× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 26: Phẩm thứ 23: Bồ Tát Sư tử hống (2)

  Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

 

            - Thưa đức Thế Tôn ! Tất cả chúng sinh có Phật tính như lạc tính trong sữa. Nếu sữa không lạc tính thì làm sao đức Phật nói có hai thứ nhân, một là chánh nhân, hai là duyên nhân ? Duyên nhân thì một là men, hai là hơi ấm ? Hư không không có tính nên không duyên nhân !

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Nếu giả sử trong sữa nhất định có lạc tính thì đâu cần duyên nhân ?

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Do có tính nên cần duyên nhân. Vì sao vậy? Vì muốn thấy sáng vậy ! Duyên nhân tức là liễu nhân. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như trong tối có các đồ vật trước, vì muốn thấy nên dùng đèn soi rõ. Nếu trước không có thì đèn soi vào đâu ? Như trong bùn có bình nên cần có người, nước, bánh xe, sợi dây, cây gậy.v.v... mà làm liễu nhân. Như hạt Ni câu đà cần có đất, nước, phân mà làm liễu nhân. Trong sữa cần có men, hơi ấm cũng lại như vậy để làm liễu nhân. Vậy nên tuy trước có tính nhưng cần nhờ liễu nhân, rồi nhiên hậu được thấy. Do nghĩa này nên nhất định biết trong sữa có tính của lạc trước !

            - Này thiện nam tử ! Nếu giả sử trong sữa nhất định có lạc tính thì tức là liễu nhân. Nếu liễu nhân thì lại đâu cần làm rõ ? Này thiện nam tử ! Nếu tính của liễu (rõ) nhân này là rõ thì thường nên tự rõ. Nếu tự mình chẳng rõ thì sao có thể rõ người khác. Nếu nói rằng, liễu nhân có hai thứ tính, một là tự rõ, hai là rõ người khác thì nghĩa này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì liễu nhân một pháp thì làm sao có hai được ? Nếu có hai thì sữa cũng nên có hai. Nếu giả sử trong sữa không hai tướng thì làm sao một mình liễu nhân có hai tướng ?

            Bồ tát Sư Tử Hống đáp rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như người đời nói rằng, ta chung tám người. Liễu nhân cũng vậy, tự liễu và liễu tha !

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Liễu nhân nếu vậy thì chẳng phải liễu nhân. Vì sao vậy ? Vì tính thì có thể tính sắc của mình, sắc của người khác nên được nói rằng tám mà tính của sắc này tự không rõ tướng. Vì không rõ tướng nên cần phải có tính của trí mới tính được mình và người khác. Vậy nên liễu nhân chẳng thể tự liễu (rõ về mình) cũng chẳng liễu tha (rõ về người khác). Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh có Phật tính thì vì sao phải tu tập vô lượng công đức ? Nếu nói rằng, tu tập liễu nhân này thì đã đồng với sự hư hoại của cao sữa (lạc). Nếu nói rằng, trong nhân nhất định có quả thì giới, định, trí tuệ không tăng trưởng. Ta thấy người đời vốn không có cấm giới, thiền định, trí tuệ, rồi theo thầy thọ lấy mà dần dần tăng trưởng thêm. Nếu nói rằng, thầy dạy là liễu nhân thì khi thầy dạy, người thọ phải chưa có giới, định, trí tuệ. Nếu liễu này ứng với liễu chưa có thì làm sao mới liễu giới, định, trí tuệ, khiến cho chúng được tăng trưởng ?

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu liễu nhân không thì làm sao được gọi là có sữa có lạc ?

            - Này thiện nam tử ! Thế gian đáp khó thường có ba thứ : Một là chuyển đáp. Như trước ta đã nói, vì sao gọi là giới ? Do chẳng hối hận... cho đến vì được Ðại Niết Bàn. Hai là mặc nhiên đáp. Như có vị Phạm chí đến hỏi ta rằng : “Ngã là thường chăng ?” thì ta mặc nhiên. Ba là nghi đáp. Như trong Kinh này, nếu liễu nhân có hai thì vì sao trong sữa chẳng được có hai. Này thiện nam tử ! Ta nay chuyển đáp, như người đời nói rằng, có sữa nhất định được lạc. Vậy nên gọi là có sữa có lạc. Phật tính cũng vậy, có chúng sinh, có Phật tính rồi sẽ thấy vậy.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời đức Phật nói thì nghĩa này chẳng vậy ! Quá khứ diệt rồi, vị lai chưa đến thì vì sao gọi là có ? Nếu nói rằng, sẽ có gọi là có thì nghĩa này chẳng đúng ! Như người thế gian thấy không vợ con liền nói rằng, không con. Tất cả chúng sinh không Phật tính thì làm sao nói rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Quá khứ gọi là có. Ví như trồng cây quít, mầm mọc ra thì hạt diệt mất. Mầm cũng vị ngọt... cho đến quả sống vị cũng như vậy, quả chín rồi mới thành giấm. Này thiện nam tử ! Mà vị dấm này, từ hạt, mầm cho đến trái sống, đều không theo gốc. Khi chín thì hình sắc, tướng mạo của nó sinh ra vị dấm mà vị dấm này vốn không nay có. Tuy vị dấm này vốn không nay có nhưng chẳng phải là chẳng nhân vào gốc. Như vậy hạt giống gốc này tuy lại là quá khứ nhưng được gọi là có. Do nghĩa này nên quá khứ gọi là có. Sao lại gọi vị lai là có ? Ví như có người gieo trồng mè (Hồ ma). Có người hỏi rằng: “Vì sao trồng thứ này ?” Ðáp rằng : “Vì có dầu !” Thật ra chưa có dầu. Mè chín rồi lấy hạt rang, hấp, giã, ép mới được dầu. Nhưng phải biết lời người này chẳng phải là hư vọng. Do nghĩa này nên gọi là vị lai có. Sao lại gọi là quá khứ có ? Này thiện nam tử! Ví như có người lén lút mắng vua mà trải qua nhiều năm vua mới nghe được. Vua nghe rồi liền hỏi : “Vì sao dám mắng ?” Người đó đáp rằng : “Thưa đại vương ! Con chẳng mắng ! Vì sao vậy ? Vì người mắng đã diệt!” Nhà vua nói rằng : “Người mắng và thân ta cả hai đều tồn tại mà sao nói rằng  diệt ?” Do nhân duyên này nên người đó mất thân mạng. Này thiện nam tử ! Hai điều này chân thật không mà quả chẳng diệt. Ðó gọi là quá khứ có. Sao gọi là vị lai có vậy ? Ví như có người đi đến chỗ thợ gốm hỏi : “Có bình không ?” Ðáp rằng : “Có bình !” mà người thợ gốm này thật chưa có bình. Nhưng do có bùn nên thợ gốm nói rằng : “Có bình” thì phải biết là người này chẳng phải nói dối. Trong sữa có lạc, chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy, muốn thấy Phật tính cần phải quan sát thời tiết, hình sắc. Vậy nên ta nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật  tính, là chân thật chẳng hư dối.

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Tất cả chúng sinh không Phật tính thì làm sao mà được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác ? Do nhờ Chánh duyên nên khiến cho chúng sinh được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Cái gì là Chánh nhân ? Ðó là Phật tính ! Thưa đức Thế Tôn ! Nếu hạt Ni câu đà không có cây Ni câu đà thì vì sao gọi là hạt Ni câu đà mà chẳng gọi là hạt Khư đà la ? Thưa đức Thế Tôn ! Như họ Cù Ðàm chẳng được xưng là họ A để gia, họ A để gia cũng lại chẳng được xưng là họ Cù Ðàm. Hạt Ni câu đà cũng lại như vậy, chẳng được xưng là hạt Khư đà la, hạt Khư đà la chẳng được xưng là hạt Ni câu đà, giống như đức Thế Tôn chẳng được lìa bỏ dòng họ Cù Ðàm. Chúng sinh Phật tính cũng lại như vậy. Do nghĩa này nên phải biết, chúng sinh đều có Phật tính.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Nếu nói rằng, trong hạt có Ni câu đà thì nghĩa này chẳng đúng ! Như Ni câu đà ấy có thì vì sao chẳng thấy ? Này thiện nam tử ! Như vật của thế gian có nhân duyên nên chẳng thể được thấy. Sao gọi là nhân duyên ? Như là xa chẳng thể thấy như dấu chim trong không, gần chẳng thể thấy như người nhắm nắt. Hoại nên chẳng thấy như cơ quan của mắt bại hoại. Loạn tưởng nên chẳng thấy như lòng chẳng chuyên nhất. Nhỏ nên chẳng thấy như tiểu vi trần. Ngăn nên chẳng thấy như sao ngoài mây. Nhiều nên chẳng thấy như mè trong đống gạo. Tương tợ nên chẳng thấy như đậu ở tại đống đậu. Cây Ni câu đà chẳng đồng như tám thứ nhân duyên như vậy. Như cây ấy có thì vì sao chẳng thấy ? Nếu nói rằng, nhỏ nên chẳng thấy thì nghĩa này chẳng đúng. Vì sao vậy ? Vì tướng của cây thô. Nếu nói rằng, tính nhỏ thì làm sao tăng trưởng ? Nếu nói rằng, ngăn nên chẳng thể thấy thì thường (luôn luôn) nên chẳng thấy. Nếu vốn không tướng thô mà nay thì thấy thô thì phải biết thô này vốn không có tính thấy. Vốn không tính thấy mà nay thì có thể thấy thì phải biết sự thấy này cũng vốn không có tính. Hạt cũng như vậy, vốn không có cây mà nay có thì phải có lỗi sao ?

            Bồ tát Sư Tử Hống nói rằng :

            - Như lời đức Phật nói, có hai thứ nhân, một là Chánh nhân, hai là Liễu nhân. Hạt Ni câu đà lấy đất, nước, phân làm liễu nhân nên khiến cho nhỏ được to (thô).

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Nếu đã vốn có thì đâu cần liễu nhân. Nếu vốn không có tính thì liễu chỗ liễu nào ? Nếu trong Ni câu đà vốn không có tướng to mà do liễu nhân nên mới sinh ra to thì vì sao chẳng sinh ra cây Khư đà la ? Vì cả hai đều không vậy. Này thiện nam tử ! Nếu nhỏ chẳng thể thấy thì to nên có thể thấy, ví như một hạt bụi chẳng thể thấy thì nhiều bụi hòa hợp lại nên có thể thấy. Như vậy trong hạt cái thô có thể thấy. Vì sao vậy ? Vì trong hạt này đã có mầm, thân, hoa, trái. Trong mỗi một trái có vô lượng hạt, trong mỗi một hạt có vô lượng cây. Vậy nên gọi là thô mà có cái thô này nên có thể thấy. Này thiện nam tử ! Nếu hạt Ni câu đà có tính Ni câu đà mà sinh ra cây thì mắt thấy hạt này bị sự đốt cháy của lửa. Như vậy tính đốt cũng nên vốn có. Nếu vốn có thì cây chẳng nên sinh ra. Nếu tất cả pháp vốn có sinh diệt thì vì sao trước sinh sau diệt chẳng cùng một lúc vậy ? Do nghĩa này nên phải biết là không có tính.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu hạt Ni câu đà vốn không có tính cây mà sinh ra cây thì hạt này vì sao chẳng cho ra dầu ? Cả hai đều không vậy. Này thiện nam tử ! Như trong hạt này cũng sinh ra dầu thì tuy kông có tính nhưng do nhân duyên nên có.

            Sư Tử Hống nói rằng :

            - Vì sao chẳng gọi là dầu mè vậy ?

            - Này thiện nam tử ! Vì chẳng phải mè vậy ! Này thiện nam tử ! Như duyên lửa sinh ra lửa, duyên nước sinh ra nước, tuy đều từ duyên nhưng chẳng thể có nhau. Hạt Ni câu đà và dầu mè cũng lại như vậy, tuy đều từ duyên nhưng đều chẳng sinh ra nhau. Tính của hạt Ni câu đà có thể trị lạnh. Dầu mè thì tính có thể trị gió. Này thiện nam tử ! Ví như mía nhờ nhân duyên nên sinh ra đường cát, đường đen. Tuy chúng đều một duyên nhưng sắc tướng đều khác. Ðường cát trị nóng, đường đen trị lạnh.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Như trong sữa ấy không có tính của cao sữa (lạc), mè không có tính của dầu, hạt Ni câu đà không có tính của cây, bùn không có tính của bình, tất cả chúng sinh không có Phật tính mà như lời đức Phật trước đã nói, tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Vậy nên ứng được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác thì nghĩa này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì người, trời không có tính. Do không tính nên người có thể làm trời, trời có thể làm người. Do nghiệp duyên nên chẳng thể do tính vậy. Ðại Bồ tát do nghiệp duyên nên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu các chúng sinh có Phật tính thì vì nhân duyên gì nhất xiển đề.v.v... đoạn dứt các thiện căn, đọa vào địa ngục ? Nếu tâm Bồ Ðề là Phật tính thì nhất xiển đề.v.v... chẳng nên có thể đoạn mà nếu có thể đoạn thì làm sao có thể được nói rằng, Phật tính là thường ? Nếu chẳng phải Thường thì chẳng gọi là Phật tính. Nếu các chúng sinh có Phật tính thì vì sao gọi là đầu tiên phát tâm vậy ? Làm sao mà nói rằng là Tỳ bạt thí (Thoái chuyển) và A Tỳ bạt thí (bất thoái chuyển) ? Tỳ bạt thí thì phải biết người này không có Phật tính. Thưa đức Thế Tôn ! Ðại Bồ tát một lòng hướng về Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, Ðại từ Ðại bi, thấy lỗi hoạn sinh lão tử phiền não, quan sát Ðại Niết Bàn không các tội lỗi phiền não sinh tử, tin vào Tam bảo và nghiệp quả báo, thọ trì cấm giới... Những pháp như vậy gọi là Phật tính. Nếu lìa khỏi những pháp này thì người có Phật tính đâu cần pháp này mà tạo tác nhân duyên ? Thưa đức Thế Tôn ! Như sữa chẳng mượn duyên nhất định sẽ thành cao sữa (lạc). Váng sữa sống (sinh tô) chẳng vậy, cần phải đợi nhân duyên, đó là nhân công, nước, bình, xoay, sợi dây... chúng sinh cũng vậy, người có Phật tính nên lìa khỏi nhân duyên để được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu nhất định có thì vì sao hành nhân thấy ba ác khổ, sinh lão bệnh tử mà sinh ra thoái tâm ? Cũng chẳng cần tu sáu Ba la mật vẫn được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác ! Như sữa chẳng phải duyên mà được thành Lạc. Nhưng mà chẳng phải chẳng nhân sáu Ba la mật mà được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên phải biết, chúng sinh đều không có Phật tính. Như đức Phật trước đã nói, Tăng bảo là thường. Như thường ấy tức là chẳng phải vô thường mà chẳng phải vô thường thì làm sao được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác ? Tăng bảo nếu thường thì làm sao lại nói rằng, tất cả chúng sinh đều có Phật tính ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu giả sử chúng sinh từ trước đến nay không có tâm Bồ Ðề cũng không có tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác mà sau mới có thì Phật tính của chúng sinh cũng nên trước không nay có như vậy. Do nghĩa này nên tất cả chúng sinh nên không có Phật tính.

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông biết nghĩa lý của Phật tính đã lâu, nhưng vì chúng sinh nên đặt câu hỏi như vậy ! Tất cả chúng sinh chân thật có Phật tính ! Ông nói rằng, chúng sinh nếu có Phật tính thì chẳng nên nói rằng, có người mới phát tâm. Này thiện nam tử ! Tâm chẳng phải Phật tính. Vì sao vậy ? Tâm là vô thường, Phật tính là Thường ! Ông nói rằng, vì sao có người thoái tâm ? Thật ra tâm không thoái vì nếu tâm có thoái thì nhất định chẳng thể được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do chậm được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác nên gọi đó là Thoái. Tâm Bồ Ðề này chân thật chẳng phải Phật tính. Vì sao vậy ? Vì Nhất xiển đề.v.v... đoạn dứt căn lành, rơi vào địa ngục. Nếu tâm Bồ Ðề là Phật tính thì bọn nhất xiển đề chẳng được gọi là nhất xiển đề và tâm Bồ Ðề cũng chẳng được gọi là vô thường. Vậy nên quyết định biết là, tâm Bồ Ðề thật chẳng phải là Phật tính.

            Này thiện nam tử ! Ông nói rằng, chúng sinh nếu có Phật tính thì chẳng nên mượn nhờ duyên như sữa thành cao sữa. Nghĩa này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì, nếu nói rằng, do năm duyên thành ra váng sữa sống (tô) thì phải biết rằng, Phật tính cũng lại như vậy. Ví như mọi thứ đá có vàng, có bạc, có đồng, có sắt.... đều bẩm thụ bốn đại, một tên gọi, một thật tế mà cái chúng cho ra mỗi mỗi chẳng đồng. Chúng phải nhờ đến mọi duyên như phước đức chúng sinh, lò đúc, nhân công... rồi nhiên hậu mới sinh ra. Vậy nên phải biết rằng, vốn không có tính vàng. Phật tính của chúng sinh chẳng gọi là Phật mà do các công đức nhân duyên hòa hợp nên được thấy Phật tính, rồi nhiên hậu mới được Phật.

            Ông nói rằng, chúng sinh đều có Phật tính, vì sao chẳng thấy ? Nghĩa này chẳng đúng ! Vì sao vậy ? Vì do các nhân duyên chưa hòa hợp. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên ta nói hai nhân, chánh nhân và duyên nhân. Chánh nhân thì gọi là Phật tính, duyên nhân là phát tâm Bồ Ðề. Do hai nhân duyên được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác như đá cho ra vàng.

            Này thiện nam tử ! Ông nói rằng, Tăng thường thì tất cả chúng sinh không Phật tính. Này thiện nam tử ! Tăng gọi là hòa hợp. Hòa hợp có hai, một là đời hòa hợp, hai là Ðệ nhất nghĩa hòa hợp. Ðời hòa hợp là gọi Thanh Văn tăng, Ðệ nhất nghĩa hòa hợp là gọi tăng Bồ tát. Tăng của đời thì vô thường mà Phật tính là Thường. Như Phật tính Thường thì Ðệ nhất nghĩa tăng cũng vậy. Lại nữa, có tăng gọi là pháp hòa hợp. Pháp hòa hợp là gọi mười hai bộ kinh mà mười hai bộ kinh Thường vậy nên ta nói rằng, Pháp, Tăng là Thường. Này thiện nam tử! Tăng gọi là hòa hợp. Hòa hợp là gọi mười hai nhân duyên. Trong mười hai nhân duyên cũng có Phật tính. Mười hai nhân duyên thường, Phật tính cũng vậy. Vậy nên ta nói rằng, Tăng có Phật tính. Lại nữa, Tăng là chư Phật hòa hợp. Vậy nên ta nói rằng, Tăng có Phật tính.

            Này thiện nam tử ! Ông nói rằng, chúng sinh nếu có Phật tính thì sao có người thoái, người chẳng thoái ? Ông hãy lắng nghe ! Lắng nghe ! Ta sẽ vì ông phân biệt, giải nói. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát có mười ba pháp làm cho thoái chuyển. Những gì là mười ba ? Một là lòng chẳng tin, hai là lòng bất tác, ba là lòng nghi, bốn là tham tiếc thân mạng của cải, năm là ở trong Niết Bàn sinh ra sợ hãi lớn làm sao khiến cho chúng sinh diệt mãi, sáu là lòng chẳng kham nhẫn, bảy là lòng chẳng điều nhu, tám là sầu não, chín là chẳng vui, mười là phóng dật, mười một là tự khinh thân mình, mười hai là tự thấy phiền não, không thể hoại, mười ba là chẳng ưa tiến đến pháp Bồ Ðề. Này thiện nam tử ! Ðó là mười ba pháp khiến cho các Bồ tát thoái chuyển Bồ Ðề. Lại có sáu pháp hoại tâm Bồ Ðề. Những gì là sáu ? Một là tham lận pháp, hai là đối với các chúng sinh dấy lòng bất thiện, ba là thân cận bạn ác, bốn là chẳng siêng tinh tấn, năm là tự đại kiêu mạn, sáu là kinh doanh nghề nghiệp của đời. Sáu pháp như vậy có thể phá hoại lòng Bồ Ðề. Này thiện nam tử ! Có người được nghe các đức Phật Thế Tôn là thầy của người trời, ở trong chúng sinh là bậc Tối Thượng Vô Tỷ, thắng hơn Thanh Văn, Bích Chi Phật.v.v... Pháp nhãn sáng tỏ, thấy pháp không ngăn ngại, có thể độ chúng sinh qua biển đại khổ. Họ nghe rồi liền lại phát đại thệ nguyện rằng : “Như thế gian ấy có người như vậy thì ta cũng sẽ được !” Do nhân duyên phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác này, hoặc lại được sự dạy bảo phát tâm Bồ Ðề của người khác, hoặc nghe Bồ tát qua atăngkỳ kiếp tu hành hạnh khổ, rồi nhiên hậu mới được Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nghe rồi, người ấy suy nghĩ rằng : “Ta nay chẳng kham được những hạnh khổ như vậy thì làm sao có thể được”. Vậy nên có thoái lui. Này thiện nam tử ! Lại có năm pháp làm thoái tâm Bồ Ðề. Những gì là năm ? Một là ưa theo ngoại đạo xuất gia, hai là chẳng tu tâm Ðại Từ, ba là ưa cầu tìm lỗi xấu của pháp sư, bốn là thường ưa ở tại sinh tử, năm là chẳng thích thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói mười hai bộ kinh. Ðó gọi là năm pháp thoái tâm Bồ Ðề. Lại có hai pháp thoái tâm Bồ Ðề. Những gì là hai ? Một là tham lạc năm dục, hai là chẳng thể cung kính tôn trọng Tam bảo. Do những nhân duyên như vậy nên thoái tâm Bồ Ðề.

            Sao gọi là tâm chẳng thoái ?  Có người nghe Phật có thể độ sinh già bệnh chết của chúng sinh, chẳng theo thầy học hỏi mà tự nhiên tu tập được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác... Rồi nghĩ rằng : “Nếu đạo Bồ Ðề là có thể được thì ta sẽ tu tập nhất định làm cho được”. Do nhân duyên phát tâm Bồ Ðề này, việc tạo tác công đức hoặc nhiều hay ít đều đem hồi hướng về Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Người đó tác khởi thệ nguyện rằng : “Nguyện cho ta thường được gần gũi các đức Phật và đệ tử của Phật, thường nghe thâm pháp, năm tình đầy đủ, nếu gặp khổ nạn, chẳng mất tâm này !” Lại nguyện : “Các đức Phật và đệ tử của Phật thường ở chỗ của ta sinh tâm hoan hỷ, đủ năm căn lành. Nếu các chúng sinh chặt phạt thân ta, chém đứt tay chân đầu mắt, chi tiết thì ta sẽ đối với người này sinh tâm Ðại từ, tự mừng vui sâu sắc.Những người như vậy đã vì ta làm tăng trưởng nhân duyên Bồ Ðề. Nếu không có người này thì ta sẽ nhờ duyên gì mà được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác !” Lại phát nguyện rằng : “Chớ khiến cho ta được không căn, hai căn và thân nữ nhân, chẳng bị hệ thuộc người, chẳng gặp người chủ ác, chẳng thuộc về vua ác, chẳng sinh vào nước ác. Nếu được thân đẹp, dòng họ chân chính, có nhiều của báu thì chẳng sinh ra kiêu mạn, nguyện khiến cho ta thường được nghe mười hai bộ kinh, thọ trì, đọc tụng, ghi chép, giải nói. Nếu vì chúng sinh diễn nói thì nguyện khiến cho người thính thọ kính tin không nghi hoặc, thường ở chỗ của ta chẳng sinh ra tâm ác. Ta thà nghe ít mà lý giải được nghĩa vị nhiều, chẳng nguyện nghe nhiều mà đối với nghĩa chẳng rõ. Nguyện làm thầy của tâm, chẳng học theo tam. Nghiệp thân miệng ý chẳng cùng với ác giao du. Có thể ban cho tất cả chúng sinh an vui. Thân giới, tâm tuệ chẳng động như núi. Vì muốn thọ trì chánh pháp vô thượng, đối với thân mạng của cải chẳng sinh lòng san lận. Vật bất tịnh chẳng lấy làm nghiệp phước. Chánh mạng tự sinh sống, lòng không tà bậy dua nịnh. Thọ ơn luôn nghĩ : ơn nhỏ phải báo đền lớn. Giỏi biết nghề khéo, công việc sở hữu trong đời. Khéo giải lời nói phương tục của chúng sinh. Ðọc tụng, ghi chép mười hai bộ kinh chẳng sinh lòng lười biếng giải đãi. Nếu các chúng sinh chẳng ưa thính thọ thì dùng phương tiện tiếp dẫn khiến cho họ thích nghe. Lời nói thường nhu nhuyến, miệng chẳng tuyên dương điều ác. Chúng chẳng hòa hợp có thể làm cho hòa hợp. Có người lo sợ thì làm sao lìa khỏi lo sợ. Ðời đói kém thì khiến cho được giàu có no đủ. Ðời dịch bệnh thì làm Ðại y vương với thuốc bệnh cần dùng, của cải, vật báu tự tại... khiến cho tật bệnh đều được trừ khỏi. Ở kiếp đao binh thì có đại thế lực đoạn dứt sự tàn hại ấy khiến cho không còn nữa. Có thể đoạn diệt đủ thứ sự bố úy của chúng sinh như là : sợ chết, sợ giam cầm, trói buộc, đánh đập, ném vào nước lửa, giặc vua, nghèo cùng, phá giới, ác danh, ác đạo.v.v... Những việc kinh sợ như vậy đều sẽ đoạn trừ hết. Ðối với cha mẹ, sư trưởng thâm tâm sinh cung kính. Ở trong oán ghét phát sinh lòng đại từ. Thường tu sáu niệm, “Không tam muội” môn, mười hai nhân duyên sinh diệt.v.v... Quán tưởng thở ra hít vào (sổ tức), tu tập Thiên hạnh, Phạm hạnh và cả Thánh hạnh, Kim Cương tam muội, Thủ Lăng Nghiêm định... Ở chỗ không có Tam Bảo thì khiến cho ta tự được tâm tịch tịnh. Nếu khi thân tâm ấy chịu đại khổ vẫn không mất tâm Vô Thượng Bồ Ðề, không vì tâm Thanh Văn, Bích Chi Phật mà sinh ra tri túc. Ở chỗ không có Tam Bảo, thường ở trong pháp ngoại đạo xuất gia nhưng vì phá tà kiến nên chẳng tu tập đạo ấy mà được pháp tự tại, được tâm tự tại. Ðối với pháp hữu vi thấy lỗi rõ ràng khiến cho ta kinh sợ đạo quả Nhị thừa như người tiếc mạng sống kinh sợ xả thân. Vì chúng sinh nên ưa ở ba đường ác như chúng sinh ưa cõi trời Ðao Lợi. Vì mỗi một người mà ở vô lượng kiếp thọ khổ địa ngục lòng không hề sinh hối hận. Thấy người khác được lợi chẳng sinh lòng ganh ghét, thường sinh vui mừng như tự mình được niềm vui. Nếu gặp Tam Bảo thì sẽ dùng y phục, ẩm thực, ngọa cụ, nhà cửa, y dược, đèn sáng, hoa hương, kỹ nhạc, tràng phan, bảo cái, bảy báu cúng dường. Nếu thọ giới cấm của Phật thì kiên cố hộ trì nhất định chẳng sinh tư tưởng hủy phạm. Nếu nghe hạnh khổ Bồ tát khó làm thì lòng mình vui mừng chẳng sinh ra hối hận. Tự nhận thức được việc túc mạng đời xa xưa (đã qua) nhất định chẳng tạo tác nghiệp tham sân, si, chẳng bị quả báo mà tập nhân duyên. Ðối với niềm vui hiện tại chẳng sinh lòng tham trước. Này thiện nam tử ! Nếu có người có thể phát nguyện như vậy thì đó gọi là Bồ tát nhất định chẳng thoái mất tâm Bồ Ðề, cũng gọi là Thí chủ, có thể thấy Như Lai, sáng tỏ Phật tính, có thể điều phục chúng sinh, độ thoát sinh tử, khéo có thể hộ trì chánh pháp vô thượng, có thể được đầy đủ sáu Ba la mật. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên tâm chẳng thoái chẳng gọi là Phật tính.

            Này thiện nam tử ! Ông chẳng thể căn cứ vào tâm có thoái mà nói rằng các chúng sinh không có Phật tính. Ví như hai người đều nghe ở tha phương có núi Thất bảo, núi ấy có dòng suối trong, vị ngon ngọt. Người có thể đến đó thì đoạn dứt vĩnh viễn sự nghèo cùng và uống nước suối ấy thì tăng tuổi thọ vạn năm. Nhưng chỉ có điều là đường đi xa xôi, hiểm trở nhiều khó khăn. Hai người kia đều muốn cùng chung đi đến đó. Một người thì trang bị đủ thứ đồ đi đường, còn một người thì đi đến tay không, không mang theo thứ gì cả. Trên đường cùng nhau tiến về phía trước, họ gặp một người mang theo nhiều của báu, đầy đủ báy thứ trân quí. Hai người liền hỏi trước rằng : “Thưa ngài ! Cõi đó thật có núi bảy báu sao ?” Người kia đáp rằng : “Thật có chẳng hư dối ! Ta đã thu hoạch được của báu, đã uống nước dòng suối ấy ! Nhưng chỉ lo đường đi hiểm trở, có nhiều đạo tặc, cát sỏi, gai nhọn, thiếu thốn nước cỏ... Người đi đến có hàng ngàn vạn mà người đạt được rất ít”. Nghe việc đó rồi, một người liền hối hận, mà nói rằng : “Ðường đi đã xa côi, gian nan chẳng phải một, người đi đến nhiều không lường mà người đạt được không bao nhiêu, thì ta làm sao sẽ có thể đến đó được ? Sản nghiệp to lớn của ta hôm nay tự cung cấp đủ ! Nếu ta lặn lội trên con đường ấy, hoặc mất thân mạng mà thân mạng chẳng toàn thì trường thọ chỗ nào ?” Một người lại nói rằng : “Có người có thể qua thì ta cũng có thể qua được ! Nếu kết quả đạt được thì ta được đúng như nguyện, thu lấy trân bảo, uống nước suối ngọt. Như nguyện ấy chẳng đạt thì lấy cái chết làm kỳ hẹn !” Lúc đó, hai người, một người thì hối hận thoái lui, một người thì nhắm đường trước tiến tới. Ði đến núi đó, người này thu hoạch được nhiều của cải trân bảo. Ðúng như nguyện, người này uống nước suối, mang theo nhiều trân bảo sở hữu trở về chỗ ở của mình để phụng dưỡng cha mẹ, cung cấp cho bà con. Người hối hận trở về thấy việc này rồi thì trong lòng sinh ra nóng nảy nghĩ rằng : “Người kia đi đã trở về thì ta làm sao ở yên được ?” Người đó liền trang bị đồ đi đường mà ra đi. Núi Thất Bảo là ví cho Ðại Niết Bàn. Nước ngon ngọt là ví cho Phật tính. Hai người ấy là dụ cho hai vị Bồ tát mới phát tâm. Ðường hiểm ác là ví cho sinh tử. Người gặp trên đường đi là ví cho Phật Thế Tôn. Có đạo tặc là dụ cho bốn ma. Cát sỏi, gai nhọn là dụ cho các phiền não. Không nước cỏ là dụ cho chẳng tu tập đạo Bồ Ðề. Một người trở về là dụ cho Bồ tát thoái chuyển. Người đi thẳng đến là dụ cho Bồ tát chẳng thoái chuyển. Này thiện nam tử! Phật tính của chúng sinh thường trụ bất biến. Còn con đường hiểm kia chẳng thể nói rằng, người hối quay trở lại nên khiến cho con đường vô thường. Phật tính cũng vậy, này thiện nam tử ! Trong đạo Bồ Ðề nhất định không có người thoái lui ! Này thiện nam tử ! Như người hối hận quay về thấy người bạn trước kia thu hoạch báu trở về với thế lực tự tại, cúng dường cha mẹ, cấp đủ bà con, thụ hưởng nhiều an lạc. Thấy việc này rồi, trong lòng sinh ra nóng nảy, người này liền lại trang bị, trở lại con đường mà ra đi nữa. Chẳng tiếc thân mạng kham nhẫn gian nan, người này liền đến được trong núi Thất Bảo kia. Bồ tát thoái chuyển cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh quyết định sẽ được thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên trong Kinh ta nói rằng, tất cả chúng sinh thậm chí ngũ nghịch, phạm bốn trọng cấm và nhất xiển đề đều có Phật tính.

            Bồ tát Sư Tử Hống bạch rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Sao gọi là Bồ tát có thoái chuyển và chẳng thoái chuyển ?

            - Này thiện nam tử ! Nếu có Bồ tát tu tập nhân duyên nghiệp của ba mươi hai tướng Như Lai thì được gọi là chẳng thoái (Bất thoái), được gọi là Ðại Bồ tát, gọi là chẳng động chuyển, gọi là lân mẫn tất cả chúng sinh, gọi là thắng tất cả Thanh Văn, Duyên Giác, gọi là A tỳ bạt trí (Bất thoái chuyển) ! Này thiện nam tử ! Nếu Bồ tát Mahatát trì giới chẳng động, thí tâm chẳng dời, an trụ ở thật ngữ như núi Tu Di. Do duyên nghiệp này nên được dưới chân bằng như tướng của đáy hộp gương. Nếu Ðại Bồ tát ở chỗ cha mẹ, hòa thượng, sư trưởng... cho đến súc sinh theo đúng như pháp đem của cải cúng dường cung cấp thì do duyên nghiệp này sẽ được thành tướng ngàn nan hoa bánh xe dưới chân.

            Nếu Ðại Bồ tát chẳng sát sinh thì chẳng trộm cắp, đối với cha mẹ, sự trưởng thường sinh ra vui mừng thì do duyên nghiệp này được thành ba tướng, một là ngón tay nhỏ dài, hai là gót chân dài, ba là thân ấy vuông thẳng. Ba tướng như vậy đồng một duyên nghiệp. Nếu Ðại Bồ tát tu bốn nhiếp pháp, nhiếp lấy chúng sinh thì do duyên nghiệp này nên được ngón tay có màn lưới như vua bạch nga (ngỗng trắng). Nếu Ðại Bồ tát, khi cha mẹ, sư trưởng bị bệnh khổ mà tự tắm rửa, lau chùi, nắm giữ, xoa bóp thì do duyên nghiệp này nên được tay chân mềm mại. Nếu Ðại Bồ tát trì giới, bố thí, nghe pháp không chán thì do duyên nghiệp này nên được đốt xương, các khớp đầy đặn, lông trên thân đẹp đẽ. Nếu Ðại Bồ tát chuyên tâm nghe pháp, diễn nói chánh giáo thì do duyên nghiệp này nên được tướng đùi nai chúa. Nếu Ðại Bồ tát đối với các chúng sinh chẳng sinh lòng giết hại, ăn uống tri túc, thường ưa ban cho xem bệnh cấp thuốc thì do duyên nghiệp này nên được thân viên mãn như cây Ni câu đà, đứng lên tay quá gối, đỉnh đầu có nhục kế, không ai thấy đỉnh tướng. Nếu Ðại Bồ tát thấy người sợ hãi mà vì họ tạo sự cứu hộ, thấy kẻ trần truồng ban cho quần áo thì do duyên nghiệp này nên được âm tàng tướng. Nếu Ðại Bồ tát thân cận người trí, xa lìa người ngu, khéo vừa lòng hỏi đáp, quét dọn đường đi do những duyên nghiệp này nên được da dẻ mềm mại, lông trên thân xoáy về bên phải. Nếu Ðại Bồ tát thường dùng y phục, ẩm thực, ngọa cụ, y dược, hương hoa, đèn sáng cho người thì do duyên nghiệp này nên được thân Kim sắc, thường phát ánh sáng rực rỡ. Nếu Ðại Bồ tát, khi hành thí, mà vật trân quí có thể xả bỏ chẳng tiếc nuối, chẳng cần quan sát là phước điền hay chẳng phải phước điền thì do duyên nghiệp này nên được tướng bảy chỗ đầy đặn. Nếu Ðại Bồ tát, khi Bố thí mà lòng chẳng sinh nghi ngờ thì do duyên nghiệp này nên được âm thanh êm dịu. Nếu Ðại Bồ tát theo đúng như pháp tìm cầu của cải rồi đem dùng bố thí thì do duyên nghiệp này nên được xương khuyết đầy tràn, thân phần trên như sư tử, cánh tay thon dài. Nếu Bồ tát xa lìa lưỡng thiệc, ác khẩu, lòng sân giận thì do duyên nghiệp này nên được bốn mươi cái răng trắng, sạch, bằng và kín. Nếu Ðại Bồ tát đối với các chúng sinh tu đại từ bi thì do duyên nghiệp này nên được tướng hai ngà. Nếu Ðại Bồ tát thường tác khởi lời nguyện này, có người đến cầu xin, cấp cho theo ý thì do duyên nghiệp này nên được tướng hai má sư tử. Nếu Ðại Bồ tát tùy theo sự ăn uống cần dùng của chúng sinh mà đều ban cho cả thì do duyên nghiệp này nên được thượng vị trong các vị ngon. Nếu Ðại Bồ tát tự tu mười điều thiện, kiêm thêm đem giáo hóa cho người thì do duyên nghiệp này nên được tướng Quảng Trường Thiệc (Lưỡi dài rộng). Nếu Ðại Bồ tát chẳng nói lên sở đoản của người khác, chẳng bài báng chánh pháp thì do duyên nghiệp này nên được âm thanh của trời Phạm. Nếu Ðại Bồ tát thấy các điều oán ghét mà sinh ra lòng mừng thì do duyên nghiệp này nên được lông mi màu xanh biếc. Nếu Ðại Bồ tát chẳng che giấu đức của người khác mà xưng dương cái tốt của họ thì do duyên nghiệp này nên được tướng Bạch hào. Này thiện nam tử ! Khi Ðại Bồ tát tu tập nhân duyên nghiệp của ba mươi hai tướng thì được tâm Bồ Ðề.

            Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới của chư Phật nghiệp quả và Phật tính cũng chẳng thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì bốn pháp như vậy đều là thường mà do sự thường này nên chẳng thể nghĩ bàn. Phiền não của tất cả chúng sinh ngăn che nên gọi là thường mà đoạn dứt thường của phiền não nên gọi là vô thường. Nếu nói rằng, tất cả chúng sinh thường thì vì sao tu tập tám Thánh đạo phận là đoạn được mọi khổ. Mọi sự khổ nếu đoạn thì gọi là vô thường. Niềm vui đã thọ thì gọi là thường. Vậy nên ta nói rằng, phiền não của tất cả chúng sinh ngăn che, chẳng thấy Phật tính mà do chẳng thấy nên chẳng được Niết Bàn.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy