× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Luận

A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận



Quyển 5 -3

PHẨM II: PHÂN BIỆT CĂN 3.

(tiếp)

5. Mạng căn.

Mạng căn là gì ?

Văn Tụng.

Hán:

命  根  體  即  壽                    能  持  煖  及  識

Việt dịch:

Mạng căn có  thể  là thọ

Có khả năng  duy trì noãn và thức /90ab/

Luận giải thích:

i.Minh thể.

a.Thích tụng:

Mạng căn có thể là thọ/90a/: thể của mạng căn chính là thọ; nên trong Đối pháp[1] nói, thế nào là mạng căn? đó là thọ mạng trong ba cõi.

ii.Vấn đáp.

có khả năng duy trì noãn và thức /90b/:điểm nầy chưa rõ, pháp gì gọi là thọ[2]?

Có một pháp có khả năng duy trì noãn và thức gọi đó là thọ. Đức Thế tôn dạy,

Thọ, noãn cùng với thức                        khi ba pháp nầy lìa thân

Thân ngã lăn xuống đất                         như cây, không tri giác[3].

Cho nên có một pháp có khả năng duy trì noãn và thức, là nguyên nhân  khiến cho thân tương tục tồn tại, gọi đó là thọ[4].

(Kinh Bộ) Như vậy, pháp nào duy trì thọ nầy ?

(Hữu Bộ) Chính noãn và thức trở lại duy trì thọ.

(Kinh Bộ) Nếu vậy, ba pháp đó duy trì lẫn nhau, tương tục chuyển biến, pháp nào diệt trước?

Do một pháp diệt, hai pháp kia theo đó mà diệt.

Thế thì ba pháp lẽ ra phải thường còn, không  mất[5].

(Hữu Bộ) Đã vậy, thọ nầy nên do nghiệp duy trì, tuỳ theo sự dắt dẫn của nghiệp mà tương tục chuyển biến[6].

(Kinh bộ) Nếu vậy, vì duyên cớ gì không chấp nhận do nghiệp duy trì noãn thức, lại cần đến thọ?

(Hữu Bộ) Theo lý không nên như vậy; chớ bảo tất cả các thức từ trước đến sau  luôn luôn là dị thục[7].

(Kinh Bộ) Đã vậy, nên nói nghiệp duy trì noãn; noãn duy trì thức, cần gì thọ nầy?

(Hữu Bộ) Như vậy, thức ở trong cõi Vô sắc, không có pháp nào duy trì, vì ở đó không có noãn[8].

(Kinh Bộ) Thức ở cõi kia, do nghiệp duy trì.

(Hữu Bộ)  Sao lại tuỳ tiện thay đổi quan điểm như vậy; khi nói thức do noãn duy trì; khi nói do nghiệp duy trì; hơn nữa như trước đã nói[9].

(Kinh Bộ) Trước đã nói gì[10] ?

(Hữu Bộ) Trước nói rằng, chớ bảo tất cả các thức từ trước đến sau  luôn luôn là dị thục; cho nên quyết định chấp nhận có một pháp riêng biệt có công năng duy trì noãn và thức, gọi là thọ vậy.

(Kinh Bộ tự thuật Tôn mình) Nay cũng không nói hoàn toàn không có thọ thể, chỉ nói thể của thọ không phải là một pháp riêng biệt, có thật[11].

(Hữu Bộ) Nếu vậy, pháp nào được gọi là thể của thọ[12] ?

(Kinh bộ) Năng lực[13] của chúng đồng phần trong thời gian tồn tại được dẫn dắt bởi nghiệp ba cõi gọi là thể của thọ. Do được dẫn dắt bởi nghiệp ba cõi, năng lực của chúng đồng phần trong thời gian tồn tại chuyển biến tương tục, nhất định tương ứng tuỳ thuộc với một thời gian tồn tại (tức) tồn tại trong một thời gian như đã tồn tại; năng lực nầy gọi là thể của thọ[14]. Cũng giống như năng lực của hạt lúa giống v.v... được dẫn dắt cho đến lúc chín; lại giống như năng lực của mũi tên khi được bắn ra, kéo dài trong suốt thời gian tồn tại[15].

Hữu là hữu hành[16], là pháp thuộc đức cú nghĩa[17], dựa vào các thứ như mũi tên, v.v... sanh ra. (Ngược lại) do lực của hành mà mũi tên, v.v... chuyển dịch mãi không gián đoạn cho đến lúc chưa rơi xuống[18].

(Luận Chủ phá) Vì thể của hành là một, vì không chướng ngại, (cho nên khi bắn mũi tên) đến một nơi khác hoặc nhanh, hoặc chậm, thời gian đến, các phần vị đó không giống nhau, lẽ ra không thể có[19]. Lại nữa, vào lúc cuối cùng lẽ ra không nên rơi xuống. Nếu bảo rằng do gió cản ngại thì ngay lúc đầu phải rơi xuống hoặc không khi nào rơi xuống, vì gió gây chướng ngại đó vốn không khác nhau[20].

(Luận Chủ chấp nhận quan điểm Hữu Bộ) Có một thật pháp riêng biệt duy trì noãn và thức gọi là thể của thọ, thuyết nầy là hợp lý. Như vậy, khi thọ hết, sự sống chấm dứt hay còn có nguyên nhân nào khác?

Luận Thi Thiết nói, do thọ hết cho nên chết chứ không do phước hết mà chết[21]. Lập bốn câu để dễ hiểu hơn.

Câu thứ nhất: nghiệp lực chiêu cảm thọ dị thục hết.

Câu thứ hai: nghiệp lực chiêu cảm phú lạc quả.

Câu thứ ba: nghiệp năng chiêu cảm cả hai loại đều hết.

Câu thứ tư: không thể tránh khỏi các duyên uổng tử, hoạnh tử.

(Luận Chủ) Lại nữa, cũng nên nói rằng, (Chư Phật) xả thọ hành vậy (câu thứ tư).

Trong lúc thọ tận, đối với sự chết, phước tận không có công năng; tuy vậy khi cả hai nghiệp đều hết, mạng sống chấm dứt cho nên nói cả hai đều hết nên chết[22].

Luận Phát Trí nói, thọ nầy nên nói là tuỳ theo tương tục mà chuyển hay nên nói, một khi khởi lên liền theo đó mà tồn tại? Chúng sanh cõi Dục không nhập định vô tưởng, không nhập định diệt tận và tất cả các chúng sanh ở cõi sắc, vô sắc nên nói thọ nầy một khi khởi lên liền theo đó mà tồn tại.

(Luận Chủ giải thích ý của luận Phát Trí hoặc Phát Trí tự giải thích) Lời đó có nghĩa thế nào? Nếu thân sở y bị tổn hại cho nên thọ theo đó tổn hại; đó gọi là thứ nhất tuỳ tương tục chuyển; nếu thân sở y không bị tổn hại, cứ như khi khởi lên mà tồn tại; đó gọi là thứ hai, một khi khởi lên liền theo đó mà tồn tại[23].

Luận Sư Tỳ Bà Sa ở Ca thấp di la nói, thuyết đầu cho thấy có sự chướng ngại; thuyết sau cho thấy không bị chướng ngại; từ đó chắc chắn có cái chết phi thời[24].

Cho nên Khế kinh nói, thành tựu tự thể có bốn loại; đó là loại tự thể có được chỉ bị chính nó làm hại, chẳng bị tha thể làm hại[25].

Lập bốn câu:

1. Chỉ bị chính nó làm hại, chẳng bị tha thể làm hại ấy: (tự thể của chúng sanh) sanh ở cõi Dục, cõi trời hý vong niệm, cõi trời ý phẩn nhuế; ở những cõi đó, do (chúng sanh) phát khởi hỷ nộ quá mức cho nên đối với tự thân bị tổn hại, mất đi, chẳng phải do ai khác[26].

Lại nữa, nên nói Chư Phật tự bát niết bàn vậy[27].

2. Chỉ do tha thể làm hại, chẳng phải tự hại ấy: đó là  hữu tình ở trong các loài sanh từ thai, trứng[28].

3. Bị hại bởi cả hai trường hợp ấy: đó là phần lớn hữu tình khác ở cõi Dục[29].

4.Cả tự và tha đều không thể hại ấy: đó là tất cả các hữu tình ở trung hữu, cõi Sắc, Vô sắc[30] và một phần hữu tình tại cõi Dục như ở Na lạc ca, Bắc cu lô châu, Chánh trú kiến đạo, Từ định, Diệt định và Vô tưởng định, Vương tiên (chuyển luân vương), Phật sứ (sứ giả như lai), Phật sở ký biệt (năm người) Đạt nhỉ la, Ốt đát la, Căng kì la, trưởng giả tử Da xá, Cưu ma la thời bà, Tối hậu thân bồ tát, Mẹ các vị bồ tát nầy khi mang thai, tất cả Chuyển luân vương và Mẹ các vị Luân vương nầy khi mang thai.

(Luận Chủ dẫn Kinh nạn) Nếu như vậy vì sao trong Khế kinh nói, Đại đức! những loài hữu tình nào có được tự thể, chẳng  thể bị tự hại, chẳng thể bị tha hại? Xá lợi tử nói, đó là các hữu tình thọ sanh tại phi tưởng phi phi tưởng xứ[31].

Truyền thuyết (Tỳ Bà sa) nói, tự thể ở  ba vô sắc còn lại, ở bốn tịnh lự có thể bị tự địa thánh đạo làm hại; cũng có thể bị cận phần tha địa cõi trên làm hại; ở hữu đảnh, tự địa và thượng địa thánh đạo, cả hai loại làm tổn hại đều không có; cho nên nói là  đều chẳng có thể làm tổn hại[32].

(Luận Chủ nạn sát)  Há không phải ở Hữu đảnh cũng bị tha địa thánh đạo làm tổn hại nên nói là tha hại!

(Luận Chủ thích Kinh) Như vậy nên nói, nêu sau hiển trước[33]. Như hoặc có chỗ nêu trước hiển sau; hoặc lại có chỗ nêu sau hiển trước. Có chỗ nêu trước hiển trước là như thế nào? Như Khế kinh nói, như Phạm chúng thiên đó gọi là đệ nhất lạc sanh thiên[34]. Có chỗ nêu sau hiển trước là như thế nào? Như Khế Kinh nói, Cực quang tịnh thiên đó là đệ nhị lạc sanh thiên[35].

(Ngoại nạn) Chữ như trong Kinh kia là hiển bày nghĩa thí dụ. Có thể nói nêu lên một để hiển bày những cái khác; nêu lên một pháp để ví dụ nhằm hiển bày các pháp đồng loại vậy. Nếu không có chữ như nầy thì không thể ví với Phạm chúng kia... được.

(Luận chủ phá nạn) Nếu hiển bày nghĩa thí dụ mới có chữ như, thế thì ở trong các Kinh khác, chữ như không nên có. (Nhưng) như các Kinh kia nói, (các loại) hữu sắc hữu tình thân dị tưởng dị như nhơn, nhất phần thiên đó là đệ nhất thức trú. Như vậy biết rằng, chẳng phải dùng để làm ví dụ cũng vẫn có chữ như[36].

Đã chấm dứt phần bàn luận, và cũng đã nói xong về mạng căn.

6. Tứ Tướng.

Các tướng là những gì?

i.Minh thể:

a. Bổn tướng.  

Văn Tụng.

Hán:                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                             相  謂  諸  有  為                    生  住  異  滅  性

Việt dịch:

Tướng[37] là tánh sanh trú dị diệt của các pháp hữu vi[38] /90cd/

Luận giải thích:

ai.Thích tụng.

Tướng là tánh sanh trú dị diệt, của các pháp hữu vi: vì bốn tướng là tiêu tướng của các pháp hữu vi cho nên pháp nào nếu có bốn tướng nầy đó là pháp hữu vi; ngược với pháp nầy là pháp vô vi. Trong đó, đối với các pháp, (cái) có tác dụng sinh khởi gọi là sanh; có tác dụng an trú gọi là trú; có tác dụng làm cho suy yếu gọi là dị; có tác dụng hoại diệt gọi là diệt[39]. Tánh có nghĩa là thể (tức chỉ cho thể tánh).

aii.Vấn đáp:

Hỏi: Há không phải Kinh nói có ba tướng hữu vi của pháp hữu vi sao?

Đáp: Ở trong Kinh nầy, theo lý, nên nói có bốn.

Hỏi: Thế thì pháp không nói đó là gì?    

Đáp: Đó là trú tướng. (Phải biết) Kinh nói trú dị, đó là tên khác của dị vậy. Như sanh gọi là khởi; diệt gọi là tận; cũng như vậy, nên biết rằng, dị gọi là trú dị.

(Lý do Kinh không nói trú tướng)

Pháp mà nó khiến cho các hành (pháp hữu vi) thiên lưu trong ba đời, Kinh nầy nói đó là tướng của hữu vi; (chính các tướng nầy) khiến cho các hữu tình phát sanh chán nản và sợ hãi. Rằng, các hành kia, do lực của sanh làm cho dời đổi, khiến từ vị lại đi vào hiện tại; do lực của dị và diệt dồn đẩy khiến từ hiện tại đi vào quá khứ, trở thành suy yếu khác đi và đến chỗ hoại diệt. Truyền thuyết nói, như người ở trong rừng rậm, có ba kẻ oán địch muốn đến làm hại; một từ rừng rậm kéo lôi ra khỏi; một làm suy yếu lực của người kia; một huỷ hoại mạng căn. Ba tướng trên đối với các hành, nên biết cũng như vậy. (Trong khi đó) Trú có tác dụng nhiếp thọ an lập các hành, cùng với thường và lạc không thể rời nhau cho nên không lập ở trong các tướng hữu vi.

Lại nữa, pháp vô vi có tự  tướng trú, (sợ) trú tướng lẩn lộn với tự tướng trú của vô vi nên kinh không nói.

Có thuyết nói, Kinh nầy gồm chung trú và dị thành một gọi là trú dị tướng.

Hỏi: Cần gì phải nói chung như vậy?

Đáp:Trú là chỗ ưa thích chấp đắm của loài hữu tình; vì muốn khiến (hữu tình) nhàm chán, buông bỏ nên gộp chung với dị mà nói. Như cùng một lúc chỉ Hắc nhỉ (kālakarnī) và Cát tường (Śrī) vậy[40]. Cho nên quyết định có bốn tướng hữu vi.

b.Tuỳ tướng:

Các (bổn) tướng sanh, v.v... nầy đã là hữu vi, lại còn có bốn (tùy) tướng sanh sanh, v.v... khác. Nếu lại có các tướng, sẽ dẫn đến vô cùng vì chúng lại có các tướng sanh, v.v... khác nữa.

Nên nói là có; nhưng chẳng phải là vô cùng.

Vì sao như vậy ?

Văn Tụng.

Hán:

此  有  生  生  等                                於  八  一  有  能

Việt dịch:

Tướng nầy lại có các tướng sanh sanh, v.v...

Đối với tám, với một, có công năng (91ab)

Luận giải thích:

bi. Thích tụng:

Tướng nầy lại có các tướng sanh sanh, v.v...: Chữ “Thử” (tướng nầy) chỉ cho bốn loại bổn tướng đã nói ở trước. Sanh sanh, v.v...: đó là bốn tuỳ tướng; sanh sanh, trú trú, dị dị, diệt diệt. Các hành trở thành hữu vi do bốn bổn tướng; bổn tướng trở thành hữu vi do bốn tuỳ tướng.

bii.Vấn đáp phân biệt:

Há không phải bổn tướng (bốn bổn tướng, sanh, trú, v.v...) cũng như sở tướng (các pháp hữu vi), mỗi mỗi đều có bốn tuỳ tướng; bốn tuỳ tướng nầy lại đều có bốn, xoay vần vô cùng?

Không có lỗi như vậy. Bởi lẽ,

Đối với tám, với một, có công năng: bốn bổn tướng, bốn tuỳ tướng có công năng khác nhau, đối với tám pháp và đối  với một pháp .

Sao gọi là công năng?

Đó là tác dụng của pháp; hoặc là sỹ dụng. Bốn bổn tướng mỗi mỗi đều có tác dụng với tám pháp; bốn tuỳ tướng, mỗi mỗi chỉ có tác dụng đối với một pháp.

Nghĩa đó là thế nào?

Nghĩa là, khi một pháp sinh khởi (bổn pháp tâm, tâm sở), cùng với (kể cả) tự thể của nó, có chín pháp cùng khởi lên; tự thể là một, tướng và tuỳ tướng có tám. Sanh tướng trong bổn tướng, trừ tự thể của nó, có công năng sanh khởi tám pháp còn lại; tuỳ tướng sanh sanh, ở trong chín pháp chỉ có công năng sanh khởi bốn sanh; cũng giống như con gà mái có khả năng sinh nhiều cái trứng, trong khi đó, cái trứng chỉ sinh ra một con gà. Sanh tướng và sanh sanh tướng sanh tám hoặc sanh một, lực của chúng cũng như vậy. Trú tướng trong bổn tướng cũng trừ tự tánh trú, có khả năng an trú tám pháp còn lại; tuỳ tướng trú trú, ở trong chín pháp, chỉ có khả năng an trú bổn trú. Dị và Diệt tướng tuỳ theo sở ứng, cũng như vậy. Cho nên, sanh v.v..., sau bổn tướng lại có các tướng (16 tướng); (nhưng sau) tuỳ tướng chỉ có bốn; không mắc lỗi vô cùng.

Luận sư Kinh bộ nói, vì duyên cớ gì (mà các ông lại) mất công phân tích hư không như vậy. Các tướng sanh, v.v... chẳng phải là pháp có thật thể như đã được phân tích.

Vì sao như vậy?

Vì không có định lượng. Nghĩa là các tướng nầy chẳng phải như sắc, v.v..., để được chứng minh có thật thể bởi hiện lượng, tỷ lượng cho đến thánh giáo lượng[41].

(Hữu Bộ) Nếu vậy, vì cớ gì trong Khế kinh nói , các pháp hữu vi sinh khởi cũng có thể biết được. Tận và trú dị cũng có thể biết được[42].

(Kinh Bộ) Vớ vẩn! Các ông chấp văn mê nghĩa. Bạc Già Phạm nói rằng, nghĩa là sở y, sao lại bảo những câu kinh nầy là thật nghĩa[43].

(Kinh Bộ giải thích Kinh, chứng minh không có thật thể) Đó là các hàng ngu phu bị vô minh che lấp, đối với sự tương tục của các hành, chấp có ngã, ngã sở; mãi mãi ở trong đó, sanh khởi các đắm trước. Thế tôn vì muốn đoạn trừ những chấp trước cho chúng sanh, hiển bày các hành chuyển biến tương tục, thể (của chúng) là hữu vi và tánh là duyên sanh, cho nên nói rằng (giả lập), có ba loại tướng hữu vi của các pháp hữu vi; chẳng phải hiển bày các hành, trong một sát na có đủ (thật thể) cả ba tướng; bởi lẽ chỉ trong một sát na cả ba tướng cùng khởi lên, (dùng huệ quán sát) không thể biết được (tức không thể có như vậy); nhưng chẳng phải không thể  biết mà lại lập làm tướng, do đó, Kinh  kia lại nói, sự sinh khởi của pháp hữu vi cũng có thể biết; tận và trú dị cũng có thể biết.

(Kinh bộ giải thích Kinh) Song Kinh lập lại chữ hữu vi, khiến phải biết rằng, tướng nầy là (cái) biểu thị của hữu vi; chớ bảo rằng tướng nầy cho thấy hữu vi là thật có[44]; như chỗ ở của cò trắng cho thấy (ở đó) có nước. Cũng chớ bảo rằng (tướng nầy) cho thấy hữu vi có các tính thiện, tính ác; như tướng của đồng nữ cho thấy là thiện, phi thiện.

(Luận chủ giải thích tôn chỉ của Kinh bộ) Các hành chuyển biến tương tục, ban đầu mới khởi gọi là sanh, ở vị trí cuối cùng nói là diệt, trung gian tương tục tuỳ chuyển gọi là trú; chúng trước sau khác nhau gọi là trú dị[45]. Đức Thế tôn căn cứ vào đó mà nói với Nan đà rằng, Thiện nam tử, khéo biết sự sanh khởi của thọ, khéo biết sự trú dị của thọ và khéo biết sự suy thoái, biến khác và hoại diệt của thọ. Cho nên nói bài tụng rằng[46],

Giai đoạn đầu của  tương tục gọi là sanh

Diệt nghĩa là ở vị trí  sau cùng

Trung gian, tuỳ (duyên) chuyển biến gọi là trú

Trước sau khác nhau gọi là trú dị[47]

Lại có bài tụng nói,

Vốn không, nay có gọi là sanh

Tương tục tuỳ chuyển gọi là trú

Trước sau khác nhau gọi là trú dị

Tương tục chấm dứt gọi là diệt.

Lại có bài tụng,

Do các pháp sát na                 không trú mà có diệt

Chúng tự nhiên hoại diệt        chấp hữu trú là phi lý[48].

Cho nên căn cứ vào (đồng phần) tương tục[49] mà gọi là trú.

(Luận chủ) Do đó, những điều Đối pháp nói, lý được thành tựu. Luận kia nói, thế nào gọi là trú? đó là các hành đã sanh mà chưa diệt; chẳng phải sanh rồi không hoại diệt tức sát na pháp tánh[50].

(Luận chủ) Tuy Luận Phát Trí nói như vậy, ở trong một tâm, pháp khởi lên gọi là sanh; pháp chấm dứt gọi là diệt; pháp trú dị gọi là lão nhưng, văn Luận kia dựa vào tâm của chúng đồng phần tương tục mà nói, chẳng phải (dựa vào) nhất sát na.

(Kinh bộ) Lại nữa, mỗi mỗi sát na, nếu không cho rằng các pháp hữu vi thật sự là một pháp có thật, thì bốn tướng cũng thành tựu.

Nói thế nào là thành?

Đó là, mỗi mỗi niệm vốn không có, nay có gọi là sanh; có rồi hoàn không gọi là diệt; các sát na sau tiếp nối các sát na trước khởi lên gọi đó là trú; chính các sát na trước sau đó có sự sai biệt gọi là trú dị[51]. Trong khi niệm trước niệm sau sanh khởi gần giống nhau (tương tợ), đối chiếu trước sau, không phải là không có sai biệt[52].

(Hữu bộ) Hành tướng khác nhau (sai biệt) kia, làm thế nào mà biết?

(Kinh bộ) Đó là, các vật như kim cang ( v.v...) đã ném hoặc chưa ném, hoặc ném với lực mạnh, lực yếu thì thời gian rơi xuống nhanh hay chậm có sự khác nhau[53]. Cho nên bốn đại chủng chuyển biến, ý nghĩa của sự sai biệt (dị) thành tựu[54]. Khi các hành tương tợ tương tục sanh khởi, trước sau vọng hướng đến nhau, không có nhiều sai biệt nên tuy có khác nhưng lại thấy là tương tợ.

(Hữu bộ) Nếu vậy, sát na sau cùng của âm thanh, của ánh sáng và khi bát niết bàn, lục xứ sau cùng không có hậu niệm thì lẽ ra không có trú, dị; thế thì tướng dị được lập đó không có mặt cùng khắp các pháp hữu vi[55].

(Kinh Bộ) Kinh nầy không nói, trú là tướng của pháp hữu vi. Nghĩa đó thế nào? Đó là dị[56]; nghĩa là nếu có trú  tất cũng có dị; do đó lập tướng (trú dị), không có lỗi bất biến[57].

(Kinh bộ thuật ý Kinh) Song trong Kinh nầy, đức Thế tôn nói về bốn tướng của các pháp hữu vi là hiển bày một cách vắn tắt vậy; rằng, các pháp hữu vi vốn không nay có; có rồi lại không; và tồn tại tương tục (tương tục trú); chính trú tướng nầy trước sau tương vọng, có sự khác biệt gọi là dị. Trong đó cần gì lập nên các pháp riêng biệt như sanh, v.v... ?[58] .

(Hữu Bộ) Tại sao chính sở tướng pháp lại lập thành năng tướng[59]?

(Kinh bộ nêu dụ) Thế thì tại sao mà tướng đại sỹ chẳng khác với đại sỹ[60]; các tướng như sừng (phong), yếm, móng chân của con trâu chẳng khác với trâu; lại nữa, như tướng của các giới kiên, v.v...; địa, v.v... chẳng khác với địa, v.v...; (lại nữa) từ xa trong thấy khói bay lên biết đó là tướng của khói; tướng nầy chẳng khác với thể của khói[61]. Tướng của các hữu vi nầy, lý cũng như vậy. Tuy biết rằng, tự tánh của các pháp hữu vi như sắc, v.v... cho đến chưa biết trước không, sau không, tương tục sai biệt; nhưng chưa biết thể của chúng (sắc, v.v...) là hữu vi cho nên chẳng phải tự tánh của chúng tức là hữu vi tướng; song, chẳng có thể lìa tánh của chúng, lại có các thật vật như sanh, v.v...(các tướng)[62] .

(Hữu Bộ phản nạn) Nếu lìa tự tánh của các pháp hữu vi như sắc, v.v... , mà có các tướng sanh, v.v... , lại có gì phi lý[63]?

(Kinh Bộ nêu lỗi) Một pháp trong một lúc, có cả bốn tướng sanh, trú, suy dị và hoại diệt, tức chấp nhận là câu hữu[64].

(Hữu Bộ) Nạn nầy không đúng, bởi lẽ, thời gian của tácdụng  khác nhau vậy; nghĩa là sanh có tác dụng từ vị lai, hiện tại đã sanh thì không thể lại sanh nữa; các pháp đã sanh rồi, trong hiện tại, ba tướng trú, v.v... mới khởi. Chẳng phải trong lúc đang có tác dụng của sanh tướng lại cùng có ba tác dụng khác[65]; cho nên tuy câu hữu nhưng không trái ngược nhau.

(Kinh Bộ quảng phá) Vả lại, nên suy nghĩ rằng, thể của các pháp vị lai là có hay là không, rồi mới thành sanh, ở nơi sanh vị đó, (mới luận) có dụng hay không có dụng[66].

(Kinh bộ túng phá) Giả như cứ chấp nhận trong vị lai, sanh tướng có tác dụng; (đã có tác dụng tức trở thành hiện tại) làm sao thành vị lai mà gọi là tướng vị lai; khi pháp ở hiện tại, tác dụng của sanh tướng đã biến mất (tạ), làm sao thành hiện tại, mà nói là tướng hiện tại.

(Kinh bộ vấn nạn) Lại nữa, ba tác dụng trú, v.v... đều là hiện tại thì với một pháp thể trong một sát na tất phải có an trú, suy dị và hoại diệt, như vậy thì khi trú tướng  đang khiến cho pháp nầy an trú, thì dị, diệt cũng lại đang khiến cho pháp đó suy yếu và hoại diệt; lúc đó, pháp nầy gọi là an trú hay gọi là suy dị hoặc gọi là hoại diệt.

(Kinh bộ nạn) Các luận Sư Hữu bộ[67] nói rằng, (ba tướng) trú, v.v... có tác dụng không cùng lúc; họ nói như vậy là trái với nghĩa sát na diệt[68] (bởi không cùng lúc tức có sự dừng nghỉ, mà sát na vốn không có sự dừng nghỉ).

(Kinh Bộ nạn) Nếu (trước đã) nói, ở nơi một pháp tác dụng của các tướng đều đã rốt ráo gọi là nhất sát na; nay các ông nên nói vì duyên cớ gì, trú tướng cùng với hai tướng kia câu sanh mà trước tiên, trú  lại có khả năng an trú các pháp sở trú, chẳng phải là dị, chẳng phải diệt[69]. Nếu cho rằng lực của trú mạnh nên khởi tác dụng trước, thế thì về sau sao lại thành yếu rồi cùng với bổn pháp chịu sự chi phối của dị, diệt để phải suy tàn và mất hẳn. Nếu cho rằng trú tướng khi đã khởi tác dụng, không thể khởi lại giống như sanh tướng (cũng không đúng); sanh là như vậy vì tác dụng của sanh một khi dẫn pháp nhập vào hiện tại, không thể khiến nhập lại. Trú thì không như vậy; tác dụng của trú là khiến pháp an trú, không bị suy yếu hoại diệt; một khi đã an trú, vẫn có thể khiến an trú vĩnh viễn. Do đó, tác dụng của trú tướng nên thường khởi, không thể ví dụ với sanh khiến không có tác dụng trở lại được.

Lại nữa, cái gì chướng ngại tác dụng của trú khiến tạm có rồi hoàn không; nếu nói dị và diệt làm chướng ngại tức dị và diệt lực phải mạnh, (đã mạnh) sao lại không khởi tác dụng trước .

Lại nữa, nếu trú dụng chấm dứt thì, bổn pháp, dị và diệt tự nhiên không thể an trú; vậy hai tướng dị, diệt, ở chỗ nào khởi lên tác dụng như vậy. Lại nữa, vì lý do gì phải cần đến hai công năng kia? Do trú nhiếp trì nên các  pháp sau khi sanh tạm thời không diệt; khi tác dụng của trú không còn,  các pháp quyết định không thể an trú tức tự nhiên diệt. Cho nên (biết rằng) công năng của dị và diệt không có tác dụng[70].

Lại nữa, một pháp sanh rồi, chưa hoại gọi là trú; khi trú đã hoại gọi là diệt; theo lý như vậy là có thể chấp nhận. Trong khi đó, Dị đối với một pháp, tra hỏi tìm hiểu kỹ, theo lý là không nên có.

(Hữu Bộ) Lý do vì sao ?

(Kinh Bộ) Dị có nghĩa là sự chuyển biến của tánh và tướng trong các thời gian trước và sau; chẳng phải chính pháp nầy mà nói là không phải pháp nầy[71].Cho nên nói bài tụng rằng :

Pháp trước sau là một thì không thể có dị tướng

Trước sau khác nhau thì chẳng phải là một pháp;

Do vậy, nơi một pháp,

không thể lập nên tướng dị[72].

(Kinh Bộ phá Diệt tướng của Chánh Lượng Bộ) Tuy Chánh lượng bộ nói, gặp nhơn duyên huỷ diệt, diệt tướng mới có thể làm mất đi (diệt) pháp sở diệt; họ nói như vậy cũng giống như có người nói rằng “khi uống thuốc trị tả lị, lại nói là nhờ trời khiến khoẻ mạnh”. Và nếu nói vậy thì chính do nhơn duyên huỷ diệt từ bên ngoài huỷ diệt bổn pháp (sở diệt pháp), cần gì lại nói có một diệt tướng khác (bên trong)? Lại nữa, với tâm, tâm sở chấp nhận sát na diệt, không phải chờ các ngoại nhơn duyên diệt thì lẽ ra, tác dụng của diệt và trú không có trước sau; thế thì, trong một lúc, một pháp vừa là trú vừa là diệt, không hợp chánh lý[73].

(Kinh Bộ) Cho nên căn cứ vào tương tục mà nói về các tướng hữu vi, không trái chánh lý lại thuận hợp với Khế kinh.

ii. Thông ngoại nạn.

Nếu trong vị lai, sanh tướng có công năng sanh khởi bổn pháp thì, các pháp trong vị lai đều có sanh tướng, tại sao không đốn khởi ?

VănTụng.

Hán:

生  能  生  所  生                                非 離  因  緣  合

Vịêt dịch:

Sanh tướng làm sanh khởi các bổn pháp,     

chẳng lìa nhân duyên hoà hợp /91cd/.

Luận giải thích:

Không thể không có các nhân duyên hoà hợp khác mà riêng lực của sanh tướng có khả năng sanh khởi các pháp, cho nên các pháp trong vị lai chẳng có thể đốn khởi.

(Kinh Bộ) Nếu vậy, chúng tôi chỉ thấy nhân duyên có công năng sanh khởi, chẳng có sanh tướng nào. Nhân duyên hoà hợp, các pháp liền sanh, không hoà hợp tức không thể sanh, phiền gì đến sanh tướng. Cho nên biết rằng chỉ có lực của nhân duyên khiến sanh khởi.

(Hữu Bộ) Các pháp như các ông đã biết, tánh của chúng rất  sâu kín nhỏ nhiệm, rất khó biết được, tuy hiện hữu thể nhưng không thể biết. Nếu không có sanh tướng thì không thể có sự hiểu biết về sanh (sanh giác)[74]. Lại nữa, đệ lục chuyển ngôn không thể thành lập; đó là sanh tướng của sắc, sanh tướng của thọ, v.v...[75]. Không nên nói  rằng,  sắc của sắc;  cho rằng không có sanh tướng cho đến diệt tướng theo sự thích ứng đều là như vậy.

(Kinh Bộ) Nếu vậy, để có sự hiểu biết về không, vô ngã tức là ở ngoài pháp nên chấp nhận có tánh không, tánh vô ngã[76];  để có các sự hiểu biết về một hai, lớn nhỏ, các biệt, lìa hợp, kia đây thì nên như ngoại đạo (Thắng Luận) ngoài pháp (thể) chấp nhận có (thể) tánh của số, lượng, các biệt, hợp lìa, kia đây, hữu (tánh), đẳng (đẳng chỉ cho các tánh đồng dị, v.v...)[77]. Lại nữa, để thành lập đệ lục chuyển ngôn, nên chấp nhận có một tụ tánh của sắc. Lại nữa, như nói tự tánh của sắc, làm sao đệ lục chuyển ngôn thành tựu[78]. Cho nên sanh tướng, v.v... chỉ là giả lập, không phải là thật thể riêng biệt. Để biết, các hành vốn không, nay có, giả lập nên sanh tướng. Sanh tướng vốn không nay có như vậy là nương vào các pháp sắc, thọ, v.v..., có nhiều chủng loại; vì để phân biệt với các loại (uẩn) khác vậy[79]. Nói đệ lục chuyển ngôn, sanh tướng của sắc, sanh tướng của thọ, v.v... vì muốn cho người khác biết sanh nầy của sắc chẳng phải của thọ, v.v... Các uẩn còn lại cũng theo vậy. Như thế gian nói, hương của chiên đàn, thể của thạch tử[80]. Sanh tướng cũng nên như vậy[81]. Cũng như vậy, trú, v.v... tuỳ theo sự ứng hợp mà biết.

(Hữu Bộ) Nếu không cần sanh tướng, các hành vẫn sanh, tại sao các pháp như hư không vô vi, v.v... lại không sanh?

(Kinh Bộ) các hành được gọi là sanh, do xưa vốn không, nay có; (trái lại) vô vi thể thường có, làm sao mà nói sanh được. Lại như (tông các ông) nói pháp nhĩ mà không nói tất cả đều hữu sanh; như vậy nên chấp nhận chẳng phải tất cả các pháp đều hữu sanh[82]. Lại như (tông các ông cho rằng) các pháp hữu vi đều có sanh tướng; cũng lại chấp nhận nhân duyên đối với các pháp hữu vi, hoặc có công năng, hoặc không có công năng; như vậy nên chấp nhận rằng tất cả các pháp hữu vi và pháp vô vi đều không có sanh tướng mà chỉ do nhân duyên đối với hai pháp đó, một có tác dụng của sanh, một không có tác dụng sanh[83].

Luận Sư Tỳ Bà sa nói, các tướng sanh, v.v..., là các pháp có thật, lý đó hẳn đã thành tựu. Vì sao? Bởi lẽ, đâu có thể vì có nhiều vấn nạn mà bỏ đi quan điểm của tông tôi; chẳng phải vì sợ nai phá mà không trồng lúa, vì sợ ruồi đậu mà không ăn mâm cơm ngon lành. Vậy, đối với các vấn nạn nên  ân cần giải thích, với nghĩa của tông tôi nên thuận hợp tu hành.

Như vậy, đã nói xong về các tướng của pháp hữu vi.

7.Danh thân, v.v..

Các loại như danh thân, v.v..., ý nghĩa thế nào?

Văn Tụng.

Hán :

名  身  等  所  謂                                想  章  字  總  說

Việt dịch :

Danh thân, v.v...  là

tập hợp của tưởng, chương, tự /92ab[84]/.

Luận giải thích :

i. Thích tụng.

Danh thân, v.v... là tập hợp của tưởng, chương, tự: chữ v.v... chỉ cho cú thân và văn thân. Nên biết, trong đó, danh[85] nghĩa là tác tưởng[86]; như nói các tưởng sắc, thanh, hương, vị, v.v...[87] là chương[88], (có công năng) diễn đạt ý nghĩa đầy đủ; như các chương, các hành vô thường, v.v...; hoặc có thể  biện biệt rõ ràng về nghiệp dụng, đức, thời, tương ưng và sai biệt[89]. Chương còn gọi là cú. Văn[90] là tự[91]; như các mẫu tự như trung, a , nhất, y , (a, ā,i,ī) v.v...[92] 

Há không phải các mẫu tự (Akṣara) nầy cũng chính là thơ phần danh (Lipy-avayava. )[93] sao?

Chẳng phải để hiển bày thơ phần[94] mà tạo ra các mẫu tự; chỉ vì để hiển bày các mẫu tự mà tạo thơ phần. Vì muốn làm sao để có thể khiến (những người ở xa) tuy không nghe nói nhưng cũng hiểu được, cho nên tạo thơ phần; do vậy, các mẫu tự chẳng phải thơ phần danh.

Thế nào danh thân, v.v... là tổng thuyết[95] của tưởng, v.v... Chữ tổng thuyết có nghĩa là hiệp tập (samavāye, samuccaya); ở trong nghĩa hiệp tập (trong thanh minh), nói ốt già (uca) giới vậy[96]. Trong đó danh thân đó là sắc, thanh, hương, v.v...; cú thân đó là các hành vô thường, tất cả các pháp vô ngã, niết bàn tịch tịnh, v.v... Văn thân đó là ca, khư, dà , v.v...

ii. Vấn đáp.

(kinh Bộ) Há không phải ba loại danh, cú, văn, lấy ngôn ngữ làm tánh, nên dụng thanh làm thể, nhiếp thuộc vào sắc (sắc uẩn); sao lại nói là tâm bất tương ưng hành?

(Hữu Bộ) Ba loại nầy chẳng phải lấy ngôn ngữ làm tự tánh; ngôn ngữ là âm thanh; chẳng phải chỉ có âm thanh mới khiến liễu nghĩa.

(Kinh Bộ) Thế nào gọi là khiến hiểu được?

(Hữu Bộ) Đó là ngữ phát sanh danh, danh có công năng hiển nghĩa, lại có thể khiến cho hiểu[97]

(Kinh bộ tự giải thích) Chẳng phải tất cả âm thanh đều gọi là ngữ; chủ yếu là, do âm thanh đó mà nghĩa có thể hiểu được; và như vậy, âm thanh mới gọi là ngữ.

(Hữu Bộ) Những âm thanh nào khiến nghĩa có thể hiểu được?

(Kinh Bộ) Các vị năng thuyết, ở trong các nghĩa, đã lập (âm thanh làm) năng thuyên định lượng. Chẳng hạn như người xưa, trong chín nghĩa, cùng lập âm làm năng thuyên định lượng. Cho nên có bài tụng nói rằng:

Phương, thú, địa, quang, ngôn          

Kim cang, nhãn, thiên, thuỷ

Ở nơi chín loại nghĩa nầy                  

Bậc trí lập cù thanh[98].

Các luận sư Bà sa cho rằng danh có công năng hiển nghĩa, nhất định cũng nên chấp nhận tên gọi (danh) của các nghĩa[99]; nghĩa là lập làm năng thuyên định lượng. Nếu cú nghĩa (chín nghĩa trong bài tụng) nầy do danh năng hiển thì, chỉ do tác dụng của âm thanh hiển bày đủ để biện giải, cần gì phải cho rằng (ngoài âm thanh) lại có tên gọi (danh) riêng biệt.

(Kinh Bộ) Chưa hiểu danh (thanh) nầy, như thế nào là do ngữ phát sinh; là do ngữ hiển hay là do ngữ sanh ? Nếu do ngữ sanh, ngữ là tánh của thanh, thì tất cả các thanh  đều có khả năng sanh danh; nếu nói sanh danh,  thanh có sai biệt thì nó đủ để hiển nghĩa cần gì phải đợi biệt danh. Nếu do ngữ hiển, ngữ là tánh của thanh, cho nên tất cả các thanh đều nên hiển danh; nếu nói hiển danh, thanh có sai biệt thì nó đủ để hiển nghĩa cần gì phải đợi có (một loại) danh riêng biệt?

(Kinh Bộ phá sanh danh)  Lại nữa, Chư niệm thanh không thể tụ tập; cũng không thể một pháp mà từng phần từng phần dần dần phát sanh; như vậy làm sao nói danh sanh khởi là do ngữ phát?

(Hữu Bộ phản nạn) Thế thì nói thế nào khi đợi các sát na biểu sắc quá khứ, sát na biểu sắc tối hậu mới sanh vô biểu[100]?

(Kinh Bộ nạn) Như vậy thanh ở tối hậu vị sanh danh thì, chỉ nghe tối hậu thanh, có thể liễu nghĩa? Nếu chấp nhận rằng, ngữ sanh văn, văn lại sanh danh, danh mới hiển nghĩa thì, trong đó các nạn giống như trước đã nói, vì các niệm văn không thể tích tập. Ngữ hiển danh, lỗi cũng giống như sanh.

Lại nữa, khác biệt giữa ngữ và văn, các bậc minh huệ chú tâm suy nghĩ cũng chẳng có thể bàn luận về tướng của chúng được. Lại nữa, nếu văn do ngữ sanh, hoặc hiển hoặc sanh, căn cứ theo ngữ đối với danh, tất cả đều không hợp lý. Lại nữa, nếu cho rằng, danh cũng như sanh tướng, v.v... cùng với nghĩa đồng thời sanh khởi thì không thể có, vì danh ở trong đời hiện tại nghĩa lại ở quá khứ, vị lai[101]. Lại nữa, phụ mẫu, v.v... tuỳ theo ý muốn mà đặt tên các con, v.v...; thế thì làm sao có thể nói danh cũng như sanh tướng, v.v... cùng với nghĩa đồng thời câu khởi. Lại nữa, pháp vô vi lẽ ra không nên có danh, bởi vì nó có nghĩa vô sanh, sao lại không chấp nhận (cứ đặt tên).

(Kinh Bộ) Song đức Thế tôn nói tụng[102] là căn cứ vào danh và văn. (Chư vị cổ đức) ở nơi các nghĩa nầy, cùng lập phần lượng, thanh tức là danh; danh nầy an bố sai biệt là tụng; do nghĩa như vậy nên nói rằng tụng nương vào danh. Tụng nầy là danh an bố sai biệt; chấp có thật vật là không hợp lý. Như các hàng cây, v.v…; và thứ tự của tâm (lìa cái nầy không có cái kia). Hoặc chỉ nên chấp nhận có văn thể tức tổng tập; đó chính là danh thân, v.v...; do vậy lại chấp nhận có (danh, cú) trở thành vô dụng.

Luận Sư Tỳ Bà sa nói, có các thật pháp là danh thân, v.v... nhiếp thuộc tâm bất tương ưng hành uẩn; thật hữu chẳng phải giả. Lý do vì sao? Vì chẳng phải tất cả các pháp đều có thể suy nghĩ biết hết được.

iii.Phân biệt môn

a. Danh, cú, văn.

Danh thân, v.v... nầy, hệ thuộc giới nào? Là hữu tình số hay là phi hữu tình số? Là dị thục sanh, là sở trưởng dưỡng hay là đẳng lưu tánh? Là thiện bất thiện hay là vô ký?

Văn Tụng.

Hán:

欲  色  有  情  攝                                等  流  無  記  性

Việt dịch:

Thuộc Dục, Sắc, Hữu tình      

Tánh đẳng lưu, vô ký /92cd/

Luận giải thích:

Danh thân, v.v... nầy chỉ hệ thuộc trong hai cõi Dục và Sắc. Có thuyết cho rằng, cũng hệ thuộc cả cõi vô sắc, song không thể nói (tức vô dụng). Lại nữa, Danh thân, v.v... nhiếp thuộc hữu tình số, vì do người năng thuyết khiến nó thành tựu; chẳng phải là nghĩa sở hiển (như sơn hà, v.v...) Lại nữa, danh thân, v.v... chỉ thuộc tánh đẳng lưu. Lại nhiếp thuộc vô phú vô ký tánh.

Như đã nói ở trên, ý nghĩa của các bất tương ưng hành còn lại nay sẽ nói qua một cách vắn tắt.

b. Đồng phần…

Văn Tụng.

Hán:

同  分  亦  如  是                                并  無  色  異  熟

得  相  通  三  類                                非  得  定  等  硫

Việt dịch :

Đồng phần cũng như vậy                  

và vô sắc, dị thục

Đắc, tướng  thông ba loại     

Phi đắc, định đẳng lưu /93/.

Luận giải thích:

bi. Đồng phần cũng như vậy: nói “cũng như vậy” là nhằm hiển bày đồng phần cũng như danh thân, v.v..., thông với cõi Dục, cõi Sắc, thuộc hữu tình số, đẳng lưu tánh, vô phú vô ký tánh.

và vô sắc, dị thục: nói “và vô sắc” nhằm hiển bày cho thấy chẳng phải chỉ ở hai cõi Dục và Sắc; nói “và... dị thục” cho thấy chẳng phải chỉ thuộc đẳng lưu. Đó là nghĩa, cõi thì thông cả ba và loại thì thông với hai.

bii. Đắc tướng thông ba loại: đắc và bốn tướng đối với ngũ loại, thông với ba, đó là hữu sát na, đẳng lưu và dị thục.

biii. Phi đắc, định đẳng lưu: phi đắc, nhị định chỉ thuộc đẳng lưu; chữ “chỉ” nhằm nói rõ rằng chẳng phải là dị thục, v.v...

Như vậy đã nói xong các nghĩa chưa nói. Vô tưởng, mạng căn, như trước đã luận.

Vì duyên cớ gì mà không nói đắc, phi đắc, nhị định chỉ nhiếp thuộc hữu tình số?

Đã nói hữu tình thì các loại kia cũng đã thành tựu..

Vì duyên cớ gì lại không nói bốn tướng thông với hữu tình số và phi tình số?

Vì đã nói tất cả các pháp hữu vi đều có.

Còn gì chưa nói tuỳ chỗ ứng hợp, theo đây mà biết.

Thuyết nhất thiết hữu bộ câu xá luận quyển 5.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy