× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Thủ



27 - Phẩm Tạp thứ hai mươi bảy

Phật bảo Xá Lợi Phất rằng có bốn pháp cứu độ. Những gì là bốn?

1) Chúng sanh sợ hãi Như Lai cứu độ

2) Kẻ rơi vào đường tà, bậc Thánh cứu độ

3) Những người tạo nghiệp ác nhờ bốn niệm xứ để cứu dộ

4) Những người ở trong tám nạn, Bồ Tát có thể cứu độ. Ðó là bốn pháp.

Xá Lợi Phất có bốn pháp an lạc. Những gì là bốn?

1) Sanh ra đời được gặp Phật

2) Sanh ra nơi không các chướng nạn

3) Chánh tín Phật pháp

4) Ðủ chánh kiến thánh thiện. Ðó là bốn pháp.

Xá Lợi Phất, lại còn bốn pháp có thể tạo nên sự nghiệp. Những gì là bốn?

1) Bốn đại điều hòa làm cho thân thể an lạc

2) Có chánh kiến nên tâm được thanh tịnh chất trực

3) Thấy Phật phát niệm tin, vì người tạo nhân an lạc

4) Phát tâm vô thượng nên trừ được các phiền não của vô số chúng sanh. Ðó là bốn pháp có thể thành sự nghiệp.

Lại này Xá Lợi Phất, ở đời có bốn điều nguyện ước. Những gì là bốn?

1) Người bịnh héo hắt (lo sầu) mong được khỏi

2) Ðói khát dằn vặt mong được ăn uống

3) Khổ não bức ngặt mong muốn thoát ra

4) Kẻ đi đường xa mong được an ổn. Ðó là bốn điều mong ước.

Này Xá Lợi Phất, trong thế giới có bốn chỗ tham chấp, do tham chấp nên đọa vào đường ác. Những gì là bốn?

1) Một là tiếc thân mạng

2) Hai là muốn sống lâu

3) Ba là tham tư lợi, tài sản

4) Bốn là đắm mê sắc dục.

Ðó là bốn tham chấp.

Này Xá Lợi Phất, có bảy chỗ chứa gọi là chứa hơi, chứa sống, chứa chín, chứa lạnh, chứa nóng, chứa thấy, chứa dục; trong các chỗ chứa ấy, chứa dục là sâu thẳm hơn hết. Dục này nương vào gì? Dục đây nương nước mắt, nước bọt, đờm, dãi, mũ, máu, gân, xương, da, thịt, tim, gan, ngũ tạng, ruột già, bao tử, bàng quang (bọng đái)...

Lúc bấy giờ trong chúng có một người cư sĩ tên là Tuyển Trạch, có vợ tên là Diệu Sắc, diện mạo đẹp đẽ, hình dung đĩnh đạc. Cư sĩ luôn luôn yêu mến vợ nên phiền não dẫy đầy. Khi nghe Phật nói thế, liền bạch Phật rằng, bạch đức Thế Tôn: đừng nói thế. Tâm dục chỉ khởi ở đường bàng quang. Tại sao? Vì vợ con đẹp đẽ không một vết nhơ nào cả. Phật biết ông cư sĩ tham đắm dục tình sâu nặng, tức thì hóa thành một phụ nữ đẹp đẽ nhan sắc giống như Diệu Sắc, khoan thai từ từ bước vào nhập chúng. Cư sĩ trông thấy nghĩ rằng, vợ ta tại sao vào trong chúng đây? Nghĩ xong bèn hỏi: có việc gì em lại tới đây? Ðáp rằng: muốn nghe đức Thế Tôn thuyết pháp. Cư sĩ liền vén y ngồi xuống. Phật dùng thần lực khiến cho người đàn bà vẩy phẩn dơ vào áo cư sĩ, làm ông ta không thể chịu nổi được mùi hôi thối, nên dùng tay bịt mũi ngoáy nhìn sang bên phải. Hỏi: người này là ai? Lúc đó ngài Bạt Nan Ðà ngồi bên phải, hỏi cư sĩ: tại sao ông bịt mũi nhìn tôi là nổi gì? Cư sĩ đáp: chỗ này thật là bất tịnh.

Phật dùng thần lực làm cho Bạt Nan Ðà và đại chúng trông thấy người đàn bà trây phẩn dơ trên áo cư sĩ. Lúc đó Bạt Nan Ðà bảo cư sĩ rằng, ông hãy xem vợ ông đang trây mùi hôi hám kìa! Cư sĩ đáp: tôi không tin điều đó. Vợ tôi sạch sẽ, thân thể không hề dơ bẩn. Nếu người nào nghi nên tự xét lấy; báo cho Bạt Nan Ðà biết, theo ý tôi thì chính ông làm dơ uế đó.

Lúc đó Bạt Nan Ðà phát cáu, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bảo Tuyển Trạch: ông không biết hổ thẹn, ai cho tên ông là cư sĩ đa? Phải gọi ông là cư sĩ đái mế mới đúng! Tại sao không lấy tay lột áo trên của vợ ông ra? Lúc vợ ông ngồi đã có mùi phẩn xông lên rồi. Ông ngồi tiểu dải ra đó dơ dáy đã không biết xấu hổ, lại còn muốn vu khống cho người ta. Lúc đó trong chúng đồng hô to lên: ông cư sĩ đái mế này nên dan ra khỏi chúng. Họ chỉ vào ông mà bảo: người nhơ nhớp không nên ở trong chúng, rồi lấy tay lôi ông ra khỏi. Lúc đó Tuyển Trạch càng ngờ vực bảo vợ: tôi thương mến bà nên cho mặc y pháp. Bà là pháp của bậc đại nhân có xứng đáng làm vậy không? Vợ liền đáp: ông đại tiện ra đấy thì phải nhận chớ?

Lúc đó cư sĩ phát chán nãn muốn cởi bỏ áo dính phẩn để khỏi bẩn thân thể. Cư sĩ hỏi ngài Bạt Nan Ðà: có cách gì làm cho hết mùi hôi thối không? Bạt Nan Ðà nói: phẩn dãi không trực tiếp làm dơ uế thân ông mà có những thứ làm cho suy não từng phần thân thể. Nếu muốn xa lìa thì nên đi xa, vì vợ ông trây trắc phẩn làm cho đại chúng nhức đầu, phiền toái. Cư sĩ đáp rằng, các Ngài dòng họ Thích nên dũ lòng lân mẫn, các vị nở nào nặng lời như thế sao? Bạt Nan Ðà nói: như ông làm sao có thể thương xót được, lời Phật nói còn dám trái nghịch; ông cho vợ ông đẹp, không có điểm xấu nào. Nay ông nên tự xét việc tinh khiết không nên chê bai ta. Lúc đó cư sĩ gọi vợ bảo rằng, bà nên trở về đi, rồi xoay qua nói với Bạt Nan Ðà: tôi thấy rõ ràng, người đàn bà này ưa nịnh hót có quá nhiều lỗi lầm, bất tịnh không thể tưởng, nên tôi quyết lánh xa muốn theo Phật xuất gia làm đạo. Bạt Nan Ðà nói: hình thể ông đang nhơ nhớp thế kia, nếu dùng dầu thơm xoa phải trong nhiều năm, may ra mới có thể kham nổi việc xuất gia được. Cư sĩ trả lời rằng, nếu tôi bôi dầu thơm trong nhiều năm, cái thân vô thường hoặc Phật diệt độ mất có phải làm hỏng nhân duyên xuất gia cầu đạo của tôi không? Nay nếu thấy nghe mà được xuất gia tôi quyết không trở lại thành ấp, xóm làng nữa. Lấy tăng phòng, tịnh xá làm chỗ tịnh tu, đi xin ăn, mặc áo nạp (1), ở nơi vắng vẽ ai nghe biết tiếng xấu của tôi đâu.

Phật nghe thế bảo: này cư sĩ, ông muốn xuất gia theo giáo pháp của ta, phải không?

- Mong thay, đức Thế Tôn!

- Phật bảo: lành thay! ông muốn làm sa môn tu hành giới hạnh thanh tịnh, tức thì râu tóc cư sĩ tự nhiên trụi nhẵn, thân mặc áo ca sa (2), mang bình bát như hình dáng các thầy tỳ kheo.

Phật vì ông nói pháp: khổ, tập, diệt, đạo. Nghe được pháp tứ thánh đế cư sĩ được pháp nhãn thanh tịnh, chứng quả Tu Ðà Hoàn. Phật vì ông thuyết pháp giáo hóa, dần dần ông được quả Tư Ðà Hàm, A Na Hàm, trãi qua đêm đó, ông mang y, cầm bình bát vào thành Vương Xá theo thứ lớp đi khất thực. Khi đến cổng chính, ông đứng bên ngoài. Lúc đó bà vợ Diệu Sắc trông thấy chồng mình cạo đầu, mặc áo tu, bà liền hỏi: ông theo đúng pháp xã bỏ tất cả để làm sa môn chăng? Tuyển Trạch đáp: hôm qua bà trây trét trên áo tôi đồ dơ uế làm bẩn cả thân tôi. Diệu Sắc nói: ông làm tỳ kheo mà đi vu khống người ta hả? Tôi từ nhà thân phụ đến nhà ông chưa thấy cửa ngoài huống gì đi tới Trúc Viên vào chỗ đại chúng?

Lúc bấy giờ tỳ kheo bảo Diệu Sắc rằng, có Bạt Nan Ðà là người trong đại chúng thấy và đuổi ta ra khỏi. Lúc đó có một ác ma theo sát Tuyển Trạch và bảo rằng, người ông thấy hôm qua đó không phải là Diệu Sắc đâu mà do sự biến hóa ra để mê hoặc tâm ông đấy, nay thì ông có thể trở lại vui trong ngũ dục. Sa môn Cù Ðàm (3) khinh dễ ông đến thế sao! Ông chỉ giả dối không phải là tỳ kheo thật. Sa môn Cù Ðàm thường dùng thuật này làm mê hoặc nhiều người, khiến người xuất gia như nay đang dối gạt ông đây. Tuyển Trạch tỳ kheo chứng được chân pháp nên biết ma hiện ra, liền bảo ác ma: ngươi biến hóa, ta cũng biến hóa, Diệu Sắc đây cũng đều biến hóa. Phật thuyết pháp không có biến hóa.

Lúc bấy giờ Diệu Sắc nghe pháp xong liền xa lìa trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, dứt hết nghi ngờ, không tin theo lời khác, ở nơi Phật pháp được sức vô úy, nói với Tuyển Trạch: thật lành thay! Nay đối với Phật pháp, muốn tu phạm hạnh, nên tôi cũng muốn xuất gia hành đạo.

Phật bảo Xá Lợi Phất rằng, nếu người phát tâm cầu đạo Bồ Ðề phải xa lìa bốn pháp. Những gì là bốn?

1) Xa lánh bạn bè phe nhóm ác, và những người ác tri thức, không có hạnh lành. Ðó là pháp đầu tiên phải nên xa lánh.

2) Người phát tâm cầu đạo Bồ Ðề phải nên xa lánh không nên đắm mê nữ sắc, không làm việc chung đụng với người đời. Ðó là pháp thứ hai phải nên xa lánh

3) Người phát tâm Bồ Ðề phải xa lánh sách luận ngoại đạo, sách về lõa thể, sách của phái Lộ Già Da (4), Mạt Già Lợi... không phải là những lời Phật nói, không nên gần gủi, nghe nhận, đọc tụng. Ðó là pháp thứ ba cần phải xa lánh.

4) Nếu người phát tâm cầu đạo vô thượng không nên gần gủi tà kiến, ác kiến. Ðó là pháp thứ tư cần phải xa lánh.

Này Xá Lợi Phất, Như Lai không thấy có pháp nào khác ngăn trở lớn Phật đạo bằng bốn pháp này. Vì thế Bồ Tát phải nên xa lià. Xá Lợi Phất, nếu muốn chóng đạt được đạo vô thượng Bồ Ðề phải tu bốn pháp. Những gì là bốn?

1) Bồ Tát nên theo thiện tri thức, vì bậc thiện tri thức ấy chính là chư Phật. Nếu Thanh Văn làm cho Bồ Tát trụ trong pháp thâm sâu của trí huệ, cũng là thiện tri thức của Bồ Tát, nên gần gủi, kính lễ.

2) Bồ Tát nên thân cận người xuất gia, cũng như nên gần gủi pháp vắng lặng

3) Nên lìa xa nữ sắc

4) Phải nên thân cận tu tập pháp không, chánh kiến, xa lìa tà kiến.

Xá Lợi Phất, nếu chư Bồ Tát muốn chóng đạt được vô thượng Bồ Ðề phải thân cận bốn pháp như thế.

Lúc đó đức Thế Tôn muốn làm cho rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:

Xa lánh hẳn người nữ

Và cả tri thức dữ

cũng xa luận ngoại đạo

Tà kiến tránh xa ráo.

Nếu gần gủi người nữ

và kẻ tri thức dữ

Xét luận ngoại đạo nữa

tà kiến hẳn tăng trưởng.

Vì tà kiến bám vướng

đọa ác nạn lẽ thường

Tám nạn (5) khó lìa được

cũng khó tin Phật pháp.

Như người ưa làm ác

nên chuyên tạo ác hạnh

thì ác thú chuyển sanh.

Người cầu đạo hiểu rành

nữ sắc chớ có gần

phải xa lánh thì hơn;

Quán xét như chuồng heo.

Ác tri thức chớ theo

rơi vào nơi phi pháp.

Nếu làm điều xấu ác

khiến niềm tin người mất.

Nếu ngoại đạo ưa gần

bọn Ni Kiền luận sư

lời lẽ tuy nghiêm từ;

nhưng chứa bao ác sự.

Quyết xa lìa chúng dữ

thì tránh khỏi tà sư.

Ta nói bốn pháp như

lại qua bờ sanh tử

đoạn lìa pháp tệ hư.

Tập gần hạnh khiêm từ

như ta trong quá khứ

thực hành pháp chân như.

Xuất gia phạm hạnh giữ

thiện tri thức gần gũi.

Chư đệ tử, Phật lực

khiến ta nương Phật đức

thường tu hạnh "không nhàn"

trống vắng và rãnh rang.

Tuy thực hành pháp không

mà chẳng chút bận tâm

như pháp và sở đắc

cả hai chẳng phải không

ấy thật là "chân không"

Thế gian khó đo cùng

ta vì Phật đạo dùng

các pháp thông tu tập.

Pháp thông thật tinh vi

trí phàm phu khó bì.

Lúc ta cầu Bồ Ðề

kinh pháp đều được nghe

trong tâm tự nghĩ suy

chẳng theo tà thuyết khác.

Ta tự hiểu thấu đạt

diễn nói nhiều người khác

ấy là đạo chánh chân.

Không, vô ngại, tịnh thanh

trong không, chẳng có sanh

và già cũng không thành.

Trong không cũng chẳng tử

ấy là tướng thường trụ

và là pháp thật tướng

đạo mầu thấu triệt được

dẹp phá chúng ma binh

được đạo quả vô sanh

Ðem chỗ ta đắc pháp

ra diễn nói cho người

chứng đạo vô thượng rồi,

thì không còn chuyển tướng.

Nếu muốn đạt Phật hướng

và ngồi tòa đạo tràng

phá dẹp chúng ma vương

tu pháp quán "không" thường.

Nếu có người muốn chuyển

pháp luân vô thượng truyền

Ðộ chúng sanh vô biên

nên học pháp không huyền.

Muốn nương mười lực Phật

vô sở úy bốn bậc

như tiếng sư tử rống

phải học các pháp không.

Muốn nghe nhiều hiểu rộng

truyền bá khắp mười phương

chính tâm tu tập thường

hiểu rõ pháp không nương

Chư Bồ Tát bậc trí

theo học pháp không tướng

đạt Bồ Ðề vô thượng

bậc trí tuệ cao vọi,

Tỳ kheo ni, tỳ kheo

nếu theo học hạnh ta

cũng chứng đắc đạo quả,

như ta chẳng lạ xa.

Chẳng phải hai chúng đây

tu hành pháp ‘không’ nầy

mà tất cả chúng sanh

Phật đạo được viên thành.

Ta vào thẳng đạo tràng

tu tập pháp không nhàn

hiểu rõ tướng thế gian.

Chứng vô thượng chánh giác

nhờ tu hành đúng pháp

nên được trí vô ngại

Chư Phật chứng chân đạo

do tập hạnh ‘pháp không’

Chư Bồ Tát một lòng

vì lợi ích chúng sanh

nên phải học pháp tông

gọi là các ‘Pháp Không’

Này Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát còn có bốn pháp đời đời chuyển thân sanh ra không mất chánh niệm theo đúng pháp tu hành. Ðối với các pháp có tâm quyết định được biện tài vô ngại, luận giỏi, luận sâu và biện bác tuyệt luân. Chư Phật biết rõ nên gia trì thần thông lực cho đời sau được ủng hộ Phật pháp. Những gì là bốn?

1) Thường ưa xuất gia đời đời tu tập pháp xuất thế, vì lợi ích chúng sanh. Tâm cầu pháp không chán, thuyết pháp không hề mỏi mệt. Tu pháp không nương vào các tướng hoại diệt. Thường tinh tấn tu niệm Phật tam muội, ở trong mọi duyên mà không tranh luận. Ðó là pháp thứ nhất không mất chánh niệm.

2) Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát tự cầu Phật đạo, nhiếp hóa chúng sanh khiến trụ trong giáo pháp, thường hay tán dương công đức chư Phật. Ðó là pháp thứ hai không mất chánh niệm.

3) Xá Lợi Phất, Ðại Bồ Tát đạt được pháp vô sanh vi diệu. Ðó là pháp thứ ba không mất chánh niệm.

4) Bồ Tát lúc mạng chung tâm không tán loạn, thường niệm Phật và các pháp nhiệm mầu. Ðó là pháp thứ tư được pháp nhẫn vi diệu không mất chánh niệm.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn muốn làm rõ nghĩa trên nên nói bài kệ rằng:


Bồ Tát hằng cầu pháp

pháp bố thí rộng khắp.

Vì thế trong các pháp

chánh niệm trọn không mất.

Vô số chúng độ tận

khiến trụ nơi đạo Phật.

Ðời đời lúc chuyển thân

chánh niệm thường chẳng mất

xưng tán được gần Phật

vắng lặng pháp thậm thâm.

Vì thế Bồ Tát chúng

được pháp ‘vô sanh nhẫn’;

cũng chẳng tưởng ‘vô sanh’

Vô sanh tức không sanh

do tu pháp ‘nhẫn’ thành

nên chẳng mất niệm chánh

Hàng Bồ Tát bậc trí

chẳng tán tâm lúc mất

thường chuyên niệm hiệu Phật.

Nhiệm mầu trong Phật pháp

người kia lúc hối hấp

tâm tư không lui sụt;

đời đời chuyển đổi thân

chánh niệm vẫn hằng còn.

Vì thế nếu có người

muốn thành đạo chánh chân

tu tập phải nhất tâm

như bốn pháp trên đây

là pháp hay bậc nhất

xưng tán từ chư Phật.

ta cũng ngợi khen thật.

Các vị phải tu tập

là niệm Như Lai pháp.

Tất cả vì lợi ích

đại chúng Phật diễn thuyết

chẳng riêng diễn cho ai.

Nếu ông cầu Phật trí

phải tu pháp Như Lai.

Tu học đạo nhiệm mầu

từ đây sanh Phật tuệ.

Người nào tâm biếng trễ

ý định lui ngưng trệ

trọn chẳng nên Phật đạo

phải tránh xa việc hão...

Nương tâm ta người nào

không theo chúng sanh tưởng.

Nếu dựa pháp bám nương

thành Phật khó mong được.

Phải lìa tâm kia trước

Tu tập pháp không tướng

diệt hết thảy loạn tưởng

trí sâu muốn đạt được

cũng chớ có dựa nương

nương tức loạn động vướng.

Vì ưa pháp như thế

qua lại trong tử sanh.


Chú thích:


(1) Áo nạp: áo chắp nhiều mãnh vãi ráp lại. Chiếc áo (hậu) của thầy tỳ kheo do nhiều mãnh vãi kết thành để cho không còn đẹp xinh nữa, tức là làm áo biến màu đi cho dễ việc tu hành, không bị quấy rầy.

(2) Cà sa: áo cà sa của tăng sĩ Phật giáo. Có ba loại: tăng già lê hay đại y gồm có 9 điều, 12, 17, 21 và 25 điều, uất đa la tăng là y 7 điều và an đà hội hay còn gọi là hạ y, tức y 5 điều.

(3) Cù Ðàm: hay Cồ Ðàm là một tên khác của đức Phật Thích Ca khi Ngài còn tại thế, chúng đệ tử xưng Ngài là sa môn Cù Ðàm.

(4) Phái Lộ Già Da, dịch nghĩa là thuận thế, một phái ngoại đạo có từ thời đức Phật, có nghĩa là thuận theo thế tục, nên không được xuất thế giải thoát.

(5) Tám nạn: tám thứ nạn chẳng may rơi vào trong đó là: 1) địa ngục, 2) ngạ quỉ, 3) súc sanh, 4) Bắc Cu Lô châu (vì sung sướng quá nên không tu hành được), 5) Cõi trời trường thọ, 6) đui, điếc, câm ngọng (manh, lung, ám á), 7) thế trí biện thông (thông minh biện bác theo thế gian nên không thể tu hành được), 8) sanh ra đời trước và sau Phật (cả hai thời kỳ ấy đều khó tu hành).
Xem dưới dạng văn bản thuần túy