× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển

Kinh Đại Bảo Tích



Phần 1. PHÁP HỘI TAM TỤ LUẬT NGHI THỨ NHẤT 3

Phật bảo Đại Ca Diếp: “Nếu có Tỳ Kheo hoặc người nào có thể trọn nên pháp đệ nhứt nầy mà cầu pháp vô lậu, thời nên bảo rằng: đối với tất cả pháp, tâm không chỗ trụ.

Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát phải kiên cố tu tập.

Thế nào là kiên cố? Thế nào là tu tập?

Kiên cố là tâm kiên cố và tinh tấn kiên cố.

Thế nào gọi là tâm kiên cố? Bồ Tát nghĩ rằng: cúng dường một đức Phật nhẫn đến cúng dường cả hằng hà sa số chư Phật rồi sau mới phát một niệm cầu Phật đạo, sau đó lại trải qua hằng hà sa số kiếp có một đức Phật hiện ra đời, vì phát hằng hà sa số tâm nguyện nên một lần được thọ thân người, nhẫn đến thọ hằng hà sa số thân người nghe pháp một câu phát trí huệ sáng suốt, được lợi ích lớn nơi đạo Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát nên phát tâm kiên cố như vậy.

Bồ Tát lại dùng nhiều phương tiện để nhiếp lấy trí huệ của Phật, dùng nhiều khổ hạnh để trông cầu, nhiều khổ hạnh để nhiếp thọ Phật trí. Bồ Tát phải có tâm kiên cố như vậy.

Nầy Đại Ca Diếp! Nay Phật vì ông mà nói ví dụ. Những người trí do ví dụ mà được hiểu nghĩa trên đây nói về sự nhờ nhiều khổ hạnh mà có thể được Vô thượng Bồ đề, trải qua hằng hà sa số kiếp không nên thôi nghỉ. Nếu hằng hà sa số kiếp học tập mãi không thôi nghỉ, thời có thể hiện chứng Vô thượng Bồ đề. Bồ Tát nên phát tâm kiên cố như vậy để thêm thế lực sách tấn, vĩnh viễn không rời bỏ đạo Vô thượng Bồ đề.

            Bồ Tát đã phát tâm như vậy, đối với phải chỗ không phải chỗ chẳng nên chấp lấy. Vì chấp lấy thời trở ngại đạo Vô thượng. Nếu Bồ Tát không chấp lấy phải chỗ không phải chỗ thời sớm được Vô thượng Bồ đề.

Nầy Đại Ca Diếp! Ví như có người đem của báu đầy cả Đại Thiên thế giới dùng bố thí. Nếu có người tin và thọ trì kinh điển thuận Bồ đề của Phật nói, thời phước của người này hơn người bố thí kia.

Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát lại có tâm kiên cố, nhẫn đến tâm kiên cố này cũng bất khả đắc. Do đây sự tu hành của Bồ Tát chẳng nên thôi nghỉ.

Bồ Tát phải tu tập nhiều đến bao nhiêu? Tùy có bao nhiêu pháp tu tập. Nếu còn có một niệm không thể thấu rõ thời đều phải tu tập. Vì những pháp tu tập đó không biểu thị được, dầu vậy nhưng là pháp tu tập tối thắng, nghĩa là tâm tánh kiên cố vậy”.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Vô tâm, khởi tâm tưởng
Sẽ có bố úy lớn,
Ta sẽ thành, chẳng thành?
Việc này sẽ thế nào?
Do thường suy thường nghĩ
Kẹt ở nơi một bên
Hủy báng đạo chánh pháp
Nên chẳng được Bồ đề.
Đây là tâm giải đãi
Chẳng phải tướng Bồ đề
Người nầy nghi tất cả
Nghi Phật đến Thanh Văn.
Chẳng tu mà mong cầu
Thánh Hiền các Phật pháp,
Chẳng phải do ngôn thuyết
Thành được quả an lạc.
Cần phải có tin ưa
Mới thành được đại pháp,
Chẳng phải chỉ tâm lường
Mà được pháp thắng diệu.
Do một pháp thành được
Tất cả hạnh đã tu,
Biết thắng pháp kia rồi
Vì Phật nên siêng tu.

Nầy Đại Ca Diếp! Do có thể thành tựu pháp này, Bồ Tát không gần gũi cúng dường chư Phật, tự biết chắc rằng tôi sẽ thành Vô thượng Chánh giác.

Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia có ba pháp tu tập có thể lợi ích đạo Bồ đề: vì nhứt thiết trí nên tin sâu phát nguyện, chẳng đắm trước nghiệp tại gia và giữ chắc năm giới.

Bồ Tát tại gia có đủ ba điều trên thời có thể thành sáu pháp: được báo hiền thánh, chẳng câm, chẳng ngọng, chẳng điếc, nghe pháp mau hiểu, đi đứng đoan nghiêm, lòng tin sâu chắc, nơi pháp thậm thâm chẳng kinh sợ, khi nghe pháp dễ hiểu dễ ngộ và mau được bực bất thối.

Đối với sáu pháp trên đây, phải khéo biết có năm điều chướng: lời ly gián, vọng ngữ, không có chí nguyện, tật đố và đắm trước ngũ dục.

Bồ Tát tại gia lại có ba pháp cần tu hành: thường có lòng muốn xuất gia, nên phải cung kính tôn trọng các bực Sa Môn, Bà La Môn, nếu người thuyết pháp chẳng phải đồng loại thời nên lánh xa, vì chẳng nên học tập theo những pháp tà ngoại chẳng phải Phật đạo.

Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát lại phải tu học ba pháp: thường tùy thuận chư Phật, vì giảng dạy người khác nên tự mình siêng tu hành, tập rèn lòng từ đối với chúng sanh.

Bồ Tát lại phải gần gũi ba pháp: lìa hẳn sự đánh đập, chẳng mắng nhiếc người và ban sự vô úy cho người đương kinh sợ”.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Chẳng gần người hạ liệt
Thấy người chẳng chánh trực
Liền phải gấp lánh xa
Như lánh xa rắn độc.
Chẳng theo học đạo khác
Phi lễ phải xa lìa
Dường như thấy chó điên
Vì phải đọa ác đạo.
Nếu chấp trước theo người
Đồng họ đi đường ác
Nghe pháp “không”  thắng diệu
Phải có lòng thích ưa.
Với Tỳ Kheo không tịch
Nên cung kính tôn thờ
Thêm lớn sự đa văn
Mà được sanh trí huệ.
Bực gần gũi Bồ đề
Mọi người phải kính lễ
Gặp qua để học hỏi
Sớm sanh những căn lành.
Muốn trí huệ thêm lên
Như hoa sen trong nước
Phải nghe nhiều chánh pháp
Căn lành lớn càng thêm.
Do trí huệ thêm nhiều
Có thể dứt hữu lậu
Thành oai đức vô úy
Đại trí rất tinh cần
Vì lợi ích mọi người
Tự mình thành lợi ích,
Người tại gia phải bỏ
Đừøng đánh đập chúng sanh.
Phát tâm cầu Bồ đề
Nơi pháp không thối chuyển,
Thân không bịnh, xinh đẹp
Mọi người điều kính ưa.
Nếu tu tập lòng từ
Thoát khỏi ba ác đạo,
Cõi trời Đao Lợi kia
Hưởng quả vui sung sướng.
Thân trời nếu đã chết
Chẳng sa đọa tam đồ
Sẽ sanh trong loài người
Nơi nhà sang tôn quí,
Thân đoan nghiêm xinh đẹp
Chẳng bị người khinh chê,
Thiên, Long theo hộ trì
Tu hành đúng chánh pháp,
Thọ hưởng nơi thắng diệu
Người kính trọng mến thương,
Giấc ngủ được an lành
Lúc thức lòng an ổn,
Vì chư Thiên ủng hộ
Nên chẳng sợ chẳng kinh,
Pháp rộng lớn trên đây
Nhiều lợi ích như vậy.
Hàng tại gia xuất gia
Lại có lợi ích lớn
Làm nẩy nở trí huệ
Căn lành cho mọi người,
Người sợ làm cho an
Đưa đến Vô thượng quả.
Chỉ cầu nhứt thiết trí
Chẳng mong mỏi cõi trời,
Người này được tương ưng
Chánh đạo cùng chánh huệ,
Vì có căn lành này
Chẳng còn sa ác đạo.
Được trí được tam minh
Khéo học ba vô lậu
Trọn nên những công đức
Như chư Phật đã thành.
Đấng tôn quí trong đời
Mọi người cung kính lễ
Người lễ kính Như Lai
Là bực nhứt trong chúng.
Nếu người còn tại gia
Phát được tâm Vô thượng
Vì họ nói pháp yếu
Ông nên lắng nghe đây.

Nầy Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia phải có ba điều: xa lìa những sự buông lung chơi bời theo thế gian, cho tặng lẫn nhau cùng lựa chọn ngày lành giờ tốt, nên thanh khiết tránh nhận lãnh nhiều và phải nên tinh tấn siêng học chánh pháp.

Hàng tại gia lại phải ba điều: chẳng trở ngại người thuyết pháp, phải khuyến thỉnh người thuyết pháp và thường thắp đèn đuốc.

Và trọn chẳng được làm ba điều này, nếu làm thời sẽ mang thân phụ nữ: chẳng được ngăn trở mẹ đến nghe chánh pháp và ra mắt Tỳ Kheo, chẳng được ngăn trở vợ ra mắt Tỳ Kheo và đi nghe chánh pháp; chẳng được phạm chỗ phi đạo của vợ”.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Nên thường có lòng tin
5Thắp sáng đèn với đuốc
Bèn được đôi mắt Phật
Thanh tịnh không cấu nhơ.
Do nơi mắt thanh tịnh
Rõ các pháp sở tri
Vì rõ được sở tri
Nên biết pháp quá khứ
Biết hiện tại cũng vậy
Chẳng phân biệt vị lai
Không có ba thứ tướng.
Có ba thứ tướng này
Bỏ lìa tướng thứ ba.
Tướng gọi là vô tướng
Đều đồng là một nghĩa.
Phật dầu nói chư căn
Nhưng pháp không căn bản
Nơi đây sanh phân biệt
Thời mất đạo Bồ đề.
Tịnh tu Phật nhãõn rồi
Hiện chứng tất cả pháp
Câu đây là Bồ đề
như vừa rồi khai thị.
Pháp không khai thị được
Cũng không hủy hoại được
Các pháp như hư không
Nên nói là khai thị.
Phật tuyên nói nghĩa này
Để dạy chúng tại gia
Thường thắp sáng đèn đuốc
Được Phật nhãn rõ ràng.
Chẳng chướng người thuyết pháp
Giáo pháp của Thích Ca
Trọn chẳng vào tam đồ
Chẳng mắc sanh manh báo.
Thường hay cầu thỉnh người
Tuyên dương pháp tối thắng
Do sức căn lành này
Chuyển pháp luân Vô thượng.
Nếu có người với mẹ
Ngăn trở nghe pháp lành
Thọ thân nữ xấu xa
Đui gù nhiều tội lỗi,
Chẳng thấy được màu sắc
Cũng chẳng nghe tiếng tăm
Ở nơi chỗ tối tăm
Không khác loài dơi chuột.
Với vợ sanh đố kî
Ngăn trở việc tu hành
Mãn thọ sau khi chết
Sẽ mang thân gái xấu:
Tóc vàng, tròng mắt xanh
Đen điu mắt mù lòa
Chưn què, lòng độc ác
Tai điếc, miệng nhiều lời,

Nhiều tội lỗi như đây

Sớm có thân xấu ác

Do dục nhiễm nhân duyên
Mà bị chồng ghen ghét.

Này Đại Ca Diếp! Tại gia Bồ Tát không nên làm ba điều này: những đồ vật bố thí của người khác không luận nhiều ít tốt xấu, nếu người chủ chẳng mời thỉnh thời chẳng nên đem bố thí, người khác muốn xuất gia chẳng được làm trở ngại, còn người chưa xuất gia nên khuyên bảo xuất gia, thấy người xây dựng chùa tháp nên trợ giúp, chẳng được nhơn việc xây cất mà lạm lấy tiền của hay đồ vật”.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Của cải người bố thí
Không phải chỗ chẳng cho
Chỗ thí chẳng được ngăn
Lạm dụng thời mắc tội
Nên ở trước thí chủ
Vòng tay đứng thẳng ngay,
Trong đây nếu thiếu người
Cung cấp cho tăng chúng,
Phải theo lời thí chủ
Đem công giúp cho người,
Đồ uống cùng món ăn
Nhẫn đến thứ rẻ mọn
Đúng theo lòng thí chủ
Chớ để họ oán hờn.
Nếu ai muốn xuất gia
Hoặc con hoặc quyến thuộc
Bồ Tát nên thuận theo
Chẳng nên làm trở ngại.
Nguyện chúng sanh an lạc
Nguyện đặng chứng Niết Bàn
Bổn nguyện tôi được tròn
Nguyện thuyết pháp vô thượng.
Lúc biết mình có lỗi
Chớ để thân tâm nhơ
Chớ mãi mãi lo rầu
Mà bị phiền não nhiễm.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia lại chẳng nên làm ba điều này: chẳng nên buôn bán người nam người nữ, chẳng nên đem thuốc độc cho người, chẳng nên gần gũi  những người làm các việc trên”.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Chớ buôn bán người nam
Chẳng buôn bán người nữ
Thuốc độc chớ cho người
Người làm phải trnh xa.
Vì làm khổ chúng sanh
Chư Thiên thừng quở trách,
Không luận đến xứ nào
Lòng lo sợ bị hại.
Hằng ngày thêm buồn lo
Nạn khổ bức thân thể
Chết yểu tự diệt vong
Do đây chẳng nên phạm.
Lỗi nầy và tội khác
Phật biết rõ nguyên nhơn
Lược nói một ít phần
Dạy răn chư Bồ Tát.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia lại chẳng nên làm ba điều dưới đây: chẳng nên đến nhà dâm nữ, chẳng nên gần gũi những người mai mối, chẳng ở chỗ hàng thịt sát sanh”.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Chẳng đến nhà dâm nữ
Nơi nhơ uế buông lung
Người đời sẽ chê bai
Vì gần gũi tệ dục
Đế đó, người trí biết
Ắt quở tách rầy la
Chiêu họa hại thân mình
Do đây thườn chết sớm.
Lại chẳng nên gần gũi
Kẻ mai mối gái trai
Người cưới vợ lấy chồng
Gần họ bị khi dễ.
Nhà sát sanh hàng thịt
Cũng phải chánh chớ qua
Nơi đó người khôn ngoan
Không bao giờ ca ngợi.
Những tội lỗi sâu nặng
Như Lai biết rõ ràng
Vì những người lỗi lầm
Nay Phật nói như thật.
Giáo pháp của Phật dạy
Để tử Phật phải rành
Đúng theo pháp thọ trì
Chỗ tu hành kết quả.
Chúng sanh tu thánh đạo
Mau đến quả Niết Bàn
Phật giảng cho hạng này
Chẳng phải vì người ác.

Này Đại Ca Diếp! Có ba điều Bồ Tát tại gia phải thật hành: ở nhà nên quan sát thân mạng của mình giả tạm như khách; với của cải đã bố thí có quan niệm như được chứa cất, với của cải chưa bố thí xem như xa lìa ta cả trăm do tuần, chẳng có quan niệm chứa của để cho vợ con”.

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

“Thường quan sát sự chết
Mạng tôi chẳng còn lâu
Sản nghiệp cùng của tiền
Nên thí gieo phước đức.
Của chẳng để vợ con
Cũng chẳng vì thân mình
Đem bố thí cho người
Được phước đức bền chắc.
Ân cần cầu Phật đạo
Chẳng sanh lòng cống cao
Nếu rời các pháp lành
Thường mang lấy tổn hại.
Như trẻ thơ đùa giỡn
Ăn chút ít chẳng no
Pháp vị còn mỏng manh
Dầu tin nhưng khó vững.
Nếu tu chẳng dõng mãnh
Cách đạo thiệt xa vời,
Hoằng pháp nếu chẳng thôi
Gọi là pháp rốt ráo.
Nay Phật vì đại chúng
Nói những pháp môn này
Nếu ai hiểu rõ ràng
Là bực nhứt thiết trí.
Dùng trí khéo quan sát
Lòng nhàm lìa nơi thân
Thường chánh niệm tư duy
Thời như đối trước Phật.

Này Đại Ca Diếp! Bồ Tát tại gia thành tựu được ba pháp dưới đây thời chẳng thối chuyển đạo Vô thượng Bồ đề: Cha mẹ chẳng tin Tam Bảo thời làm cho cha mẹ có lng tin, cha mẹ hủy phạm giới pháp thời khuyên cha mẹ giũ giới, cha mẹ tham lam bỏn sẻn thời khuyên cha mẹ bố thí, khen ngợi đạo Vô thượng Bồ đề mà vì người khác thuyết pháp, đây là pháp thứ nhứt được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát tại gia biết rõ đáng cúng dường cùng chẳng đáng cúng dường, cúng dường cho người đáng cúùng, chẳng cúng dường cho người không đáng cúng, dầu chẳng cúng nhưng vẫn có lòng từ đối với họ, đây là pháp thứ hai được chẳng thối chuyển Vô thượng Bồ đề.

Bồ Tát tại gia nhọc nhằn làm ra của cải, chẳng phung phí, chẳng để thất phát, chẳng đem cho bừa bãi, phải nên cất giữ kỹ lưỡng. dầu vậy, nhưng đối với các bực Sa Môn, Bà La Môn thanh tịnh cùng các chúng sanh, vẫn bình đẳng bố thí cúng dường, và không làm chướng ngại những người đồng bố thí. Đây là pháp thứ ba được chẳng thối chuyển Đạo vô thượng Bồ đề”.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy