× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



Phần 54 LIV. Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Thứ 54 (8)

Chư Bồ Tát nói kệ tán thán đức Phật rồi bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Luận về đại bửu ấy đó là Phật vậy. Đức Phật xuất thế là lạc xuất, là tín xuất, là niệm xuất, là trí xuất, là thí xuất, là giới xuất, là nhẫn xuất, là tinh tiến xuất, là thiền định xuất, là huệ xuất, là từ xuất, bi xuất, hỉ xuất, xả xuất, đức Phật xuất thế là trí pháp nghĩa thập nhị nhơn duyên xuất, là niệm xứ xuất, là chánh cần xuất, là như ý túc xuất, là chánh đạo phần xuất, là tất cả thiện pháp xuất".

Bấy giờ trong chúng có một đại Bồ Tát tên là Huệ Tụ bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Sanh lão bịnh tử xuất ra nơi thế gian ấy tức là Phật xuất. Vô minh ái xuất, tham sân si xuất, tất cả lưới nghi phiền não xuất tức là Phật xuất. Tại sao vậy ? Vì nếu tất cả các pháp như vậy chẳng xuất ra nơi thế gian thì đức Phật có duyên cớ gì mà xuất hiện thế gian ư !".

Đức Phật nói : "Lành thay lành thay ! Này Huệ Tụ ! Đúng như lời ông nói".

Hải Huệ Bồ Tát bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Nếu có người chẳng thấy được các pháp như vậy, lúc bấy giờ đức Như Lai là xuất thế hay chẳng xuất thế ?".

Đức Phật nói : "Này Hải Huệ ! Bồ Tát lúc mới phát tâm Bồ đề tâm thiệt chẳng biết các pháp như vậy, nên Phật vì họ mà tuyên nói để dạy họ.

Nầy Hải Huệ ! Bồ Tát có bốn hạng :

Một là sơ phát Bồ đề tâm, hai là tu hành đạo Bồ đề, ba là kiên cố bất thối Bồ đề và bốn là một đời sẽ bổ xứ thành Phật.

Bồ Tát sơ phát tâm thấy sắc tướng Phật, thấy rồi mà phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát tu hành thấy Phật có đủ tất cả pháp lành, thấy rồi liền phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Bất thối Bồ Tát thấy thân của đức Như Lai cùng tất cả các pháp thảy đều bình đẳng.

Nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát chẳng thấy có Như Lai công đức cũng không thấy có tất cả pháp, tại sao, vì huệ nhãn của bực Bồ Tát này tỏ rõ thanh tịnh vậy, vì dứt hai kiến vậy, vì tịnh trí huệ vậy.

Nếu người chẳng thấy tịnh, chẳng thấy bất tịnh, chẳng thấy tịnh bất tịnh, chẳng thấy chẳng phải tịnh chẳng phải bất tịnh, người nầy thì có thể thấy rõ đức Như Lai.

Này Hải Huệ ! Thuở xưa kia ta thấy Phật Nhiên Đăng như vậy, thầy rồi liền được vô sanh pháp nhẫn, cũng có thể rõ ràng biết là được. Không được mà được rồi liền bay lên hư không cao bảy cây đa la. Trụ ở hư không rồi tỏ rõ được biết tất cả pháp giới. Tỏ rõ biết rồi tâm vô sở trụ. Vô sở trụ rồi được tám vạn môn tam muội. Lúc ấy Phật Nhiên Đăng liền thọ ký cho ta rằng nầy Ma Nạp ! Đời vị lai ông sẽ được làm Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, Lúc ấy ta trọn chẳng nghe âm thanh thọ ký, cũng không có ý tưởng Phật và thọ ký. Lúc ấy ta có đủ ba tịnh huệ, đó là chẳng thấy có ngã, chẳng thấy có Phật và chẳng thấy có thọ ký. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là chẳng thấy ngã, chẳng thấy chúng sanh và chánh pháp. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là chẳng thấy danh, chẳng thấy sắc và chẳng thấy nhơn. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là tất cả ấm đều vào pháp ấm, tất cả giới đều vào pháp giới, tất cả nhập đều vào pháp nhập. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là pháp quá khứ đã tận, pháp vị lai chẳng sanh, pháp hiện tại chẳng trụ. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là quán thân như thủy nguyệt, quán thanh chẳng nói được, quán tâm chẳng thấy được. Còn có ba thứ tịnh huệ, đó là không vô tướng vô nguyện. Nếu thấy như vậy tức là chơn thiệt thấy thọ ký.

Nầy Hải Huệ ! Nếu Bồ Tát thấy như vậy thì gọi là thiệt thấy".

Hải Huệ đại Bồ Tát bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Đại Bồ Tát nếu có đủ các thứ thấy như vậy thì phát những nguyện gì ?".

Đức Phật nói : "Này Hải Huệ ! Người như vậy thì như bổn phát nguyện. Đại Bồ Tát hoặc tâm tại định hoặc tâm chẳng tại định, vì chúng sanh nên như bổn phát nguyện.

Này Hải Huệ ! Ví như người có ruộng lúa tốt rộng đủ một khoảnh mặt đất bằng phẳng, lúc muốn tưới nước mở thuỷ khẩu của ruộng mặc cho nước chảy vào không còn cần tốn công sức nước tự nhiên lan khắp ruộng.

Cũng vậy, đại Bồ Tát hoặc ở trong định nhiếp tâm tư duy, hoặc chẳng ở định chẳng tư duy, vì chúng sanh nên như bổn phát nguyện những thiện căn được làm thảy đều cho chúng sanh chung. Cùng chung rồi hồi hướng Phật pháp vô thượng. Bồ Tát tâm thanh tịnh, giới nhẫn định và huệ cũng thanh tịnh, quán Phật pháp cùng các chúng sanh bình đẳng không hai. Dầu có nguyện như vậy mà từ đầu trọn không có tâm. Mặc dầu Bồ Tát không có tâm mà đối với các chúng sanh sức thệ nguyện chưa từng chẳng đến họ, những thiện căn được có đều cùng họ chung, cùng chung rồi hồi hướng Vô thượng Bồ đề.

Này Hải Huệ ! Như cây ta la có người chặt gốc đã đứt rồi thì theo chỗ bị chặt đó mà ngã.

Cũng vậy, đại Bồ Tát tu tập tam muội thường hướng đến Bồ đề .

Giả sử có người kêu to rằng cây ta la nầy chớ ngã từ chỗ bị chặt đứt ! Cây ấy vẫn ngã theo chỗ bị chặt đứt !

Cũng vậy, đại Bồ Tát chỗ tu hành pháp lành muốn chẳng hướng đến Vô thượng Bồ đề thì không bao giờ có, tại sao, vì pháp tánh như vậy.

Đại Bồ Tát chỗ tu pháp lành chỉ vì chẳng dứt chủng tánh Tam bửu, vì thanh tịnh Phật độ, vì trang nghiêm thân ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, vì trang nghiêm khẩu lúc thuyết pháp chúng sanh thích nghe, vì trang nghiêm tâm xem tất cả chúng sanh bình đẳng không hai, vì được Phật pháp chư Phật tam muội. Dầu Bồ Tát chẳng tham những pháp như vậy nhưng tự nhiên có thể được những pháp ấy, tại sao, vì sức thệ nguyện vậy.

Nầy Hải Huệ ! Ví như nhà lò gốm, lúc khối bùn còn ở trên vòng khuôn chẳng được có tên món vật. Lúc đã thành món vật rồi thì tùy theo món vật mà có tên.

Cũng vậy, pháp lành của Bồ Tát lúc chưa phát nguyện thì chẳng được tên Ba la mật, vì vậy nên tất cả pháp lành của Bồ Tát cần phải phát nguyện.

Nầy Hải Huệ ! Ví như nhà thợ vàng, lúc vàng chưa thành món vật cũng chẳng được có tên, đến lúc thành món vật rồi được tên anh lạc.

Cũng vậy, pháp lành của Bồ Tát lúc chưa phát nguyện thì chưa được có tên Ba la mật.

Ví như Tỳ Kheo lúc muốn nhập diệt tận định, trước lập thệ rằng, nay tôi nhập định nếu tiếng chuông khánh kêu mới sẽ xuất định. Mà trong định ấy không có tiếng chuông khánh, do vì sức thệ nguyện nên lúc gõ chuông khánh thì Tỳ Kheo ấy liền xuất định.

Cũng vậy, đại Bồ Tát vì thương mến chúng sanh nên phát nguyện rằng : người chưa được độ tôi sẽ độ họ. Lúc tu tập bình đẳng, đại Bồ Tát nhập thâm tam muội, do sức đại bi nên nhớ các chúng sanh mà chẳng chứng Thanh Văn thừa và Bích Chi Phật thừa. Vì vậy mà đại Bồ Tát dầu tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà chẳng chứng đạo quả.

Nầy Hải Huệ ! Chỗ sở hành của đại Bồ Tát chẳng thể nghĩ bàn, dầu nhập thâm định mà chẳng chứng quả Sa Môn.

Như có hai người muốn vượt qua chỗ có lửa cháy lớn, một người mặc giáp kim cương thì qua khỏi, một người mang giáp bằng cỏ khô thì bị cháy. Tại sao, vì kim cương là chất không bén lửa, còn cỏ khô là chất nhạy lửa nên phải cháy.

Cũng vậy, đại Bồ Tát thương mến chúng sanh mà chuyên niệm Bồ đề trang nghiêm vô lượng thậm thâm tam muội, do sức tam muội nên vượt quá chánh vị Thanh Văn Duyên Giác chẳng lấy quả chứng, từ định dậy rồi được chánh giác đạo Như Lai tam muội.

Người mang cỏ khô dụ hàng Thanh Văn. Người Thanh Văn nhàm lìa sanh tử, đối với chúng sanh không có lòng từ bi, vì vậy mà không vượt quá chánh vị Thanh Văn và Duyên Giác. Tại sao ? Vì người nhị thừa ở trong phước đức sanh ý tưởng tri túc. Người Đại thừa Bồ Tát ở trong phước đức không có lòng nhàm đủ.

Giáp kim cương là dụ cho ba môn giải thoát không, vô tướng và vô nguyện. Ngọn lửa mạnh là dụ cho các hành pháp. Đại Bồ Tát quán tất cả pháp không, vô tướng và vô nguyện mà có thể chẳng chứng các đạo quả Sa Môn".

Hải Huệ đại Bồ Tát bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Đại Bồ Tát có đủ những sự như vậy chẳng thể nghĩ bàn, tu các tam muội ấy mà chẳng thủ chứng, đi trong lửa sanh tử chẳng bị lửa cháy.

Đại Bồ Tát thành tựu phương tiện nhập tất cả định cũng chẳng bị định nó gạt lầm. Vì có phương tiện nên hành các công hạnh mà tâm không nhiễm trước. Dầu vì hạng tà kiến giải nói quả Sa Môn, mà tự mình chẳng chứng Sa Môn đạo quả".

Đức Phật nói : "Lành thay, lành thay ! Nầy Hải Huệ ! Đúng như lời ông nói !

Nầy Hải Huệ ! Như ba thứ nước nhuộm, đó là la, uất kim và chàm xanh đựng chung trong một chậu nhuộm ba thứ là vải lông, nỉ và y kiều xa gia. Vải lông bị nước nhuộm thấm thành mầu xanh. Nỉ vì giặt sạch nên thành mầu vàng. Y kiều xa gia trược bị tro thấm thì thành mầu đỏ. Ba vật như vậy dầu đồng nhuộm trong một chậu mà chịu mầu đều riêng khác.

Người tam thừa cũng như vậy. Chậu là dụ cho không, vô tướng và vô nguyện. Ba mầu là dụ cho Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Tùy vật chịu mầu là dụ ba thứ Bồ đề.

Không, vô tướng và vô nguyện chẳng có ý nghĩ cho quả như vậy, chẳng cho quả như vậy.

Vải lông dụ hàng Thanh Văn. Nỉ dụ hàng Duyên Giác. Y Kiều xa gia dụ hàng Bồ Tát.

Đại Bồ Tát thấy tất cả pháp như điếc như đui, không có chúng sanh. Lúc thấy như vậy tâm Bồ Tát không có nhiễm trước cũng không có thối hối. Bấy giờ trong tâm Bồ Tát như thiệt biết rõ, ta ở nơi chúng sanh chẳng phải có lợi ích chẳng phải không có lợi ích, cũng vì chúng sanh tu tập đại bi.

Nầy Hải Huệ ! Ví như vi diệu tịnh lưu ly bửu, dầu ở trong bùn suốt cả trăm năm mà tánh chất nó luôn thanh tịnh ra khỏi bùn thì trong sạch như cũ.

Đại Bồ Tát cũng vậy, biết rõ tâm tánh bổn tánh thanh tịnh bị khách trần phiền não làm chướng ô, mà thiệt ra khách trần phiền não chẳng có thể làm ô nhiễm được tâm tánh thanh tịnh, như bửu châu tại bùn chẳng bị bùn làm ô nhiễm.

Đại Bồ Tát nghĩ rằng nếu tâm tánh ta bị phiền não làm ô nhiễm thì ta làm sao độ chúng sanh được. Vì vậy mà Bồ Tát thường thích tu tập phước đức trang nghiêm, thích ở tại các cõi cúng dường Tam bửu, thích vì chúng sanh mà làm lụng theo họ sai khiến, nơi chỗ sanh tham chẳng hề tham, thường hộ trì chánh pháp, thích ban cho bố thí, đầy đủ tịnh giới, trang nghiêm nhẫn nhục, siêng tu tinh tiến, trang nghiêm thiền chỉ, tu tập trí huệ, đa văn không nhàm, thanh tịnh phạm hạnh tu đại thần thông, có đủ ba mươi bảy phẩm trợ Bồ đề.

Nầy Hải Huệ ! Đại Bồ Tát tu hành các pháp như vậy chẳng bị phiền não làm nhiễm ô, chẳng dính mắc ba cõi.

Vì đại Bồ Tát hành thiện phương tiện công đức lực, nên mặc dầu đi trong tam giới mà thân tâm không ô nhiễm.

Này Hải Huệ ! Ví như trưởng giả chỉ có một con trai lòng rất thương yêu. Đứa con trai ấy chơi giỡn lầm té vào hầm phẩn. Người mẹ thấy gớm ghét hôi dơ, sau đó người cha thấy quở trách bà mẹ rồi liền vào hầm phẩn kéo dắt đứa con trai ra rồi đem tắm rửa sạch sẽ. Do vì thương yêu nên người cha ấy quên cả hôi dơ.

Trưởng giả cha mẹ ấy dụ cho Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Hầm phẩn dụ tam giới. Đứa con trai dụ chúng sanh. Bà mẹ chẳng vớt con được là dụ hàng Thanh Văn, Duyên Giác. Ông cha hay cứu vớt đứa con được là dụ chư Bồ Tát. Lòng thương yêu con là dụ đại bi.

Đại Bồ Tát đủ thiện phương tiện vào tam giới mà chẳng bị tam giới nhiễm ô. Vì vậy mà đạo có hai thứ : một là Thanh Văn thừa, hai là Bồ Tát Đại thừa.

Thanh Văn thừa nhàm tam giới. Bồ Tát thừa chẳng nhàm tam giới.

Đại Bồ Tát tu tập không, vô tướng, vô nguyện, dầu đi trong các cõi mà chẳng bị đọa trong các cõi. Đã chẳng đọa các cõi mà cũng chẳng thủ chứng. Đi trong các cõi gọi là thiện phương tiện, chẳng thủ chứng gọi là trí huệ.

Đại Bồ Tát quán sát tất cả pháp không có hai tướng. Quán tất cả pháp bình đẳng thì chúng sanh cũng bình đẳng. Bình đẳng như vậy thì Niết bàn cũng bình đẳng, đây gọi là trí huệ. Nếu có thể quán chúng sanh bình đẳng như vật mà chẳng chứng Niết bàn thì gọi là phương tiện.

Thanh tịnh bố thí gọi là huệ, phát nguyện hồi hướng Bồ đề thì gọi là phương tiện".

Hải Huệ đại Bồ Tát bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào là bố thí mà gọi là thanh tịnh trí huệ và thanh tịnh phương tiện ?".

Đức Phật nói : "Này Hải Huệ ! Bồ Tát nếu thấy không có ngã chúng sanh thọ mạng sĩ phu thì gọi là huệ. Nếu tu không vô tướng vô nguyện đem các thiện căn nguyện cùng chúng sanh hồi hướng Bồ đề thì gọi là phương tiện.

Còn nữa, nầy Hải Huệ ! Biết các chúng sanh căn hạ trung thượng thì gọi là huệ. Biết rồi tùy ý mà vì họ thuyết pháp thì gọi là phương tiện.

Vì thanh tịnh trí huệ nên dầu đi trong tam giới mà không bị nhiễm trước. Vì thanh tịnh phương tiện nên dầu tu Nhị thừa mà chẳng chứng quả Nhị thừa.

Này Hải Huệ ! Nếu Bồ Tát chẳng bị tất cả phiền não nhiễm ô thì gọi là huệ, có thể điều phục chúng sanh khiến họ hồi hướng Vô thượng Bồ đề thì gọi là phương tiện.

Bồ Tát phát nguyện đều làm cho chúng sanh được vô tận của cải vô tận phước đức tăng trưởng thiện căn, tất cả hàng hữu học vô học Thanh Văn, Duyên Giác và tất cả Bồ Tát tùy ý đắc pháp, đây gọi là tịnh phương tiện.

Bồ Tát nếu có thể thọ trì tất cả Phật pháp rộng phân biệt diễn nói, vô cùng tận diễn nói, vô chướng ngại diễn nói, chẳng luống diễn nói, tùy thích diễn nói, đây gọi là tịnh huệ.

Đại Bồ Tát đời đời sanh chỗ nào trọn chẳng mất tâm Vô thượng Bồ đề, đây gọi là tịnh huệ. Đời đời ở chỗ nào tu tập pháp lành đều nguyện cùng chúng sanh chung, đây gọi là tịnh phương tiện.

Do tịnh huệ biết tâm Bồ đề vô trụ vô căn. Do tịnh phương tiện giáo hóa chúng sanh đến Bồ đề".

Hải Huệ đại Bồ Tát bạch rằng : "Bạch đức Thế Tôn ! Đại Bồ Tát có đủ hai thứ tịnh như vậy nên tất cả nghiệp hạnh được làm không gì chẳng phải là Bồ đề.

Tại sao vậy ? Vì trong tất cả pháp đều có ám chướng. Vì pháp ám chướng nên tức là Bồ đề. Vì vậy nên Bồ Tát thường chẳng xa lìa Bồ đề vậy.

Bồ Tát nếu nghĩ rằng tôi lìa Bồ đề, nên biết người nầy chẳng được Bồ đề. Bồ Tát nếu nghĩ rằng tôi có Bồ đề, người nầy ở nơi Bồ đề có tịnh có bất tịnh. Nếu có thể quán xét các pháp như vậy thì được Bồ đề, tức là tịnh trí phương tiện vậy".

Đức Phật nói : " Này Hải Huệ ! Quá khứ vô lượng a tăng kỳ kiếp có Phật xuất thế hiệu Vô Biên Quang Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn, quốc độ ấy tên Bất Thuấn, kiếp ấy tên Quang Vị. Lúc đức Phật Vô Biên Quang mới đến ngồi đạo tràng Bồ đề chưa thành Phật, mười phương thế giới bực Bồ Tát nhứt sanh bổ xứ, bực Bồ Tát bất thối chuyển đều đồng ngó thấy và đồng đến chỗ ấy đem các thứ hoa cúng dường, hoa ấy ở hư không cao bảy cây đa la.

Lúc thành Phật đạo rồi, Vô Biên Quang Như Lai phóng đại quang minh chiếu khắp mười phương thế giới.

Mười phương chư Thiên phần đông thấy Phật Quang rồi đều nói rằng : Phật Vô Biên Quang chơn thiệt xuất thế. Quốc độ Bất Thuấn trang nghiêm lộng lẫy như cung Trời Tha Hóa Tự Tại. Kiếp ấy ban sơ quá mười ngàn năm có Phật xuất thế hiệu Quang Vị, do đây mà kiếp ấy có tên là Quang Vị.

Trong kiếp Quang Vị có mười bốn ức chư Phật Như Lai xuất thế. Quốc độ Bất Thuấn ấy có chín vạn sáu ngàn tiểu quốc, mỗi tiểu quốc ngang rộng tám vạn bốn ngàn do tuần, có tám vạn bốn ngàn thành, thành ấy ngang rộng một do tuần. Mỗi thành dân cư có tám vạn bốn ngàn người. Quốc độ Bất Thuấn ấy có đủ các sự như vậy. Cõi nước ấy thuần dùng bốn báu trang sức, đó là vàng, bạc, lưu ly và pha lê, có nhiều món uống ăn không hề thiếu. Nhơn dân cõi ấy không có ngã ngã sở như người Uất Đơn Việt ở phương Bắc.

Phật Vô Biên Quang thọ mạng đủ mười trung kiếp. Chúng Thanh Văn có chín vạn sáu ngàn ức. Chúng Bồ Tát có một vạn hai ngàn ức. Trong quốc độ ấy có thành tên Lạc và thành tên Tịnh. Đức Phật Vô Biên Quang xuất thế tại thành Tịnh rồi qua ở tại thành Lạc. Quốc độ ấy có vua tên là Tịnh Thanh đủ bảy báu thống lãnh cả Đại Thiên thế giới. Hậu cung thể nữ có ba vạn sáu ngàn xinh đẹp như Thiên nữ. Có mười vạn Vương Tử hùng mãnh dũng kiện, mỗi Vương Tử đều có sức lực nửa na la diên, thân đủ hai mươi tám tướng tốt, tất cả đều phát tâm Vô thượng Bồ đề. Có tám vạn Vương Nữ, cũng đều thanh tịnh xinh đẹp như Thiên nữ, cũng đều phát tâm Vô thượng Bồ đề.

Trải qua hai đại kiếp, vua Tịnh Thanh cúng dường đức Vô Biên Quang Như Lai và chúng Thanh Văn, chúng Bồ Tát. Nhà vua vì đức Như Lai mà xây dựng bửu phường rộng lớn năm do tuần, trong bửu phường có mười vạn bửu lâu để cúng dường chư Tăng. Lúc ấy Thánh Vương cùng các quyến thuộc đều tu phạm hạnh thanh tịnh.

Thuở ấy đức Vô Biên Quang Như Lai giáo hóa vô lượng chúng sanh an trụ pháp Đại thừa, cũng có vô số chúng sanh nơi Thanh Văn thừa.

Thánh Vương Tịnh Thanh sau thời gian cúng dường Phật rồi cùng quyến thuộc đồng đến chỗ đức Phật Vô Biên Quang đầu mặt đảnh lễ chưn Phật hữu nhiễu cung kính quỳ dài chắp tay bạch rằng :

Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào là Bồ Tát tu hành Đại thừa chẳng theo lời người ? Thế nào là Bồ Tát sanh được cứu cánh? Thế nào là Bồ Tát được vô sở trụ ? Thế nào là Bồ Tát được vô động huệ ? Thế nào là Bồ Tát được thanh tịnh huệ ? Thế nào là Bồ Tát thần lực hay thấy xa ? Thế nào là Bồ Tát các căn mãnh lợi ? Thế nào là Bồ Tát đầy đủ Phật độ ? Thế nào là Bồ Tát hành bất phóng dật ? Thế nào là Bồ Tát nghe pháp thậm thâm lòng chẳng kinh sợ ?

Thế nào là Bồ Tát được tên là Bồ Tát ?

Đức Vô Biên Quang Như Lai nói : "Này Đại Vương ! Có bốn pháp tu hành Đại thừa chẳng theo lời người :

Một là có lòng tin Thánh ra khỏi thế giới.

Hai là có trí huệ quán sát pháp tánh.

Ba là có đại thần thông.

Bốn là tu tịnh tinh tiến để giáo hóa các chúng sanh.

Này Đại Vương ! Bồ Tát có đủ bốn pháp như vậy tu hành Đại thừa chẳng theo lời người.

Bồ Tát còn có bốn pháp sanh được cứu cánh :

Một là biết rõ thiện pháp để điều phục tâm.

Hai là chẳng tham trước sự vui của mình.

Ba là vì các chúng sanh mà tu tập từ bi.

Bốn là thường ưa thích pháp Đại thừa.

Này Đại Vương ! Bồ Tát có bốn pháp được vô sở trụ :

Một là tịnh tâm.

Hai là tịnh trang nghiêm.

Ba là lìa hư dối.

Bốn là tu kiên huệ để đủ phước đức.

Này Đại Vương ! Bồ Tát còn có bốn pháp được tịnh trí huệ :

Một là tịnh nhãn.

Hai là dùng tứ nhiếp pháp để nhiếp thủ các chúng sanh.

Ba là tịnh thân đủ ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp.

Bốn là tịnh Phật độ quán tịnh pháp giới.

Này Đại Vương ! Bồ Tát còn có bốn pháp có thể được thấy xa, các căn mãnh lợi :

Một là niệm dưới cội Bồ đề chẳng bỏ tâm Bồ đề.

Hai là niệm Phật trí huệ, cũng chẳng trụ trước nơi trí.

Ba là niệm pháp thân tu tập không vô tướng vô nguyện.

Bốn là niệm Phật Niết bàn, ở trong sanh tử không có nhàm hối.

Này Đại Vương ! Còn có bốn pháp Bồ Tát có đủ Phật độ hành bất phóng dật :

Một là thọ thân Thiên Đế Thích để giáo hóa chư Thiên khiến họ chẳng phóng dật.

Hai là thọ thân Đại Phạm Thiên Vương để giáo hóa hàng Phạm Thiên khiến họ chẳng phóng dật.

Ba là thọ Chuyển Luân Thánh Vương thân để giáo hóa nhơn dân khiến họ chẳng phóng dật.

Bốn là thọ thân Đại thần, Trưởng giả để giáo hóa mọi người khiến họ chẳng phóng dật.

Này Đại Vương ! Còn có bốn pháp Bồ Tát nghe pháp thậm thâm không có lòng kinh sợ :

Một là thường thân cận thiện tri thức.

Hai là thiện tri thức thường nói pháp thậm thâm cho.

Ba là khéo tư duy tốt các nghĩa pháp thậm thâm.

Bốn là như chánh pháp mà trụ.

Này Đại Vương ! Còn có bốn pháp được danh hiệu Bồ Tát :

Một là thường cầu Ba la mật.

Hai là vì các chúng sanh mà tu tập tâm đại bi.

Ba là luôn ưa thích cầu Phật pháp.

Bốn là lúc giáo hóa chúng sanh không có lòng nhàm hối.

Lúc Thánh Vương Tịnh Thanh nghe đức Vô Biên Quang nói pháp rồi, vua cùng các quyến thuộc đều được Vô sanh Pháp nhẫn, liền xả bỏ quốc độ xuất gia trong Phật pháp siêng tu tập đạo hạnh.

Đức Vô Biên Quang Như Lai nói :

Này Đại Vương ! Nay nhà vua xuất gia tức là báo ơn Phật. Nếu ai sanh lòng tin xuất gia như vậy thì gọi là báo ơn Phật rất lớn, là công đức lớn có nhiều lợi ích. Nầy Đại Vương ! Bồ Tát xuất gia có hai mươi bốn sự lợi ích :

Một là lìa bỏ thế sự được đại tự tại.

Hai là bỏ lìa phiền não được giải thoát.

Ba là thân mặc y phục nhuộm màu được đạo không ô nhiễm.

Bốn là có đủ bốn sự được tứ thánh chủng.

Năm là thích hành đầu đà xa lìa tất cả đại dục ái dục.

Sáu là chẳng bỏ giới tụ được vui nhiều nhơn thiên.

Bảy là chẳng bỏ Bồ đề chứng được Phật pháp.

Tám là thường ưa thích tịch tĩnh lìa nói luận thế sự.

Chín là vì chẳng trụ trước nơi pháp nên được đại tịnh tâm.

Mười là có đủ thiền chỉ để được thiền định.

Mười một là ưa cầu đa văn vì được trí huệ vậy.

Mười hai là phá hoại kiêu mạn vì được trí huệ vậy.

Mười ba là phá trừ tà kiến vì được chánh kiến vậy.

Mười bốn là chẳng khởi giác quán vì chơn thiệt biết các pháp giới vậy.

Mười lăm là bình đẳng xem chúng sanh vì được đại từ vậy.

Mười sáu là giáo hóa các chúng sanh tâm không mỏi mệt vì được đại bi vậy.

Mười bảy là chẳng tiếc thân mạng vì hộ chánh pháp vậy.

Mười tám là tịch tĩnh tâm mình vì được thần thông vậy.

Mười chín là thường niệm Phật vì thấy Phật vậy.

Hai mươi là tu thiện tư duy vì được mười hai duyên thâm trí huệ vậy.

Hai mươi mốt là được thuận nhẫn.

Hai mươi hai là được vô sanh pháp nhẫn.

Hai mươi ba là tin tất cả công đức.

Hai mươi bốn là được Phật trí huệ.

Thánh Vương Tịnh Thanh nghe thọ pháp ấy rồi chuyển đem dạy lại tất cả nam nữ quyến thuộc thần dân.

Lúc ấy trong quốc độ Bất Thuấn có chín vạn chín ngàn ức người đều xuất gia.

Tỳ Kheo Tịnh Thanh đã xuất gia rồi lại bạch Phật Vô Biên Quang rằng :

Bạch đức Thế Tôn ! Nay tôi thế nào được gọi là xuất gia ?

Đức Vô Biên Quang nói :

Này Tỳ Kheo ! Ông tên là Tịnh Thanh, phải nên tịnh tự giới, tự giới đã tịnh rồi thì gọi là Tỳ Kheo, gọi là xuất gia.

Nghe Phật dạy rồi, Tỳ Kheo Tịnh Thanh lòng thích tịch tĩnh tư duy như vầy : giới ấy tức là nhãn, quán nhãn không tức là tịnh giới, tịnh giới ấy tức là Phật độ. Như nhãn quán nhĩ tỷ thiệt thân ý cũng vậy. Ý ấy tức là giới, quán ý không tức là tịnh giới, tịnh giới ấy tức là Phật độ, tức là nhứt giới, tức là không giới, tức là chúng sanh giới, tức là vô tướng giới, tức là vô nguyện giới, tức là vô tác giới, tức là vô vi giới.

Tịnh Thanh Tỳ Kheo quán sát như vậy rồi liền được thân khinh tâm khinh. Thân tâm đã khinh rồi được vô lượng thần thông, được thần thông rồi được lạc thuyết vô ngại đà la ni môn.

Này Hải Huệ ! Tỳ Kheo Tịnh Thanh thuở đức Vô Biên Quang Như Lai ấy là ai chăng ? Nay chính là thân ông vậy, còn nam nữ quyến thuộc ấy, nay là đại chúng Bồ Tát được ông dắt đến nghe pháp tại đây vậy".

Lúc đức Thế Tôn nói pháp ấy, có vạn tám ngàn người phát tâm Vô thượng Bồ đề, tám ngàn chúng sanh được Vô sanh nhẫn.

Nầy Hải Huệ ! Nếu ai muốn được Vô thượng Bồ đề thì nên đúng như pháp mà nói và đúng như nói mà trụ.

Thế nào gọi là đúng như pháp mà nói và đúng như nói mà trụ ?

Này Hải Huệ ! Nếu có người nói tôi sẽ làm Phật, rồi mời các chúng sanh đến hứa cho pháp vị.

Mời hứa rồi, mà người ấy chẳng thể thọ trì đọc tụng phân biệt giải nói kinh điển vi diệu, chẳng thể hộ trì thanh tịnh cấm giới, chẳng siêng tu tinh tiến, chẳng tu tri túc, ở trong thiện pháp được phần ít đã biết đủ. Người như vậy gọi là kẻ khi dối chẳng đúng như pháp nói, chẳng đúng như pháp trụ.

Này Hải Huệ ! Nếu có người nói rằng tôi sẽ làm Phật, rồi mời các chúng sanh đến hứa cho pháp vi.

Mời hứa rồi, người ấy hay thọ trì đọc tụng phân biệt giải nói kinh điển vi diệu, hộ trì cấm giới thanh tịnh, siêng tu tinh tiến, thiểu dục tri túc, được nhiều thiện pháp cũng chẳng sanh lòng thỏa đủ. Người này gọi là chẳng khi dối đúng như pháp nói đúng như pháp trụ.

Nầy Hải Huệ ! Ví như Quốc Vương có đông tân khách, mời rồi mà chẳng sắm sửa đồ dùng cúng dường, lúc tân khách đã đến nơi nói là chưa sắm sửa. Tân khách đều nói rằng : đã nhận lời mời của đức vua nên ở nhà chẳng sắm món ăn uống, nay theo lời đức vua mời mà đến lại không có chi ăn dùng, họ đồng quở trách giận hờn sầu não khóc lóc.

Này Hải Huệ ! Bồ Tát mời các chúng sanh hứa cho pháp thực rồi chẳng cầu đa văn, chẳng trì giới tinh tiến tu hành ba mươi bảy phẩm pháp trợ đạo. Vì vậy nên chúng thánh quở trách, hàng nhơn thiên than khóc.

Này Hải Huệ ! Bồ Tát nếu có thể đúng pháp làm, đúng như chỗ làm mà nói, chẳng nên khi dối tất cả chúng sanh,

Lại này Hải Huệ ! Còn có các chúng sanh thỉnh cầu Bồ Tát vì họ thuyết pháp. Bồ Tát hứa khả, sẽ thuyết pháp cho họ. Sau khi hứa Bồ Tát phóng dật. Chúng sanh đã thấy Bồ Tát phóng dật liền khuyên nhắc. Được khuyên nhắc mới thuyết pháp cho họ. Lúc thuyết pháp hoặc có người hỏi nghĩa thậm thâm. Vì phóng dật nên Bồ Tát không đáp được. Vì không đáp được nên lòng hổ thẹn. Vì hộ thân tâm mình nên gạt chúng sanh mà bỏ lìa họ.

Này Hải Huệ ! Bồ Tát nếu muốn đúng như pháp được nói mà trụ, không tự tiếc thân tâm để hộ trì chúng sanh.

Này Hải Huệ ! Về quá khứ có một sư tử vương ở trong hang núi sâu thường nghĩ rằng : ta là vua của tất cả loài thú, có đủ sức xem coi giữ gìn tất cả thú. Trong núi ấy có hai con khỉ cùng sanh hai khỉ con đến sư tử vương nói rằng : vua hay thủ hộ tất cả các thú, nay chúng tôi đem hai khỉ con này giao phó cho vua, chúng tôi muốn đi xứ khác kiếm ăn. Sư tử vương liền hứa khả. Hai khỉ để hai con lại giao cho sư tử vương rồi đi.

 


Xem dưới dạng văn bản thuần túy