× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Thí Dụ Thứ ba - Phần 3

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định


Xá Lợi Phất ! Lúc đó, ông trưởng giả đều cho các con đồng một thứ xe lớn.

‘’Các con‘’ dụ cho tất cả chúng sinh, Phật xem tất cả chúng sinh đều bình đẳng như một, chẳng khác biệt. Pháp ba thừa tuy là quyền pháp, nhưng tính của nó đồng nhau, chẳng mất đi pháp vi diệu. Xưa kia tập khí của chúng sinh khác nhau, như tu pháp bốn đế, pháp mười hai nhân duyên, đều là pháp tu tập trước kia. Và còn tu sáu độ Ba la mật. Ngoài ra còn tu từ bi hỉ xả, sắc pháp, tâm pháp, nghịch pháp, thuận pháp, y báo pháp, chánh báo pháp, thật pháp, lý pháp, nhân quả pháp, tự pháp, tha pháp, minh bạch pháp, và bồ đề pháp. Minh tức là giác, bất minh tức là mê. Và cón tu phước huệ pháp, thường lấy lợi người làm gốc, chẳng những trợ giúp người, mà còn không làm hại, chướng ngại người khác làm nguyên tắc.

Phận làm đệ tử, thì phải hộ trì pháp của thầy nói, ủng hộ đạo tràng tức là tu phước lập đức. Thâm nhập Kinh điển, cung kính lễ bái Kinh điển, y theo trong Kinh mà thiết thật tu hành. Nếu chỉ biết mà không thực hành, biết rõ mà cố phạm, thì chưa đi sâu vào Kinh điển. Ngài đại sư Trí Giả tông Thiên Thai, do đọc tụng Kinh Pháp Hoa mà khai ngộ, Ngài nghe Kinh Lăng Nghiêm mà khởi tâm cung kính, hướng về phương tây lễ lạy mười tám năm, vẫn chưa được đọc qua Kinh nầy. Tại Trung Quốc có rất nhiều vị xuất gia lạy từng chữ trong Kinh điển, như lạy Kinh Pháp Hoa, Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Hoa Nghiêm .v.v. Cho nên nói :

‘Thâm nhập kinh tạng,
Trí huệ như hải’.

Người tu đạo, phải thường tự mình hạn chế, trừ khử tất cả tập khí mao bệnh, do đó :

‘Có lỗi chớ nãn sửa đổi’.

Ta đối đãi với mỗi đệ tử đều bình đẳng như nhau, hy vọng các vị mỗi người đều sẽ giỏi hơn thầy. Tất cả các pháp đều là Phật pháp, các vị minh bạch Phật pháp chân nghĩa, thì phải thiết thật tu hành. Những vị Thanh Văn nầy, ai nấy đều có pháp môn tu hành của mình, nhưng tất cả đều là quyền giáo, mà chẳng phải thật giáo.

Như những gì nay khai thị đều là pháp chân thật. Vì xưa kia tu tập pháp chẳng giống nhau, nên trong Kinh nói ‘’mỗi người‘’. Tuy mỗi người tu tập pháp khác nhau, nhưng bây giờ Phật đều ban cho pháp đại thừa, nhiếp thọ tất cả các pháp, tất cả chúng sinh đều vào được, nên gọi là ‘’xe lớn‘’.

Xe đó cao rộng, trang trí các thứ báu đẹp, lan can bao quanh, bốn phía treo linh, lại dùng màn lọng giăng che phía trên, cũng dùng các trân báu tốt đẹp để nghiêm sức. Dây báu kết thắt các dải hoa rũ xuống. Nệm chiếu mềm mại trải chồng chất, gối đỏ để trên, dùng trâu trắng kéo, màu da rất sạch, thân hình rất đẹp, có sức lực rất mạnh, bước đi ngay thẳng, mau lẹ như gió, lại có nhiều tôi tớ để hầu hạ.

‘’Xe đó cao rộng‘’: Dụ cho Phật chẳng có gì mà không biết, chẳng có gì mà không thấy, thấy biết xâu xa chẳng có bờ bến, chẳng cách chi lường được. Pháp giới tam đế (không đế, giả đế, trung đế) bao quát tất cả các pháp. Cho nên nói tri kiến của Như Lai đầy đủ tất cả Phật pháp.

‘’Trang trí các thứ báu đẹp‘’: Dụ cho dùng lục độ vạn hạnh để trang nghiêm pháp thân, chúng ta phải cung hành thực tiễn lục độ vạn hạnh, mới có thể trang nghiêm pháp thân.

Phẩm Ví Dụ nầy, là phẩm tinh yếu nhất trong Kinh Pháp Hoa, thật khó mà minh bạch. Nhưng nếu muốn vào sâu nghĩa lý của Kinh Pháp Hoa, thì trước hết phải nghiên cứu tường tận phẩm nầy. Liễu giải được diệu lý của nó, thì sẽ khế hợp với Kinh nầy, còn các phẩm kia cũng chẳng có gì khó minh bạch.

‘’Lan can bao quanh‘’: Dụ cho Đà La Ni,dịch là "tổng trì". Tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa. Tổng thân khẩu ý ba nghiệp thanh tịnh, trì giới định huệ ba học viên minh. Đà La Ni hay trì vạn điều thiện, che đậy các điều ác, khiến cho tiêu diệt ở trong vô hình, tức là :

‘’Không làm các điều ác,
Siêng làm các điều lành ‘’.

‘’Bốn bên treo linh‘’: Dụ cho bốn biện vô ngại tức là : Từ vô ngại biện, pháp vô ngại biện, nghĩa vô ngại biện và lạc thuyết vô ngại biện.

1. Từ vô ngại biện : Lời lẽ sinh động, khiến cho chúng sinh do lời lẽ mà sinh tín tâm.
2. Pháp vô ngại biện : Dùng một pháp, mà phát huy thành vạn pháp, dùng vạn pháp mà quy về một pháp. Do đó :

‘’Một gốc tán làm vạn thù,
Vạn thù quy về một gốc‘’.

Cho nên nói : Một tức tất cả, tất cả tức một, pháp chẳng có cố định.
3. Nghĩa vô ngại biện: Tuyên dương nghĩa lý pháp thế gian, viên dung vô ngại, sự lý chẳng trở ngại.
4. Lạc thuyết vô ngại biện: Người thuyết pháp, thì vui về thuyết pháp, khi thuyết pháp thì thao thao bất tuyệt, diễn xướng đạo lý vô cùng vô tận.

‘’Lại dùng màn lọng che giăng phía trên‘’: Tức dùng màn lọng dệt bằng tơ lụa, che ở trên mui xe. Dụ cho Phật có từ, bi, hỉ, xả, bốn tâm vô lượng. Từ là ban vui cho chúng sinh, bi là cứu khổ chúng sinh, xả là xả bỏ tất cả cho chúng sinh, hỷ là hoan hỉ giáo hóa tất cả chúng sinh. Đức hạnh lớn nhất của Phật, là từ bi vô lượng, hỉ xả vô lượng, trong tất cả các đức hạnh, từ bi cao nhất, do đó hay che khắp hết tất cả chúng sinh. Cho nên kinh có nói : ‘’Nếu từ bi đầy đủ bốn vô sở úy, gọi là Như Lai từ‘’. Phật tu bốn tâm vô lượng, thành tựu phạm hạnh tanh tịnh, cho nên nói là ‘’màn lọng giăng che‘’.

‘’Cũng dùng các trân báu tốt đẹp để nghiêm sức‘’: Dụ cho bốn tâm vô lượng, phải dùng vạn hạnh trang nghiêm, tức là pháp đại thừa đầy đủ lục độ vạn hạnh. Tất cả các môn trang nghiêm pháp đại thừa.

‘’Dây báu kết thắt‘’: Dụ cho bốn hoằng thệ nguyện. Bốn hoằng thệ nguyện này, phải thân thể lực hành, hồi quang phản chiếu, phản cùng tự tỉnh.

- Nguyện thứ nhất: Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ : Ta có độ chúng sinh chăng ? Độ chúng sinh tức hành Bồ Tát đạo, nhưng độ chúng sinh cũng đừng chấp tướng chúng sinh, do đó :

‘’Lìa tất cả tướng, quét tất cả pháp‘’.

- Nguyện thứ hai: Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Đã đoạn phiền não chưa ? Phiền não tức bồ đề, băng tức nước, nước tức băng, biến phiền não thành nước trí huệ, tức là bồ đề. Vì sao nói chúng sinh tức là Phật; Phật tức chúng sinh ? Bạn độ tận chúng sinh tức thành Phật, nếu chưa độ chúng sinh thì bạn vẫn là chúng sinh. Giác ngộ tức Phật, mê muội là chúng sinh. Do đó, đừng truy cầu bên ngoài.

Trong Kinh Bảo Đàn nói rằng: ‘’Tự tính chúng sinh thệ nguyện độ‘’. Tất cả chúng sinh như một, chẳng phân biệt ta người, trước phải độ tự tính chúng sinh. Giác là Phật vậy, mê là chúng sinh vậy. Giác và mê không khác, không mê tức là giác, không giác tức là mê, như băng và nước chẳng khác biệt. Cho nên nói phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.

- Nguyện thứ ba: Pháp môn vô lượng thệ nguyện¡ học: Pháp môn vô lượng vô biên, ta đã học chưa ?

- Nguyện thứ tư: Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành : Đừng do dự không quyết định, nên thệ nguyện tu hành cho đến khi thành Phật, nếu không thì chẳng đạt được quả vị Phật.

‘’Dải hoa rũ xuống‘’: Trên xe có hoa thòng rũ xuống, dụ cho bốn pháp nhiếp thọ chúng sinh, tức là bốn pháp nhiếp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

1. Bố thí: ‘Trước dùng câu dục móc, sau khiến vào Phật đạo.’ Nếu muốn chúng sinh vào trí huệ của Phật, thì trước hết dùng pháp phương tiện dẫn dắt. Chúng sinh thích tiền tài, thì bố thí tiền tài, khiến cho họ vui mừng, sau đó dạy Phật pháp cho họ, thì họ vui vẻ tiếp thọ. Bố thí thì đầu tiên nên bố thí pháp, tiếp đó bố thí tiền tài. Nhưng dùng pháp phương tiện, khiến cho họ tiếp thọ, cho nên trước phải bố thí tiền tài, sau đó bố thí pháp, và bố thí vô úy, khiến cho chúng sinh nghe Phật pháp, thì lìa tất cả sợ hãi.

2. Ái ngữ: Dùng lời lẽ ôn hòa khéo léo để hóa đạo, như lòng cha mẹ thương con cái, thì chẳng gì mà không thành, dùng từ ái đối đãi với chúng sinh.

3. Lợi hành: Chuyên làm việc thiện để lợi ích chúng sinh.

4. Đồng sự: Làm cùng việc cùng nghề với chúng sinh, thì có thể giáo hóa họ tin Phật, khiến cho họ bỏ mê về giác. Cho nên, Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, dùng bốn pháp nhiếp nầy để độ chúng sinh, từ chúng sinh có tội lỗi cũng sẽ từ từ cải ác hướng thiện. Bồ Tát đối với những chúng sinh cang cường không biết hối cải, vẫn luôn luôn hy vọng, có ngày họ sẽ cải ác hướng thiện. Cho nên bốn pháp nhiếp nầy diệu không thể tả.

‘’Nệm chiếu mềm mại trải chồng chất‘’: Dụ cho tu tất cả thiền định, y quán chiếu Bát Nhã để huân tu, lâu ngày sẽ thành tựu. ‘’Chồng chất‘’ dụ cho khi ngồi thiền thì được cảm giác khinh an, cảm giác nầy liên tục không ngừng, cho đến đi chẳng biết đi, đứng chẳng biết đứng, ngồi chẳng biết ngồi, nằm chẳng biết nằm, đạt đến cảnh giới không có tướng ta, tướng người. Cảnh giới nầy, phải dụng công tu hành, thì mới có thể đạt được, từ vị của nó cũng phải chính quý vị thể hội thì mới biết được, do đó :

‘’Như người uống nước, nóng lạnh tự biết.’’

‘’Gối đỏ để trên‘’: Cái gối màu đỏ để ở trong xe, dùng quang màu đỏ, dụ cho vô phân biệt pháp. Gối gồm có gối ở trong và ở ngoài, gối ở ngoài dùng để dựa khi xe chạy, dụ cho dụng công tu đạo, động chẳng ngại tĩnh, tĩnh chẳng ngại động, động tức tĩnh, tĩnh tức động, động tĩnh nhất như. Xe chạy tức động, xe ngừng tức tĩnh, động tĩnh đều là xe nầy. Chúng ta tu đạo cũng như thế, động tĩnh đều ở tại thân của chúng ta. Trong xe cũng có gối, dùng để gối đầu nghỉ ngơi, dụ cho nhất hạnh tam muội, hay sinh Bát Nhã trí huệ chân chánh.

‘’Dùng trâu trắng kéo‘’: Dụ cho Bát Nhã vô lậu. Tất cả tập khí mao bệnh của chúng ta đều là lậu, tất cả dục niệm đều là lậu. Tại sao chúng ta không thành Phật, không khai ngộ ? Là vì có lậu, nếu chẳng có lậu thì được giải thoát. Muốn được trí huệ vô lậu, thì tu bốn đế sẽ thành tựu. Bảo trì trí huệ vô lậu, thì tu mười hai nhân duyên, sẽ thành tựu mà được khai ngộ. Tu sáu độ cũng được đến bờ kia. Tục ngữ có câu :

‘’Ban ngày ngừa lửa,
Ban đêm ngừa trộm‘’.

Hằng ngày, chúng ta phải phòng ngừa lửa vô minh nổi dậy, tháng nầy tháng khác phải phòng ngừa sáu tên tặc (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) phá rối. Sáu tên tặc nầy thường chi phối bạn, khiến cho bạn điên đảo sẽ trộm đi pháp bảo tự tính của bạn. Nếu ai bảo trì được vô lậu, thì chắc chắn sẽ thành Phật. Vô lậu tức là trâu trắng kéo xe.

‘’Dùng trâu trắng kéo‘’: Trắng là màu bổn thể thanh tịnh không nhiễm. Nghĩa là bổn thể của pháp thanh tịnh không nhiễm, tương ứng với trí vô lậu. Xe trâu trắng lớn, biểu thị bốn Niệm Xứ viên mãn thành tựu, sẽ được khai ngộ. Lại biểu thị cho bốn Chánh Cần.

‘’Màu da rất sạch‘’: Dụ cho nhị thế thiện viên mãn, nhị thế ác tiêu diệt. Bốn Như Ý Túc (dục như ý túc, tinh tấn như ý túc, niệm như ý túc, tư duy như ý túc). Nếu các bạn chẳng có tâm dâm dục, thì đó là gốc trí huệ vô lậu, bạn muốn tu đạo thì sẽ đầy thiện dục tu đạo, bạn muốn tinh tấn, thì có thể phát đạt khai quật Phật giáo ở phương tây. Niệm như ý túc tức là toại tâm viên mãn nguyện. Tư duy như ý túc là những gì suy nghĩ sẽ đạt được lý tưởng. Cho nên muốn được trí huệ vô lậu, thì trước hết trừ khử đi tất cả nhiễm ô, lấy sự trong sạch làm gốc.

‘’Thân hình rất đẹp‘’: Tức là xe trâu trắng lớn thân hình rất đẹp, dụ cho phát tâm đại thừa, như thân hình tốt đẹp, chỉ một tâm nầy mà bao quát tất cả các pháp.

‘’Có sức lực rất mạnh‘’: Tức là trâu trắng lớn có sức lực khỏe mạnh, ‘’sức‘’ dụ cho năm căn (tín, tấn, niệm, định, huệ). Năm căn lành nầy sao gọi là ‘’căn‘’ ?

Bởi do rễ (căn) mà sinh trưởng, do đó có câu :

‘’Rễ sâu thì gốc vững,
Gốc vững thì cành lá xum xê‘’.

Tôi từng nói, Phật pháp như biển cả, chỉ có niềm tin thì mới vào được, do đó học Phật pháp, trước hết phải có tín tâm, sau đó tiếp tục tinh tấn tiến về trước, dần dần sẽ không bao giờ mất đi. Có niệm căn rồi, thì không bị người làm giao động, còn phải có định căn, để giữ vững lập trường, mới đủ để độ người, mà không bị người làm lay chuyển. Có định căn thì sẽ sinh huệ căn. ‘’Lực‘’ dụ cho năm lực (tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, huệ lực). Do năm căn mà sinh ra năm lực, có năm lực thì có thể chứng trí huệ vô lậu, thành tựu tất cả hạt giống bồ đề.

‘’Bước đi ngay thẳng‘’: Tức là con trâu nầy, có sức lực rất mạnh, cho nên đi rất mau. Dụ cho định huệ quân bình, phải định huệ đều tiến. Nếu chỉ có định, mà thiếu huệ, thì thành người tu hành ngu si, còn nếu chỉ có huệ mà chẳng có định, thì thành người tu hành chạy nhảy lăn xăn. Cho nên, phải đầy đủ định huệ để trợ giúp lẫn nhau. Lại dụ cho bảy Giác Chi, còn gọi là bảy Giác Phần, tức cũng là bảy Bồ Đề Phần, là bảy pháp môn giác đạo. Phật vì người nhị thừa nói ba mươi bảy Đạo Phẩm (năm căn, năm lực, bốn niệm xứ, bốn chánh cần, bốn như ý túc, bảy bồ đề phần, tám thánh đạo phần). Trong Phật pháp đại thừa, cũng bao quát ba mươi bảy Đạo Phẩm nầy.

Bảy bồ đề phần :

1. Trạch pháp giác phần: Còn gọi là trạch pháp giác tri, dùng mắt chọn pháp trí huệ vô lậu, để lựa chọn pháp đúng pháp sai, pháp chánh pháp tà, pháp thật pháp giả, pháp chân pháp hư, để theo chánh bỏ tà.

2. Tinh tấn giác phần: Y theo pháp môn chân chánh, tu hành tiến về trước.

3. Hỉ giác phần: Có chánh và tà, có người y theo chánh đạo tu hành mà hoan hỉ, cũng có người y theo tà đạo tu hành, rơi vào cuồn hỉ điên đảo. Phàm là y theo dục niệm mà hành là điên đảo, nên dùng thiền định Phật pháp làm hỉ, do đó có câu :

‘Thiền duyệt vi thực,
Pháp hỉ sung mãn’.

Nghe được Phật pháp, biết ý nghĩa cao sâu áo diệu, nên sinh tâm hoan hỉ.

4. Trừ giác phần: Biện rõ phải trái, lấy chánh trừ tà.

5. Xả giác phần: Xả bỏ tất cả những gì không đáng, như ngồi thiền không nên chấp vào chỗ tốt, không nên tham luyến cảnh giới, hãy xả bỏ.

6. Định giác phần: Đừng chấp trước bất cứ những gì, có trí huệ thì sinh định. Nếu bạn hôn trầm, thì hãy dùng trạch pháp giác phần, tinh tấn giác phần, hỷ giác phần để đối trị. Nếu có tâm nóng nảy, thì dùng trừ giác phần, xả giác phần, định giác phần để đối trị.

7. Niệm giác phần: Tâm có hôn trầm hoặc nóng nảy đều là niệm. Người phát bồ đề tâm, thì phải y chiếu bảy bồ đề phần mà tu hành. Nếu y theo bảy bồ đề phần mà hành, thì thân tâm an ổn, do đó gọi là ‘’Bước đi ngay thẳng‘’, là biểu hiện dụng công đắc lực.

‘’Mau lẹ như gió‘’, xe nầy được con trâu trắng lớn kéo, nghĩa là biểu thị tiến về trước không lùi. ‘’Gió‘’ có gió mát và gió bão, gió nầy có thể là gió mát, cũng có thể là gió bão. Tại sao ? Bạn được gió nầy thổi, cảm thấy mát mẻ dễ chịu, thì gọi là gió mát. Song, cũng có thể gọi là gió bão, vì gió nầy hay thổi tan tất cả thiên ma ngoại đạo, trừ tất cả tà kiến. ‘’Mau lẹ như gió‘’ dụ cho tám Chánh Đạo, người tu đạo nên y theo tám Chánh Đạo mà tu hành.

1. Chánh kiến : Phải đầy đủ chánh tri chánh kiến, dùng trí huệ vô lậu, phá trừ tất cả tà tri tà kiến. Phi lễ vật thị (không hợp lễ giáo thì đừng xem) là chánh kiến.

2. Chánh tư duy : Phi lễ vật thính (không hợp lễ giáo thì đừng nghe), do sự nghe mà khởi suy nghĩ.

3. Chánh ngữ : Phi lễ vật ngôn (không hợp lễ giáo thì đừng nói) tức chánh ngữ. Người chưa phải là bậc Thánh hiền, tránh sao khỏi có lỗi của người, nên rộng lượng bao dung. Mọi người có duyên nên mới tụ lại một chỗ tu đạo, cho nên hãy giấu kín việc ác, biểu dương việc thiện, đừng bươi móc lỗi lầm, khiến cho người sinh thối tâm.

4. Chánh nghiệp : Phi lễ vật động (không hợp lễ giáo thì đừng làm) tức là chánh nghiệp. Đừng kinh doanh tà nghiệp, như mở sòng bạc, mua bán á phiện, mua bán súc sinh, gái mãi dâm .v.v., chánh nghiệp tức là tham thiền, tu học Phật pháp.

5. Chánh mạng : Làm tất cả những gì, đều phải quang minh lỗi lạc, gọi là chánh mạng. Có năm tà mạng:

a. Phô trương lạ lùng.
b. Nói đức của mình.
c. Bói tướng tốt xấu.
d. Lớn tiếng hiện oai.
e. Kêu người cúng dường.

6. Chánh tinh tấn : Có kẻ tu tà tinh tấn, ngày đêm sáu thời tu tập bàng môn tả đạo, cũng có kẻ hành khổ hạnh vô ích, đều là tà tinh tấn. Chánh tinh tấn là y theo pháp môn bốn Niệm Xứ, bốn Chánh Cần, bốn Như Ý Túc, năm Căn, năm Lực, bảy Bồ Đề Phần, tám Đường Chân Chánh, bốn Đế, mười hai Nhân Duyên, sáu Độ Ba la mật .v.v., đều là chánh tinh tấn, y theo sự chỉ bảo của Phật mà tu hành, y giáo phụng hành, tức là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn gồm thân tinh tấn, và tâm tinh tấn; tâm tinh tấn là siêng niệm Tam Bảo, niệm niệm không quên, suy gẫm chánh pháp; thân tinh tấn là thân thể lực hành như lạy Kinh, niệm Phật, lễ sám, niệm danh hiệu Phật .v.v., đều thuộc về thân tinh tấn.

7. Chánh niệm : Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, tức là chánh niệm. Tà niệm tức là niệm kiến, niệm ái, niệm tư, niệm biên kiến, niệm niệm không ngừng đối với ái tình, mỗi ý niệm đều ích kỷ lợi mình, tức là tà tâm. Niệm Phật : Niệm ‘’Nam mô A Di Đà Phật‘’, ‘’Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật‘’, đều là niệm Phật. Niệm Chú Đại Bi, Chú Lăng Nghiêm đều là niệm pháp; đọc Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Hoa .v.v., đều là niệm Pháp. Niệm Tăng : Niệm mười phương hiền Thánh Tăng. Bạn muốn niệm Tăng thì cúng dường Tăng, niệm Pháp thì cúng dường Pháp, niệm Phật thì cúng dường Phật. Nếu bạn muốn tu phước báu thì phải cúng dường Tam Bảo, do đó có câu :

"Phàm Tăng tuy bất năng chủng phước,
Kì phước tất giả phàm Tăng.
Ni long tuy bất năng hàng vũ,
Kì vũ tất giả ni long".

Nghĩa là : Phàm Tăng là Tăng chưa chứng quả, tuy không thể trồng phước cho bạn, nhưng nếu bạn thành tâm cầu phước nơi vị phàm Tăng, thì mười phương hiền Thánh Tăng sẽ ban phước cho bạn.

Ở Trung Quốc, mỗi khi trời hạn hán thì một số người đến miếu Long Vương để cầu mưa, trong miếu có tạo tượng rồng bằng bùn, cho nên nói muốn cầu mưa thì phải cầu trước tượng rồng bằng bùn. Long thần trên trời trông coi việc mưa, chẳng phải nhục nhãn của phàm phu mà thấy được.

Trước kia, khi tôi còn ở Đông Bắc bên Trung Quốc, có vị đệ tử pháp danh Quả Thuấn, có làm một cái lều tranh, mời tôi đến làm lễ khai quang. Vào ngày lễ khai quang, thì có mười con rồng đến xin quy y Tam Bảo. Lúc đó, có bốn vị đệ tử ở đó, trong số đó có hai vị có thiên nhãn thông, ngồi thiền thì có thể quán sát được mọi việc. Tôi bảo mười con rồng đó, tâu với Ngọc Hoàng, ngày mai vì tôi mà mưa xuống, thì ngày mốt tôi sẽ làm lễ quy y cho các vị. Quả nhiên, ngày mai trời mưa xuống chung quanh chỗ tôi khoảng bốn mươi dặm, tôi bèn làm lễ quy y cho họ. Chuyện này tuy là khó tin nhưng là sự thật.

Lại nữa, lúc tôi ở Hương Cảng, một năm nọ trời hạn hán, Đạo Tràng Phật giáo các nơi đều cầu mưa, nhưng chẳng có hiệu quả gì. Sau đó, tôi kêu một vị đệ tử niệm ‘’Nam Mô A Di Đà Phật‘’ trong ba ngày, phải cầu cho được mưa xuống. Y chí thành niệm Phật, quả nhiên hai ngày sau trời mưa xuống. Mười con rồng đã quy y biết tâm của tôi, tất tôn kính thầy mà ra lệnh mưa xuống, những việc nầy thường ứng nghiệm chẳng sai trật, thật là diệu không thể tả, người đã trải qua những cảnh giới nầy, thì tin sâu chẳng nghi ngờ.

8. Chánh Định : Tà định thì chấp trước cảnh giới, còn chánh định thì tu Tứ Thiền (trời sơ thiền, trời nhị thiền, trời tam thiền, trời tứ thiền), bát định (trời Tứ Thiền thêm vào Trời Không Vô Biên Xứ, Trời Thức Vô Biên Xứ, Trời Vô Sở Hữu Xứ, Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ). Tu pháp nầy, trước hết phải trừ khử ngã tướng, chẳng chấp trước bất cứ những gì tức là chánh định.

‘’Lại có nhiều tôi tớ để hầu hạ‘’: Tức là có nhiều tùy tùng đi theo để hộ vệ. ‘’Tôi tớ‘’ dụ cho pháp môn phương tiện. Người tu hành dùng pháp phương tiện để đạt đến bờ kia. Thiên ma ngoại đạo và hàng nhị thừa đều tùy trí tu đạo.
Trong kinh Duy Ma Cật có nói :

‘’Giai ngã thị giả‘’.

Nghĩa là :

Những gì có ngã đều là giả.

Quả địa Bồ Tát đều có thần thông, đều toại tâm như ý, như có rất nhiều tùy tùng để bảo vệ họ. Cho nên nói : ‘’Lại có nhiều tôi tớ để hầu hạ bảo vệ‘’, pháp đại thừa phải cần nhiều pháp phương tiện, để trợ giúp cho thành tựu.

Niệm niệm quán tâm, một niệm tâm hiện tiền, chẳng trước chẳng sau, chẳng đầu chẳng cúi, chẳng bờ chẳng bến, tâm nầy đầy đủ không, giả, trung, ba đế, cho nên dùng ‘’cao‘’ dụ cho ‘’xe đó cao lớn‘’. Một niệm tâm hiện tiền đầy đủ mười pháp giới. Cho nên nói là ‘’rộng‘’. Dùng ‘’các thứ báu đẹp trang trí‘’, dụ cho tính đức của tất cả chúng sinh vượt qua Hằng hà sa số.

‘’Phật nói tất cả các pháp,
Vì độ tất cả tâm,
Nếu chẳng có tất cả tâm,
Đâu có dùng tất cả các pháp ‘’.

Cho nên ngoài tâm chẳng có pháp, pháp tức là tâm. Tâm bao quát pháp thế gian và pháp xuất thế gian, tức là ‘’lan can bao quanh‘’. ‘’Bốn phía treo linh’’: Vì tâm hay thọ ứng khắp hết thảy, diễn các âm thanh giáo lý, đều không ngoài một tâm niệm, cho nên nói ‘’bốn phía treo linh‘’.

‘’Lại dùng màn lọng che giăng phía trên‘’ : Dụ cho tâm thượng diệu ở trong tất cả các pháp, chẳng có pháp nào mà chẳng bao dung. ‘’Cũng dùng các trân báu tốt đẹp để nghiên sức‘’: Dụ cho tâm có tâm vương, tức là tám thức tâm vương, còn lại là tâm sở. Tâm vương thường hay quán tưởng, quán tưởng này khởi nơi tất cả tâm sở, hổ tương chiếu ứng. Tâm sở với tâm thiện tâm sở, hổ tương trói buộc với nhau, tức tức tương quan, cho nên nói : ‘’Dây báu kết thắt‘’. Tâm sở của tâm thiện hay sinh vô lượng trí huệ, cũng hay thành tựu vô lượng phước đức, cho nên nói ‘’các dãi hoa rũ xuống’’. Một tâm niệm đầy đủ pháp mềm diệu khinh an, càng đầy đủ tất cả các pháp, trùng trùng vô tận, cho nên gọi là ‘’Nệm chiếu mềm mại trải chồng chất‘’.

Tâm tính hay động cũng hay tĩnh, động chẳng ngại tĩnh, tĩnh chẳng ngại động, động tĩnh nhất như, đó là ‘’gối đỏ để ở trên’’.
‘’Dùng trâu trắng kéo‘’: Lý của tâm tính là do Diệu quán sát trí hiển hiện ra. ‘’Màu da rất sạch‘’: Tức là công đức của sự thành tâm vi diệu không thể nghĩ bàn, nếu không xen tạp vô minh phiền não tức là ‘’rất sạch‘’. Tâm viên dung vô ngại, cho nên nói ‘’Thân hình rất đẹp‘’. Trí huệ quán sát viên dung vô ngại, hay sinh trưởng tất cả căn lành, viên quán lại hay phá tan được kiến ái trong ba cõi, lại hay phá tan điên đảo tưởng ở ngoài ba cõi, do đó nói: ‘’Có sức lực rất mạnh‘’. Viên quán và định huệ không hai, tức định tức huệ, định huệ viên dung, cho nên nói: ‘’Bước đi ngay thẳng‘’. Viên quán hay khiến cho hành giả đạt đến bờ kia, cho nên nói ‘’mau lẹ như gió‘’. Viên quán hay chi phối tất cả tâm sở, cho nên nói ‘’lại có nhiều tôi tớ để hầu hạ bảo vệ‘’.

Tại sao ? Vì ông trưởng giả đó, của cải giàu có vô lượng, đủ thứ kho tàng thảy đều tràn đầy.

‘’Tại sao‘’? ‘’Đây là nguyên nhân gì‘’? Ông trưởng giả đó của cải giàu có vô lượng‘’: Tức là Phật nói đủ thứ các tạng pháp, bao quát tất cả các pháp. Tóm lại, tức lục độ vạn hạnh. Lục độ tức:

1. Bố thí
2. Trì giới
3. Tinh tấn
4. Nhẫn nhục
5. Thiền định
6. Trí huệ.

Nếu biết lục độ mà không hành, thì không thể đến được bờ kia. Phải thiết thật tu hành, mới có thể đến được Niết Bàn bờ bên kia. Bố thí gồm :

a. Tài thí
b. Pháp thí
c. Vô úy thí.

Trì giới tức là:

"Đừng làm các điều ác,
Hãy làm các điều lành".

Nhẫn nhục thì nghịch cảnh đến đều thọ nhận, chẳng có tướng ta, chấp ta, thấy ta, thường quán tưởng: ‘’Khi chưa sinh ra ai là ta ? Khi sinh rồi ta là ai ? Lớn lên thành người giả danh là ta, chuyển nháy mắt ta lại là ai‘’? Trừ được ‘’tướng ta‘’ thì nghịch cảnh đến đều tiếp nhận. Học Phật pháp, thì phải cung hành thật tiễn, nếu gặp nghịch cảnh mà như như chẳng động, thì mới thật sự lãnh ngộ được chỗ diệu của Kinh Pháp Hoa. Không nên chấp vào ‘’tướng ta‘’, ‘’cái ta‘’ nầy, cuối cùng cũng sẽ chết đi, hà tất vì ‘’cái ta‘’ nầy mà tranh đua danh lợi ? Nếu có người đánh bạn, đó là quả báo bạn đã tạo ở kiếp trước. Đời này bạn mắng chưởi người, thì kiếp sau sẽ bị người mắng chưởi lại; đời này bạn cho họ phiền não, thì kiếp sau người cũng sẽ cho bạn phiền não, cho nên nhân quả tơ hào không sai. Nếu có người đánh bạn thì hãy quán tưởng ‘’chẳng có cái ta‘’, nếu bạn khó lòng buông xả được ‘’tướng ta‘’, thì có một diệu pháp có thể giúp bạn buông xả được ‘’tướng ta‘’. Có người đánh bạn thì bạn hãy bỏ chạy đừng để ý tới; nếu có người mắng bạn, thì bạn hãy xem như họ đang ca hát, hoặc họ nói tiếng ngoại quốc mà bạn chẳng hiểu.

Nếu bạn áp dụng những phương pháp nầy để đối trị, thì phiền não sẽ tự tiêu trừ. Người có nghiệp chướng, mới có phiền não, tức có nghiệp chướng thì hãy tiêu trừ nghiệp chướng bằng cách tu hạnh nhẫn nhục. Như bài kệ của Bồ Tát Di Lạc:

‘’Lão quê mặc áo vá
Cơm hẩm no đầy bụng
Áo vá che rét lạnh
Vạn sự hãy tùy duyên.
Có người mắng lão quê
Lão quê chỉ nói tốt
Có người đánh lão quê
Lão quê nằm lăn ra.
Khạc nhổ vào mặt lão
Để nó tự nhiên khô
Ta cũng chẳng nhọc sức
Họ cũng không phiền não.
Đó là Ba La Mật,
Cũng là báu vô giá,
Nếu hành được như thế,
Lo gì đạo chẳng thành.’’

Cho nên trừ khử đi ‘’tướng ta‘’ tu nhẫn nhục Ba La Mật, mới thật sự minh bạch Phật pháp. Do đó có câu:

‘’ Ngàn ngày nhặc củi,
Chỉ một đốm lửa thì cháy sạch‘’.

Một khi lửa vô minh nổi dậy, thì thiêu sạch công đức đã dày công tích lũy. Do đó, người học tập Phật pháp, thì phải tu nhẫn nhục Ba La Mật, đừng vì ngoại cảnh mà sinh phiền não.

Tinh tấn thì ngày đêm sáu thời đều tinh tấn. Thiền định là tĩnh lự. Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, năm độ nầy là phước đức tạng, độ thứ sáu là Bát Nhã (trí huệ) Ba La Mật, là Bát Nhã tạng, cũng gọi là trí huệ tạng, cho nên nói là ‘’Đủ thứ kho tàng‘’. ‘’Thảy đều tràn đầy‘’: Dụ cho quyền, thật hai trí. Quyền trí sung mãn là ‘’tràn‘’, thật trí hoàn mãn là ‘’đầy‘’. Quyền, thật hai trí đều viên mãn, cho nên nói ‘’thảy đều tràn đầy‘’.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy