× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



Quyển 2 - Chú thích

Chú thích:

(1)  Tứ niệm tức bốn phép quán niệm để tu tập đạo giác ngộ. Ðó là:

1/ Quán thân bất tịnh: quán xét thân thể từ đầu đến chân hoàn toàn bất tịnh, không có gì tinh sạch cả. Như lông, móng, đờm, dãi, tinh,  khí, máu, mũ... đều là những thứ tanh hôi bẩn thỉu. 2/ Quán thọ là khổ: quán xét sự thọ nhận buồn, vui, giận, ghét, yêu thương, thích muốn, tử biệt, sinh ly, bịnh ốm... hoành hành tâm sinh lý con người là khổ. 3/ Quán tâm vô thường: quán xét tâm luôn luôn biến đổi không ngừng như vượn chuyền cành, ngựa sổ dây cương; khó nắm bắt lại được. 4/ Quán pháp vô ngã: quán xét các pháp không có chủ tể, không tự tánh, không có thật thể... như huyển hóa (hư dối) nên dễ biến hoại.

(2)  Bát Thánh Ðạo hay Bát Chánh Ðạo: Tám con đường chân chánh hành giả cần tinh tấn thực hành để đạt chân lý. Ðó là: 1/ chánh kiến: thấy biết chân chánh, không tin nhãm, theo càn, mà phải giảo nghiệm, cân nhắc kỹ càng trước khi tin bất cứ điều gì. 2/  chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh. 3/ chánh ngữ: nói lời chân chánh,  không bẻ cong sự thật. 4/ chánh nghiệp: hành động chân chánh. 5/ chánh mạng: nghề nghiệp sinh sống chánh đáng, không làm những nghề thiếu lương thiện, trái với lương tâm. 6/  chánh tinh tấn: cố gắng tiến tới mãi không ngừng cho đến khi đạt thành như ý nguyện. 7/ chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh. 8/ chánh định: quán tưởng thiền định hay nhiếp  tâm chân chánh.

(3)  Tam giải thoát môn là ba cửa giải thoát. Ðó là Không, Vô Tướng và Vô Nguyện. 1/ Không: vạn pháp ở thế gian này đều không. 2/ Vô Tướng: các pháp nói chung không có thể tướng nhất định mà do giả hợp tạo thành. 3/ Vô Nguyện hay Vô Tác: không mong cầu gì hay không tạo tác riêng tư cho mình. Hành giả do ba cửa giải thoát này mà đạt tới Niết Bàn an lạc.

(4)  Pháp bất nhị: pháp môn không hai, tức pháp Ðại Thừa duy nhứt, ngoài ra không  còn thừa nào khác.

(5)  Các pháp trợ đạo Bồ Ðề gồm chung trong 37 phẩm được phân ra như sau: 1/ Tứ niệm xứ (xem c.th. 1 trên),  2/ tứ chánh cần: bốn pháp luôn cần hành: a) điều ác chưa sanh đừng cho sanh, b) ác đã sanh làm cho tiêu diệt, c) thiện chưa sanh khiến phát sanh, d)  thiện đã sanh làm cho tăng trưởng. 3/ tứ nbư ý túc: bốn pháp biết đủ như ý. a) dục như ý túc, b) niệm như ý túc, c) tinh tấn hay nhứt tâm như ý túc, d) định như ý túc. 4/ ngũ căn: năm căn là: a) tín (niềm tin), b) tấn (dũng mãnh tiến tới), c) niệm (suy nghĩ chín chắn kỹ lưỡng, d) định (quán tưởng thiền định), e) huệ (trí huệ). 5/ ngũ lực là tín, tấn, niệm, định, huệ lực, tức sức mạnh của 5 căn phản ảnh trung thực đúng với công hạnh tu tập của hành gỉa. 6/ thất Bồ đề phần hay còn gọi là thất giác chi hoặc thất Thánh Tài là bảy pháp trợ lực mạnh mẽ trong việc tu tập, a) trạch pháp (chọn lựa pháp môn tu thích hợp), b) tinh tấn, c) hỷ (hoan hỉ, tha thứ đối với người khác), d) khinh an (nhẹ nhàng thư thái), e) niệm (như trên), g) định (như trên), h) xã (buông xã không dính mắc). 7/ bát chánh đạo (xem c.th. 2 trên).

(6)  Ngũ dục hay năm thứ khoái lạc là: 1/ tiền tài, 2/ sắc đẹp, 3/ danh thơm, 4/ ăn ngon mặc đẹp, 5/ ngủ nghỉ.

(7)  Tướng bỉ thử: tướng còn phân biệt giữa người với ta có sự cách biệt nhau, giữa kẻ thân người sơ, kẻ yêu người ghét. Vì còn thấy có các tướng như thế nên việc tu hành khó giải thoát được.

(8)  Ngũ thông: năm phép thần thông. Trong 6 phép thần thông, trừ lậu tận thông, chỉ có Phật mới đạt được (xem c,th, 37 q.I)

(9)  Ngũ ấm: năm thứ chứa nhóm, tập hợp hay còn gọi là ngũ uẩn: a) sắc (sắc thân hay sắc chất), b) thọ (nhận chịu, có ba hình thức: khổ, lạc, và không khổ không vui gọi là xã thọ), d) tưởng (tưởng tượng hay nghĩ tới đối tượng), e) hành (hành vi tạo tác từ ý niệm khởi), e)  thức (hiểu biết, phân biệt đúng sai, chánh, tà...).

(10)   Pháp nhãn: con mắt pháp, tức là con mắt trong đạo lý. Một trong ngũ nhãn của Phật và Bồ Tát là nhục nhãn, huệ nhãn, thiên nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn. Pháp nhãn soi rõ thấu suốt tất cả vạn pháp. Bồ Tát dùng pháp nhãn quán xét vạn pháp rốt ráo đến tột cùng để độ khắp tất cả chúng sanh.

(11)   Pháp vô sanh nhẫn: pháp vô sanh hay pháp nhẫn nhục tuyệt vời của người tu hành đã đạt đến chân lý. Vạn pháp vốn không sanh thì cũng không diệt; nếu thấu triệt như thế là được giải thoát, đạt đến Niết Bàn tịch tịnh.

(12) A tăng kỳ: số tự dùng chỉ số nhiều không thể tính đếm bằng toán số được nên gọi là vô số. Một a tăng kỳ kiếp là một thời hạn vô số kiếp (cõi). Một a tăng kỳ gồm con số 1 và theo sau 47 số zéro.

(13) Pháp đà la ni: đà la ni có nghĩa là trì (giũ gìn) hay tổng trì (giữ tất cả); có sức giữ, gom nhóm các pháp lành không để tản lạc mất, như món đồ tốt dùng chứa nước, nước không thể chảy ra ngoài được. Có bốn thứ đà la ni: 1) Văn hay pháp đà la ni, 2)  nghĩa đà la ni, 3) chú đà la ni,và, 4) nhân đà la ni. Pháp đà la ni đối với giáo pháp của đức Phật, nghe rồi thu nhiếp lấy không để quên mất. Nghĩa là nghĩa lý ý thú các pháp, giữ gìn, ghi nhớ không quên. Chú hay chơn ngôn, thần chú. Những câu bí mật của chư Phật, Bồ Tát truyền lại trợ lực cho việc tu hành, trừ dứt những sự độc ác,   thọ trì tất cả không quên; cũng gọi là pháp ấn hay linh phù. Nhân đà la ni là nhân cái thật tướng của các pháp, hành giả nhẫn nhục an trụ được thì thân tâm không xao động.

(14)12 bộ kinh trong Tam Tạng Thánh điển gồm:

1/ Tu Ða La hay khế kinh, tức kinh trường hàng, văn xuôi

2/ Kỳ Dạ (Geya) hay trùng tụng, văn lặp đi lặp lại, thể văn vần, kệ

3/ Xà Dà La Na hay Hòa Ca la na: thọ ký

4/ Dà Ðà (Gâtha): phúng tụng hay cô khởi

5/ Ưu Ðà Na (Udana): tự thuyết. Kinh do Phật tự thuyết không có người thưa thỉnh, như Kinh A Di Ðà chẳng hạn.

6/ Xà Ðà Dà (Jàtaka): bổn sanh

7/ Y Ðế Mục Ða Da (Itivrtaka): bổn sự

8/ Ni Ðà Na (Nidana): nhân duyên

9/ A Ba Ðà Na (Avađàna): thí dụ

10/ Phương Quảng hay Tỳ Phật Lược (Vaipulya)

11/ Vị Tằng Hữu hay A Phù Ðà Ðạt Ma (Adbhutahdarma)

12/ Ưu Bà Ðề Xá (Upadêsa): luận nghị hay luận thuyết.

(15)Nghiệp báo: nghiệp là hành vi tạo tác có thiện, ác; báo: đáp ứng lại, trả lại có vui, có khổ do đời trước ta làm lành hay làm ác chiêu cảm nên, đến thời kỳ phải thọ báo.

(16)Núi Tu Di: một ngọn núi cao lớn nhất thế giới nơi chư Thánh, Tiên thường ngự trên đỉnh. Ðức Phật Thích Ca cũng có một thời ngự trên đỉnh Tu Di để thuyết pháp cho bốn vị thiên vương: Trì Quốc Thiên Vương (chủ trị phương Ðông), Quảng Mục Thiên Vương ( phương Tây), Tăng Trưởng Thiên Vương (phương Nam), và Ða Văn Thiên Vương (phương Bắc). Núi Tu Di có nhiều đặc điểm, nên trong kinh thường dùng để so sánh với những việc lớn lao không gì địch lại.

(17)Sáu thời: Khoảng thời gian tính theo âm lịch trong một ngày; mỗi giờ theo âm lịch tương đương 2 tiếng đồng hồ. Ban ngày tính từ giờ thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân đến giờ dậu, ban đêm từ giờ tuất, hợi, tý, sửu, dần đến giờ mẹo (7 giờ tối đến 7 giờ sáng).

(18)Ba đường ác: địa ngục, ngạ quỉ (quỉ đói), súc sanh hay sáu giống vật nuôi trong nhà.

(19)Ba độc là tham, sân, si rất độc hại, phá hủy các thiện căn, làm hại đời sống của chúng ta, do thân, khẩu, ý tạo nên.

(20)Bốn châu: cõi thế gian này phân thành bốn châu trong thiên hạ.

1/ Ðông Thắng Thần châu: cõi này hình tròn, dân cư là chư thần sống đến 600 tuổi.

2/ Tây Ngưu Hoá châu ở về hướng Tây núi Tu Di. Ở cõi này có rất nhiều bò mà người ta dùng thay cho tiền bạc trong việc buôn bán, nên gọi là Ngưu Hóa vậy.

3/ Nam Thiệm Bộ Châu: là cõi chúng ta đang sống, ở về phương Nam núi Tu Di.Ở trung tâm châu này có loại cây Diêm Phù.

4/ Bắc Cu Lô châu, cũng gọi là Uất Ðan Việt, ở về hướng Bắc núi Tu Di. Người cõi ấy sống lâu đến 1000 tuổi, được an vui, bình đẳng, tức cõi của chư Tiên nhơn chung ở.

(21)Bảo cái, tràng phan: bảo cái là cây lọng che lớn phủ trùm ra chu vi rộng từ 1m đến 1m50; tràng phan: cờ phướn dài treo thòng xuống mỗi khi chùa, đình có lễ lược gì quan trọng, hay dùng trang hoàng chỗ Phật, Thánh, Thần Tiên... cho được trang nghiêm.

(22)Bảy cành hoa sen: con số tượng trưng. Ở đây là thất giác chi hay thất Bồ Ðề phần; trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xã.

(23)A Dật Ða: có nghĩa là vô năng thắng, tên của đức Bồ Tát Di Lặc (Maitreya Buddhisattva) là vị Phật tương lai. Ngài là bậc giáo chủ cõi Long Hoa và sẽ hạ sanh kế thừa đức Thích Ca Mâu Ni Phật.

(24)Pháp bất công: pháp không đồng nhau, có cao thấp cho hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.

(25)Bất hư hạnh: hạnh không hư dối, hạnh chân thật; cũng tức hạnh Bồ Tát hay hạnh  của Phật.

(26)Pháp quán tượng vương: một pháp quán vượt hơn hết có mãnh lực phi thường như voi chúa dẫn đầu, làm bẻ dẹp tất cả mọi vọng niệm, mê chấp...

(27)Sư tử phấn tam muội: sức thiền định vận dụng toàn thân tâm lực hùng mạnh như sức sư tử dũng dước, không con thú nào bì kịp. Phật cũng vậy, dùng định lực oai mãnh, sức phấn tấn của Ngài thì không một chúng sanh nào sánh kịp. tức Phật dùng định lực mạnh mẽ, phi thường, mau chóng không gì bằng.

(28)Vô kiến đảnh tướng: Tướng trên đỉnh đầu của đức Phật, người phàm phu không thể thấy được. Trên đỉnh đầu của Phật có tướng nhục kế, tức khối thịt lồi lên như búi tóc, là một trong 32 tướng tốt mà chỉ có đức Phật mới có được. Có tướng thật mà không trông thấy nên gọi ‘‘vô kiến’’ là vậy.

Tam chuyển pháp luân, tức ba lần đức Phật chuyển xe pháp để lợi lạc hữu tình. Ðó là chuyển pháp lần thứ nhất tại vườn Lộc Uyển với pháp Tứ Ðế độ 5 anh em ông Kiều Trần Như chứng được thánh quả A La Hán. Lần thứ hai, Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa độ cho vô số chúng sanh vào Ðại Thừa, được Phật tuệ. Lần thứ ba, Phật giảng kinh Niết Bàn, nói về Phật tánh: thường, lạc, ngã, tịnh độ hàng thượng căn, thượng trí đạt đến giải thoát an lạc.

 


Xem dưới dạng văn bản thuần túy