× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm



CHÚ THÍCH - 1

(1) Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm. (Xin xem bài “Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm” ở đầu quyển.)

(2) Về các thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Kinh Lăng Nghiêm, trong Tạng Đại Chánh (quyển 19, kinh số 945, trang 106) có ghi tên 3 vị: sa môn Bát Lạt Mật Đế (dịch chủ), cư sĩ Phòng Dung (bút thọ), và sa môn Di Già Thích Ca (dịch ngữ); còn pháp sư Viên Anh, trong tác phẩm Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, thì ghi tên 4 vị: sa môn Bát Lạt Mật Đế (dịch chủ), sa môn Di Già Thích Ca (dịch ngữ), sa môn Hoài Địch (chứng nghĩa), và cư sĩ Phòng Dung (bút thọ). Ở đây chúng tôi xin ghi 4 vị theo pháp sư Viên Anh.

- Bát Lạt Mật Đế (Pramiti): (Xin xem bài “Giới Thiệu Kinh Thủ Lăng Nghiêm” ở đầu quyển.) Ngài là vị “dịch chủ”, tức là vị đứng đầu Hội Đồng Phiên Dịch, chủ tọa đạo tràng dịch Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chính ngài tụng nguyên bản Phạn văn của Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm.

- Di Già Thích Ca: Người nước Ô-trành (tên cũ là Ô-trường, pháp sư Huyền-trang gọi là Ô-trượng-na) ở Bắc Thiên-trúc, không rõ tiểu sử chi tiết. Tên ngài có nghĩa là “năng hàng phục”. Trong đạo tràng dịch Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm, ngài là vị “dịch ngữ”, tức là dịch Phạn văn ra Hoa văn.

- Hoài Địch: Tên ngài có nghĩa là luôn luôn giữ tâm tinh tấn. Ngài là người tỉnh Quảng-đông, trú tại chùa Nam-lâu ở núi La-phù. Ngài học rộng cả nội điển lẫn ngoại điển, lại được học Phạn văn với các vị cao tăngẤn-độ. Trong đạo tràng dịch Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm ở chùa Chế-chỉ (Quảng-châu, thủ phủ của tỉnh Quảng-đông) vào năm 705, ngài được mời giữ nhiệm vụ “chứng nghĩa”, tức thẩm định sự chính xác của bản dịch và hiệu chính những chỗ sai sót, làm cho bản dịch được hoàn chỉnh. Năm 706, khi ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch Kinh Đại Bảo Tích tại kinh đô Trường-an, ngài cũng được triệu vào kinh giữ nhiệm vụ“chứng nghĩa”. Năm sinh và năm mất của ngài đều không thấy ghi chép.

- Phòng Dung: là vị cư sĩ thọ Bồ-tát giới, giữ nhiệm vụ “nhuận văn và bút thọ” (tức nhuận sắc văn từ và biên chép thành bản kinh) trong đạo tràng dịch Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm. Ông là người huyện Thanh-hà (tỉnh Hà-nam), học rộng biết nhiều, đỗ tiến sĩ. Dưới triều hoàng đế Võ Tắc Thiên (684-705), ông làm quan đến chức chánh-nghị đại phu, đồng trung thư môn hạ, bình chương sự, quyền kiêm cả hai tướng văn võ. Khi vua Đường Trung-tông (705-710) lên ngôi, ông bị giáng chức đày đi Quảng-đông. Khi đến Quảng-châu, ông gặp được tam tạng pháp sư Bát Lạt Mật Đế, được mời về chùa Chế-chỉ để cùng dịch bộ Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm. Năm sinh và năm mất của ông đều không biết rõ.

(3) Tinh xá Kì-hoàn. Chữ “tinh xá” có nghĩa là chỗ ở của những người tinh cần tu hành phạm hạnh, nói rõ ra, đó là nơi chư Tăng Ni cư trú tu học và hành đạo; Phật giáo Việt-nam thường gọi đó là chùa, tu viện, hay tòng lâm. Kì-hoàn là tên một tu viện Phật giáo ở kinh thành Xá-vệ của nước Kiều-tát-la, miền Bắc Ấn-độ, thời Phật tại thế. Chữ “Kì” tức Kì Đà, là tên vị thái tử con vua Ba Tư Nặc, nước Kiều-tát-la; chữ “hoàn” nghĩa là cây, rừng. Kì-hoàn cũng tức là Kì-viên, nguyên là khu hoa viên của thái tử Kì Đà. Ngôi tinh xá này do trưởng giả Cấp Cô Độc xây cất trong khu hoa viên của thái tử Kì Đà để cúng dường Phật và giáo đoàn, nên được gọi là tinh xá Kì-hoàn (hay Kì-viên, hoặc Kì-thọ-Cấp-cô-độc-viên). Câu chuyện xây cất tu việnKì-viên như sau:

Nguyên, Cấp Cô Độc là một vị trưởng giả triệu phú ở kinh thành Xá-vệ. Ông tên thật là Tu Đạt, vì thường hay chu cấp giúp đỡ cho những kẻ khốn khó, cô đơn, cho nên mọi người đã kính mến và tặng cho ông biệt hiệu là Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người cứu giúp kẻ nghèo khó, cô độc”. Ông có vợ và bốn con, ba gái đầu và một trai út.

Tu Đạt có người anh vợ là một thương gia giàu có ở tại kinh thành Vương-xá (nước Ma-kiệt-đà, miền Trung Ấn-độ). Mỗi khi có việc sang đây, ông đều trú tại nhà người anh vợ này. Một hôm đến đây, Tu Đạtthấy ông anh vợ đang bận rộn tíu tít sửa soạn một bữa tiệc lớn cho ngày mai. Ông hỏi thăm thì người anh vợ cho biết, sửa soạn để ngày mai cung thỉnh Phật và chư vị tì kheo đến thọ trai tại nhà.

Mới nghe tiếng “Phật” từ chính miệng ông anh vợ nói ra, Tu Đạt bỗng thấy lòng nảy sinh niềm hứng thú lạ thường. Ông yêu cầu người anh vợ nói thêm rõ ràng về bậc giác ngộ cho ông nghe. Nhân cơ hội đó, người anh vợ đã nói cho Tu Đạt biết về tư cách, đức độ và trí tuệ siêu việt của đức Phật. Chính ông đã được nghe Phật nói pháp và được làm đệ tử tại gia của Ngài. Ông cũng đã được Ngài cho phép dựng lên sáu mươi am thất nhỏ rải rác trong tu viện Trúc-lâm để cúng dường chư tăng.

Thật là một cơ duyên mầu nhiệm! Khi nghe được những điều đó, Tu Đạt cảm thấy sung sướng vô cùng, sinh lòng kính ngưỡng ngay đối với đức Phật. Suốt đêm đó ông nằm thao thức, không ngủ được, lòng cứ nôn nao mong cho mau sáng để được gặp Phật. Cuối cùng, không thể chờ đợi được, dù trời chưa sáng, ông vẫn nhất quyết đến Trúc-lâm để tìm gặp Phật. Khi ông vào đến khuôn viên tu viện thì trời vừa tờ mờ sáng. Dù lòng đang nôn nóng, nhưng ông cũng đang cảm thấy e ngại. Bỗng nhiên ông nghe có tiếng người gọi đích danh ông: “Tu Đạt!” Nhìn thẳng trước mặt, ông thấy một người, và linh tính báo cho ông biết, người đó chính là đức Phật. Đúng vậy, đó chính là đức Phật, lúc đó Ngài đang đi thiền hành ngoài trời. Khi thoáng thấy có người đi tới, Ngài đã biết ngay đó là Tu Đạt! Ông tỉnh người, tiến tới một bước. Một cách nghiêm trang và thành kính, ông chắp tay đảnh lễ Ngài. Ông tự giới thiệu mình và kể cho Phật nghe tâm trạng của ông từ hôm qua đến giờ, rồi xin Phật dạy cho ông về đạo lí. Đó là một buổi sáng tại tu viện Trúc-lâm, sau khi mùa an cư lần thứ ba của Phật chấm dứt.

Sau khi nghe bài pháp đầu tiên, tâm ông bừng sáng. Ông vui sướng đảnh lễ và xin Phật nhận cho ông được làm đệ tử tại gia của Ngài. Phật hoan hỉ chấp nhận. Khi đức Phật hướng dẫn chư tăng đến thọ lễ cúng dường tại nhà người anh vợ của ông, ông cũng thỉnh Phật và chư tăng ngay ngày hôm sau đến đây để thọ lễ trai tăng do chính ông cúng dường. Trong lễ trai tăng này, Tu Đạt đã thành khẩn thỉnh cầu Phật và chư tăng sang Xá-vệ, quê hương ông, để truyền bá chánh pháp. Ông phát nguyện sẽ kiến lập một ngôi tu viện lớn tại kinh thành Xá-vệ để cúng dường Phật và giáo đoàn làm cơ sở tu học và hành đạo tại vương quốc Kiều-tát-la.

Lời thỉnh cầu trên đã được Phật hứa khả. Ông liền trở về Xá-vệ để tìm địa điểm xây cất tu viện. Ông đã đi quan sát nhiều nơi chung quanh kinh thành, nhưng đều không ưng ý. Bấy giờ, thái tử Kì Đà của nước Kiều-tát-la, có một khu vườn cây nằm sát kinh thành, do vua cha là Ba Tư Nặc ban cho. Nơi đó rộng rãi, thanh tịnh, phong cảnh tươi đẹp, u nhã, thật là một địa điểm thích hợp để lập tu viện. Cư sĩ Tu Đạt vừa ýlắm, bèn vào hoàng cung xin gặp thái tử để thương lượng mua lại. Gặp thái tử, ông trình bày ước muốn của mình là được mua khu vườn cây của thái tử để xây cất tu viện cúng dường đức Phật và giáo đoàncủa Ngài, làm cơ sở tu học và hoằng pháp. Thái tử nói đùa:

– Khu vườn ấy là của phụ hoàng cho tôi. Tôi quí nó như vàng. Nếu ông có thể đem vàng ròng trải kín đầy mặt đất khắp khu vườn thì tôi mới chịu bán nó cho ông.

Nhưng Tu Đạt thì cho đó là lời nói nghiêm túc, bèn trả lời:

– Thưa vâng. Sáng mai tôi sẽ chở vàng tới và làm đúng theo điều kiện của thái tử vừa đưa ra.

Thật là bất ngờ! Thái tử giật mình kinh ngạc:

– Tôi chỉ nói đùa thôi mà, chứ khu vườn đó tôi không muốn bán đâu. Ông đừng chở vàng tới!

Nhưng trưởng giả vẫn nghiêm trang:

– Thưa thái tử! Ngài là bậc vương giả. Ngài đã nói điều gì thì điều ấy không thể chối bỏ được.

Thái tử đành nhượng bộ, nhưng trong lòng vẫn mong cho Tu Đạt không có đủ vàng để ông khỏi mất khu vườn. Không để cho thái tử có thì giờ nói thêm lời gì, Tu Đạt vội vã cáo từ.

Sáng hôm sau, khi thái tử ra đến khu vườn thì đã thấy Tu Đạt chở vàng tới rồi, và gia nhân của ông đang lót vàng trên mặt đất vườn. Thái tử chứng kiến cảnh tượng lót vàng mà càng lúc càng cảm thấy kì lạ. Thái tử linh cảm đây không phải là chuyện bình thường. Ông trưởng giả chịu bỏ ra từng đống vàng một cách không tiếc rẻ để chỉ mua một khu vườn cây chỉ có giá trị giải trí chứ không có lợi tức gì thiết thực cả như thế này, thực ra là vì chuyện gì? Như vậy, con người mà ông trưởng giả gọi là “Phật” đó, chắc chắn phải là một nhân vật phi thường! Lúc ấy vàng đã được trải gần kín hết khu vườn, và Tu Đạt thì đang đứng nhìn những gốc cây có vẻ tư lự. Thái tử đến vỗ vai Tu Đạt, hỏi:

– Ông đang suy nghĩ gì? Hay muốn thay đổi ý kiến chăng?

Tu Đạt giật mình, vội trả lời:

– Không phải vậy. Tôi đang suy nghĩ xem làm sao mà trải vàng lấp được những gốc cây. Khó quá!

Nhưng thái tử đã chận lại, xin ông nói cho nghe về đức Phật và giáo đoàn của Ngài, xem có gì đặc biệt. Mắt Tu Đạt bỗng sáng lên vì hãnh diện. Ông bắt đầu nói về tư cách, đạo đức và trí tuệ vượt bậc của Phật, về giáo pháp mà Phật đã dạy cho ông, và về đời sống thanh cao, phạm hạnh của giáo đoàn. Thái tử nghe những điều ông nói, cũng cảm thấy hứng khởi trong lòng, liền đề nghị:

– Thôi, lót vàng như thế cũng đủ rồi, đừng suy nghĩ nữa. Thẻo đất trống còn lại, và tất cả cây trong vườn, tôi cũng xin cúng dường Phật, gọi là xin đóng góp chút ít vào công trình cao đẹp của ông. Cứ coi như là ông cúng đất và tôi cúng cây để xây tu viện. Được một người như thái tử thấu hiểu và thật tâm ủng hộmình, Tu Đạt hân hoan không xiết kể. Từ đó, khu vườn được gọi tên là “Vườn Cấp Cô Độc với cây của Kì Đà” (Kì Thọ Cấp Cô Độc Viên – gọi tắt là Kì-viên).

Thế là địa điểm đã có, cư sĩ Tu Đạt lập tức trở lại thành Vương-xá để trình lên đức Phật, và xin Ngài ban cho ý kiến về việc xây cất tu viện. Đức Phật đã phái tôn giả Xá Lợi Phất cùng đi Xá-vệ với Tu Đạt để trông nom công việc xây cất.

Bốn tháng sau thì công tác kiến thiết hoàn tất. Tu viện có tịnh thất của Phật, có tăng xá, thiền đường, giảng đường, nhà dưỡng bệnh, nhà tắm, hồ nước, đường thiền hành, v.v..., coi như là đầy đủ tiện nghi, và có vẻ còn bề thế hơn cả tu viện Trúc-lâm. Tu viện được gọi bằng nhiều tên: Kì-viên, Kì-hoàn, Cấp-cô-độc, hay Kì-thọ-Cấp-cô-độc.

Kì-viên là trung tâm tu học và hành đạo to lớn được xây cất sau tu viện Trúc-lâm. Đức Phật đã trải quamùa an cư thứ tư tại đây. Từ mùa an cư thứ hai mươi, đức Phật được chư tăng cung thỉnh, mỗi năm cứ tới mùa mưa, Ngài lại về an cư tại Kì-viên. Tổng cộng, tại tu viện này, đức Phật đã an cư cả thảy mười chín lần. Phần lớn các kinh điển cũng đã được Phật nói tại đây.

(4) Thành Thất-la-phiệt: tức là thành Xá-vệ, kinh đô của nước Kiều-tát-la, miền Bắc Thiên-trúc, thời Phật tại thế. “Thất-la-phiệt”, dịch ra Hán ngữ là “phong đức”, ý nói, đây là địa phương vừa rất giàu có về của cải, vật báu, mà hạng dân chúng tài giỏi, đức độ cũng rất nhiều. Ở miền Nam Thiên-trúc cũng có nước Kiều-tát-la, nhưng hồi Phật tại thế, Phật giáo chưa truyền bá đến nước này.

(5) Vô lậu đại A-la-hán. Chữ “vô lậu” nghĩa là không rơi rớt vào vòng sinh tử luân hồi, tức là giải thoátkhỏi ba cõi. Ngược lại, “lậu” là những tội lỗi khiến cho chúng sinh mãi đọa lạc vào vòng sinh tử luân hồi; bởi vậy, “lậu” là một tên khác của “phiền não”. Lậu có ba loại: các phiền não của chúng sinh ở cõi Dục, gọi là “dục lậu”; các phiền não của chúng sinh ở hai cõi Sắc và Vô-sắc, gọi là “hữu lậu”; màn vô minh bao phủ cả ba cõi, gọi là “vô minh lậu”. Diệt trừ hết cả ba loại lậu này thì giải thoát khỏi ba cõi, dứt tuyệt sinh tử luân hồi– gọi là “vô lậu”. A-la-hán là bậc thánh đã dứt trừ hết ba loại lậu trên, giải thoát ra ngoài ba cõi, không còn sinh tử luân hồi. “A-la-hán” gồm 3 nghĩa: ứng cúng (xứng đáng được cả trời và người cúng dường), sát tặc(dứt sạch mọi phiền não trong ba cõi), và vô sinh (không còn tái sinh vào ba cõi). Sau khi vượt khỏi địa vịphàm phu, các hành giả Thanh-văn thừa tu chứng trải qua ba quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, thì đến quả vị thứ tư là A-la-hán, đó là quả vị cuối cùng của hàng Thanh-văn, giải thoát sinh tử luân hồi. Các bậc A-la-hán này, tuy đã dứt hết phiền não trong ba cõi, giải thoát sinh tử luân hồi, nhưng vẫn còn vướng phần vô minh vi tế, nên thành quả giải thoát chưa được rốt ráo, tuy nhập niết bàn nhưng chưa phải là niết bàn tuyệt đối như chư Phật. Trí tuệ của các bậc A-la-hán này không lãnh hội nổi các kinh liễu nghĩa thượng thừa, nên không phải là thính chúng đương cơ trong pháp hội Thủ Lăng Nghiêm; mà thính chúng ở đây được ghi là toàn các bậc đại A-la-hán”. Đó là các vị tuy bề ngoài hiển lộ là thân phận A-la-hán, nhưng thực chất ẩn tàng bên trong là trí tuệ và tâm địa của Bồ-tát. Có thể nói, đó là các bậc Bồ-tát thị hiện làm thân A-la-hán để hỗ trợ đức Phật tuyên dương giáo pháp đại thừa, như các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Phú Lâu Na, Tu Bồ Đề, v.v...

(6) Phật tử trụ trì. Từ “Phật tử” ở đây mang ý nghĩa như trong Kinh Pháp Hoa nói: “Từ trong miệng Phật sinh ra, từ trong Phật pháp mà hóa sinh ra, nối tiếp dòng giống Phật.” Từ “trụ trì” ở đây hàm hai ý nghĩa: 1) an trụ trong ngôi nhà của đấng Pháp Vương để giữ gìn kho tàng pháp bảo của Phật; 2) an trụ trong đại định Thủ Lăng Nghiêm và giữ gìn chân tánh như thật thường trú; bất biến nhưng tùy duyên mà thị hiện vào sinh tử để làm Phật sự; tùy duyên nhưng bất biến để không bị nhiễm trước trần lao như phàm phu.

(7) Bích-chi vô-học. Bích-chi Phật là quả vị chứng đắc của Duyên-giác thừa, dịch ý ra Hán ngữ là Duyên-giác, hay Độc-giác; chỉ cho những vị không có đạo sư hướng dẫn, mà một mình tự giác, tự ngộ để đạt thành quả vị thánh nhân. Hành giả sinh trong đời không có Phật tại thế, nhưng do nhân duyên tu tập đời trước, không theo học ai, thích ở nơi sơn lâm tịch tĩnh, quán sát cảnh hoa rơi lá rụng, tự phát sinh trí tuệ, cảm nhận tính vô thường hoại diệt của thế gian mà ngộ đạo, đó là bậc Độc-giác. Hành giả sinh trong đờicó Phật tại thế, được Phật dạy cho giáo pháp Mười hai nhân duyên, nương theo đó tu tập mà được giác ngộ; hoặc sinh trong đời không có Phật tại thế, nhưng Phật pháp vẫn còn lưu truyền ở thế gian, nhờ căn lành đời trước, hành giả tự mình quán sát tu tập, thấu rõ đạo lí Mười hai nhân duyên mà ngộ đạo, đó là bậc Duyên-giác. Luận Câu Xá phân ra hai loại Độc-giác: Hành giả từng tu theo Thanh-văn thừa, đã chứng ba quả vị Dự-lưu, Nhất-lai, Bất-hoàn, rồi tạm rời xa Phật, một mình tự tu tự ngộ để đạt quả vị A-la-hán, gọi là Bộ-hành Độc-giác. Hành giả chỉ ở một mình, tự tu tập, trải qua một trăm đại kiếp, tích tụ công đức, cuối cùng được giác ngộ, gọi là Lân-giác Độc-giác. Luận Đại Trí Độ lại nói: Hành giả sinh trong đời không có Phật xuất hiện, hoặc Phật pháp đã diệt, nhưng do nhân duyên đời trước, tự phát trí tuệ, không theo ai học, do thấy được một ít nhân duyên như hoa rơi lá rụng mà trí vô lậu phát sinh, dứt sạch kiết sử, chứng quảBích-chi Phật, gọi là Duyên-giác Bích-chi Phật. Hành giả vốn đã chứng quả Dự-lưu, đã thọ sinh đủ bảy lần trong nhân gian, nhưng lần chót này lại không gặp Phật xuất hiện, hoặc Phật pháp đã diệt, bèn tự tu tự chứng ngộ, gọi là Tiểu Bích-chi Phật; hoặc hành giả từng tu tập trải qua trăm kiếp, tích tụ công đức, tăng trưởng trí tuệ, chứng ngộ thánh quả, gọi là Đại Bích-chi Phật; cả Tiểu và Đại Bích-chi Phật, gọi chung là Độc-giác Bích-chi Phật. Bích-chi Phật là quả vị cuối cùng của Duyên-giác thừa. Khi chưa chứng quả thì còn tu học, gọi là “hữu-học”; khi đã chứng quả thì nhập niết bàn, không còn gì phải học, nên gọi là “vô-học”. Cũng vậy, A-la-hán là quả vị cao tột của Thanh-văn thừa. Khi chưa chứng quả này thì còn phải tu học, gọi là “hữu-học”; khi đã chứng quả thì nhập niết bàn, không còn gì phải học, nên gọi là “vô-học”. Và siêu việt hơn hết, đức Phật cũng là bậc Vô-học.

(8) Sơ phát tâm: nghĩa là mới phát tâm tu học theo Phật pháp; ở đây là chỉ cho các vị “hữu-học” thuộc Duyên-giác thừa, đồ đệ của chư vị Bích-chi Phật.

(9) Từ Nghiêm: nghĩa là từ bi nghiêm túc. Đức Phật ân đức và uy đức đều đầy đủ, nên cũng được tôn xưng là đấng Từ Nghiêm.

(10) Ca-lăng-tần-già: là tên một loài chim, có nghĩa là tiếng hót vi diệu. Loài chim này sống trong các hang núi ở vùng Tuyết-sơn, Ấn-độ, màu giống như chim sẻ, lông cánh mịn đẹp, mỏ đỏ; chúng đã có thể hót được từ khi còn nằm trong trứng, tiếng hót trong trẻo, hòa nhã, hay tuyệt diệu, không có loài chim nào trong các cõi trời và người hót hay bằng. Trong kinh điển Phật giáo, tiếng chim này thường được dùng để ví dụ cho âm thanh mĩ diệu của Phật và chư vị Bồ-tát.

(11) Ba Tư Nặc: là vua của vương quốc Kiều-tát-la, kinh đô là thành Xá-vệ, ở Bắc Thiên-trúc thời Phật tại thế. Nhà vua sinh cùng năm với đức Phật, nhưng tạ thế trước Phật một năm. Chánh hậu của nhà vua là phu nhân Mạt Lị, sinh ra thái tử Kì Đà, người đã bán khu vườn to lớn, xinh đẹp của mình cho trưởng giảCấp Cô Độc, để xây dựng tinh xá Kì-viên cúng dường lên Phật và giáo đoàn. Nhà vua là người tính tìnhkiêu ngạo, bạo ác, không tin Phật pháp, nhưng từ khi được Phật hóa độ thì lại trở thành một người đệ tử tại gia trung kiên của đức Phật, tính tình thuần từ, khiêm cung, khác hẳn với lúc trước. Phải nói rằng, trong hoàng tộc nhà vua, thái tử Kì Đà đã qui y với đức Phật trước nhất, rồi đến hoàng hậu Mạt Lị; và chính bà đã khôn khéo dẫn dắt nhà vua qui y Tam Bảo. Nhà vua đã có duyên lành, được nghe pháp rất nhiều. Có rất nhiều kinh Phật nói mà thính giả đương cơ là vua Ba Tư Nặc. Nhà vua đối với đức Phật rất chân thành, và tôn kính đức Phật như là bậc từ phụ của mình. Năm nhà vua 79 tuổi, trong khi nhà vua đang du hành ở một vùng biên giới, thì tại thủ đô, hoàng tử Tì Lưu Li, con một bà thứ hậu, đã giết thái tử Kì Đà, rồi tự lên ngôivua. Nhà vua phải chạy sang kinh thành Vương-xá của nước Ma-kiệt-đà. Nhưng vì tuổi già sức yếu, lại quá nhọc mệt, nhà vua đã không vào được kinh thành Vương-xá, mà đã chết thảm trong một công viên ở ngoài kinh thành, trong đêm rét lạnh. Sáng hôm sau, vua A Xà Thế (cháu gọi nhà vua bằng cậu) mới hay tin, lập tức rước nhục thân nhà vua vào thành làm lễ quốc táng.

