× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



6- Phẩm Niệm Xứ thứ sáu

Phật bảo ngài Bạt Ðà Bà La rằng, vào một thời trước kia có những người thiện nghĩ thế này, chúng ta phải y theo tứ niệm xứ (1) tu tập. Tứ niệm xứ là trong Thánh pháp bao gồm tất cả các pháp nên gọi là niệm xứ. Tại sao như thế? Vì các pháp tự tánh thường hằng không hoại. Pháp niệm xứ là chỗ trụ của cửa vào đầu tiên, đến cửa bát chánh đạo (2) và ba cửa giải thoát (3). Cửa giải thoát là lấy pháp bất nhị (4), xa lìa hai bên được giải thoát thánh trí. Pháp bất nhị là pháp vô sở hữu. Vì vô sở hữu nên vô tận, gọi là chánh kiến, xa lìa cả hai bên. Gọi hai bên tức là từ không không có cái chân thật vậy.

Này Bạt Ðà Bà La, ông nên biết rằng Như Lai không đem chỗ thấy một bên mà xa lìa một bên. Vốn không có một bên nên nói xa lìa hai bên. Chư Phật Thế Tôn lìa tất cả pháp; kiến chấp kẻ trí không giống như người phàm phu.

Này Bạt Ðà Bà La, cầu thấu triệt chân tướng của pháp thì bất khả đắc nên phải xa lìa. Pháp vốn hư vọng không được không mất. Này Bạt Ðà Bà La, do nghĩa này nên trước kia có vị trời đến hỏi ta rằng:

- Sa môn vui mừng chăng?

- Ta đáp: tôi được pháp gì mà có sự vui mừng ư?

- Vị trời lại hỏi: không ưu tư chăng?

- Ta lại đáp: có mất pháp gì mà có sự lo lắng ư?

- Lại hỏi nữa rằng: không mừng không lo chăng?

- Ta đáp: như vậy.

- Trời nói: hay thay, không mừng, không lo !

- Ta lại hỏi vị trời: ngươi có hiểu ý ta muốn nói gì không?

- Trời đáp: tôi nghĩ sa môn ở chỗ an ổn vắng lặng.

Này Bạt Ðà Bà La, ông xem vị trời kia chóng được pháp của ta chăng? Vị trời thuở đó, nay trong hội này biết tất cả các pháp bổn tánh vắng lặng, nên biết rằng vị trời kia xưa đã từng cúng dường 500 đức Phật, nên đối với trong giáo pháp ta thông đạt một cách mau chóng. Vì thế Phật nói không gieo thiện căn hay thiện căn chưa thuần thục thì pháp Thanh Văn còn chưa hiểu nổi, huống gì là giáo pháp của ta mà chóng thông đạt ư?

Này Bạt Ðà Bà La, người nào nghe pháp như đây mà có thể thông đạt được liền, nên biết là đã có gieo trồng chút ít công đức lành với một nghìn đức Phật rồi. Tại sao lại như thế? Vì thiện căn sâu rộng có thể đạt được trí huệ vi diệu.

Lúc đó Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bảo Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ Tát, Tinh Ðắc Bồ Tát, Na La Ðạt Bồ Tát, Ðế Thiên Bồ Tát , Thủy Thiên Bồ Tát, Thiện Lực Bồ Tát, Ðại Ý Bồ Tát, Ích Ý Bồ Tát, Tăng Ý Bồ Tát, Bất Hư Kiến Bồ Tát, Thiện Trụ Ý Bồ Tát, Quá Lực Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Nhựt Tạng Bồ Tát... 500 vị Bồ Tát như thế, mỗi vị đem rải hoa cúng dường đức Phật và bạch rằng, bạch Thế Tôn: nếu có chúng sanh cầu được các kinh này mà được nghe chắc chắn đều được đạo Bồ Ðề. Vì nhân duyên như thế nên mười phương chư Phật hiện tại được thỉnh trụ lâu ở đời để thuyết pháp, làm cho họ được đầy đủ các pháp trợ đạo Bồ Ðề (5).

Lúc bấy giờ Phật hỏi ngài Bạt Ðà Bà La, chúng sanh đối với các ông có những lợi ích gì mà phát đại nguyện thỉnh Phật trụ lâu ở đời thuyết pháp làm cho họ đầy đủ trợ đạo Bồ Ðề? Ngài Bạt Ðà Bà La bạch Phật rằng, thưa Thế Tôn, con không nghĩ rằng đem chỗ chúng sanh làm tổn hại hay lợi ích cho con mà phát đại nguyện. Những chúng sanh này làm lợi ích cho con là làm cho Phật Pháp tồn tại ở đời. Ðối với con có tổn hại, song Phật pháp không tồn tại thì chư Bồ Tát cũng không phát đại nguyện như thế. Cũng như Thế Tôn, lúc cây Ba Lợi Chất Ða, hoa lá Câu Tỳ Sa sung thạnh, các vị trời Ðao Lợi thấy hoa lá sum sê, tâm rất hoan hỷ ở dưới gốc cây, với năm thứ dục lạc tự được thỏa mãn. Thưa Thế Tôn, các vị trời Ðao Lợi đối với cây chúa này bị tổn thương hay có lợi gì mà khiến cho tâm chư thiên sanh ra ưa thích đến dưới gốc cây để thỏa mãn 5 món dục lạc (6); khi trông thấy cây liền được vui mừng vô kể. Chư Bồ Tát cũng thế, không lấy việc chúng sanh làm lợi hay thương tổn mà phát đại nguyện trang nghiêm. Chư vị Bồ Tát chỉ nghĩ rằng, lúc nào phải đạt được trí huệ Phật làm chỗ nương tựa cho vô số chúng sanh trong 10 phương thế giới; như cây thiên thọ kia nở hoa trùm khắp niềm vui của chư thiên, làm cho chúng sanh lấy pháp ngũ căn của Phật tự vui với các thiện pháp. Như cây chúa cõi trời ấy, chư thiên ở dưới gốc tự vui thích 5 món dục lạc.

Lại nữa, thưa Thế Tôn: lìa chúng sanh mà phát nguyện trang nghiêm chẳng còn có chúng sanh; cũng như lìa cái NGÃ vậy. Lìa pháp mà phát đại nguyện chẳng còn các pháp, lìa ấm (7) mà phát đại nguyện chẳng còn các ấm, lìa giới mà phát đại nguyện chẳng còn giới, lìa nhập mà phát đại nguyện chẳng còn các nhập.

Bạch Thế Tôn, trong các pháp trang nghiêm ấy không có các quả, hễ trang nghiêm phải lìa hết. Do cái quả không, nên đối với các pháp không thủ không bỏ mà phát đại nguyện. Bạch Thế Tôn, không có tướng trang nghiêm như thế, ấy là chỗ trang nghiêm; chỗ trang nghiêm đều bất khả đắc. Bạch Thế Tôn, nếu còn sở đắc là còn NGÃ; cho nên Bồ Tát, không nhận hoặc NGÃ hay VÔ NGÃ. Nếu nhận vô ngã có ngã chấp, không gọi được là Vô ngã, vô thọ nhận. Thưa Thế Tôn, do cái nghĩa đây mà phát nguyện trang nghiêm ở thế gian này, nên trong lời đại nguyện không còn tướng bỉ thử (8) nữa.

- Phật hỏi Bạt Ðà Bà La rằng: phát nguyện như thế có lợi gì?

- Ðáp: thưa Thế Tôn, con phát đại nguyện không thấy có phàm phu và pháp để học.

Ðối với cái NGã phải lìa, Phật Pháp nên gần gủi. Con cũng chẳng thấy Phật Pháp như thế là Phật Pháp. Thưa Thế Tôn, con phát đại nguyện không còn thấy có chỗ lợi hại. Vì còn thấy như thế là đối với các tướng thế gian.

Lúc bấy giờ chư vị Bồ Tát đều rãi hoa và hiện thần thông dạo khắp 10 phương cúng dường chư Phật, giáo hóa chúng sanh làm cho Phật Pháp trường tồn.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy