× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



Phần 54 LIV. Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Thứ 54 (7)

Đức Thế Tôn liền nói tụng rằng :

Trong các thừa Đại thừa hơn hết

Dường như hư không vô biên tế

Xa lìa tất cả cõi sanh tử

Đến cội Bồ đề không chướng ngại

Nếu hay thanh tịnh tâm ý mình

Của cải ban cho tất cả hết

Chí tâm thọ trì thanh tịnh giới

Đến cội Bồ đề không chướng ngại

Nơi các chúng sanh tâm bình đẳng

Thường xét tội lỗi các phiền não

Hay thắng tất cả thừa hạ liệt

Điều phục chúng sanh ở Đại thừa

Nếu người chí tâm thọ đọc tụng

Đầy đủ tịch tĩnh giới nhẫn nhục

Đầy đủ trí huệ phá chúng ma

Thương mến chúng sanh đến đạo thọ

Trang nghiêm từ bi thừa Tứ thiền

Dao bén trí huệ dẹp ma chúng

Dưới đạo thọ quán Mười hai duyên

Đứng dậy thương chúng nói Đại thừa

Mười phương chúng sanh thừa Đại thừa

Thừa không tăng giảm như hư không

Đại thừa thần lực chẳng nghĩ bàn

Vì vậy Như Lai tu tập đó

An trụ niệm xứ tu chánh cần

Như ý làm chưn căn thế lực

Đi đường bất chánh lượm báu giác

Vì vậy Như Lai đến đạo thọ

Tâm mình tịch tĩnh lìa phiền não

Phá trừ si tối được trí quang

Vì vậy Phạm Thiên cùng Đế Thích

Đảnh lễ Như Lai thừa Đại thừa

Đầy đủ lục độ lục thần thông

Đủ thiện phương tiện tu tam muội

Hay phá các ma và tà kiến

Vì vậy Như Lai thừa Đại thừa

Nếu có đầy đủ các thiện căn

Cùng với thành tựu căn bất thiện

Tin đây thì phá được phiền não

Vì vậy Đại thừa khó nghĩ bàn

Bao nhiêu tất cả pháp thế gian

Và cùng vô thượng pháp xuất thế

Hoặc pháp hữu học pháp vô học

Tất cả nhiếp vào trong Đại thừa

Nếu có chúng sanh hành ác nghiệp

Thân cận tà kiến ác tri thức

Vì thương bọn này tu phương tiện

Điều phục họ nên nói Đại thừa

Hạ liệt chẳng thích pháp Đại thừa

Tâm hẹp chẳng phá được nhơn chấp

Thường cầu tự vui bỏ mọi người

Nghe nói Đại thừa họ kinh sợ

Nếu có người trí đủ thế lực

Thương mến chúng sanh làm lợi ích

Nghe nói Đại thừa lòng vui mừng

Phá các khổ não lòng chẳng hối

Nếu muốn biết rõ chúng sanh hành

Tất cả chúng sanh các giới căn

Một niệm Bồ Tát hay thông đạt

Vì vậy Đại thừa khó nghĩ bàn

Được thân tịch tĩnh tướng trang nghiêm

Được khẩu tịch tĩnh người thích nghe

Được tâm tịch tĩnh đủ thần thông

Như vậy đều do đến Đại thừa

Nếu có người hay tu Đại thừa

Đây là chẳng dứt dòng Tam bửu

Hay làm lợi ích cho chúng sanh

Phá hoại bần cùng các khổ não

Hay đến mười phương các thế giới

Hiện thấy vô lượng Phật Thế Tôn

Những ai xu hướng pháp Đại thừa

Thì được vô lượng vô biên phước

Tất cả thế gian không ai hơn

Người xu hướng Vô thượng Đại thừa

Đầy đủ đại lực phá chúng ma

Vì vậy Đại thừa khó nghĩ bàn

Được sắc được lực đại tự tại

Thân Phạm Thích Chuyển Luân Thánh Vương

Nếu người thừa pháp Đại thừa này

Người này hưởng thọ vui tam giới

Cho rồi lòng chẳng hề hối tiếc

Của vật quan trọng chẳng tiếc tham

Xả thân cho người tu từ bi

Vì vậy Đại thừa khó nghĩ bàn

Trì giới tinh tiến ưa phạm hạnh

Hay dùng sức thần che nhựt nguyệt

Chẳng tham trước thân quả báo tốt

Tu thừa như vậy điều chúng sanh

Thuyết pháp có người thọ chẳng thọ

Nơi đây chẳng sanh lòng thương giận

Thân tâm siêng tu đại tinh tiến

Để được pháp Đại thừa khó được

Hay được Vô thượng Đại Pháp Vương

Cũng được pháp nhẫn khó nhẫn nhục

Trong vô lượng kiếp thọ khổ não

Vì được Đại thừa hơn tất cả

Siêng làm lợi ích nhiều chúng sanh

Thân khẩu ý nghiệp đều nhu thuận

Tu tập từ bi và thần thông

Vì trụ Đại thừa đại lợi ích

Biết rõ pháp giới tánh sanh diệt

Vô ngã vô tranh điều các căn

Nếu an trụ được nơi Đại thừa

Thì hưởng an lạc như Phật trước

Đầy đủ niệm tâm và tinh tiến

Tứ như ý túc thần thông lực

Y chỉ chánh pháp và chơn nghĩa

Đều do thích trụ nơi Đại thừa

Đầy đủ vô thượng vô sở úy

Hay sư tử hống Vô Thượng Tôn

Tướng hảo vi diệu tự trang nghiêm

Đều do thích trụ nơi Đại thừa

Đầy đủ ba thứ đại thần thông

Điều phục giáo hóa các chúng sanh

Tâm mình tịch tĩnh không kiêu mạn

Nếu tu Đại thừa đủ nhẫn nhục

Đầy đủ phạm âm thanh vi diệu

Tất cả chúng sanh rất thích nghe

Nếu người thích tu tập Đại thừa

Người này giỏi biết tiếng chúng sanh

Hạnh nghiệp được làm vì tịnh độ

Chẳng lâu sẽ được vô biên thân

Nếu người chí tâm nghe kinh này

Sẽ hưởng vô biên vô thượng lạc

Bay đi hư không vô biên tế

Biết được đại hải bao nhiêu giọt

Công đức Đại thừa chẳng nói hết

Vì vậy Đại thừa khó nghĩ bàn.

Lại này Hải Huệ ! Người muốn thọ trì các kinh điển như vậy mà muốn tịch tĩnh thân tâm mình thì phải thọ trì môn cú, pháp cú, kim cương cú và chí tâm suy xét.

Môn cú là trong tất cả pháp đều làm môn hộ, đó là chữ A, là cửa của tất cả pháp, A là không có, tất cả các pháp đều không có thường. Chữ BA cũng là cửa của tất cả pháp, BA là đệ nhứt nghĩa. Chữ NA cũng là cửa của tất cả pháp, NA là các pháp vô ngại. ĐÀ cũng là cửa của tất cả pháp, ĐÀ là tánh hay điều phục tất cả pháp tánh. SA cũng là cửa của tất cả pháp, SA là xa lìa tất cả các pháp. ĐA cũng là cửa tất cả pháp, ĐA là tất cả pháp như. CA cũng là cửa của tất cả pháp, CA là tất cả các pháp vô tác vô thọ. TA cũng là cửa của tất cả pháp, TA là tất cả các pháp không có phân biệt. GIÀ là cửa của tất cả pháp, GIÀ là Như Lai chánh pháp thậm thâm không có đáy. XÀ là cửa của tất cả pháp, XÀ là xa lìa tướng sanh. ĐÀM là cửa của tất cả pháp, ĐÀM là ở trong pháp giới chẳng sanh tâm phân biệt. XA là cửa của tất cả pháp, XA là đủ xa ma tha được bát chánh đạo. KHƯ là cửa của tất cả pháp, KHƯ là tất cả các pháp dường như hư không. XOA là cửa của tất cả pháp, XOA là tất cả pháp tận. NHƯỢC là cửa của tất cả pháp, NHƯỢC là các pháp vô ngại. THA là cửa của tất cả pháp, THA là tất cả pháp thị xứ phi xứ. CỔ là cửa của tất cả pháp, CỔ là phán xét ngũ ấm rồi được lợi ích lớn. TRÀ là cửa của tất cả pháp, TRÀ là tất cả các pháp không có cứu cánh. CA là cửa của tất cả pháp, CA là vì thân tịch tĩnh nên được lợi ích lớn. CHÍ là cửa của tất cả pháp, CHÍ là vì tâm tịch tĩnh nên lìa tất cả ác. ƯU là cửa của tất cả pháp, ƯU là thọ trì ủng hộ tất cả cấm giới thanh tịnh. XÀ là cửa của tất cả pháp, XÀ là thiện tư duy. THẾ là cửa của tất cả pháp, THẾ là trụ tất cả pháp. TU là cửa của tất cả pháp, TU là tất cả các pháp tánh là giải thoát. TÌ là cửa của tất cả pháp, TÌ là tất cả các pháp đều là tì ni, là điều phục thân mình. THỜI là cửa của tất cả pháp, THỜI là tất cả các pháp tánh chẳng nhiễm ô. A là cửa của tất cả pháp, A là tất cả các pháp tánh là quang minh. BÀ là cửa của tất cả pháp, BÀ là tu bát chánh đạo. TA là cửa của tất cả pháp, TA là tất cả các pháp chẳng phải nội chẳng phải ngoại.

Nà Hải Huệ ! Đây gọi là môn cú hay tịnh niệm tâm. Vì hay tịnh niệm tâm nên biết căn của chúng sanh.

Pháp cú là ấn giải thoát của tất cả các pháp, là ấn vô nhị của tất cả pháp, là ấn không có thường không có đoạn của tất cả pháp, là ấn không tăng giảm của tất cả pháp, là ấn bình đẳng như hư không của tất cả pháp, là ấn ngũ nhãn đạo của tất cả pháp, là ấn như hư không của tất cả pháp, là ấn không có phân biệt như hư không của tất cả pháp, là ấn nhập pháp giới của tất cả pháp, là ấn như của tất cả pháp, là ấn như không có tam thế khứ lai hiện tại của tất cả pháp, là ấn bổn tánh tịnh của tất cả pháp, là ấn rỗng không của tất cả pháp, là ấn vô tướng của tất cả pháp, là ấn vô nguyện của tất cả pháp, là ấn không có xứ không chẳng xứ của tất cả pháp, là ấn khổ của tất cả pháp, là ấn vô ngã của tất cả pháp, là ấn tịch tĩnh của tất cả pháp, là ấn tánh không có lỗi của tất cả pháp, là ấn đệ nhứt nghĩa nhiếp thủ của tất cả pháp, là ấn như pháp tánh trụ của tất cả pháp, là ấn cứu cánh giải thoát của tất cả pháp, là ấn không có thời gian của tất cả pháp, là ấn quá tam thế của tất cả pháp, là ấn đồng nhứt vị của tất cả pháp, là ấn tánh vô ngại của tất cả pháp, là ấn tánh vô tranh của tất cả pháp, là ấn tánh không có giác quán của tất cả pháp, là ấn chẳng phải sắc chẳng thể thấy được của tất cả pháp, là ấn không có đối trị của tất cả pháp, là ấn không có nghiệp quả của tất cả pháp, là ấn vô tác vô thọ của tất cả pháp, là ấn vô xuất vô diệt của tất cả pháp.

Này Hải Huệ ! Đây gọi là pháp cú. Pháp cú như vậy là Bồ đề của tam thế chư Phật. Pháp ấn cú như vậy nhiếp thủ tám vạn bốn ngàn pháp tụ. Nếu có thể quán pháp tụ như vậy thì có thể được Vô sanh Pháp nhẫn.

Này Hải Huệ ! Nếu người chưa trồng gốc lành nghe pháp này rồi thì được trồng gốc lành phá trừ nghiệp ma.

Này Hải Huệ ! Nếu quán như vậy thì có thể được vô tận khí đà la ni. Các pháp như vậy đều có thể nhiếp thủ tám vạn bốn ngàn tam muội, tám vạn bốn ngàn hành tánh của chúng sanh. Đây gọi là pháp cú.

Kim cương cú ấy là thân ấy chẳng hư hoại như kim cương, tại sao, vì pháp tánh chẳng hư hoại vậy.

Tánh trí huệ hay phá vô minh, vì vậy nên trí huệ gọi là kim cương cú.

Tội ngũ nghịch hay phá tất cả thiện, vì vậy nên ngũ nghịch gọi là kim cương cú.

Quán bất tịnh hay phá tham dục, vì vậy nên quán bất tịnh gọi là kim cương cú.

Quán từ tâm hay phá sân hận, vì vậy nên quán từ tâm gọi là kim cương cú.

Quán mười hai nhơn duyên hay phá ngu si, vì vậy nên quán nhơn duyên gọi là kim cương cú.

Tâm một chúng sanh nhiếp thủ tâm tất cả chúng sanh, vì vậy nên gọi là kim cương cú.

Tâm một chúng sanh cùng tâm tất cả chúng sanh thảy đều bình đẳng, vì vậy nên gọi là kim cương cú.

Một Phật cùng tất cả Phật thảy đều bình đẳng, đây gọi là kim cương cú.

Mỗi mỗi phước điền cùng tất cả phước điền thảy đều vô tận bình đẳng, đây gọi là kim cương cú.

Tất cả các pháp bình đẳng như hư không, đây gọi là kim cương cú.

Tất cả các pháp cùng Phật pháp bình đẳng vô nhị, đây gọi là kim cương cú.

Kim cương tam muội hay phá tất cả ma nghiệp ác nên gọi là kim cương cú.

Diệu âm của đức Như Lai phá các ác thanh, đây gọi là kim cương cú.

Quán vô sanh vô diệt vượt quá sanh lão tử, đây gọi là kim cương cú.

Này Hải Huệ ! Các pháp như vậy gọi là kim cương cú, là kiên lao cú, là bất hoại cú, là bất phá cú, là bình đẳng cú, là thiệt cú, là vô nhị cú, là bất thối chuyển cú, là đại tịnh tịch tĩnh cú, là vô năng tác quái cú, là bất tăng bất giảm cú, là vô hữu hữu cú, là vô hữu pháp cú, là chơn cú, là hữu cú, là bất báng Phật cú, là y pháp cú, là cộng tăng cú, là như nhĩ cú, là phân biệt tam thế cú, là dũng kiện cú, là phạm cú, là từ cú, là tâm cú, là hư không cú, là Bồ đề cú, là bất đê cú, là pháp tướng cú, là vô tướng cú, là tâm ý thức vô trụ cú, là phá ma cú, là vô thượng cú, là vô thắng cú. là quảng cú, là hành kỷ cảnh cú, là nhập Phật cảnh giới cú, là vô giác quán cú, là pháp giới sở phân biệt cú, là vô cú cú.

Này Hải Huệ ! Nếu có Bồ Tát hay hiểu những cú nghĩa như vậy, ắt sẽ ngồi pháp tòa kim cương sư tử dưới cội Bồ đề".

Lúc đức Phật nói pháp ấy, có tám ngàn Bồ Tát được nhập pháp môn đà la ni, cũng được nhứt thiết chúng sanh bình đẳng tam muội.

Chư Bồ Tát từ mười phương đến đem diệu hương hoa và các thứ kỹ nhạc cúng dường đức Phật nói kệ khen :

Chúng tôi đảnh lễ đấng Vô Thượng

Hay biết ấm thanh tất cả chúng

Nói tướng vô tướng thiệt nhứt tướng

Mà được tướng tốt ba mươi hai

Nếu có chúng sanh nhứt nhị tâm

Bình đẳng nhiếp các chúng sanh tâm

Nói hạnh không hạnh thiệt nhứt hạnh

Vì vậy tôi lễ đấng Vô Thượng

Như Lai chơn thiệt biết nhơn quả

Nên vì chúng sanh nói nghiệp báo

Chơn như pháp giới chẳng có không

Vì vậy tôi khen đấng Vô Thượng

Tất cả chúng sanh không giác quán

Tâm ấy bổn tịnh không có tham

Vì theo nhơn duyên có tham dục

Vì vậy tôi lạy nhơn chơn thiệt

Tôi thấy thân Phật các mầu sắc

Mà thân Như Lai thiệt không sắc

Vì thương chúng hiện sắc không sắc

Tôi lạy đấng Pháp Vương vô thượng

Tất cả phước điền vào nhứt điền

Mà nhứt điền này không tăng giảm

Bất động pháp giới chẳng chuyển dời

Vì vậy tôi lạy đấng Vô Thượng

Quán các chúng sanh tâm như huyễn

Các pháp cùng Bồ đề cũng vậy

Biết tất cả pháp đều bình đẳng

Vì vậy tôi lạy đấng Bình Đẳng

Quán các pháp giới đều bình đẳng

Vì vậy các pháp không một hai

Chẳng có chẳng không là giải thoát

Vì vậy tôi lậy đấng Vô Kiến

Nhựt nguyệt nói được rơi xuống đất

Gió mạnh nói được dây cột buộc

Tu Di nói được miệng thổi động

Chẳng thể nói được Phật hai lời

Thiệt ngữ chơn ngữ và tịnh ngữ

Thân tâm thanh tịnh như hư không

Chẳng nhiễm thế pháp như hoa sen

Vì vậy tôi lậy đấng Vô Thượng

Nếu ai khen ngợi đức như vậy

Thì được các công đức như vậy

Tôi vì các công đức như vậy

Nên lậy khối công đức như vậy.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy