× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 14: Phẩm phạm hạnh (1)

 Phần XX/1.

            Này thiện nam tử ! Sao gọi là Phạm hạnh của Ðại Bồ tát? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, trụ ở bảy thiện pháp thì được đủ Phạm hạnh. Những gì là bảy ? Một là biết pháp, hai là biết nghĩa, ba là biết thời, bốn là biết đủ, năm là tự biết, sáu là biết mọi người, bảy là biết tôn, ti. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát biết pháp ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát này biết mười hai bộ Kinh là : Tu Ða La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Da Ðà, Ưu Ðà Na, Ni Ðà Na, A Ba Ðà Na, Y Ðế Mục Ða Dà, Xà Ðà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Ðà Ðạt Ma, Ưu Ba Ðề Xá. Này thiện nam tử ! Những gì gọi là Tu Ða La Kinh ?  Từ “Như thị ngã văn” (Tôi nghe như vầy)... cho đến “hoan hỷ phụng hành”. Tất cả như vậy gọi là Tu Ða La. Những gì gọi là Kỳ Dạ Kinh ? Ðức Phật bảo các vị Tỳ kheo : “Xưa ta cùng các ông ngu si không trí tuệ, chẳng thể thấy bốn chân đế như thật. Vậy nên lưu chuyển lâu ở sinh tử, chìm đắm trong biển đại khổ. Những gì là bốn chân đế ? Khổ Tập Diệt Ðạo”. Như Phật ngày xưa vì các Tỳ kheo nói Khế Kinh xong rồi. Bấy giờ lại có chúng sinh lợi căn, vì nghe pháp nên về sau đến chỗ Phật, liền hỏi người : “Ðức Như Lai hướng về ai nói việc gì ?” Ðức Phật biết rồi liền nhân vào nội dung Kinh cũ mà dùng kệ tụng rằng :

            Ta xưa cùng các ông            Ø   Chẳng thấy bốn chân đế

            Vậy nên mãi chuyển vần              Trong bể khổ sinh tử.

            Nếu thấy bốn đế chân                 Thì được đoạn sinh tử

            Sinh tử đã hết xong                   Lại chẳng thọ các “hữu”.

            Ðó gọi là Kỳ Dạ Kinh. Sao gọi là Thọ Ký Kinh ? Như có Kinh Luật, khi đức Như Lai nói mà vì những trời, người trao lời ký biệt làm Phật : “Này A Dật Ða ! Ðời vị lai có vị vua tên là Nhương Khư sẽ ở đời đó mà thành đao Phật  hiệu là Di Lặc”. Ðó gọi là Thọ Ký Kinh. Sao gọi là Dà Ðà Kinh ? Trừ Tu Ða La và các giới luật, số còn lại ấy có nói kệ bốn câu, như là :

                        Chư ác mạc tác                          (Chớ làm các ác)

                        Chúng thiện phụng hành   (Vâng làm mọi lành)

                        Tự tịnh kỳ ý                     (Tự sạch ý ấy)

                        Thị chư Phật giáo.            (Lời dạy Thế Tôn).

            Ðó gọi là Dà Ðà Kinh. Sao gọi là Ưu Ðà Na Kinh ? Như khi đức Phật gợi mở (mớm lời) vào với thiền định, vì các thiên chúng rộng nói pháp yếu. Như các Tỳ kheo đều khởi lên ý niệm này : “Ðức Như Lai hôm nay làm việc gì đây ?” Sáng sớm đức Như Lai ra khỏi thiền định, không có người hỏi, dùng Tha Tâm Trí, liền tự nói rằng : “Này Tỳ kheo! Các ông phải biết, tất cả chư thiên thọ mạng rất dài ! Này các Tỳ kheo ! Hay thay ! Các ông vì người khác, chẳng cầu lợi mình ! Hay thay ! Thiểu dục ! Hay thay ! Tri túc ! Hay thay ! Tịch tịnh !” Các Kinh không ai hỏi mà đức Phật tự nói như vậy  thì đó gọi là Ưu Ðà Na Kinh. Sao gọi là Ni Ða Na Kinh ? Như những Kinh kệ mà nguyên nhân căn bản là đức Phật vì người khác diễn nói. Như ở nước Xá Vệ có một trượng phu chăn lưới bắt chim, bắt được rồi nhốt vào lồng, rồi tùy loài mà cho nước uống, lúa ăn... rồi trở lại thả ra. Ðức Thế Tôn biết gốc ngọn nhân duyên ấy mà nói kệ rằng :

                        Chớ khinh ác nhỏ         Ø         Là không tai ương

                        Giọt nước tuy nhỏ                Ðồ lớn đầy tràn.

            Ðó gọi là Ni Ðà Na Kinh. Sao gọi là A Ba Ðà Na Kinh ? Như lời nói ví dụ trong Giới Luật thì đó là A Ba Ðà Na Kinh. Sao gọi là Y Ðế Mục Ða Dà Kinh ? Như lời đức Phật nói rằng, Các Tỳ kheo phải biết, khi ta ra đời thì lời nói của ta gọi là Khế Kinh. Khi đức Phật Cưu Lưu Tần ra đời.. thì gọi là Cam Lộ Cổ (trống cam lộ). Khi đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni ra đời thì gọi là Pháp Kính (gương pháp). Khi đức Phật Ca Diếp ra đời... thì gọi là  Phân Biệt Không. Ðó gọi là Y Ðế Mục Ða Dà Kinh. Sao gọi là Xà Ðà Dà Kinh ? Như đức Phật Thế Tôn, xưa làm Bồ tát tu những hạnh khổ. Phật gọi : “Này Tỳ kheo ! Các ông phải biết, ta ở đời quá khứ, làm hươu, làm gấu lớn, làm nai, làm thỏ, làm Túc Tán vương, Chuyển Luân Thánh Vương, rồng, chim cánh vàng... Những hạnh như vậy, khi làm đạo Bồ tát, ta đã có thể thọ thân”. Ðó gọi là Xà Ðà Dà. Sao gọi là Tỳ Phật Lược Kinh ? Ðó là Kinh điển Ðại Thừa Phương Ðẳng. Nghĩa Kinh ấy rộng lớn giống như hư không. Ðó gọi là Tỳ Phật Lược kinh. Sao gọi là Vị Tằng Hữu Kinh ? Như khi đức Bồ tát mới sinh ra, không có người phò trì, liền đi bảy bước, phóng ra ánh sáng lớn soi khắp mười phương. Cũng như việc con khỉ đột, tay bưng lọ đựng mật, dâng hiến đức Như Lai. Cũng như chó cổ trắng ở bên đức Phật nghe pháp. Như Ma Ba Tuần biến làm con trâu xanh đi vào vùng bát sành, khiến cho những bát sành va chạm lẫn nhau mà không bị thương tổn. Như khi đức Phật mới sinh vào miếu thờ trời, khiến cho tượng trời kia đứng dậy, xuống làm lễ cung kính. Những Kinh như vậy gọi là Vị Tằng Hữu Kinh. Sao gọi là Ưu Ba Ðề Xá Kinh ? Như lời nói các Kinh của Phật Thế Tôn, nếu tạo tác nghị luận, phân biệt, biện nói rộng rãi tướng mạo của những Kinh ấy thì đó gọi là Ưu Ba Ðề Xá Kinh. Nếu Bồ tát có thể rõ biết mười hai bộ Kinh như vậy thì gọi là biết pháp. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết nghĩa ? Nếu Ðại Bồ tát đối với tất cả văn tự, ngôn ngữ mà hiểu biết rộng rãi nghĩa của chúng thì đó gọi là biết nghĩa. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết thời? Này thiện nam tử ! Bồ tát giỏi biết trong lúc như vậy là dốc lòng tu Tịch tịnh, trong lúc như vậy là dốc lòng tu Tinh tấn, trong lúc như vậy là dốc lòng tu Xả định, trong lúc như vậy là dốc lòng cúng dường Phật, trong lúc như vậy là dốc lòng cúng dường thầy, trong lúc như vậy là dốc lòng tu bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đầy đủ Bát nhã Balamật. Ðó gọi là biết thời. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết đủ. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát biết đủ những cái gọi là ăn uống, thuốc men, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng, lặng thinh... Ðó gọi là biết đủ. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát tự biết ? Bồ tát này tự biết rằng : “Ta có niềm tin như vậy, cấm giới như vậy, đa văn như vậy, xả như vậy, tuệ như vậy, đi lại như vậy, chánh niệm như vậy, thiện hạnh như vậy, hỏi như vậy, đáp như vậy... Ðó gọi là tự biết. Sao gọi là Ðại Bồ tát biết mọi người ? Này thiện nam tử! Bồ tát đó biết những chúng Sát lợi, chúng Bà la môn, chúng cư sĩ, chúng Samôn... này như vậy nên đối với chúng đó đi, lại như vậy, ngồi, đứng dậy như vậy, nói pháp như vậy, hỏi, đáp như vậy. Ðó gọi là biết mọi người. Này thiện nam tử ! Sao gọi là Ðại Bồ tát biết người tôn, ti ? Này thiện nam tử ! Người có hai thứ, một là tín, hai là bất tín. Bồ tát phải biết người tín là thiện, người bất tín thì chẳng gọi là thiện. Lại nữa, tín có hai thứ, một là thường trụ tăng phường, hai là chẳng trụ. Bồ tát phải biết, người trụ ấy là thiện, người chẳng trụ ấy thì chẳng gọi là thiện. Người trụ tăng phường lại có hai thứ, một là lễ bái, hai là chẳng lễ bái. Bồ tát phải biết, người lễ bái là thiện, người chẳng lễ bái thì chẳng gọi là thiện. Người lễ bái ấy lại có hai thứ, một là nghe pháp, hai là chẳng nghe. Bồ tát phải biết,  nghe pháp là thiện, người chẳng nghe pháp thì chẳng gọi là thiện. Người nghe pháp ấy lại có hai thứ, một là chí tâm nghe, hai là chẳng chí tâm. Bồ tát phải biết, người chí tâm nghe thì gọi là thiện, người chẳng chí tâm thì chẳng gọi là thiện. Chí tâm nghe pháp lại có hai thứ, một là tư duy nghĩa, hai là chẳng tư duy nghĩa. Bồ tát phải biết, người suy nghĩ nghĩa là thiện, người chẳng suy nghĩ nghĩa thì chẳng gọi là thiện. Người suy nghĩ nghĩa lại có hai thứ, một là theo như lời nói tu hành, hai là chẳng theo như lời nói tu hành. Người theo như lời nói tu hành thì gọi là thiện, người chẳng theo lời nói tu hành thì chẳng gọi là thiện. Người theo như lời nói tu hành lại có hai thứ, một là cầu Thanh Văn, chẳng thể đem lại lợi an, nhiêu ích cho tất cả chúng sinh khổ não. Hai là hồi hướng Ðại Thừa Vô thượng đem lợi ích cho nhiều người, khiến cho họ được an lạc. Bồ tát nên biết, người có thể lợi cho nhiều người, được an lạc thì tối thượng tối thiện. Này thiện nam tử ! Như trong các báu thì ngọc báu Như Ý rất là thắng diệu; như trong các vị thì vị cam lộ là tối thượng. Như vậy Bồ tát ở trong loài người, trời là tối thắng, tối thượng, chẳng thể ví dụ. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là Ðại Bồ tát trụ ở Kinh Ðại Thừa Ðại Niết Bàn, trụ bảy pháp thiện. Nếu Bồ tát trụ ở bảy pháp thiện này rồi thì được đủ phạm hạnh.

            Lại nữa, này thiện nam tử ! Lại có phạm hạnh gọi là Từ Bi Hỷ Xả.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Nếu tu nhiều Từ có thể đoạn sân nhuế, tu tâm Bi thì cũng đoạn sân nhuế thì sao mà nói rằng, bốn vô lượng tâm ? Tìm theo nghĩa mà nói thì nên có ba thôi. Thưa đức Thế Tôn ! Từ có ba duyên, một là duyên chúng sinh, hai là duyên với pháp, ba là không duyên. Tâm Bi, Hỷ, Xả cũng lại như vậy. Nếu theo nghĩa này thì chỉ nên có ba, chẳng nên nói bốn. Chúng sinh  duyên là duyên với năm ấm, nguyện cho vui năm ấm ấy. Ðó gọi là chúng sinh duyên. Pháp duyên là duyên với vật cần dùng của các chúng sinh mà thí cho họ. Ðó gọi là Pháp duyên, Vô duyên là duyên với Như Lai. Ðó gọi là Vô duyên. Từ là duyên nhiều với chúng sinh bần cùng. Ðại sư Như Lai vĩnh viễn lìa khỏi bần cùng, hưởng thụ đệ nhất lạc. Nếu duyên chúng sinh thì chẳng duyên với Phật, Pháp cũng như vậy. Do nghĩa này nên duyên Như Lai thì gọi là Vô duyên. Thưa đức Thế Tôn ! Sở duyên của từ là tất cả chúng sinh, như duyên với cha mẹ, vợ con, thân thuộc... Do nghĩa này nên gọi là Chúng sinh duyên. Pháp duyên là chẳng thấy cha mẹ, vợ con, thân thuộc... chỉ thấy tất cả pháp đều từ duyên sinh. Ðó gọi là Pháp duyên. Vô duyên là chẳng trụ ở Pháp tướng và chúng sinh tướng. Vậy nên gọi là Vô duyên. Tâm Bi, Hỉ, Xả cũng lại như vậy. Vậy nên có ba chẳng nên có bốn. Thưa đức Thế Tôn ! Người có hai thứ, một là kiến hạnh, hai là ái hạnh. Người kiến hạnh tu nhiều Từ, Bi. Người ái hạnh tu nhiều Hỷ, Xả. Vậy nên có hai chẳng nên có bốn. Thưa đức Thế Tôn ! Phàm vô lượng thì gọi là vô biên. Biên chẳng thể có được nên gọi là vô lượng. Nếu vô lượng thì nên là một chẳng nên nói rằng bốn. Nếu nói là bốn thì làm sao được vô lượng. Do đó nên là một, chẳng nên nói là bốn vậy.

            Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

            - Này thiện nam tử ! Các đức Phật Như Lai vì những chúng sinh đã tuyên nói pháp yếu. Lời nói các vị ấy bí mật, khó có thể biết rõ. Hoặc chư Phật vì chúng sinh nói một nhân duyên. Như nói những gì là một nhân duyên ? Ðó là nói tất cả pháp hữu vi. Này thiện nam tử ! Hoặc nói hai thứ, nhân duyên và kết quả. Hoặc nói ba thứ là phiền não, nghiệp và khổ. Hoặc nói bốn thứ như là vô minh, các hạnh, sinh và lão tử. Hoặc nói năm thứ như là thọ, ái, thủ, hữu và sinh. Hoặc nói sáu thứ như là nhân quả ba đời. Hoặc nói bảy thứ như là thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ và ái, thủ. Hoặc nói tám thứ là mười hai nhân duyên trừ đi vô minh, hành và sinh, lão tử, tám việc còn lại ấy. Hoặc nói chín thứ, đúng như mười hai nhân duyên trong Kinh trừ đi vô minh, hành, thức, chín việc còn lại ấy. Hoặc nói mười một thứ như đúng như lời nói với Tát Già Ni Kiền Tử trừ đi một pháp sinh, mười một pháp còn lại ấy. Hoặc có khi nói đủ mười hai nhân duyên, như ở thành Vương Xá, Phật vì Ca Diếp.v.v... nói đủ mười hai nhân duyên, từ vô minh cho đến sinh, già, bịnh, chết. Này thiện nam tử ! Như một nhân duyên, nhưng vì chúng sinh nên chư Phật phân biệt đủ thứ. Tâm pháp vô lượng cũng lại như vậy. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên đối với những hành xử thân mật của Như Lai chẳng nên sinh ra nghi hoặc. Này thiện nam tử ! Như Lai Thế Tôn có phương tiện lớn : Vô thường nói thường - thường nói vô thường, nói vui là khổ - nói khổ là vui, bất tịnh nói tịnh - tịnh nói bất tịnh, ngã nói vô ngã - vô ngã nói ngã, đối với chẳng phải chúng sinh nói là chúng sinh, đối với chúng sinh thật thì nói chẳng phải chúng sinh, chẳng phải vật nói là vật - vật nói chẳng phải vật, chẳng phải thật nói là thật - thật nói chẳng phải thật, chẳng phải cảnh nói là cảnh - cảnh nói chẳng phải cảnh, chẳng phải sinh nói là sinh - sinh nói chẳng phải sinh... cho đến vô minh nói là minh - minh nói là vô minh, sắc nói chẳng phải sắc - chẳng phải sắc nói là sắc, chẳng phải đạo nói là đạo - đạo nói chẳng phải đạo. Này thiện nam tử ! Như Lai dùng vô lượng phương tiện như vậy, đâu phải là hư dối vậy ! Này thiện nam tử ! Hoặc có chúng sinh tham của cải thì ta đối với người ấy tự hóa thân mình làm vua Chuyển Luân, ở trong vô lượng năm, tùy theo sự cần dùng của người ấy mà cung cấp đủ thứ. Rồi nhiên hậu ta mới giáo hóa khiến cho người ấy an trụ Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh tham trước năm dục thì ở trong vô lượng năm, ta dùng năm dục vi diệu thỏa mãn tình cảm của người ấy. Rồi nhiên hậu ta mới khuyến hóa khiến cho người ấy an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh  vinh hiển giàu sang thì ta đối với người ấy ở trong vô lượng năm, nguyện làm bộc sứ (người sai khiến) chạy theo cung cấp hầu hạ. Ðược lòng người ấy rồi, ta liền khuyến hóa khiến cho người ấy an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Nếu có chúng sinh tính tình ngang trái tự cho là cần người quở trách, can gián thì ta ở trong vô lượng trăm ngàn năm, dạy bảo, quở trách, can ngăn, dụ dỗ khiến cho lòng người ấy điều phục. Rồi nhiên hậu ta mới khuyên bảo khiến cho người ấy an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Như Lai ở trong vô lượng năm dùng đủ thứ phương tiện như vậy khiến cho các chúng sinh an trụ ở Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, đâu phải là hư dối vậy ? Các đức Phật Như Lai tuy ở với mọi ác nhưng không bị nhiễm ô, giống như hoa sen. Này thiện nam tử ! Ông nên biết ý nghĩa bốn vô lượng như vậy. Này thiện nam tử ! Thể tính của vô lượng tâm này có bốn. Nếu có người tu hành thì sinh cõi Ðại Phạm.

            Này thiện nam tử ! Như vậy bạn bè của vô lượng có bốn. Vậy nên gọi là bốn. Phàm tu Từ thì có thể đoạn tham dục, tu tâm Bi thì có thể đoạn sân nhuế, tu tâm Hỷ thì có đoạn chẳng vui, tu tâm Xả thì có thể đoạn chúng sinh tham dục, sân nhuế. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên được gọi là bốn, chẳng phải là một, hai, ba. Này thiện nam tử ! Như lời ông nói, Từ có thể đoạn được sân nhuế, cũng như vậy nên nói là ba thì nay ông chẳng nên tạo cái khó như vậy. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Sân nhuế có hai thứ, một là đoạt mạng sống, hai là đánh đập. Tu Từ thì có thể chẳng đoạt mạng sống. Tu Bi thì có thể trừ sự đánh đập. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên há chẳng phải là bốn sao ? Lại nữa, sân có hai thứ, một là sân chúng sinh, hai là sân chẳng phải chúng sinh. Tu Từ tâm thì đoạn sân chúng sinh, tu Bi tâm thì đoạn sân chẳng phải chúng sinh. Lại nữa, sân có hai thứ, một là có nhân duyên, hai là không nhân duyên. Tu Từ tâm thì đoạn có nhân duyên, tu Bi tâm thì đoạn không nhân duyên. Lại nữa, sân có hai thứ, một là tu tập lâu ở đời quá khứ, hai là tu tập hôm nay ở đời hiện tại. Tu Từ Tâm thì có thể đoạn quá khứ, tu Bi tâm thì đoạn ở hiện tại. Lại nữa, sân có hai thứ, một là sân thánh nhân, hai là sân phàm phu. Tu Từ tâm thì đoạn sân thánh nhân, tu Bi tâm thì đoạn sân phàm phu. Lại nữa, sân có hai thứ, một là thượng, hai là trung. Tu Từ thì đoạn thượng, tu Bi thì đoạn trung. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên gọi là bốn thì làm sao đặt nạn vấn là nên ba chẳng phải bốn ? Vậy nên, này Ca Diếp ! Vô lượng tâm này, bạn bè tương đối phân biệt làm bốn. Lại, do đồ chứa đựng thì nên gọi là bốn. Ðồ chứa đựng (tâm hành giả) nếu có Từ thì chẳng được có tâm Bi, Hỷ, Xả. Do nghĩa này thì nên là bốn, không giảm bớt. Này thiện nam tử ! Do hành phân biệt thì nên có bốn. Nếu khi hành Từ thì không Bi, Hỷ, Xả. Vậy nên có bốn. Này thiện nam tử ! Do vô lượng nên cũng được gọi là bốn. Phàm vô lượng thì có bốn thứ như là có vô lượng tâm có duyên chẳng phải tự tại, có vô lượng tâm tự tại chẳng phải duyên, có vô lượng tâm cũng duyên cũng tự tại, có vô lượng tâm chẳng phải duyên chẳng phải tự tại. Những gì là vô lượng có duyên chẳng phải tự tại ? Duyên với vô lượng vô biên chúng sinh mà chẳng thể được Tự tại tam muội. Tuy được bất định nhưng hoặc được hoặc mất. Những gì là vô lượng tự tại chẳng phải duyên ? Như duyên với cha mẹ, anh em, chị em mà muốn khiến cho họ an lạc thì chẳng phải vô lượng duyên. Những gì là vô lượng cũng duyên cũng tự tại ? Gọi chư Phật Bồ tát. Những gì là vô lượng chẳng phải duyên chẳng phải tự tại ? Hàng Thanh Văn, Duyên Giác chẳng thể duyên rộng rãi với vô lượng chúng sinh, cũng chẳng phải tự tại. Này thiện nam tử ! Do nghĩa này nên gọi là bốn vô lượng. Ðây là cảnh giới của các đức Phật Như Lai, chẳng phải là điều hiểu biết của hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Này thiện nam tử ! Bốn việc như vậy, Thanh Văn, Duyên Giác tuy gọi là vô lượng nhưng ít chẳng đủ nói. Các đức Phật Bồ tát mói được gọi là vô lượng vô biên.

            Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! Thật đúng như lời dạy của đức Thánh. Cảnh giới sở hữu của các đức Phật Như Lai chẳng phải là chỗ bì kịp của Thanh Văn, Duyên Giác. Thưa đức Thế Tôn ! Vã có Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn được tâm Từ Bi mà chẳng phải là tâm Ðại Từ, Ðại Bi chăng ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Này thiện nam tử ! Có Bồ tát, nếu ở trong những chúng sinh phân biệt ba phẩm, một là người thân, hai là oán ghét, ba là người bậc giữa. Ở trong người thân lại chia làm ba bậc là thượng, trung, hạ. Oán tắng cũng vậy. Ðại Bồ tát này ở trong thượng thân cho tăng thượng lạc, đối với trung, hạ thân cũng lại bình đẳng cho tăng thượng lạc, ở trong thượng oán cho ít phần lạc, đối với trung oán đã cho trung phẩm lạc, đối với hạ oán cho tăng thượng lạc. Bồ tát như vậy chuyển tăng thêm tu tập, đối với thượng oán đã cho trung phẩm lạc, đối với hạng trung, hạ oán cho tăng thượng lạc. Bồ tát lại chuyển tu tập, đối với hạng thượng, trung, hạ cho Thượng lạc. Nếu trong thượng oán cho thượng lạc thì bấy giờ được gọi là Từ tâm thành tựu. Bồ tát bấy giờ ở chỗ cha mẹ và trong thượng oán, được tâm bình đẳng, không có sai biệt. Này thiện nam tử ! Ðó gọi là được Từ chẳng phải Ðại Từ vậy (?).

            - Thưa đức Thế Tôn ! Vì duyên gì Bồ tát được Từ như vậy mà còn chẳng được gọi là Ðại Từ ?

            - Này thiện nam tử ! Do khó thành nên chẳng gọi là Ðại Từ. Vì sao vậy ? Vì lâu rồi, ở trong vô lượng kiếp đời quá khứ đã gom nhiều phiền não, chưa tu tập thiện pháp. Vậy nên chẳng thể ở trong một ngày mà điều phục được tâm ấy. Này thiện nam tử ! Ví như khi hạt đậu oản khô thì dùi đâm nhất định chẳng thể được. Phiền não cứng chắc cũng lại như vậy, tuy trọn ngày đêm buộc lòng chẳng tán loạn, nhưng khó có thể điều phục. Lại như chó nhà chẳng sợ người, nai hoang ở núi rừng thấy người sợ chạy. Sân nhuế khó trừ khử như chó giữ nhà, Từ tâm dễ mất như con nai hoang kia. Vậy nên tâm này khó có thể điều phục. Do nghĩa này nên chẳng gọi là Ðại Từ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như vẽ lên đá thì hoa văn thường còn, vẽ lên nước thì mau diệt mất, chẳng trụ lâu. Sân như vẽ trên đá, các căn bản thiện như vẽ vào nước kia. Vậy nên tâm này khó được điều phục. Như đám lửa lớn thì ánh sáng ấy trụ lâu, sáng của ánh chớp chẳng tạm dừng lại. Sân như đám lửa, Từ như ánh chớp. Vậy nên tâm này khó được điều phục. Do nghĩa này nên chẳng gọi là Ðại Từ. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trụ ở Sở địa gọi là Ðại Từ. Vì sao vậy ? Này thiện nam tử ! Vì người tối cực ác thì gọi là Nhất xiển đề. Khi Bồ tát mới trụ tu Ðại Từ thì đối với tâm của Nhất xiển đề không sai biệt, chẳng thấy lỗi ấy nên chẳng sinh ra sân.Do nghĩa này nên được gọi là Ðại Từ. Này thiện nam tử ! Vì các chúng sinh trừ bỏ không lợi ích thì đó gọi là Ðại Từ. Muốn cho chúng sinh vô lượng lợi lạc thì đó gọi là Ðại Bi. Ðối với chúng sinh, lòng sinh vui mừng thì đó gọi là Ðại Hỷ. Không có cái gì để ủng hộ thì gọi là Ðại Xả. Nếu chẳng tướng ngã, pháp và thân mình mà thấy tất cả pháp bình đẳng không hai thì đó gọi là Ðại Xả. Tự bỏ niềm vui của mình, thí cho người khác thì đó gọi là Ðại Xả. Này thiện nam tử ! Chỉ có bốn vô lượng tâm có thể khiến cho Bồ tát tăng trưởng đầy đủ sáu Balamật, các hạnh còn lại ấy nhất định chẳng thể làm được vậy. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát trước được bốn vô lượng tâm của thế gian, rồi nhiên hậu mới phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác, theo thứ lớp mới được ra khỏi thế gian. Này thiện nam tử ! Nhân vô lượng của thế gian mà được vô lượng của xuất thế gian. Do nghĩa này nên gọi là Ðại Vô lượng.

            Ngài Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

            - Thưa đức Thế Tôn ! Trừ bỏ không lợi ích, ban cho lợi lạc thì thật ra không làm gì. Suy nghĩ như vậy tức là quan sát rỗng không, không có thật lợi. Thưa đức Thế Tôn ! Ví như khi Tỳ kheo quán bất tịnh thấy áo mình mặc đều là tướng của da mà thật chẳng phải da, cái có thể ăn nuốt đều tạo ra tướng trùng, độc hại mà thật chẳng phải là trùng, xem bát canh đậu lớn tác khởi tưởng nước bẩn mà thật chẳng phải bẩn, xem món ăn cao sữa giống như não tủy mà thật chẳng phải  não, xem xương nát vụn giống như gạo tiểu mạch mà thật chẳng phải tiểu mạch. Bốn vô lượng tâm cũng lại như vậy, chẳng thể chân thật lợi ích chúng sinh, khiến cho họ được vui. Tuy miệng nói rằng, cho chúng sinh vui thì thật ra chẳng được. Quán như vậy chẳng phải là hư vọng sao ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu chẳng phải hư vọng mà cho vui thật thì những chúng sinh kia vì sao chẳng do sức uy đức của các đức Phật Bồ tát nên tất cả được hưởng thụ lạc ? Nếu sẽ chân thật chẳng được vui thì như lời đức Phật nói, con nhớ thuở xưa, mộtmình tu Từ tâm, trải qua kiếp này, đời bảy lần thành, hoại, con chẳng sinh đến đây. Khi thế giới thành con sinh trong cõi Phạm thiên. Khi thế giới hoại con sinh lên cõi trời Quang AÂm. Nếu sinh lên cõi trời Phạm thì thế lực tự tại không ai có thể tiêu diệt hàng phục, ở trong hàng ngàn vị Phạm thiên  là bậc tối thắng tối thượng, gọi là vua trời Ðại Phạm. Có những chúng sinh đều ở chỗ con sinh tư tưởng tối thượng. Con có ba mươi sáu lần làm Thích Ðề Hoàn Nhân, vua cõi trời Ðao Lợi, có vô lượng trăm ngàn lần làm vua Chuyển Luân. Con chỉ tu Từ tâm mà được quả báo người, trời như vậy. Nếu chẳng thật thì sao được cùng nghĩa này tương ứng ?

            Ðức Phật dạy rằng :

            - Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông quả thật dũng mãnh không gì kinh sợ !

            Ðức Phật liền vì ngài Ca Diếp mà nói kệ rằng :

            Nếu với một chúng sinh    Ø         Chẳng sinh lòng sân nhuế

            Mà nguyện đó vui cùng                 Ðó gọi là Từ thiện.

            Trong tất cả chúng sinh                  Nếu lòng bi khởilên

            Ðó gọi Thánh chủng tính       Ðược phước báo không lường.

            Giả sử tiên Ngũ thông              Ðều đầy cả đại địa

            Có Ðại Tự Tại vương               Phụng thí an tiên ấy

            Voi, ngựa... đủ vật dùng                 Quả phước báo sở đắc

            Chẳng bằng tu một phần     Từ phân thành mười sáu.

            Này thiện nam tử ! Phàm người tu Từ chân thật chẳng phải vọng tưởng thì chắc chắn là Chân đế. Nếu là từ của Thanh Văn, Duyên Giác thì đó gọi là hư vọng. Làm sao biết các đức Phật Bồ tát chân thật chẳng hư vọng vậy ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát tu hành Ðại Niết Bàn như vậy thì xem đất là vàng, xem vàng là đất, đất trở thành tướng nước, nước trở thành tướng đất, nước trở thành tướng lửa, lửa trở thành tướng nước, đất trở thành tướng gió, gió trở thành tướng đất... tùy ý thành tựu, không có hư vọng. Bồ tát ấy xem thật chúng sinh là chẳng phải chúng sinh, xem chẳng phải chúng sinh là thật chúng sinh... đều tự ý thành tựu, không có hư vọng. Này thiện nam tử ! Ông phải biết bốn vô lượng tâm của Bồ tát là tư duy chân thật, chẳng phải chẳng chân thật. Lại nữa, này thiện nam tử ! Sao gọi là tư duy chân thật ? - Ðó là có thể đoạn trừ các phiền não vậy. Này thiện nam tử ! Phàm người tu Từ thì có thể đoạn được tham dục, tu Bi tâm thì có thể đoạn được sân nhuế, tu Hỷ tâm thì có thể đoạn được điều chẳng vui, tu Xả tâm thì có thể đoạn được tham dục, sân nhuế và tướng chúng sinh. Do vậy cho nên gọi là tư duy chân thật. Lại nữa, này thiện nam tử ! Bốn vô lượng tâm của Ðại Bồ tát có thể làm căn bản cho tất cả các thiện. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát nếu chẳng được thấy chúng sinh nghèo cùng thì không có nhân duyên phát sinh Từ mà nếu chẳng sinh ra Từ thì chẳng thể dấy khởi lòng huệ thí. Do nhân duyên thí nên khiến cho các chúng sinh được niềm vui yên ổn. Như là bố thí đồ ăn, thức uống, xe cộ, quần áo, hương hoa, giường nằm, nhà cửa, đèn sáng... khi bố thí như vậy mà lòng không ràng buộc, chẳng sinh tham trước thì nhất định hồi hướng về Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Tâm ấy, bấy giờ không chỗ y chỉ, vọng tưởng đoạn diệt vĩnh viễn, không bị kinh sợ, danh xưng lợi dưỡng chẳng cầu người trời, hưởng thụ khoái lạc chẳng sinh kiêu mạn, chẳng mong đền đáp lại, chẳng bị người khác lừa dối... nên là bố thí chẳng cầu giàu sang. Phàm khi làm bố thí, chẳng thấy người thọ thí là trì giới hay phá giới, là ruộng hay chẳng phải ruộng, đây là tri thức, đây chẳng phải tri thức. Khi thí chẳng thấy là khí cụ hay chẳng phải khí cụ. Chẳng chọn lựa ngày giờ, là chỗ hay chẳng phải chỗ, cũng lại chẳng kể là đói kém hay giàu có an vui, chẳng thấy nhân quả, thấy đây là chúng sinh, đây chẳng phải là chúng sinh, là phước hay chẳng phải là phước. Tuy lại chẳng thấy người bố thí, người thọ thí và cả tài vật bố thí... cho đến chẳng thấy đoạn dứt và quả báo nhưng mà thường làm bố thí, không có đoạn tuyệt. Này thiện nam tử ! Bồ tát nếu còn thấy trì giới, phá giới... cho đến quả báo thì nhất định chẳng thể bố thí mà nếu chẳng bố thí thì chẳng đầy đủ Ðàn Balamật. Nếu chẳng đầy đủ Ðàn Balamật thì chẳng thể thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Này thiện nam tử ! Ví như có người, thân bị tên độc. Quyến thuộc người ấy muốn làm cho yên ổn thì phải vì người ấy trừ độc liền mời lương y nhổ mũi tên độc ra. Người kia mới nói rằng : “Hãy khoan chớ đụng vào ! Ta nay phải quan sát mũi tên độc như vậy từ phương nào đến ? Ai đã bắn nó ? Là chính Sát lợi, Bàlamôn, Tỳ Xá hay Thủ Ðà ?” Người ấy lại tác khởi ý niệm : “Cây tên bằng gì vậy ? Bằng tre hay bằng liễu vậy ? Sắc bọc đầu mũi tên ấy làm ở chỗ nào ? Cứng hay mềm vậy ? Cánh lông của tên ấy là lông cánh loài chim nào ? Là của quạ hay của chim ưng vậy ? Chất độc có ở mũi tên là do làm ra hay tự nhiên mà có ? Là độc của con người hay là độc của rắn vậy ? Như vậy người ngu si kia chưa có thể biết hết những điều ấy thì đã liền mạng chung. Này thiện nam tử ! Bồ tát cũng vậy, nếu khi làm bố thí mà phân biệt người thọ thí trì giới hay phá giới... cho đến quả báo thì nhất định chẳng có thể bố thí. Nếu chẳng thể bố thí thì chẳng đầy đủ Ðàn Balamật. Nếu chẳng đủ Ðàn Balamật thì chẳng thành Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

          


Xem dưới dạng văn bản thuần túy