× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Tựa Thứ Nhất - Phần 3

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định




Đó là những vị đại A La Hán, hàng tri thức trong chúng.

Tức là chỉ hai mươi mốt vị đại A La Hán ở trên. Trong tâm của đại chúng minh bạch là tri, mắt thấy là thức ; tâm, mắt đều minh bạch tức là tri thức. Tri thức là đối với người ngu si mà nói. Người ngu si thì bất tri bất thức (chẳng hiểu biết), người trí huệ là tri thức. Nhưng đạo lý phải nói hai bên, nếu bạn thật bất tri bất thức, đó mới là chân chính trí huệ. Chân chính bất tri bất thức mới chân chính trí huệ. Chân chính bất tri bất thức mới chân chính vô tư vô lự (không suy nghĩ). Được vô tư vô lự thì trí huệ của mình mới hiển hiện được, đó mới là chân chính tri thức trí huệ.

Đại A La Hán thì thọ nhận sự cúng dường của trời người. Nghĩa của A La Hán là : Ứng cúng, sát tặc, vô sinh. A La Hán không những sát tặc (giết kẻ tặc), mà cho đến bất tặc (chẳng phải tặc) cũng giết. Vì cảnh giới của A La Hán thì cho rằng chẳng phải tặc, nhưng cảnh giới của Bồ Tát thì đó là tặc. Cho nên, nếu hồi tiểu hướng đại thì chẳng phải tặc cũng phải giết.

Lại có hai nghìn người hữu học và vô học.

Trong bốn quả Thánh, thì ba quả trước là bậc hữu học, chứng được tứ quả A La Hán mới là bậc vô học. Trong hội Pháp Hoa, bậc hữu học và vô học cộng lại có hai ngàn người. Hai ngàn người nầy lại biểu thị "thập như thị". Mười pháp giới, từ pháp giới địa ngục cho đến pháp giới của Phật, mỗi pháp giới đều có đủ pháp nhân quả thập như thị. Đó là : Như thị tướng (tướng như vầy), như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt (gốc ngọn) cứu kính. Mỗi như thị, lại biến thành mười, mười lại biến thành trăm, trăm lại biến thành ngàn, đó là biểu thị hữu học vô học hai ngàn người.

Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Đề, cùng với quyến thuộc sáu ngàn người tụ hội. Mẹ của La Hầu La là Tỳ Kheo Ni Gia Du Đà La, cũng cùng với quyến thuộc tụ hội.

Ma Ha là lớn. Ba Xà Ba Đề dịch là "Ái Đạo". Vị Đại Ái Đạo Ty Kheo Ni nầy, không những chỉ là dì của Đức Phật mà mỗi vị Phật ra đời, bà ta đều làm dì của Đức Phật, nuôi dưỡng chăm sóc các Ngài trưởng thành. Quyến thuộc kể cả lục thân, bạn bè. Đại Ái Đạo Tỳ Kheo Ni với quyến thuộc sáu ngàn người, thân nhân bạn bè đều ở trong hội Pháp Hoa.
Mẹ của La Hầu La là Gia Du Đà La cũng xuất gia theo Phật, làm đệ tử của Phật, trở thành Tỳ Kheo Ni. Tỳ Kheo Ni cũng có ba nghĩa như Tỳ Kheo là khất sĩ, bố ma, phá ác. Tỳ Kheo Ni Gia Du Đà La cũng cùng với quyến thuộc ở trong hội Pháp Hoa.

Bậc đại Bồ Tát gồm tám vạn người, đều không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, đều đắc được Đà La Ni nhạo thuyết biện tài, chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển, đã từng cúng dường vô lượng trăm ngàn các Đức Phật, ở chỗ các Đức Phật gieo trồng các gốc công đức. Thường được chư Phật ngợi khen, dùng từ để tu thân, khéo vào huệ của Phật, thông đạt đại trí huệ, đến nơi bờ kia, danh đồn khắp vô lượng thế giới, có thể độ được vô số trăm ngàn chúng sinh.

Bồ Tát là tiếng Phạn, nói đủ là Bồ Đề Tát Đỏa. Bồ Đề là giác, Tát Đỏa là hữu tình. Một vị Bồ Tát giác ngộ hữu tình, tức cũng là trong hữu tình Bồ Tát là một vị giác ngộ. Ngài dùng phương pháp đạo lý giác ngộ, đi giác ngộ những hữu tình khác. Ngoài ra, còn có hai tên gọi khác là chúng sinh đại đạo tâm, hoặc là Khai Sĩ. Bậc đại Bồ Tát có đầy đủ bảy đại.

1. Đủ đại căn cơ : Căn cơ của Bồ Tát sâu rộng vô cùng. Ngài gieo trồng gốc công đức, từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, đã trồng xuống căn lành sâu rộng quảng đại, căn lành nầy gọi là gốc công đức. Căn lành Ngài trồng xuống nhiều vô lượng vô biên, cho nên nói là gieo trồng các gốc công đức. Hơn nữa chẳng phải chỉ trồng căn lành ở nơi một vị Phật, hai vị Phật, ba, bốn, năm vị Phật, mà là giống như trong Kinh Kim Cang có nói : "Ở nơi vô lượng bô biên trăm ngàn vạn ức vị Phật, nhiều như số cát sông Hằng, đều đã từng gieo trồng các căn lành." Ở trước vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vị Phật, nhiều như số cát sông Hằng, đều đã từng gieo trồng các căn lành.

2. Đủ đại trí huệ : Ngài phát đại bồ đề tâm rộng độ tất cả chúng sinh, tuy độ khắp tất cả chúng sinh, nhưng chẳng chấp tướng độ chúng sinh, đó tức là đại trí huệ. Trong Kinh Kim Cang có nói :"Loài sinh bằng trứng, bằng thai, bằng ẩm ướt, bằng biến hóa, loài có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng, ta đều khiến cho vào Vô Dư Niết Bàn mà diệt độ. Diệt độ như vậy vô lượng vô số vô biên chúng sinh, mà thật chẳng có chúng sinh nào được diệt độ." Chẳng có một chúng sinh nào là Phật độ, mà chúng sinh đều tự độ vậy. Nghĩa là : tuy nhiên độ chúng sinh mà chẳng chấp tướng độ sinh. Chẳng giống như chúng ta làm được một việc gì tốt thì tuyên dương :"Tôi độ được bao nhiêu người xuất gia, tôi độ được bao nhiêu người phát tâm tin Phật, hoặc là người nào đó là do tôi độ, người nào đó là do tôi giới thiệu để tin Phật." Đó là chấp trước tướng. Vì sao chấp tướng ? Vì ngu si. Người có đại trí huệ thì chẳng chấp tướng. Bồ Tát thì lìa tất cả tướng, tức là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề. Nếu không lìa tướng thì chẳng phải là Bồ Tát.

3. Tin đại pháp : Đại pháp tức là pháp đại thừa. Bạn phải tin sâu pháp môn đại thừa thật tướng, tin sâu nhân quả, tin sâu trí huệ Bát Nhã. Phật pháp như biển cả, chỉ có niềm tin mới vào được. Nếu bạn thiếu niềm tin, thì dù Phật pháp rộng lớn, cũng không thể độ bạn được. Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói :

"Tin là nguồn gốc mẹ công đức,
Nuôi lớn tất cả các căn lành."


Căn lành từ đâu đến ? Từ niềm tin đến, từ niềm tin sinh ra, cho nên tin là mẹ của tất cả công đức. Đại Bồ Tát tin sâu tất cả đại pháp, diệu pháp vô thượng, nhất là đối với bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy, Ngài đặc biệt tin sâu coi trọng.

Chúng ta có đại tín tâm chân chánh đối với Phật pháp, thì chúng ta cũng là đại Bồ Tát. Trong Kinh Kim Cang có nói :"Cho đến trong một niệm sinh niềm tin thanh tịnh, thì phước đức ấy thắng hơn dùng bảy báu bố thí ba ngàn đại thiên thế giới." Công đức của một niềm tin thanh tịnh của bạn, đồng như dùng bảy báu để bố thí cho tất cả thế giới, mà Đức Như Lai hoàn toàn biết tâm niệm nầy của bạn, không thể khiến cho luống qua. Cho nên chúng ta là người học Phật pháp, đều phải đem niềm tin chân chánh ra, mới có thể đắc được sự tương ưng.

4. Hiểu đại lý : Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói : Tin, hiểu, hành, chứng. Do đó, hiểu đại lý thì phải y chiếu tín tâm, trước hết phải tin, sau mới hiểu, rồi thực hành, cuối cùng sẽ chứng đắc. Đại lý là gì ? Tức là minh bạch tất cả chúng sinh vốn là Phật, tức cũng là :"lý tức Phật" ở trong "sáu tức Phật". Nói theo lý, thì mỗi chúng sinh đều là Phật, nhưng phải tu hành mới thành Phật được. Nếu không tu hành mà cứ nói mình là Phật thì chẳng ích gì. Ví như bạn tự phong làm vua, suốt ngày tự hô : Ta là hoàng đế ! Ta là hoàng đế ! Nhưng chẳng có văn võ bá quan đến bảo hộ bạn, chẳng có nhân dân để chi trì, nếu chẳng có, bạn chỉ là hoàng đế trống rỗng, có ích gì ? Cho nên, theo lý mà nói thì tất cả chúng sinh vốn là Phật, nhưng phải tu hành mới trở về nguồn cội được, nhận thức bộ mặt thật vốn có của mình. Tại sao phải minh bạch chúng sinh vốn là Phật ? Vì trí huệ thật tướng không lìa tâm chúng sinh, đều đầy đủ trong mỗi tự tính của chúng sinh, cho nên phải hiểu đại lý.

5. Tu đại hạnh : Đại Bồ Tát siêng tu lục độ vạn hạnh : Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.

A. Bố thí : Gồm bố thí tài, bố thí pháp, bố thí không sợ hãi.

a. Bố thí tài, lại có : nội tài (đầu, mắt, tủy, não), và ngoại tài (ngai vàng, vợ con). Hành Bồ Tát đạo là chẳng có tướng ta, chẳng có tướng người, cho nên Bồ Tát xả bỏ tất cả, bố thí cho mọi người.

b. Bố thí pháp, tức là thuyết pháp lợi sinh, vì Chúng sinh mà thuyết giảng Phật pháp. Cho nên người học Phật pháp, đều phải học tập giảng Kinh thuyết pháp, để thuyết giảng cho mọi người nghe. Nếu biết chút ít thì nói chút ít, biết nhiều thì nói nhiều, tùy theo sự hiểu biết của mình, mà giảng giải cho người nghe, đó tức là bố thí pháp, dùng pháp để bố thí giáo hóa chúng sinh.
c. Bố thí không sợ hãi, tức là nếu có người gặp hoàn cảnh bất như ý hoặc tai nạn, trong tâm sợ hại âu lo, mà lúc đó bạn an ủi họ, khiến cho họ tiêu trừ hết tất cả sợ hãi lo âu, tâm được yên ổn.

B. Trì giới : Giới có : năm giới, tám giới, mười giới, mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo Ni.

C. Nhẫn nhục : Là phương pháp hữu dụng nhất, nếu bạn nhẫn nhục được, thì giống như lượm được báu vật vậy. Có câu chuyện nầy tôi đã từng nói qua : Có vị tu hành, tu hạnh nhẫn nhục ghi câu "Tính của tôi như tro", dáng lên ở trước cửa. Ý nghĩa câu đó là : tính của vị đó chẳng còn lửa, chưa bao giờ nóng giận. Vị tu hành nầy, ngày đêm tinh tấn dụng công, tính tình tu rất nhu hòa.
Lúc đó, có vị Bồ Tát đến khảo nghiệm đạo hạnh của vị đó. Bồ Tát đến trước cửa của vị đó hỏi :"Mấy chữ nầy là chữ gì ?" Đáp :"Tính như tro." Lát sau, Bồ Tát trở lại hỏi nữa :"Tấm đó biên cái gì vậy ? vì tôi chẳng nhớ rõ." Đáp : "Tính như tro." Cứ như thế trở lại hỏi mấy lần, cuối cùng vị tu hành nổi lửa sân lên, lớn tiếng la lớn :"Tính như tro ! Tính như tro ! Ông có nghe không ! Ông có nghe không ! Cứ đến nhiễu loạn sự tu hành của tôi." Bồ Tát cười nói :"Té ra tro vẫn còn lữa." Nói xong vọt thân lên hư không biến mất. Bạn biết vị Bồ Tát nầy là ai chăng ? Đó là Bồ Tát Quán Thế Âm đến khảo nghiệm ông ta, kết quả tu mấy chục năm tính như tro nhưng vẫn còn lửa. Trước khi Bồ Tát Quán Âm đi có nói :"Ngươi hãy tiếp tục tu hành, hai mươi năm sau ta sẽ đến nữa." Do đó, đủ thấy nhẫn nhục là việc cực đoan chẳng dễ dàng, quan trọng nhất là chẳng còn nóng giận.

D. Tinh tấn : Gồm thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Thân tinh tấn là : Lạy Phật, tụng Kinh, trì Chú .v.v., ngày đêm sáu thời đều tinh tấn dụng công, một phút một giây cũng không giải đãi phóng dật. Chân chánh dụng công chẳng phải cứ giả bề mặt bên ngoài, mà là tự mình chân thật dụng công, đừng ở trước mặt đại chúng tạo tác, giả vờ. Tâm tinh tấn là luôn luôn siêng tu giới, định, huệ, diệt trừ tham, sân, si.

E. Thiền định : Tham thiền đả tọa thì phải cần tinh tấn để trợ giúp, có tinh tấn thì tất có nhẫn nại ; có nhẫn nại tất tu được công đức, tham thiền đả tọa nhập định. Nếu chẳng tinh tấn, một nóng mười lạnh, tu một ngày, nghỉ mười ngày, thì vĩnh viễn cũng chẳng đắc được thiền định.
F. Bát Nhã : Bát Nhã là quan trọng nhất, người tu hành phải có trí huệ, thiếu trí huệ thì rất khó tu hành. Người có trí huệ thì bất cứ lúc nào cũng đều dụng công, thấy gì cũng đều là trí huệ, do đó : "Thuý trúc hoàng hoa vô phi Bát Nhã". Nghĩa là : Trúc xanh hoa vàng đâu chẳng phải là Bát Nhã trí huệ. Giống như tôi có một đệ tử nói với tôi : "Sư huynh nào đó khi nói chuyện với con thì mắng con". Mắng ai ? Đó chẳng phải là ngu si chăng ! Nếu bạn có trí huệ thì y mắng bạn mà bạn không nhận sự mắng nầy, thì sự mắng nầy trở về y ! Ví như có người ngửa mặt lên trới phun nước miếng, nước miếng chẳng bao lâu lại trở về mặt mình, hoặc là bạn có thể xem như người đó, vì mình mà ca hát, hoặc là nói tiếng ngoại quốc, như thế thì việc lớn sẽ hóa nhỏ, việc nhỏ chẳng còn nữa, đó mới là thật sự có trí huệ. Đừng trách cứ rằng : Y mắng chưởi tôi. Cứu kính : Tôi lại là ai ? Bồ Tát chẳng có tướng tôi, chẳng có tướng người, chẳng có tướng chúng sinh, chẳng có tướng thọ mạng, như vậy còn cái tôi chăng. Người xuất gia phải sớm trừ khử cái tướng tôi, đừng để nó tồn tại sẽ có chướng ngại.

Bồ Tát còn phải quét sạch ba tâm : Tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai. Tâm quá khứ : quá khứ đã qua rồi, cho nên tâm quá khứ không thể đắc được. Tâm hiện tại : nếu bạn nói bây giờ là hiện tại, nhưng từng sát na trôi qua không ngừng, cho nên tâm hiện tại cũng không thể đắc được. Tâm vị lai : vị lai thì chưa đến, do đó tâm vị lai cũng không thể đắc được. Nếu bạn đã thấu rõ ba tâm không thể đắc được, thì còn có gì để chấp trước, không chấp trước tất cả, tức là đắc được giải thoát, được tự tại thật sự.

Bồ Tát lại có bốn pháp nhiếp : Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.

Bố thí : Bồ Tát phải luôn luôn có tâm bố thí, bố thí khắp cho tất cả chúng sinh.

Ái ngữ : Bồ Tát chẳng có tướng ta, cho nên đối với tất cả chúng sinh thường sinh tâm thương xót, xem chúng sinh như chính mình, chẳng có chút phân biệt ta người. Bồ Tát tự độ độ tha, đối với bất cứ chúng sinh nào, cũng đều dùng lời dịu dàng ôn hòa để đối xử.

Lợi hành : Tất cả chúng sinh đều thích sự lợi ích, cho nên Bồ Tát thường làm việc lợi ích cho chúng sinh.

Đồng sự : Bồ Tát hóa thân trăm ngàn ức, thấy thân gì độ được họ, thì hiện ra thân đó để độ họ. Khi Đức Phật hành Bồ Tát đạo, thì vì muốn độ một bầy nai mà hóa thành thân nai để giáo hóa chúng, đó là một trong những đồng sự.

Hành Bồ Tát đạo thì khó hành mà hành được, khó xả mà xả được, khó nhẫn mà nhẫn được, khó nhường mà nhường được. Đó là những điều kiện tu hạnh Bồ Tát phải có.

6. Trải qua đại kiếp. Một kiếp tức là mười ba vạn chín ngàn sáu trăm năm. Một ngàn kiếp hợp lại làm một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp làm một trung kiếp, bốn trung kiếp làm một đại kiếp. Vậy Bồ Tát phải tu bao nhiêu kiếp ? Ba đại A Tăng Kỳ kiếp. A Tăng Kỳ là tiếng Phạn dịch là "vô lượng số". Cho nên làm Bồ Tát chẳng phải là việc dễ dàng, phải trải qua ba vô lượng số đại kiếp thời gian mới thành đại Bồ Tát.
7. Cầu đại quả : Bồ Tát cầu đại quả gì ? Ngài cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức là thành Phật.

Cho nên đại (Ma ha tát) đầy đủ bảy đại ý nghĩa nầy. Trong hội Pháp Hoa nầy có bao nhiêu vị đại Bồ Tát ? Có tám vạn người. Tám vạn người nầy đều đắc đại đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, do đó con đường nầy chỉ tiến về trước, cho nên nói : Đều không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Có ba bất thối chuyển.

1. Vị bất thối : Bồ Tát đại thừa không thối lùi về quả vị nhị thừa.

2. Niệm bất thối : Đại Bồ Tát luôn luôn nghĩ nhớ hành Bồ Tát đạo, tu lục độ vạn hạnh, niệm niệm hướng về trước mà chẳng lui về sau, chưa từng nghĩ : Tôi không hành Bồ Tát đạo, mà làm tự liễu hán ! Bồ Tát không bao giờ khởi ý niệm như thế.

3. Hành bất thối : Bồ Tát tinh tấn không giải đãi, chỉ có tiến chứ chẳng có lùi.

"Đều đắc được Đà La Ni nhạo thuyết biện tài". Đà La Ni là tiếng Phạn, dịch là "tổng trì". Tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa. Còn gọi là "giá trì", hoặc là Chú. Đà La Ni là sinh thiện diệt ác, che (giá) ác, giữ (trì) thiện, nghĩa là : không làm các điều ác, làm các điều lành, và nghĩa là giới, đại đồng tiểu dị, bất quá giữ giới luật thì bạn tự mình giữ gìn, Đà La Ni thì trì tụng Chú, sức lực của Chú trợ giúp cho bạn dứt các điều ác, sinh các điều lành. Đà La Ni có rất nhiều thứ, Bồ Tát đều đắc được, và còn đắc được nhạo thuyết biện tài, cũng có thể nói là đắc được Đà La Ni nhạo thuyết biện tài.

"Chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển". Chuyển bánh xe pháp là gì ? Bồ Tát thường chuyển bánh xe pháp, tức là chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển. Ví như hiện tại chúng ta giảng Kinh thuyết pháp, hoặc phiên dịch Kinh ra tiếng Anh, tiếng ngoại ngữ khác, hoặc giới thiệu Phật pháp cho mọi người đều biết, đó đều là chuyển bánh xe pháp. Tất cả những công việc hoằng pháp, đều gọi là chuyển bánh xe pháp. Cho nên, chúng ta là Phật giáo đồ, đều phải coi công việc chuyển bánh xe pháp là trách nhiệm của mình, đem hết khả năng ra làm. Hơn nữa, hiện tại là thời đại khoa học, có máy in, máy đánh chữ, chúng ta lợi dụng những công cụ nầy, lưu truyền rộng rãi những bản Kinh đã dịch ra tiếng ngoại quốc, khiến cho mỗi người đều có phần, đó tức là chuyển bánh xe pháp, khiến cho Phật pháp chảy mãi không ngừng, vĩnh viễn không dứt. Khi tôi còn thiếu thời tại Đông Bắc Trung Quốc, học Phật pháp chẳng bao lâu thì thích nhất là in Kinh Phật, in ra mấy trăm mấy ngàn bộ. Mỗi khi vào dịp lễ hoặc ngày sinh nhật của thân nhân bạn bè, thì tôi đều biếu cho họ làm quà, khiến cho họ sinh ra cảm hứng đối với Phật pháp, đó là tôi chuyển bánh xe pháp bất thối trước kia. Hy vọng mỗi người đều tận hết khả năng lưu truyền Phật pháp, khiến cho bánh xe pháp chuyển mãi không ngừng.

Đại Bồ Tát cúng dường vô lượng chư Phật, ở nơi các đạo tràng của chư Phật trải qua vô lượng kiếp, vun bồi các gốc công đức lành. Bạn thường cúng dường Tam Bảo, tức là vun bồi gốc rễ đức hạnh của chính mình. Cho nên, tám vạn vị đại Bồ Tát nầy, thời khắc luôn luôn đều được chư Phật tán thán ca ngợi :"Thiện nam tử ! Ông hành Bồ Tát đạo bất thối chuyển, thật tốt thật không sai !"
Đại Bồ Tát dùng tâm từ bi giáo hóa chúng sinh, tu dưỡng thân mình. Các Ngài khéo đắc được trí huệ của Phật, thông đạt đắc được đại trí huệ, cho nên đến được bờ kia. Nếu đắc được đại trí huệ thì đến được bờ kia (Ba La Mật). Danh hiệu của tám vạn đại Bồ Tát nầy, vang khắp trong vô lượng thế giới, tất cả chúng sinh thường nghe thường niệm thường biết. Trong tất cả vô lượng vô biên thế giới, Bồ Tát độ giáo hóa vô số trăm ngàn chúng sinh.

Tên của các Ngài là : Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Đại Thế, Bồ Tát Thường Tinh Tấn, Bồ Tát Bất Hưu Tức, Bồ Tát Bảo Chưởng, Bồ Tát Dược Vương, Bồ Tát Dũng Thí, Bồ Tát Bảo Nguyệt, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Mãn Nguyệt, Bồ Tát Đại Lực, Bồ Tát Vô Lượng Lực, Bồ Tát Việt Tam Giới, Bồ Tát Bạt Đà Bà La. Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Bảo Tích, Bồ Tát Đạo Sư .v.v… các vị đại Bồ Tát như vậy, gồm tám vạn người tụ hội.

Tám vạn vị đại Bồ Tát có tám vạn danh hiệu, nếu kể ra hết thì bộ Kinh Pháp Hoa nầy sẽ quá dài, cho nên chỉ đề ra mấy vị đại Bồ Tát đứng đầu trong số đó làm đại biểu.

Bồ Tát đại biểu đứng đầu có Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi. Văn Thù Sư Lợi là tiếng Phạn, dịch là "Diệu Đức", "Diệu Cát Tường". Vị Bồ Tát nầy trí huệ rộng lớn vô cùng, tư cách cũng già nhất. Trong quá khứ, Ngài sớm đã thành Phật, hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật, thành Phật rồi Ngài ẩn lớn hiện nhỏ, hành Bồ Tát đạo giáo hóa chúng sinh, trợ giúp Phật hoằng dương giáo hóa. Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quán Âm, Bồ Tát Phổ Hiền, Bồ Tát Địa Tạng là bốn vị Đại Bồ Tát. Bồ Tát Văn Thù ở tại núi Ngũ Đài, là đạo tràng Ngài thường hiển hiện. Thần thông diệu dụng của Ngài thật không thể nghĩ bàn.

Lão Hoà Thượng Hư Vân đã từng phát nguyện đi ba bước lạy một lạy, từ Nam Hải núi Phổ Đà lạy đến núi Ngũ Đài cầu sự cảm ứng của Bồ Tát Văn Thù, khiến cho Ngài cũng đắc được đại trí. Lộ trình ba bước một lạy dài khoảng năm sáu ngàn dặm, bạn nói phải lạy bao lâu mới xong ? Là một đoạn thời gian rất dài, nếu muốn biết tỉ mỉ thì hãy xem quyển Hư Vân Lão Hoà Thượng Niên Phổ, hoặc là Họa Truyện. Trong đó có một đoạn như thế nầy : Tức là Ngài Hư Vân lạy đến sông Hoàng Hà, thì vào lúc mùa đông tuyết xuống quá nhiều, mới tá túc cạnh bờ sông trong một cái sạp để tránh tuyết rơi, trải qua mấy ngày tuyết từ từ bớt dần, Ngài cũng đói rã rượi, gần như sắp chết. Lúc đó có một vị ăn mày đến, lấy cỏ che chung quanh cái sạp, nổi lửa nấu cháo gạo vàng, dâng cho Hoà Thượng dùng. Ăn xong thì hồi phục sức lại, Ngài Hư Vân mới hỏi vị ăn mày tên họ và từ đâu đến. Vị ăn mày nói :"Họ Văn tên Cát, đến từ Ngũ Đài, ai cũng đều biết tôi." Sau đó vị ăn mày này mang hành lý cho Ngài Hư Vân, Ngài Hư Vân thì ba bước một lạy rất là thuận tiện.

Trên đường đi, có khi vào chùa tá túc, nhưng Hoà Thượng trong chùa chuyên môn khinh khi vị ăn mày nầy, lại mắng Ngài Hư Vân :"Ông lễ lạy thì lễ lạy, sao còn dẫn kẻ ăn mày đi theo !" Ngài Hư Vân bị người mắng chưởi, còn vị ăn mày lại càng bị người mắng chưởi, thậm chí không cho vị ăn mày ngủ ở trong chùa, bị đuổi ra khỏi chùa. Vị ăn mày nói với Ngài Hư Vân :"Từ đây còn cách núi Ngũ Đài chẳng bao xa, tôi đi về trước, ông từ từ đến, hành lý của ông chẳng bao lâu sẽ có người mang lên núi cho ông." Quả nhiên giữa đường, Ngài Hư Vân gặp một vị quan đánh xe ngựa, giúp Ngài mang hành lý đến núi Ngũ Đài, còn Ngài Hư Vân thì ba bước một lạy. Khi đến núi Ngũ Đài, mới hỏi các vị Hoà Thượng của núi Ngũ Đài, có biết một vị ăn mày tên là Văn Cát chăng ! Nhưng chẳng có ai biết, sau đó mới kể cho một vị Tăng nghe, thì vị Tăng chắp tay lại nói : "Đó là hóa thân của Bồ Tát Văn Thù !" (Văn là Văn Thù, Cát là Diệu Cát Tường).

Ngài Hư Vân lạy Bồ Tát Văn Thù, được sự cảm ứng của Bồ Tát Văn Thù đến giúp đỡ Ngài. Ngài với Bồ Tát ở chung khá lâu nhưng cũng chẳng biết, kết quả sau nầy mới biết là Bồ Tát Văn Thù hiển thánh, thế mà chẳng nhận ra. Cho nên, chỗ diệu của Bồ Tát Văn Thù thật không thể nghĩ bàn. Vì chỗ diệu của Ngài, nên hóa thành một kẻ ăn mày. Nếu Ngài biến thành một ông trưởng giả giàu hoặc đánh xe ngựa đến giúp đỡ Hoà Thượng cũng có thể. Nhưng Ngài không làm như thế ! Ngài cũng nguyện theo Hoà Thượng chịu khổ. Cho nên, đó là đại trí đại huệ của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.
Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là vị Bồ Tát rất đặc thù, khi Ngài ra đời thì có mười điều cát tường phát sinh, chẳng giống các vị Bồ Tát khác. Bồ Tát Văn Thù là bậc đại trí huệ, có bạn sẽ hỏi :"Vậy Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng là bậc đại trí huệ, giữa Bồ Tát Văn Thù và Ngài Xá Lợi Phất có gì khác biệt ?" Trí huệ của Bồ Tát Văn Thù là thật trí, trí huệ đại thừa, còn trí huệ của Tôn Giả Xá Lợi Phất là quyền trí, trí huệ tiểu thừa.

Sau đây là mười điều cát tường phát sinh khi Bồ Tát Văn Thù ra đời.

1. Quang minh đầy phòng. Quang minh nầy sáng hơn bất cứ ánh sáng đèn gì, đại biểu đại trí huệ của Bồ Tát.

2. Cam lồ đầy sân. Cam lồ là một thứ nước bất khả tư nghì, có thể trị lành đủ thứ bệnh, nếu ai uống được thì chẳng bị uy hiếp về khổ sinh, già, bệnh, chết.

3. Đất vọt lên bảy báu. Bảy báu là : vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Tại sao bảy báu vọt lên ? Vì Bồ Tát Văn Thù đã tu lục độ vạn hạnh hết sức cứu kính viên mãn, cho nên Ngài đến đâu cũng đều cảm ứng châu báu từ duới đất xuất hiện.

4. Thần thông khai mở bảo tàng. Sức đại thần thông của Bồ Tát Văn Thù, khiến cho đất nứt ra mà lộ ra bảo tàng ẩn náu ở dưới đất, đây chẳng giống đất vọt lên bảy báu, như điều thứ ba ở trên, ở đây đất nứt xé ra mà hiển lộ ra bảo tàng.

5. Gà sinh phụng hoàng. Điềm nầy càng chẳng tầm thường so với điềm vừa rồi ở trên. Kì thật, gà chỉ sinh gà, nhưng vì Bồ Tát Văn Thù ra đời là việc phi thường đặc thù, cho nên trứng gà nở ra phụng hoàng (phụng hoàng là thần của loài chim).

6. Heo sinh rồng con. Điềm cát tường nầy, càng hi kỳ ít thấy hơn gà sinh phụng hoàng. Nếu bạn đã cảm thấy quá bất khả tư nghì, thì hãy xem mấy điềm dưới đây nữa.

7. Ngựa sinh kì lân. Kì lân, thân nai đuôi bò, một sừng. Ngựa mà sinh kì lân là điều hiếm có trên đời.

8. Bò sinh bạch trạch. Bạch trạch là tên của loài thần thú, biết nói. Là mội loài thần thú hiếm có vô cùng mà cát tường, chẳng giống bò cũng chẳng giống ngựa.

9. Thóc biến thành vàng. Các bạn nghĩ có kì dị chăng ? Có những người cho rằng thật là quá kì dị, cho nên không tin. Nếu bạn không tin là vì bạn chẳng minh bạch. Nếu bạn minh bạch thì chẳng có nghi vấn gì, trước kia chắc chắn bạn chưa nghe qua những việc nầy, cho nên làm sao bạn tin được. Bất quá, thế giới nầy quá rộng lớn, mà những gì chúng ta thấy nghe đều có hạn, vì chúng ta chưa nghe qua những hiện tượng kì dị nầy, khi thóc chuyển biến thành thóc bằng vàng rồi, thì không thể làm vật ăn nữa, nhưng đó chỉ là số ít.

10. Voi đủ sáu ngà. Thông thường chúng ta chỉ biết voi có hai ngà. Nhưng khi Bồ Tát Văn Thù ra đời, thì voi đều mọc ra sáu cái ngà, bạn nói đó có kì dị chăng ?

Có vị cư sĩ hỏi :"Tại sao voi đủ sáu ngà ?" Sáu ngà là tượng trưng cho sáu độ (lục độ), voi là đại biểu cho vạn hạnh.

Đó là mười điềm cát tường hiển hiện khi Bồ Tát Văn Thù ra đời, đó cũng là biểu hiện Ngài thuyết pháp biện tài vô ngại. Bồ Tát Văn Thù trí huệ đệ nhất trong chúng Bồ Tát, đầy đủ dũng mãnh thật trí, thuyết pháp viên dung vô ngại. Nếu như các bạn nghe được Bồ Tát Văn Thù thuyết pháp, thì các bạn sẽ thấy sự giảng pháp của tôi còn thua Ngài xa lắm, vì chẳng cách chi so sánh được. Hoặc có bạn sẽ nói :"Chúng con rất thích Hoà Thượng giảng pháp, chúng con cảm thấy Hoà Thượng giảng rất là hay." Nhưng nếu quý vị nghe được sự giảng pháp của Bồ Tát Văn Thù, thì sẽ biết không thể sánh với Ngài được.

Bồ Tát Quán Thế Âm. Danh hiệu của Ngài là Quán Tự Tại. Quán Thế Âm là quán sát âm thanh của thế gian. Chúng ta đều biết Ngài, vì Ngài từ bi nhất, như tình thương của người mẹ ban cho chúng sinh tất cả sự mong cầu. Do đó, tại Trung Quốc có câu liễu rằng : Nhà nhà Quán Âm, cửa cửa Di Đà Phật. Bồ Tát Quán Thế Âm là đệ tử lớn của Phật A Di Đà. Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây phương thế giới Cực Lạc. Bên trái của Ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm, bên phải của Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí. Đó là Tây phương Tam Thánh. Khi Phật A Di Đà hết làm giáo chủ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm lên thay thế làm giáo chủ, sau đó khi Bồ Tát Quán Thế Âm hết làm giáo chủ, thì Bồ Tát Đại Thế Chí lên thay thế làm giáo chủ.

Vì Bồ Tát Quán Thế Âm, thường hóa hiện vô lượng số thân hình để cứu độ khổ nạn của chúng sinh, cho nên Ngài có danh hiệu là Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài dùng ngàn con mắt chiếu soi chúng sinh trôi nổi trong biển khổ, cho nên dùng ngàn tay để cứu vớt chúng sinh lìa khỏi biển khổ, khiến cho họ đến nơi yên ổn an vui.

Phẩm thứ hai mươi lăm trong Kinh Pháp Hoa là Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát, chuyên nói về thần lực không thể nghĩ bàn của vị Bồ Tát nầy, chúng ta sẽ nghiên cứu về phẩm nầy sau.

Bồ Tát Đắc Đại Thế, tức là Bồ Tát Đại Thế Chí. Mỗi khi vị Bồ Tát nầy cất bước đi, thì ba ngàn đại thiên thế giới đều phát sinh sáu thứ chấn động, đó là nguyên nhân Ngài được danh hiệu là Đắc Đại Thế Bồ Tát. Sáu thứ chấn động là gì. Tức là : Động, dũng, khởi, chấn, hống, thanh. Sức mạnh của những sự chấn động nầy phát khởi, thì dù bom đạn mạnh hết sức của thời đại hiện nay, cũng không thể sánh bằng, bất quá những thứ chấn động ấy, chẳng phải như vũ khí tân thời sẽ phá hủy tiêu diệt tất cả vạn vật. Sáu thứ chấn động nầy chẳng tổn hại tơ hào đến bất cứ vật gì.
Bồ Tát Đắc Đại Thế, còn gọi là Bồ Tát Vô Biên Quang Sí Thân, vì ai thấy được quang minh một lỗ chân lông của vị Bồ Tát nầy, thì giống như thấy được quang minh thanh tịnh vi diệu của chư Phật Như Lai trong mười phương.

Bồ Tát Thường Tinh Tấn. Thường nghĩa là chưa từng thối lui. Tinh tấn gồm có thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Vị Bồ Tát nầy tu hành tinh tấn chưa từng ngừng nghỉ. Ngài siêng tu vạn hạnh để giáo hóa chúng sinh, dũng mãnh tinh tấn phi thường. Ngài chẳng giống như chúng ta, vừa mới tiến hành một kế hoặch gì, nếu gặp khó khăn thì thối thất bỏ qua. Bồ Tát Thường Tinh Tấn chưa từng ngủ nghỉ, luôn luôn nỗ lực công việc. Ngài có thể trải qua thời gian dài vô lượng kiếp, thử đi giáo hóa một chúng sinh, trợ giúp cho họ phát đại bồ đề tâm. Ngài giáo hóa chúng sinh nầy, có thể dùng vô số pháp môn, đem hết khả năng và thời gian, hoặc có khi cũng chẳng cách chi cứu độ họ. Tuy nhiên như thế, nhưng Bồ Tát Thường Tinh Tấn chưa từng mệt mỏi hoặc thối thất nghị lực. Cho nên chúng ta muốn cứu độ chúng sinh, nên học theo vị Bồ Tát nầy. Nếu một đời nầy độ không được người nào đó, thì chúng ta hãy phát tâm đời sau nhất định phải độ họ, hoặc là đời sau nữa, đời sau sau nữa cũng phát tâm như thế, cho đến khi thành công mới thôi.
Nói về phương diện khác, nếu bạn chú ý đến có người nào đó thường theo bạn, thử đến giáo hóa hướng dẫn bạn, thì bạn hãy lập tức nghe lời sự dạy dỗ hướng dẫn của họ và sinh đại tín tâm. Người đó có khả năng tức là Bồ Tát Thường Tinh Tấn, không sợ phiền não nguyện lực mà trải qua đời đời kiếp kiếp thử giáo hóa cứu độ bạn ! Bạn không nên không nghe lời sự khuyên dạy của họ !
Tâm tinh tấn nghĩa là tâm chưa từng sợ thối lùi, chưa bao giờ nghĩ : Khó quá ! Bạn cũng chẳng cảm thấy giáo hóa người khác là khốn khổ. Thường tinh tấn tức là siêng năng chuyên cần không thối tâm.

Bồ Tát Bất Hưu Tức. Bạn sẽ nghĩ : "Thường tinh tấn và bất hưu tức có gì khác biệt ? Hai danh từ nầy chẳng phải là tương tợ chăng ? Tại sao chúng ta cần tên khác nhau của hai vị Bồ Tát ?"
Trên thật tế thì chẳng biết có bao nhiêu vị Bồ Tát Thường Tinh Tấn, cũng chẳng cách chi đếm được có bao nhiêu vị Bồ Tát Bất Hưu Tức, các Ngài nhiều vô lượng vô biên. Nói tóm lại, nếu bạn tu tập luôn luôn (dụng công không ngừng), thường tinh tấn thì chính bạn là Bồ Tát Thường Tinh Tấn. Nếu bạn truy cầu nghiên cứu Phật pháp chưa từng nghỉ ngơi, thì bạn cũng là Bồ Tát Bất Hưu Tức.
Vậy các Ngài cứu kính có gì khác nhau ? Tuy nhiên, trên căn bản thì các Ngài giống nhau, nếu như bạn muốn nói về sự khác nhau của các Ngài, thì vị Bồ Tát Thường Tinh Tấn vào dòng sinh tử tiếp tục không ngừng, để cứu độ Chúng sinh. Còn Bồ Tát Bất Hưu Tức, thì trải qua thời gian lâu dài rộng lớn, ở trong dòng sinh tử chưa từng mệt mỏi.

Không mệt mỏi, nghĩa là : Ngài không sợ gian lao khổ nhọc. Nếu lạy Phật hoặc tụng Kinh thì Ngài không vì một chút mệt nhọc mà đi nằm nghỉ. Bất cứ làm gì, Ngài cũng chưa từng nghỉ ngơi. Bồ Tát Bất Hưu Tức bận rộn vô cùng, nhưng Ngài tuyệt đối không than thở, hoặc chẳng có ai thấy Ngài làm việc thiện, Ngài cũng tinh tấn tiếp tục công việc không nghỉ ngơi. Ngài chưa từng rao bán công đức của mình.

Có một số cư sĩ thường đến đây quảng cáo công đức của họ, tuyên dương mình làm được bao nhiêu công đức, hoặc bỏ ra bao nhiêu tiền, những người nầy hoàn toàn trái ngược với Bồ Tát Bất Hưu Tức. Bồ Tát Bất Hưu Tùc, trải qua nhiều đại kiếp như số cát sông Hằng, chưa từng nghỉ ngơi, giải đải, nhiều ngày đầy tháng, nhiều tháng đầy năm, nhiều năm thành trăm ngàn vạn ức kiếp mà Ngài không nghỉ ngơi.

Bồ Tát Bảo Chưởng. Bảo là bảo bối, cũng là pháp bảo. Chưởng là bàn tay. Bồ Tát có khi lấy hạnh môn của Ngài tu mà làm tên, có khi lấy đức hạnh để làm tên, có khi dùng nguyện lực để làm tên. Bàn tay của vị Bồ Tát Bảo Chưởng nầy có đủ thứ pháp bảo. Pháp bảo thứ nhất trên tay của Ngài là Châu như ý, châu như ý nầy là toại tâm như ý, chẳng có sự mong cầu gì mà chẳng được. Tay thứ hai là Quyên tố thủ, tay thứ ba là Bảo bát thủ, thứ tư là Bảo kiếm thủ, thứ năm là Bạt triết thủ, thứ sáu là Kim cang xử thủ, thứ bảy là Thí vô úy thủ, thí vô úy thủ nầy của Ngài, chẳng sợ hãi bất cứ những gì. Vị Bồ Tát Bảo Chưởng nầy, khi tại nhân địa thì tu ngàn tay ngàn mắt của Quán Thế Âm Bồ Tát và bốn mươi hai tay và mắt, cho nên đắc được bảo chưởng. Vì trong bàn tay của Ngài đầy đủ tất cả pháp bảo cho nên gọi là Bồ Tát Bảo Chưởng.

Bồ Tát Dược Vương. Trong Kinh Lăng Nghiêm, hai mươi lăm vị Thánh thuật lại sư chứng đắc của mình, trong đó có Bồ Tát Dược Vương và Bồ Tát Dược Thượng. Vị Bồ Tát nầy có một đoạn nhân duyên như vầy : Trong quá khứ có vị Chuyển luân thánh vương, có một ngàn vị vương tử. Một ngàn vị vương tử cùng phát tâm xuất gia, tức là một ngàn vị Phật của Hiền kiếp nầy. Đức Phật Thích Ca là vị Phật thứ tư trong Hiền kiếp. Vị Chuyển luân thánh vương có riêng một bà thiếp phi, sinh được hai người con, người con lớn phát nguyện muốn hộ trì pháp của một ngàn người anh, khi mỗi một vị Phật ra đời, Ngài đều hộ pháp. Người con thứ hai thấy người anh phát nguyện làm hộ pháp, thì Ngài phát nguyện khi một ngàn người anh thành Phật, thì bất cứ vị nào thành Phật, Ngài đều muốn đến cúng dường Phật trước nhất. Khi Phật trụ thế thì Ngài luôn luôn đến cúng dường. Chẳng phải chỉ cúng dường một người anh, mà là một ngàn người anh thành Phật, thì Ngài đều đến cúng dường. Khi Phật nhập Niết Bàn rồi, đến thời kỳ mạt pháp thì Ngài lại phát nguyện cứu độ chúng sinh, dùng đủ thứ thuốc để chữa bệnh cho chúng sinh. Bất cứ nạn lửa, đao binh, nạn nước, nạn ôn dịch, Bồ Tát Dược Vương đều phát nguyện, đến cứu độ tất cả chúng sinh có những bệnh khổ tai nạn nầy. Đó là nhân duyên quá khứ của Bồ Tát Dược Vương.

Bồ Tát Dược Vương chuyên môn chữa bệnh cho chúng sinh, Ngài không những chữa thân bệnh, mà cũng chữa tâm bệnh cho chúng sinh. Thân tâm của chúng sinh bệnh đều chữa khỏi mới có thể tu hành.

Bồ Tát Dũng Thí. Dũng là dũng mãnh. Thí là bố thí. Bố thí phải có tâm dũng mãnh mới bố thí được, nếu chẳng có tâm dũng mãnh, thì chẳng bố thí được. Trong lục độ vạn hạnh, bố thí là hàng đầu, trong vạn hạnh, lấy lục độ làm chủ thể, lục độ lấy bố thí làm chủ thể. Cho nên, chúng ta hành bố thí, tức là bao quát lục độ vạn hạnh.

Bố thí phải có tâm dũng mãnh, công đức bố thí thật không thể ngĩ bàn. Vì khi bạn bố thí, thì dùng tinh thần không thể nghĩ bàn để bố thí, cho nên quả báo đắc được cũng không thể nghĩ bàn. Chúng ta hành bố thí thì tốt lắm, song, nếu nghĩ đến chính mình rằng :"Nếu mình đem tiền bố thí cho người khác thì con đâu mà mua sắm ? Nếu đem quần áo ra bố thí thì mình lấy gì mặc ? Nếu đem nhà cửa bố thí thì mình lại ở đâu ?" Đó tức là chẳng có tâm dũng mãnh. Một khi mà nghĩ đến cái ta, thì chẳng bố thí đặng. "Nếu đem đồ ăn uống bố thí cho người ta thì mình lại ăn cái gì ?" Nếu nghĩ đến chính mình, thì tâm dũng mãnh tiêu tan mất, hơn nữa cũng chẳng còn tinh thần bố thí. Nhưng Bồ Tát Dũng Thí, khi Ngài bố thí thì chẳng suy nghĩ đắn đo gì cả. Ngài thấy người nào đó gặp khó khăn thì giúp đỡ họ, đem quần áo, đem thức ăn của mình bố thí được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu, nghĩa là làm hết khả năng. Vì Bồ Tát Dũng Thí dũng mãnh nhất về bố thí, dũng mãnh về bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy, cho nên gọi là Bồ Tát Dũng Thí.

Bồ Tát Bảo Nguyệt. Bồ Tát nầy dùng bảo nguyệt làm danh hiệu.

Bồ Tát Nguyệt Quang. Vị Bồ Tát nầy dùng ánh sáng của mặt trăng làm danh hiệu. Ánh sáng của mặt trăng diệt trừ tất cả đen tối ban đêm.

Bồ Tát Mãn Nguyệt. Vị Bồ Tát nầy công đức như trăng rằm. Các vị Bồ Tát trên đây rất nghiêm trì giới luật, do đó : "Nghiêm trì Tỳ ni, hoành phạm tam giới, năng ư quốc độ, thành tựu oai nghi". Tỳ ni tức là giới luật. Các Ngài nghiêm trì giới luật quang minh như bảo nguyệt, viên mãn, làm đại mô phạm cho tam giới, làm khuôn mẫu. Cho nên Bồ Tát Bảo Nguyệt, Bồ Tát Nguyệt Quang, Bồ Tát Mãn Nguyệt, trì giới tinh tấn như trăng rằm, thân miệng thanh tịnh không tì vết.

Bồ Tát Đại Lực. Vị Bồ Tát nầy sức lực mạnh vô cùng, không kém sứ lực của Bồ Tát Đắc Đại Thế.
Bồ Tát Vô Lượng Lực. Bồ Tát Việt Tam Giới. Hai vị Bồ Tát nầy, siêu việt khỏi dục giới, sắc giới, vô sắc giới (tam giới). Làm thế nào siêu việt ? Vì có đại lực, có vô lượng lực. Ba vị Bồ Tát Đại Lực, Vô Lượng Lực, Việt Tam Giới, đều tu cùng một hạnh môn, đó là hạnh môn tinh tấn Ba La Mật, dũng mãnh tinh tấn tiến về trước, cho nên ba danh hiệu đều như nhau. Đại Lực tức là Vô Lượng Lực, Vô Lượng Lực cũng tức là Việt Tam Giới. Nếu các Ngài chẳng có đại lực, vô lượng lực thì cũng không thể siêu việt khỏi tam giới. Tại sao tu tinh tấn Ba La Mật ? Vì đều đắc được đại lực, vô lượng lực, đắc được dũng mãnh siêu việt tam giới. Cho nên các Ngài luôn luôn tinh tấn chẳng giải đãi, đều tiến về trước, đó là nguyên do danh hiệu của ba vị Bồ Tát nầy.

Bồ Tát Bạt Đà Bà La. Bạt Đà Bà La dịch là "Hiền thủ", "Hiền hộ". Hiền Thủ : Vị Bồ Tát nầy đứng đầu trong hiền chúng, làm thượng tọa ở trong chúng Bồ Tát. Ngài là đại Bồ Tát trong chúng Bồ Tát. Hiền Hộ : Ngài là một vị Bồ Tát hộ trì chúng sinh trong Thánh hiền.

Bồ Tát Di Lặc. Ngài còn gọi là Bồ Tát A Dật Đa.

Di Lặc dịch là "Từ Thị". A Dật Đa dịch là "Vô Năng Thắng", chẳng có thiên ma ngoại đạo nào thắng qua Ngài được. Ngài hiện nay ở nội viện cung trời Đâu Suất. Ngài tu từ tâm tam muội, tức cũng là tu nhẫn nhục tam muội, đối với tất cả chúng sinh đều có tâm từ bi, cho nên mỗi chúng sinh nào thấy Ngài đều phát sinh tâm từ bi.

Tương lai Bồ Tát Di Lặc sẽ thay thế Đức Phật, làm giáo chủ cõi Ta Bà nầy. Tương lai khi nào sẽ thay thế ? Có một số ngoại đạo nói : Bồ Tát Di Lặc đã ra đời. Đó là nói lời mộng mị ! Đức Phật Thích Ca nói rất rõ ràng, tại thế giới nầy (Hiền kiếp), mỗi một trăm năm thì thân người giảm xuống một tất, tuổi thọ cũng giảm xuống một tuổi, giảm đến tuổi thọ của con người chỉ còn mười tuổi thì ngừng. Lúc đó lại bắt đầu tăng lên, cũng trải qua một trăm năm thì thân người cao thêm một tất, tuổi thọ cũng tăng thêm một tuổi, đến khi tuổi thọ của con người tám vạn bốn ngàn tuổi thì lại bắt đầu giảm xuống, giảm đến tuổi thọ còn tám vạn tuổi thì Bồ Tát Di Lặc mới xuất hiện ra đời, giáo hóa chúng sinh. Lúc đó, tức cũng là Long Hoa tam hội. Cho nên, hiện tại ngoại đạo chẳng hiểu Phật pháp nói cuồng nói bậy.

Hiện tại tuổi thọ của con người khoảng sáu, bảy mươi tuổi, vậy khi tuổi thọ con người giảm xuống còn mười tuổi, thì bạn tính xem thời gian còn dài bao lâu ? Sau đó mới tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi, lại dài bao lâu ? Sau đó giảm xuống còn tám vạn tuổi thì Bồ Tát Di Lặc mới ra đời. Cho nên những tà môn ngoại đạo cứ nói lời mộng mị.

Bồ Tát Bảo Tích. Vị Bồ Tát nầy tích lũy rất nhiều bảo vật, tích lũy vô lượng vô biên công đức. Công đức cũng như bảo vật, như pháp bảo.

Bồ Tát Đạo Sư. Đạo Sư là gì ? Là thầy dẫn đường. Ngài làm đạo sư dẫn đường chúng sinh, tiếp dẫn chúng sinh, tức là hướng dẫn người trở về con đường chánh, trở về Phật đạo. Hướng dẫn ai ? hướng dẫn người bị đọa địa ngục. Người đọa địa ngục chịu vô lượng sự khổ, chẳng biết phát bồ đề tâm, cũng chẳng biết sám hối. Cho nên, Bồ Tát Đạo Sư dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, để dẫn đường chỉ lối cho họ, dạy họ phát bồ đề tâm, đi trên đường giác ngộ.
"Các vị đại Bồ Tát như vậy tám vạn người tụ hội". Những vị đại Bồ Tát như ở trên đã nói có tám vạn người tụ hội.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy