× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Mật tông

Bộ Mật Tông - Tập 1



III. HIỂN MẬT SONG BIỆN (1)

(Giải rõ hai pháp Hiển giáo và Mật giáo)

Nếu nương theo Hiển Mật hai tông tu tập, đó là bực thượng căn, nghĩa là tâm tạo pháp giới, đế võng và các thứ quán, miệng tụng Chuẩn đề lục tự, các Thần chú, đây có 2 hạng người;

1 - Người đã tu lâu, Hiển Mật đều tu.

2 - Người mới tu tập, trước tu Hiển giáo Phổ Hiền quán, rồi mới Tam mật gia trì; hoặc dùng Tam mật rồi, vậy sau mới tu quán hai thứ đều được.

Tôi dù tài mọn, tâm còn Hiển Mật song tu cho nên Nhơn Vương Bát Nhã Ðà Ra Ni Thích và Nhơn Vương Nghi Quỹ đều cho rằng: "Nếu không tu Tam mật môn, không y Phổ Hiền hạnh nguyện mà được thành Phật là điều không có lý!” Lại kinh Hoa Nghiêm Tự Luân Nghi Quỹ nói rằng: "Muốn đốn nhập Nhứt thừa, phải tu tập quán Tỳ Lô Giá Na Pháp thân; trước nên phát khởi hạnh nguyện Phổ Hiền. Lại lấy Tam Mật gia trì thân tâm, thời hay ngộ nhập được biển đại trí huệ của đưc Văn Thù Sư Lợi; là biết bậc thượng căn cần yếu Hiển Mật song tu. Bậc trung căn tùy lòng ưa muốn; hoặc Hiển hoặc Mật, chia tu một môn đều được. Nhưng Hiển viên Hoa Nghiêm các Phật đều khen ngợi, Bồ Tát đều tuân hành. Tây Thiên, Ðông Hạ, Thượng Trí, Thượng Hiền đều quy tâm; là đạo giáo rộng hành, nhiều người thấy nghe, chẳng nhờ sự tán dương. Mật viên Thần chú là đnh của chư Phật, là tâm của Bồ Tát. Công năng rộng lớn, lợi lạc vô biên; vì thời lưu ít biết, nay lược thuật cũng phân làm hai:

A - Thuật Mật chú công đức sâu rộng.

B - Hỏi đáp Mật chú Pháp khí hơn kém.

A. TRƯỚC HẾT TRÌNH BÀY MẬT CHÚ CÔNG ÐỨC SÂU RỘNG.

Lược y Thánh giáo chia ra có mười môn. Rộng lớn thì vô lượng (vì nhiều người không biết Mật giáo là thù thắng thâm sâu cho nên đem mười môn để khen ngợi. Dùng cảnh tỉnh những ai chưa nghe; nếu thật một mặt bỏ Hiển, khen Mật cũng chẳng phải bậc Thông nhơn; kinh Hoa Nghiêm nói: Thọ một Pháp mà thôi bị ma ám ảnh; khuyên trì các kẻ hậu học. Hoặc Hiển, hoặc Mật, hoặc Tánh, hoặc Tướng. Thực hành thì giữ lấy một môn; tin thì cần phải viên thông vô ngại. Chớ đồng với kẻ mù rờ voi, đệ tử rửa chân! Tôi từng có bài kệ rằng:

Ðại thán thân tuyên ngũ giáo văn.

Thiên môn vạn hộ nhập thiên nhơn.

Biển quán thọ nhứt phi như giả.

Tận thị Phật gia bất liễu nhơn.

Nghĩa:

Ðại Thánh nhân tuyên năm thời giáo.

Muôn đường nghìn nẻo vào chơn đạo.

Khắp xem thọ một pháp mà thôi

Ðều là người không rõ nhà Phật.

Lại nữa Chuẩn Ðề đã tổng nhiếp 25 bộ; tức biết mười môn sau đây đều nói công đức của Chuẩn Ðề Ðà Ra Ni vậy.

1) Hộ trì Quốc vương An-Lạc nhơn dân môn.

2) Năng diệt tội chướng, viễn ly quỷ thần môn.

3) Trừ thân tâm bịnh, tăng trưởng phước huệ môn.

4) Phàm sở cầu sự giai bất tư nghì môn.

5) Lợi lạc hữu tình cứu thoát u linh môn.

6) Là chư Phật Mẫu giáo hạnh bổn nguyện môn.

7) Tứ chúng dị tu Kim Cang thủ hộ môn.

8) Linh phàm đồng Phật Như Lai, quy mạng môn.

9) Cụ tự tha lực hiện thành Bồ đề môn.

10) Chư Phật Như Lai thượng nãi cầu học môn.

1-Ðầu tiên là hộ trì Quốc vương An-Lạc nhân dân: Nghĩa là Bí Mật Tạng Ðà Ra Ni kinh đều nói rằng: "Ðà Ra Ni năng hộ trì quốc vương, an lành nhân dân”. Cho nên Bảo Tạng Ðà Ra Ni kinh nói: "Trong tất cả quốc độ, nơi nào có Ðà Ra Ni lưu hành khiến nhơn vương thường được ủng hộ, thế lực tự tại; cũng hay ủng hộ sự chánh hóa của quốc vương. Có những kẻ như Vương tử, Phi hậu, Tể tướng, Phụ thần, các quan tướng thảy đều được ủng hộ; khiến được an vui, trong nước có nội ngoại oán địch mưu kế gian trá, tật dịch, cơn cẩn, nắng hạn, lụt lội, ác thú, độc long, tất cả việc bất tường như vậy thảy đều đoạn dứt. Lại khiến tiền tài, lúa thóc, phong nhiêu, kho lẫm đầy dẫy, hoa trái vinh thạnh, nhân dân an vui”. Bảo Tạng Ðà Ra Ni kinh nói: Ðà Ra Ni lưu hành chỗ nào, hay ủng hộ các Quốc vương, Vương tử, Phi hậu, Công chúa, trăm quan, Phụ tướng, khiến cho các tai nạn tiêu diệt, sở nguyện viên thành, thiên thần gia hộ; không khiến ma quỷ đến nhiễu não và trong nước lại được mười thứ quả báo tốt:

1) Trong nước không có tha bịnh, oán tặc xâm nhiễu.

2) Trong nước không có tinh tú biến quái mà khởi lên tai nạn.

3) Trong nước không có ác quỷ thần hành các tật dịch, thiện thần hộ vệ, vạn dân an vui.

4) Trong nước không có gió lửa, sương muối, mưa đá các nạn.

5) Trong nước không có kẻ oan gia rình tìm được.

6) Trong nước người không bị các ma bức bách.

7) Trong nước người không có các hoạnh tử.

8) Trong nước các món thóc lúa đầy đủ, trái ngon quả ngọt v.v…

9) Trong nước thiện long, mưa gió thuận thời, không có nắng hạn, bão lụt.

10) Trong nước người không bị các thú dữ như: cọp, beo, sói các ác thú làm tổn hại.

Lại Thất Phật kinh chú nói: Ðà Ra Ni, nếu như nhựt nguyệt đi không đều, có thể khiến đi ngay lại. Luá gạo mất mùa, năng khiến được mùa. Ðại thần mưu phản, ác tâm tự diệt. Tật dịch binh đao, thảy đều tiêu tán. Lại rằng: Các Nhơn vương muốn được hiện đời an vui, lìa các hoạn nạn. Các vị Quốc vương kia nên cần tâm đọc tụng Ðà Ra Ni. Cũng phải khuyên hậu phi, thể nữ và các vương tử … cần tâm tu tập. Lại Thủ Hộ Quốc Giới Chư Ðà Ra Ni kinh nói: Vì sao thiên nói hộ nơi quốc vương? Nghĩa là quốc chủ an vui thì vạn dân mới an vui, vì vậy nên nói hộ nơi quốc chủ. Diệp Y Quán Tự Tại Bồ Tát kinh nói rằng: Ðà Ra Ni năng trừ tất cả hữu tình, tai hoạ, tật dịch, đói kém, giặc cướp binh đao, nắng hạn không đều, tinh tú thất độ. Cũng hay làm tăng trưởng phước đức, cõi nước giàu mạnh, nhân dân an vui, quốc vương, nam nữ đều được trường thọ. Trong kinh Tô Bà Hô Ðồng tử nói: Ly ngoài Chơn ngôn không có pháp riêng nào năng ban vui cho chúng sanh được. Rộng như các Ðà Ra Ni kinh nói: Xưa có Liêu quốc, Thiên Hậu Hoàng Ðế, chánh pháp truyền khắp, Phật huệ lưu thông, kiên trì Mật chú đều được thần công, liền được lúa mùa, bắp nếp đầy kho; ngôi báu vững bền, nhân dân an vui lâu dài, chính nhờ sự linh nghiệm của Ðà Ra Ni.

2-Năng diệt tội chướng, viễn ly quỷ thần.

Kinh Bồ đề Trường Trang Nghiêm Ðà Ra Ni, kinh Tối Thắng Tổng Trì, kinh Lầu các Ðà Ra Ni … Hơn hai mươi bản kinh đều nói viết, chép Ðà Ra Ni để trong tượng Phật, tháp, trong bảo xử, hoặc viết trên tràng phan, trên điện đường, viết trên giấy lụa, vải, tre, hoặc trên vỏ cây hoa, tường vách, bảng mộc. Có chúng sanh được xem thấy hoặc thân tay rờ đến hoặc trong bóng ngã qua, hoặc những bụi trần trên chữ Chơn ngôn gió thổi nơi thân. Hoặc viết chép đeo mang tại đảnh, trên thân, trong áo hoặc viết trên tràng phan, nếu gió thổi phan động, phan kia chỉ chỗ chúng sanh. Hoặc chép lên chuông, trống, linh, mõ, loa, bạt … các tiếng trên vật ấy phát ra, nghe được tiếng ấy Trên đây đã nói: Các chúng sanh dù bị tội ngũ vô gián là nghiệp mà chư Phật cho rằng không sám hối được, cũng thảy đểu diệt tận. Ðời sau sanh về các nước Phật, huống chi thân tụng trì đó ư? Cho nên người xưa nói rằng: Tội ngũ nghịch vô gián rất nặng, niệm chú liền tiêu vong. Nghiệp thập ác là cự khiên, vừa nghe liền bay mất. Trong Tùy Cầu Tụng có nói rằng:

Dầu phạm Ba La thập ác tội,

Sát A La Hán và tôn thân.

Ngũ nghịch căn bổn thất vô giá,

Ưng niệm tùy tiếng liền tiêu diệt.

Chơn ngôn Thánh lực công vô lượng

Nên con xưng tán chẳng nghĩ bàn.

Lại Mạt Pháp Trung Nhứt Tự chú, hết thảy Ðà Ra Ni kinh nói: "Người trì chú nơi bốn phương hướng, trong vòng 500 dặm, các ác tinh diệu, quỷ thần, thiên ma… hết thảy chạy tản lạc mà đi. Vị nào có phát thiện tâm thủ hộ thì không đi. Nếu kẻ nào cố ý làm chướng ngại mà ở lại phá, liền bị chư hộ pháp đập bể đầu ra trăm miếng, thân tâm dập nát. Nhờ thế nên hành giả không bị các ma chướng và được đến Bồ đề.

Hỏi: Có người nói sự trì chú hay gây ra ma chướng, nay sao lại nói năng lìa được ma chướng?

Ðáp: Ðây là lời bàn nói của xóm làng, chứ trong Thánh giáo chẳng có văn này.

Nay Mật bộ các kinh đều nói: Ðà Ra Ni năng lìa ma chướng, nơi đây chớ nên luận bàn. Như Hiển giáo trong kinh Pháp Hoa sợ có kẻ giảng tụng tu tập kinh Pháp Hoa có khởi các ma chướng. Cho nên nói phẩm Ðà Ra Ni khiến trừ ác ma. Kinh kia nói rằng:

"Nếu chẳng thuận chú ta,

Não loạn người thuyết pháp

Ðầu bị phá bảy phần,

Như nhánh cây A lê.”

Lại Thích Ma Ha Diễn Luận: "Dạy người tọa thiền cần phải tụng chú để trừ ma.
Lại trong Chỉ Quán nói: "Nếu các ma chướng làm não loạn sự tọa thiền, hành giả nên tụng Ðại Thừa Phương Ðẳng và các chú trị ma nói trong kinh giáo. Nếu khi xuất thiền, cũng nên tụng chú.”

Trong kinh Kim Quang Minh: Hàng Thập Ðịa Bồ Tát còn lấy Thần chú để hộ trì, huống gì phàm phu ư? Cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: "Nếu không trì chú mà ngồi đạo tràng, khiến thân tâm kia xa lìa các ma sự lẽ đó không bao giờ đúng.

Lại nói: "Ðời mạt thế chúng sanh, muốn tu tam muội sợ đồng tà ma, nên phải khuyến khích trì Thần chú của Ta (Phật). Nếu chưa năng tụng chép nơi thiền đường hay đeo trên thân mình, thì tất cả các ma chướng không dám động đến”. Các văn như vậy, Tạng giáo rất nhiều, hiện thấy người đời vị quỷ thần não hại. Kẻ trì chú còn trừ cho họ được, huống chi tự thân mình lẽ nào ma quỷ dám làm hại ư?

3)Trừ bịnh thân, tâm, tăng trưởng phước huệ:

Kinh Thánh Lục Tự Ðà Ra Ni, kinh Phổ Hiền Ðà Ra Ni, Văn Thù Nhứt Tự Chú ...hơn mười lăm bổn kinh, đều nói môn hạnh Ðà Ra Ni, năng trừ được các món thân tâm bịnh khổ. Nói thân bịnh ấy nghĩa là tất cả các thứ bịnh: nhiệt bịnh, lãnh bịnh, phong bịnh, ngược bịnh, nhãn bịnh, nhĩ bịnh, tỷ bịnh, thiệt bịnh, khẩu bịnh, xỉ bịnh, thần bịnh, hầu bịnh, diện bịnh, đầu bịnh, kỉnh bịnh, hung bịnh, hiếp bịnh, phúc bịnh, thủ bịnh, bối bịnh, yêu bịnh, tất bịnh, cước bịnh, tị bịnh, lỵ bịnh, đàm bịnh, khí bịnh, lâm bịnh, đinh bịnh, thủng bịnh, ban bịnh, tiểu bịnh, dượng bịnh, sang bịnh, cuồng bịnh, điên giản bịnh, quỷ mị bịnh… chỉ nêu ra các bịnh trọng yếu. Hoặc bốn đại làm các thứ bịnh; hoặc ngũ tạng làm các thứ bịnh; hoặc quỷ thần làm ra các bịnh; hoặc những bịnh do túc nghiệp gây ra. Những bịnh như vậy, lấy Thần chú bất tư nghì lực có thể trừ lành. Cho nên kinh Trì Cú Thần chú, kinh Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni đều nói rằng: Ðà Ra Ni năng khiến cây khô trở lại sanh hoa trái huống chi là các bịnh hữu tình mà không trừ được sao!

Hỏi: Chơn ngôn hành giả chấp nhận việc gia trì quỷ thần để trị lành bịnh kẻ khác phải không?

Ðáp: Kinh Diệu Tý Ðồng Tử, kinh Tô Tất Ðịa … đều nói rằng: Nếu cầu thượng phẩm đại thành tựu, không được dùng Chơn ngôn gia trì quỷ thần cấm các trùng rắn để lành bịnh người khác. Làm việc đó thì hay ngăn ngại việc lớn, kẻ học nên y lời Phật, coi chừng dè dặt. Nếu thật lòng đại bi sâu rộng, ôm lòng Bồ Tát thì không ngăn cản việc đó. Cho nên kinh Quyến Sách nói: Trừ quỷ thần bịnh (bịnh tà) phải tu ba nghiệp thanh tịnh, đủ từ bi tâm; chư vị Bồ Tát mới hay làm việc đó.

Lại tất cả tham, sân, si bịnh tự tiêu diệt; cho nên kinh Bạch Tán Cái Ðà Ra Ni nói: "Nếu có túc tập tham tâm không được trừ diệt, thì phải một lòng tụng Thần chú của Ta (Phật). Như cô Ma Ðăng Già đã cùng ông A Nan nhiều kiếp ân ái, đem chú lực của Ta, làm cho ái tâm vĩnh đoạn, trở thành A la hán.”Còn như cô dâm nữ kia chẳng có tâm tu hành, khi Thần chú thấm vào cũng mau chứng bậc vô học, huống gì bản tâm cầu đạo Bồ đề đấy ư! Lại kinh Ðại Bi nói: "Chí tâm xưng niệm Ðà Ra Ni, lửa dâm dục diệt, tà tâm loại trừ”. Lại Như Ý Luân và tất cả các kinh Ðà Ra Ni nói: "Chơn ngôn hành nhơn hiện năng tăng trưởng tất cả phước huệ. Phàm lời đã nói ra, người đều tin thọ, chỗ dụng y vật, tài bảo, tất cả cử ý tùng tâm. Năng khiếu trong vòng 500 do tuần, người, trời, quỷ thần đều đến quy ngưỡng. Lại tự nhiên thông hiểu tất cả: Kinh, Luật, Luận và các sách vở của thế gian. Hoặc nhớ tất cả không quên điều gì, mỗi ngày nhớ đến hàng nghìn bài tụng”. Cho nên kinh Ðại Phật Ðảnh nói rằng: "Nếu đọc hoặc tụng Ðà Ra Ni ấy, dù các chúng sanh này, tự thân của mình không làm phước nghiệp. Mười phương Như Lai đã có công đức, tất phải ban cho người này.

Lại nói: Nếu trì Thần chú, không sanh nghi hối, mà kẻ thiện nam đó, do các bậc cha mẹ sanh ra mà tâm không được thông, thì mười phương chư Phật đều nói dối. Lại nói rằng: "Chưa tinh tấn, khiến được tinh tấn. Vô trí huệ, sẽ được trí huệ … Như chất thuốc dược nhỉ ở thế gian còn hay khiến người trừ bỏ ngủ nghỉ tăng trưởng tinh thần, huống nữa Thần chú lại không sinh trí huệ! Lại kinh Bất Không Quyến Sách Thần chú Tâm nói rằng: Nếu có tứ chúng thọ trì trai giới. Chuyên tâm trì tụng Thần chú bảy biến, chẳng xen tạp ngữ khác, phải biết người này hiện đời chắc chắn giữ được hai mươi món lợi thù thắng. Hai mươi món lợi đó là:

1. Thân không bị bịnh tật, được an ổn khoái lạc.

2. Do nghiệp lực đời trước, tuy có sanh bịnh nhưng trị mau lành.

3. Thân thể mềm mại, da thịt sạch sẽ trắng đẹp, mặt mày sáng sủa.

4. Ðược mọi người thương kính.

5. Mật độ các căn. (tai, mắt…)

6. Ðược nhiều tiền của quý báu, tùy ý thọ dụng.

7. Ðã có tài bải, vương, giặc, nước, lửa không thể xâm tổn.

8. Sự nghiệp làm ra đều thành tựu tốt.

9. Ðã có các món trồng tỉa, không sợ ác long, sương muối, bão lụt thiêu hủy.

10. Nếu có lúa thóc tai họa xâm phạm, nên tụng Thần chú gia trì nơi tro, hoặc nước trải qua 7 biến rồi đem rưới vào ruộng khắp 8 phương đã kiết giới, trên dưới, bấy giờ các tai hoạnh liền được diệt trừ.

11. Không bị những sự bạo ác của quỷ thần, la sát đến hớp hoạt tinh khí.

12. Tất cả hữu tình nghe thấy hoan hỷ, an lạc thường tôn trọng, không nhàm chán.

13. Không hề sợ sệt tất cả oán cừu.

14. Dù có oán cừu cũng mau tiêu diệt.

15. Người và các kẻ phi nhơn không thể xâm hại.

16. Yếm mị, trù rủa, thuốc độc, yếm chú chẳng dính vào thân.

17. Phiền não , triền cấu không thể hiện hành.

18. Ðao độc, nước lửa không thể làm thương hại.

19. Chư Thiên, thiện thần thường theo hộ vệ.

20. Ðời đời không xa rời từ bi hỷ xả.

Và trong kinh Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm Thần chú có nói: Nếu có các tịnh tín, thiện nam, tín nữ thường trì tụng Thần chú; hiện thân sẽ thu được mười món thắng lợi; mười món đó là:

1. Thân thường vô bịnh.

2. Thường được mười phương chư Phật nhiếp thọ.

3. Tài bảo, y thực, thọ dụng vô tận.

4. Năng hàng phục kẻ oán địch mà không lo sợ.

5. Khiến các bậc tôn quý cung kính, tin lời.

6. Cổ độ, quỷ mị, không thể trúng thương.

7. Tất cả dao, gậy không thể làm tổn hại.

1. Nước không thể nhận chìm.

2. Lửa không đốt được.

3. Lâm chung không bị hoạnh tử.

4-Phàm sở cầu sự, gia bất tư nghì: (Phàm sở cầu việc gì đều không thể nghĩ bàn)

Kinh Quán Tự Tại Nghi Quỹ, kinh Văn Thù Sư Lợi Nghi Quỹ cùng các kinh Nhứt Tự Ðảnh Luân … hơn mười bổn kinh đều nói Chơn ngôn hạnh nhơn, khi cầu thành tựu thì dùng bốn thứ vật:

1. Cung tên, rựa búa, câu, luân (bánh xe pháp luân) xử, cảnh (cái kính) hoặc sổ châu, bình bát, ca sa, tất cả các vật dụng của chư Tăng.

2. Hùng hoàng, thư hoàng, cũng như các món thuốc khác.

3. Lấy đất trên bờ sông hòa làm bùn dẻo rồi nắn hình sư tử, voi, ngựa, trâu tức loài đi chạy. Hoặc gà, ngỗng, chim, công, sí điểu … là loài bay cùng các hình thú khác.

4. Hoặc đắp vẽ, điêu khắc tất cả hình tượng Phật, Bồ Tát, Minh Vương; tùy lòng ưa muốn phân ra làm một việc, y pháp thành rồi mà đem để trong Ðàn; như pháp tụng chú, khi thấy được ánh lửa xẹt ra; hoặc tay cầm hoạc xoa thân hoặc cỡi lên cùng trợ bạn tri thức bay lên hư không. Hoặc có người thấy thành tựu, hay thấy các người khác được thành tựu; tất cả đều được bay lên hư không, dạo chơi khắp thế giới, cúng dường chư Phật, Bồ Tát, đều thọ mạng một kiếp, chứng được Sơ địa, Bách pháp minh môn. Nếu khi thấy xẹt khói ra, dùng y như trước sẽ được làm vua ở cõi Tiên, trụ thọ muôn muôn tuổi.

Nếu khi hơi nóng phát ra được tất cả nhơn, thiên kính ái; sở cầu như ý; đây là tướng thành tựu của ba phẩm: thượng, trung, hạ.

(Nếu có lửa sáng phát ra, đó là thượng phẩm; khói phát ra là trung phẩm, hơi nóng phát ra là hạ phẩm). Lại nói rằng: Nếu hỏa quang hiện ra, được tất cả chư Thần thường đền ủng hộ; các chúng Bát bộ thường cung kính.

Dùng tất cả Thần chú đều được tối thắng, linh nghiệm. Nếu tướng khói hiện ra, tùy chỗ đi, ở đều không chướng nạn, sở cầu toại tâm. Nếu khí nóng hiện ra: Ðược tất cả người và quỷ thần đồng tâm kính ái.

Tây phương có một người được thành tựu thượng phẩm, dẫn 500 người bay lên hư không. Như tại đây (nước Tàu) có ông Hoài Nam Vương luyện chú nấu thuốc, gà chó đến liếm trong vạc đều bay lên hư không. Cho nên mọi người nói rằng: Hoài Nam thành đạo, chó sủa trong mây; Vương Kiều đắc Tiên, Kiếm bay lên trời. Dược lực còn vậy, huống chi Thần chú của Phật không thể nghĩ bàn ư! Thần Biến Sớ nói: Nguời tay cầm Tiên phương, chưa từng hòa hiệp uống dùng; lại hủy báng rằng: ban ngày bay lên hư không lại cho là hư dối, toàn là chuyện không tưởng. Lại Ðại Giáo vương các kinh Ðà Ra Ni nói : Hoặc khiến người tìm long nữ làm vợ, hàng dược xoa làm tôi tớ, cầm quyến tác vào tu la cung; chú vào tử thi khiến khai mở những của báu dưới đất. Hoặc nói thành nơi Thánh dược; hoặc nói tìm đến tài bảo … trong Hiển giáo, việc này ít nghe. Cho nên Tiên Ðức nói: "Ngoài Tam thừa ra, riêng có pháp trì minh đó.”

Hỏi rằng: Bổn ý của chư Phật là khiến đoạn tham, sân tất cả, cớ sao khiến người khởi lòng tham cầu thế sự vậy.

Ðáp: Chư Phật có phương tiện độ sanh không thể nghĩ bàn. Nghĩa là có những chúng sanh không chịu cầu thẳng tới đạo Bồ đề; vả lại tùy lòng ưa muốn, khiến trì chú cầu. Do sức Thần chú không thể nghĩ bàn, việc mong cầu được toại lòng; tất cả tội nghiệp được tiêu diệt, tự nhiên siêu phàm nhập Thánh. Như đứa trẻ con có bịnh, không chịu uống thuốc, thầy thuốc có đủ trí, thoa thuốc nơi vú mẹ; trẻ nít kia nút vào không ngờ đã uống được thuốc hay, trừ được bịnh khổ. Cho nên kinh Quyến Tác Tâm Chú có nói: Nếu có chúng sanh dù đem dua mị để cầu phú danh lợi, nếu được nghe chú này, các chúng sanh đó đời đời kiếp kiếp thành tựu được hưởng phức tụ trí huệ. Thần biến sớ nói cảnh giới Chơn ngôn. Thập địa Bồ Tát còn cho chẳng phải cảnh giới của các Ngài; huống là người trong cõi sinh tử ư! (Có người nói rằng: Ðà Ra Ni phần nhiều khiến người có chỗ hy cầu, trở ngược lại gây tổn hại chúng sanh; đây là ly ngoại cầu, lấy vô cầu giống như đoạn kiến ngoại đạo. Nay Phật giáo nói: Trọn ngày cầu đó mà không thấy tướng cầu, là chơn vô cầu, chẳng đồng cây, đá, toàn là không ly cầu vậy. Cho nên Quán Âm Sao nói rằng: Tuy nhiên niệm niệm cầu, mà không có tướng năng cầu và sở cầu. Huống chi các Phật Ðại từ, Ðại bi đâu có cố ý làm tổn hại chúng sanh.)

5-Lợi lạc hữu tình cứu thoát u linh: Ðại Bảo Lầu Các kinh, Ðại Bi Tâm kinh cùng Mâu Lê Chú … hơn mười lăm bổn kinh đều nói: Nếu có chúng sanh được thấy thân người trì chú, hoặc nghe âm thanh lời nói, hoặc đi qua trong bóng của họ thì được tận diệt tội thập ác, ngũ nghịch, đời sau được sanh vào các nước Phật. Lại người trì chú, chỗ mắt họ thấy, chỗ thân họ chạm xúc, hết thảy loài hữu tình cũng diệt tất cả tội, đời sau sanh các nước Phật. Những người trì chú khi đi đường gió thổi, hơn gió này chạm vào hành giả rồi cuốn đi; hoặc thân rửa, tắm trong sông, suối nước cuốn đi những gì kỳ cọ; hoặc khi trời mưa, ngửa mặt lên không trung tụng chú, những hạt nước mưa trên không trung cũng thấm nhuần linh lực; hoặc trên đỉnh núi tụng chú, chỗ nào tầm mắt phóng tới tất cả sự kiện trên ảnh hưởng đến các chúng sinh như sau: mọi tội lỗi đều tiêu diệt, đời sau được sanh về cõi Tịnh độ của chư Phật, hóa sanh trong hoa sen. Như thế gian chỗ có thuốc độc, đi qua dưới gió, khi gió chạm vào liền bị tổn thương; còn có công lực khó lường huống nữa là Thần chú không thể nghĩ bàn ư! Lại kinh Quyến Tác nói: "Nếu nghe Ðà Ra Ni mà sanh hủy báng, cũng vẫn được lợi ích. Như người có ác tâm đi vào trong rừng long não, chiên đàn rồi chặt bẻ, giậm, đạp, làm cho gãy, ngã tất cả, chính thân thể kẻ phá hoại đó cũng dính được cái hương khí thơm tho kia. Cho nên trong Phật Ðảnh Tụng có nói: "thần thông thắng hoá, khó nghĩ bàn, Ðà Ra Ni môn thật là đệ nhất.” Lại trong kinh Vô Cấu Tịnh Quang, kinh Bất Không Quyến Tác, kinh Phật Ðảnh Tôn Thắng, kinh Tùy Cầu … nói "Nếu vong nhơn đã tạo nhiều ác nghiệp, khi chết đọa tam đồ; Chơn ngôn hành giả liền xưng tên tuổi, tộc họ của vong linh rồi chuyên tâm tụng chú, lúc bấy giờ vong ấy sẽ lìa khỏi được ác thú và sanh nơi thiên thượng.

Lại lấy Chơn ngôn chú vào nơi đất cát, hoặc hoa sen rải trên mộ, trên thi hài của vong nhơn liền được sanh về các cõi Tịnh độ của chư Phật. Ngoài ra các y vật, thân phần cốt nhục của vong nhơn mà được bóng người trì chú chói vào cũng được sanh về những nước Phật. Lại chép Ðà Ra Ni rồi đặt trên hài cốt của vong nhơn, vong đó liền sanh nơi thiên cung. Cho nên bực Tiên triết nói rằng: Bụi rơi, bóng chói, Thần dạo thiên cung; rải đất, rưới nước, thức lìa ác thú”.

Hỏi: Vong nhơn tạo nghiệp đã thành, bị đọa trong tam đồ vì sao Chơn ngôn hành giả hoặc xưng tên, họ vong nhơn, hoặc chú nguyện vào cát đất để trên mộ, trên thi hài mà lại giúp cho vong đó chuyển khỏi đường ác khổ, còn được vui sướng ở nước Phật ư! Chẳng những kẻ tục sĩ ôm lòng hoài nghi, mà chính các vị xuất gia cũng khó tin.

Ðáp: Kẻ trí lấy thí dụ mà được hiểu. Nay xin nêu ra thí dụ này: "Như cấm chủ của người đời; cấm lửa không cháy, cấm dao không đứt, cấm rắn không mổ, còn hay biến hữu độc thành ra hết độc; huống chi là Thần chú của đức Như Lai, không thể đổi khổ được vui đấy ư!” Lại như sách Liệt Tử có nói: "Sư Văn khéo gảy đàn cầm, chính nhằm mùa xuân mà gảy dây Thương để đàn khúc Nam, gió mát thổi đến, cây cỏ thành trái. (Dây Thương âm Kim, thuộc mùa thu, khúc Nam là khúc tháng tám, nhờ dây mà được khí Thu, cỏ cây ra trái) Chánh mùa thu mà gảy giây Giác, đánh khúc Giáp Chung có gió mát trở lại, cây cỏ phát sum xuê. (Giác, âm Mộc, nói thuộc mùa xuân, khúc Giáp Chung thuộc tháng hai, sinh ra được Xuân khí, cây cỏ đơm hoa). Ðương mùa hạ mà gảy dây vũ để đánh khúc Hoàng Chung, sương tuyết rơi xuống, sông suối đông lạnh, đóng cứng. (Vũ âm Thủy, thuộc về mùa đông, khúc Hoàng Chung thuộc tháng mười một, nên băng tuyết đóng lại). Mùa đông mà gảy dây chủy, đánh khúc Nhuy Tân mặt trời chiếu sáng rực rỡ, băng cứng tiêu tan (Chủy âm Hỏa thuộc mùa hạn, khúc Nhuy Tân thuộc tháng năm nên được Hạ khí, băng cứng bị tiêu tan). Ðây là cái thuật khảy đàn của thế gian còn biến mùa thu làm xuân, mùa đông làm hạ; huống nữa Thần chú của đức Như Lai, không thể nghĩ bàn. Và Thần chú nhiệm mầu lẽ nào lại không biến cải con đường ác khổ để được an vui nước Phật sao !!!

Ngài Trang Tử nói: Ngoài Lục hiệp, Thánh nhơn xét đến nhưng không luận bàn. Kinh Hoa Nghiêm nói: Lượng trí công đức đầy đủ của Thập địa Bồ Tát, thì Cửu địa Bồ Tát không hay biết, huống nữa đức Như Lai là vua trong các Thánh; chỗ có bí mật tâm ấn, đâu có thể lấy vọng tình của phàm phu mà muốn so lường đó ư! Kia như con cá nằm đáy giếng làm sao biết được sự sâu rộng ở biển Ðông; chỉ nên tin chắc đó. Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Bí Mật Tạng Thần chú nói: Nếu có người trì chú, phàm ra làm việc gì cũng được thành tựu; chỉ cần phải thâm tín không được sanh nghi. Người trì chú đã có công năng lợi lạc hữu tình, cứu thoát u linh. Như kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm Bồ Tát Ðại Bi Tâm Ðà Ra Ni nói: Người nào trì chú sẽ không bị mười lăm món ác tử:

1) Không khiến người kia bị chết vì đói khát, khốn khổ.

2) Không bị chết vì côt trói, đánh đập.

3) Không bị oan gia, cừu đối mà chết.

4) Không bị quân trận giết nhau mà chết.

5) Không bị chết vì cọp beo làm hại.

6) Không bị chết vì rắn rít độc cắn.

7) Không bị chết vì nước trôi, lửa cháy.

8) Không bị chết vì trúng độc dược.

9) Không bị trùng độc hại chết.

10) Không bị cuồng loạn, thất niệm mà chết.

11) Không bị chết vì núi cây, bờ gộp sập đè.

12) Không bị người ác yếm mị mà chết.

13) Không chết vì tà thần, ác quỷ rình hại.

14) Không bị ác bịnh triền thân mà chết.

15) Không bị phi phản tự hại mà chết.

Lại kinh Bất Không Quyến Thần Chú Tâm nói: Người tụng chú lúc lâm chung được tám món lợi thù thắng:

1) Khi mạng chung, thấy Quán Tự Tại Bồ Tát hiện tướng Tỳ Kheo đến trước mặt an ủi.

2) Mạng chung được an ổn, không bị các sự thống khổ.

3) Lúc sắp mạng chung, mắt không trợn lớn, miệng không hả méo, tay buông thong thả, chân duỗi ngay ngắn, không tiết ra phân nhơ, nước tiểu, không bị trụt, rớt xuống đất.

4) Lúc sắp bỏ mạng, an trụ nhớ chánh niệm, ý không loạn tưởng.

5) Lúc chết không úp mặt.

6) Khi sắp chết được vô tận biện.

7) Khi đã xả mạng rồi, tùy nguyện sanh về các cõi Tịnh độ chư Phật.

8) Thường cùng thiện hữu không xa rời nhau.

Kinh Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm Thần chú nói: Người tụng chú được bốn món công đức:

1) Khi lâm chung được thấy chư Phật.

2) Mạng chung không bị đọa vào chốn ác thú.

3) Không nhơn hiểm nạn, tai ách mà chết.

4) Ðược sanh về cõi Cực Lạc thế giới. 


Xem dưới dạng văn bản thuần túy