× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Luận

A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận



Quyển 4 - 1

阿  毘  達  磨  俱  舍  論

ABHIDHARMAKOŚABHĀṣAYĀM

Nguyên tác: Thế Thân

Hán dịch: Huyền Trang 

                                                          

PHẨM THỨ HAI:  PHÂN BIỆT CĂN(2)

TIẾT I: CÁC PHÁP CÂU SANH

A. GIẢI THÍCH CÂU SANH.

I: SẮC PHÁP CÂU SANH.

Hỏi: Nay nên suy nghĩ phân biệt rằng, tất cả pháp hữu vi, thể tướng bất đồng, sanh khởi cũng khác nhau, (như vậy) là có các pháp quyết định cùng sanh khởi chăng?

Đáp :

Tổng đáp: Có các pháp quyết định cùng sanh khởi[1]. Một cách tổng quát, tất cả các pháp chia làm năm loại –1.sắc. 2.tâm. 3.tâm sở. 4.tâm bất tương ưng hành. 5.vô vi. Vô vi vốn không sanh khởi, ở đây không  đề cập. Trước hết, bàn về sắc pháp[2] quyết định cùng sanh khởi.

Biệt đáp (Sắc pháp câu sanh):

1.Cõi Dục:

Văn Tụng.

Hán:

T29n1560-p0312b21: 欲 微 聚 無 聲        無 根 有 八 事

T29n1560-p0312b22: 有 身 根 九 事        十 事 有 餘 根

Âm Hán:

Dục vi tụ vô thanh     

Vô căn hữu bát sự

Hữu thân căn cửu sự             

Thập sự hữu dư căn.

Việt dịch:

Cõi Dục, các vi tụ không  thanh    

không căn, có tám loại.

Có thân căn, chín loại        

mười loại, có các căn khác /23/.

Luận giải thích:

Sắc tụ[3] ở dạng vi tế gọi là vi tụ[4]; nói vi tụ nhằm hiển bày nghĩa không thế chia chẻ nhỏ hơn được nữa.

Ở cõi Dục, các vi tụ sắc không tính thanh[5], không tính căn (indriya), có tám loại[6] cùng sanh khởi, không thể thiếu giảm một loại nào.

Những gì là tám ?

Đó là bốn đại chủng(catvāri mahā-bhūtāni, mahābhūta: địa, thủy, hỏa, phong) và bốn sở tạo (catvāri mahābhūtāny upādāya, bhautika)- sắc, hương, vị, xúc.

Các vi tụ sắc, không thanh nhưng có căn, có chín hoặc mười loại cùng sanh khởi. Các vi tụ có thân căn(kāyendriya, kāyāyatana), có chín loại cùng sanh khởi: tám loại như trước và thân căn là chín.

Vi tụ có các căn khác[7], có mười loại cùng sanh khởi, chín loại như trước, cộng thêm một trong những căn, mắt, v.v... ; mắt, tai, mũi, lưỡi tất không thể lìa khỏi thân căn; chúng xoay vần hướng đến nhau, ở các vị trí riêng biệt[8].

Các vi tụ ở trước, nếu có thanh (thanh trần, thanh cảnh, śabda), theo thứ tự, số lượng căn tăng lên 9,10.11; do có thanh xứ (śabdāyatanaṃ) không thể lìa căn phát sanh; đó là hữu chấp thọ thanh nương vào đại chủng sanh khởi (upātta-śabda-mahābhūta-hetuka).

Nếu các đại chủng khi sanh khởi không rời nhau thế thì các tính cứng, ước, ấm, động[9] trong vi tụ sắc, tại sao trong từng trường hợp, chỉ thấy có một, không thấy các thứ còn lại?

Trong vi tụ sắc, loại đại chủng nào có hoạt dụng mạnh hơn thì hiển hiện rõ ràng; tự thể các loại còn lại chẳng phải là không; như cảm giác về kim châm cùng với thẻ tre áp vào; như nếm vị muối cùng với vị của gạo rang[10].

Làm sao ở trong một vi tụ, biết rằng, cũng có các tụ khác ?

Vì có các công năng duy trì (dhṛti), dung nhiếp (saṃgraha), thành thục (pakti), lớn mạnh (vyūhana)[11].

Có Luận Sư (Bhadanta Śrīlābha) nói: khi gặp duyên, các tính cứng, v.v... chuyển thành các dạng lỏng (lưu tướng), v.v...; như trong thủy tụ, do quá lạnh cho nên sinh khởi tướng ấm, tuy (chúng) không rời nhau nhưng tác dụng của lạnh tăng lên[12]; chẳng hạn, cảm thọ và âm thanh trong các tác dụng mạnh và yếu.

Các Luận Sư khác (Sautrāntika) nói: ở trong tụ nầy, có chủng tử (bījata, śaktita, sāmarthyata) các tụ kia, nhưng chưa có thể tướng[13]. Như Khế kinh (Saṃyuktāgama, 18,10) nói, ở trong thuỷ tụ, có các loại giới; giới (dhātu) có nghĩa là chủng tử.

Làm sao, trong phong, biết có hiển sắc?

Nghĩa nầy chỉ nên tin tưởng (śraddhanīya), không thể suy luận (anumeya) biết được. Hoặc, khi có mùi hương tiếp hợp, mũi liền ngửi biết; hương và hiển sắc không thể tách rời nhau[14].

2.Cõi Sắc: Trước kia đã nói, tại Sắc giới, hương, vị hoàn toàn không; (như vậy ở Sắc giới), các vi tụ không thanh thì có sáu, bảy hoặc tám (pháp cùng sanh khởi); có thanh thì có bảy, tám, chín pháp cùng sanh khởi; nghĩa nầy rõ ràng, không cần phải nói thêm.

3. Phân biệt:

Trong các pháp cùng sanh khởi đó, nói Sự (dravya), là căn cứ vào thể[15] hay căn cứ vào xứ[16]?

Nếu vậy thì có lỗi gì?

Cả hai cách đều lỗi. Nếu căn cứ vào thể tánh mà nói thì, tám, chín, hoặc mườiv.v... trở thành quá ít. Bởi vì, các vi tụ (ngoài hiển sắc, varṇa) còn có hình sắc (saṃsthāna) do nhiều cực vi tích tập tạo nên; hoặc có tính nặng, hoặc có tính nhẹ; tánh trơn, tánh nhám, cũng như vậy; hoặc có các xứ như lạnh, đói, khát; thế thì số được nói, bị lỗi quá ít. Nếu căn cứ vào xứ để nói thì tám, chín hoặc mười,v.v... trở thành quá nhiều. Bởi lẽ, bốn đại chủng nhiếp thuộc xúc xứ, lẽ ra nên nói là bốn, năm,v.v[17]...; thế thì số được nói mắc lỗi quá nhiều.

Cả hai đều không có lỗi[18]. Nên biết rằng, trong đó, nói Sự, một phần căn cứ vào thể, đó là sở y đại chủng[19] ; một phần căn cứ vào xứ, đó là năng y tạo sắc[20].

Nếu vậy, các loại (sự) đại chủng trở thành nhiều hơn[21], bởi lẽ, các sắc sở tạo, mỗi mỗi đều nương vào một tổ hợp bốn đại chủng.

Nên biết, trong đó, căn cứ vào thể loại mà nói; thể loại bốn đại chủng không khác nhau[22].

d. Chỉ tránh: Cần gì phải phân biệt ngôn ngữ đến như vậy; ngôn ngữ vốn tuỳ thuộc vào ý muốn mà sanh khởi, do vậy về ý nghĩa nên suy nghĩ[23] (là tương đối).

Đã nói xong về Sắc pháp quyết định cùng sanh.

Tiếp đến bàn về các pháp câu sanh khác.

II. TỨ PHẨM CÂU SANH.

1.TỔNG THÍCH:

Văn Tụng.

Hán:

T29n1560-p0312b23 : 心 心 所 必 俱       諸 行 相 或 得

Âm Hán:

Tâm tâm sở tất câu                 Chư hành tướng hoặc đắc.

Việt dịch:

Tâm, tâm sở ắt cùng   Các hành tướng hoặc đắc /24ab/.

Luận giải thích:

Tâm và tâm sở nhất định cùng sanh khởi với nhau; theo đó, khi thiếu một, các tâm khác không thể khởi lên được.

Chư hành (saṃskṛta) tức tất cả các pháp hữu vi, sắc, tâm, tâm sở, tâm bất tương ưng hành. Chữ “ắt cùng” ở trước được dùng cho đến đây; nghĩa là các pháp hữu vi sắc, tâm,v.v... khi sinh khởi, nhất định cùng có bốn tướng hữu vi đồng thời sinh khởi. Nói “hoặc đắc” có nghĩa là, trong các pháp hữu vi, chỉ có pháp hữu tình (sattvākhya, sattvasaṃkhyāta) đồng thời cùng sinh khởi với đắc (prāpti). Các pháp còn lại không phải như thế. Do đó, nói hoặc.

TIẾT II : BIỆN SAI BIỆT.

I.TÂM SỞ (Caitasikā):

1.Ngũ địa pháp :

i.Tổng tiêu :

Văn Tụng :

Hán :

T29n1560-p0312b24: 心 所 且 有 五        大 地 法 等 異

Âm Hán :

Tâm sở thả hữu ngũ                Đại địa pháp đẳng dị.

Việt dịch :

Tâm sở có năm loại              Đại địa pháp, vân vân /24cd/.

Luận giải thích :

Đã nói đến tâm sở, vậy tâm sở là gì?

Các pháp tâm sở gồm có năm loại. Năm loại là gì? –1.đại địa pháp.2.đại thiện địa pháp.3.đại phiền não địa pháp.4.đại bất thiện địa pháp.5.tiểu phiền não địa pháp.

ii. Biệt thích :

a.Đại địa pháp(mahābhūnikāḥ):

Văn Tụng.

Hán :

T29n1560-p0312b25: 受 想 思 觸 欲        慧 念 與 作 意

T29n1560-p0312b26: 勝 解 三 摩 地        遍 於 一 切 心

Âm Hán :

Thọ tưởng tư xúc dục            Huệ niệm dữ tác ý

Thắng giải tam ma địa           Biến ư nhất thiết tâm

Việt dịch :

Thọ tưởng tư xúc dục           Huệ niệm và tác ý

Thắng giải tam ma địa        Cùng khắp tất cả tâm /25/.

Luận giải thích :

Thích danh :

 Địa[24] có nghĩa là môi trường hoạt động[25]. Nếu pháp nầy là môi trường hoạt động của pháp kia thì nói rằng, pháp nầy là  pháp địa của pháp kia. Môi trường hoạt động của đại pháp[26] (mười pháp tâm sở -thọ, tưởng, v.v...) gọi là đại địa (mahābhūmika). Trong 46 tâm sở, pháp nào khởi lên trong đại địa (mahā bhūmi), gọi là đại địa pháp (mahā bhūmika)[27]; đó là những pháp luôn luôn có mặt trong tất cả các tâm.

Biện thể :

Pháp đó là những pháp nào?

Truyền thuyết (Tỳ bà sa,12,10). Mười pháp được nêu (như vậy) luôn luôn hoà hiệp, có mặt khắp tất cả các tâm sát na (cittakṣaṇa)[28].

Trong đó,

Thọ[29] (vedanā): là sự lãnh nạp (anubhava) về ba cảm giác khác nhau - khổ, vui, không khổ không vui .

Tưởng[30] (saṃjñā): là sự nắm bắt các tướng khác nhau của cảnh tượng.

Tư (cetanā): là động lực thúc đẩy khiến tâm có sự tạo tác (hoạt động, cittabhisaṃskāra, cittaprasyanda)).

Xúc[31] (sparśaḥ, spṛṭa): là tâm sở phát sinh khi căn, cảnh và thức hoà hợp; có công năng xúc đối (spṛṣṭi) tiền cảnh.

Dục (chandaḥ): là sự mong muốn về sự nghiệp.

Huệ (prajñā): là khả năng phân biệt các pháp.

Niệm (smṛtiḥ): là sự ghi nhớ rõ ràng, không quên về các duyên (ālambanāsaṃpramoṣa).

Tác ý[32] (manaskāraḥ): là khả năng khiến tâm cảnh giác (ābhoga,nhận thức đối tượng).

Thắng giải[33] (adhimokṣaḥ): khả năng in chụp, thẩm định các cảnh.

Tam ma địa[34] (samādhiḥ): là tính chất chuyên chú một cảnh (cittaikāgratā) của tâm.

Hành tướng của khác nhau tâm, tâm sở  rất vi tế; trong mỗi một tương tục (prabhandhena), phân biệt còn khó; huống là trong từng sát na. Các dược thảo sắc, do sắc căn thủ đắc, hương vị của chúng khác nhau, còn khó hiểu được; huống là các pháp vô sắc do giác huệ thủ đắc.

Như vậy là đã nói xong mười đại địa pháp.

b.Đại Thiện Địa Pháp (kuśalamahābhūmikas)[35].

Văn Tụng :

Hán:

T29n1560-p0312b27: 信 及 不 放 逸        輕 安 捨 慚 愧

T29n1560-p0312b28: 二 根 及 不 害        勤 唯 遍 善 心

Âm Hán:

Tín cập bất phóng dật Khinh an xả tàm quý

Nhị căn cập bất hại                Cần duy biến thiện tâm.

Việt dịch:

Tín và không buông lung    Khinh an, xả, tàm quý

Hai căn và không hại          Cần chỉ khắp thiện tâm /26/.

Luận giải thích :

Thích danh :

Đại thiện pháp địa gọi là đại thiện địa[36]. Trong đó, nếu pháp nào có mặt trong đại thiện địa, gọi là đại thiện địa pháp. Đó là những pháp luôn luôn có mặt trong tất cả các thiện tâm.

Biện thể :

Pháp đó là gì?

Các pháp như vậy có mặt khắp các tâm thiện. Trong đó,

Tín[37] (Śraddhā): khiến tâm trừng tịnh. Có thuyết (jñānaprasthana,1,19) nói -đối với tứ đế, tam bảo, nghiệp thiện ác và quả dị thục, hiện tại chấp nhận cho nên gọi là tín.

Không buông lung[38] (apramādaḥ): có nghĩa là tu tập (bhāvanā) các thiện pháp. Tại sao không làm các pháp bất thiện lại gọi là tu ? –vì bất phóng dật nầy, đối với thiện sự có tính chất chuyên chú (avahitatā). Trong Kinh của các Bộ phái (Mahāsāṃghika) khác có giải thích rằng, hay thủ hộ (ārakṣā) tâm gọi là bất phóng dật.

Khinh an[39] (Prasrabdhiḥ): tánh kham nhậm của tâm.

(Kinh Bộ) Há không có Kinh nào nói có sự khinh an của thân chăng[40] ?

Tuy chẳng phải không có nhưng cũng như thân thọ[41], nên biết cũng vậy.

(Hữu Bộ nạn vấn Kinh Bộ) Tại sao có thể lập khinh an làm một giác chi[42]? – Nên biết trong đó, thân khinh an là tánh kham nhậm của thân. Sao lại nói đó là giác chi (saṃbodhyanga)? - Bởi nó thuận (tương ưng) với giác chi nên không có lỗi. Do thân khinh an dẫn khởi tâm giác chi khinh an.

Ở các Kinh khác cũng có nói như vậy chăng? –Có, như Kinh nói , hỷ và thuận hỷ pháp (prītisthānīya) gọi là hỷ giác chi. Sân và sân nhơn duyên (pratighanimitta) gọi là sân nhuế cái (vyāpādanīvaraṇa). Chánh kiến (dṛṣṭi), chánh tư duy (saṃkalpa), chánh cần (vyāyāma)gọi là huệ uẩn (prajñāskandha). Tư duy và cần tuy chẳng phải tánh chất của huệ, do tuỳ thuận với huệ nên cũng được gọi là huệ. Do vậy, thân khinh an thuận với giác chi nên gọi là giác chi, không có lỗi vậy.

Xả (Upekṣā): Tánh bình đẳng của tâm[43], tánh không cảnh giác[44] của tâm gọi đó là xả[45].

Làm sao có thể nói, trong một tâm, do tác ý[46] và xả tương ưng với nhau khiến khởi lên tánh cảnh giác và tánh không cảnh giác[47] ?

(Luận Chủ đáp) Há  không phải ở trước có nói rằng, hành tướng của tâm, tâm sở vô cùng vi tế rất khó liễu tri chăng.

Hỏi: Có, tuy khó liễu tri nhưng nhờ quán sát, suy nghĩ, có thể biết được. Chúng (tác ý và xả) rất khó biết; nghĩa là, cảnh giác và không cảnh giác trái nghịch nhau, nhưng không hề trái chống nhau[48].

Đáp: Tác ý (thử) có cảnh giác, xả (dư) không có cảnh giác; hai thứ đã hai đường, có gì là trái chống.

Hỏi: Nếu vậy, lẽ ra không nên cùng duyên với một cảnh hoặc nên đối với tất cả (tham, sân,v.v...), đều hỗ tương tương ưng[49].

Những chủng loại như vậy của các pháp khác (thọ, tưởng v.v...) cũng từ trong một tâm sinh ra[50];trong ý nghĩa đó, nay ở đây (tác ý và xả) nên biết cũng giống như vậy.

Tàm quý[51] (Hrīḥ, Apatrāpyaṃ): hai loại nầy như được giải thích ở sau.

Hai căn: không tham (Alobhaḥ kuśalamūlaṃ) và không sân (Adyeṣaḥ kuśalamūaṃ)[52]. Thiện căn không si lấy huệ làm tánh nên đã nói trong đại địa pháp, không nhắc lại ở trong đại thiện địa pháp nầy nữa.

Bất hại[53] (Ahiṃsā): có nghĩa là không gây tổn não.

Cần[54] (Vīryaṃ): nghĩa là tính chất khiến tâm dũng mãnh.

Như vậy, đã nói xong (mười ) đại thiện địa pháp.

c. Đại phiền não địa pháp(Kleśamahābhūmikāḥ)[55] :

Văn Tụng.

Hán:

T29n1560-p0312b29: 癡 逸 怠不信          昏 掉 恆 唯 染

Âm Hán:

Si dật đãi bất tín                     hôn trạo hằng duy nhiễm .

Việt dịch :

Si, dật, đãi, bất tín,               hôn, trạo, luôn là nhiễm /27ab/.

Luận giải thích :

Thích danh :

Đại phiền não pháp địa gọi là đại phiền não địa. Trong đó, những pháp có trong đại phiền não địa gọi là đại phiền não địa pháp. Đó là những pháp luôn có mặt trong các tâm nhiễm ô (kliṣṭa).

Biện thể :

Những pháp đó là gì?

Si (moha)[56]: ngu si tức là vô minh (avidyā, không có cái nhìn thấu suốt) vô trí (ajñāna, không có khả năng thẩm xét, quyết định), vô hiển (mi gsalba, không hiểu biết rõ ràng).

Dật[57] (pramādaḥ): phóng dật tức là không tu tập các pháp thiện. Đó là pháp được đối trị bởi việc tu các pháp thiện.

Giải[58] (kausīdyaṃ): giải đãi, nhác nhớm, tức là tâm không mạnh mẽ. Đó là pháp được đối trị bởi Cần như nói ở trước.

Bất tín[59] (āśraddhyaṃ): tâm không trừng tịnh. Đó là pháp được đối trị bởi Tín được nói ở trước.

Hôn[60] (styānaṃ): hôn trầm. Trong Đối pháp nói, thế nào là hôn trầm? là tính nặng nề của thân, của tâm; thân không có tánh kham nhậm, tâm không có tánh kham nhậm.Tính hôn trầm của thân, tánh hôn trầm của tâm gọi đó là hôn trầm. Đây là tâm sở, sao gọi là thân? –Cũng như cách nói về thân thọ, nên không có lỗi.

Trạo[61] (auddhatyaṃ): trạo cử tức khiến tâm không yên tĩnh.

Duy chỉ có sáu loại như vậy gọi là đại phiền não địa pháp.

Há không phải trong Căn bổn a tỳ đạt ma nói có mười loại đại phiền não địa pháp sao? Lại nữa, trong Luận đó không nói đến hôn trầm. Những gì là mười? -bất tín, giải đãi, thất niệm, tâm loạn, vô minh, bất chánh tri, phi lý tác ý, tà thắng giải, trạo cử, phóng dật.

Đừng có đùa (thiên ái, devānāṃpriyaḥ). Các ông chỉ biết ngôn ngữ, chẳng  biết đến ý chỉ. Ý chỉ là gì? –đó là, thất niệm(muṣitasmṛtitā), tâm loạn (vikṣepa), bất chánh tri (asaṃprajanya), phi lý tác ý (ayoniśomanaskāra), tà thắng giải (mithyādhimokṣa) đã được sắp xếp trong đại địa pháp; không nên lặp lại trong đại phiền não địa pháp. Như vô si thiện căn lấy huệ làm thể cho nên chẳng phải đại thiện địa pháp. Các pháp kia cũng như vậy tức là, nhiễm ô niệm gọi là thất niệm; nhiễm ô đẳng trì gọi là loạn tâm; các huệ nhiễm ô gọi là bất chánh tri; nhiễm ô tác ý, thắng giải gọi là phi lý tác ý, tà thắng giải (đã nói trong đại địa pháp, không nói lại trong đại phiền não địa pháp). Cho nên nói, nếu là đại địa pháp cũng là đại phiền não địa pháp chăng? Nên thành lập bốn câu để phân biệt: Câu thứ nhất -thọ, tưởng, tư, xúc, dục. Câu thư hai -bất tín, giải đãi, vô minh, trạo cử, phóng dật. Câu thứ ba –năm pháp niệm,v.v... như trước đã nói. Câu thứ tư -trừ các tướng (ba trường hợp) trước.

Có quan điểm (Vibhāṣā, 42,17) cho rằng, tà đẳng trì mithyāsamādhi) chẳng phải là loạn tâm. Quan điểm nầy thành lập bốn câu để phân biệt không giống với bốn câu vừa rồi.

Lại nữa, (Tông các Ông , A tì đạt ma) chấp nhận hôn trầm tương ưng với tất cả các phiền não, không nói ở trong đại phiền não địa pháp, như vậy ai đúng ai sai?

(Pháp Cứu) nên nói rằng, hôn trầm ở trong đại phiền não địa pháp, song không nói bởi lẽ tương ưng với đẳng trì vậy; Tông nầy cho rằng (Căn Bản a Tỳ Đạt Ma), các vị có hành tướng hôn trầm (hôn trầm hành, styānacarita) mau phát đẳng trì chứ chẳng phải các vị có hành tướng trạo cử (trạo cử hành, auddhatyacarita)(do vì quá yếu nên không đặc biệt nói thuận với đẳng trì, theo Quang ký77c08).

(Luận Chủ) Ai là người có hành tướng hôn trầm mà chẳng phải là trạo cử; ai là người có hành tướng trạo cử mà chẳng phải là hôn trầm ? Hôn trầm và trạo cử chưa từng rời nhau.

(Pháp Cứu) Tuy vậy, nên biết, tuỳ theo sự tăng mạnh, nên nói là hành[62].

(Luận Chủ)Tuy biết rằng, nói hành là dựa vào hoạt dụng  mạnh hơn; nhưng y vào hữu thể, kiến lập địa pháp, cho nên địa pháp nầy chỉ có sáu loại, ý nghĩa đã thành tựu.

Sáu pháp nầy chỉ cùng khởi lên khắp các nhiễm tâm, chẳng phải ở các tâm (tịnh) khác.

Như vậy, nói xong sáu đại phiền não địa pháp.

d. Đại Bất Thiện Địa Pháp (akuśalamahābhūmikas)[63] :

Văn Tụng.

Hán :

T29n1560-p0312c01: 唯 遍 不 善 心        無 慚 及 無 愧

Âm Hán:

Duy biến bất thiện tâm          Vô tàm cập vô quý

Việt dịch :

Chỉ khắp bất thiện tâm        Vô tàm và vô quý /27cd/.

Luận giải thích:

Thích danh

Đại bất thiện pháp địa gọi là đại bất thiện địa. Trong đó, những pháp nào hoạt động trong môi trường của đại bất thiện gọi là đại bất thiện địa pháp. Đó là những pháp luôn luôn có mặt trong các tâm bất thiện.

Biện thể :

Đó là những pháp nào?

Chỉ có hai loại tâm sở cùng sanh khởi với tất cả các tâm bất thiện, đó là vô tàm và vô quý. Do đó, hai loại nầy được gọi là đại bất thiện địa pháp. Hành tướng của chúng sẽ nói ở phần sau.

Như vậy, nói xong đại bất thiện địa pháp.

e.Tiểu Phiền Não Địa Pháp[64] :

Văn Tụng :

Hán :

T29n1560-p0312c02:忿 覆 慳 嫉 惱         害 恨 諂 誑 憍

T29n1560-p0312c03:如 是 類 名 為         小 煩 惱 地 法

Âm Hán :

Phẫn phú xan tật não  Hại hận siễm cuống kiêu

Như thị loại danh vi               Tiểu phiền não địa pháp

Việt dịch :

Phẫn[65] phú[66] xan[67] tật[68] não[69]

Hại[70] hận[71] siễm[72], cuống[73], kiêu[74]  Loại như vậy gọi là  Tiểu phiền não địa pháp /28/

Luận giải thích :

Thích danh.

Tiểu[75] phiền não pháp địa gọi là tiểu phiền não địa. Trong đó, những pháp nào hoạt động trong môi trường của tiểu phiền não gọi là tiểu phiền não địa pháp[76]. Đó là những pháp cùng sanh khởi với các tâm có một phần nhiễm ô.

Biện thể.

Những loại pháp[77] như vậy chỉ đoạn trừ ở giai đoạn tu đạo; chỉ khởi lên trong phạm vi của ý thức; chỉ tương ưng với vô minh; mỗi một pháp hiện hành một cách riêng lẻ, cho nên gọi là tiểu phiền não địa pháp[78]. Những pháp nầy sẽ được giải thích đầy đủ trong phần tuỳ phiền não “Upakleśa”(ở Phẩm tuỳ miên)

Như vậy, đã nói xong năm loại tâm sở.

f. Bất định tâm sở[79]:

Lại có các pháp ngoài những pháp nầy; đó là bất định tâm sở : ác tác (kaukṛtya), tuỳ miên (middha), tầm, tứ[80], v.v... [81].

2.Minh định câu sanh..

Trong đó, nên nói, ở trong loại tâm (tâm phẩm) nào, có bao nhiêu tâm sở quyết định cùng sanh khởi?

i.Cõi Dục :

a.Cùng sanh với tâm thiện (Kuśala).

VănTụng.

Hán:

T29n1560-p0312c04:欲 有 尋 伺 故         於 善 心 品 中

T29n1560-p0312c05:二 十 二 心 所         有 時 增 惡 作

Âm Hán:

Dục giới hữu tầm tứ              Ư thiện tâm phẩm trung

Nhị thập nhị tâm sở               Hữu thời tăng ác tác.

Việt dịch :

Cõi Dục có tấm, tứ                Ở trong loại tâm thiện

Hai mươi hai tâm sở             Có lúc, thêm ác tác /29/.

Luận giải thích:

Ở cõi Dục, tâm có năm phẩm loại: 1.Thiện (kuśala) có một. 2.Bất thiện[82] có hai –a. Tương ưng[83] với bất cộng vô minh[84]. b.Tương ưng với các phiền não ....khác[85].Vô ký (Avyākṛta)có hai –a. hữu phú vô ký (nivṛta). b.vô phú vô ký (anivṛta)

Song, tâm ở cõi Dục, do có tầm và tứ, nên trong phẩm loại thiện tâm, có 22 tâm sở cùng sanh khởi. Đó là 10 pháp đại địa, 10 pháp đại thiện địa cùng hai thứ bất định (aniyata) -tầm và tứ. (Trong phẩm loại tâm thiện nầy) không phải các thiện tâm đều có ác tác; (do vậy) khi có thì số lượng tâm sở tăng lên 23.

Ác tác (Kaukṛttya) là gì? -bản thể của việc ác gọi là ác tác. Nên biết, trong đó, duyên với việc ác (ác tác pháp) gọi là ác tác; nghĩa là, khi duyên với việc ác, tâm có tính hối tiếc[86]. Ví dụ như duyên với không môn, giải thoát môn nói đó là không. Duyên với bất tịnh quán nói đó là bất tịnh (tức căn cứ vào sở duyên để đặt tên). Lại thấy người đời (thế gian), căn cứ vào sở y mà nói pháp năng y; như nói, tất cả thôn ấp, quốc thổ (chỉ cho người ở các nơi đó) đều đến vân tập. Ác tác là sở y của truy hối cho nên căn cứ vào sở y mà nói là ác tác. Lại nữa, căn cứ vào quả, giả lập tên gọi trong nhân; như nói, sáu xúc xứ nầy (quả), nên biết, đó là nghiệp nhân đã tạo trong đời trước.

Nếu duyên với việc chưa làm, sao gọi là ác tác được? -Đối với việc chưa làm cũng gọi là “ác tác”, như khi hối tiếc nói rằng, trước đây ta không làm việc như vậy (đó) là ác tác (của ta).

Những ác tác nào gọi là thiện? –đối với những việc thiện, đã không làm; đối với việc ác, đã làm; tâm khởi sinh sự hối tiếc. Trái lại (đối với việc thiện, đã làm; đối với việc ác không làm, tâm sinh hối tiếc), gọi là bất thiện.

Hai loại nầy y cứ vào hai nơi (thiện, ác) khác nhau, khởi lên[87].

b. Cùng sanh với tâm bất thiện (Akuśala) .  

Văn Tụng.

Hán:

T29n1560-p0312c06:於 不 善 不 共         見 俱 唯 二 十

T29n1560-p0312c07:四 煩 惱 忿 等         惡 作 二 十 一

Âm Hán:

Ư bất thiện bất cộng              Kiến câu duy nhị thập

Tứ phiền não phẫn đẳng         Ác tác nhị thập nhất.

Việt dịch:

Ở bất thiện bất cộng, cùng kiến có hai mươi

Bốn phiền não phẫn, v.v…    Ác tác  là hai mốt /30/.

Luận giải thích:

bi. Bất thiện bất cộng :

Nếu ở loại tâm bất thiện bất cộng, có 20 tâm sở cùng sanh khởi. Đó là 10 đại địa pháp, 6 đại phiền não địa pháp, 2 đại bất thiện địa pháp và hai bất định là tầm và tứ.

Những gì gọi là bất cộng tâm phẩm ? – đó là, với loại tâm nầy chỉ có vô minh, không có các phiền não khác như tham, v.v[88]... cùng tương ưng.

Bii. Tương ưng với các phiền não khác.

bất thiện kiến:

Ở tâm bất thiện tương ưng với kiến, cũng có 20 tâm sở cùng sanh khởi. Tên của chúng như được nói trong phẩm bất cọng ở trước; chẳng phải có thêm số lượng “kiến” nên có 21; vì kiến không là gì khác mà chính là công dụng sai biệt của huệ vốn ở trong 10 đại địa pháp. Nói tâm   tương ưng với kiến bất thiện là, ở trong tâm nầy, hoặc có tà kiến, hoặc có kiến thủ hoặc có giới cấm thủ.

bất thiện bốn hoặc:

Ở tâm bất thiện tương ưng với bốn phiền não tham, sân, mạn, nghi, có 21 tâm sở cùng sanh khởi. Hai mươi như trong phần bất cộng; thêm vào một trong những căn bổn phiền não tham, v.v... .

Bất thiện tùy phiền não:

Ở tâm bất thiện tương ưng các tuỳ phiền não phẩn, v.v... , cũng có 21 tâm sở cùng sanh khởi. Hai mươi như bất cộng; thêm vào một trong mười tuỳ phiễn não phẩn, v.v...

bất thiện ác tác:

Tâm bất thiện tương ưng ác tác cũng có 21 tâm sở cùng sanh khởi. Chính ác tác[89] là thứ 21.

Tổng kết:

Tóm lại, trong tâm bất thiện, tương ưng với  bất cộng và kiến, có 20 tâm sở cùng sanh khởi; trong tâm bất thiện tương ưng với bốn phiền não và các tùy phiền não có 21 tâm sở cùng sanh khởi.

c.Tâm hữu phú vô ký[90] (Nivṛtâvyākṛta) :

Nếu ở trong tâm vô ký hữu phú, chỉ có 18 tâm sở cùng sanh khởi. Đó là, mười đại địa pháp, sáu đại phiền não địa pháp cùng với hai bất định là tầm và tứ.

Ở cõi Dục, tâm vô ký hữu phú là tâm cùng tương ưng với tát ca da kiến (thân kiến) và biên chấp kiến (biên kiến). Trong đó, kiến không làm tăng thêm số lượng, cho nên nên hiểu theo như cách giải thích trước.

d.Tâm vô phú vô ký [91]( Anivṛtâvyākṛta):

Ở tâm vô phú vô ký, chỉ có 12 tâm sở cùng sanh khởi (quan điểm các Luận sư ở Ca thấp di la). Đó là 10 đại địa pháp và hai bất định tâm sở tầm tứ.

Các Sư phương ngoài (ngoài Ca thấp di la tức chỉ Ấn độ) cho rằng ác tác cũng thông với vô ký; (cho nên) tương ưng với tâm phẩm nầy, có 13 tâm sở cùng sanh khởi.

Nên biết, tuỳ miên cùng với tất cả các tâm phẩm đã nói ở trước đều không trái chống nhau, thông thiện bất thiện vô ký tánh vậy. Tuỳ theo trường hợp có ở tâm nào đó mà nói tăng; đó là từ 22 đến 23; hoặc từ 23 đến 24 .

Bất thiện vô ký nên theo như ví dụ trên để biết.

Như vậy, đã nói xong về số lượng các loại tâm sở cùng sanh khởi với các loại tâm ở cõi Dục. (còn tiếp)

Bản dịch Thích Phước Viên


Xem dưới dạng văn bản thuần túy