× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



Phần 3. PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ THỨ BA 4

Đây là Bồ Tát quyền trí nhập định mà được tự tại.

Duyên vô thường ư ? Chẳng nhàm sanh tử mà được tự do, vì không chỗ sợ vậy.

Duyên có khổ ư ? Kiến lập chúng sanh nơi Niết bàn an ổn.

Duyên vô ngã ư ? Thương xót làm cho chúng sanh được an lạc, vì thi hành đại bi vậy.

Duyên hư vô ư ? Vì tâm được Như Lai tám phần chánh đạo vậy.

Duyên dục hành ư ? Vì làm thuốc thanh tịnh cho những bịnh tham ái vậy.

Ban tuyên chánh pháp ư ? Vì làm cho tâm họ an trụ vững chắc vậy.

Duyên sân hận ư ? Vì tuyên thuốc từ tâm để chúng hết sân hận vậy.

Duyên ngu si ư ? Vì chúng ngu si mà ban cho thuốc thập nhị nhơn duyên để trị tâm bịnh cho họ chẳng di động vậy.

Duyên đẳng phần ư ? Với những chúng sanh đồng đều ba sự tham sân si, đem ba pháp giáo hóa trị tâm bịnh họ, giảng thuốc vô thường vậy.

Duyên vô dục ư ? Vì muốn khai hóa hàng Thanh Văn vậy.

Rời sân hận ư ? Vì làm cho tâm họ được đứng vững nơi Duyên Giác thừa vậy.

Rời ngu si ư ? Vì khai hóa tâm họ an lập nơi Đại thừa vậy.

Duyên sắc tượng ư ? Vì tâm ấy khắp an trụ đến được thân tượng của Như Lai vậy.

Duyên âm thanh ư ? Vì tâm được an trụ thanh âm của Như lai vậy.

Duyên các hơi hương ư ? Vì tâm an lập giới hương của Như Lai vậy.

Duyên các mùi vị ư ? Vì tâm được an trụ đạo vị của Như Lai vậy.

Duyên đại nhơn tướng ư ? Vì tâm an trụ được tướng hảo trang nghiêm vậy.

Duyên mịn trơn ư ? Vì tâm an trụ được tay chưn nhu nhuyến của Như Lai vậy.

Duyên kinh pháp ư ? Vì tâm an trụ đến được ý vô sanh của Như Lai vậy.

Duyên bố thí ư ? Vì tâm an trụ tại đầy đủ những tướng hảo vậy.

Duyên trì giới ư ? Vì tâm an trụ tại Phật độ nghiêm tịnh vậy.

Duyên nhẫn nhục ư ? Vì tâm an trụ tại phạm âm của Như Lai vậy.

Duyên tinh tiến ư ? Vì tâm an trụ ở hóa độ chúng sanh vậy.

Duyên thiền tư ư ? Vì tâm an trụ ở hưng khởi thần thông vậy.

Duyên trí huệ ư ? Vì tâm an trụ ở dứt các tà kiến, dứt lưới sáu mươi hai điều nghi chấp vậy.

Duyên từ tâm ư ? Vì với tất cả chúng sanh tâm bình đẳng chẳng cưu lòng tổn hại vậy.

Duyên xót thương ư ? Vì lập tâm cứu tế chúng sanh vậy.

Duyên hỉ duyệt ư ? Vì tâm an trụ tại ưa thích nghe pháp vậy.

Duyên xả ly ư ? Vì lập tâm vứt bỏ các họa nguy ách của kiết sự vậy.

Duyên tứ ân ư ? Vì gìn tâm khai hóa dìu dắt chúng sanh vậy.

Duyên tham sân ư ? Vì gầy dựng tất cả sở hữu để ban bố cho chúng sanh vậy.

Duyên phạm ác ư ? Vì tồn tâm an lập giới hạnh thanh tịnh của Như Lai vậy.

Duyên tranh luận ư ? Vì tâm an trụ tại trí biện của Như Lai vậy.

Duyên oán hại ư ? Vì tồn tâm an lập mười trí lực và bốn vô sở úy của Như Lai vậy.

Duyên loạn động ư ? Vì tâm an trụ đến tam muội của Như Lai vậy.

Duyên tà trí ư ? Vì tâm an lập trí ba la mật vô ngại đầy đủ cho chúng sanh vậy.

Duyên hạ thừa ư ? Vì tâm an trụ tại tích công chứa đức chí ở Đại thừa vậy.

Duyên thuận ứng ư ? Vì tồn tâm an hòa chẳng phạm các điều ác phi pháp vậy.

Duyên ác thú ư ? Vì tâm an trụ tại cứu hộ tất cả chúng sanh ác thú đọa bát nạn vậy.

Duyên chư Thiên ư ? Vì tồn tâm hiểu thị những hội hiệp đều sẽ biệt ly vậy.

Duyên chúng nhơn ư ? Vì tâm an trụ tại tất cả diệu thiện vậy.

Duyên niệm Phật ư ?Vì tập thấy chư Phật vậy.

Duyên niệm Pháp ư ? Vì tồn tâm phụng hành đạo pháp mà bỏ sự vô ích vậy.

Duyên niệm Tăng ư ? Vì gầy dựng pháp bất thối chuyển vậy.

Duyên thí cho ư ? Vì tâm an trụ chẳng rời bỏ chúng sanh vậy.

Duyên cấm giới ư ? Vì đầy đủ sở nguyện vậy.

Duyên niệm thiên ư ? Vì tồn tâm an lập đủ trọn công đức nhứt sanh bổ xứ vậy.

Duyên thân hành ư ? Vì đến được Phật thân vậy.

Duyên khẩu ngôn ư ? Vì tâm an trụ các ngôn giáo kinh điển của Phật vậy.

Duyên tâm ý ư ? Vì tồn tâm được Phật ý vậy.

Duyên hữu vi ư ? Vì tâm an trụ tại tích công chứa đức tự được đầy đủ vậy.

Duyên vô vi ư ? Vì tâm an trụ tại đầy đủ thánh huệ vậy.

Nầy thiện nam tử ! Chẳng phải từ nơi không duyên không hóa độ mà đến được đạo Đại thừa. Đều do duyên tâm mà được đến Phật đạo, được đến Nhứt thiết trí.

Nếu có Bồ Tát đều do nơi duyên hóa mà dẫn đạo Nhứt thiết trí. Đây là thiện quyền phương tiện của Bồ Tát, đều do thấy các Pháp, đều cưu lòng đến dẫn đạo Nhứt thiết trí.

Như cõi Đại Thiên chứa nhận tất cả đất đai chúng sanh cỏ cây sông biển, không thứ gì chẳng bao gồm. Tất cả đều mong nhờ nơi đó mà được sanh hượt.

Nầy thiện nam tử ! Cũng vậy, tất cả các duyên đều do Bồ Tát thiện quyền phương tiện thật hành những công hạnh thù thắng đệ nhứt đến Nhứt thiết trí.

Như các hình sắc đều có bốn đại chủng.

Cũng vậy, Bồ Tát thiện quyền phương tiện tạo lập các duyên đều đến Phật đạo.

Tại sao vậy ?

Các chúng sanh hưng khởi tội vạ, đối với Bồ Tát chẳng những không báo đền mà Bồ Tát duyên nơi đây thật hành Bố thí ba la mật liền có thể thành tựu đầy đủ Giới ba la mật.

Nếu có người giận thù cưu lòng độc hại, bấy giờ  Bồ Tát  thật hành Nhẫn ba la mật liền đó sung mãn Tinh tiến ba la mật.

Nếu thấy chúng sanh ở nơi ồn ào náo nhiệt, tâm họ không an ổn, duyên đây mà Bồ Tát hành Thiền ba la mật, bỗng nhiên thành tựu Trí ba la mật.

Nếu có chúng sanh che chướng tối tăm, Bồ Tát vì họ mà dứt trừ lưới kiết phược chướng ngại.

Nếu có chúng sanh siêng tu tập, Bồ Tát bèn vì họ tiêu trừ tất cả chỗ chấp trước, cúi đầu khen ngợi chỉ thị cho họ tự quy.

Với kẻ ưa chê bai hủy báng, Bồ Tát cũng tùy thuận ý của họ, làm cho họ chẳng sanh tâm hủy báng.

Nếu thấy người cần khổ bị vô số khổ não, Bồ Tát liền khởi đại bi cứu họ khỏi khổ.

Nếu thấy người an lạc, Bồ Tát rất vui mừng mà nhiếp thọ họ.

Nếu thấy những loài cang cường khó hóa độ,  Bồ Tát tùy thời dìu dắt huấn thị cho họ phát đạo tâm.

Thấy người nhơn hòa, Bồ Tát ở nơi họ tu tập chí hạnh phát khởi đạo tâm cho họ.

Nếu có lực sĩ báo ứng nghiệp hạnh, Bồ Tát liền thuận nhiếp thủ dạy dỗ hiển khởi đạo tâm.

Đây gọi là tùy duyên mà được tự tại, Bồ Tát tùy thuận thiện quyền phương tiện biết rõ chúng sanh đúng thời mà thuyết pháp. Ở tại báo ứng chí nguyện ái mộ, giáo hóa khai thị phân giải, đều làm cho chúng sanh thản nhiên tinh tiến nơi đại đạo thánh huệ, vì họ mà luận nghĩa sâu xa vô thượng.

Bồ Tát tồn lòng từ rộng vì chúng sanh mà giãi bày đạo chí chơn, lần lượt vì họ mà ban tuyên chỉ dạy đạo nhơn vô thượng ấy, giải thích phân biệt chương cú. Bồ Tát lấy một cú pháp mà diễn xướng bao nhiêu nghĩa.

Với người ưa vắng lặng , Bồ Tát vì họ phân biệt quán xét tất cả. Với người ác giác quán, Bồ Tát đem quán giải thoát tam muội giảng thuyết cấm giới, lại vì họ mà tuyên giảng địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Do nghe pháp ấy mà hiểu sự vô thường không cứu không hộ, khiến họ cầu đạo hộ.

Nếu người có chánh định, Bồ Tát vì họ mà luận Huệ ba la mật.

Với người ham mộ ở rảnh rang, Bồ Tát giáo hóa họ tịnh thân khẩu ý.

Với người biết tri túc, Bồ Tát vì họ mà hiển phát hạnh nghiệp công đức của thánh hiền.

Với người có quan niệm tự đại ngu tối, Bồ Tát sẽ vì họ tuyên bố tinh tiến học rộng nghe nhiều.

Với người tham dục, Bồ Tát chỉ bảo cho họ biết họa hoạn bất tịnh vô ích.

Với người hay giận thù, Bồ Tát khuyên họ phát tâm từ chẳng cưu lòng oán hại.

Với người ngu lầm, Bồ Tát dạy họ pháp thập nhị nhơn duyên phát khởi sanh tử.

Với người đẳng phần phiền não, Bồ Tát vì họ diễn nói vô thường, khổ, không, vô ngã.

Với người ham mê sắc dục, Bồ Tát giảng dạy sự bất tịnh.

Với người nhơn từ đến nỗi ngu tối không hiểu biết, Bồ Tát vì họ chỉ bảo sự duyên khởi tội lỗi.

Với người tà kiến, Bồ Tát vì họ quyết rõ pháp không vô.

Với người cưu lòng hy vọng, Bồ Tát diễn nói hạnh không vọng tưởng.

Với người cố chấp nơi thệ nguyện, Bồ Tát dạy họ không nguyện cầu.

Với người ưa nơi ngũ cái, Bồ Tát vì họ phân tích năm ấm như huyễn như hóa hư ngụy không thiệt.

Với người tham chấp các đại chủng, Bồ Tát vì họ giải rõ bốn đại chủng mười tám giới như bóng, do hình chiếu mà hiện.

Với người dựa theo các nhập, Bồ Tát giảng nói mười hai thứ nhập, trong sáu căn, ngoài sáu trần đều chẳng phải sở hữu của ta. Như cảnh chiêm bao lúc thức không còn có.

Với người nương cõi dục, Bồ Tát vì họ giảng nói phân biệt tất cả vạn vật đều về nơi vô thường.

Với người nắm lấy cõi sắc, Bồ Tát vì họ diễn nói tất cả hạnh nghiệp chúng sanh đều là gốc phiền não.

Giả sử có người binh vực cõi vô sắc, Bồ Tát tuyên bố tất cả các pháp đều không có vô ngã.

Với người khó hóa độ, Bồ Tát bảo họ siêng tu tập pháp hiền thánh.

Với người dễ hóa độ, Bồ Tát sẽ vì họ khai thị pháp vô thượng chí chơn.

Với người muốn sanh ở cõi trời cõi người, Bồ Tát vì họ ca ngợi giới phẩm thanh tịnh.

Với người thích Thanh Văn thừa, Bồ Tát chỉ thị tứ đế : khổ, tập, diệt, đạo.

Với người mộ Duyên Giác thừa, Bồ Tát khai thị mười hai nhơn duyên lấy vô minh làm gốc.

Với người học hạnh Đại thừa, Bồ Tát nhơn đó lưu bố sáu ba la mật, bốn đẳng, bốn ân để dắt dẫn họ.

Với người mới phát tâm, Bồ Tát xem xét chí tánh của họ mà dạy dỗ.

Với người đủ các công hạnh chẳng nhàm sanh tử, Bồ Tát chỉ dạy pháp không nạn để họ được chẳng thối chuyển.

Với người bất thối chuyển, Bồ Tát nhơn đó phân biệt nói Phật độ thanh tịnh.

Với bực nhứt sanh bổ xứ Bồ Tát đại nhơn, Bồ Tát hiển thị đạo tràng Bồ đề chí chơn.

Nầy thiện nam tử ! Bồ Tát được tự tại theo duyên giáo hóa tuyên bố đạo pháp không có sai lầm, dùng ngôn từ khéo léo làm vui đẹp lợi ích chúng sanh ».

Lúc đó đức Thế Tôn nói lời trên đây, trong pháp hội có một vạn người phát tâm Vô thượng Bồ đề, năm trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ trong chúng hội có các Bồ Tát nghĩ rằng Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nầy bao giờ thành Phật ? Lúc ông ấy thành Phật hiệu là gì ? Quốc độ ấy tên gì ? Công đức nghiêm tịnh thuộc về loại gì ? Thành tựu chúng Bồ Tát thế nào ?

Đức Thế Tôn biết tâm niệm của chư Bồ Tát liền mỉn cười. Vô số ức trăm ngàn tia sáng từ miệng đức Phật phóng ra chiếu thấu vô hạn thế giới mười phương che ánh sáng của mặt trời mặt trăng, trùm cung điện của ma. Những tia sáng ấy trở về nhiễu vòng quanh đức Phật vô số vòng rồi từ đỉnh đầu đức Phật mà thâu vào.

Tịch Ý Bồ Tát liền đứng dậy trịch vai áo phía hữu chắp tay lễ Phật, nói kệ ca ngợi để hỏi ý cười của đức Phật :

“ Cao vọi như núi vàng

Diệu quang sạch bụi trần

Tâm Phật vững vắng lặng

Như mặt trời trên không

Tia sáng ấy rất sáng

Tiêu trừ các tối tăm

Cớ chi hiện như vậy

Xin Thế Tôn giải bày

Sạch sẽ như hoa sen

Mọc ở trong bùn sình

Gốc cọng ở trong nước

Lớn lên không cấu nhơ

Công đức rất thơm tho

Ý niệm càng rộng xa

Chỉ nên an nhiên nói

Cớ chi lại vui cười

Tâm trí Phật an ổn

Vắng lặng và nhu hòa

Lòng từ càng thêm lớn

Tiêu trừ những cấu uế

Dùng ánh sáng trí huệ

Trừ bỏ các tối tăm

An trụ như hoa sen

Vứt bỏ các hồ nghi

Thêm thương tu đạo tràng

Phụng hành được tự tại

Miệng Phật phóng quang minh

Khô cạn các ái dục

Khai hóa các chúng sanh

Cho mắt họ sáng sạch

An trụ tiêu nghịch tặc

Trừ bỏ những tội lỗi

Khắp tất cả chúng hội

Chư Thiên và mọi người

Ngưỡng nhìn tướng mạo Phật

Có chi Phật vui cười ?“.

Đức Phật bảo Ngài Tịch Ý Bồ Tát : « Ông có thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ ấy chăng ? »

Ngài Tịch Ý Bồ Tát thưa : « Bạch đức Thế Tôn ! Tôi đã thấy ông ấy ».

Đức Phật dạy : « Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ sẽ cúng dường chư Như Lai ở Hiền Kiếp, hộ trì chánh pháp, khai thị lợi ích vô lượng chúng sanh.

Từ thân ấy chết, ông ấy sẽ sanh về nước Diệu lạc của đức Phật A Súc. Từ đó về saư gặp vô số chư Phật, tịnh tu phạm hạnh.

Qua khỏi số kiếp ấy, ông ấy chứa nhóm công đức sẽ thành Phật hiệu Kim Cang Bộ Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cõi nước tên Phổ Tịnh. Kiếp hiệu Nghiêm Tịnh. Cõi nước Phổ Tịnh hiệp bảy báu làm thành, nhơn dân giàu vui đông đảo như cung trời Đâu Suất. Cõi nước ấy không có ba ác đạo và tám chỗ nạn, trời và người chẳng riêng biệt, tất cả đều mộ Phật đạo vi diệu. Cõi ấy không có hai thừa, không có tên Thanh Văn, Duyên Giác, thuần là Bồ Tát.

Đức Kim Cang Bộ Như Lai tuyên thuyết pháp Đại thừa bất thối chuyển. Chúng Bồ Tát ở cõi Phổ Tịnh đông chẳng thể tính đếm hạn lượng được. Cõi ấy không có người tánh ác ganh ghét phá giới tà kiến. Người cõi ấy mến thích Phật Pháp, tâm tánh hiền hòa , đều đủ hai mươi tám tướng tốt trang nghiêm thân thể.

Đức Kim Cang Bộ Như Lai tại thế thọ tám tiểu kiếp, thường vì chúng hội trời người thuyết pháp, thân phóng quang minh chiếu khắp cõi nước. Các hàng trời người được quang minh Phật chiếu đến đều được giải quyết các điều nghi khen ngợi chánh pháp, về theo đức Phật. Mọi người nghĩ rằng tôi phải đến chỗ Phật để học hỏi kinh điển. Có người dùng thần thông của mình đi đến chỗ Phật. Có hàng hữu học nương oai thần của Phật mà đến.

Đức Phật Kim Cang Bộ ở trên hư không cách mặt đất trăm ngàn nhẫn tuyên cáo pháp âm khắp mười phương làm vui đẹp tất cả những người đến dự hội. Chỉ tuyên pháp Đại thừa Vô thượng đại đạo cho chư Bồ Tát.

Cõi nước Phổ Tịnh ấy không một ai chống báng lời giáo huấn của đức Phật.

Cõi nước ấy không có vua chúa, chỉ có đức Phật Thế Tôn là vị Pháp Vương.

Ở cõi nước ấy, tất cả nhơn dân đều có trí huệ, không chấp ngô ngã, không có ngã sở, chẳng làm chủ nhà ruộng riêng.

Do lòng từ xót thương của đức Phật, chiều tối người cõi nước ấy thấy đức Kim Cang Bộ Như Lai hiện thân tượng đắp y mang bát đứng trước nhà mình, liền tự nghĩ đức Như Lai thương tôi muốn đến nhà tôi thọ trai. Đêm ấy họ sắm sửa thức ăn, trần thiết ghế bàn. Sáng hôm sau đến giờ ngọ trai, đức Phật và Thánh chúng đến nhà họ thọ trai xong, sau khi rửa tay, đức Phật vì người nhà thí chủ mà thuyết kinh pháp. Thí chủ ấy được pháp bất thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh Giác. Thuyết kinh xong đức Phật trở về tinh xá.

Nếu đức Phật ngồi yên nơi tịnh thất, chư Bồ Tát cõi ấy đều theo pháp tam muội của mình đã được mà tu tập.

Nầy thiện nam tử ! Cõi nước của đức Phật Kim Cang Bộ có công đức trang nghiêm thanh tịnh thù đặc dường ấy ».

Lúc đức Thế Tôn nói lời thọ ký cho Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ, trong chúng hội có hai vạn người phát tâm Vô thượng Bồ đề phát nguyện sanh về cõi nước ấy.

Đức Phật thọ ký rằng lúc đức Phật Kim Cang Bộ thành đạo, trong đại chúng đây ai nguyện được thấy thì đều sẽ được sanh về cỏi Phổ Tịnh ấy, và sẽ được đức Phật ấy thọ ký Vô thượng Bồ đề.

Nghe đức Phật thọ ký, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ vui mừng hớn hở dồi chày kim cang đang cầm lên hư không. Liền đó khắp cõi Đại Thiên chấn động sáu cách, ánh sáng chiếu mươi phương, hoa trời tuôn xuống như tuyết rơi, các thứ âm nhạc tự nhiên trổi lên.

Tay mặt của tất cả mọi người trong pháp hội tự nhiên có nhiều thứ hoa hương phan long xinh đẹp, đều cầm lấy mà đi.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cầm hoa hương phan lọng đi vòng quanh đức Phật nói kệ ca ngợi rằng :

« Pháp rộng khắp tự tại

Pháp tạng chẳng cùng tận

Thuyết pháp rất rành rẽ

Lợi ích cho chúng sanh

Phật trao phó cho tôi

Thường thích dùng pháp khí

Phụng hành đúng chánh pháp

Nguyện tự quy Phật đạo

Trí huệ hay thanh tịnh

Công hạnh đã sáng suốt

Danh hiệu thấu ba đời

Công đức trọn rốt ráo

Trí Phật suốt ba chỗ

Thánh đức không chấp trước

Tự tại độ chúng sanh

Giáo hóa khỏi khổ ách

Thanh tịnh như mặt nguyệt

Dung nhan rất sáng rỡ

Chiếu đến chỗ rất xa

Dường như mặt trời sáng

Phật âm rất diệu hòa

Như tiếng trời Phạm Thiên

Từ bi tuyên lời dạy

Kính lễ đấng chí tôn

Tự hiển hiện thân hình

Thị hiện có thọ mạng

Xin Phật tuyên pháp âm

Diễn nói các văn tự

Dầu diễn nói kinh pháp

Nhưng không niệm có pháp

Dầu độ khắp chung sanh

Nhưng không tưởng có nhơn

Thế Tôn thương giáo hóa

Ai bảo được ơn Phật

Giả sử tất cả chúng

Chứa đức vô lượng kiếp

Chỉ thưa hỏi Phật pháp

Chí chẳng ở nghiệp khác

Mình phụng hành Phật hạnh

Lại dạy bảo người khác ».

Nhiễu Phật và chúng hội đủ bảy vòng, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ cầm các thứ hoa và lọng báu tung lên cúng dường đức Phật.  Vừa lúc tung hoa, khắp tứ thiên hạ tự nhiên hóa sanh bao nhiêu thứ hoa trang nghiêm tám lớp đường sá, những ao nước tám vị công đức, nương oai thần của Phật, không đâu là chẳng khắp.

Tịch Ý Bồ Tát hỏi Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ : « Đức Như Lai đã thọ ký Phật đạo cho Ngài ? ».

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đáp : « Ngài đã thấy đức Phật thọ ký. Sự thọ ký ấy tự nhiên như chiêm bao ».

Hỏi :

« Ngài được thọ ký là đến chỗ nào ? ».

Đáp :

« Chỗ được thọ ký ấy là không chỗ đến ».

Hỏi :

« Chẳng đến chỗ nào ? ».

Đáp :

« Chẳng đến vô ngã, chẳng được nhơn và thọ mạng, chẳng được năm ấm, sáu trần, bốn đại chủng, chẳng thấy công nghiệp độ đời hiện tại, chẳng đến các tội cùng chẳng tội, không có lậu và vô lậu, không có trần lao sân hận, không có hữu vi và vô vi, không có sanh tử và Niết bàn, tất cả đều chẳng đến mới gọi là thọ ký ».

Hỏi :

« Nếu không chỗ đến thì ai được thọ ký ? ».

Đáp :

« Không chỗ đến ấy mới gọi là đến ».

Hỏi :

« Nếu không ngô ngã thì ai được thọ ký ? ».

Đáp :

« Người thọ ký và người được thọ ký đều bình đẳng, bổn tế không có hai, không có khác ».

Hỏi :

« Nếu không bổn tế, thì ai được thọ ký ấy ? ».

Đáp :

« Bổn tế không sanh, cũng không diệt, không có hai. Do bổn tế ấy mà ngày nay được thọ ký ».

Hỏi :

« An trụ bổn tế nào mà được thọ ký ? ».

Đáp :

« An trụ nơi tự nhiên, bổn tế không hai, bổn tế không ngã, không nhơn, không thọ mạng, an trụ nơi tự nhiên mới gọi là được thọ ký ».

Hỏi :

« Ngô ngã bổn tế an trụ chỗ nào ? ».

Đáp :

«An trụ nơi đức Như Lai an trụ ».

Hỏi :

« Không chỗ hay biết là biết chỗ nào? ».

Đáp :

« Chỗ hay biết ấy, là không chỗ biết ».

Hỏi :

« Nếu không chỗ bảo nói là không chỗ nói, giả sử không chỗ nói thì dạy những gì ? ».

Đáp :

« Dạy không chỗ dạy ».

Hỏi :

« Thế nào là dạy không chỗ dạy? ».

Đáp :

« Tất cả các pháp đều không chỗ dạïy ».

Hỏi :

« Giả sử không chỗ dạy thì làm sao biết đó ? ».

Đáp :

« Giả sử không chỗ dạy thì chỗ biết dường ấy ».

Hỏi :

« Thế nào là dạy chỗ biết ? ».

Đáp :

« Chẳng hỏi chỗ biết ».

Hỏi :

« Thế nào là chẳng hỏi chỗ biết? ».

Đáp :

« Tâm không phóng dật  ».

Hỏi :

« Thế nào là tâm không phóng dật? ».

Đáp :

« Tự về nơi yếu nghĩa».

Hỏi :

« Thế nào là tự về nơi yếu nghĩa? ».

Đáp :

« Chẳng thấy vô nghĩa ».

Hỏi :

« Sao gọi là chẳng thấy vô nghĩa? ».

Đáp :

« Chẳng lấy nơi nghĩa cũng chẳng phải vô nghĩa mới gọi là nghĩa ».

Hỏi :

« Sao gọi là chẳng lấy nơi nghĩa cũng chẳng phải vô nghĩa mới gọi là nghĩa? ».

Đáp :

« Chẳng lấy nơi nghĩa cũng chẳng phải vô nghĩa ấy là đạo nghĩa ».

Hỏi :

« Nếu lấy vô nghĩa thì chẳng thành pháp nghĩa ư ? ».

Đáp :

« Pháp nghĩa ấy sao lại là nghĩa ! Tại sao vậy ? Người xu hướng nơi nghĩa thì là phi pháp, chẳng thành là pháp ».

Hỏi :

« Thế nào là pháp? ».

Đáp :

« Pháp không âm hưởng mới gọi là pháp ».

Hỏi :

« Pháp không âm hưởng sao gọi là pháp? ».

Đáp :

« Nơi pháp ấy không có văn tự mới gọi là pháp. Pháp ấy không chỗ được. Pháp ấy không âm thanh, không ngôn từ ».

Hỏi :

« Sao gọi là chỗ đến? ».

Đáp :

« Như chỗ đến được, đây mới gọi là tất cả không đến. Rời lìa nơi có được, nên gọi là tôi đến được Như Lai. Tu tập các pháp mới có thể đến được. Có thể dứt bặt tâm vô ngã. Tất cả chỗ tuyên bày là ánh sáng của trí huệ. Nhơn nơi văn tự ấy mà tuyên bày công nghiệp của Như Lai. Chẳng lấy không đến, Chẳng lấy sẽ đến ».

Hỏi :

« Chỗ đến ấy, chỗ nào chẳng được ? ».

Đáp :

« Lời nói từ nơi miệng là chẳng được vậy. Lời nói từ nơi miệng, trong tâm dựa theo văn tự thì là chẳng được ».

Hỏi :

« Thế nào gọi là được ? ».

Đáp :

« Không chỗ đến ấy, không chỗ dạy ấy. Không chỗ dạy ấy, biết thì là chẳng tự chẳng biết tha. Chẳng biết tự chẳng biết tha mới gọi là được ».

Hỏi :

« Chẳng được thì cái gì làm căn bổn nó. Còn được thì cái gì làm căn bổn nó ? ».

Đáp :

« Sở thọ là căn bổn ».

Hỏi :

« Cái gì làm căn bổn của sở thọ ? ».

Đáp :

« Chỗ dựa nhờ làm căn bổn ».

Hỏi :

« Cái gì làm căn bổn của chỗ dựa ? ».

Đáp :

« Hư ngụy vọng tưởng làm căn bổn ».

Hỏi :

« Cái gì làm căn bổn của hư ngụy vọng tưởng ? ».

Đáp :

« Trần lao làm căn bổn của hư ngụy vọng tưởng ».

Hỏi :

« Chỗ nào làm căn bổn của hư ngụy vọng tưởng trần lao ? ».

Đáp :

« Luyến trước làm căn bổn ».

Hỏi :

« Những gì làm căn bổn  của luyến trước ? ».

Đáp :

« Sắc thanh hương vị xúc làm căn bổn ».

Hỏi :

« Chỗ gì là cội gốc luyến trước ? ».

Đáp :

« Ân ái kiết tập gọi là cội gốc luyến trước. Ở nơi những chỗ luyến trước ấy mà không luyến mộ thì gọi là không luyến trước  ».

Thưa Ngài Tịch Ý ! Ân ái kiết tập ấy, tìm cầu chỗ luyến trước thì vĩnh viễn không có chỗ luyến trước vậy ».

Lúc đức Phật Thế Tôn thọ ký cho Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ và lại ban tuyên nói lại pháp ấy, trong chúng hội có năm trăm vị Tỳ Kheo được lậu tận ý giải, hai trăm vị Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.

Bấy giờ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ được đức Phật thọ ký cho, sở nguyện đã đủ, chỗ mong đã toại, vui mừng vòng tay thưa : « Bạch đức Thế Tôn ! Ngưỡng vọng đấng Đại Thánh quang lâm đến cõi Khoáng Dã quốc độ Quỷ Vương tại cung xá Mật Tích của tôi thọ trai bảy ngày. Tôi cũng kính thỉnh chư Bồ Tát và chư đại Thanh Văn cùng đến bỉ xá thọ bữa ăn mọn bảy ngày.

Tại quốc độ Khoáng Dã Quỷ Vương, các chúng quỷ thần yêu mî, Càn Thát Bà, Ma Hầu La già và những chúng sanh khác được thấy đức Phật Thế Tôn và chư Hiền Thánh, được nghe kinh pháp tất sẽ được mãi mãi an vui không có các họa hoạn, bèn sẽ bỏ lòng sân hận độc hại trái nghịch.

Tứ Thiên Vương cùng quyến thuộc đến cõi Khoáng Dã Quỷ Vương nếu được thấy đức Như Lai nghe thuyết pháp tất sẽ được an hòa chẳng bị ách nạn ».

Vì lòng xót thương và muốn khai hóa vô số chúng sanh khiến họ vun trồng cội công đức nên đức Phật yên lặng nhận lời thỉnh bảy ngày cúng dường của Mật Tích.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thấy đức Phật yên lặng nhận lời thỉnh của mình, lòng vui mừng hớn hở cúi lạy chưn Phật đi nhiễu bên hữu ba vòng rồi lui đi, bỗng nhiên ẩn mất trở về nước Khoáng Dã nơi cung xá của mình.

Sau khi đến cung xá, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ tự nghĩ rằng :

Tôi nên vì đức Thế Tôn mà trang nghiêm cung điện cho hàng chư Thiên cõi dục cõi sắc được chưa từng có, chư Bồ Tát ở các thế giới mười phương đều vui mừng. Tôi còn nhớ thuở trước một đêm ôm ấp chí nguyện tôn thờ đạo pháp chẳng thể nghĩ bàn, nay cũng sẽ như vậy.

Phương Đông cách đây hằng hà sa quốc độ có thế giới tên là Vô lượng Bửu Đức Tịnh. Đức Phật ở cõi đó hiệu là Tịnh Vương. Tôi nên mượn tòa sư tử cao lớn trang nghiêm thanh tịnh ở cõi ấy.

Lúc ấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nhập tịnh bửu vương tam muội. Liền đó tòa sư tử cao lớn trang nghiêm tốt đẹp như ở quốc độ Vô lượng Bửu Đức Tịnh bỗng nhiên hiện đến nước Khoáng Dã Quỷ Thần Vương. Từ Đông đến Tây hai ngàn bốn trăm tám mươi dặm, từ Nam đến Bắc một ngàn hai trăm tám mươi dặm dùng lưu ly, thủy tinh và xà cừ làm đất. Vô lượng hương thơm rải khắp nơi. Có vô số  lò hương báu đốt hương thù diệu. Rải các hoa trời. Trần thiết bao nhiêu là phẩm vật cực hảo màu sắc đẹp sáng làm vui đẹp lòng người, làm thư thái thân người.

Bốn bên tòa sư tử cao quý trang nghiêm ấy lại tự nhiên có ức trăm ngàn triệu vô số những tòa sư tử : các báu làm chưn làm bao  lơn, vô số thiên y trải lên trên, những hoa sen báu, những trân châu thanh tịnh và các thứ báu đặt khắp trên đất.

Trần thiết vô lượng tòa sư tử cao lớn trang nghiêm thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn như thế xong, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ từ tam muội an tường xuất định, liền trong đêm ấy sắm sửa những thức ăn uống lành ngon.

Trần thiết sắm sửa đã xong tất cả, đêm còn chưa sáng, Lực Sĩ cáo với Tứ Thiên Vương rằng : « Các Ngài nên biết ngày hôm nay đức Thế Tôn sẽ đến cung xá tôi thọ trai thỉnh bảy ngày. Chư Bồ Tát và hàng Thanh Văn cũng cùng đến.

Các Ngài chớ nên phóng dật. Phật rất khó gặp, ức đời mới có. Đều phải nhứt tâm nhàm tục mộ đạo cung kính phụng Phật, để được khỏi sanh tử đến nơi chí đạo, chánh pháp khó được nghe, thời cơ cũng khó được gặp. Ba cõi không cậy được, chỉ có đạo được nhờ như hư không khắp nơi không chướng ngại. Chớ để loạn tâm phóng dật. Nên cùng quyến thuộc cúng dường đức Phật bảy ngày. Chớ dựa nơi thân tâm, nên lấy đạo làm gốc. Chớ theo việc khác mà tổn trái đạo giáo, nên chuyên tinh nhứt tâm cúng dường đức Như Lai. Khiến cho cõi nước của Vương, chư Thổ Địa Quỷ Thần, Càn Thát Bà v.v... đều quy y Phật, kính nghe đạo pháp.

Các Ngài nên rõ, đã thỉnh đức Thế Tôn cúng dường quy mạng rồi siêng nghe đức Thế Tôn thuyết pháp để tuyên bố khắp nơi cho tất cả đều được lợi ích. Như vậy mới gọi là báo đáp ân đức Phật ».

Mật Tích Lực Sĩ có hai người con trai tên là Mật Binh và Thiện Phần.

Lực Sĩ bảo con trưởng Mật Binh rằng : « Ngươi đi bố cáo khắp cả địa thần, hư không thần, trời Tứ Thiên Vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại, lên đến trời Thiên Ma, cho tất cả đồng hay rằng ngày hôm nay đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn sẽ đến cõi nước Khoáng Dã Quỷ Vương tại cung xá Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ thọ thỉnh cúng dường. Chư Bồ Tát và hàng Thanh Văn cũng đồng đến. Ai muốn thấy Phật nghe pháp thì đến dự hội ».

Thái tử Mật Binh lãnh lịnh, giây lát đã truyền rao khắp nơi.

Lực Sĩ lại sai con thứ Thiện Phần dùng thần thông đi bố cáo khắp các cõi trời sắc giới, từ trời Sơ Thiền Phạm Chúng Thiên đến trời Tứ Thiền Sắc Cứu Cánh Thiên, rằng ngày hôm nay đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật sẽ đến thọ cúng dường tại cung xá của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ ở nước Khoáng Dã Quỷ Vương. Ai muốn thấy Phật nghe pháp thì đến dự hội.

Thiện Phần lãnh lịnh, giây lát đã truyền rao khắp trời cõi sắc.

Trong khoảnh khắc sau, chư Thiên cõi dục và vhư Thiên cõi sắc đồng đến dự hội dừng ở hư không ngồi theo thứ tự khắp một khoảng ngang rộng trên dưới đều bốn muôn dặm.

Hội trường đã trần thiết trang nghiêm sắm dọn xong, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ vòng tay hướng về phía đức Phật đang ngự mà bạch vói rằng : « Giờ thọ trai đã đến, xin đức Phật Thế Tôn cùng chư Hiền Thánh chúng quang lâm ».

Lực Sĩ nói kệ rằng :

« Đại Thánh Lưỡng Túc Tôn

Trên hết trong trời người

Nay trai thời đã đến

Thỉnh đức Phật quang lâm

Giới đức như sen nở

Tinh tiến căng tăng trưởng

Tàm quý trên chở che

Đấng tối thắng đoái thương

Kiến lập nơi Thánh đế

Từ bi ban ơn lớn

Không ngã không ngã sở

Đấng Sư Tử đoái thương

Giới hạnh học nghe rộng

Hoa giác ý xinh tươi

Trái giải thoát đầy đủ

Cây thù thắng quang lâm

Công đức lớn hơn biển

Ý Phật sâu lại rộng

Định trong sạch là ý

Hạnh tinh tiến vững mạnh

Từ bi làm đạo tràng

Chuỗi trí huệ trang nghiêm

Bổn huệ sáng mở tỏ

Xin Đại Thánh từ cố

Trí vô động đệ nhứt

Dùng dược thọ chữa bịnh

Học vô học thạnh sáng

Đấng tối thắng quang lâm ».

Đức Thế Tôn thấy Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ bạch đã đến giờ liền bảo đại chúng nên sớm chuẩn bị đắp y cầm bát đến chỗ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ bảy ngày thọ thỉnh.

Trong hàng Thanh Văn và chư Bồ Tát, những vị có thần thông thì tự dùng thần lực đi theo đức Phật, những vị không có thần thông thì đứng vào trong ánh sáng của đức Phật, nương oai thần của đức Phật đều được đi cả.

Lúc đức Phật lên đường, chư Bồ Tát đi trước dẫn đường, chư Thanh Văn đi hầu phía sau, chư Thiên, Long Thần cầm hoa hương kỹ nhạc chầu chực trên không, chư Thiên Nữ nói kệ ca ngợi đức Phật rằng :

« Vui mừng phát quang minh

Âm nhạc tự nhiên vang

Trời mưa các thứ hoa

Chấn động cả thế giới

Phật oai đức rất lớn

Thần thông ba la mật

Phật biến hóa vô hạn

Rất mừng được thấy Phật

Phật cát tường vô lượng

Phật Thần Thánh vô biên

Phật oai nghi vô cùng

Phật công đức vô hạn

Đi đến Linh Thứu sơn

Tại trong tám núi lớn

Bay kên giữa hư không

Vô ngại như nhạn vương


Xem dưới dạng văn bản thuần túy