× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Tựa Thứ Nhất - Phần 2

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định


6. Xá Lợi Phất

Khi Xá Lợi Phất chưa ra đời, thì mẹ của Ngài thường biện luận với cậu của Ngài (Ma Ha Câu Hi La), nhưng đều bị thua. Song, từ khi mang thai Ngài Xá Lợi Phất thì rất là kỳ lạ, tức là mẹ của Ngài biện luận với cậu của Ngài thì ngược lại cậu của Ngài đều bị thua. Cho nên, Ma Ha Câu Hi La biết được cậu bé ở trong thai của chị mình, nhất định là người có đại trí huệ. Tại sao ? Vì ông ta biết trước kia chị của mình đâu có thông minh như thế, mà bây giờ lại thông minh lanh lợi, chắc chắn đứa bé trí huệ đó giúp cho bà ta. Ma Ha Câu Hi La cảm thấy bản lãnh của mình không đủ, nếu tương lai biện luận với cháu của mình mà thua thì mất mặt, do đó ông ta đi về phía nam Ấn Độ tìm thầy học pháp. Ngày đêm chỉ lo chuyên tâm học, chẳng có thời gian để cắt tóc, cạo râu, cắt móng tay, mà để móng tay dài ra, cho nên đa số đều gọi Ngài là "Trường Trảo Phạm Chí" (Ông Phạm Chí móng tay dài).

Khi Ngài học y, bói, xem tướng, chiêm tinh, biện luận .v.v. , xong hết rồi, thì trở về nhà gặp chị của Ngài, tìm Xá Lợi Phất. Song, chị ông ta nói Xá Lợi Phất đã theo Phật xuất gia rồi, ông ta tức khắc sinh tâm kiêu ngạo nói :"Cháu ngoại của ta mới tám tuổi đã đăng tòa thuyết pháp, danh đồn khắp nơi, mấy trăm luận sư đều bị cậu ta luận bại, là cậu bé thông minh như thế, sao lại có thể theo vị Sa Môn xuất gia ? thật là đáng tiếc ! Tôi phải đi gặp vị Sa Môn đó, xem thử ông ta có bản lãnh gì ?" Do đó, Ma Ha Câu Hi La đi gặp Đức Phật, ông ta gặp Đức Phật đem hết phương pháp sở học ra, cũng chẳng cách chi biện luận thắng được Đức Phật, cuối cùng ông ta lập tông với Phật. Phật hỏi ông ta :"Ông lấy gì làm tông ?" Ông ta đáp :"Tôi lấy không thọ làm tông, bất cứ Ngài giảng đạo lý gì, tôi cũng chẳng lý tới, cũng chẳng tiếp thọ, xem thử Ngài có biện pháp gì ?" Phật nói :"Tốt ! Ông lấy không thọ làm tông, vậy ông đã thọ chấp kiến không thọ của ông hay chưa ?" Phật hỏi như vậy, đúng là hỏi ngược lại ông ta ! Nếu nói thọ thì vốn chẳng có tông này, càng trái ngược với mình. Trước khi biện luận, ông ta đánh cá với Phật :"Nếu tôi biện luận thua thì hãy cắt đầu của tôi xuống, nếu Ngài thua thì phải trả lại đứa cháu của tôi". Nhưng khi luận thua thì ông ta bỏ chạy, không muốn cắt đầu, chạy chẳng bao xa thì nghĩ lại :"Mình là nam tử hán đại trượng phu, nói ra thì phải giữ lời, sao lại nuốt lời ? Thôi hãy trở lại chịu cắt đầu !" Do đó chạy lại chỗ đức Phật muốn lấy đao cắt đầu, nhưng Phật nói :"Ở trong Phật pháp của ta chẳng có phương pháp này, ông biện luận thua là người thua cuộc, hà tất phải cắt đầu". Sau đó Phật thuyết pháp cho ông ta nghe, ông ta lập tức khai mở pháp nhãn, đắc được pháp nhãn thanh tịnh, biết Phật pháp áo diệu vô cùng, mà pháp của mình học là pháp ngoại đạo, chẳng bằng một trong vạn phần của Phật pháp. Cho nên, ông ta không những không đòi cháu về, ngược lại cũng theo Phật xuất gia, đó là một đoạn nhân duyên của Ngài Xá Lợi Phất và cậu của Ngài Ma Ha Câu Hi La.

Xá Lợi Phất là tiếng Phạn, dịch là "phu tử", lại gọi là "châu tử" hoặc "phân tử". Vì mẹ của Ngài gọi là "Thu", có cặp mắt rất xinh đẹp như chim Thu, cho nên gọi là Thu. Và mắt mẹ của Ngài cũng giống như hạt châu, cho nên gọi là châu. "Phất" nghĩa là con.

Xá Lợi Phất trí huệ đệ nhất, đồng thời thần thông cũng lớn vô cùng. Có một lần, Ngài Mục Kiền Liên và Ngài so sánh thần thông. Khi Đức Phật đi đến đâu thuyết pháp, thì tất cả các đệ tử đều theo đi nghe pháp. Chỉ có lần đó Ngài Xá Lợi Phất đang vá y, Ngài Mục Kiền Liên bèn giục hối Ngài đi, nhưng giục hối cách nào Ngài cũng khẳng định vá tấm y xong rồi mới đi, do đó Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông khiến cho tấm y xếp lại, Ngài Xá Lợi Phất để tấm y bên phải nói :"Nếu bạn giở nổi tấm y lên, thì tôi sẽ đi với bạn". Ai biết, dùng hết tất cả thần thông, không những không thể giở tấm y lên được, mà tấm y cũng chẳng nhúc nhích tí nào. Bạn thấy trí huệ của Ngài Xá Lợi Phất lớn hơn so với thần thông ! Bổn lai Mục Kiền Liên là thần thông đệ nhất, nhưng so sánh với trí huệ của Ngài Xá Lợi Phất thì đấu không qua Ngài được, đủ thấy trí huệ quan trọng hơn hết, thần thông là thứ yếu.

7. Đại Mục Kiền Liên.

Mục Kiền Liên là tiếng Phạn, dịch là "lai bặc căn" hoặc là "thái thúc thị", tên của Ngài là Tí Lợi Bát (tên một thứ cây), vì cha mẹ của Ngài cầu nguyện với cây Tí Lợi Bát mà sinh ra Ngài, cho nên lấy tên này làm tên, nhân duyên giống như Ngài Ca Diếp.

Tuy nhiên mẹ của Ngài Mục Kiền Liên cầu thần, nhưng không tin Phật, Pháp, Tăng, cũng chẳng cung kính Tam Bảo, mà phỉ báng phá hoại Tam Bảo. Do đó, bà ta chết rồi bị đọa vào địa ngục. Khi Ngài Mục Kiền Liên chứng đắc ngũ nhãn lục thông rồi, bèn quán sát khắp thế giới tìm mẹ của Ngài, thì thấy mẹ của Ngài ở trong địa ngục làm ngạ quỷ, chịu vô lượng thống khổ. Ngài Mục Kiền Liên thương xót buồn rầu, mới mang một bát cơm đến cho mẹ ăn, nhưng cơm vừa tới miệng thì hóa thành lửa than. Tại sao ? Vì mẹ của Ngài tội lỗi sâu nặng, cho nên bất cứ ăn vật gì vào đến miệng của bà ta đều hóa thành lửa, mà ăn chẳng được.

Mục Kiền Liên tuy là thần thông đệ nhất, mà cũng chẳng cách chi cứu được mẹ của Ngài, do đó mới đi tìm đức Phật, khóc lóc nói :"Mẹ của con đọa vào địa ngục làm ngạ quỷ, con mang cơm đến cho bà ăn, nhưng khi cơm đến miệng thì biến thành lửa than, nay con cầu Đức Thế Tôn từ bi thương xót, cứu mẹ của con". Đức Phật nói :"Vì mẹ của con phỉ báng Tam Bảo, tội nghiệp quá nặng, sức của một mình con chẳng thể cứu đặng, nếu muốn cứu mẹ của con thì vào ngày rằm tháng bảy, cũng là ngày Phật hoan hỉ, lúc chư Tăng tự tứ, thiết lễ Vu Lan Bồn để cúng dường mười phương Phật Pháp Tăng, ngày đó, nếu con cúng dường Tam Bảo, thì mẹ của con sẽ lìa khổ được vui". Ngài Mục Kiền Liên nghe rồi, y theo phương pháp của Phật, thiết lễ Vu Lan Bồn để cúng dường Tam Bảo, khiến cho mẹ của Ngài lìa khỏi cảnh khổ trong địa ngục, mà sinh về cõi trời hưởng sự sung sướng.

Cho nên mỗi năm đến ngày rằm tháng bảy, mỗi Chùa đều làm lễ Vu Lan, siêu độ cha mẹ bảy đời và cha mẹ hiện tiền. Có người hỏi :"Nhưng cha mẹ của tôi chưa chết ? Vậy tôi làm thế nào ?" Cha mẹ của bạn chưa chết thì bạn siêu độ cha mẹ bảy đời quá khứ, cha mẹ còn sống cũng được lợi ích thêm phước sống lâu.

Thần thông của Ngài Mục Kiền Liên rộng lớn, là đệ tử Phật có thần thông đệ nhất. Một lần nọ, Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp, đi ngang qua núi Tu Di, gặp một con rồng độc. Con rồng độc này rất đố kị Đức Phật, muốn cản trở đức Phật lên trời thuyết pháp, do đó miệng phun ra cát độc muốn hại chết đức Phật. Nhưng Ngài Mục Kiền Liên dùng thần thông, biến cát độc thành bông tơ mềm mại, làm cho rồng độc tức mình, do đó rồng độc lại hiện thân to lớn, cuộn tròn ba vòng núi Tu Di, Ngài Mục Kiền Liên cũng hiện thân lớn hơn rồng độc, quấn núi Tu Di chín vòng. Rồng độc thấy Ngài Mục Kiền Liên lợi hại hơn nó, nhưng nó vẫn chưa chịu thua. Do đó, Ngài Mục Kiền Liên bèn biến thành con trùng nhỏ, chui vào trong bụng rồng độc cắn ruột dạ dầy của nó đau đớn vô cùng, chịu hết nổi, rồng độc cũng chẳng còn thần thông gì khác để chống chọi, cho nên chịu thuần phục quy y Phật, do đó, đủ thấy thần thông của Ngài Mục Kiền Liên rộng lớn vô cùng.

Ngài Mục Kiền Liên tức cũng là Bồ Tát Địa Tạng Vương, vì thấy mẹ của Ngài thọ khổ, mà không nỡ thấy tất cả chúng sinh thọ khổ, do đó Ngài phát nguyện muốn làm Bồ Tát Địa Tạng Vương, vào địa ngục cứu giúp chúng sinh thọ khổ, lìa khổ được vui, Ngài phát nguyện rằng :

"Địa ngục chưa trống không,
Thề không thành Phật.
Chúng sinh độ hết, mới chứng bồ đề".


8. Ma Ha Ca Chiên Diên.

Ma Ha nghĩa là "lớn". Ca Chiên Diên dịch là "văn sức". Văn chương của Ngài rất sinh động, xuất sắc vô cùng. Ngài còn có tên là Phiến Thằng (sợi dây), vì khi Ngài được sinh ra chẳng bao lâu, thì cha của Ngài qua đời, do đó mẹ của Ngài muốn cải giá, nhưng có cậu bé Ca Chiên Diên này giống như sợi dây trói buộc bà ta, nên không thể tùy ý cải giá. Ngài còn gọi là Hảo Kiên, vì hai bắp vai của Ngài nhìn trông rất đẹp. Lại có cái tên nữa là Tư Thắng vì tư tưởng của Ngài nhạy bén hơn người.
Ngài Ca Chiên Diên khéo về thuyết pháp, bất cứ giảng về đạo lý gì, Ngài cũng đều đưa ra rất nhiều đạo lý, khiến cho người nghe tâm vui mừng kính phục, cho nên trong mười đệ tử lớn của đức Phật, Ngài là người luận nghị đệ nhất.

Một lần nọ, có một vị ngoại đạo chuyên nói về đoạn kiến, gặp được Tôn Giả hỏi rằng :"Phật giáo các Ngài nói : người chết rồi còn có đời sau, nhưng đạo của tôi nói : người chết rồi chẳng có đời sau, tôi có lý do để bác Ngài. Ngài nói người chết rồi lại có đời sau, còn đi thọ khổ, nhưng theo chỗ tôi biết thì những người chết rồi, vốn chẳng có ai về nói họ thọ khổ gì, như vậy làm sao có đời sau ? Cho nên tôi nói người chết như đèn tắt, nhất định chẳng có đời sau".

Ngài Ca Chiên Diên đáp :"Người không trở về, giống như người phạm tội bị người ta bắt đi nhốt vào ngục tù, họ còn có thể về nhà chăng ? Những người đọa vào địa ngục cũng như thế !"
Vị ngoại đạo lại nói :"Nhưng những người sinh lên cõi trời, tôi cũng chẳng thấy có người nào trở lại, ở trong địa ngục không được tự do, thì không thể trở về, đó còn có lý do để nói, chứ đằng này sinh lên cõi trời là tự do, sao cũng chẳng thấy họ trở về ?"

Ngài Ca Chiên Diên nói :"Người được sinh lên cõi trời, giống như người từ hầm phân bò lên, dùng nước tắm rửa sạch sẽ rồi, họ còn muốn bò xuống hầm phân nữa chăng ?"

Vị ngoại đạo lúc đó bí lối câm mồm chẳng nói được gì. Ngài Ca Chiên Diên lại nói tiếp :"Một ngày một đêm trên trời Đao Lợi, là một trăm năm ở nhân gian của chúng ta. Ông hãy nghĩ xem, những người sinh về cõi trời ít nhất họ cũng phải nghỉ ngơi, dọn dẹp đâu đó cho gọn gàng mọi việc, cũng phải mất vài ba ngày, tức là nhân gian khoảng hai ba trăm năm. Lúc đó, thì ông đã chết mất, xương cốt chẳng còn, thì ông còn biết họ trở lại chăng ?" Đến đây vị ngoại đạo chẳng còn gì để nói. Cho nên, Ngài Ca Chiên Diên là người luận nghị đệ nhất. Bất cứ đạo lý gì đều có thể giảng, đầu đầu thì đạo, thao thao bất tuyệt, khiến cho người nghe thấm nhuần vị đạo.

9. A Nậu Lâu Đà.

Vị Tôn Giả này tức là Tôn Giả Không Nghèo, còn gọi là A Na Luật. Trong vô lượng kiếp về trước, Ngài từng cúng dường cho một vị Bích Chi Phật, nhưng lúc cúng dường Ngài không biết vị đó là Bích Chi Phật. Nguyện lực của vị Bích Chi Phật đó là : bảy ngày mới xuống núi một lần, hóa duyên bảy nhà, nếu bảy nhà không có ai cúng dường, thì Ngài chẳng hóa duyên nữa mà trở về núi. Vốn bảy ngày vừa qua, Ngài chẳng khất thực được gì, mà lần này cũng như thế, do đó vị Bích Chi Phật lại phải ôm bát không trở về núi, vì đời sống của người dân lúc đó rất khó khăn khổ sở, đâu có thức ăn dư mà bố thí cho người xuất gia. Ngài A Nậu Lâu Đà lúc đó là người nông dân nghèo, mỗi ngày làm ngoài đồng rất vất vả mà ăn cơm rất đạm bạc. Buổi trưa hôm ấy, Ngài thấy vị Tỳ Kheo già chẳng khất thực được gì, bèn sinh tâm cảm động nói : "Ngài là người xuất gia tu đạo gặp lúc thất mùa đói khát, chẳng có cơm ăn, thật là đáng thương. Ngài không hiềm cơm canh đạm bạc thì con dâng cúng cho Ngài".

Vị Bích Chi Phật nói :"Ông chịu bố thí cho tôi thật là tốt, tôi sẵn sàng nhận sự cúng dường của ông, nhưng ông lấy gì để ăn ?" A Nậu Lâu Đà nói :"Hôm nay con không ăn cũng không sao". Do đó, vị Bích Chi Phật thọ trai xong rồi, bèn hiển thần thông hiện mười tám thứ biến hoá, nói :"Ta đã thọ sự cúng dường của ông, sau này đời đời kiếp kiếp ông sẽ chẳng còn nghèo khổ nữa". Vị Tỳ Kheo hồi hướng cho ông rồi, Ngài A Nậu Lâu Đà tiếp tục làm việc, chẳng bao lâu trong rẫy chạy ra một con thỏ. Con thỏ rất kỳ lạ, nhảy nhót đùa giỡn chung quanh rồi chạy lên vai Ngài A Nậu Lâu Đà không chịu xuống. Ngài A Nậu Lâu Đà lấy xuống mà không cách chi gỡ xuống được, mới trở về nhà, kêu vợ của ông ta cầm con thỏ xuống. Cầm xuống thì con thỏ sống đã biến thành con thỏ bằng vàng óng ánh sáng chói, do đó ông ta bèn chặt cái chân trước để đi bán lấy tiền, nhưng cái chân bị chặt chẳng bao lâu lại mọc ra như cũ. Cho nên, từ đó về sau Ngài A Nậu Lâu Đà không những đời này trở thành phú ông giàu có, mà cho đến chín mươi kiếp cũng đều vinh hoa phú quý.
Đó là A Nậu Lâu Đà cúng dường cho vị Bích Chi Phật mà đắc được quả báo không nghèo.

A Nậu Lâu Đà thích nhất là ngủ, có một lần đức Phật đang giảng Kinh thuyết pháp mà Ngài ngủ gục, bị Phật quở trách, Ngài A Nậu Lâu Đà hổ thẹn vô cùng, mới phát tâm tinh tấn dũng mãnh không ngủ. Bảy ngày bảy đêm không ngủ, mắt bị lòa. Đức Phật thương xót mới dạy Ngài tu Tam muội Kim Cang Chiếu Minh. Không lâu, Ngài đắc được thiên nhãn thông, thấy rõ ba ngàn đại thiên thế giới, như thấy trái Am Ma La trong lòng bàn tay. Trong số đệ tử của đức Phật Ngài A Nậu Lâu Đà là người có thiên nhãn đệ nhất.

10. Kiếp Tân Na.

Cha mẹ của Ngài Kiếp Tân Na đã bốn năm mươi tuổi mà chưa có con, do đó mới đến miếu thờ vì sao thứ tư trong Nhị Thập Bát Tú để cầu con. Tâm thành sở chí, cảm ứng linh nghiệm, chẳng bao lâu hạ sinh một đứa con, do nhân duyên đó cho nên đặt tên là "Phòng Tú". Tôn giả Kiếp Tân Na tức là vì sao thứ tư đó. Trong số đệ tử của Phật, Ngài là người tinh thuật học (giỏi về chiêm tinh) đệ nhất.

11. Kiều Phạm Ba Đề.

Vị Tôn giả này có động tác rất là kỳ quái, tức là mỗi khi ăn cơm xong, thì giống như bò gặm cỏ, trong mồm cứ nhai nuốt không ngừng, cho nên gọi là Ngưu Từ Tôn Giả, lại gọi là Ngưu Vương. Vì Ngài có tập khí này, cho nên Đức Phật sợ người đời thấy Ngài mà sinh hủy báng, sẽ bị đọa lạc, do đó mới kêu Ngài lên sống ở trên cõi trời, thọ nhận chư thiên cúng dường. Tại sao Ngài có tập khí này ? Vì quả báo ác khẩu (chửi mắng). Vô lượng kiếp về trước, khi Ngài còn là chú tiểu Sa Di, đã từng khinh mạn chửi mắng một vị Bích Chi Phật già, ăn cơm như bò gặm cỏ, tuy vị Bích Chi Phật khuyên Ngài lập tức sám hối, song, Ngài chẳng hổ thẹn chút nào, ngược lại còn bôi bác nói :"Sám hối cái gì ? Tôi đâu có giống ông như thế !" Do chửi mắng khinh khi như thế, cho nên chết rồi đọa làm bò năm trăm đời, về sau được chuyển làm thân người, nhưng không tránh khỏi hình tướng tập khí làm bò, ăn rồi vẫn giống như bò gặm cỏ. Đó là vì quá khứ đã phỉ báng vị Bích Chi Phật. Do đó, cử chỉ hành động gì chúng ta đều phải cẩn thận, kiểm thảo phản tỉnh chính mình, đừng tùy tiện phỉ báng khinh khi phá hoại người khác.

12. Ly Bà Đa.

Ly Bà Đa là tiếng Phạn, là vì sao thứ bảy trong Nhị Thập Bát Tú, cha mẹ của Ngài cũng cầu sao mà được con. Ngài còn có tên là "Giả Hòa Hợp", trước khi chưa xuất gia, Ngài nghèo khổ vô cùng, có lần đến ngủ ở trong miếu hoang. Ban đêm có hai con quỷ, một lớn một nhỏ đến kéo theo một thây người chết. Hai con quỷ gặp Ngài hỏi rằng :"Ê ! Ngươi muốn chúng ta ăn thây chết này, hay là ăn ngươi !" Ngài Ly Bà Đa chẳng đếm xỉa gì đến bọn chúng, do đó hai con quỷ thương lượng, con quỷ lớn thì ăn thây chết, con quỷ nhỏ thì xé từng bộ phận của Ngài Ly Bà Đa đắp vào thây chết. Chẳng bao lâu, con quỷ lớn ăn hết thây chết, đầu mắt tay chân đều bị con quỷ nhỏ đem ráp vào thây chết. Lúc đó, Ngài kinh hãi vạn phần :"Toàn thân của tôi đã bị quỷ xé rách ra, bây giờ tôi chẳng còn thân thể nữa, làm sao đây ?"

Ngài lập tức chạy về xóm làng, thấy người bèn hỏi :"Tôi có thân thể chăng ? Xin nói cho tôi biết !" Nhưng ai cũng đều cho rằng Ngài bị điên. Lát sau, Ngài gặp một nhóm hoà thượng lại hỏi rằng :"Các vị có thấy tôi có thân hay không ?" Trong số hoà thượng đó có vị đã chứng quả A La Hán, biết có thể độ Ngài xuất gia mới nói :"Thân người vốn là giả mà chẳng tự có, nếu ông tu hành chứng quả, đắc được tự tính quang minh, thì đó mới là chân thật không giả, ông có hay không có nhục thân này lại có quan hệ gì ?" Ngài nghe như vậy rồi bèn theo vị Hoà Thượng đó xuất gia, chẳng bao lâu thì Ngài khai ngộ. Vì Ngài bị quỷ xé thân ăn, ngộ được lý thân người giả hợp, cho nên có tên là "Giả Hoà Hợp".

13. Tất Lăng Già Bà Tha.

Tất Lăng Già Bà Tha dịch là "Dư Tập", vì Ngài chưa trừ khử sạch hết tập khí nhiễm ô nhiều đời nhiều kiếp. Có một lần, Ngài đi qua sông thì kêu thần sông ngưng nước lại đừng chảy, vị thần sông nầy là người nữ, do đó Ngài nói :"Tiểu tì, ngưng chảy." Vì Ngài đã chứng quả A La Hán có thần thông. Tuy nhiên nói như thế, nhưng thần sông cũng không dám không nghe chỉ thị của Ngài, song, trong tâm rất bực bội, nhưng chẳng dám nói ra. Tình hình như thế xảy ra nhiều lần, nữ thần sông không còn nhẫn nhịn được nữa bèn đi lên gặp Đức Phật nói :"Đức Thế Tôn ! Ngài có vị đệ tử hiệu là Tất Lăng Già Bà Tha, vị đó chẳng tôn trọng con chút nào, mỗi lần đến bờ sông của con thì nói :"Tiểu tì, ngưng chảy. " Nói lời như thế thật là vô lễ, thật chẳng có lễ độ đối với người." Đức Phật nói đợi vị ấy về thì sẽ bảo vị ấy xin lỗi với thần sông. Chẳng bao lâu, Tôn Giả trở về, đức Phật nói với Tôn Giả :"Con qua sông Hằng thì tại sao gọi thần sông : "Tiểu tì, ngưng chảy." Đó thật là vô lễ, phải mau xuống xin lỗi với vị thần ấy." Do đó, Ngài Tất Lăng Già Bà Tha đến bờ sông, chắp tay lại cười hì hì nói :"Ê ! Tiểu tì, đừng giận !" Nói như vậy càng làm cho thần sông bực mình. Thần sông bèn nói với Đức Phật :"Ngài thấy đó ! Đang ở trước mặt Ngài mà Tôn Giả nầy vẫn còn kêu con như thế." Đức Phật nói :"Con không biết đâu ! Năm trăm đời về trước, con là tôi tớ của Tôn Giả Tất Lăng Già Bà Tha, Tôn Giả kêu con "tiểu tì" đã quen rồi, bây giờ tuy con làm thần sông, nhưng tập khí của Tôn Giả vẫn chưa thay đổi. Vì các con có quan hệ chủ tớ như thế, cho nên Tôn Giả bây giờ vẫn cứ gọi con là tiểu tì." Thần sông nghe Đức Phật nói như thế thì mới vỡ lẽ. Cho nên Tôn Giả Tất Lăng Già Bà Tha tập khí nhiều đời nhiều kiếp vẫn còn, cho nên gọi là "dư tập".

14. Bạc Câu La.

Tên của Tôn Giả nầy dịch là "Thiện Dung", đó là vì tướng mạo của Tôn Giả đoan nghiêm trang trọng. Tôn Giả trong vô lượng kiếp về trước, chuyên tu giới không sát sinh. Ngài chuyên môn tu giới nầy, không những biểu hiện bên ngoài chẳng phạm giới, mà nội tâm bên trong cũng thanh tịnh trong sạch, chẳng khởi ý niệm giết hại. Vì giữ gìn cẩn thận, cho nên cảm ứng được năm thứ quả báo hại không chết.

Khi Ngài vừa mới sinh ra thì đã biết nói, vui vẻ tươi cười nói :"Cha mẹ, cha mẹ." Rất kháu khỉnh dễ thương, nhưng cha mẹ sợ hãi hoảng hốt, cho rằng Ngài là yêu ma quỷ quái chuyển thế. Do đó, mẹ của Ngài sinh tâm độc ác đem bỏ Ngài vào lò nấu muốn nấu chín Ngài. Nhưng nấu mãi mà không chết, mà còn cười cho rằng là trò chơi. Mẹ của Ngài nói :"Thằng nầy là yêu quái chẳng sợ lửa, nhưng chắc chắn sẽ sợ nước." Do đó, đem bỏ Ngài xuống sông cũng không chết.

15. Ma Ha Câu Hi La.

Tên của Tôn Giả nầy dịch là "Đại tất" (đầu gối to), vì đầu gối của Ngài rất lớn. Ngài là cậu của Ngài Xá Lợi Phất, trước khi xuất gia Ngài biện luận với Đức Phật, đánh cuộc rằng :"Nếu ta thua thì hãy chém đầu ta, nếu ta thắng thì ta sẽ dẫn cháu về." Cuối cùng Ngài biện luận thua, nhưng Phật không cần chém đầu Ngài mà thuyết pháp độ cho Ngài xuất gia. Ngài Ma Ha Câu Hi La biện tài vô ngại, là người biện tài đệ nhất. Ngài với Tôn Giả Bạc Câu La đều là thường tùy chúng của Đức Phật (Chúng luôn luôn đi theo Đức Phật).

16. Nan Đà.

Đức Phật có ba đệ tử đều gọi là Nan Đà : Nan Đà, A Nan Đà, Tôn Đà La Nan Đà. Vị Nan Đà nầy là chỉ vị Phóng Ngưu Nan Đà (Nan Đà chăn bò), dịch là "Thiện Hoan Hỉ". Vì Ngài hỏi đức Phật mười một việc chăn bò, biết đức Phật đầy đủ Nhất Thiết Trí mới theo Phật xuất gia, chứng được quả A La Hán. Ngài rất thông minh, có âm thanh tuyệt vời.

17. Tôn Đà La Nan Đà.

Tên của Tôn Giả nầy lấy theo tên vợ của Ngài (Tôn Đà La) mà làm tên, vì Ngài thương mến lưu luyến vợ của Ngài. Tôn Đà La dịch là "hảo ái" hoặc là "đoan chánh", tướng mạo của vợ Ngài là tuyệt thế giai nhân, là người đẹp nhất trong xứ Ấn Độ. Do đó, Ngài Tôn Đà La Nan Đà rất thương yêu vợ vô cùng. Khi đức Phật thấy Ngài nhân duyên đã chín mùi, muốn độ Ngài xuất gia (Ngài là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật). Nhưng Ngài chẳng bỏ được người vợ xinh đẹp, cho nên chẳng muốn xuất gia. Do đó, đức Phật dùng phương tiện pháp môn. Một ngày nọ, đức Phật vào vương cung khất thực, muốn Ngài ôm bình bát của đức Phật về Tinh Xá Kỳ Hoàn, nhưng Ngài bước từng bước mà không muốn rời xa vợ, song chẳng dám từ chối mạng lệnh của anh mình (đức Phật), do đó giải thích với vợ nguyên nhân phải ra đi. Tôn Đà La nhổ nước bọt trong lòng bàn tay nàng, hạn định Tôn Giả Nan Đà phải trở về trước khi nước bọt khô, nếu không thì cô ta sẽ không mở cửa cho Tôn Giả Nan Đà vào.

Tôn Giả hứa sẽ trở về liền, không ngờ đến Tinh Xá Kỳ Hoàn rồi, Phật không cho Tôn Giả về mà muốn Tôn Giả xuất gia, do đó xuống tóc cho Tôn Giả. Tuy nhiên đã xuất gia nhưng hằng ngày Tôn Giả đều muốn tìm cơ hội trốn về nhà, vì Tôn Giả chưa xả bỏ đặng nàng Tôn Đà La !

Đức Phật thấy Tôn Giả luôn luôn buồn rầu không vui, mới đưa Tôn Giả lên núi đi du ngoạn. Đến trên núi thấy bầy khỉ đùa giỡn, đức Phật bèn hỏi :"Con hãy so sánh bầy khỉ nầy với nàng Tôn Đà La ai đẹp hơn ? " Tôn Giả nói :"Đương nhiên nàng Tôn Đà La đẹp hơn, bầy khỉ xấu xí làm sao sánh với nàng Tôn Đà La." Đức Phật nói :"Con thật là thông minh, biết phân biệt đẹp xấu, được rồi, chúng ta trở về." Trở về, Tôn Giả nhớ vợ không ngui, tuy nhiên luôn luôn muốn trốn đi nhưng chẳng có cơ hội.

Phật thấy Tôn Giả buồn bã không vui, lần nầy Phật đưa Tôn Giả lên các cõi trời du ngoạn, thấy thiên cung thật đẹp đẽ trang nghiêm, lại có một thiên cung, bên trong có rất nhiều tiên nữ xinh đẹp tuyệt trần. Đức Phật hỏi Tôn Giả :"Con thấy những vị tiên nữ nầy đẹp hay là nàng Tôn Đà La đẹp hơn ?" Tôn Giả nói :"Đương nhiên là tiên nữ đẹp hơn, nàng Tôn Đà La sánh với tiên nữ cũng giống như khỉ sánh với nàng Tôn Đà La, nàng Tôn Đà La sao có thể sánh với tiên nữ được !" Tôn Giả thấy những tiên nữ đẹp mà chẳng thấy chủ nhân, do đó mới hỏi tiên nữ :"Ai là chủ nhân của các vị ?" Tiên nữ đáp :"Chủ nhân của chúng tôi là em của đức Phật, là Tôn Giả Tôn Đà La Nan Đà. Bây giờ anh ấy đang theo đức Phật tu đạo, đời sau anh ấy sẽ sinh về cung trời nầy, chúng tôi sẽ hầu hạ anh ấy." Tôn Giả nghe như vậy tâm mừng rỡ vô cùng, nghĩ rằng :"Có những tiên nữ xinh đẹp như thế sẽ hầu hạ mình, mình nhất định phải dụng công tu hành."

Lần nầy trở về, Tôn Giả đã hoàn toàn quên nàng Tôn Đà La, mà chỉ nhớ đến các tiên nữ. Cho nên Tôn Giả thay đổi thái độ trước kia, ngược lại rất tinh tấn dụng công tu hành, nhưng đức Phật biết Tôn Giả chỉ muốn tu để sinh về cõi trời làm chủ nhân của các tiên nữ. Do đó, một ngày nọ, đức Phật đưa Tôn Giả đi xuống địa ngục xem cho biết. Đến địa ngục thấy cảnh trạng thật thê thảm hãi hùng, nào là : núi đao, chảo dầu sôi, hầm lửa, đủ các thứ địa ngục, khiến cho người thấy toát mồ hôi, toàn thân run sợ ! Cuối cùng đến địa ngục nọ, thấy có hai con quỷ giữ chảo dầu sôi mà chẳng thấy có ai ở trong đó, bèn hỏi quỷ rằng : "Sao trong chảo dầu sôi nầy chẳng thấy có ai ?" Quỷ đáp :"Anh không biết đâu, chảo dầu sôi này để dành cho em của đức Phật tức là Tôn Giả Tôn Đà La Nan Đà, bây giờ đã theo Phật xuất gia tu đạo, nhưng chỉ muốn tu để hưởng phước cõi trời, sau khi hưởng thụ hết phước cõi trời thì Tôn Giả sẽ đọa vào địa ngục, đợi Tôn Giả sẽ vào chảo dầu sôi nầy." Tôn Giả nghe rồi thì toàn thân toát ra mồ hôi run lập cập nghĩ :"Không xong rồi, nguyên lai chảo dầu nầy chuẩn bị dành riêng cho ta, biết làm sao ?" Sau đó, Phật đưa Tôn Giả trở về nhân gian, vì Tôn Giả mà nói về pháp môn : Khổ, không, vô thường, vô ngã. Lúc đó Tôn Giả tinh tấn dụng công tu hành chẳng bao lâu chứng được quả A La Hán.

Tuy nhiên ban đầu Tôn Giả rất thương nhớ vợ, nhưng từ khi thấy các vị tiên nữ quá xinh đẹp hơn vợ, thì Tôn Giả chẳng còn nhớ vợ nữa. Một khi biết được khổ ở địa ngục thì mới chân chánh phát tâm tu hành. Nếu không biết khổ ở địa ngục, thì Tôn Giả chưa chịu phát tâm tu hành.

18. Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử.

Phú Lâu Na dịch là "Mãn", là tên cha của Ngài. Di Đa La Ni dịch là "Từ", là tên mẹ của Ngài. Nghĩa của tên là Mãn Từ Tử. Khi Ngài vừa ra đời, thì chư thiên cõi trời mưa châu báu xuống nhà của Ngài đó là điềm cát tường. Ngài là vị A La Hán thuyết pháp đệ nhất trong số đệ tử của đức Phật.

19. Tu Bồ Đề.

Khi Ngài sinh ra thì châu báu trong nhà đều không (biến mất hết), cho nên gọi là Không Sinh. Cha mẹ của Ngài tìm thầy bói tướng xem thử, thì đoán rằng đó là cát tường trong sự cát tường, do đó lại có tên là Thiện Cát, qua bảy ngày sau, châu báu trong nhà đều xuất hiện trở lại, cho nên Ngài lại có tên nữa là Thiện Hiện. Trong số đệ tử của Phật, Ngài là người giải không đệ nhất.

20. A Nan.

A Nan là vị Tôn Giả kết tập Kinh điển, là thị giả của Đức Phật. A Nan dịch là "Khánh Hỉ", vì ngày Đức Phật thành đạo là ngày Ngài ra đời, cho nên cha mẹ của Ngài quá đỗi vui mừng, do đó đặt tên là Khánh Hỉ.

21. La Hầu La.

Là con của đức Phật. Khi La Hầu La chào đời thì xảy ra việc thị phi phiền não rất nghiêm trọng. Đức Phật đã xuất gia sáu năm, mà Da Du Đà La vợ của Ngài mới sinh ra một đứa con, cho nên quyến thuộc của đức Phật giận dữ vô cùng, cho rằng công chúa không giữ đạo làm vợ, do đó có người muốn trừng phạt công chúa, nhục mạ công chúa, tiếng xấu đồn lan tràn khắp nơi :"Đức Phật đã xuất gia sáu năm mà vợ của Phật mới mang bầu !" Tuy nhiên người trong cung nói với phụ vương của đức Phật là bảo đảm công chúa chẳng làm chuyện đó, đứa con nầy chắc chắn là con của đức Phật, nhưng chẳng có ai tin. Thật tế thì La Hầu La ở trong thai mẹ sáu năm. Nhưng duyên bên ngoài bức bách quá, do đó nàng Gia Du Đà La mới phát nguyện rằng :"Nếu tôi không giữ đạo làm vợ thì nhảy vào hầm lửa, lửa sẽ thiêu chết mẹ con tôi, nêu tôi trong sạch thì thiên thần hãy bảo hộ tôi khiến cho mẹ con tôi không bị lửa thiêu chết", mới làm một hầm lửa. Công chúa Gia Du Đà La bồng Ngài La Hầu La nhảy vào hầm lửa, nhưng lạ thay hầm lửa biến thành hồ sen, có đóa hoa sen lớn đỡ mẹ con hai người. Từ đó về sau mọi người đều biết là Công Chúa Gia Du Đà La bị oan, ai ai cũng hiểu rõ sự việc nầy chẳng phải là việc tầm thường, cũng chẳng còn ai phỉ báng công chúa nữa.

Tên của Ngài La Hầu La dịch là "Phú Chướng" (chướng che đậy), vì trong quá khứ Ngài La Hầu La từng bít miệng hang chuột trong vòng sáu ngày, cho nên đời nầy Ngài phải ở trong thai mẹ sáu năm, đó là quả báo. Cho nên quả báo tuần hoàn thật là đáng sợ ! La Hầu La là con của đức Phật cũng không tránh khỏi ác nghiệp mình đã tạo ra trong quá khứ, mà phải ở trong thai mẹ sáu năm, cho nên gọi là Phú Chướng, vì mang thai La Hầu La mà sinh rất nhiều phiền não chướng ngại.
Cứu kính con của đức Phật ra sao. Có phải con của Phật chăng ? Phải. Vậy có phải Phật quan hệ hành vi vợ chồng như người bình thường chăng ? Không phải. Vì công chúa Gia Du Đà La muốn có con, do đó Đức Phật dùng tay chỉ vào bụng thì nàng mang thai, đó là một cảnh giới không thể nghĩ bàn, nếu bạn muốn khảo chứng thì hiện tại tôi chẳng có chi làm cho bạn hiểu đặng, chỉ có cách bạn dụng công tu hành, tu đến cảnh giới đó thì sẽ thấy rõ cảnh giới của Phật vi diệu khó nghĩ bàn.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy