× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 34: Phẩm thứ 24: Bồ Tát Ca Diếp (1)

   Phần thứ IV: - Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Tất cả chúng sinh đều từ phiền não mà bị quả báo. Nói phiền não thì tức là gọi cái ác. Việc sinh ra phiền não từ phiền não ác cũng gọi là ác. Như vậy thì phiền não có hai thứ: Một là nhân, hai là quả. Nhân ác nên quả ác, quả ác nên chủng tử ác. Như trái cây Nhiệm Bà, hạt của nó đắng nên hoa, trái, thân, lá... tất cả đều đắng. Giống như cây độc thì hạt của nó độc nên trái cũng là độc. Nhân cũng chúng sinh, quả cũng chúng sinh, nhân cũng phiền não, quả cũng phiền não, nhân quả phiền não tức là chúng sinh, chúng sinh tức là nhân quả phiền não. Nếu từ nghĩa này thì làm sao đức Như Lai trước đây dụ rằng, núi Tuyết có cỏ độc cũng có vua thuốc vi diệu ? Nếu nói rằng, phiền não tức là chúng sinh, chúng sinh tức là phiền não thì làm sao mà nói rằng trong thân chúng sinh có vua thuốc vi diệu ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Có vô lượng chúng sinh đều đồng với sự nghi ngờ này! Ông nay có thể vì họ trình bày và thỉnh cầu giảng giải! Ta cũng có thể cắt đứt sự nghi ngờ ấy! Ông hãy lắng nghe! Lắng nghe! Hãy suy nghĩ kỹ càng! Ta nay sẽ vì ông phân biệt giải nói! Này thiện nam tử! Dụ núi Tuyết tức là chúng sinh. Nói cỏ độc thì tức là phiền não. Vua thuốc vi diệu tức là phạm hạnh thanh tịnh. Này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh có thể tu phạm hạnh thanh tịnh như vậy thì đó gọi là trong thân có vua thuốc vi diệu.

            Ngài Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là chúng sinh có phạm hạnh thanh tịnh?

            - Này thiện nam tử! Giống như thế gian từ hạt sinh ra trái, và quả này có thứ có thể cho hạt làm nhân hay có thứ chẳng thể cho. Có thứ có thể cho hạt làm nhân thì đó gọi là hạt của quả. Nếu trái chẳng thể cho hạt làm nhân thì chỉ được gọi là quả chẳng được gọi là hạt. Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, đều có hai thứ: Một là có quả phiền não là nhân của phiền não. Hai là có quả phiền não chẳng phải nhân của phiền não. Quả phiền não này chẳng phải nhân của phiền não thì đó gọi là phạm hạnh thanh tịnh.

            Này thiện nam tử! Chúng sinh quan sát thọ biết được nhân gần của tất cả lậu gọi chung là nội ngoại lậu. Vì thọ nhân duyên nên chẳng thể đoạn tuyệt tất cả các lậu, cũng chẳng thể ra khỏi ngục tù ba cõi. Chúng sinh nhân thọ mà chấp trước ngã và ngã sở rồi sinh ra tâm điên đảo, tưởng điên đảo, kiến điên đảo. Vậy nên chúng sinh trước phải quan sát thọ. Như thọ này vì tất cả ái mà tạo tác nhân gần. Vậy nên kẻ trí muốn đoạn tuyệt thì phải trước quan sát thọ. Này thiện nam tử! Sở tác thiện ác của mười hai nhân duyên của tất cả chúng sinh đều nhân lúc thọ. Vậy nên ta vì A Nan nói rằng: “Này A Nan! Sở tác thiện ác của tất cả chúng sinh đều là khi thọ”. Vậy nên kẻ trí trước phải quan sát thọ! Ðã quan sát thọ rồi lại phải quan sát lại thọ như vậy là do nhân duyên nào sinh ra ? Nếu có nhân duyên sinh ra thì nhân duyên như vậy lại từ đâu sinh ra ? Nếu không nhân sinh ra thì vì sao chẳng sinh ra không thọ ? Lại quan sát thọ này chẳng nhân trời Tự Tại sinh, chẳng nhân sĩ phu sinh, chẳng nhân vi trần sinh, chẳng phải thời tiết sinh, chẳng nhân tưởng sinh, chẳng nhân tính sinh, chẳng từ tự sinh, chẳng từ người khác sinh, chẳng phải mình và người khác sinh, chẳng phải không nhân sinh. Thọ này đều từ duyên hợp mà sinh ra. Nhân duyên thì tức là ái vậy. Trong sự hòa hợp này chẳng phải có thọ, chẳng phải không thọ. Vậy nên ta phải cắt đứt sự hòa hợp này. Cắt đứt sự hòa hợp thì chẳng sinh ra thọ.

            Này thiện nam tử! Người trí đã quan sát nhân rồi thì tiếp đến quan sát quả báo. Chúng sinh nhân thọ mà thọ địa ngục, ngã quỉ, súc sinh cho đến vô lượng khổ não của ba cõi. Nhân duyên thọ nên thọ niềm vui vô thường, nhân duyên thọ nên cắt đứt căn lành, nhân duyên thọ nên chứng được giải thoát. Khi tác khởi sự quan sát này thì chẳng tạo tác nhân của thọ. Sao gọi là chẳng tạo tác nhân của thọ ? Nghĩa là phân biệt thọ: những thọ nào có thể làm nhân của ái ? Những ái nào có thể làm nhân của thọ.             Này thiện nam tử! Chúng sinh nếu có thể quan sát sâu như vậy về nhân của ái và nhân của thọ thì liền có thể đoạn tuyệt ngã và ngã sở. Này thiện nam tử! Nếu người có thể tác khởi những quan sát như vậy thì nên phân biệt ái cùng thọ diệt tại chỗ nào ? Rồi liền thấy ái thọ có chỗ diệt ít thì phải biết cũng nên có rốt ráo diệt. Bấy giờ liền đối với giải thoát sinh ra tin. Sinh ra lòng tin rồi thì chỗ giải thoát này do đâu mà được ? Biết là từ Bát chánh đạo thì tức thời liền tu tập. Sao gọi là Bát chánh đạo vậy ? Ðạo này quan sát thọ có ba thứ tướng: Một là khổ, hai là lạc, ba là chẳng khổ chẳng lạc. Ba thứ như vậy đều có thể tăng trưởng  thân cùng với tâm. Vì nhân duyên gì có thể tăng trưởng vậy ? Nhân duyên xúc vậy. Xúc này có ba thứ: Một là vô minh xúc, hai là minh xúc, ba là chẳng phải minh và vô minh xúc. Nói rằng Minh xúc thì tức là Bát chánh đạo. Hai xúc còn lại ấy tăng trưởng thân tâm và ba thứ thọ. Vậy nên ta nên đoạn tuyệt nhân duyên của hai xúc. Xúc đã cắt đứt thì chẳng sinh ra ba thọ. Này thiện nam tử! Như vậy thọ cũng là nhân, cũng gọi là quả. Người trí phải quan sát là cũng nhân, cũng quả. Sao gọi là nhân ? Nhân thọ mà sinh ra ái thì gọi đó là nhân. Sao gọi là quả ? Nhân xúc mà sinh ra nên gọi đó là quả. Vậy nên thọ này cũng là nhân, cũng là quả. Người trí quán thọ này như vậy rồi, tiếp đến lại quan sát ái thọ quả báo nên gọi đó là ái. Người trí quan sát ái lại có hai thứ: Một là tạp thực, hai là vô thực. Tạp thực ái là nhân sinh ra già, bệnh chết và tất cả các hữu. Vô thực ái là đoạn tuyệt sinh già bệnh chết và tất cả các hữu, tham đạo vô lậu. Người trí lại phải tác khởi ý niệm như vầy: “Nếu ta sinh ra Tạp thực ái này thì chẳng thể đoạn tuyệt sinh già bệnh chết. Ta nay tuy tham đạo vô lậu nhưng chẳng đoạn nhân của thọ thì chẳng thể được đạo quả vô lậu. Vậy nên cần phải trước đoạn trừ xúc này. Xúc đã đoạn rồi thì thọ tự diệt. Thọ đã diệt rồi thì ái cũng diệt theo”. Ðó gọi là Bát Chánh đạo.

            Này thiện nam tử! Nếu có chúng sinh có thể quan sát như vậy thì tuy có thân độc (hại) nhưng trong thân ấy có vua thuốc vi diệu, như trong núi Tuyết tuy có cỏ độc nhưng cũng có diệu dược.

            Này thiện nam tử! Như vậy chúng sinh tuy từ phiền não mà được quả báo, nhưng quả báo này chẳng lại vì phiền não làm nhân. Ðó gọi là phạm hạnh thanh tịnh.

            Lại nữa, này thiện nam tử! Người trí phải quan sát hai việc thọ, ái do nhân duyên gì sinh ra ? Biết là nhân tưởng sinh ra. Vì sao vậy ? Vì chúng sinh thấy sắc cũng chẳng sinh tham và khi quan sát thọ cũng chẳng sinh ra tham. Nếu ở trong sắc sinh ra điên đảo tưởng, gọi sắc tức là Thường Lạc Ngã Tịnh, thọ là thường hằng không có biến dịch. Nhân điên đảo tưởng này sinh ra tham, sân, si. Vậy nên người trí cần phải quan sát tưởng. Quan sát tưởng như thế nào ? Phải tác khởi ý niệm này: “Tất cả chúng sinh chưa được chính đạo đều có điên đảo tưởng. Ðiên đảo tưởng là sao ? Là ở trong cái chẳng phải thường sinh ra thường tưởng, ở trong cái chẳng vui sinh ra lạc tưởng, ở trong cái chẳng phải tịnh sinh ra tịnh tưởng, ở trong không pháp sinh ra ngã tưởng, đối với chẳng phải trai gái, lớn nhỏ, ngày đêm, năm tháng, y phục, phòng xá, ngọa cụ.... sinh ra tư tưởng về nam nữ... cho đến ngọa cụ. Tưởng này có ba thứ, một là nhỏ, hai là lớn, ba là vô biên. Nhân duyên nhỏ nên sinh ra tưởng nhỏ, nhân duyên lớn nên sinh ra tưởng lớn, vô lượng nhân duyên nên sinh ra vô lượng tưởng. Lại có tiểu tưởng gọi là chưa vào định. Lại có đại tưởng gọi là đã vào định. Lại có vô lượng tưởng gọi là mười tất cả nhập. Lại có tiểu tưởng là gọi tất cả tưởng của Dục giới. Lại có đại tưởng là gọi tất cả tưởng của Sắc giới. Lại có vô lượng tưỏng là gọi tất cả tưởng của Vô sắc giới. Ba tưởng diệt thì thọ tự diệt. Tưởng, thọ diệt thì gọi là giải thoát.

            Bồ tát Ca Diếp bạch rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Diệt tất cả pháp gọi là giải thoát, đức Như Lai làm sao nói tưởng, thọ diệt gọi là giải thoát vậy ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Như Lai, hoặc khi nhân chúng sinh nói mà người nghe hiểu được pháp, hoặc khi nhân pháp nói với chúng sinh mà người nghe cũng giải nói cho chúng sinh. Sao gọi là nhân chúng sinh nói mà người nghe hiểu pháp ? Như ta trước vì ông Ca Diếp nói: “Này Ca Diếp! Khi chúng sinh diệt thì thiện pháp diệt. Ðó gọi là nhân chúng sinh nói, người nghe hiểu pháp. Sao gọi là nhân pháp nói với chúng sinh mà người nghe cũng giải nói với chúng sinh ? Như ta trước vì ông A Nan nói rằng: “Ta cũng chẳng nói thân cận tất cả pháp, cũng lại chẳng nói chẳng thân cận tất cả pháp. Nếu pháp gần rồi thì thiện pháp suy yếu, bất thiện pháp hưng thịnh. Pháp như vậy thì chẳng nên thân cận. Nếu pháp gần rồi thì bất thiện suy yếu, thiện pháp tăng trưởng. Pháp như vậy thì nên thân cận”. Ðó gọi là nhân pháp nói với chúng sinh mà người nghe cũng giải nói với chúng sinh. Này thiện nam tử! Như Lai tuy nói tưởng, thọ cả hai diệt thì đã nói thâu tóm tất cả có thể đoạn trừ. Người trí đã quan sát tưởng như vậy rồi tiếp đến quan sát tưởng căn. Vô lượng tưởng này nhân đâu mà sinh ra ? Biết là nhân xúc sinh ra. Xúc này có hai thứ: Một là nhân phiền não xúc, hai là nhân giải thoát xúc. Nhân vô minh sinh ra gọi là phiền não xúc. Nhân minh sinh ra thì gọi là giải thoát xúc. Nhân phiền não xúc sinh ra điên đảo tưởng. Nhân giải thoát xúc sinh ra bất đảo tưởng. Quan sát nhân của tưởng rồi, tiếp đến quan sát quả báo.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Nếu do nhân vào phiền não tưởng này sinh ra điên đảo tưởng thì tất cả Thánh nhân thật có điên đảo tưởng mà không có phiền não thì nghĩa này ra sao ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Làm sao Thánh nhân mà có điên đảo tưởng?

            Bồ tát Ca Diếp bạch rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Tất cả Thánh nhân thì đối với trâu tác khởi ngưu tưởng và cũng nói là trâu, với ngựa tác khởi mã tưởng và cũng nói là ngựa, trai gái, lớn nhỏ, nhà cửa, xe cộ, đi lại cũng vậy. Ðó gọi là điên đảo tưởng!

            - Này thiện nam tử! Tất cả phàm phu có hai thứ tưởng: Một là thế lưu bố tưởng, hai là trước tưởng. Tất cả Thánh nhân chỉ có Thế lưu bố tưởng (cái tưởng phổ biến ở thế gian) mà không có Trước tưởng (tưởng chấp trước). Tất cả phàm phu do giác quán ác nên đối với thế lưu bố tưởng sinh ra trước tưởng. Tất cả Thánh nhân do giác quán thiện nên đối với Thế lưu bố tưởng chẳng sinh ra Trước tưởng. Vậy nên phàm phu gọi là điên đảo tưởng. Bậc Thánh nhân tuy biết nhưng chẳng gọi là điên đảo tưởng. Người trí quan sát nhân của tưởng như vậy rồi tiếp đến quan sát quả báo. Quả báo ác tưởng này thọ ở tại trong địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, người, trời. Như ta nhân cắt đứt giác quán ác nên vô minh xúc đoạn trừ. Vậy nên tưởng đoạn diệt. Nhân tưởng đoạn trừ nên quả báo cũng đoạn diệt. Kẻ trí vì đoạn trừ nhân của tưởng như vậy mà tu Bát Chánh đạo. Này thiện nam tử! Nếu có thể tác khởi sự quan sát như vậy thì được gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Này thiện nam tử! Trong thân độc của chúng sinh có vua thuốc vi diệu như trong núi Tuyết tuy có cỏ độc nhưng cũng có diệu dược.

            Lại nữa, này thiện nam tử! Người trí quan sát dục mà dục thì tức là sắc, thanh, hương, vị, xúc. Này thiện nam tử! Tức là Như Lai, trong nhân nói quả, từ năm việc này sinh ra dục chứ thật chẳng phải dục vậy. Này thiện nam tử! Người ngu si tham cầu thọ dục đó. Ở trong sắc này sinh ra điên đảo tưởng... cho đến ở trong thức cũng sinh ra điên đảo tưởng. Nhân duyên điên đảo tưởng liền sinh ra thọ. Vậy nên thế gian nói, nhân điên đảo tưởng sinh ra mười thứ tưởng. Nhân duyên của dục nên ở tại thế gian thọ quả báo ác, dùng ác thêm với cha mẹ, sa môn, bà la môn.v.v... Việc chẳng nên làm mà làm chẳng tiếc thân mạng. Vậy nên kẻ trí quan sát nhân duyên ác tưởng này nên sinh ra dục tâm. Kẻ trí quan sát nhân của dục như vậy rồi tiếp đến quan sát quả báo. Dục này có nhiều những quả báo ác như là địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, trong loài người, trên cõi trời. Ðó gọi là quan sát quả báo. Nếu tưởng ác đó được trừ diệt thì nhất định chẳng sinh ra lòng dục này. Không lòng dục nên chẳng thọ ác thọ. Không ác thọ thì không ác quả. Vậy nên ta nên trước đoạn trừ ác tưởng. Ðoạn ác tưởng rồi thì những pháp như vậy tự nhiên mà diệt. Vậy nên kẻ trí vì diệt ác tưởng nên tu Bát Chánh đạo. Ðó gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Ðó gọi là trong thân tộc của chúng sinh có vua diệu dược như trong núi Tuyết tuy có cỏ độc nhưng cũng có diệu dược.

            Lại nữa, này thiện nam tử! Kẻ trí quan sát dục đó như vậy rồi tiếp đến phải quan sát nghiệp. Vì sao vậy ? Vì người có trí phải tác khởi ý niệm này: “Thọ, tưởng, xúc, dục tức là phiền não mà phiền não này có thể tạo tác sinh nghiệp, chẳng tạo tác thọ nghiệp. Như vậy phiền não cùng với nghiệp chung hành động thì có hai thứ: Một là tạo tác sinh nghiệp, hai là tạo tác thọ nghiệp. Vậy nên kẻ trí phải quan sát đến nghiệp. Nghiệp này có ba thứ là thân, miệng, ý. Này thiện nam tử! Thân, miệng hai nghiệp cũng gọi là nghiệp cũng gọi là nghiệp quả, còn ý chỉ gọi là nghiệp, chẳng gọi là nghiệp quả. Vì nhân của nghiệp nên gọi là nghiệp. Này thiện nam tử! Hai nghiệp thân và miệng gọi là ngoại nghiệp (nghiệp bên ngoài). Ý nghiệp gọi là nội nghiệp. Ba thứ nghiệp này chung với phiền não hành động nên tạo ra hai thứ nghiệp: Một là sinh nghiệp, hai là thọ nghiệp. Này thiện nam tử! Chính nghiệp tức là ý nghiệp. Kỳ nghiệp (nghiệp có kỳ hẹn) là gọi nghiệp thân và miệng. Phát ra trước nên gọi là ý nghiệp. Từ ý nghiệp sinh ra gọi là nghiệp thân và miệng. Vậy nên ý nghiệp được gọi là chính. Kẻ trí quan sát nghiệp rồi tiếp đến quan sát nhân của nghiệp. Nhân của nghiệp thì tức là vô minh xúc. Nhân vô minh xúc chúng sinh cầu có mà nhân duyên của cầu có tức là ái vậy. Ái nhân duyên nên tạo tác ba thứ nghiệp thân, miệng, ý. Này thiện nam tử! Kẻ trí quan sát nhân của nghiệp như vậy rồi, tiếp đến quan sát quả báo. Quả báo có bốn thứ: Một là đen thì quả báo đen, hai là trắng thì quả báo trắng, ba là tạp thì quả báo tạp, bốn là chẳng đen chẳng trắng thì quả báo chẳng đen chẳng trắng. Ðen quả báo đen là khi tạo tác nghiệp cấu bẩn thì quả báo cũng cấu bẩn. Trắng quả báo trắng là khi tạo tác nghiệp sạch thì quả báo cũng sạch. Tạp quả báo tạp là khi tạo tác nghiệp tạp thì quả báo cũng tạp. Chẳng trắng chẳng đen quả báo cũng chẳng trắng chẳng đen là gọi nghiệp vô lậu.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Trước nói vô lậu không có quả báo, nay sao nói rằng có quả báo chẳng trắng chẳng đen vậy ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Nghĩa này có hai: Một là cũng quả cũng báo, hai là chỉ là quả chẳng phải là báo. Ðen thì quả báo đen cũng gọi là quả, cũng gọi là báo. Nhân của đen sinh ra nên được gọi là quả mà quả này có thể làm nhân nên lại gọi là báo. Tịnh, tạp cũng vậy. Quả vô lậu là nhân hữu lậu sinh ra nên gọi là quả mà chẳng làm nhân cho cái khác nên chẳng gọi là báo. Vậy nên gọi là quả mà chẳng gọi là báo.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Nghiệp vô lậu này chẳng phải là hắc pháp thì vì nhân duyên gì chẳng gọi là bạch (trắng).

            - Này thiện nam tử! Không có báo nên chẳng gọi là bạch. Ðối trị với hắc nên gọi là bạch. Ta nay nếu nói thọ quả báo thì gọi hắc là đối với bạch. Nghiệp vô lậu này chẳng thọ báo nên chẳng gọi là bạch mà gọi là Tịch tịnh. Như vậy nghiệp là có quyết định chỗ thọ báo. Như mười ác pháp quyết định tại địa ngục, ngã quỉ, súc sinh; nghiệp mười thiện thì quyết định tại người và trời. Mười pháp bất thiện có thượng, trung, hạ. Nhân duyên thượng nên thọ thân địa ngục. Nhân duyên trung nên thọ thân súc sinh. Nhân duyên hạ nên thọ thân ngã quỉ. Nghiệp con người về mười thiện lại có bốn thứ: Một là hạ, hai là trung, ba là thượng, bốn là thượng thượng. Nhân duyên hạ nên sinh ra ở Uất Ðan Việt. Nhân duyên trung nên sinh ra ở Phất Bà Ðề. Nhân duyên thượng nên sinh ra ở Cù Ðà Ni. Nhân duyên thượng thượng nên sinh ra ở Diêm Phù Ðề. Người có trí tác khởi sự quan sát này rồi liền khởi ý niệm này: “Ta phải làm sao đoạn trừ quả báo này!” Lại tác khởi ý niệm này: “Nghiệp đó nhân duyên vô minh xúc sinh ra, ta nếu đoạn trừ vô minh cùng xúc thì như vậy nghiệp quả diệt, chẳng sinh ra!” Vậy nên kẻ trí vì đoạn trừ nhân duyên vô minh, xúc nên tu Bát Chánh đạo. Ðó thì gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Này thiện nam tử! Ðó gọi là trong thân độc của chúng sinh có vua diệu dược như trong núi Tuyết tuy có cỏ độc nhưng cũng có diệu dược.

            Lại nữa, này thiện nam tử! Người trí quan sát nghiệp, quan sát phiền não rồi, tiếp đến quan sát hai quả báo sở đắc này. Hai quả báo này tức là khổ. Ðã biết là khổ thì có thể lìa bỏ tất cả thọ sinh. Người trí lại quan sát nhân duyên phiền não sinh ra phiền não, nhân duyên nghiệp cũng sinh ra phiền não, nhân duyên phiền não lại sinh ra nghiệp, nhân duyên nghiệp sinh ra khổ, nhân duyên khổ nên sinh ra phiền não, nhân duyên phiền não sinh ra hữu (có), nhân duyên hữu sinh ra khổ, nhân duyên hữu sinh ra hữu, nhân duyên hữu sinh ra nghiệp, nhân duyên nghiệp sinh ra phiền não, nhân duyên phiền não sinh ra khổ, nhân duyên khổ sinh ra khổ. Này thiện nam tử! Kẻ trí nếu có thể tác khởi sự quan sát như vậy thì phải biết người đó có thể quan sát nghiệp khổ. Vì sao vậy ? Vì sự quan sát như trên tức là sinh tử mười hai nhân duyên. Nếu người có thể quan sát sinh tử mười hai nhân duyên như vậy thì phải biết người đó chẳng tạo ra nghiệp mới, có thể phá hoại nghiệp cũ. Này thiện nam tử! Người có trí quan sát khổ của địa ngục. Quan sát từ một địa ngục cho đến một trăm ba mươi sáu chỗ. Mỗi một địa ngục có đủ thứ khổ mà đều là nhân duyên nghiệp phiền não sinh ra. Quan sát địa ngục rồi, tiếp đến quan sát khổ của ngã quỉ và súc sinh.v.v... Tác khởi sự quan sát này rồi, lại quan sát những khổ sở hữu của người và trời. Như vậy mọi thứ khổ đều từ nhân duyên nghiệp phiền não sinh ra. Này thiện nam tử! Trên trời tuy không có việc khổ não lớn nhưng thân thể mềm mại mịn màng ấy, khi thấy năm tướng suy xuất hiện thì chịu đựng khổ lớn như khổ địa ngục, không sai khác. Này thiện nam tử! Kẻ trí quan sát sâu những khổ của ba cõi đều từ nhân duyên nghiệp phiền não sinh ra. Này thiện nam tử! Ví như đồ vật bằng đất thô tức là dễ phá vỡ. Chúng sinh thọ thân cũng lại như vậy. Ðã thọ thân rồi tức là đồ chứa mọi khổ, ví như cây lớn hoa trái sum suê mà mọi loài chim có thể phá hoại, như cỏ khô lâu ngày thì chút lửa nhỏ có thể đốt cháy. Chúng sinh thọ thân bị sự phá hoại của khổ cũng lại như vậy. Này thiện nam tử! Kẻ trí nếu có thể quan sát khổ tám thứ như trong hạnh Thánh thì phải biết người đó có thể đoạn trừ mọi khổ.

            Này thiện nam tử! Kẻ trí quan sát sâu tám khổ này, rồi tiếp đến quan sát nhân của khổ. Nhân của khổ tức là ái vô minh. Ái vô minh này thì có hai thứ: Một là cầu thân mạng, hai là cầu của cải. Cầu thân, cầu tài cả hai đều là khổ. Vậy nên phải biết ái vô minh, tức là nhân của khổ.

            Này thiện nam tử! Ái vô minh này thì có hai thứ: Một là nội, hai là ngoại. Nội thì có thể tạo tác nghiệp, ngoại thì có thể làm tăng trưởng. Lại nữa, nội có thể tạo tác nghiệp, ngoại có thể tạo tác quả của nghiệp. Ðoạn nội ái rồi thì nghiệp được đoạn, đoạn ngoại ái rồi thì quả được đoạn. Nội ái có thể sinh ra khổ của đời vị lai. Ngoại ái có thể sinh ra  khổ đời hiện tại. Kẻ trí quan sát ái tức là nhân của khổ. Ðã quan sát nhân của khổ rồi, tiếp đến quan sát quả báo của khổ. Quả báo của khổ tức là thủ, quả báo của ái gọi là thủ. Nhân duyên thủ này là nội ngoại ái mà ái thì có ái khổ.

            Này thiện nam tử! Kẻ trí phải quan sát ái nhân duyên thủ, thủ nhân duyên ái. Nếu ta có thể cắt đứt hai việc ái và thủ thì chẳng tạo nghiệp mà thọ mọi sự khổ. Vậy nên kẻ trí vì đoạn thọ khổ nên tu Bát Chánh đạo. Này thiện nam tử! Nếu có người có thể quan sát như vậy thì đó gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Ðó gọi là trong thân độc của chúng sinh có vua thuốc vi diệu như trong núi Tuyết tuy có cỏ độc nhưng cũng có diệu dược.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là Phạm hạnh thanh tịnh ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Tất cả pháp đó!

            Bồ tát Ca Diếp bạch rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Tất cả pháp thì nghĩa chẳng quyết định. Vì sao vậy ? Vì đức Như Lai, hoặc nói là thiện hay chẳng thiện, hoặc khi nói là bốn niệm xứ quán, hoặc nói là mười hai nhập, hoặc nói là thiện tri thức, hoặc nói là mười hai nhân duyên, hoặc nói là chúng sinh, hoặc nói là chính kiến hay tà kiến, hoặc nói là mười hai bộ kinh, hoặc nói là nhị đế... hôm nay đức Như Lai mới nói tất cả pháp là Phạm hạnh thanh tịnh thì cái gì đều là tất cả pháp vậy ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Như vậy Kinh Ðại Niết Bàn vi diệu mới chính là Bảo tàng của tất cả thiện pháp. Ví như biển lớn chính kho tàng của mọi báu, kinh Niết Bàn này cũng lại như vậy, tức là kho tàng bí mật của tất cả chữ nghĩa.

            Này thiện nam tử! Như núi Tu Di là căn bản của mọi thứ thuốc, kinh Niết Bàn này cũng vậy, tức là căn bản của giới (cấm) Bồ tát. Này thiện nam tử! Ví như hư không là chỗ trụ xứ của tất cả vật, kinh này cũng vậy, tức là trụ xứ của tất cả thiện pháp. Này thiện nam tử! Ví như gió mạnh không thể trói buộc mà hạnh của tất cả Bồ tát chính là Kinh thì cũng lại như vậy, chẳng bị sự trói buộc của tất cả pháp ác phiền não .Này thiện nam tử!  Ví như Kim Cương không thể phá vỡ, Kinh này cũngvậy, tuy có người tà ác ngoại đạo nhưng chẳng thể phá hoại. Này thiện nam tử! Như cát của sông Hằng không thể tính thì nghĩa của Kinh này cũng lại như vậy, không thể tính.

            Này thiện nam tử! Kinh điển này vì các Bồ tát mà làm pháp tràng như Ðế Thích tràng.

            Này thiện nam tử! Kinh này tức là thương chủ đi đến thành Niết Bàn như vị thầy dẫn đường lớn dẫn các thương nhân đi về biển cả.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì các Bồ tát.v.v... làm ánh sáng pháp như mặt trời mặt trăng của thế gian có thể phá các tối tăm.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì chúng sinh bệnh khổ làm đại lương dược như vua thuốc vi diệu trong núi Hương có thể trị mọi bệnh.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể là cây gậy của nhất xiển đề giống như người yếu nhờ gậy được đứng lên.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì tất cả người ác mà làm cây cầu giống như cây cầu của đời có thể đi qua tất cả.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì người đi trong ba cõi gặp phiền não nhiệt mà làm sự che mát như cái dù của thế gian ngăn che sức nóng của mặt trời.

            Này thiện nam tử! Kinh này tức là vua đạo vô úy có thể hủy hoại của tất cả ma ác phiền não, như vua sư tử hàng phục mọi loài thú.

            Này thiện nam tử! Kinh này tức là thầy đại thần chú có thể hoại tất cả ma quỉ phiền não như thầy thần chú của đời có thể trừ khử yêu quái.     Này thiện nam tử! Kinh này tức là mưa đá vô thường có thể hoại tất cả quả báo sinh tử như mưa đá của đời phá hoại cây trái.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì người hư con mắt giới (cấm) làm đại lương dược giống như thuốc An xà đà của thế gian trị lành bệnh đau mắt.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể trụ tất cả thiện pháp như đất thế gian có thể trụ mọi vật.

            Này thiện nam tử! Kinh này tức là gương sáng của chúng sinh hủy giới như gương soi của thế gian nhìn thấy các sắc tượng.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì người không tàm quí mà làm y phục như áo quần của đời che đậy hình thể.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì người nghèo thiện pháp làm của báu lớn như vị trời Công Ðức Lợi cho người nghèo.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì chúng sinh khao khát pháp làm nước uống cam lồ như nước tám vị làm sung túc người khát.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì người phiền não mà làm giường pháp, như người đời gặp được giường yên ổn.

            Này thiện nam tử! Kinh này có thể vì Bồ tát sơ địa đến Bồ tát thập địa mà làm chuỗi ngọc, hương hoa, hương bột, hương đốt... chiếc xe đầy đủ chủng tính thanh tịnh hơn tất cả chỗ thọ diệu lạc của sáu Ba la mật như cây cây Ba Lợi Chất Ða của trời Ðao Lợi.

            Này thiện nam tử! Kinh này tức là búa bén Kim Cương có thể chặt tất cả cây lớn phiền não, tức là dao bén có thể cắt đứt tập khí, tức là sức mạnh có thể tiêu diệt ma oán, tức là lửa trí đốt cháy củi phiền não, tức là kho nhân duyên tạo ra Phật Bích Chi, tức là Thanh Văn tạng sinh ra người Thanh Văn, tức là mắt của tất cả chư thiên, tức là chính đạo của tất cả mọi người, tức là chỗ nương cậy của tất cả loài súc sinh, tức là chỗ giải thoát của loài ngã quỉ, tức là đấng Vô Thượng Tôn của địa ngục, tức là vô thượng khí của tất cả chúng sinh trong mười phương, tức là cha mẹ của các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại trong mười phương vậy.

            Này thiện nam tử! Vậy nên kinh này nhiếp lấy tất cả pháp. Như lời ta trước đã nói, Kinh này tuy nhiếp lấy tất cả các pháp, nhưng ta nói, Phạm hạnh tức là ba mươi bảy pháp trợ đạo.

            Này thiện nam tử! Như vậy nếu lìa ba mươi bảy phẩm thì nhất định chẳng thể được chính quả Thanh Văn... cho đến quả Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, chẳng thấy Phật tính và quả của Phật tính. Do nhân duyên này nên Phạm hạnh tức là ba mươi bảy phẩm. Vì sao vậy ? Vì tính của ba mươi bảy phẩm chẳng phải điên đảo mà có thể hủy hoại điên đảo. Tính ấy chẳng phải ác kiến mà có thể hủy hoại ác kiến. Tính ấy chẳng phải bố úy mà có thể hủy hoại bố úy. Tính ấy chính là tịnh hạnh có thể khiến cho chúng sinh rốt ráo tạo tác Phạm hạnh thanh tịnh.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Pháp hữu lậu cũng lại có thể làm nhân của pháp vô lậu thì đức Như Lai vì sao chẳng nói hữu lậu là Phạm hạnh thanh tịnh. Này thiện nam tử! Tất cả hữu lậu tức là điên đảo. Vậy nên hữu lậu chẳng được gọi là Phạm hạnh thanh tịnh.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Ðệ nhất pháp thế gian chính là hữu lậu hay là vô lậu vậy ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Chính là hữu lậu vậy!

            - Thưa đức Thế Tôn! Tuy là hữu lậu nhưng tính chẳng phải điên đảo mà vì sao chẳng gọi là Phạm hạnh thanh tịnh ?

            - Này thiện nam tử! Ðệ nhất pháp thế gian là nhân của vô lậu nên tựa như vô lậu, hướng về vô lậu nên chẳng gọi là điên đảo. Này thiện nam tử! Phạm hạnh thanh tịnh phát tâm nối tiếp nhau cho đến rốt ráo còn Ðệ nhất pháp của thế gian chỉ là một niệm. Vậy nên chẳng được gọi là Phạm hạnh thanh tịnh.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Năm thức của chúng sinh cũng là hữu lậu, chẳng phải là điên đảo, lại chẳng phải một niệm thì vì sao chẳng gọi là Phạm hạnh thanh tịnh ?

            - Này thiện nam tử! Năm thức của chúng sinh tuy chẳng phải là một niệm nhưng là hữu lậu, lại là điên đảo, làm tăng thêm các lậu nên gọi là hữu lậu. Thể của nó chẳng phải chân thật, chấp trước tưởng nên điên đảo. Thế nào gọi là thể chẳng phải chân thật, chấp trước nên sanh điên đảo. Trong chẳng phải nam nữ sinh ra nam nữ tưởng... cho đến nhà cửa, xe cộ, cái bình, quần áo cũng lại như vậy. Ðó gọi là điên đảo. Này thiện nam tử! Tính của ba mươi bảy phẩm không điên đảo. Vậy nên được gọi là Phạm hạnh thanh tịnh. Này thiện nam tử! Nếu có Bồ tát đối với ba mươi bảy phẩm mà biết căn, biết nhân, biết nhiếp lấy, biết tăng thêm, biết chủ, biết đạo (dẫn đường), biết thắng, biết thật, biết rốt ráo thì như vậy Bồ tát được gọi là Phạm hạnh thanh tịnh.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Sao gọi là biết căn... cho đến biết rốt ráo ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Hay thay! Hay thay! Bồ tát phát vấn vì hai việc: Một là vì sự hiểu biết của mình, hai là vì sự hiểu biết của người khác. Ông nay đã biết rồi, chỉ vì vô lượng chúng sinh chưa hiểu biết mà thỉnh ta bày tỏ việc này. Vậy nên ta nay một lần nữa khen ngợi ông! Hay thay! Hay thay! Này thiện nam tử! Căn bản của ba mươi bảy phẩm chính là Dục mà nhân gọi là minh xúc, nhiếp lấy gọi là thọ, tăng thêm gọi là thiện tư, chủ gọi là niệm, đạo gọi là định, thắng gọi là trí tuệ, thật gọi là giải thoát, rốt ráo gọi là Ðại Bát Niết Bàn. Này thiện nam tử! Thiện dục tức là bắt đầu phát tâm đạo cho đến căn bản của Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Vậy nên ta nói dục là căn bản.

            Này thiện nam tử! Như thế gian nói, tất cả khổ não thì ái là căn bản, tất cả bệnh tật thì ăn chính là căn bản, tất cả đoán sự thì đấu tranh là gốc, tất cả việc ác thì hư vọng là gốc.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai trước ở trong kinh này đã nói rằng, tất cả thiện pháp thì chẳng phóng dật là gốc, đến nay mới nói tới Dục là nghĩa làm sao ?

            Ðức Phật dạy rằng:

            - Này thiện nam tử! Nếu nói “sinh nhân” thì tức là thiện dục đó! Nếu nói “Liễu nhân” thì tức là chẳng phóng dật đó! Như thế gian nói tất cả quả thì hạt là nhân của quả ấy. Hoặc lại có nói hạt là sinh nhân, đất là liễu nhân. Nghĩa này cũng vậy.

            Bồ tát Ca Diếp bạch rằng:

            - Thưa đức Thế Tôn! Ðức Như Lai, trước ở trong kinh khác nói ba mươi bảy phẩm thì Phật là căn bản là nghĩa làm sao ?

            - Này thiện nam tử! Như Lai trước nói chúng sinh bắt đầu biết ba mươi bảy phẩm thì Phật chính là căn bản. Nếu tự chứng được thì dục là căn bản!

            - Thưa đức Thế Tôn! Sao minh xúc gọi dục là nhân ?

            - Này thiện nam tử! Như Lai hoặc khi nói minh là tuệ hoặc nói là tín. Này thiện nam tử! Nhân duyên tín nên gần gũi bạn lành thì đó gọi là xúc. Nhân duyên gần gũi được nghe chính pháp thì đó gọi là xúc. Nhân nghe chính pháp mà thân miệng ý thanh tịnh thì đó gọi là xúc. Nhân ba nghiệp thanh tịnh nên thu hoạch được chánh mạng thì đó gọi là xúc. Nhân chánh mạng nên được căn giới thanh tịnh. Nhân tịnh căn giới nên ưa chỗ tịch tịnh. Nhân ưa tịch tịnh nên có thể thiện tư duy. Nhân thiện tư duy nên được đúng như pháp trụ. Nhân đúng như pháp trụ nên được ba mươi bảy phẩm, có thể hoại phá vô lượng những phiền não ác. Ðó gọi là xúc. Này thiện nam tử! Thọ gọi là nhiếp lấy. Khi chúng sinh thọ thì có thể tạo tác thiện hay ác. Vậy nên gọi thọ là nhiếp lấy vậy. Này thiện nam tử! Nhân duyên thọ nên sinh ra các phiền não mà ba mươi bảy phẩm có thể phá hoại. Vậy nên gọi thọ là nhiếp lấy. Nhân thiện tư duy có thể phá phiền não. Vậy nên gọi là tăng thêm. Vì sao vậy ? Vì siêng tu tập nên được ba mươi bảy phẩm như vậy.v.v... Nếu quán có thể phá các phiền não ác thì cần nhờ vào chuyên niệm. Vậy nên lấy niệm làm chủ. Như trong thế gian, tất cả bốn binh chủng đều theo ý của chủ tướng. Ba mươi bảy phẩm cũng lại như vậy, đều theo niệm chủ.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy