thường đưa đến hiệu quả ngược lại, đã không giúp ích mà còn cản trở bước tiến của ta.

Như những người mới tập lái xe chưa biết thư dãn khi ngồi sau bánh lái. Vì quá chăm chú bận rộn điều chỉnh tốc độ, tay lái v.v., họ làm cho chiếc xe nhảy chồm lên, khiến người ngồi xe không được thoải mái. Lái xe trở thành một việc vất vả khó nhọc chứ không còn là một thú vui. Ngược lại, những người lái xe lão luyện thì rất thong dong tự tại. Mặc dù vẫn ý thức mọi sự xung quanh, họ biết buông xả, để cho chiếc xe tự lái. Kết quả là xe chạy rất êm, khiến ta có cảm giác như nó đang sung sướng bay giữa hư không thay vì nện binh binh trên mặt đường. Tương tự, muốn kinh nghiệm thiền lạc, ta phải buông xả những mong đợi, và giảm bớt những nổ lực hữu thức quá căng.

NIỀM TỰ HÀO THẦN TIÊN VÀ SỰ XUẤT HIỆN TRONG SÁNG

Giai đoạn "sinh khởi" trong việc tu tập niềm tự hào thần tiên là điều hết sức quan trọng. Khuynh hướng thông thường của ta là ưa bất mãn và chỉ trích ba nghiệp thân lời ý của mình. "Thân thể tôi thật xấu xí; giọng nói tôi không êm tai chút nào, tâm tôi thường rối ren." Chúng ta bị vướng vào thói quen bệnh hoạn ấy -ưa chỉ trích chính mình một cách vô lối- đến nỗi chúng ta chê bai những người khác nữa. Trên quan điểm mật tông, thói này cực kỳ tai hại.

Phương pháp chữa trị là hãy đào luyện một niềm tự hào thần tiên, cái cảm giác mãnh liệt chẳng hạn như khi thể nhập kinh nghiệm ứng thân, rằng bạn thực sự là hóa thân của một vị Phật toàn giác, rằng tâm bạn hoàn toàn thoát khỏi mọi mê tín, mọi giới hạn. Nếu bạn tiếp tục nghĩ mình là một kẻ sân si, thì bạn sẽ hóa thành người sân si thực, chắc chắn không thể thành một thần tiên đầy phúc lạc. Bạn có thể chấm dứt lối suy nghĩ tai hại về chính mình như thế, để tránh những hậu quả tiêu cực, chủ bại - bằng cách đồng nhất "căn bản thức" của mình với những đức tính từ bi trí tuệ của vị thần mà bạn quán tưởng. Bằng cách ấy, bạn mở lòng ra đón nhận những nguồn cảm hứng bao la có thể chuyển hóa toàn thể cuộc đời mình. Càng tập trung mãnh liệt vào niềm tự hào thần tiên, bạn càng kinh nghiệm một cách sâu xa sự giải thoát mọi hạn cuộc và bất mãn.

Sự thực hành mật tông Tối thượng du già có 3 hương vị đặc biệt. Một là thấy mình cùng mọi người đều có vẻ thần tiên cốt cách. Hai là tâm của hành giả không bao giờ rời trí bất nhị. Ba là mọi kinh nghiệm đều đem lại hỉ lạc lớn lao.

Như đã nói, đừng có "giả vờ" làm thần tiên, chẳng hạn Quan Âm. Bạn phải cảm thấy tận tâm khảm sâu xa rằng mình là Quan âm, cả hai là một thực thể bất khả phân. Càng đào luyện tính nhất thể này, bạn càng có kinh nghiệm về chuyển hóa một cách mãnh liệt. Điều này hoàn toàn tự nhiên.

Bạn cũng cần luyện tập để thấy mọi tướng đều huyễn hóa, không phải là một cái gì tách rời với tự tâm. Nói cách khác, phải nhận thức mọi tướng đều khởi từ chân không, đều có bản chất của chân không, bất nhị. Cuối cùng, cảm nghiệm của bạn về tướng chân không, huyễn hóa ấy phải là một kinh nghiệm vô cùng lạc thú. Điều này được đạt đến trong giai đoạn thành tựu của pháp du già tối thượng, bằng cách đưa chú ý vào nội tâm sao cho bạn cảm giác một cách mãnh liệt năng lượng kundalini đầy phúc lạc lan tỏa khắp thần kinh hệ của mình. Điều này giúp bạn hòa tan mọi kinh nghiệm vào năng lượng đại lạc.

Để giúp tiến trình chuyển hóa, một vài tập luyện cơ thể như hatha-yogas, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong khi tu tập giai đoạn "thành tựu". Nhưng đấy không chỉ là những luyện tập để cải thiện thế ngồi hay sức khỏe của bạn. Mục đích tối hậu của chúng là làm tăng năng lượng kundalini đại lạc. Năng lượng này thấm khắp hệ thần kinh vi tế của ta, nhưng phiền một nỗi là ta không nhận ra nó. Nhờ tập luyện hatha - yogas, ta có thể liên lạc với năng lượng ấy, tăng cường lạc, và biết cách thông thương với nó để dẫn nó đi bất cứ đâu theo ý muốn. Đây không phải vì mục đích đạt được lạc phàm tình, mà cốt để kiểm soát những tầng lớp vi tế nhất của thân tâm ta.

Tuy nhiên khi làm những tập luyện ấy, điều cốt yếu là duy trì chính niệm về mình như một thần tiên. Phải gạt qua mọi ý tưởng hạn cuộc tự thương thân trách phận, thì những tập luyện này mới thực sự công hiệu. Nhờ tập luyện đúng cách sẽ đến một giai đoạn dù bất cứ làm gì ta cũng cảm thấy một nguồn hỉ lạc lớn lao. Khi thân khởi sự cảm thấy mềm mại nhẹ nhàng, thì những năng lượng vật lý trước đây vốn là gốc khổ, khởi sự phát sinh những cảm giác đại lạc. Sự chuyển hóa mật tông như vậy không chỉ là vấn đề tưởng tượng, mà cả thể chất ta cũng biến đổi lạ lùng.

NHÂN CÁCH TRONG MẬT TÔNG

Nhiều người nói điều quan trọng không phải là thân thể, mà là thiền quán ở nội tâm. Nhưng nói thế là sai. Theo mật tông, ta không thể nói tâm quan trọng hơn hay thân quan trọng hơn. Cả hai đều quan trọng ngang nhau. Trong pháp hành mật tông, thân thể được xem như một mảnh đất có nhiều mỏ quý. Mặc dù đau khổ, cái thân này của chúng ta vẫn chứa tài nguyên vô giá, đó là vàng kundalini, dầu hỏa kundalini.

Tất cả chúng ta ai cũng đã từng có lần cảm thọ thân lạc lớn lao. Một đôi khi, đang ngồi thư dãn ta bỗng có một cảm giác phúc lạc nồng nàn lan khắp người. Kinh nghiệm này rất thường, không phải là một thực chứng cao siêu gì lắm. Nhưng nó cũng cho ta dấu hiệu về kho tàng lớn lao của năng lượng phúc lạc chứa trong thân ta ngay trong giờ phút hiện tại. Mục đích của mọi pháp du già, mọi luyện tập và thiền quán của tối thượng du già, chỉ là để khơi dậy, kiểm soát và xử dụng tài nguyên năng lượng đại lạc ấy để đạt đến toàn giác. Bởi vì, miễn sao đầu óc bạn vẫn tỉnh táo và có thể duy trì chính niệm, thì bạn có thưởng thức bao nhiêu lạc thú cũng không sao. Bạn có thể gọi lạc ấy là lạc sinh tử, lạc thế gian, hay gì gì cũng được, nó vẫn có thể đưa đến giải thoát.

Tinh túy của mật tông là xử lý lạc thú một cách thiện xảo. Người có đủ tư cách để thực hành mật tông là một người "chịu chơi", với người ấy việc xử lý lạc thú trở thành một phương tiện giúp họ giải thoát. Đây là nhân cách mật tông. Nếu một người chỉ biết cách chịu đựng đau khổ, thì mật tông chẳng giúp ích gì cho họ được. Cũng giống như một lò nguyên tử không có nhiên liệu, một con người như thế sẽ không có tài nguyên để xử dụng cho những chuyển hóa cần thiết.

Tuy vậy, tài nguyên lạc thú đã sẵn có trong thân thể con người chúng ta. Đây là lý do chính yếu tại sao ta xem thân người là vô cùng quý báu. Điều ta cần có, là một phương pháp thiện xảo để khơi dậy và xử dụng tài nguyên ấy, ngõ hầu đem lại hạnh phúc toàn vẹn không những cho chính ta, mà cho tất cả mọi người. Muốn thế, ta phải đoạn trừ thói quen nhìn những kinh nghiệm trong đời mình bằng một cái tâm khổ sở, với những dự phóng đau buồn. Ta phải công nhận rằng chính ta đã tạo ra mọi rắc rối. Không nên đổ thừa cho xã hội, cho cha mẹ hay bạn bè; không nên trách cứ bất kỳ ai. Những rắc rối của ta do chính tâm ta tự tạo. Nhưng cũng như ta đã sáng tạo tất cả rắc rối cho chính mình, ta cũng là kẻ sáng tạo ra giải thoát cho chính mình, và mọi thứ cần thiết để đạt đến giải thoát lạc này vốn đã được chứa đựng trong thân tâm ta hiện tại.

HÒA NHẬP TUỆ VÀ LẠC

Mục đích của sự hóa sinh thành một vị thần tiên nhờ pháp thiền quán ba thân Phật, cốt là để đánh tan ngã chấp ngột ngạt của ta. Chính quan niệm hẹp hòi này đã cản trở ta không kinh nghiệm được sự bùng vỡ của năng lượng phúc lạc tiềm tàng trong hệ thần kinh mình để nhờ đấy thực chứng tiềm năng giác ngộ.

Trí tuệ về chân không là đầy hỉ lạc. Điều vô cùng quan trọng là hai yếu tố này -tuệ giác đi sâu vào thực chất mọi sự, và cảm giác đại lạc- phải được hợp nhất trong một kinh nghiệm. Ta có thể thấy nhiều người trẻ rất thông minh, nhưng họ vẫn cảm thọ được rất ít niềm vui trong cuộc sống, hoặc không có niềm vui nào cả. Trí thông minh chẳng những không làm họ sung sướng mà nhiều người trong số ấy lại hoàn toàn bị rối loạn. Họ có thể sáng chế đủ loại công trình như những trò chơi điện tử phức tạp, nhưng vì thiếu phương pháp để hòa nhập tri thức và cảm xúc của mình, nên họ vẫn là những người trí thức khô cằn, đầy bất mãn.

Ngược lại có nhiều người có khả năng thực tiễn để được hạnh phúc, nhưng họ lại không có trí thông minh, không có sự tỉnh giác sắc bén để đi sâu vào một cái gì. Mặc dù hài lòng với cuộc sống, tâm thức họ vẫn cùn nhụt.

Mật tông cố đào luyện trí tuệ lớn lao, đưa trí thông minh vào kinh nghiệm thực tiễn bằng cách đồng nhất nó với sự tỉnh táo đầy phúc lạc. Bằng cách đó ta có thể làm cho đời mình sung mãn, kiện toàn tiềm năng hạnh phúc mà vẫn tẩy trừ được mọi vấn đề rắc rối thường đi đôi với sự theo đuổi khoái lạc. Vì trên thế giới này, lạc thú thường đẻ ra vấn đề. Nhiều người cho rằng những nỗi khổ vật lý như đói và bệnh không thực sự là vấn đề trầm trọng lắm. Nhưng làm sao để hưởng khoái lạc mà không trở thành điên loạn hay đồi trụy, đấy mới là một vấn đề lớn chưa có giải pháp. Kinh nghiệm hòa nhập của mật tông cống hiến giải pháp ấy.

Ta đã nhiều lần nói rằng theo mật tông, vấn đề căn bản của con người là khi có lạc thú, nội tâm ta thường đâm ra ngu độn, tối tăm. Điều này không có nghĩa rằng ta không nên hưởng lạc. Ta nên hưởng lạc, nhưng cần phải đề phòng đi quá trớn trong khi hưởng lạc. Ta phải giữ cho khỏi bị ảnh hưởng của vọng tưởng ngu si. Bởi thế lúc này ta đang học làm cách nào để có kinh nghiệm đại lạc, mà vẫn duy trì trạng thái sáng suốt, có kiểm soát. Ta đang học cách làm thế nào kinh nghiệm đại lạc có thể dẫn khởi tuệ giác sâu xa trong sáng.

Thông thường chúng ta có thói muốn vơ về cho mình. Ngay cả khi thiền quán được thành công, cảm thọ được năng lượng kundalini đầy hỉ lạc đang lên, ta liền có một khuynh hướng mãnh liệt muốn vồ chụp lấy nó, nghĩ : "Đây là kinh nghiệm của tôi, tôi đã chứng." Đây là thói quen ta cần từ bỏ. Ta nên tập để cho những kinh nghiệm lạc nó xảy đến mà đừng bám víu xem là của tôi. Ta có thể làm được điều này bằng cách đồng nhất tâm với chân không, bất nhị. Khi ấy mỗi lúc lạc khởi lên, thì như thể là nó được kinh nghiệm ở đâu đó ngoài hư không. Thực khó mà diễn đạt điều này, nên tôi hy vọng quý vị sẽ hiểu những gì tôi muốn nói. Ta phải vượt ngoài thói quen chiếm hữu thông thường của mình, thói liên kết mọi sự vào ý thức hạn hẹp về bản ngã.

Có lẽ tôi có thể giải thích điều này một cách sáng suốt hơn chút đỉnh. Hãy tưởng tượng trước mặt bạn là một người mà bạn cho là vô cùng hấp dẫn. Chỉ nhìn người ấy thôi cũng đủ khơi dậy một năng lượng lạc lớn nơi bạn. Bạn có thể muốn đưa tay ra mà ôm lấy người ấy. Bây giờ, hãy tưởng tượng người ấy thình lình tan thành ánh sáng cầu vồng, rạng rỡ và trong suốt. Tự nhiên tất cả cảm giác trĩu nặng của bạn về dục vọng chiếm hữu cũng tiêu tan. Thay vào đó, một cái gì nhẹ nhàng hơn, bồng bềnh hơn, sinh khởi. Bạn vẫn còn một vài tương quan với đối tượng đẹp đẽ ấy, nhưng tương quan ấy đã đổi thay. Bạn đã buông xả thái độ bám víu, và bây giờ kinh nghiệm một cái gì khoáng đạt hơn, bao la hơn. Đó là một kinh nghiệm hết sức nhẹ nhàng, phúc lạc mà vẫn hoàn toàn tỉnh thức, cái kinh nghiệm mà tôi muốn nói. Đó là những gì chúng ta cố đào luyện.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy