× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Luận

A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận



Quyển 6 - 1

阿 毘 達 磨 俱 舍 論

Abhidharmakośabhāṣayām


Nguyên tác: Thế Thân

Hán dịch: Huyền Trang

 

PHẨM THỨ HAI: PHÂN BIỆT CĂN (4).

 

Đã nói xong các pháp bất tương ưng hành.

Phần trước nói, sinh tướng khi sinh khởi pháp sở tướng (hữu vi) không thể thiếu sự hòa hợp của một số các nhân duyên khác. Trong đó, pháp gì gọi là nhân duyên[1]?

I. SÁU NHÂN (saṭ-kāraṇa).

Nhân có sáu loại. Những gì là sáu?

Văn Tụng.

Hán:

能 作 及 俱 有                                    同 類 與 相 應

遍 行 并 異 熟                                    許 因 唯 六 種

Việt dịch:

Năng tác và câu hữu                             Đồng loại cùng tương ưng

Biến hành và dị thục                              Nhân chỉ có sáu loại /94/.

Luận giải thích:

1.Thể tính.

a.Tổng quát tên gọi của nhân.

Nhân có sáu loại: 1.Nhân năng tác. 2.Nhân câu hữu. 3.Nhân đồng loại. 4.Nhân tương ưng. 5.Nhân biến hành. 6.Nhân dị thục Các luận sư Hữu bộ (đối pháp Sư) cho rằng nhân chỉ có sáu loại như vậy.

b.Thể tính của nhân.

i.Nhân năng tác[2](Kāraṇa-hetu):

Văn Tụng.

Hán:

除 自 餘 能 作

Việt dịch:

Trừ tự thể, còn lại đều là năng tác /95a/[3].

Luận giải thích.

Thích tụng

Nêu thể.

Tất cả các pháp hữu vi, chỉ trừ tự thể, lấy tất cả các pháp làm nhân năng tác. Bởi lẽ, khi nó (hữu vi) sinh khởi, các pháp còn lại không gây chướng ngại[4].

Thích danh.

Tuy tính chất của các nhân khác (năm nhân) cũng là năng tác, song nhân năng tác không có một danh xưng nào khác; như sắc xứ, v.v..., nên mặc dù đó là tên chung nhưng cũng chính là tên riêng vậy[5].

Vấn đáp phân biệt.

Hỏi:

Há không phải khi chưa thấu rõ (lý tứ đế), các phiền não[6] sinh khởi; do đã thấu rõ nên các phiền não không còn sinh; (như vậy) trí huệ đã làm chướng ngại (āvaraṇa) sự sinh khởi của các phiền não; hoặc ánh mặt trời ngăn trở khiến (mắt) không nhìn thấy các vì sao; thế thì đâu có thể nói, pháp hữu vi, trừ tự thể, lấy tất cả các pháp làm nhân năng tác được[7]?

Đáp:

Nên biết, khi phiền não (lậu), nhãn thức sinh, trí huệ và ánh mặt trời không hề ngăn trở; do đó, trí huệ và ánh mặt trời đối với phiền não và nhãn thức là nhân năng tác[8].

Hỏi:

Như đối với sự sinh khởi của pháp nầy, pháp kia có khả năng ngăn trở nhưng không ngăn trở, (thì nó) có thể được lập làm nhân; ví dụ như những người dân trong nước, do Quốc chủ không làm hại, nên đều nói rằng, chúng ta nhờ Quốc chủ mà có được an lạc. Còn như đối với sự sinh khởi của pháp nầy, pháp kia không có lực chướng ngại, nên không chướng ngại, làm sao gọi là nhân được; chẳng hạn như niết bàn (nirvāṇa-dharma) và pháp bất sinh (anutpatti-dharma) đối với sự sinh khởi của các pháp hữu vi; hữu tình tương tục[9] trong địa ngục (na lạc ca)[10], … đối với sự sinh khởi của các uẩn[11] cõi vô sắc, có cũng như không có, đều không có công năng chướng ngại.

Đáp:

Tuy không có tác dụng ngăn ngại nhưng cũng vẫn là nhân; giống như, Quốc vương vô lực cũng như trước đã nói[12]. Đây là nói chung tất cả các nhân năng tác (với nghĩa không chướng ngại). Nếu căn cứ trên mặt mạnh (thắng) mà nói, chẳng phải không có lực sinh khởi. Ví dụ các pháp như con mắt, màu sắc, v.v... có lực năng tác (sāmarthya) đối với sự sinh khởi nhãn thức, v.v...; sự ăn uống có lực năng tác đối với thân thể; hạt giống, v.v... có lực năng tác đối với mầm, v.v... [13]

Hỏi:

Nếu như tất cả các pháp, do không chướng ngại, đều là nhân năng tác, thế thì vì duyên cớ gì, các pháp lại không đốn khởi (yaugapadya); khi một người làm việc sát hại, vì duyên cớ gì mà tất cả những người khác không như người làm việc giết hại kia, đều thành tựu nghiệp sát (prāṇâtipāta)[14]?

Đáp:

Vấn nạn đó không đúng. Chỉ do không chướng ngại, chấp nhận tất cả các pháp là nhân năng tác; chẳng phải do đối với việc sinh quả, có lực tác động trực tiếp, mạnh mẽ[15].

Hỏi:

Có các Sư khác nói, nhân năng tác đều có năng lực đối với sự sinh khởi của quả[16]. Thế thì, niết bàn, v.v... đối với sự sinh khởi của nhãn thức, như thế nào gọi là lực năng tác?

Đáp:

Ý thức (manas) lấy niết bàn làm cảnh sở duyên (ālambana) để sinh khởi hoặc thiện hoặc ác; từ ý thức nầy, sau đó nhãn thức, thứ tự sinh khởi, tiếp nối làm nhân; cho nên niết bàn, v.v... đối với sự sinh khởi của nhãn thức có lực năng tác. Cũng như vậy, các pháp còn lại từ gốc độ nầy xoay vần, nên biết, có lực năng sinh.

Như vậy đã nói xong hành tướng của nhân năng tác.

ii.Nhân câu hữu (Sahabhū-hetu).

Văn Tụng.

Hán:

俱 有 互 為 果                                   

如 大 相 所 相

心 於 心 隨 轉

Việt dịch:

Câu hữu là hỗ tương làm quả   

Như bốn đại, tướng và sở tướng

Tâm với tâm tùy chuyển /95bcd/.

Luận giải thích:

Chánh biện:

Ý nghĩa.

Câu hữu là hỗ tương làm quả: nếu pháp nầy là quả sỹ dụng của pháp kia thì pháp kia là nhân câu hữu của pháp nầy[17].

Thể tướng.

Thể tướng của chúng thế nào?

Như bốn đại, tướng và sở tướng

Tâm với tâm tùy chuyển[18] /95bcd/.

Như bốn đại (catvāri maha-bhūtāni) hỗ tương làm nhân câu hữu cho nhau.Cũng như vậy, các tướng (catvāri lakṣaṇāni) cùng với pháp sở tướng, tâm cùng với pháp tùy chuyển của tâm hỗ tương làm nhân câu hữu.

Nhân câu hữu do hỗ tương làm quả vì vậy biến nhiếp tất cả các pháp hữu vi; như theo sở ứng của chúng (bốn đại với bốn đại, tướng với sở tướng, hoặc tướng với tướng, tâm với tâm tùy chuyển, tâm tùy chuyển với nhau; đó gọi là tùy theo chỗ ứng hợp).

(Luận chủ nêu lỗi của Hữu Bộ) Pháp và tùy tướng (anulakṣaṇa) chẳng hỗ tương làm quả; nhưng pháp là nhân câu hữu của tùy tướng; tùy tướng chẳng phải là nhân câu hữu của pháp[19]. Trong đó nên bàn luận[20].

Tâm tùy chuyển:

Những gì gọi là pháp tùy chuyển của tâm (cittânuvartino dharmāḥ)?

Văn Tụng.

Hán:

心 所 二 律 儀                                   

彼 及 心 諸 相

是 心 隨 轉 法

Việt dịch:

Tâm sở, hai thứ luật nghi[21]                    

các tướng của chúng và tâm[22]

là pháp tùy chuyển của tâm /96abc/[23].

Luận giải thích:

Thể.

Tất cả các tâm sở, hai thứ tịnh lự vô lậu luật nghi; các tướng sinh, v.v... trên chúng và tâm; như vậy, đều gọi là pháp tùy chuyển của tâm[24].

Nghĩa.

Vì sao các pháp nầy gọi là pháp tùy chuyển của tâm?

Văn Tụng.

Hán:

由 時 果 善 等

Việt dịch:

Do thời, quả, v.v... thiện, v.v... /96d/.

Luận giải thích:

Tổng quát.

Một cách tóm tắt thì, do thời, do quả, v.v..., do thiện, v.v... cho nên các pháp nầy được gọi là pháp tùy chuyển của tâm.

Thời gian (kāla, samaya).

Do thời: nghĩa là các pháp nầy và tâm cùng sinh, cùng trú, cùng diệt và cùng trong một đời (nhất thế).

Quả (phala).

Do quả, v.v...: nghĩa là các pháp nầy và tâm cùng một quả, một quả dị thục và một quả đẳng lưu (eka-phala-vipāka-niṣyandatā)[25]. Nên biết trong đó, một trước, một sau, hiển bày tính đồng thời, tính cùng chung, ý nghĩa không đồng nhau[26].

Ba tánh (tri-svabhāva).

Do thiện,v.v...: nghĩa là các pháp nầy và tâm cùng có tánh thiện, bất thiện, và vô ký.

Kết luận.

Do mười nguyên nhân nầy[27] nên gọi là pháp tùy chuyển của tâm.

Trong đó[28], tâm vương tối thiểu làm nhân câu hữu cho 58 pháp, đó là 10 đại địa, 40 bổn tướng của chúng (đại địa), và tám tướng bổn tùy của tâm. Trong 58 pháp, trừ bốn tùy tướng của tâm, 54 loại còn lại là nhân câu hữu của tâm.

Có Thuyết nói,

nhân câu hữu của tâm chỉ có 14 pháp; đó là mười đại địa và bốn bổn tướng của tâm.

(Luận Chủ)

Thuyết nầy không hợp lý. Vì sao? Vì trái với những điều được nói trong phẩm Thiên vấn, Phẩm loại túc luận[29], hoặc có khổ đế (duḥkhârya-satya, duḥkha-satya) lấy thân kiến làm nhân (satkāya-dṛṣti-hetuka, thân kiến vi nhân), chẳng làm nhân cho thân kiến (satkāya-dṛṣter-hetuḥ, thân kiến nhân); trừ các pháp sinh, lão, trú, phi thường trên thân kiến trong vị lai và trên các pháp tương ưng của chúng[30], cùng các khổ đế nhiễm ô (kliṣṭaṃ duḥkha-satyam)khác[31]. Hoặc có khổ đế lấy thân kiến làm nhân, đồng thời làm nhân cho thân kiến[32], tức các pháp được trừ[33] ở trước. Có các Sư khác không đề cập đến cụm từ “ và trên các pháp tương ưng của chúng”[34].

Luận Sư Tỳ Bà sa nói,

Văn Phẩm loại túc luận[35] phải nên nói đến cụm từ như vậy; hoặc nên căn cứ vào nghĩa mà biết rằng, có nói đến cụm từ kia[36]. Các Luận (諸) đều nói, các pháp do nhân câu hữu nên thành nhân, pháp kia nhất định là câu hữu; hoặc có pháp câu hữu chẳng do nhân câu hữu mà thành nhân; đó là: 1.Các tùy tướng đối với bổn pháp. 2.Các tùy tướng đối với nhau. 3.Các pháp tùy chuyển của tâm, các pháp tùy tướng đối với tâm. 4.Các tùy tướng nầy xoay vần đối nhau. 5.Tất cả các pháp câu sinh hữu đối tạo sắc xoay vần đối nhau. 6.Thiểu phần câu sinh vô đối tạo sắc xoay vần đối nhau. 7.Tất cả các pháp câu sinh tạo sắc đại chủng xoay vần đối nhau. 8.Tất cả các câu sinh đắc cùng với sở đắc xoay vần đối nhau. Các pháp như vậy tuy gọi là câu hữu nhưng chẳng do nhân câu hữu tạo thành. Chẳng phải cùng một quả, một dị thục, và một đẳng lưu cho nên đắc và sở đắc chẳng có thể nhất định câu hành mà hoặc trước hoặc sau hoặc câu sinh.

(Kinh bộ) Tất cả như vậy, theo lý hẳn đã rõ ràng. Song các thứ giống, v.v... mầm, v.v..., ở thế gian, trong vấn đề nhân quả tương sinh đã hoàn thành, chưa thấy nhân quả đồng thời như ở đây[37]. Nay nên nói, trong các pháp tụ câu khởi, nghĩa nhân quả đồng thời như thế nào?

(Hữu Bộ) Há không hiện thấy rằng, các thứ đồng thời như ngọn lửa đèn (đăng diệm) sinh ánh sáng ngọn đèn (đăng minh), mầm cây sinh bóng cũng là nhân quả ư?

(Kinh Bộ) Điều nầy nên bàn luận rõ ràng, như vậy chính ngọn lửa của đèn làm nhân cho ánh sáng (minh) hay là do nhân duyên hoà hợp từ trước, nay ngọn lửa và ánh sáng cùng khởi. Các vật (khác) ngăn cản ánh mặt trời, ánh đèn mà có bóng (ảnh) xuất hiện, tại sao lại nói bóng nầy lấy mầm làm nhân ?

(Hữu Bộ) Lý không nên như vậy. Tùy theo có hay không vậy. Thiện nhân minh luận nói về hành tướng của nhân quả rằng, nhân nầy có hay không, quả kia tùy theo đó mà có hoặc không; pháp nầy quyết định là nhân, pháp kia quyết định là quả; (tôi nói cũng vậy) trong các pháp câu hữu, một pháp có, tất cả đều có; một không, tất cả đều không; lý thành nhân quả.

(Kinh Bộ) Nhân quả cùng lúc khởi lên, lý có thể như vậy; nhưng sao có thể nói hỗ tương nhân quả?

(Hữu Bộ) Chính do như trước đã nói (một có, tất cả có) nên điều nầy cũng không trái ngược.

(Kinh Bộ) Nếu vậy, như trước nói, các sở tạo sắc hỗ tương, không thể tách rời, lẽ ra nên hỗ tương làm nhân cho nhau; cũng như vậy tạo sắc cùng với các đại chủng; các pháp tùy tướng của tâm, v.v... cùng với tâm, v.v... đều không thể lìa nhau, nên hỗ tương làm nhân?

(Hữu bộ) Như nói ba cây gậy hỗ tương để đứng[38]; vậy là nghĩa nhân quả của các pháp câu hữu thành tựu.

(Kinh bộ) Điều nầy nên suy nghĩ, ba cây gậy do lực câu khởi nương nhau mà đứng hay do nhân duyên hoà hợp lực đã sinh ra từ trước khiến chúng cùng đứng được? Lại nữa, trong đó, đâu chỉ có ba cây gậy nương nhau đứng, còn có các vật khác như dây, móc, đất, v.v.. liên kết giữ nhau.

(Hữu Bộ) Ở đây cũng có các nhân khác như nhân đồng loại, v.v...; cho nên nghĩa nhân câu hữu được thành tựu.

Nói xong hành tướng của nhân câu hữu.

iii.Nhân đồng loại (Sabhāga-hetu).

Hành tướng như thế nào?

Văn Tụng.

Hán:

同 類 因 相 似                       

Việt dịch:

Nhân đồng loại là pháp cùng loại

Luận giải thích:

Ý nghĩa:

Nhân đồng loại có nghĩa là pháp cùng loại (sādṛśya-dharmāḥ, tương tợ pháp) làm nhân cho pháp cùng loại (các pháp cùng loại làm nhân cho các pháp cùng loại đó gọi là nhân đồng loại).

Thể tính:

Thiện ngũ uẩn (kuśala-panca-skandha) làm nhân đồng loại cho thiện ngũ uẩn trong khi xoay vần hướng vọng lẫn nhau. Nhiễm ô[39] ngũ uẩn đối với nhiễm ô ngũ uẩn (kliṣta-panca-skandha); vô ký ngũ uẩn (avyākṛta-panca-skandha) đối với vô ký ngũ uẩn trong khi hướng vọng lẩn nhau nên biết, cũng như thế. (Thuyết 1: triển chuyển vi nhân)

Các thuyết khác về vô ký ngũ uẩn.

Có các Luận sư khác nói: với tịnh vô ký ngũ uẩn (vô phú vô ký ngũ uẩn), năm uẩn là quả của sắc; bốn (uẩn kia) chẳng phải là nhân của sắc (thuyết 2 ).

Có các Luận sư khác nói: năm uẩn là quả của bốn uẩn; sắc chẳng phải là nhân của bốn uẩn (thuyết 3) .

Có các Luận sư khác nói: sắc đối với bốn uẩn trong khi xoay vần vọng hướng lẩn nhau, chẳng làm nhân cho uẩn nào cả (thuyết 4).

Đồng loại nhân trong một thân:

Lại nữa, ở trong một thân, yết lặc lam vị có khả năng làm nhân đồng loại cho cả mười vị[40]; chín vị gồm át bộ đàm, v.v..., mỗi mỗi, đều trừ tiền vị (yết lặc lam), cùng làm nhân đồng loại cho các vị còn lại (9 vị). Nếu đối với các thân khác (thân quá khứ và vị lai) cùng loại, mười vị, mỗi mỗi đều làm nhân đồng loại cho mười vị. Cũng như ở phương nầy (Ca thấp di la), những ngoại vật như lúa mạch, lúa nước, v.v..., từng loại từng loại, nên suy nghĩ phân biệt đầy đủ. Như (các luận sư Thí dụ bộ) không chấp nhận sắc pháp làm nhân đồng loại cho sắc pháp ắt trái với những điều được nói trong Bổn luận (Phát trí)[41] rằng, đại chủng quá khứ làm nhân (đồng loại), tăng thượng (duyên) cho đại chủng vị lai, v.v... .

Phân biệt ngũ bộ (panca-prakāra, panca-nikāyāḥ), cửu địa (nava-bhūmi).

Như vậy, các pháp cùng loại đối với các pháp cùng loại đều làm nhân đồng loại?[42]

Không thể như thế.

Vì sao ?

Văn Tụng.

Hán:

自 部 地 前 生

Việt dịch:

Tự bộ, tự địa, tiền sinh

Luận giải thích.

Tự bộ, tự địa (sva-nikāya-bhū):

Các pháp trong một nhóm (sva-nikāya), trong một địa vực (sva-bhūmi) chỉ làm nhân cho các pháp trong cùng nhóm cùng địa vực đó (tự bộ tự địa); cho nên nói tự bộ tự địa - bộ là ngũ bộ tức là năm nhóm pháp từ nhóm các pháp được đoạn trừ khi thấy khổ (kiến khổ sở đoạn, duḥkha-dharśana-prahātavya) cho đến nhóm các pháp được đoạn trừ ở giai đoạn tu tập (bhāvanā-prahātavya, tu sở đoạn); địa là chín địa, tức chín địa vực bao gồm cõi dục là một, tịnh lự và vô sắc có tám. Trong đó, các pháp được đoạn trừ ở giai đoạn thấy khổ lại làm nhân đồng loại cho các pháp được đoạn trừ ở giai đoạn thấy khổ; chẳng làm nhân đồng loại cho các pháp khác. Cũng như vậy, cho đến các pháp được đoạn trừ ở giai đoạn tu đạo chỉ làm nhân đồng loại cho các pháp được đoạn trừ ở giai đoạn tu đạo, chẳng phải cho các pháp khác. Trong đó, mỗi mỗi pháp nếu ở dục giới địa lại cùng với dục giới làm nhân đồng loại; sơ tịnh lự địa cùng với sơ tịnh lự làm nhân đồng loại; cho đến hữu đảnh cùng với hữu đảnh địa làm nhân đồng loại. Ở các địa khác nhau không thể có nghĩa nhân đồng loại.

Lại nữa, đây cũng chẳng phải là tất cả (nghĩa là với tự bộ tự địa cũng không phải tất cả đối với tất cả đều là nhân).

Vì sao ?

Tiền sinh (pūrva-jāti):

Đó là tiền sinh (sinh khởi trước), duy chỉ các pháp sinh khởi trước làm nhân đồng loại cho các pháp cùng loại sinh khởi sau, và các pháp chưa sinh (ajāta-dharma)[43].

Làm sao biết như vậy[44]?

Do luận Phát trí[45] nói, thế nào là nhân đồng loại? Đó là các pháp thiện căn sinh trước làm nhân đồng loại cho các pháp thiện căn sinh sau và các pháp tương ưng của nó trong cùng một địa vực; cũng như vậy, quá khứ cùng với hai đời khác (hiện tại vị lai); quá khứ, hiện tại cùng với vị lai, v.v... đều nên nói rộng rãi.

Sáu vấn nạn (nếu vị lai không có nhân đồng loại).

(1).Không lúc nào là không nhân.

(Kinh bộ) Song, chính luận Phát trí lại đặt câu hỏi rằng, như pháp nầy cùng với pháp kia làm nhân; liệu có lúc pháp nầy đối với pháp kia chẳng phải là nhân? Luận đáp, không lúc nào là không[46].

(Luận Chủ) Nên biết, ở đây dựa vào ba nhân câu hữu, tương ưng, dị thục mà trả lời một cách kín đáo nên không có lỗi[47].

(Bà sa) Có luận sư nói, pháp ở chánh sinh vị (utpadyamānâvastha) trong vị lai nhất định làm nhân đồng loại cho pháp trước sinh tướng của nó; cho nên văn Phát trí dựa vào tối hậu vị (caramâvasthā), trả lời một cách kín đáo, không lúc nào chẳng phải là nhân[48].

(Luận chủ) Cách giải thích vấn nạn không xác đáng; bởi lẽ, các pháp vị lai trước chánh sinh vị chẳng phải là nhân đồng loại, đến sinh tướng vị mới thành nhân.

Lại nữa nếu vậy, Luận kia lại hỏi rằng, như pháp nầy làm đẳng vô gián duyên cho pháp kia; liệu có lúc nào pháp nầy đối với pháp kia không phải là đẳng vô gián duyên chăng ? Đáp, khi pháp nầy chưa đến dĩ sinh (aprāpta-jāta)[49];

Nếu như theo cách giải thích đó, lẽ ra nên đáp, không lúc nào là không duyên; tại sao lại đáp khi pháp nầy chưa đến dĩ sinh? 

Song Sư kia lại giải thích, tóm lượt qua hai cách: 1) Như nói ở nơi kia, ở đây cũng như vậy. 2) Như nói ở đây, nơi kia cũng như vậy[50].

(Luận chủ bình, thủ ý thứ ba).Nêu lên đoạn văn như vậy với mục đích gì? Chỉ với mục đích cho thấy rằng, Luận chủ phát trí chẳng khéo léo trong đoạn văn nầy[51]. Do đó nên biết, giải thích trước là hợp lý (giải thích ba nhân trước; do lý đó nên, nhân đáp vô thời phi nhân; duyên đáp vị chí dĩ sinh).

(2). Nạn khổ đế nhiễm ô.

(ngoại nhân) Nếu vậy, vì cớ gì, Phẩm loại túc luận nói, hoặc có khổ đế lấy thân kiến làm nhân; chẳng làm nhân cho thân kiến; trừ thân kiến trong vị lai và các pháp khổ đế tương ưng với nó cùng các khổ đế nhiễm ô khác; Hoặc có khổ đế lấy thân kiến làm nhân; đồng thời cũng làm nhân cho thân kiến; tức các pháp được trừ ở trên[52].

(Luận Chủ) Văn kia đúng ra nên nói trừ các pháp khổ đế tương ưng với thân kiến vị lai; giả thiết như văn kia có nói (và của chúng), nhưng căn cứ vào nghĩa, ắt biết là chẳng phải[53].

3. (Nhân quả quyết định nạn) Lại nữa, làm sao thông hợp với Phẩm loại túc luận, nói rằng, bốn vấn đề quyết định của các pháp. Đó là nhân, quả, sở y, sở duyên[54]?

(Thông nạn) Nên biết, Văn kia nói nhân là các nhân năng tác, câu hữu, tương ưng, dị thục[55]; quả là các quả tăng thượng, sỹ dụng, dị thục; sở y là sáu căn mắt, v.v...; sở duyên là sáu cảnh sắc, v.v....

4. (Bổn vô nhi hữu nạn) Nếu vậy, nhân đồng loại trước không nay có[56].

Chấp nhận (trước không nay có) không có lỗi gì; bởi lẽ căn cứ vào vị, chứ chẳng phải căn cứ vào thể; tức từ quả của sự hoà hợp tác dụng ở giai đoạn (vị) quá khứ, hiện tại; chẳng phải là quả của thể[57].

5. (Phi tâm nhân pháp nạn) Nếu nhân đồng loại có ở vị lai, cũng giống như dị thục nhân, có lỗi gì nào[58]?

Nếu có ở vị lai thì luận Phát trí nên nói.

Luận Phát trí chỉ nói các nhân đồng loại năng thủ quả và tạo quả (trong quá khứ và hiện tại; không nói vị lai không thủ quả và tạo quả) cho nên không có lỗi.

(Luận Chủ) Không có nghĩa như vậy. Bởi lẽ, nhân đồng loại đưa đến quả đẳng lưu, nếu nhân đồng loại có trong vị lai, lý nhất định không thể, vì vị lai không có trước sau[59]. Không nên nói các pháp đã sinh khởi trong quá khứ, hiện tại làm quả đẳng lưu của pháp trong vị lai. Cũng như pháp quá khứ chẳng phải là quả của các pháp hiện tại. Chớ nên phạm lỗi quả trước nhân sau. Do đó, vị lai không có nhân đồng loại.

6. (hỗ vi nhân quả nạn) Nếu vậy, nhân dị thục, ở vị lai, không nên có; bởi lẽ, không thể quả dị thục có trước hoặc đồng thời với nhân được[60] vì các pháp vị lai không có trước sau.

(Luận Chủ) Không có lỗi như vậy; vì (quả dị thục) không phải là pháp cùng loại. (Trong khi đó) nhân đồng loại với quả là pháp cùng loại, nếu không có trước sau ắt hỗ tương làm nhân; đã hỗ tương làm nhân thì cũng hỗ tương làm quả; hỗ tương làm nhân quả là trái ngược với lý. Nhân dị thục đối với quả, không phải là pháp cùng loại, nên tuy không có trước sau nhưng không có lỗi trên. Do vậy, nhân đồng loại căn cứ vào tác dụng vị trong hiện tại để kiến lập, vị lai không thể có. Nhân dị thục căn cứ vào thể tướng để kiến lập, vị lai chẳng phải không.

Đạo đế trong chín địa:

Tụng

Hán

道 展 轉 九 地           

Việt dịch.

Đạo đế xoay vần trong chín địa.

Luận giải thích.

Hữu lậu          

Nói rằng, nhân đồng loại chỉ có ở tự địa là căn cứ vào đâu? Căn cứ vào pháp hữu lậu.

Vô lậu.

Nếu Vô lậu đạo trong tương quan chuyển biến, mỗi mỗi đều là nhân của chín địa; nghĩa là đạo đế trong chín địa gồm vị chí định, trung gian tịnh lự, bốn căn bổn định (tứ thiền) ba bổn vô sắc đều hỗ tương làm nhân. Lý do vì sao ? Vì vô lậu đạo nầy đối với các địa đều như khách trú, không bị nhiếp vào giới địa, cũng chẳng bị các địa ái chấp làm sở hữu riêng. Cho nên vô lậu đạo trong chín địa, tuy địa không giống nhau nhưng xoay vần làm nhân cho nhau, do đồng loại vậy.

Sự khác nhau.

Tụng.

Hán

唯 等 勝 為 果/97/

Việt dịch.

chỉ có pháp bằng hoặc hơn làm quả.

Luận giải thích.

Bằng hoặc hơn (sama-viśiṣṭa):

Song (các pháp vô lậu) chỉ làm nhân cho các pháp vô lậu ngang bằng hoặc cao hơn; chẳng thể làm nhân cho các pháp thấp hơn (hīna), vì chúng do da hạnh sinh (prayoga-ja)vậy.

Trong ba đạo.

Vả lại như khổ pháp trí nhẫn (duḥkha-dharma-jnāna-kṣānti)đã sinh lại làm nhân đồng loại cho khổ pháp trí nhẫn vị lai; đó gọi là ngang bằng. Lại nữa, chính nhẫn nầy làm nhân đồng loại cho từ khổ pháp trí (duḥkha-dharma-jnāna) đến vô sinh trí (anutpāda-jnāna) ở sau; đó gọi là cao hơn. Như vậy, nói rộng ra, cho đến các vô sinh trí đã sinh chỉ làm nhân đồng loại cho pháp ngang bằng, không có pháp cao hơn.

Các pháp kiến đạo, tu đạo và vô học đạo đã sinh, tùy theo thứ tự, làm nhân đồng loại cho ba, hai, một.

Với độn và lợi căn (mṛdu-tīkṣṇêdriya).

Trong đó, các đạo của hàng độn căn (mṛdv-indriya) làm nhân đồng loại cho các đạo của độn và lợi căn; nếu đạo của hàng lợi căn (tīkṣṇêdriya), chỉ làm nhân đồng loại cho đạo của lợi căn.

Như các đạo tùy tín hành (śraddhânayusārin-mārga) và tín thắng giải (śraddhâdhimukta-mārga), thời giải thoát (sama-vimukta-mārga), theo thứ tự của chúng, làm nhân đồng loại cho sáu, bốn, hai.

Nếu các đạo tùy pháp hành (dharmânusārin), kiến chí (dṛṣṭi-prāpta-mārga), phi thời giải thoát (asamaya-vimukta-mārga), theo thứ tự của chúng, làm nhân đồng loại cho ba, hai, một.

Các đạo thượng địa làm nhân đồng loại cho hạ địa, như thế sao lại nói hoặc bằng hoặc cao hơn?

Do nhân tăng trưởng và do căn vậy (tức do nhân dần dần tăng trưởng và do căn độn, lợi, chẳng phải do địa có trên dưới khiến đạo có cao thấp); nghĩa là chín phẩm từ hạ hạ… của ba đạo kiến, v.v..., ở trong các vị sau, nhân dần dần tăng trưởng.

(Ở kiến đạo vị) tuy trong cùng một tương tục, nhưng không thể có hai đạo tùy tín hành và tùy pháp hành cùng khởi; mà pháp (tùy tín hành) đã sinh làm nhân cho pháp vị lai (tùy pháp hành) .

Chỉ có thánh đạo mới làm nhân đồng loại cho các pháp bằng và cao hơn chăng ?

Không như vậy

Tại sao ?

Pháp da hạnh:

Tụng

Hán.

加 行 生 亦 然 /98ab/.

Việt dịch.

Pháp do da hạnh sinh cũng vậy

Luận giải thích.

Các pháp thế gian do da hạnh sinh cũng làm nhân đồng loại cho pháp bằng, cao hơn; không thể cho pháp thấp.

Pháp do da hạnh sinh, thể của nó thế nào ?

Tụng.

Hán.

聞 思 所 成 等

Việt dịch.

Được thành tựu do nghe, suy nghĩ, v.v…

Luận giải thích.

Thể của da hạnh.

Đó là các pháp được thành tựu do nghe, do suy nghĩ (tư), v.v... Chữ V.V... (đẳng) chỉ cho các pháp được thành tựu do tu, v.v... Các công đức sinh ra từ sự nghe ngóng, suy nghĩ, tu tập gọi là sở thành của nghe, nghĩ và tu vậy.

Bằng hoặc cao hơn.

Ở cõi dục.

Vì do da hạnh sinh nên chỉ làm nhân cho các pháp ngang và cao hơn. Chẳng hạn ở cõi Dục, các pháp do nghe thành tựu làm nhân đồng loại cho các pháp được thành tựu bởi nghe, nghĩ cùng cõi; chẳng làm nhân cho các pháp do tu tập thành tựu vì không có ở cõi Dục. Pháp do suy nghĩ thành tựu làm nhân đồng loại cho các pháp do suy nghĩ thành tựu; chẳng làm nhân cho pháp do nghe thành tựu vì (pháp nầy) thấp hơn (liệt).

Ở cõi sắc.

Ở cõi Sắc, các pháp do nghe thành tựu làm nhân đồng loại cho các pháp được thành tựu bởi nghe và tu cùng cõi; chẳng làm nhân cho pháp được thành tựu bởi suy nghĩ vì không có ở cõi Sắc. Pháp do tu tập thành tựu chỉ làm nhân đồng loại cho pháp được thành tựu bởi tu cùng một cõi; chẳng làm nhân cho pháp được thành tựu bởi nghe vì (pháp nầy) thấp hơn.

Ở cõi vô sắc.

Ở cõi Vô sắc, pháp thành tựu do tu chỉ làm nhân đồng loại cho pháp được thành tựu bởi tu cùng cõi; chẳng làm nhân cho các pháp được thành tựu bởi nghe và nghĩ, vì ở đây không có, vì (các pháp kia) thấp hơn vậy.

Chín phẩm.

Như vậy, các pháp lại có chín phẩm – pháp hạ hạ phẩm làm nhân cho các pháp ở chín phẩm; pháp hạ trung làm nhân cho tám; cho đến thượng thượng chỉ làm nhân cho thượng thượng; trừ các pháp trước vì thấp hơn.

Các pháp sinh đắc thiện trong chín phẩm tương quan với nhau, xoay vần làm nhân cho nhau. Các pháp nhiễm ô cũng vậy.

Pháp vô phú vô ký có cả thảy bốn loại; đó là dị thục sinh (vipāka-ja), oai nghi lộ (īryā-patha),công xảo xứ (śailpasthānika), biến hoá câu phẩm (nairmāṇika)[61], tùy theo thứ tự của chúng, làm nhân cho ba, hai, một.                                                                                                                              Lại nữa, ở cõi Dục, biến hoá tâm có bốn quả tịnh lự[62]; quả tịnh lự trên không thể làm nhân cho quả tịnh lự dưới; vì nhân là các pháp do da hạnh nên không thể thành tựu quả thấp hơn. Chẳng hạn như ra sức trồng trọt các giống lúa mạch, lúa nước, v.v... vậy. Chớ cho rằng, siêng năng khổ nhọc mà không có thu hoạch. Ý nghĩa của nhân là như vậy.

Vấn đáp phân biệt.

Có người hỏi: Có phải có các pháp vô lậu đã sinh chẳng làm nhân cho các pháp vô lậu ở vị sinh vị chăng ?

Đáp:

Có. Đó là khổ pháp trí phẩm đã sinh (trong quá khứ, hiện tại) đối với khổ pháp nhẫn phẩm ở (vị lai) vị sinh vị; lại nữa, (đó là) tất cả các pháp (đã sinh) cao hơn đối với các pháp (chưa sinh) thấp hơn.

Hỏi:

Trong một thân, có các pháp vô lậu quyết định thành tựu trước chẳng làm nhân cho các pháp sinh sau chăng ?

Đáp:

Có. Đó là khổ pháp nhẫn phẩm ở vị lai (trước) đối với khổ pháp trí phẩm đã sinh trong quá khứ, hiện tại (sau) vì rằng, quả không thể có trước nhân; hoặc nhân đồng loại trong vị lai không có vậy.

Hỏi:

Có các pháp vô lậu đã sinh khởi trước chẳng làm nhân cho các pháp vô lậu sinh khởi lúc sau chăng ?

Đáp:

Có. Đó là các pháp vô lậu cao hơn đã sinh khởi trước đối với các pháp vô lậu thấp hơn sinh vào lúc sau. Như từ thượng quả (vô học) thối lui, hạ quả (bất hoàn) hiện tiền. Lại nữa, đắc trên khổ pháp trí đã sinh khởi trước đối với đắc trên khổ pháp nhẫn sinh khởi sau, chẳng phải là nhân đồng loại vì thấp hơn vậy.

Như vậy đã nói xong về hành tướng của nhân đồng loại.

iv. Nhân tương ưng (Saṃprayuktaka-hetu).

Văn Tụng.

Hán:

相 應 因 決 定                       

心 心 所 同 依 /98cd/.

Việt dịch:

Nhân tương ưng, quyết định                 

Là các tâm, tâm sở cùng sở y[63]             

Luận giải thích:

Nêu thỂ.

Chỉ có tâm và tâm sở là nhân tương ưng[64].

Nếu vậy, (các tâm tâm sở có) sở duyên và hành tướng khác nhau cũng nên làm nhân tương ưng cho nhau[65].

Không thể như vậy; phải là sở duyên, hành tướng giống nhau (ekâkārâlambana,sở duyên hành tướng đồng) mới được gọi là tương ưng[66].

Nếu vậy, sở duyên (ālambana), hành tướng (ākāra) giống nhau, (nhưng) khác thời gian nên nói là nhân tương ưng?

Không thể như vậy; cần phải có sở duyên, hành tướng và thời gian giống nhau mới gọi là tương ưng.

Nếu vậy, sở duyên, hành tướng và thời gian giống nhau (nhưng) khác thân[67], nên gọi là tương ưng; như mọi người cùng xem các hiện tượng như “trăng đầu tháng”, v.v...

Với mục đích dùng một danh từ để ngăn chận những vấn nạn như vậy cho nên nói “đồng y”; nghĩa là cần phải đồng y (samâśraya), các pháp tâm tâm sở mới có thể làm nhân tương ưng cho nhau. Trong đó, nói “đồng” cho thấy rằng sở y là một. Chẳng hạn, nhãn thức dùng nhãn căn trong sát na nầy làm sở y thì các pháp tương ưng như thọ, v.v... cũng dùng nhãn căn nầy làm sở y. Cho đến, ý thức và pháp tương ưng cùng nương vào ý căn, nên biết cũng như vậy.

Phân biệt.

Hỏi:

Thể của nhân tương ưng chính là nhân câu hữu; như vậy, nghĩa của hai nhân đó khác nhau thế nào[68]?

Đáp:

Do ý nghĩa hỗ tương làm quả, lập nên nhân câu hữu; cũng giống như người buôn và lữ khách cùng nương nhau đi qua con đường nguy hiểm[69]. Do năm nghĩa cùng tương ưng bình đẳng, lập nên nhân tương ưng; tức giống như người buôn cùng lữ khách cùng chung các việc như thọ nhận, ăn, v.v...[70]; trong đó, thiếu một, không thể tương ưng. Cho nên đã thành tựu nghĩa hỗ tương làm nhân.

Như vậy, đã nói xong hành tướng của nhân tương ưng..

v. Nhân biến hành (Sarvatraga-hetu).

Văn Tụng.

Hán:

遍 行 謂 前 遍                       

為 同 地 染 因

Việt dịch:

Biến hành là tiền biến               

làm nhân cho pháp nhiễm ô, cùng cõi /99ab/.

Luận giải thích:

Thể.

Nhân biến hành là các pháp biến hành đã sinh khởi trước làm nhân biến hành cho các pháp nhiễm ô cùng cõi (tự địa) sinh khởi sau.

Các pháp biến hành sẽ được nói đầy đủ trong Phẩm tùy miên, phần ý nghĩa biến hành.

Các khác biệt.

Nhân biến hành là thông nhân của các pháp nhiễm ô; cũng là nhân của các nhóm pháp nhiễm ô khác; do đó, ngoài nhân đồng loại, lập riêng ra nó vậy; và do thế lực của nhân biến hành nầy, các nhóm phiền não khác[71] và quyến thuộc của chúng cũng sinh trưởng[72].

Các pháp nhiễm ô trong thân bậc Thánh, cũng lấy pháp biến hành làm nhân biến hành chăng ?

Các Luận sư tỳ bà sa nói, tất cả các pháp nhiễm ô đều lấy các pháp nhiễm ô thuộc kiến sở đoạn làm nhân[73] (nhân pháp: là pháp làm nhân); cho nên, Phẩm loại túc luận[74] nói, pháp nào lấy pháp được đoạn trừ bởi kiến đạo làm nhân? Đó là các pháp nhiễm ô và các quả dị thục được chiêu cảm từ pháp được đoạn trừ ở kiến đạo[75].

Pháp nào lấy pháp vô ký làm nhân ? Đó là các pháp hữu vi vô ký, các pháp bất thiện.

Hoặc có khổ đế lấy thân kiến làm nhân; chẳng làm nhân cho thân kiến, cho đến nói rộng ra, trừ các pháp sinh, lão, trú, phi thường trên thân kiến trong vị lai và trên các pháp tương ưng của thân kiến, cùng các khổ đế nhiễm ô khác.

Nếu vậy làm sao thông hợp với Thi thiết túc luận[76] nói rằng, vả lại có pháp bất thiện chỉ làm nhân cho pháp bất thiện chăng? Có. Đó là thánh nhân ly dục thối thất, tối sơ khởi tư duy nhiễm ô[77].

Dựa vào nhân chưa đoạn, mật ý nói như vậy. Pháp được đoạn trừ bởi kiến đạo tuy là nhân của pháp nhiễm ô nhưng do đã đoạn cho nên không nói đến[78].

Như vậy đã nói xong hành tướng của nhân biến hành.   

vi. Nhân dị thục (Vipāka-hetu).

Văn Tụng.

Hán:

異 熟 因 不 善                                               

及 善 唯 有 漏

Việt dịch:

Nhân dị thục là bất thiện           

và thiện, thuộc hữu lậu /99cd/.

Luận giải thích:

Thích tụng.

Thể.

Chỉ các pháp bất thiện và thiện hữu lậu là nhân dị thục, pháp dị thục vậy[79].

Quyết trạch.

Vì duyên do gì, pháp vô ký không chiêu cảm quả dị thục ? vì lực yếu kém; như hạt giống bị hư.

Vì duyên do gì, pháp vô lậu không chiêu cảm quả dị thục ? vì không thấm nhuần ái; như hạt giống tốt (trinh thật) nhưng không được tưới tẩm. Lại nữa, pháp ở cõi phi hệ (vô lậu) làm sao lại chiêu cảm quả dị thục hệ địa (hữu lậu). Các pháp khác (thiện, bất thiện hữu lậu) có đủ hai điều kiện cho nên chiêu cảm (quả dị thục); như hạt giống tốt và được tưới tẩm.

Ý nghĩa.

Nghĩa của nhân dị thục, phải hiểu thế nào; là nhân của dị thục nên gọi nhân dị thục hay dị thục là nhân nên gọi nhân dị thục ?

Nghĩa bao gồm cả hai giải thích, có vấn đề gì.

Nếu nhân của dị thục nên gọi nhân dị thục thì thánh giáo lẽ ra không nên nói dị thục sinh nhãn; nếu dị thục là nhân nên gọi nhân dị thục thì lẽ ra thánh giáo không nên nói dị thục của nghiệp.

Cả hai giải thích đều hợp lý. Như phần trước đã bàn[80].

Nói dị thục, ý nghĩa thế nào ?

Luận Sư Tỳ Bà Sa giải thích: khác loại mà chín (thục) là nghĩa dị thục[81]; nghĩa là nhân dị thục chỉ đưa đến quả khác loại (dị loại thục). Các nhân như câu hữu, v.v... đưa đến quả cùng loại (đồng loại thục). Duy chỉ nhân năng tác đưa đến quả vừa giống vừa khác (đồng dị thục). Cho nên chỉ có nhân nầy gọi là nhân dị thục.

(Luận Chủ nói tông nghĩa Kinh Bộ) Thục quả (nầy) không thể do năm nhân kia tạo nên; bởi quả phải đủ hai nghĩa mới được gọi là thục - một, do chuyển biến liên tục, khác nhau khiến thể của nó sinh khởi; hai, do tùy thuộc vào thế lực mạnh yếu của nhân khiến thời gian có hạn lượng khác nhau[82] (10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn). Chẳng phải như hai nhân câu hữu và tương ưng tạo nên thể của quả, không cần phải chuyển biến liên tục, khác nhau, mới khiến sinh khởi, do vì khi cảm quả cũng chính là tạo quả . Lại chẳng phải như quả của ba nhân năng tác, đồng loại và biến hành, không do tùy thuộc vào thế lực mạnh yếu của nhân khiến thời gian có hạn lượng; do vì thiện, ác, v.v... tận cùng biên giới sinh tử, khiến quả luôn luôn sinh khởi nên thời gian không có hạn lượng. Do đó, chỉ nên giải thích như thế nầy: biến khác mà chín là nghĩa dị thục; không nên chỉ lấy tính dị, mà giản biệt với các nhân khác.

Tam giới ngũ uẩn.

Cõi Dục.

Ở cõi Dục, có lúc, một uẩn làm nhân dị thục chiêu cảm một quả; đó là đắc của pháp hữu ký (hành uẩn) và (bốn tướng) sinh, v.v... của đắc; có lúc, hai uẩn làm nhân dị thục cùng chiêu cảm một quả; đó là các nghiệp thân ngữ thiện, bất thiện và (bốn tướng) sinh, v.v... của chúng. (thân ngữ thuộc sắc uẩn, bốn tướng thuộc hành uẩn); có lúc bốn uẩn làm nhân dị thục cùng chiêu cảm một quả; đó là các pháp thiện, bất thiện, tâm, tâm sở và (bốn tướng) sinh, v.v.. của chúng.

Cõi Sắc.

Ở cõi Sắc, có lúc, một uẩn làm nhân dị thục chiêu cảm một quả; đó là đắc của pháp hữu ký trong định vô tưởng (đẳng chí) và (bốn tướng) sinh, v.v... của nó (đắc và bốn tướng đều thuộc hành uẩn); có lúc, hai uẩn làm nhân dị thục cùng chiêu cảm một quả; đó là thiện hữu biểu nghiệp ở sơ tịnh lự và tướng sinh, v.v... của nó; có lúc, bốn uẩn làm nhân dị thục cùng chiêu cảm một quả; đó là phi đẳng dẫn thiện, tâm, tâm sở và sinh tướng, v.v... của chúng. Có lúc năm uẩn làm nhân dị thục cùng chiêu cảm một quả; đó là các pháp đẳng dẫn, tâm, tâm sở cùng với tùy chuyển và tướng sinh, v.v... của chúng.

Cõi Vô sắc.

Ở cõi Vô sắc, có lúc, một uẩn làm nhân dị thục chiêu cảm một quả; đó là đắc của pháp hữu ký ở diệt tận định và tướng sinh, v.v... của nó. Có lúc, bốn uẩn làm nhân dị thục cùng chiêu cảm một quả; đó là tất cả thiện, tâm, tâm sở và tướng sinh, v.v... của chúng.

Cảm xứ.

Có nghiệp chỉ chiêu cảm nhất xứ dị thục; đó là chiêu cảm pháp xứ tức mạng căn, v.v...; như chiêu cảm ý xứ, quyết định chiêu cảm hai xứ; đó là ý xứ và pháp xứ. Nếu chiêu cảm xúc xứ, nên biết cũng vậy. Nếu chiêu cảm thân xứ, quyết định chiêu cảm ba xứ; đó là thân xứ, xúc xứ và pháp xứ.. Chiêu cảm sắc, hương, vị, nên biết cũng như vậy. Nếu chiêu cảm nhãn xứ, quyết định chiêu cảm bốn xứ; đó là chiêu cảm nhãn xứ và thân xứ, xúc xứ, pháp xứ. Chiêu cảm nhĩ tỷ thiệt, nên biết cũng như vậy. Có nghiệp chiêu cảm hoặc năm, hoặc sáu hoặc bảy hoặc tám hoặc chín hoặc mười hoặc mười một xứ (tùy sở ứng, tùy lực); bởi lẽ, nghiệp hoặc có nhiều quả hoặc có ít quả; giống như quả của những loại cây ngoại giới, hoặc nhiều hoặc ít; loại ít quả như lúa, lúa mạch, v.v...; loại nhiều quả như sen, thạch lựu, nặc cù đà, v.v... .

Có loại nghiệp một đời chiêu cảm quả ba đời; không có nghiệp ba đời chiêu cảm quả một đời; chớ cho rằng gắng gỗ công sức mà quả ít hơn nhân; có nhất niệm nghiệp chiêu cảm nhiều niệm dị thục; không có nhiều niệm nghiệp lại chiêu cảm một niệm dị thục. Trong đó, nên biết lý do như trên.

Song quả dị thục không thể có cùng lúc với nghiệp; tức là chẳng phải ngay khi tạo nghiệp liền nhận quả; cũng chẳng phải do vô gián sinh mà do lực của đẳng vô gián duyên trong sát na tiếp theo dẫn sinh; cũng chẳng phải do nhân dị thục chiêu cảm quả khác loại vì cần phải đợi sự tương tục mới hoàn thành.

Sáu nhân như vậy, quyết định ở đời nào, quyết định ở cõi nào, ý nghĩa đã được nói, nhưng chưa tóm tắt trong tụng cho nên nay nói thêm,

Tụng nói:

Hán:

遍 行 與 同 類                                               

二 世 三 世 三

Việt dịch:

Biến hành cùng đồng loại                      

hai đời, ba đời ba /100ab/.

Luận giải thích:

Hai nhân biến hành và đồng loại chỉ có ở quá khứ, hiện tại, không có ở vị lai. Lý lẽ như trước đã nói. Ba nhân tương ưng, câu hữu, dị thục đều cùng có mặt trong cả ba đời. Văn Tụng không nói nhân năng tác ở đâu, theo nghĩa nên biết, thông cả tam thế và phi thế.

Nói xong về hành tướng và chỗ ở quyết định (trong ba đời) của sáu nhân.

 dịch Việt: Thích Phước Viên


Xem dưới dạng văn bản thuần túy