× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Niết Bàn



Quyển thứ 11: Phẩm thánh hạnh (2)

Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

 

  - Thưa đức Thế Tôn ! Thiền thứ tư kia vì nhân duyên gì mà gió chẳng thể thổi, nước chẳng thể nổi, lửa chẳng thể cháy ?

  Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

  - Này thiện nam tử ! Thiền thứ tư đó, lỗi hoạn trong ngoài tất cả đều không có. Này thiện nam tử ! Lỗi hoạn của Sơ thiền, bên trong có giác quán, bên ngoài có tai họa lửa. Lỗi hoạn của Nhị thiền, bên trong có hoan hỷ, bên ngoài có tai họa nước. Lỗi hoạn của Tam thiền, bên trong có hít thở, bên ngoài có tai họa gió. Này thiện nam tử ! Ðệ Tứ thiền kia, lỗi hoạn trong ngoài, tất cả đều không. Vậy nên các tai họa chẳng thể theo kịp. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, an trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn     thì lỗi hoạn trong ngoài, tất cả đều hết. Vậy nên vua Tử chẳng thể theo kịp. Lại nữa, này thiện nam tử ! Như con chim cánh vàng có thể nuốt ăn, có thể tiêu hóa tất cả rồng, cá, vàng, bạc, các báu.v.v... chỉ trừ Kim cương nó chẳng thể khiến cho tiêu hóa. Này thiện nam tử ! Con chim cánh vàng tử cũng lại như vậy, có thể ăn nuốt, có thể tiêu hóa tất cả chúng sinh, chỉ chẳng thể tiêu hóa được Ðại Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp! Ví như cỏ cây sẵn có ở bờ sông, gặp nước lớn lênh láng thì nổi trôi theo vào với biển cả, chỉ trừ cây dương liễu vì cây ấy mềm mại. Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh cũng lại như vậy, đều trôi xuôi vào với tử hải, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như Na la diên có thể tiêu diệt, hàng phục tất cả lực sĩ, chỉ trừ gió lớn. Vì sao vậy ? Vì không ngăn ngại vậy. Này thiện nam tử ! Tử Na la diên cũng lại như vậy, có thể tiêu diệt hàng phục hết tất cả chúng sinh, chỉ trừ Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì không ngăn ngại vậy. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người ở trong oán ghét mà trá hiện sự thân thiện, thường truy đuổi nhau như bóng theo hình để dò tìm thuận tiện mà giết chết kẻ oán đó. Kẻ oán kia cẩn thận tự phòng bị chắc chắn nên khiến cho người đó chẳng thể  giết được. Này thiện nam tử ! Tử oán cũng vậy, thường theo dõi chúng sinh mà muốn giết hại họ, chỉ chẳng thể giết Ðại Bồ tát trụở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì Bồ tát đó chẳng buông lung vậy. Lại nữa, này Ca Diếp !  Ví như mưa đá bỗng nhiên tuông xuống Kim cương lớn, phá hoại hết cây thuốc, cây cối, núi rừng, đất cát, gạch, đá, vàng, bạc, lưu ly... tất cả mọi vật, chỉ chẳng thể hủy hoại chân bảo Kim cương. Này thiện nam tử ! Mưa Kim cương tử cũng lại như vậy, có thể phá hoại hết tất cả chúng sinh, chỉ trừ Bồ tát Kim Cương trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Như chim cánh vàng có thể ăn nuốt các rồng, chỉ chẳng thể ăn nuốt con đã thọ tam qui. Này thiện nam tử ! Chim cánh vàng tử cũng lại như vậy, có thể ăn nuốt tất cả vô lượng chúng sinh, chỉ trừ Bồ tát trụ ở ba Ðịnh. Sao gọi là ba Ðịnh ? Ðó là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Lại nữa, này Ca Diếp! Phàm nọc độc của con rắn độc Ma La, tuy có chú hay, thuốc tốt thượng diệu nhưng không làm gì được ? Chỉ có chú A yết la tinh mới có khiến cho độc trừ khỏi. Này thiện nam tử ! Nọc độc của tử độc cũng lại như vậy, tất cả phương thuốc trị độc không gì hiệu nghiệm, chỉ trừ Bồ tát trụ ở chú Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn. Lại nữa, này Ca Diếp ! Ví như có người bị vua giận. Người ấy, hoặc có thể dùng lời êm ái tốt lành hay cống dâng của báu thì có thể được thoát khỏi. Này thiện nam tử ! Tử vương (vua chết) chẳng vậy, tuy dùng lời êm ái hay tiền của trân bảo mà cống dâng lên, nhưng cũng chẳng được thoát. Này thiện nam tử ! Phàm người chết thì ở chỗ hiểm nạn không có của cải lương thực, đi đến chỗ xa mờ mà không có bạn bè, ngày đêm đi mãi chẳng biết bờ cõi, sâu thẳm tối tăm không có đèn sáng. Vào không cửa nẻo mà không có xứ sở, tuy không chỗ đau nhưng chẳng thể trị liệu, qua không ngăn chặn, đến chẳng được thoát, không có sự phá hoại, người thấy sầu độc, chẳng phải là ố sắc (màu sắc xấu bẩn) mà khiến cho người sợ, bầy ở bên thân mà chẳng thể hay biết. Này Ca Diếp ! Do những thí dụ này và còn vô lượng vô biên thí dụ khác nên ông phải biết là, tử quả thật là Ðại Khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát tử khổ.

  Này Ca Diếp ! Sao gọi là Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn quan sát ái biệt ly khổ ? Ái biệt ly khổ có thể là căn bản của tất cả mọi khổ, như kệ nói rằng :

    Nhân ái sinh lo   Ø  Nhân ái sinh sợ

    Với ái nếu lìa     Có gì lo sợ.

  Nhân duyên ái thì sinh ra ưu khổ. Do ưu khổ nên khiến cho chúng sinh sinh ra suy lão. Ái biệt ly khổ như là mạng chung. Này thiện nam tử ! Do biệt ly nên có thể sinh ra đủ thứ những khổ vi tế. Nay ta sẽ vì ông phân biệt và hiển thị cho ! Này thiện nam tử ! Ðời quá khứ, khi con người thọ mạng không lường thì đời có vị vua tên là Thiện Trụ. Bấy giờ, vị vua ấy thời gian làm thân đồng tử, làm thái tử lo liệu việc và lên ngôi vua đều trải qua tám muôn bốn ngàn năm. Trên đỉnh đầu của vua sinh ra một nốt phỏng thịt. Nốt phỏng ấy mềm mại như lụa Ðâu La, mịn màng như Kiếp Bối, dần dần tăng trưởng mà chẳng gây ra hoạn. Ðủ tròn mười tháng nốt phỏng ấy liền mở banh sinh ra một đồng tử. Hình dung đồng tử ấy đoan chính kỳ lạ vô song. Sắc tướng phân minh số một trong loài người. Vua cha vui mừng đặt tên là Ðỉnh Sanh. Vua Thiện Trụ liền đem quốc sự giao phó cho Ðỉnh Sanh, xả bỏ cung điện, vợ con, quyến thuộc, vào núi học đạo trọn tám muôn bốn ngàn năm. Bấy giờ, Ðỉnh Sanh vào ngày mười lăm, ở tại lầu cao tắm gội, thọ trai thì tức thời ở phương Ðông có Kim Luân Bảo. Bánh xe ấy đầy đủ ngàn nan hoa, bầu, vành mà chẳng do thợ mộc chế tạo, tự nhiên thành tựu ứng đến. Ðại vương Ðỉnh Sanh liền nghĩ rằng : “Ta xưa từng nghe tiên ngũ thông nói, nếu vua Sát Lợi vào ngày mười lăm ở tại cao lâu, tắm gội, thọ trai, nếu có bánh xe vàng ngàn nan hoa chẳng giảm, đầy đủ bầu, vành mà chẳng do thợ mộc làm, tự nhiên thành tựu ứng đến thì phải biết là vua này liền sẽ được làm Chuyển Luân Thánh Ðế”. Vua lại nghĩ rằng : “Ta nay sẽ thử !” Ông liền dùng tay trái nâng bánh xe báu này, tay phải cầm lư hương, quì gối phải xuống đất mà phát thệ rằng : “Kim Luân Bảo này nếu chân thật chẳng hư dối thì nên như việc làm đạo pháp của Chuyển Luân Thánh Vương đời quá khứ !” Nói lời thề này rồi, Kim Luân Bảo đó bay lên hư không, đi khắp mười phương, rồi trở lại trụ ở tay trái của vua Ðỉnh Sanh. Lúc bấy giờ Vua Ðỉnh Sanh, lòng phát sinh vui mừng, nhảy nhót không lường, lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định làm Chuyển Luân Thánh Vương. Sau ấy chẳng bao lâu, lại có tượng bảo, hình dáng đoan nghiêm như hoa sen trắng với bảy chi chống đất. Vua Ðỉnh Sanh thấy rồi lại nghĩ rằng : “Ta thuở xưa từng nghe tiên ngũ thông nói rằng, nếu vua Chuyển Luân vào ngày mười lăm, ở tại lầu cao, tắm gội, thọ trai mà nếu có tượng bảo hình dáng đoan nghiêm như hoa sen trắng, bảy chi chống đất ứng đến thì phải biết rằng, vị vua này tức là Thánh đế”. Vua lại nghĩ rằng : “Ta nay sẽ thử !” Ông liền nâng lư hương, quì gối phải xuống đất mà phát thệ rằng : “Bạch tượng bảo này nếu chân thật, chẳng hư dối thì nên như việc làm đạo pháp của Chuyển Luân Thánh Vương đời quá khứ”. Nói lời thề này rồi thì Bạch tượng bảo từ sáng đến chiều đi khắp cùng tám phương, đến tận bờ cõi biển cả, rồi trở về chỗ cũ. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh, lòng rất vui mừng, nhảy nhót không lường, lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Sau ấy chẳng bao lâu, tiếp theo có mã bảo, sắc ngựa ấy xanh biếc đẹp đẽ, bờm, đuôi màu vàng, Vua Ðảnh Sanh thấy vậy liền  nghĩ rằng : Ta nghe thuở xưa Tiên Ngũ Thông nói, nếu Vua Chuyển Luân Vương ngày rằm ở trên lầu cao tắm gội, trai tịnh, có ngựa báu sắc xanh, bờm, lông đuôi màu vàng tía đến, thì nên biết đó là Thánh Ðế. Vua lại nghĩ rằng : “Ta nay sẽ thử!” Ông liền cầm lư hương, quì gối phải xuống đất mà phát thệ rằng : “Mã bảo xanh biếc này nếu chân thật, chẳng hư dối thì nên như việc làm đạo pháp của Chuyển Luân Thánh Vương đời quá khứ”. Nói lời thề này rồi thì con Mã bảo xanh biếc đó, từ sáng đến chiều chạy cùng khắp tám phương, đến tận bờ cõi biển cả, rồi trở về ở chỗ cũ. Lúc bấy giờ vua Ðảnh Sanh, lòng rất vui mừng, nhảy nhót không lường, lại nói rằng : “Ta nay nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Sau ấy chẳng bao lâu, lại có nữ bảo, hình dung đoan chính vi diệu đệ nhất, chẳng dài, chẳng ngắn, chẳng trắng, chẳng đen, các lỗ chân lông trên thân thể tỏa ra mùi hương chiên đàn, hơi miệng thơm sạch như hoa sen xanh, mắt nữ bảo ấy nhìn thấy xa một do tuần, tai nghe, mũi ngữi cũng lại như vậy. Lưỡi của nữ bảo ấy rộng to, lè ra có thể che cả mặt, hình sắc mịn màng mong manh như lá đồng đỏ, tâm thức thông triết có trí tuệ lớn, đối với các chúng sinh thường có lời nói dịu dàng. Người con gái ấy khi dùng tay chạm vào áo vua thì liền biết thân vua an vui hay bệnh hoạn, cũng biết lòng vua duyên vào đâu. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại nghĩ rằng: “Nếu có người con gái có thể biết được lòng vua tức là nữ bảo”. Sau ấy chẳng bao lâu, ở trong cung vua, tự nhiên mà có ngọc bảo Ma ni, thuần màu xanh lưu ly, lớn như cái bầu của bánh xe, có thể ở trong tối chiếu xa đến một do tuần. Nếu trời tuông mưa mà giọt mưa lớn như trục bánh xe thì thế lực của ngọc này có thể tạo thành táng che lớn che được một do tuần, ngăn trận mưa lớn này, chẳng cho nước mưa lọt qua. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại nghĩ rằng : “Nếu vua Chuyển Luân được ngọc báu này thì nhất định là Thánh Ðế”. Sau ấy chẳng bao lâu, có chủ tạng thần tự nhiên mà xuất hiện với nhiều của báu, giàu to không lường, kho tàng đầy ắp, không gì thiếu thốn. Chủ tạng thần này được nhãn căn mà sức nhìn có thể thấy suốt tất cả kho tàng ẩn chứa sẵn có trong lòng đất, theo sở niệm của vua đều có thể bày biện cho vua. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại muốn thử thách ông ấy, liền ngồi chung thuyền đi vào biển cả và bảo tạng thần rằng : “Ta nay muốn được kỳ trân dị bảo !” Tạng thần nghe rồi liền dùng hai tay khoáy nước biển cả thì mười đầu ngón tay xuất hiện mười bảo tàng, đem dâng lên Thánh vương mà bạch với vua rằng : “Tâu Ðại vương ! Cái ngài cần thì ngài tùy ý sử dụng đi ! Của ấy còn lại thì phải ném trả cho biển cả”. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh, lòng rất vui mừng, nảy nhót không lường, lại nghĩ rằng : “Ta nay nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Sau ấy chẳng bao lâu, có Chủ Binh thần tự nhiên mà xuất hiện. Ông ấy dũng mãnh, thao lược, kế sách, mưu mô đệ nhất, giỏi biết bốn binh chủng. Nếu ông ấy gánh vác việc chiến đấu thì xuất hiện Thánh vương. Nếu ông chẳng gánh vác, thoái lui thì Thánh vương chẳng hiện. Kẻ chưa bị tiêu diệt hàng phục thì ông có thể tiêu diệt, hàng phục. Người đã tiêu diệt hàng phục thì sức có thể thủ hộ. Lúc bấy giờ, vua Ðỉnh Sanh lại nghĩ rằng : “Nếu vua Chuyển Luân được Binh bảo này thì phải biết nhất định là Chuyển Luân Thánh Vương”. Lúc đó, Chuyển Luân Thánh Ðế Ðỉnh Sanh bảo các đại thần rằng : “Các ông phải biết rằng, cõi Diêm Phù Ðề này yên ổn, giàu thịnh, vui sướng. Ta nay đã có bảy báu thành tựu, một ngàn đứa con trai đầy đủ. Ta lại đi đâu, làm gì ?” Các bề tôi đáp rằng : “Thưa vâng! Thưa Ðại vương ! Cõi Phất Bà Ðề ở phương Ðông còn chưa qui đức, đại vương nay nên đi đến !”. Lúc bấy giờ, Thánh Vương liền cùng với bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên không mà đi đến cõi Phất Bà Ðề ở phương Ðông. Nhân dân cõi đó vui mừng qui hóa. Vua lại bảo các đại thần rằng : “Cõi Diêm Phù Ðề và Phất Bà Ðề của ta yên ổn, giàu thịnh, vui sướng, nhân dân đông đúc đều đến qui hóa, bảy báu thành tựu, ngàn con đầy đủ. Ta lại làm gì? Ở đâu nữa ?” Các bề tôi đáp rằng : “Thưa vâng ! Thưa đạivương ! Cõi Cù Ðà Ni ở phương Tây còn chưa qui đức”. Bấy giờ, Thánh Vương lại cùng với bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên hư không mà đi đến cõi Cù Ðà Ni. Nhà vua đã đến đó thì nhân dân cõi đó cũng lại qui phục. Vua lại bảo các đại thần rằng : “Cõi Diêm Phù Ðề, Phất Bà Ðề và Cù Ðà Ni này của ta yên ổn, giàu thịnh, vui sướng, nhân dân đông đúc đều đã qui hóa, bảy báu thành tựu, ngàn con đầy đủ. Ta lại làm gì ? Ở đâu ?”. Các bề tôi tâu rằng : “Thưa vâng ! Thưa Ðại vương ! Cõi Uất Ðan Việt ở phương Bắc còn chưa qui hóa !” Bấy giờ, Thánh Vương lại cùng với bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên hư không mà đi đến cõi Uất Ðan Việt ở phương Bắc. Vua đã đến đó thì nhân dân cõi đó vui mừng qui đức. Vua lại bảo các đại thần rằng : “Bốn thiên hạ của ta yên ổn, giàu thịnh, vui sướng, nhân dân đông đúc đều đã qui đức, bảy báu thành tựu, ngàn con đầy đủ. Ta lại làm gì ? Ở đâu?” Các bề tôi đáp rằng : “Thưa vâng ! Thưa Thánh Vương ! Cõi trời Ba Mươi Ba thọ mạng rất dài, yên ổn, khoái lạc. Thân hình của trời đó đoan nghiêm không gì sánh, cung điện chỗ ở, giường, ngọa cụ... đều là bảy báu. Trời ấy tự thị thiên phước chưa đến qui hóa. Nay nhà vua nên đến hỏi tội, khiến cho họ qui phục”. Bấy giờ Thánh Vương lại cùng bảy báu, tất cả quân doanh tháp tùng, bay lên hư không lên cõi trời Ðao Lợi. Vua thấy có một cây mà màu xanh biếc. Thánh vương thấy rồi liền hỏi đại thần rằng : “Ðây là sắc gì ?” Ðại thần đáp rằng : “Ðây là cây Ba Lợi Chất Ða La, vào những ngày tháng ba mùa hạ, chư thiên của trời Ðao Lợi thường ở dưới cây ấy vui sướng hưởng thụ lạc”. Vua lại thấy sắc trắng giống như mây trắng, lại hỏi đại thần rằng : “Ðó là sắc gì ?” Ðại thần đáp rằng : “Ðó là Thiện Pháp Ðường, chư thiên trời Ðao Lợi thường tập họp trong ấy, bàn luận việc nhân thiên”. Ðến đây, thiên chúa Thích Ðề Hoàn Nhân biết vua Ðỉnh Sanh đã đến ở bên ngoài, liền ra nghênh đón, gặp nhau rồi, nắm tay nhau thăng lên Thiện Pháp Ðường, chia tòa mà ngồi. Lúc đó, hai vua hình dung, tướng mạo như nhau, không có sai biệt, chỉ có cái nhìn là sai khác. Lúc này, Thánh Vương liền sinh ý niệm rằng : “Ta nay chắc có thể đẩy lùi vị vua kia tức là trụ trong cõi trời ấy làm vua trời chăng ?” Này thiện nam tử ! Lúc bấy giờ, Ðế Thích thọ trì, đọc tụng Kinh điển Ðại Thừa, khai thị, phân biệt vì người khác diễn nói, chỉ có đối với ý nghĩa sâu xa chưa thông đạt hết. Do sức nhân duyên đọc tụng, thọ trì, phân biệt, vì người khác diễn nói rộng rãi này nên có uy đức lớn. Này thiện nam tử ! Vua Ðỉnh Sanh đó đối vị Ðế Thích này sinh ra ác tâm xong liền đọa lạc trở lại cõi Diêm Phù Ðề cùng với sự ái niệm, người trời ly biệt, phát sinh ra đại khổ não. Nhà vua lại gặp bệnh dữ, liền mạng chung. Ðế Thích lúc bấy giờ là đức Phật Ca Diếp đó ! Vị Chuyển Luân Thánh Vương là thân ta đó ! Này thiện nam tử ! Ông phải biết, ái biệt ly như vậy thì rất là khổ lắm (đại khổ). Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát còn nhớ sự ái biệt ly khổ của những bậc như vậy đời quá khứ, huống gì là Bồ tát trụ ở Kinh Ðại thừa Ðại Bát Niết Bàn mà sẽ chẳng quan sát sự ái biệt ly khổ của đời hiện tại.

  Này thiện nam tử ! Sao gọi là Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Niết Bàn, quan sát oán tắng hội khổ ? Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát này quan sát ở địa ngục, súc sinh, ngã quỉ, trong loài người, trên cõi trời đều có oán tắng hội khổ như vậy. Ví như người quan sát lao ngục, trói buộc, giam giữ, cùm khóa, xiềng xích... lấy làm khổ lớn. Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, quan sát năm đường, tất cả loài thọ sinh đều là oán ghét hợp hội rất khổ. Lại nữa, này thiện nam tử ! Ví như có người thường sợ sự cùm khóa, xiềng xích của oán gia mà rời bỏ cha mẹ, vợ con, quyến thuộc, trân bảo, sản nghiệp... trốn chạy xa. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát cũng lại như vậy, kinh sợ sinh tử mà tu hành đầy đủ sáu Ba la mật, vào với Niết Bàn. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là Bồ tát tu hành Kinh Ðại thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát oán tắng hội khổ.

  Này thiện nam tử ! Sao gọi là Bồ tát tu hành Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn, quan sát cầu bất đắc khổ ? Cầu là tất cả cầu hết. Cầu hết có hai thứ, một là cầu thiện pháp, hai là cầu bất thiện pháp. Thiện pháp chưa được thì khổ. Ác pháp chưa lìa khỏi là khổ. Ðó là lược nói về năm thịnh ấm khổ. Này Ca Diếp ! Ðó gọi là khổ đế.

  Lúc bấy giờ, Ðại Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

  - Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói của đức Phật thì nghĩa này của năm thịnh ấm khổ, chẳng phải vậy. Vì sao vậy ? Như đức Phật thuở xưa bảo ông Thích Ma Nam rằng, nếu sắc khổ thì tất cả chúng sinh chẳng nên cầu sắc. Nếu có người cầu thì chẳng gọi là khổ. Như đức Phật bảo các Tỳ kheo rằng, có ba thứ thọ là thọ khổ, thọ lạc và thọ chẳng khổ chẳng lạc. Như đức Phật trước đã vì các Tỳ kheo nói rằng, nếu có người có thể tu hành thiện pháp thì được hưởng thọ lạc. Lại như đức Phật nói rằng, ở trong thiện pháp, sáu thứ tiếp xúc hưởng thọ lạc, như mắt thấy sắc đẹp thì đó gọi là vui (lạc), tai..., mũi..., lưỡi..., thân..., ý nghĩ pháp tốt cũng lại như vậy. Như đức Phật đã nói kệ :

  Trì giới được lạc an   Ø  Thân chẳng thọ mọi khổ

  Ngủ nghĩ được bình yên         Thức dậy lòng hoan hỷ

  Nếu khi thọ mặc ănKinh hành mà tu tập

  Một mình ở núi rừng   Như vậy là tối lạc.

  Có thể với chúng sinh     Ngày đêm luôn từ ái

  Nhân đó được vui thường  Chẳng  não hại người khác.

  Vui thiểu dục, tri túc    Vui phân biệt đa văn

  Không trước A la hán (chấp trước)  Cũng gọi thọ lạc an.

  Bồ tát Ma ha tát    Ðến bờ kia rốt cùng

  Mọi việc đã làm xong       Ðó gọi là Tối lạc.

  Thưa đức Thế Tôn ! Như lời nói trong các Kinh thì hình tướng của Lạc, nghĩa nó là như vậy. Như lời đức Phật hôm nay thì làm sao sẽ cùng với nghĩa này tương ứng ?

  Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

  - Hay thay ! Hay thay ! Này thiện nam tử ! Ông có thể khéo léo hỏi han Như Lai ý nghĩa này ! Này thiện nam tử ! Tất cả chúng sinh ở trong hạ khổ (khổ ở tầng dưới cùng) mà ngược lại sinh ra lạc tưởng. Vậy nên lời nói của ta hôm nay về khổ tướng cùng với lời nói cũ chẳng khác.

  Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

  - Như lời nói của đức Phật, ở trong hạ khổ sinh ra lạc tưởng thì hạ sinh, hạ lão, hạ bệnh, hạ tử, hạ ái biệt ly, hạ cầu bất đắc, hạ oán tắng hội, hạ ngũ thịnh ấm, những khổ như vậy.v.v.. cũng nên có lạc (vui). Thưa đức Thế Tôn ! Hạ sinh là gọi ba đường ác, trung sinh là gọi trong loài người, thượng sinh là gọi trên trời. Nếu lại có người hỏi như vầy : “Nếu ở hạ lạc sinh ra khổ tưởng, ở trong trung lạc sinh ra vô khổ lạc tưởng, ở trong thượng lạc sinh ra lạc tưởng thì phải đáp ra sao ? Thưa đức Thế Tôn ! Nếu trong hạ khổ sinh ra lạc tưởng thì con chưa thấy có người phải chịu một nghìn hình phạt mà ngay khi lần hạ khổ đầu tiên đã sinh ra lạc tưởng. Nhưng nếu chẳng sinh thì sao nói rằng, ở trong hạ khổ mà sinh ra lạc tưởng ?

  Ðức Phật bảo ngài Ca Diếp rằng :

  - Ðúng vậy ! Ðúng vậy ! Ðúng như lời nói của ông ! Do nghĩa này nên không có lạc tưởng. Vì sao vậy ? Vì giống như người kia phải chịu một ngàn hình phạt mà đã chịu một lần hạ khổ rồi liền được thoát thì người đó bấy giờ liền sinh ra lạc tưởng. Vậy nên ông phải biết, ở trong vô lạc (không vui) vọng sinh ra lạc tưởng.

  Ngài Ca Diếp nói rằng :

  - Thưa đức Thế Tôn ! Người đó chẳng do một lần hạ khổ sinh ra lạc tưởng mà do được thoát nên sinh ra lạc tưởng.

  - Này Ca Diếp ! Vậy nên lúc xưa ta vì Thích Ma Nam nói rằng, lạc (vui) trong năm ấm là thật chẳng phải hư dối vậy. Này Ca Diếp ! Có ba thọ, ba khổ. Ba thọ là thọ lạc, thọ khổ, thọ chẳng khổ chẳng lạc. Ba khổ là khổ khổ, khổ hành, khổ hoại. Này thiện nam tử ! Thọ khổ thì gọi là ba khổ, đó là khổ khổ, khổ hành, khổ hoại. Còn hai thọ là gọi khổ hành và khổ hoại. Này thiện nam tử ! Do nhân duyên đó nên trong sinh tử thật có thọ lạc. Ðại Bồ tát vì tính của khổ lạc chẳng rời bỏ nhau nên nói rằng, tất cả đều khổ. Này thiện nam tử ! Trong sinh tử thật không có lạc mà chỉ những Phật, Bồ tát vì thuận theo thế gian nên nói rằng có Lạc.

  Bồ tát Ca Diếp bạch đức Phật rằng :

  - Thưa đức Thế Tôn ! Các đức Phật Bồ tát nếu nói thuận theo thế tục thì tức là hư vọng chăng ? Như lời nói đức Phật, người tu hành thiện thì thọ quả báo lạc, trì giới thì an lạc, thân chẳng thọ khổ... cho đến mọi việc đã biện thành thì đó là tối lạc. Như vậy việc nói hưởng thọ lạc của các Kinh là hư dối chăng ? Nếu là hư vọng thì các đức Phật Thế Tôn từ lâu, ở trong vô lượng trăm ngàn vạn ức atăngkỳ kiếp, tu đạo Bồ Ðề, đã lìa khỏi vọng ngữ mà hôm nay nóilời nói đó, ý nghĩa ấy ra sao ?

  Ðức Phật dạy rằng :

  - Này thiện nam tử ! Như bài kệ nói về những thọ lạc ở trên tức là căn bản của đạo Bồ Ðề, cũng có thể nuôi lớn Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Do nghĩa này nên ở trong Kinh trước nói về tướng lạc này. Này thiện nam tử! Ví như của cải sinh sống cần thiết của thế gian có thể là nguyên nhân của Lạc nên gọi là Lạc. Ðó là đắm say nữ sắc, uống rượu, đồ ăn ngon, vị ngọt... khi khát được nước, khi lạnh gặp lửa, quần áo, chuỗi ngọc, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, đồng bộc, vàng, bạc, lưu ly, san hô, chân châu, kho tàng, lúa gạo.v.v... Những vật cần dùng của thế gian như vậy.v.v... có thể là nguyên nhân của Lạc. Ðó gọi là Lạc. Này thiện nam tử ! Những vật như vậy cũng có thể sinh ra khổ. Nhân vào nữ nhân sinh ra khổ của nam tử, ưu sầu buồn khóc thậm chí mất cả mạng sống. Nhân rượu, vị ngon... cho đến kho tàng, lúa gạo cũng có thể khiến cho con người sinh ra ưu bi, khổ não lớn. Do nghĩa này nên tất cả đều khổ, không có tướng vui. Này thiện nam tử ! Ðại Bồ tát đối với tám cái khổ này giải thoát khổ, không có khổ. Này thiện nam tử ! Tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật.vv... chẳng biết nguyên nhân của Lạc. Vì những người như vậy, ở trong hạ khổ nói có tướng của lạc, chỉ có Bồ tát trụ ở Ðại Thừa Ðại Bát Niết Bàn mới có thể biết nhân của khổ, nhân của lạc này.

 


Xem dưới dạng văn bản thuần túy