× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Hoa Nghiêm



38. Phẩm Ly Thế Gian (2)

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười pháp giải-thoát :

Phiền-não giải-thoát. Tà-kiến giải-thoát. Những chấp thủ giải-thoát. Uẩn, xứ, giới giải-thoát. Siêu nhị-thừa giải-thoát. Vô-sanh pháp-nhẫn giải-thoát.

Nơi tất cả thế-gian, tất cả cõi, tất cả chúng-sanh, tất cả pháp, lìa chấp trước giải-thoát.

Vô-biên-trụ giải-thoát.

Phát khởi tất cả hạnh bồ-tát nhập bực Phật vô-phân-biệt giải-thoát.

Ở trong một niệm đều có thể rõ biết tất cả tam-thế giải-thoát.

Nếu chư Bồ-Tát an trụ pháp giải-thoát nầy thời có thể ra làm phật-sự vô-thượng, giáo-hóa thành-thục tất cả chúng-sanh.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười viên-lâm :

Sanh tử là viên-lâm của Bồ-Tát, vì không nhàm bỏ.

Giáo-hóa chúng-sanh là viên-lâm của Bồ-Tát, vì không mỏi nhọc.

Trụ tất cả kiếp là viên-lâm của Bồ-Tát, vì nhiếp những hạnh lớn.

Thanh-tịnh thế-giới là viên-lâm của Bồ-Tát, vì là chỗ dừng ở của Bồ-Tát.

Tất cả cung-điện ma là viên-lâm của Bồ-Tát, vì hàng phục chúng ma.

Tư duy pháp đã được nghe là viên-lâm của Bồ-Tát, vì đúng như lý quán-sát.

Sáu pháp ba-la-mật, bốn nhiếp pháp, ba mươi bảy pháp bồ-đề phần là viên-lâm của Bồ-Tát, vì là cảnh-giới tiếp nối đức Từ-Phụ.

Thập lực, tứ vô-úy, thập bát pháp bất-công, nhẫn đến tất cả phật-pháp là viên-lâm của Bồ-Tát, vì chẳng niệm nhớ những pháp khác.

Thị-hiện tất cả bồ-tát oai-lực tự-tại thần-thông là viên-lâm của Bồ-Tát, vì dùng đại thần-lực chuyển chánh pháp-luân điều phục chúng-sanh không thôi nghĩ.

Một niệm ở tất cả xứ vì tất cả chúng-sanh thị hiện thành chánh-giác là viên-lâm của Bồ-Tát, vì pháp-thân cùng khắp hư-không tất cả thế-giới.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ pháp nầy thời được hạnh đại an-lạc lìa ưu-não vô-thượng của Như-Lai.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười thứ cung-điện :

Bồ-đề tâm là cung điện của Bồ-Tát, vì hằng không quên mất.

Thập thiện nghiệp đạo phước-đức trí-huệ là cung điện của Bồ-Tát, vì giáo-hóa chúng-sanh cõi dục.

Tứ phạm-trụ thiền-định là cung điện của Bồ-Tát, vì giáo-hóa chúng-sanh cõi sắc.

Sanh Tịnh-Cư-Thiên là cung điện của Bồ-Tát, vì tất cả phiền-não chẳng nhiễm.

Sanh vô-sắc giới là cung điện của Bồ-Tát, vì khiến tất cả chúng-sanh lìa chỗ nạn.

Sanh thế-giới tạp nhiễm là cung điện của Bồ-Tát, vì khiến tất cả chúng-sanh dứt phiền-não.

Thị hiện ở nội-cung thê tử quyến-thuộc là cung điện của Bồ-Tát, vì thành-tựu chúng-sanh đồng hạnh thuở xưa.

Thị hiện ở ngôi Luân-Vương-Tứ-Thiên-Vương, Ðế-Thích, Phạm-Vương là cung điện của Bồ-Tát, vì điều-phục chúng-sanh tâm tự-tại.

Trụ tất cả bồ-tát hạnh du hí thần-thông đều được tự-tại là cung điện của Bồ-Tát, vì giỏi du-hí các thiền giải-thoát tam-muội trí-huệ.

Tất cả chư Phật thọ ký nhứt-thiết-trí quán-đảnh tự-tại vô-thượng là cung điện của Bồ-Tát, vì trụ thập-lực trang-nghiêm làm việc tự-tại của Pháp-Vương.

Nếu chư Bồ-Tát an trụ trong đây thời được pháp quán-đảnh nơi tất cả thế-gian thần-lực tự-tại.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười điều vui thích :

Thích chánh-niệm, vì tâm chẳng tán loạn.

Thích trí-huệ, vì phân biệt các pháp.

Thích qua đến tất cả chỗ Phật, vì nghe pháp không nhàm.

Thích chư Phật, vì đầy khắp mười phương không biên tế.

Thích Bồ-Tát tự-tại, vì tất cả chúng-sanh dùng vô-lượng môn mà hiện thân.

Thích các môn tam-muội, vì nơi một môn tam-muội nhập tất cả môn tam-muội.

Thích đà-la-ni, vì thọ-trì pháp chẳng quên, dạy lại cho chúng-sanh.

Thích vô-ngại biện-tài, vì nơi một đoạn một câu, phân-biệt diễn thuyết trải qua bất-khả-thuyết kiếp không cùng tận.

Thích thành chánh-giác, vì tất cả chúng-sanh dùng vô-lượng môn mà thị-hiện thân thành chánh-giác.

Thích chuyển pháp-luân, vì dẹp trừ tất cả pháp dị-đạo.

Nếu chư Bồ-Tát an trụ pháp nầy thời được pháp lạc vô-thượng của chư Phật Như-Lai.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười thứ trang-nghiêm :

Lực trang-nghiêm, vì chẳng thể hư-hoại.

Vô-úy trang-nghiêm, vì hay dẹp phục.

Nghĩa trang-nghiêm, vì nói bất-khả-thuyết nghĩa vô cùng tận.

Pháp trang-nghiêm, vì quán-sát diễn thuyết không quên mất tám vạn bốn ngàn pháp-tu.

Nguyện trang-nghiêm, vì không thối chuyển nơi hoằng thệ của chư Bồ-Tát đã phát.

Hạnh trang-nghiêm, vì tu hạnh phổ-hiền mà xuất ly.

Sát độ trang-nghiêm, vì đem tất cả cõi làm một cõi.

Phổ âm trang-nghiêm, vì mưa pháp-vũ cùng khắp tất cả thế-giới của chư Phật.

Lực trì trang-nghiêm, vì trong tất cả kiếp thật hành vô-số hạnh chẳng đoạn tuyệt.

Biến-hóa trang-nghiêm, vì nơi thân một chúng-sanh thị-hiện thân bằng số tất cả chúng-sanh, khiến tất cả chúng-sanh đều thấy biết cầu nhứt-thiết-trí không thối chuyển.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ pháp nầy thời được tất cả pháp trang-nghiêm vô-thượng của Như-Lai.



Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát phát mười tâm bất động :

Tâm bất động : nơi tất cả sở-hữu thảy đều xả được.

Tâm bất động : tư-duy quán-sát tất cả phật-pháp.

Tâm bất động : ghi nhớ cúng-dường tất cả chư Phật.

Tâm bất động : nơi tất cả chúng-sanh thệ không não hại.

Tâm bất động : khắp nhiếp chúng-sanh chẳng lựa oán thân.

Tâm bất động : cầu tất cả phật-pháp không thôi nghỉ.

Tâm bất động : số kiếp bằng số chúng-sanh thật hành hạnh bồ-tát chẳng mỏi nhàm, cũng không thối chuyển.

Tâm bất động : thành-tựu hữu-căn tín, vô-trược tín, thanh-tịnh tín, cực thanh-tịnh tín, ly-cấu tín, minh-triệt tín, cung-kính cúng-dường tất cả chư Phật tín, bất-thối-chuyển tín, bất khả tận tín, vô năng hoại tín, đại hoan-hỉ dũng-dước tín.

Tâm bất động : thành-tựu đạo phương-tiện xuất sanh nhứt-thiết-trí.

Tâm bất động : nghe tất cả bồ-tát hạnh pháp thời tin thọ chẳng hủy báng.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ pháp nầy thời được tâm bất động nhứt-thiết-trí vô-thượng.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười pháp chẳng bỏ tâm thâm đại :

Chẳng bỏ tâm thâm đại thành-tựu viên-mãn tất cả Phật bồ-đề.

Chẳng bỏ tâm thâm đại giáo-hóa điều-phục tất cả chúng-sanh.

Chẳng bỏ tâm thâm đại chẳng dứt chủng-tánh của Phật.

Chẳng bỏ tâm thâm đại gần-gũi tất cả thiện-tri-thức.

Chẳng bỏ tâm thâm đại cúng-dường tất cả chư Phật.

Chẳng bỏ tâm thâm đại chuyên cầu tất cả pháp công-đức đại-thừa.

Chẳng bỏ tâm thâm đại ở chỗ chư Phật tu phạm-hạnh, hộ trì tịnh-giới.

Chẳng bỏ tâm thâm đại thân-cận tất cả Bồ-Tát.

Chẳng bỏ tâm thâm đại cầu tất cả phật-pháp phương-tiện hộ-trì.

Chẳng bỏ tâm thâm đại thành mãn tất cả bồ-tát hạnh nguyện, chứa nhóm tất cả phật-pháp.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ trong đó thời có thể chẳng bỏ tất cả phật-pháp.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười trí-huệ quán-sát :

Trí-huệ quán-sát thiện-xảo phân-biệt diễn thuyết tất cả pháp.

Trí-huệ quán-sát biết rõ tam-thế tất cả thiện-căn.

Trí-huệ quán-sát biết rõ tất cả bồ-tát hạnh biến hóa tự-tại.

Trí-huệ quán-sát biết rõ nghĩa môn của tất cả pháp.

Trí-huệ quán-sát biết rõ oai-lực của tất cả chư Phật.

Trí-huệ quán-sát biết rõ tất cả môn đà-la-ni.

Trí-huệ quán-sát nơi tất cả thế-giới khắp nói chánh-pháp.

Trí-huệ quán-sát nhập tất cả pháp-giới.

Trí-huệ quán-sát biết tất cả thập-phương bất-tư-nghì.

Trí-huệ quán-sát biết tất cả phật-pháp trí huệ quang-minh vô-ngại.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ trong đó thời được trí-huệ quán-sát vô-thượng của Như-Lai.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười thuyết pháp :

Nói tất cả pháp đều từ duyên khởi.

Nói tất cả pháp thảy đều như huyễn.

Nói tất cả pháp không chống trái.

Nói tất cả pháp không biên-tế.

Nói tất cả pháp không y-chỉ.

Nói tất cả pháp dường như kim-cang.

Nói tất cả pháp thảy đều như như.

Nói tất cả pháp thảy đều tịch-tịnh.

Nói tất cả pháp thảy đều xuất ly.

Nói tất cả pháp đều trụ một nghĩa bổn-tánh thành-tựu.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ trong đây thời có thể thiện-xảo nói tất cả pháp.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười pháp thanh-tịnh :

Thâm tâm thanh-tịnh. Ðoạn nghi thanh-tịnh. Ly-kiến thanh-tịnh. Cảnh-giới thanh-tịnh. Cầu nhứt-thiết-trí thanh-tịnh. Biện-tài thanh-tịnh. Vô-úy thanh-tịnh. Trụ tất cả bồ-tát trí thanh-tịnh. Thọ tất cả bồ-tát luật nghi thanh-tịnh. Ðầy đủ thành-tựu vô-thượng bồ-đề, ba mươi hai tướng trăm phước, pháp bạch-tịnh, tất cả thiện-căn thanh-tịnh.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ trong đó thời được pháp thanh-tịnh vô-thượng của tất cả Như-Lai.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười ấn :

Ðại Bồ-Tát biết khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, chuyên cầu phật-pháp chẳng sanh giải-đải, thật hành bồ-tát hạnh không mỏi lười, chẳng kinh sợ, chẳng bỏ đại nguyện cầu nhứt-thiết-trí kiên cố bất thối rốt ráo vô-thượng bồ-đề. Ðây là ấn thứ nhứt.

Ðại Bồ-Tát thấy có chúng-sanh ngu si cuồng loạn hoặc dùng lời ác thô tệ để hủy nhục, hoặc dùng dao gậy ngói đá để làm tổn hại, trọn không vì việc nầy mà bỏ tâm bồ-tát, chỉ nhẫn nhục nhu hòa chuyên tu phật-pháp, trụ đạo tối-thắng, nhập ngôi ly-sanh. Ðây là ấn thứ hai.

Ðại Bồ-Tát nghe phật-pháp thậm thâm tương-ưng với nhứt-thiết-trí, có thể dùng tự trí thâm tín nhẫn khả hiểu rõ xu nhập. Ðây là ấn thứ ba.

Ðại Bồ-Tát lại nghĩ rằng : Tôi phát thâm tâm cầu nhứt-thiết-trí, tôi sẽ thành Phật được vô-thượng bồ-đề. Tất cả chúng-sanh lưu chuyển năm loài chịu vô-lượng khổ, tôi cũng làm cho họ phát tâm bồ-đề thâm tín hoan-hỉ, siêng tu tinh-tấn kiên-cố bất-thối. Ðây là ấn thứ tư.

Ðại Bồ-Tát biết Như-Lai trí vô-biên nên chẳng dùng chừng ngằn đo lường. Tất cả văn tự thế-gian nói ra đều có chừng ngằn, đều chẳng biết được Như-Lai trí-huệ. Ðây là ấn thứ năm.

Ðại Bồ-Tát nơi vô-thượng bồ-đề được sự mong muốn tối-thắng, sự mong muốn thậm thâm, sự mong muốn rộng, sự mong muốn lớn, nhiều sự mong muốn, sự mong muốn không gì hơn, sự mong muốn vô-thượng, sự mong muốn kiên cố, sự mong muốn mà chúng ma ngoại-đạo và quyến-thuộc không phá hoại được, sự mong muốn cầu nhứt-thiết-trí không thối-chuyển. Bồ-Tát an trụ nơi những sự mong muốn nầy nơi vô-thượng bồ-đề rốt ráo bất thối. Ðây là ấn thứ sáu.

Ðại Bồ-Tát thật hành bồ-tát hạnh chẳng kể thân mạng không gì trở hoại được, vì phát tâm xu hướng nhứt-thiết-trí, vì nhứt-thiết-trí-tánh thường hiện-tiền, vì được tất cả phật trí quang-minh, trọn chẳng bỏ rời phật bồ đề, trọn chẳng bỏ rời thiện-tri-thức. Ðây là ấn thứ bảy.

Ðại Bồ-Tát nếu thấy thiện-nam-tử thiện-nữ-nhơn xu hướng đại-thừa, thời làm cho họ tăng trưởng tâm cầu phật-pháp, khiến họ an-trụ tất cả thiện-căn, khiến họ nhiếp thủ tâm nhứt-thiết-trí, khiến họ bất thối vô-thượng bồ-đề. Ðây là ấn thứ tám.

Ðại Bồ-Tát làm cho tất cả chúng-sanh được tâm bình-đẳng, khuy khiến siêng tu đạo nhứt-thiết-trí, dùng tâm đại-bi mà vì họ thuyết pháp, khiến họ trọn chẳng thối chuyển nơi vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Ðây là ấn thứ chín.

Ðại Bồ-Tát cùng tam thế chư Phật đồng một thiện-căn, chẳng dứt chủng-tánh của tất cả chư Phật, rốt ráo được đến nhứt-thiết-chủng-trí. Ðây là ấn thứ mười.

Bồ-Tát dùng mười ấn nầy mau thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, đầy đủ trí-ấn nhứt-thiết-pháp vô-thượng của Như-Lai.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười trí-quang-chiếu :

Trí-quang-chiếu quyết định sẽ thành vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.

Trí-quang-chiếu thấy tất cả Phật.

Trí-quang-chiếu thấy tất cả chúng-sanh chết đây sanh kia.

Trí-quang-chiếu hiểu tất cả tu-đa-la pháp-môn.

Trí-quang-chiếu y-chỉ thiện-tri-thức phát tâm bồ-đề tích tập thiện-căn.

Trí-quang-chiếu thị-hiện tất cả chư Phật.

Trí-quang-chiếu giáo-hóa tất cả chúng-sanh đều khiến an-trụ Như-Lai địa.

Trí-quang-chiếu diễn thuyết bất-tư-nghì quảng-đại pháp-môn.

Trí-quang-chiếu thiện-xảo biết rõ tất cả chư Phật thần-thông oai-lực.

Trí-quang-chiếu đầy đủ tất cả các ba-la-mật.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ pháp nầy thời được trí-quang-chiếu vô-thượng của tất cả chư Phật.

Chư Phật-tử ! Ðại Bồ-Tát có mười vô-đẳng-trụ, tất cả chúng-sanh, thanh-văn, độc-giác đều không sánh bằng :

Ðại Bồ-Tát dầu quán thiệt-tế mà không thủ chứng, vì tất cả nguyện chưa thành-tựu viên-mãn. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ nhứt.

Ðại Bồ-Tát gieo tất cả thiện-căn đồng pháp-giới, mà ở trong đó chẳng có một chút chấp lấy. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ hai.

Ðại Bồ-Tát tu bồ-tát hạnh biết đó như hóa, bởi tất cả pháp đều tịch-diệt, mà chẳng nghi hoặc nơi phật-pháp. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ ba.

Ðại Bồ-Tát dầu rời những vọng-tưởng thế-gian, nhưng hay tác ý trong bất-khả-thuyết kiếp thật hành hạnh Bồ-Tát đầy đủ đại-nguyện, trong khoảng giữa trọn chẳng sanh tâm mỏi nhàm. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ tư.

Ðại Bồ-Tát nơi tất cả pháp không chấp trước, vì tất cả pháp bổn-tánh tịch-diệt. Mà chẳng chứng niết-bàn vì đạo nhứt-thiết-trí chưa thành mãn. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ-năm.

Ðại Bồ-Tát biết tất cả kiếp đều là phi-kiếp, mà chơn-thiệt nói tất cả kiếp số. Ðây là vô-đẳng trụ thứ sáu.

Ðại Bồ-Tát biết tất cả pháp đều vô-tác, mà chẳng bỏ thật hành đạo-hạnh cầu tất cả phật-pháp. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ bảy.

Ðại Bồ-Tát biết tam-giới duy-tâm, tam-thế duy-tâm, mà biết rõ tâm đó vô-lượng vô-biên. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ tám.

Ðại Bồ-Tát vì một chúng-sanh, trong bất-khả-thuyết kiếp thật hành hạnh Bồ-Tát, muốn cho chúng-sanh đó an-trụ bực nhứt-thiết-trí. Như vì một chúng-sanh, vì tất cả chúng-sanh cũng như vậy, mà chẳng nhàm mỏi. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ chín.

Ðại Bồ-Tát dầu tu hành viên mãn mà chẳng chứng bồ-đề. Vì Bồ-Tát nghĩ rằng tôi tu hành vốn là vì chúng-sanh, thế nên tôi phải ở lâu nơi sanh tử phương-tiện làm lợi-ích cho họ đều an-trụ phật-đạo vô-thượng. Ðây là vô-đẳng-trụ thứ mười.

Nếu chư Bồ-Tát an-trụ trong đây thời được đại-trí vô-thượng, tất cả phật-pháp vô-đẳng-trụ.

Hán Bộ Quyển Thứ 55

Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát phát mười tâm chẳng hạ liệt :

Ðại Bồ Tát nghĩ rằng : Tôi sẽ hàng phục tất cả thiên ma và quyến thuộc của chúng.

Lại nghĩ rằng : Tôi sẽ phá tất cả ngoại đạo và tà pháp của họ.

Lại nghĩ rằng : Tôi sẽ ở nơi tất cả chúng sanh dùng lời khéo lành để khai thị dạy bảo cho họ đều hoan hỷ.

Lại nghĩ rằng : Tôi sẽ thành mãn tất cả hạnh Ba la mật khắp pháp giới.

Lại nghĩ rằng : Tôi sẽ tích tập tạng tất cả phước đức.

Lại nghĩ rằng : Vô thượng Bồ đề quảng đại khó thành, tôi sẽ tu hành đến viên mãn.

Lại nghĩ rằng : Tôi sẽ dùng sự giáo hóa vô thượng, sự điều phục vô thượng để giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh.

Lại nghĩ rằng : Tất cả thế giới nhiều thứ chẳng đồng, tôi sẽ dùng vô lượng thân thành Ðẳng Chánh Giác.

Lại nghĩ rằng : Lúc tôi tu Bồ Tát hạnh, nếu có chúng sanh đến xin tôi những tay, chân, tai, mũi, máu, thịt, xương, tủy, vợ, con, voi, ngựa, nhẫn đến ngôi vua. Tất cả như vậy thảy đều có thể bỏ, chẳng sanh một niệm tâm lo lắng ăn năn, chỉ vì lợi ích tất cả chúng sanh chẳng cầu quả báo, lấy đại bi làm đầu, đại từ cứu cánh.

Lại nghĩ rằng : Tam thế có tất cả chư Phật, tất cả Phật pháp, tất cả chúng sanh, tất cả quốc độ, tất cả thế giới, tất cả tam thế, tất cả hư không giới, tất cả pháp giới, tất cả ngữ ngôn thi thiết giới, tất cả tịch diệt Niết bàn giới, tất cả pháp như vậy, tôi phải dùng một niệm tương ưng huệ đều biết, đều thấy, đều chứng, đều tu, đều đoạn. Nhưng ở trong đó vô phân biệt, lìa phân biệt, không các thứ sai biệt, không công đức, không cảnh giới, chẳng có chẳng không, chẳng một chẳng hai, do trí chẳng hai biết tất cả hai, do trí vô tướng biết tất cả tướng, do trí vô phân biệt biết tất cả phân biệt, do trí vô dị biết tất cả dị, do trí không sai biệt biết tất cả sai biệt, do trí không thế gian biết tất cả thế gian, do trí không thế biết tất cả thế, do trí không chúng sanh biết tất cả chúng sanh, do trí không chấp trước biết tất cả chấp trước, do trí vô trụ xứ biết tất cả trụ xứ, do trí không tạp nhiễm biết tất cả tạp nhiễm, do trí vô tận biết tất cả tận, do trí cứu cánh pháp giới biết tất cả thế giới thị hiện thân, do trí lìa ngôn âm thị hiện bất khả thuyết ngôn âm, do trí một tự tánh nhập nơi không tự tánh, do trí một cảnh giới hiện các thứ cảnh giới, biết tất cả pháp bất khả thuyết mà hiện đại tự tại ngôn thuyết, chứng bực nhứt thiết trí, vì giáo hóa điều phục tất cả chúng sanh nên ở nơi tất cả thế gian thị hiện đại thần thông biến hóa.

Ðây là mười tâm không hạ liệt của đại Bồ Tát phát. Nếu chư Bồ Tát an trụ tâm này thời được tất cả Phật pháp tối thượng không hạ liệt.

Chư Phật tử ! Ðại Bồ Tát nơi Vô thượng Bồ đề có mười tâm tăng thượng như núi :

Ðại Bồ Tát thường tác ý siêng tu pháp nhứt thiết trí. Ðây là tâm tăng thượng như núi thứ nhứt.

Hằng quán sát tất cả pháp bổn tánh trống không vô sở đắc. Ðây là tâm tăng thượng như núi thứ hai.

Nguyện trong vô lượng kiếp thật hành hạnh Bồ Tát tu tất cả pháp bạch tịnh. Do trụ nơi tất cả pháp bạch tịnh nên thấy biết Như Lai vô lượng trí huệ. Ðây là tâm tăng thượng như núi thứ ba.

Vì cầu tất cả Phật pháp nên tâm bình đẳng kính thờ chư thiện tri thức, không trông cầu gì khác, không tâm trộm pháp, chỉ sanh lòng tôn trọng vị tằng hữu, tất cả sở hữu thảy đều bỏ được. Ðây là tâm tăng thượng như núi thứ tư.

Nếu có chúng sanh mắng nhục, hủy báng, đánh đập, cắt chém, làm thân hình Bồ Tát khổ đau nhẫn đến chết. Những sự trên đây Bồ Tát đều nhẫn chịu được, trọn không sanh lòng động loạn, lòng sân hại, cũng chẳng thối bỏ hoằng thệ đại bi, trái lại càng thêm tăng trưởng không thôi ngớt. Vì Bồ Tát nơi tất cả pháp như thiệt xuất ly, thành tựu hạnh xả, vì chứng được tất cả Phật pháp, nhẫn nhục nhu hòa đã tự tại. Ðây là tâm tăng thượng như núi thứ năm.

Bồ Tat
Xem dưới dạng văn bản thuần túy