(12) Khất thực theo thứ lớp. Thời Phật tại thế, đức Phật và chư vị tì kheo tăng ni đều đi xin ăn (khất thực) hằng ngày để nuôi mạng sống. Đức Phật, và chư tăng ni cũng thế, hôm nào được thí chủ thiết trai cúng dường thì không đi khất thực. Về cách thức đi khất thực, buổi đầu, có vị chọn đi xin ăn những nhà nghèo, có vị chọn đi xin ăn những nhà giàu; sự kiện ấy đã đưa đến tranh luận, mà bên nào cũng có lí do chính đáng để bảo vệ cho lập trường của mình. Cuối cùng đức Phật phải hóa giải bằng cách đưa ra pháp chế “khất thực theo thứ tự”, nghĩa là quí vị tì kheo, vị này tiếp nối vị kia, đi thành hàng một, hết nhà này đến nhà khác, dù thí chủ có cúng dường hay không cũng đều phải đi qua, không được bỏ sót, không phân biệtchọn lựa nhà giàu nhà nghèo, nhà sang nhà hèn. Như thế là tỏ lộ được tâm hóa độ bình đẳng của người xuất gia.

(13) Người đàn việt cuối cùng làm trai chủ. Chữ “đàn việt” nghĩa là bố thí cúng dường được phước đức, nhờ đó mà thoát khỏi cái khổ bần cùng. “Trai chủ” tức là người phát tâm cúng dường bữa ăn lên Phật và tăng chúng. Theo trong phần “Tựa” này của Kinh Lăng Nghiêm, buổi ăn trưa hôm đó, đức Phật và chư vị Bồ-tát lớn đã được vua Ba Tư Nặc cúng dường ngay tại hoàng cung; còn chư tăng thì ai cũng được các vị trưởng giả và cư sĩ khắp trong thành Xá-vệ mời về tư gia cúng dường. Như vậy, các nhà đàn việt như vua, những vị trưởng giả, cư sĩ trong kinh thành đã là các vị trai chủ của đức Phật, chư vị Bồ-tát và tăng chúng trước rồi; bây giờ tôn giả A Nan đi về trễ, không được ai mời cúng dường, nên tôn giả phải tự mình đi khất thực. Tôn giả tuần tự đi ngang từng nhà, hễ gặp ai cúng dường, thì người đó là vị trai chủ của tôn giả, và là vị trai chủ sau cùng, không có chọn lựa người này người kia.

(14) Tâm không bình đẳng. Đây là hai trường hợp điển hình về khất thực nhà giàu và khất thực nhà nghèo. Hai vị tôn giả Tu Bồ Đề và Đại Ca Diếp đều đã chứng quả A-la-hán. Về vấn đề khất thực, tôn giả Tu Bồ Đề quan niệm rằng, người nghèo khổ tự nuôi lấy gia đình họ đã khó khăn, vất vả rồi, làm sao có dư để cúng dường cho chúng tăng! Dù họ có muốn tự ý phát tâm thì họ cũng chỉ có lòng mà sức thì không đủ. Mình đã không có lương thực để giúp đỡ họ thì thôi, đâu nỡ bắt họ phải chịu thêm gánh nặng! Trong khi đó, đối với những người giàu có, một bữa cơm cúng dường đâu có đáng kể gì. Bởi vậy mà tôn giả chỉ đến khất thực ở nhà giàu mà không đến nhà nghèo.

Trái lại, tôn giả Đại Ca Diếp chỉ xin ăn nhà nghèo mà không xin ăn nhà giàu. Tôn giả quan niệm rằng, người xuất gia làm sa môn, giữ đạo và hành trì giáo pháp, đó là ruộng phước cho người đời, thọ nhận sự cúng dường của thí chủ là tạo cơ hội cho họ tăng trưởng phước huệ. Tôn giả chỉ đến khất thực ở những nhà nghèo là vì muốn cho họ gieo trồng phước đức, nhờ đó mà họ sẽ thoát được cảnh nghèo khổ trong kiếp vị lai; còn người giàu vốn dĩ họ đã có nhiều phước báo, vậy hà tất phải thêm hoa cho gấm!

Quan niệm và hành vi khất thực giữa hai vị tôn giả ấy đã trở thành hai lập trường đối chọi nhau. Đức Phậtbiết được sự việc này và không đồng ý với cả hai vị. Phật quở trách cả hai vị là đã khất thực với tâm phân biệt, chọn lựa, không bình đẳng. Khất thực đúng phép phải là thứ đệ hành khất, không được lựa chọngiàu nghèo, không phân biệt dơ sạch, và oai nghi lúc nào cũng phải nghiêm túc.

(15) Ma Đăng Già: là tiếng người Ấn-độ dùng gọi chung cho dân hạ tiện phái nam; dân hạ tiện phái nữ thì gọi là Ma Đăng Kì. Loại tiện dân này sống bằng nghề quét đường. Từ “Ma Đăng Già nữ” được dùng ở đây, có nghĩa là con gái của nhà Ma Đăng Già, hay nói vắn tắt là “nàng Ma Đăng Già”. Theo pháp sư Viên Anhtrong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, “Ma Đăng Già” dịch ra Hán ngữ là “hạ tiện chủng” (dòng hạ tiện), là tên của người mẹ. Con gái của bà tên là Bát Kiết Đề, dịch là “bản tánh”, nghĩa là tuy mang thân làm dâm nữ, nhưng bản tính không mất. Nàng được gọi theo tên mẹ, nên gọi là nàng Ma Đăng Già.

(16) Ta Tì Ca La: là tên một ông tiên thời cổ Ấn-độ, được coi là vị tổ của phái Số Luận. Ông chuyên tu khổ hạnh, thờ phụng Phạm Thiên mà được thần chú gọi là “Tiên Phạm Thiên”. Đó là một loại tà thuật làm cho người khác bị mê muội, không còn tỉnh táo, tự chủ được. Đây là một trong các chú thuật ác độc mà đức Thế Tôn từng cấm chư đệ tử thọ trì; vì ai thọ trì các loại chú này, đều sẽ phải đọa vào ba đường dữ. Theo pháp sư Viên Anh trong sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa, Ta Tì Ca La dịch ra Hán ngữ là “hoàng phát”, hay “kim đầu” (tóc vàng), thuộc phái ngoại đạo tu khổ hạnh. Ông đã truyền thần chúTiên Phạm Thiên cho bà Ma Đăng Già. Khi con gái của bà (Bát Kiết Đề, hay cô Ma Đăng Già) vừa trông thấy tôn giả A Nan, tướng hảo trang nghiêm, liền sinh tâm ái nhiễm. Vì năm trăm năm trước trong thời quá khứ, cô đã cùng với ngài A Nan từng là vợ chồng, cho nên bây giờ, tập khí ái dục chưa mất, nên vừa thấy ngài, tâm liền mừng vui, muốn được ngài làm chồng; bèn nhờ mẹ giúp. Ban đầu, bà thấy tôn giả là ngườixuất gia, đã cắt đứt ái dục, nên bà không chấp thuận; nhưng cô nài nỉ quá, bà thương con, bất đắc dĩ phải chiều ý cô. Bà bèn dùng thần chú Tiên Phạm Thiên (do Ta Tì Ca La truyền cho), làm cho tôn giả bị mê hoặc, cứ như ngây dại, không còn tỉnh táo nữa. Đức Phật đã kịp thời bảo Bồ Tát Văn Thù đem thần chúLăng Nghiêm đến hóa giải chú thuật, cứu tôn giả A Nan thoát khỏi dâm nạn; và nhờ có túc duyên, cô Ma Đăng Già cũng được theo về gặp Phật, được Phật khai thị, liền chứng quả Bất-hoàn, rồi phát tâm xuất gia, không bao lâu sau thì chứng quả A-la-hán.

(17) Ánh sáng vô úy: hào quang của đức Phật có đầy đủ uy lực, không có kẻ ác nào mà không điều phụcđược, không có hành động tà ngụy nào mà không bị dẹp tan.

(18) Xa-ma-tha, tam-ma, thiền-na. “Xa-ma-tha”, dịch ra Hán ngữ là “chỉ”, nghĩa là dừng lại, là bước đầucủa phép tu định. Đó là trạng thái của tâm khi đã ngưng hết mọi ý tưởng, mọi suy nghĩ, mọi giao động, chỉchuyên chú vào một đối tượng. Nên chú ý là, trong lúc “chuyên chú vào một đối tượng” này, tâm khôngkhởi lên bất cứ một ý niệm, một suy nghĩ nào. “Tam-ma”, hay “tam-ma-địa”, hoặc “tam-ma-đề”, cũng tức là “tam-muội”, dịch ra Hán ngữ là “định”, tức là trạng thái tinh thần khi tâm chuyên chú vào một đối tượng, không còn tán loạn, không xao động lăng xăng, cũng không buồn ngủ dật dờ. Như vậy, “tam-ma” cũng tức là “xa-ma-tha”. “Thiền-na”, nói tắt là “thiền”, dịch ra Hán ngữ là “tĩnh lự”, nghĩa là lắng đọng tâm tư, là trạng thái tinh thần khi tâm hoàn toàn tĩnh lặng, không khởi ý niệm, không suy nghĩ, chỉ chuyên chúvào một đối tượng. Như vậy, cả ba từ “xa-ma-tha”, “tam-ma” và “thiền-na”, chỉ là ba tên gọi khác nhau của “ĐỊNH”.

Nhưng vì sao lại có ba tên gọi khác nhau? Xét nội dung Kinh Lăng Nghiêm, thì mục đích tối hậu của người tu hành là chứng đạt đại định Thủ Lăng Nghiêm, tức thể nhập chân tâm bản lai thanh tịnh thường trú, sáng suốt nhiệm mầu, thành tựu đạo quả Bồ-đề Vô-thượng. Để đạt được mục đích cứu cánh đó, đức Phật đã chỉ dạy cho tôn giả A Nan và toàn thể thính chúng pháp môn tu định, tuần tự theo 3 bước phương tiện: 1) Đầu tiên là pháp định “xa-ma-tha”, có công năng diệt trừ vọng tâm mà ngộ được cái chân tâm bản laithanh tịnh thường trú, bất sinh bất diệt; 2) Thứ đến “tam-ma-đề”, sau khi đã biết rõ mình vốn có sẵn chân tâm thường trú, sáng suốt nhiệm mầu, thì phát tâm bồ đề, hạ thủ công phu, tinh tấn tu tập; 3) Cuối cùng là “thiền-na”, chứng đạt tuệ giác viên mãn, thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh Giác. – Xét cho cùng, ba tên định khác nhau như trên, chỉ là sự phân tích từ tổng thể đại định Thủ Lăng Nghiêm mà thôi; hay nóikhác đi, nếu tổng hợp ba tên định khác nhau ở trên lại, thì đó chính là đại định Thủ Lăng Nghiêm. Đó là nói về , còn nói về SỰ, thì 3 tên định khác nhau trên chính là 3 giai đoạn trong tiến trình tu chứng đại địnhThủ Lăng Nghiêm.

(19) Vua Tịnh Phạn là anh ruột của thân vương Bạch Phạn. Đức Thích Ca là con vua Tịnh Phạn, còn tôn giả A Nan là con thân vương Bạch Phạn, cho nên đức Phật đã nói với tôn giả A Nan rằng: “Như Lai cùng với thầy đồng một tổ tông, tình như ruột thịt.”

(20) Trần lao. Chữ “trần” có nghĩa là ô nhiễm; chữ “lao” có nghĩa là nhiễu loạn, khổ sở; “trần lao” chỉ cho phiền não, hay nói chính xác hơn, trần lao tức là phiền não.

(21) Mười loài chúng sinh. Tất cả các loài hữu tình do vọng tưởng điên đảo mà tạo nghiệp, rồi tùy theonghiệp mà chiêu cảm nhiều quả báo khác nhau, trong nhiều hình loại khác nhau. Có tất cả 10 loài: 1) loài sinh ra từ trứng (noãn sinh); 2) loài sinh ra từ bào thai (thai sinh); 3) loài sinh ra từ nơi ẩm thấp (thấp sinh); 4) loài sinh ra do sự biến hóa (hóa sinh); 5) loài có hình sắc (hữu sắc); 6) loài có tư tưởng (hữu tưởng); 7) loài chẳng phải có hình sắc (phi hữu sắc); 8) loài chẳng phải không có hình sắc (phi phi hữu sắc); 9) loài chẳng phải có tư tưởng (phi hữu tưởng); 10) loài chẳng phải không có tư tưởng (phi phi hữu tưởng). – Nếu kể luôn cả loài không có hình sắc (vô sắc) và loài không có tư tưởng (vô tưởng), thì có cả thảy là 12 loài chúng sinh. Nhưng vì hai loài này không có tâm hiểu biết bình thường như 10 loài chúng sinh trên, nên tôn giả A Nan đã không kể tới.

(22) Rừng Kì-đà: cũng gọi là “Thệ-đa”, là khu hoa viên của thái tử Kì Đà, nước Kiều-tát-la, ở Bắc Thiên-trúc thời Phật tại thế. (Xem lại hai chú thích số 3 và số 11 ở trước.)

(23) Vườn Cấp-cô-độc: là khu hoa viên ở thành Xá-vệ mà trưởng giả Cấp Cô Độc đã mua lại của thái tửKì Đà, để xây cất tinh xá Kì-hoàn cúng dường lên đức Phật và giáo đoàn, làm nơi tu học và hành đạo. (Xem lại hai chú thích số 3 và số 11 ở trước.)

(24) Tam-ma-đề: hay “tam-ma-địa”, hoặc “tam-ma”, cũng tức là “tam-muội”, dịch ra Hán ngữ là “định”. (Xem lại chú thích số 18 ở trước.)

(25) Phủ tạng. Đông y gọi các bộ phận bên trong cơ thể con người là “phủ” và “tạng”. Có 6 phủ là: bao tử, bàng quang, tam tiêu, mật, ruột già, ruột non; và 5 tạng là: tim, gan, lá lách, phổi, thận.

(26) Khiếu huyệt: là các lỗ ở mặt ngoài cơ thể, thông vào bên trong cơ thể; ở đây là chỉ cho 7 lỗ ở trên khuôn mặt: 2 con mắt, 2 lỗ mũi, 2 lỗ tai, và cái miệng.

(27) Giới thứ 19 và trần thứ 7. Vạn pháp trong vũ trụ được bao gồm trong 18 khu vực (giới): nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức, ý thức; không có “khu vực (giới) thứ 19”. Cũng vậy, trần cảnh chỉ có 6 thứ (6 trần): sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; không có thứ gì gọi là “trần thứ 7”. Cho nên, nói “giới thứ 19 và trần thứ 7” tức là nói những chuyện hoang đường, không có thật.

(28) Pháp vương tử: con của đấng Pháp Vương; đó là một tên gọi khác của chư vị đại Bồ-tát. Đức Phậtlà đấng Pháp Vương; chư vị đại Bồ-tát có đầy đủ trí tuệ, phước đức và khả năng hoằng dương Phật pháp, nối tiếp địa vị của Phật, là những người con chân chánh của Phật, cho nên gọi là “Pháp vương tử”.

(29) Thân có ở giữa và các bên, như: bên trái, bên phải, bên trước, bên sau, bên trên, bên dưới.

(30) Đại đệ tử: là quí vị đệ tử lớn của Phật, có sở trường đặc biệt, được liệt vào hàng trưởng lão thượng thủ trong tăng đoàn của Phật. Có 10 vị đại A-la-hán được mọi người tôn xưng là đệ tử lớn của Phật, đó là 10 vị tôn giả: Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, Ưu Ba Li, A Nan, A Na Luật, Tu Bồ Đề, Ca Chiên Diên, Phú Lâu Na, La Hầu La.

(31) Đại Mục Kiền Liên: là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, có sở trường đặc biệt về thần thông, được mọi người tôn xưng là vị thánh tăng có thần thông bậc nhất (thần thông đệ nhất) trong tăng đoàn của Phật.

(32) Tu Bồ Đề: là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, có sở trường đặc biệt về thông hiểu tánh không trong giáo lí Bát Nhã, được tôn xưng là vị thánh tăng hiểu rõ tánh không bậc nhất (giải không đệ nhất) trong tăng đoàn của Phật.

(33) Phú Lâu Na: là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, có sở trường đặc biệt về thuyết pháp, được tôn xưng là vị thánh tăng có biện tài thuyết pháp bậc nhất (thuyết pháp đệ nhất) trong tăng đoàn của Phật.

(34) Xá Lợi Phất: là một trong 10 vị đại đệ tử của Phật, có trí tuệ hơn hết mọi người, được tôn xưng là vị thánh tăng có trí tuệ bậc nhất (trí tuệ đệ nhất) trong tăng đoàn của Phật.

(35) Lông rùa sừng thỏ. Loài rùa không bao giờ có lông, loài thỏ không bao giờ có sừng; cho nên, nói chuyện “lông rùa sừng thỏ” là chỉ nói theo óc tưởng tượng, không có thật.

(36) Năm vóc gieo xuống đất. Đây là cách lạy của Phật giáo. Năm vóc (ngũ thể, hay ngũ luân) là đầu, hai tay và hai đầu gối, đều chạm đất. Cách lạy “ngũ thể đầu địa” (cũng gọi là ngũ luân đầu địa, đầu địa lễ, tiếp túc lễ, đầu diện lễ, đảnh lễ) này nguyên được coi là cách lạy tôn kính, thành khẩn nhất trong các cách lạy của người Ấn-độ. Sau đó, Phật giáo cũng dùng cách lạy này để biểu lộ niềm tôn kính sâu xa nhất của mình đối với Tam Bảo. Cách lạy này có thể khiến cho người ta dứt bỏ tâm kiêu mạn mà tỏ lộ lòng thànhkính đối với đối tượng mình đang lạy. Khi lạy, người Phật tử cần quán niệm năm ý nghĩa như sau:

1. Khi đầu gối phải chạm đất, quán niệm rằng, tất cả chúng sinh sẽ đạt đạo quả giác ngộ.

2. Khi đầu gối trái chạm đất, quán niệm rằng, tất cả ngoại đạo sẽ không còn khởi tà kiến, mà chắc chắnsẽ được đưa về con đường chánh.

3. Khi tay phải chạm đất, quán niệm rằng, nguyện được như đức Thế Tôn, ngồi trên tòa kim cương, hiện ra tướng lành, đại địa chấn động, chứng nhập quả vị đại giác.

4. Khi tay trái chạm đất, quán niệm rằng, mong cho mọi người rời xa ngoại đạo, nguyện dùng bốn cách điều phục (tứ nhiếp pháp) để khuyến hóa những kẻ ương ngạnh nhất, khiến cho tất cả đều trở về chánh đạo.

5. Khi đầu mặt chạm đất, quán niệm rằng, mong cho tất cả mọi người đều dứt trừ tâm kiêu mạn, và sẽ có được tướng quí ở đỉnh đầu mà mắt thường khó thấy (vô kiến đỉnh tướng).

(37) Chấn động sáu cách: Khi có các sự việc vĩ đại xảy ra, như đức Bồ Tát Hộ Minh từ cung trời Đâu-suất giáng trần gá vào thai mẹ, đức Bồ Tát ra khỏi thai mẹ xuất hiện ở thế gian, đức Bồ Tát vừa thành bậc Tối Chánh Giác v.v..., thì đại địa chấn động.

Đại địa chấn động có 6 tướng trạng. Kinh Đại Phẩm Bát Nhã đã y theo phương hướng chấn động mà nêu ra 6 tướng như sau: hướng Đông nổi lên, hướng Tây chìm xuống; hướng Tây nổi lên, hướng Đông chìm xuống; hướng Nam nổi lên, hướng Bắc chìm xuống; hướng Bắc nổi lên, hướng Nam chìm xuống; ngoài biên nổi lên, ở giữa chìm xuống; ở giữa nổi lên, ngoài biên chìm xuống.

Trong khi đó, kinh Tân Hoa Nghiêm y theo cách thức chấn động mà nêu 6 tướng như sau: chuyển động; nổi cao dần; vọt cao lên; phát ra tiếng động nhẹ; gào thét dữ dội; ầm ầm vang xa. Ba tướng đầu là hình thái của chấn động; ba tướng sau là âm thanh của chấn động.

(38) Điên đảo. Trong Phật học, từ “điên đảo” được dùng để chỉ cho những tà kiến của kẻ phàm phu chưa giác ngộ, tức là do vô minh mà sinh ra những thấy biết sai lầm, trái ngược với thật tướng của vạn hữu; như vạn hữu là vô thường mà cho là thường, là vô ngã mà cho là ngã, là khổ mà cho là vui, là giả có mà cho là thật có, là dơ nhớp mà cho là trong sạch, là duyên sinh mà cho là do thượng đế sáng tạo, v.v...

(39) Chùm trái ác-xoa. Ác-xoa là một loại trái cây đặc sản của vùng Thiên-trúc, Tây-vức ngày xưa. Trái luôn luôn sinh ra thành chùm: một cuống có ba trái. Chúng sinh do mê lầm (hoặc) mà tạo nghiệp (nghiệp), do nghiệp mà nhận chịu quả báo đau khổ (khổ). Ba thứ hoặc, nghiệp, khổ này dính liền triền miên không rời nhau, giống như trái ác-xoa luôn luôn sinh ra thành chùm ba trái.

(40) Tâm phan duyên. Chữ “tâm” ở đây là chỉ cho thức thứ sáu (ý thức); chữ “phan” nghĩa là vin, níu, bám, chạy theo; chữ “duyên” ở đây là chỉ cho các trần cảnh. Ý thức chạy theo trần cảnh, khởi niệm phân biệt, tính toán so lường, rồi sinh ra yêu, ghét, lấy, bỏ, v.v...; có trần cảnh thì khởi lên, không có trần cảnh thì tiêu mất; lúc sinh, lúc diệt, hư vọng không có thật thể. Như thế, ý thức không phải là chân tâm, cũng không phải thật tánh.

(41) Vô sinh pháp nhẫn. Thật tướng chân như xa lìa hẳn các tướng sinh diệt, gọi là “vô sinh pháp”; chân trí tuệ an trú nơi lí lẽ này, không xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn” – gọi tắt là “vô sinh nhẫn”. Bồ-tát dùng trí tuệ siêu việt quán chiếu thấy rõ tự tánh của các pháp vốn là không, cho nên các pháp không hề có sinh khởi, bởi vậy, Bồ-tát không hề xao động, gọi là “vô sinh pháp nhẫn”.

(42) Tòa sư tử. Sư tử là vua của các loài thú. Phật là bậc chí tôn trong ba cõi. Trong kinh điển thường ví đức Phật như “sư tử chúa” (sư tử vương); cho nên, pháp âm của Ngài thường được ví như “tiếng gầm sư tử” (sư tử hống), và chỗ ngồi của Ngài được gọi là “tòa sư tử” (sư tử tòa).

(43) Năm trần cảnh: tức là 5 cảnh ở ngoài thân: sắc, thanh, hương, vịxúc, là đối tượng của 5 căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt và thân.

(44) Pháp trần: là những cảnh ở trong tâm ý, chứ không phải ở ngoài thân. Chúng là đối tượng của ý căn(hay cảnh giới tri giác của ý thức), gồm một phạm vi vô cùng rộng rãi, phức tạp và trừu tượng, là tất cả những đối tượng cảm giác của năm thức trước, những ý tượng, ảnh tượng, và tư tưởng không ảnh tượng; ngoài ra, cũng còn phải kể tới các loại vô biểu sắc, các loại tâm sở, các pháp “bất tương ưng hành”, và các pháp “vô vi”.

(45) Chín bậc định theo thứ lớp. Do theo thứ lớp từ thấp lên cao, tiến lên từng định một, trải qua 9 bậc, gọi là “9 bậc định theo thứ lớp” (cửu thứ đệ định). Đó là các bậc định: Sơ-thiền, Nhị-thiền, Tam-thiền, Tứ-thiền, Không-xứ, Thức-xứ, Vô-sở-hữu-xứ, Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ, và Diệt-tận (cũng gọi Diệt-thọ-tưởng).

(46) Hai thứ chướng ngại (nhị chướng). Đây là hai thứ luôn luôn làm trở ngại, khiến cho người tu họckhông thể tiến đến chứng ngộ trí tuệ Phật.

1. Chướng ngại của phiền não (phiền não chướng). “Phiền não” là những hiện tượng tâm lí xấu, làm động cơ thúc đẩy con người gây ra vô vàn lầm lỗi về cả thân, miệng và ý. Phiền não có nhiều loại, có những loại thuộc về tình cảm, có những loại thuộc về trí thức. Lòng tham dục, sự giận hờn, những tâm trạng như buồn phiền, lo lắng, ghen tức, kiêu mạn, khinh khi v.v..., là những loại phiền não thuộc về tình cảm; sự si mê, ngu muội, trì trệ, những cái thấy biết sai lầm, những tâm niệm cố chấp, bảo thủ, thành kiến, những tư tưởng ngông cuồng, tà vọng v.v..., là những loại phiền não thuộc về trí thức; tất cả mọi thứ, chúng làm cho con người đau khổ triền miên, không có phút giây nào tỉnh thức để tu tập đạo giác ngộ, không thể nào tiến lên được địa vị giải thoát, cho nên chúng được gọi là “phiền não chướng”.

2. Chướng ngại của kiến thức (sở tri chướng). “Sở tri” là những quan điểm, những cái thấy, những hiểu biết, những khái niệm thu thập được từ sự học hỏi, đọc sách v.v..., nói chung là những kiến thức mình có được. Những kiến thức này rất cần thiết cho người tu học để đạt đến trí tuệ, chứ chính chúng không phải là trí tuệ. Cho nên, nếu chúng ta cứ khư khư ôm giữ lấy những kiến thức ấy và cho rằng chúng là hay nhất, chúng là chân lí; chúng ta thỏa mãn với chúng, tự thấy không cần phải học hỏi gì thêm nữa, thì tức là ta đã bị mắc kẹt vào chúng, không thể nào tiến bộ được nữa; đạo Phật gọi những kiến thức đó là “sở tri chướng” – tức là những kiến thức làm trở ngại cho tiến trình giác ngộ. Cái gì mà mình vừa biết được và liền cho đó là số một, thì lập tức con đường tiến thủ của mình bị chận lại, vì vậy, hành giả phải biết phá vỡ, vượt thoát những kiến thức đã có để có thể đi xa hơn nữa. Có như thế thì tuệ giác giác ngộ – mục tiêu sau cùng của hành giả – đến một lúc nào đó mới hiển lộ ra được.

Hai thứ chướng ngại này, có khi trạng thể rất vi tế, khó nhận thấy; chúng lại luôn luôn liên kết với nhau, giúp đỡ cho nhau để bám sát theo chúng sinh, hoặc ở trạng thái phát hiện (nổi trên mặt ý thức), hoặc ởtrạng thái tiềm ẩn (chủng tử nằm sâu trong tàng thức); trong khi đó thì chúng sinh cũng mù quáng đeo đuổi theo chúng như người ngủ say để tạo ra các nghiệp xấu, ngày càng chất chồng. Vì vậy, Duy Thức Học gọi chúng (phiền não chướng và sở tri chướng) là “tùy miên”.

(47) Vàng diêm-phù-đàn: là loại vàng quí nhất trong các loại vàng. Cây diêm-phù vốn là đặc sản của Ấn-độ, nơi đây có nhiều khu rừng diêm-phù rất sầm uất, nhất là ở vùng rừng núi Hi-mã-lạp. Vào khoảng tháng Tư, tháng Năm thì cây trổ hoa, rồi kết trái. Có những con sông chảy qua các khu rừng này, nước từ trái diêm-phù nhỏ rớt xuống sông, thấm vào cát, lâu ngày cát biến thành vàng, gọi là “vàng diêm-phù-đàn”. Loại vàng này màu đỏ thẫm có pha màu tím, phát ra ánh sáng rực rỡ. Theo truyền thuyết, để một cục vàng này giữa một đống vàng khác, cả đống vàng ấy liền bị mất hết màu sắc; ban đêm đem để nó trong phòng tối, nó tỏa ra ánh sáng rực rỡ như ánh sáng mặt trời giữa ban ngày. Thân Phật cũng sáng rỡ như vậy, nên kinh điển thường đem vàng diêm-phù-đàn ví dụ cho thân Phật.

(48) Vườn Nai (Lộc-uyển): nằm cách khoảng 6 cây số về hướng Tây-Bắc của kinh thành Ba-la-nại (nay là Varanasi, Ấn-độ) của vương quốc Ca-thi. Theo truyền thuyết, vào thời quá khứ xa xăm, có vị quốc vươngtừ kinh thành Ba-la-nại đến nơi này săn bắn, đã giăng lưới bắt được cả ngàn con nai. Con nai chúa vì quá thương đàn nai, đã xin nhà vua thả hết đàn nai, rồi mỗi ngày nó sẽ đích thân đem đến dâng cho vua một con nai để làm thức ăn. Nhà vua xúc động, liền cho thả hết bầy nai vừa bắt được. Do đó, khu vườn này có tên là “Lộc-dã-uyển” (hay Lộc-dã-viên, Lộc-uyển, Lộc-viên – “lộc” nghĩa là con nai). Hoặc có chỗ nói, trong bầy nai nhà vua bắt được, có một con nai mẹ đang mang thai. Vì quá thương tâm, nai chúa bèn xin nhà vua tha cho con nai đang có thai, rồi tự hủy mình trước nhà vua để chết thế. Quá xúc động trước sự việc xảy ra bất ngờ, nhà vua liền ra lệnh thả hết bầy nai, và ban lệnh dành khu rừng ấy cho nai ở, cấm tất cả mọi người không được tới đó săn bắn. Do đó mà bầy nai được sống thật an bình, và địa phương đó được gọi là vườn Nai. Mặt khác, vào thời quá khứ, đức Phật đã từng là một vị tiên, tên Tối Thắng, thường nói pháp ở khu rừng này, nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-luận-xứ”. Lại nữa, dù có Phật ra đời hay không, khu vực này luôn luôn là nơi cư trú dành cho các bậc thần tiên, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-trú-xứ” (hay Tiên-viên, Tiên-uyển). Cũng có thuyết nói rằng, ngày xưa từng có năm trăm vị tiên bay trên không trung, khi bay ngang qua khu rừng này thì thấy có rất nhiều phi tần của vua, lòng dục phát khởi, liền mất hết thần thông và rơi xuống đất, cho nên nó cũng có tên là “Tiên-nhân-đọa-xứ”.

Vườn Nai là một trong các thánh tích quan trọng của Phật giáo. Đó là nơi Phật chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên; cũng là nơi Ba Ngôi Báu xuất hiện trước tiên ở thế gian; và cũng là nơi Giáo đoàn Phật giáo được thành lập. Nhưng, từ thời Phật tại thế, nơi đó đã không có một tu viện qui mô với kiến trúc đồ sộ như các tu viện Trúc-lâm hay Kì-viên. Mãi đến thời đại vua A Dục (thế kỉ thứ 3 tr. TL), thánh tích này mới trở thànhquan trọng, được mọi người chú ý, do công đức xây dựng của chính vua A Dục. Đầu thế kỉ thứ 8, khi pháp sư Huyền Trang (Trung-quốc) đến Ấn-độ, thì dấu tích công trình của vua A Dục tại Lộc-uyển vẫn còn, có ngôi tinh xá cao tầng đồ sộ với tường thành vây bọc chung quanh, tăng chúng tu học đông đến ngàn vị. Gần đó là một trụ đá cao đến gần 25 thước, cũng do chính vua A Dục xây để ghi dấu vết nơi đức Thế Tônchuyển pháp luân. Đến thế kỉ 13, các thánh tích nơi đây đều bị Hồi giáo và Ấn giáo lần lượt dày xéo, phá nát, tăng sĩ bị giết sạch. Từ đó thánh địa đã trở thành hoang phế. Ngày nay, nhờ công trình khai quật của các nhà khảo cổ học, người ta đã phát hiện nền cũ của ngôi tinh xá xưa; một tòa tháp hai tầng, hình vuông, trên tường có chạm khắc hình chữ “vạn” (卍); cột trụ đá của vua A Dục với rào sắt vây bọc chung quanh; v.v... Hiện nay ở Lộc-uyển, chùa viện của các đoàn thể Phật giáo thuộc các nước trên thế giớiđược dựng lên rất nhiều, có viện bảo tồn các cổ vật đặc thù và trân quí của Phật giáo, viện bảo tồn cổ vậtchung của Ấn-độ, và có cả giáo đường của Kì-na giáo.

(49) A Nhã Đa: tức Kiều Trần Như. (Xem chú thích số 51 ở sau.) Tiếng Phạn “a-nhã-đa” có nghĩa là hiểu trước nhất.

(50) Phiền não khách trần. Phiền não được dụ như khách và trần. “Khách” có nghĩa là khách trọ (trái lạivới chủ), chỉ cho hành tướng thô thiển, di động không ngừng; “trần” là bụi bặm, chỉ cho hành tướng vi tế, cũng di động không ngừng. Phiền não của chúng sinh trong ba cõi gồm có kiến hoặc và tư hoặc. Kiến hoặclà những sai lầm về thấy biết, tính chất thô thiển, dễ nhận thấy, được ví dụ như “khách”; tư hoặc là những sai lầm về tình cảm, tính chất vi tế, khó thấy hơn, được ví dụ như “trần”. Kiến, tư hoặc (phiền não) là do ngã chấp mà sinh ra. Ngã chấp phân biệt ta người, tốt xấu, v.v... hành tướng lăng xăng, giao động không dừng, được ví như “khách”; ngã chấp sinh cùng lần với thân mạng, hành tướng vi tế khó biết, được ví dụ như “trần”. Phiền não khách trần là mê lầm chung của cả ba thừa (Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát), nếu không đoạn trừ được thì quả vị A-la-hán cũng không chứng được, huống gì là quả vị Vô-thượng Bồ-đề!

(51) Kiều Trần Na: tức Kiều Trần Như, là vị huynh trưởng của nhóm “năm vị tì kheo đệ tử đầu tiên” và là vị đệ tử lớn có pháp lạp cao nhất của đức Phật. Tên của tôn giả, gọi cho đầy đủ là A Nhã Kiều Trần Như; bốn vị khác trong nhóm tên là Bạt Đề, Bà Sư Ba, Ma Ha Nam và A Thị Thuyết, vốn đều là đạo sĩ Bà la môn, lúc trước cùng tu khổ hạnh với đức Cồ Đàm (tức đức Thích Ca) tại rừng Già-da, thuộc thôn Ưu-lâu-tần-loa, nước Ma-kiệt-đà. Sau một thời gian dài tu khổ hạnh một cách triệt để, cả 6 người đều kiệt sức, mà trí tuệvẫn không phát triển thêm, trái lại còn mòn mỏi đi. Một hôm, đức Cồ Đàm tuần tự kiểm điểm lại sự tu tậptrong thời gian qua, và bỗng nhiên bừng tỉnh. Ngài thấy rõ, con đường khổ hạnh đã là con đường sai lầm, không giúp ích được gì cho sự phát triển trí tuệ. Ngài bèn quyết định từ bỏ phép tu khổ hạnh, trở lại ăn uống bình thường để phục hồi sức khỏe, và bắt đầu theo đuổi con đường thiền quán – mà Ngài xét thấy, đó mới là con đường chính đáng nhất có thể đưa đến đạo quả giác ngộ.

Sa môn Kiều Trần Như thấy đức Cồ Đàm ăn uống bình thường trở lại, bỏ việc tu khổ hạnh, thì cho rằng Ngài đã thối chí, bèn rủ bốn người bạn kia bỏ đi, tìm đến nơi khác tu hành theo con đường riêng của họ. Họ đi sang vườn Nai (Lộc-uyển), gần thành Ba-la-nại, nước Ca-thi, để cùng tu học với nhau.

Sau khi thành đạo, đức Phật đã đến vườn Nai thuyết bài pháp đầu tiên, pháp Tứ Đế, hóa độ cho họ. Chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, nhờ quyết tâm và tinh chuyên tu học theo sự dạy dỗ của Phật, cả năm vị, đầu tiên là Kiều Trần Như, rồi tiếp đến là bốn vị kia, lần lượt đều chứng thánh quả A-la-hán. Vậy là, nơi vườn Lộc-uyển lúc bấy giờ, sa môn Kiều Trần Như cùng với bốn bạn hữu đã trở thành năm vị đệ tử tì kheo đầu tiên của đức Phật. Họ cũng là năm thành viên đầu tiên của giáo đoàn đức Phật. Riêng tôn giả Kiều Trần Như lại còn là vị đệ tử đã chứng thánh quả A-la-hán đầu tiên của Phật, và trở thành vị đệ tử lớn nhất của Ngài lúc đó. Từ đây, ngôi Tam Bảo đã được xuất hiện ở thế gian, với đức Thích Ca Mâu Ni là Phật Bảo, giáo pháp Tứ Đế do Ngài vừa giảng dạy là Pháp Bảo, và năm vị tì kheo nhóm Kiều Trần Như là Tăng Bảo.

(52) Ca Chiên Diên: Ở đây là Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên, lãnh tụ của một trong sáu phái ngoại đạo nổi tiếng (lục sư ngoại đạo) thời Phật tại thế. Phái này chủ trương rằng, tội phước của tất cả chúng sinh đều do trời Tự Tại mà có; vị trời này vui vẻ thì chúng sinh an lạc, vị trời này nóng giận thì chúng sinh khổ sở. Có người, dù giết tất cả chúng sinh, nhưng tâm không hổ thẹn thì không đọa vào ác đạo; nếu hổ thẹn thì liền đọa địa ngục. Phật giáo gọi đây là tà kiến của hạng “vô tàm ngoại đạo”; và xếp thuộc loại ngoại đạo chủ trương “đoạn kiến”.

(53) Tì La Chi Tử: tức San Xà Dạ Tì La Chi Tử, là vị lãnh tụ của một trong sáu phái ngoại đạo nổi tiếng (lục sư ngoại đạo) thời Phật tại thế. Phái này tương đối rất có thế lực, hai tôn giả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên, trước khi qui y theo Phật, vốn là hai vị đệ tử lớn của của ông San Xà Dạ. Phái này chủ trương rằng, tất cả khổ vui mà con người đang nhận chịu, chẳng phải do nguyên nhân ở kiếp trước, mà cũng chẳng có quả báo ở đời sau. Phật giáo coi loại tà kiến này thuộc về “đoạn kiến”.

(54) Trời Kì Bà: là vị trời chủ về thọ mạng con người, thường hầu cận trời Đế Thích. Theo phong tục của các nước trong vùng Thiên-trúc và Tây-vực xưa, mọi người đều kính ngưỡng tôn thờ vị thiên thần này. Con sinh ra, khi lên 3 tuổi, cha mẹ đều dẫn đến đền thờ yết kiến vị trời này để cầu được sống lâu trăm tuổi.

(55) Mẫu-đà-la: là ấn khế; bàn tay mẫu-đà-la tức là bàn tay bắt ấn.

(56) Thân của chánh biến tri: tức pháp thân thanh tịnh của các đức Như Lai, biết rõ tâm bao trùm cả vạn pháp, vạn pháp chỉ do tâm khởi.

(57) Thân của tánh điên đảo: tức thân tứ đại của chúng sinh phàm phu, do bị năm ấm làm chướng ngạimà thấy biết sai lầm, chấp tâm ở trong thân, chấp pháp ở ngoài thân, thuận cho là nghịch, nghịch cho là thuận.

(58) Tiếng hải triều (hải triều âm): là một thuật ngữ Phật học, dùng để ví dụ cho tiếng thuyết pháp của Phật. Tiếng hải triều là tiếng sóng biển đập vào vách đá, nghe ầm ầm vang dội, thật uy mãnh. Pháp âm của Phật cũng vậy, thật hùng hồn, đầy uy lực, vang dội khắp nơi, thấm nhuần khắp ba cõi. Tiếng hải triều cũng chỉ cho thanh danh của Phật và chư đại Bồ-tát vang tỏa khắp nơi, ma vương nghe đến là kinh khiếp như sợ sự hùng vĩ của sóng biển. Lại nữa, hải triều không trái thời, cũng như lời thuyết pháp của Phật, vì do tâm từ bi cứu độ chúng sinh, nên luôn luôn thích ứng với thời cơ mà thuyết pháp.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy