× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



Phần 54 LIV. Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Thứ 54 (2)

Này Hải Huệ thiện nam tử ! Thế nào gọi là tâm Bồ đề ép mà chẳng hư hoại ?

Nầy thiện nam tử ! Ép ấy là nói đại bi, duyên nơi tất cả chúng sanh nối dòng Tam bửu chẳng cho đoạn tuyệt. Vì Phật pháp mà trang nghiêm thiện căn ba mươi hai tướng đại nhơn tám mươi hình đẹp và nghiêm tịnh thế giới. Vì thủ hộ chánh pháp mà chẳng tiếc thân mạng.

Nầy thiện nam tử ! Nếu có bị các chúng sanh ác đánh đập mắng nhiếc nhiễu hại đều nên nhịn chịu, cũng chẳng ghét bỏ tất cả chúng sanh, trong lòng chẳng hối chẳng sầu chẳng giận cũng chẳng báo hại, chỉ nên yên lặng nhẫn nhịn càng thêm tinh tiến điều phục chúng sanh. Phải suy nghĩ như vầy : là người ở trong Đại thừa phải trái khác thế tục, tại sao, vì tất cả chúng sanh trong thế gian thì thuận theo dòng sanh tử, tất cả chúng sanh trong thế gian thì mỗi mỗi tranh tụng, còn pháp Đại thừa thì phá sự tranh đấu kiện tụng, thế gian thì sân hận hại thù, còn pháp Đại thừa thì diệt lòng thù giận, thế gian thì hư dối, còn pháp Đại thừa thì chất trực chơn thiệt. Giả sử mười phương thế giới có các chúng sanh cầm dao gậy rượt đuổi Bồ Tát mà bảo rằng ai phát tâm Bồ đề thì ta sẽ chặt bằm thân thể nát nhừ như hột mè, dầu gặp sự ác hại như vậy mà Bồ Tát vẫn chẳng thối chuyển tâm Bồ đề, cũng chẳng rời bỏ tất cả hạnh lành từ bi, hỉ xả, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí huệ. Tại sao vậy, vì Bồ Tát suy nghĩ rằng ta từ quá khứ trong vô lượng vô biên kiếp thọ nhiều đời rất khổ trong các địa ngục, súc sanh, ngạ quỉ, Nhơn Thiên, các thân trong lục đạo ấy làm những việc ác chẳng lợi ích mình mà cũng chẳng lợi ích cho người, làm ác thọ khổ rất lớn ở lục đạo trong vô lượng vô biên đời như vậy mà còn chịu được, huống là nhẫn chịu sự khổ để tăng trưởng pháp lành lợi ích mình lợi ích cho người, nên ta quyết định chẳng rời bỏ tâm Bồ đề dầu phải bị ác hại trong vô lượng vô biên đời. Bồ Tát lại nghĩ rằng lúc người thật hành pháp lành thì phần nhiều có ác pháp đến làm trở ngại nếu ta không nhẫn chịu thì làm sao thật hành các pháp lành được. Người ban ta sự ác hại ta cho người lợi lành. Người ban ta dao gậy chém đập ta cho người vô thượng nhẫn nhục. Nếu đại Bồ Tát suy nghĩ được như vậy thì phải biết chẳng lâu sẽ được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bồ Tát suy nghĩ như vậy thì có thể nhẫn chịu được ba sự ép nơi thân khẩu và ý.

Thế nào là ép thân ? Bồ Tát lúc thân thể bị chém đập thì y theo pháp mà thuận với người ác ấy để thành tựu đầy đủ sáu Ba la mật. Thế nào là Bồ Tát bị đập chém mà được đầy đủ sáu Ba la mật ? Nếu lúc Bồ Tát bị chém đập chẳng tiếc thân mạng đó là đầy đủ Đàn na Ba la mật, với người ác ấy tu tập từ tâm chẳng giận thù đó là đầy đủ Thi Ba la mật, chẳng đem sự tổn hại độc ác để đáp trả lại người ác ấy đó là sằn đề Ba la mật, vì các chúng sanh mà siêng tu tinh tiến trọn chẳng rời bỏ tâm Bồ đề đó là đầy đủ Tỳ lê gia Ba la mật, lúc bị hại như vậy mà tâm không loạn động chẳng mất chánh niệm tâm ý thanh tịnh đó là Thiền na Ba la mật, quán thân vô thường khổ vô ngã như cỏ cây ngói đá đó là đầy đủ Bát nhã Ba la mật, vì đầy đủ sáu Ba la mật rồi ép mà chẳng hư hoại Bồ đề tâm, đây gọi là ép thân.

Thế nào là ép miệng ? Nhịn chịu tất cả lời ác mắng nhục hoặc chẳng thiệt, chỉ tự trách mình phiền não kiết sử chẳng hề oán ghét người, vì các chúng sanh mà tu tập từ bi. Lúc đại Bồ Tát tu tập nhịn chịu lời mắng nhục như vậy thì đầy đủ sáu Ba la mật. Lúc ấy đại Bồ Tát nghĩ rằng người này vì xan tham mà gần kề ác hữu nên có ác tâm ấy, ta vì phá tâm xan tham tu tập bố thí gần kề thiện hữu nên nay ta có thể bỏ tâm giận hờn thù ghét đó là đầy đủ Đàn na Ba la mật. Lúc ấy đại Bồ Tát nghĩ rằng người nầy không tin nghiệp quả phá giới mắng chửi ta, còn ta tin nghiệp quả thọ trì tịnh giới tu vững tâm Bồ đề hộ trì chánh pháp tùy thuận chúng sanh đó là đầy đủ Thi Ba la mật. Lúc ấy đại Bồ Tát nghĩ rằng người này giải đãi chẳng tu tập pháp lành nên có ác tâm mắng nhiếc ta, còn ta siêng tu tinh tiến các pháp lành bỏ rời tâm sân, nơi pháp lành ta chẳng hề nhàm đủ, nay ta nên lập phương tiện cho người này trước ngồi dưới cội Bồ đề rồi sau ta mới thành quả Bồ đề đó là đầy đủ Tinh tiến Ba la mật. Lúc ấy đại Bồ Tát nghĩ rằng người nầy thất niệm cuồng loạn phóng dật bị phiền não ô nhiễm nên sanh ác tâm mắng nhiếc ta, nay ta phá hoại tất cả phiền não vì các ác chúng sanh nầy mà vững phát tâm Bồ đề, nếu các chúng sanh đếu thanh tịnh cả thì còn có nhơn duyên gì mà ta phát tâm Bồ đề, vì vậy nên chuyên tâm duyên niệm Bồ đề tâm chẳng loạn động đó là đầy đủ Thiền Ba la mật. Lúc ấy đại Bồ Tát lại nghĩ rằng người nầy chấp ngã ngã sở chúng sanh thọ mạng sĩ phu, còn ta thì y dựa pháp giới trong pháp giới ai mắng ai chịu cũng chẳng thấy có một pháp nào là mắng là kẻ mắng đó là đầy đủ Bát nhã Ba la mật. Lúc bị người mắng nhiếc nhục mạ mà có thể chí tâm thọ trì tu hành năm Ba la mật như vậy thì đồng thời đầy đủ Nhẫn Ba la mật. Đây gọi là ép khẩu.

Thế nào là ép ý ? Bồ Tát phát Bồ đề tâm chẳng sợ chúng ma mà thối tâm, chẳng sợ tất cả chúng tà kiến dị kiến mà thối tâm, chẳng sợ những sự đau khổ nơi địa ngục súc sanh ngạ quỷ mà thối tâm, nếu thấy có hình tượng Phật đến bảo rằng ngươi chẳng có khả năng phát tâm Bồ đề đạo Bồ đề rất khó tu khó được chẳng bằng ngươi sớm tu pháp Thanh Văn thừa mau chứng Niết bàn hưởng an lạc lớn, nghe lời trên đây Bồ Tát liền nghĩ rằng đạo Bồ đề hoặc khó hay dễ ta vẫn vững tâm chẳng thối ta quyết tự có khả năng sẽ đến ngồi tòa kim cương dưới cội Bồ đề, trước kia ta vì tất cả chúng sanh mà phát tâm nguyện sẽ đem pháp Đại thừa vô thượng ban cho họ nay sao ta lại khi dối họ mà thối tâm, ta phải tuỳ thuận tâm chư Phật chịu đựng những sự ép tâm ép ý như vậy giữ vững tâm đại Bồ đề càng thêm tinh tiến tu tập đạo vô thượng để khỏi khi phụ chư Phật nhơn thiên đại chúng và với chính mình, đây gọi là ép tâm ý".

Muốn tuyên lại nghĩa nầy đức Thế Tôn nói kệ rằng :

Hướng đến Bồ đề tâm chẳng hoại

Đại từ đại bi cũng chẳng hư

Cũng chẳng đoạn tuyệt dòng Tam bửu

Vô lượng trang nghiêm vì Bồ đề

Vì được thập lực tứ vô úy

Ba mươi hai tướng tám mươi tốt

Trong vô lượng đời bố thí của

Cũng chịu các thứ khổ não lớn

Vì được Tam bửu các công đức

Nên trì chánh pháp vì chúng nói

Vì độ chúng sanh khỏi sanh tử

Do đó chịu được các sự khổ

Mười phương thế giới ác chúng sanh

Cầm nắm dao gậy chém đập tôi

Trọn chẳng động tâm vững Bồ đề

Vì thương tất cả chúng sanh vậy

Trong vô lượng đời chịu khổ não

Mà chẳng lợi mình chẳng lợi người

Nay tôi nhẫn khổ được lợi ích

Cũng được vô lượng Phật công đức

Vì công đức Phật mà nát thân

Như hạt mè nhỏ lòng chẳng hối

Cũng chẳng thối tâm đại Bồ đề

Chịu nhiều đau khổ vì Phật pháp

Đi đứng ngồi nằm nhớ Bồ đề

Nội tâm tịch tĩnh lìa phiền não

Không hế sanh lòng giận ghét người

Chỉ nên xét trách mình không trọn

Trong ba ác đạo chịu nhiều khổ

Vì các chúng sanh cầu Phật đạo

Chẳng cầu Nhơn thiên với Nhị thừa

Đành cam chịu khổ vì chúng sanh

Ở trong loài người chịu khổ não

Chẳng bằng phân ngàn của địa ngục

Dầu chịu khổ lớn ba ác đạo

Cũng chẳng thối thất tâm Bồ đề

Quán thân vô thường và vô ngã

Tánh thân tứ đại như rắn độc

Chí tâm buông bỏ thân độc nầy

Hay được trí huệ đạo vô thượng

Lưu chuyển lục đạo chịu nhiều khổ

Do chẳng quán xét thân chơn thiệt

Bồ Tát hay quán thân chơn thiệt

Do đây lìa hẳn các khổ não

Lúc làm điều ác ít trở ngại

Còn tu pháp lành nhiều chướng nạn

Chư Phật Thế Tôn chứng biết tôi

Nên tôi vui lòng chịu đựng khổ

Tôi nay nhẫn được khổ hại ấy

Thân khẩu và ý khổ vô lượng

Do duyên cớ nầy tâm Bồ đề

Bị ép đè cũng chẳng lay động

Xả thân có đủ Ba la mật

Với thân chẳng tham là Đàn na

Với người ác hại có tâm từ

Đây là có đủ trì giới độ

Chém thân nhẫn chịu không hề giận

Có đủ Nhẫn nhục Ba la mật

Lúc thân bị khổ tâm không động

Đây là đầy đủ Tỳ lê gia

Vững tâm Bồ đề vui tịch tĩnh

Thiền Ba la mật do đầy đủ

Quán thân vô ngã vô ngã sở

Bát nhã do đây được đầy đủ

Nếu ta làm được trang nghiêm nấy

Chẳng lâu chắc được Vô thượng đạo

Nếu ta chẳng dứt ác khẩu nghiệp

Làm sao phá hoại các phiền não

Nếu ta điều phục thân khẩu ý

Thì hay nhẫn được các khổ não

Hay phá tất cả các chúng ma

Với các tà ác ta chẳng động

Nếu muốn đủ sáu Ba la mật

Phật vô sở úy và thập lực

Có được vô thượng vô giá bửu

Nên học điều phục thân khẩu ý.

Nầy thiện nam tử Hải Huệ ! Thế nào gọi là xỏ tâm Bồ đề ?

Bồ Tát đã phát tâm Bồ đề rồi thì trọn chẳng sanh lòng tương tợ ngã mạn, chẳng trụ trước Bồ đề tâm, chẳng tham Bồ đề tâm, chẳng ái Bồ đề tâm, chẳng quán Bồ đề tâm. Được như vậy thì làm cho tâm tịch tĩnh quán thâm pháp giới quán pháp chư Phật. Thâm pháp giới ấy là thập nhị nhơn duyên xa lìa nhị biên, tất cả các pháp tánh nó tự không có ngã, quán nơi ngã tánh tất cả pháp tánh rỗng không không có chủ an trụ nơi không tam muội, vô tướng tam muội, vô nguyện tam muội. Biết các hành pháp không bị tạo tác, quán sắc ấm như bọt nước, thọ ấm như bong bóng nước, tưởng ấm như dương diệm, hành ấm như thân cây chuối, thức ấm như ảo huyễn. Quán thập bát giới không có tạo tác không có động diêu. Quán lục nhập như điếc như đui tâm không có tạm dừng ở. Kiết sử kiêu mạn không có chỗ phát sanh. Tất cả các pháp không có hai không có phân biệt là nhứt vị, nhứt thừa, nhứt đạo, nhứt nguyện. Quán tất cả âm thanh không có tướng âm thanh, tất cả âm thanh đều có thứ đệ chẳng hiệp nhau. Tất cả các pháp chẳng thể tuyên nói được. Biết rõ tướng khổ quả, tập nhơn không có ngã sở, nơi diệt đế chẳng tăng giảm, biết đạo đế rốt ráo không có chướng ngại. Quán thân niệm xứ, biết khứ lai thọ, niệm tâm sanh diệt, biết rõ pháp giới. Quán pháp giới chẳng phải giới nên tu tứ chánh cần, vì muốn tự tại nên tu tứ như ý, lìa các phiền não gọi là tín căn, ưa thích tịch tĩnh gọi là tinh tiến căn, vì chẳng phải có niệm nên gọi là niệm căn, vì chẳng phải tư duy nên gọi là định căn, xa lìa tất cả gọi là huệ căn. Vì chẳng tuỳ theo người nên gọi là tín lực, vì không có chướng ngại nên gọi là tinh tiến lực, vì chẳng thối chuyển nên gọi là niệm lực, tâm được tự tại gọi là định lực, chẳng quán thiện ác gọi là huệ lực. Vì chẳng phóng dật nên gọi là niệm giác phần, vì nhập vào các pháp nên gọi là trạch pháp giác phần, vì như pháp tu hành nên gọi là tinh tiến giác phần, thân tâm tịch tĩnh gọi là trừ giác phần, vì như pháp tu hành nên gọi là tinh tiến giác phần, vì xa lìa ác nên gọi là hỷ giác phần, thân tâm tịch tĩnh gọi là trừ giác phần, biết thiệt tam muội gọi là định giác phần, chẳng thấy có hai gọi là xả giác phần. Xa lìa các kiến chầp gọi là chánh kiến, lìa các giác quán gọi là chánh tư duy, biết rõ các tánh âm thanh gọi là chánh ngữ, thân khẩu và ý chẳng tham trước gọi là chánh nghiệp, lìa tâm tật đố gọi là chánh mạng, chẳng tăng chẳng giảm gọi là chánh tinh tiến, nơi thiện nơi bật thiện chẳng nhớ nghĩ gọi là chánh niệm, quán các tâm giới gọi là chánh định. Tánh thiệt tướng ấy tánh nó tịch tĩnh. Về nghĩa rốt ráo ấy gọi là vô thường, là khổ, là vô ngã, là giả danh, là thanh tịnh, là đại tịnh. Hay điều tâm thì gọi là bố thí, thân tâm mát mẻ thì gọi là trì giới, các pháp vô thường thì gọi là nhẫn nhục, siêng tu trí ấy thì gọi là tinh tiến, nội ngoại thanh tịnh thì gọi là chánh định, vì quán chơn thiệt nên gọi là trí huệ. Biết tất cả chúng sanh tâm tánh vốn thanh tịnh đây gọi là từ, quán tất cả pháp bình đẳng như hư không đây gọi là bi, dứt tất cả hỉ đây gọi là hỉ tâm, xa lìa tất cả hành đây gọi là xả tâm. Tất cả các pháp thuở quá khứ nhiều thứ, thuở vị lai thanh tịnh, thuở hiện tại không có ngã.

Nầy thiện nam tử ! Nếu có thể quán sát biết rõ được các pháp như vậy đây gọi là xỏ Bồ đề tâm bửu. Bồ Tát quán sát các pháp như vậy rồi thứ đệ được nhứt thiết pháp tự tại đà la ni.

Nầy thiện nam tử ! Như mặt nhựt nguyệt chẳng có tâm nghĩ qua lại chiếu soi, do nơi thế lực phước đức của các chúng sanh mà nó tự qua lại phá các tối tăm.

Cũng vậy, đại Bồ Tát nếu có thể quán sát biết rõ các pháp như vậy thì chẳng có suy nghĩ rằng tôi sẽ làm lợi ích vô lượng chúng sanh mà làm cho chúng sanh được lợi ích lớn.

Nầy thiện nam tử ! Nếu đại Bồ Tát có thể quán sát được như vậy thì gọi là Thiền Ba la mật và Bát Nhã Ba la mật. Tại sao, vì nhập định mới có thể quán sát được như vậy mà tâm tán loạn thì chẳng thể được. Định ấy là Thiền Ba la mật và quán ấy là Bát Nhã Ba la mật. Như vậy mới có thể quán sát chơn thiệt thấy rõ ràng tất cả pháp tướng. Thế nào gọi là thấy rõ tất cả pháp tướng ?

Tất cả pháp tướng ấy gọi là tướng không có tướng. Nói không có tướng ấy là vô tác, chính vô tác nầy gọi là tướng. Nếu có thể dứt hẳn vô tướng như vậy thì gọi là tướng không có tướng.

Lại vô tướng ấy gọi là tướng vô sanh, tướng không có tướng ấy gọi là tướng vô diệt. Vô sanh vô diệt gọi là tướng không có tướng không có tướng. Nếu thấy vô sanh, vô diệt, vô trụ, vô nhứt, vô nhị, vô sanh, vô tranh, vô hữu bất động bất chuyển, biết rõ pháp tánh, đây gọi là chơn tánh là pháp tánh là thiệt tánh.

Nầy thiện nam tử ! Nếu đại Bồ Tát chơn thiệt biết các pháp như vậy thì gọi là trụ chẳng phải trụ".

Lúc đức Thế Tôn nói pháp ấy có mười hai na do tha chúng sanh phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, một vạn sáu ngàn vị Thiên tử được vô sanh nhẫn. Muốn tuyên lại nghĩa ấy đức Thế Tôn nói kệ rằng :

Hay phá tất cả các pháp tướng

Thanh tịnh tâm Vô thượng Bồ đề

Thì được chẳng chấp tất cả pháp

Thấy rõ các pháp giới thậm thâm

Cũng chẳng kinh sợ nơi Niết bàn

Do vì chẳng sợ nơi nhơn duyên

Thì hay tăng trưởng các Phật pháp

Tin rõ nơi nhơn và quả báo

Mười hai nhơn duyên cũng tin rõ

Xa lìa nhị biên kiến đoạn thường

Tuỳ ý vì người nói chánh pháp

Nơi thường vô thường tâm chẳng trước

Lại hay diễn nói nơi trung đạo

Biết tất cả pháp lành là tánh không

Không có chúng sanh không thọ mạng

Tất cả các pháp không vô tướng

Lại cũng không có thứ đệ sanh

Tánh nó bổn lai thường tịch tĩnh

Không có năng tác như hư không

Chẳng thấy tất cả các pháp tướng

Biết hiểu rõ ràng không có tánh

Xem sắc và thọ như bọt bóng

Tưởng và hành như diệm chuối cây

Tâm như ảo huyễn tứ đại không

Lục nhập thấy như kẻ mù điếc

Còn xem tâm ý không nội ngoại

Tâm không trụ xứ giới không hai

Chẳng trước các pháp sắc sắc tướng

Dầu biết thấy rõ không kiêu mạn

Xem tất cả pháp đều bình đẳng

Một vị một thừa một đạo nguồn

Hay biết chơn thiệt nghĩa như vậy

Rành rõ hay quán các pháp giới

Không có âm thanh hay quán thanh

Không có tâm ý hay quán tâm

Không có văn tự hay quán văn tự

Đây là chơn thiệt biết pháp giới

Tất cả pháp nghĩa chẳng nói được

Âm thanh văn tự chẳng nói được

Chơn thiệt biết khổ tập diệt đạo

Đầy đủ nhiếp tâm tứ niệm xứ

Nơi các pháp giới không phân biệt

Tâm ấy hay được đại tự tại

Xa lìa tất cả các phiền não

Tu tứ chánh cần chuyên tinh tiến

Vì được vô lượng đại tự tại

Tâm siêng tu tập tứ như ý

Nơi tất cả pháp chẳng tham trước

Vì pháp như vậy tu tín căn

Thường thích an trụ đại tịch tĩnh

Vì vậy tu tập tinh tiến căn

Tâm không niêm lự biết chơn thiệt

Vì vậy tu tập chánh niệm căn

Hay điều phục được các tâm tưởng

Vì vậy tu tập chánh định căn

Vì hay quán sát các pháp giới

Vì vậy tu tập trí huệ căn

Vì muốn biết rõ các pháp giới

Vì vậy tu tập thất giác phần

Chẳng quán các pháp số một hai

Vì vậy tu tập bát chánh đạo

Hay đem của cải thí tùy ý

Cũng hay tùy ý thọ trì giới

Còn hay thanh tịnh nội và ngoại

Đây thì gọi là đại thần thông

Tất cả các pháp bổn tánh tịnh

Vì vậy tu tập đại từ bi

Dứt tất cả hỉ các phiền não

Vì vậy tu tập tâm hoan hỷ

Tất cả các pháp bổn tánh tịnh

Khứ lai hiện tại cũng thanh tịnh

Nếu quán các pháp không sanh diệt

Đây là trí huệ chơn thiệt biết.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy