× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Thí Dụ Thứ ba - Phần 5

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định


Như Lai cũng như thế, chẳng có nói dối, ban đầu nói ba thừa dẫn dắt chúng sinh, sau đó chỉ dùng đại thừa mà độ thoát. Tại sao ? Vì Như Lai có vô lượng trí huệ lực vô sở úy, các kho tàng Phật pháp, hay ban cho tất cả chúng sinh pháp đại thừa, nhưng thọ dụng chẳng hết được.
Xá Lợi Phất ! Do nhân duyên đó, nên biết chư Phật vì sức phương tiện, nơi một Phật thừa, mà phân biệt nói ba thừa.


Như Lai Thế Tôn cũng như ông trưởng giả kia, dùng pháp quyền xảo phương tiện dẫn dắt chúng sinh, ban đầu nói Thanh Văn thừa, kế nói Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa, ba thừa, để dẫn dắt chúng sinh. Ba tạng giáo thuộc Thanh Văn thừa, biệt giáo thuộc Duyên Giác thừa, Viên Giáo thuộc Bồ Tát thừa. Cuối cùng mới nói thật tướng diệu lý Kinh Pháp Hoa, pháp môn viên đốn là diệu pháp đại thừa, độ thoát chúng sinh. Vì sao ? Đức Phật vốn có vô lượng vô biên trí huệ, có Nhất thiết trí, Đạo chủng trí, Nhất thiết chủng trí, lại có mười lực, bốn vô sở úy, tất cả pháp môn, ban đầu đã có thể ban cho chúng sinh pháp môn đại thừa, song chẳng phải tất cả chúng sinh đều tiếp thọ được. Như ban đầu nói Kinh Hoa Nghiêm, mà người nhị thừa có mắt chẳng thấy Lô Xá Na, có tai chẳng nghe giáo lý viên đốn, thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, như điết như mù, chẳng những không tiếp thọ được, mà đối với đạo lý bên trong họ cũng chẳng thông đạt được.

Có một số người nghĩ, người nhị thừa còn chẳng hiểu Kinh Hoa Nghiêm, huống gì chúng ta căn tánh đâu có bằng người nhị thừa, làm sao mà lãnh hội được Kinh Hoa Nghiêm ? Ban đầu đức Phật thành Phật, thì trên thế gian vốn chẳng có Phật, cho nên con người không thể tiếp thọ đạo lý quá thâm áo. Bây giờ ai cũng biết có Phật pháp, biết rõ có đại thừa tiểu thừa, tự tính của chúng ta vốn đã trồng xuống hạt giống đại thừa, cho nên bây giờ nghe được Phật pháp đại thừa.
Phật lại bảo Xá Lợi Phất, vì chúng sinh không thể hoàn toàn tiếp thọ diệu lý đại thừa, ông nên biết, mười phương chư Phật và Phật Thích Ca đều dùng pháp môn quyền xảo phương tiện nầy, chỉ một Phật thừa nầy mà nói thành ba thừa. Kỳ thật, chẳng có ba thừa, vì căn tánh chúng sinh mà nói ba thừa, mục đích cuối cùng là : Hy vọng chúng sinh sớm thành Phật đạo.

Đức Phật muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn nói bài kệ rằng :

Ví như ông trưởng giả
Có một ngôi nhà lớn
Nhà đó đã lâu đời
Mà lại cũ hư nát.
Phòng nhà cao nguy hiểm
Trụ cột lại gãy mục
Nóc nhà đều nghiêng ngã
Nền móng đã hư nát.
Tường vách đều sụp đổ
Bùn đất rơi rớt xuống
Tranh lợp rơi tả tơi
Kèo đòn tay trật khớp.
Bốn phía đều cong vạy
Đầy dẫy những dơ uế
Có đến năm trăm người
Thảy đều ở trong đó.
Chim si, hưu, điêu, thứu
Quạ, chim thước, cưu, cáp
Ngô công và du diên
Loài thủ cung, bá túc.
Dứu ly cùng hề thử
Các loài độc trùng dữ
Đuổi nhau chạy ngang dọc
Đại tiểu tiện hôi thối.
Chảy đầy đồ bất tịnh
Các độc trùng bọ hung
Bu đậu ở trên đó
Cáo sói và dã can.
Liếm nhai dày đạp lên
Cắn xé những thây chết
Xương thịt bừa bãi ra
Do đó các bầy chó.
Tranh nhau đến giành ăn
Ốm đói rất sợ sệt
Khắp nơi tìm món ăn
Giành giựt cấu xé nhau.
Gầm gừ gào sủa rên
Nhà đó rất đáng sợ
Những cảnh trạng như thế
Khắp nơi thảy đều có.
Quỷ lị mị, vọng lượng
Dạ Xoa các ác quỷ
Ăn nuốt cả thịt người
Các loài trùng dữ độc.
Những cầm thú hung ác
Ấp cho bú sản sinh
Đều tự giấu gìn giữ.

Phật từ bi thương xót, sợ chúng sinh chẳng minh bạch đạo lý bên trong, cho nên dùng kệ để thuật lại nghĩa trường hàng ở trên.
Kệ có bốn chữ, sáu chữ, hoặc bảy chữ, đủ loại. Dùng kệ để thuật lại đạo lý ở trên, hoặc chưa nói rõ, lại phải dùng kệ để nói: ‘’Ví như ông trưởng giả, có một ngôi nhà lớn‘’: Bao quát dục giới, sắc giới, và vô sắc giới ba cõi, là một ngôi nhà lớn. Ba cõi không yên, giống như nhà lửa. Như thân thể của chúng ta có bài kệ rằng :

‘’Thân người như một căn nhà,
Miệng làm cửa lớn mắt làm cửa sổ,
Tứ chi như bốn cột trụ,
Đầu tóc ví như tranh lợp nhà,
Tùy thời siêng tu bổ,
Đừng để ngã sập nguy nan.’’

Thân con người như một căn nhà, phải thừa lúc thân thể còn khoẻ mạnh, thì nên siêng năng tham thiền đả tọa, lạy Phật, tụng Kinh, trì Chú. Một đời chỉ được lúc siêng năng, một năm chỉ được vào mùa xuân, một ngày chỉ được vào lúc sáng sớm. Sáng sớm nên thức dậy vào khoảng bốn giờ, rửa mặt rồi thì nên ngồi thiền, vì sáng sớm trời đất vạn vật đều yên tĩnh, lúc nầy ngồi thiền rất dễ tương ưng với đạo.

Ngồi thiền xong rồi, lễ Phật là vận động tốt nhất, khiến cho máu huyết lưu thông, lạy Phật rồi thì tụng Kinh, khiến cho hô hấp hơi thở điều hòa, sau đó thì trì Chú, trong tâm tĩnh lặng là kim cang trì Chú, làm hết tất cả rồi, thì bắt đầu làm việc.
‘’Nhà đó đã lâu đời‘’: Tam giới từ vô thủy đến nay, vẫn tồn tại nên gọi là lâu đời. ‘’Mà lại cũ hư nát‘’: Dụ cho thân người sẽ suy già, các bộ phận làm việc cũng suy yếu.
‘’Phòng nhà cao nguy hiểm‘’: ‘’Phòng‘’ dụ cho sắc giới, ‘’nhà‘’ dụ cho dục giới, ở trong tam giới dễ mất đi thân người. Trong tam giới sẽ đọa lạc vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, bất cứ lúc nào nên gọi là ‘’nguy hiểm‘’. ‘’Trụ cột lại gãy mục‘’: ‘’Trụ cột‘’ dụ cho hai chân người, như trụ cột chống đỡ thân thể. ‘’Gãy mục‘’ tức sinh già bệnh chết bốn tướng biến đổi, từ nhỏ đến lớn, lớn rồi thành già, già rồi chết. ‘’Nóc nhà đều nghiêng ngã‘’: Dụ cho lưng của chúng ta đã cong. ‘’Nền móng đã hư nát‘’ ý nói thân thể này tạo nghiệp cuối cùng sẽ tan rã. ‘’Tường vách đều sụp đổ, bùn đất rơi rớt xuống‘’: Dụ cho da của con người đã nhăn nheo, da như bùn đất biến hoại. ‘’Tranh lợp rơi tả tơi‘’: ‘’Tranh lợp‘’ là cỏ tranh dùng để lợp mái nhà, dụ cho tóc, tóc đều đã rụng tả tơi. ‘’Kèo đòn tay trật khớp‘’: ‘’Kèo đòn tay‘’ dụ cho gân cốt, gân cốt đã trật khớp. ‘’Bốn phía đều cong vạy, đầy dẫy những nhơ uế‘’: Tức ruột non ruột già trong thân thể cong vạy, đầy dẫy phân đồ vật phế thải nhơ uế.
Thân thể con người do bốn đại hòa hợp mà thành, thân thể tan rã thì bốn đại phân tán, đất, nước, gió, lửa đều trả về. Mỗi người nên nhận rõ đời người, đừng vì thân nầy mà làm nô lệ, chẳng biết giác ngộ. Tôi từng nói:

‘’Người thọ bảy mươi xưa nay hiếm,
Trước trừ thiếu niên sau trừ già,
Thời gian khoảng giữa chẳng là bao,
Lại có một nửa thời gian ngủ‘’.

Con người mới sinh ra, đến mười tuổi thì quá nhỏ, chẳng làm được gì, quá sáu mươi tuổi thì đã già, cũng chẳng còn hữu dụng, thời gian khoảng giữa còn có một nửa ngủ nghỉ, thật tế đời người thời gian làm chẳng bao nhiêu, ở trên là chân lý đời người, thấy được chân lý đời người, thì thân tâm có chỗ ký thác.

‘’Có đến năm trăm người, thảy đều trong đó‘’: Tức là năm đường chúng sinh (cõi trời, cõi người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), ở trong nhà lửa tam giới nầy.

‘’Chim si hưu, điêu, thứu‘’: Chim si hưu là chim bất hiếu, mới sinh ra thì ăn thịt mẹ của chúng. Chim mẹ bị con ăn, đó là vì quả báo, vì nó đời trước bất hiếu với cha mẹ, cho nên đời nầy bị con ăn thịt. ‘’Chim si‘’ dùng chuộc làm thức ăn. Người Tàu cho rằng thấy được loài chim nầy, là điềm chẳng cát tường, chim nầy cũng gọi là mèo đầu ưng, do đó có câu: ‘’Mèo hoang vào nhà, thì chẳng việc gì mà không xảy đến‘’. Cho nên ai ai cũng đều ghét loài chim nầy. Con người nếu tự tôn tự đại, ở nhà bất hiếu với cha mẹ, thì quả báu sẽ đầu thai làm chim si hưu. ‘’Điêu thứu‘’ : Đều dùng động vật chết làm thức ăn, những loài chim nầy lúc sinh tiền làm người, thì háo cao vụ viễn, chẳng có việc gì thành tựu, chẳng cống hiến gì cho đời, vì họ háo cao vụ viễn nên đầu thai làm phi cầm.

‘’Chim si, hưu, điêu, thứu, quạ, thước, cưu, cáp’’: Hết thảy tám loài chim nầy, dụ cho mạn trong năm độn sử : Tham, sân, si, mạn, nghi, những loài chim nầy, kiếp trước làm người thì cậy thế hiếp người, hoặc cậy tiền của, hoặc cậy tài cán, hoặc cậy trí huệ, coi mình cao siêu mà khinh khi người khác. ‘’Điêu‘’ là một thứ chim thân hình to, hay bay rất cao, mỏ màu đỏ, dùng động vật nhỏ như thỏ, gà, làm thức ăn. ‘’Thứu‘’ thân màu vàng, thường ăn vật hũ nát như động vật đã chết sình. ‘’Quạ‘’ là quạ đen là chim hiếu nhưng tính kiêu ngạo. ‘’Thước‘’ là chim khách, thân nửa trắng nửa đen. Người Tàu cho rằng chim khách là chim cát tường, gặp chim khách bay đến, tức là có điềm cát tường, có tin vui, cho nên ai ai cũng đều thích chim nầy. ‘’Cưu‘’ loài chim nầy chẳng ăn trùng mà ăn lương thực. ‘’Cáp‘’ tự cho mình là đẹp nhất, tính đa tình. Tám loài chim ở trên là dụ cho cống cao ngã mạn. Có tám thứ kiêu ngạo :

1. ‘’Si‘’ dụ cho ỷ mạnh kiêu ngạo.
2. ‘’Hưu‘’ dụ cho tính kiêu ngạo, lúc làm người thì cậy mình sinh vào gia đình sang trọng.
3. ‘’Điêu‘’ dụ cho giàu kiêu ngạo, tự cho rằng mình giàu hơn người khác.
4. ‘’Thướu’’ dụ cho tự tại kiêu ngạo, cảm thấy mình vô câu vô thúc, vô quái vô ngại, cứ ăn vật hư hoại, mà tự cho rằng đó là tu khổ hạnh, cảm thấy rất tự tại, kì thật chỉ là khổ hạnh vô ích mà thôi.
5. ‘’Quạ‘’ dụ cho thọ mạng kiêu ngạo, tuy thọ mạng chẳng dài lắm, song tự cảm thấy thọ lâu dài, cho nên có thọ mạng kiêu ngạo.
6. ‘’Thước‘’ dụ cho thông minh kiêu ngạo.
7. ‘’Cưu‘’ dụ cho làm thiện kiêu ngạo, lấy sự ăn chay mà tự kiêu ngạo.
8. ‘’Cáp‘’ dụ cho sắc đẹp kiêu ngạo.

Tám thứ kiêu ngạo ở trên, dụ cho mạn sử trong năm độn sử, tức là thường có tâm ngã mạn, tự cho mình hơn bất cứ ai.
‘’Ngoan, xà, phúc, hiết, ngô công, du diên‘’: ‘’Ngoan’’ là rắn đen rất độc. ‘’Xà‘’ độc khí rất lợi hại. ‘’Phúc‘’ thân rộng ba tấc, dài từ ba đến bốn tất, hình như con nhện, đầu như ngón tay cái của người, cũng là một thứ rắn độc. ‘’Hiết‘’ cũng là một loài trùng có nọc độc. ‘’Ngô công‘’ đầu màu đỏ, đầu chẳng phải màu đỏ tức là ‘’du diên ‘’ là loài trùng rất độc. ‘’Ngoan, xà, phúc, hiết, ngô công, du diên‘’ đều dụ cho ‘’sân‘’ ở trong năm độn sử, sân rất độc, cho nên không nên có tâm sân hận.

‘’Thủ cung, bá túc‘’: ‘’Thủ cung’’ tức là ‘’hà diên’’, ở trong tường vách gọi là ‘’thủ cung’’, ở dưới biển gọi là ‘’hà diên’’. Truyền thuyết thời xưa của Tàu, hoàng đế nhốt phi tần vì bất trung với vua, có hành vi chẳng tốt, thì dùng máu của loài ‘’thủ cung’’ bôi lên cánh tay của phi tần, nếu phi tần hạnh trong sạch, thì máu chẳng mất đi, cho nên thứ trùng nầy gọi là ‘’thủ cung’’. ‘’Bá túc’’ là loài rếp, có rất nhiều chân dài đến ba bốn tất, màu đen rất độc.

‘’Dứu, ly, hề thử‘’: ‘’Dứu’’ là một thứ động vật thân dài ba thước, nếu gặp chó hoang tập kích, thì thân phóng ra mùi thối để thoát thân, khỏi bị chó cắn. Thứ động vật nầy có cái đuôi lớn, người thường dùng lông đuôi của nó để làm bút lông. Trung Quốc có hồ tiên và huỳnh tiên, ‘’dứu’’ là huỳnh tiên, thân màu vàng, sống lâu khoảng một ngàn năm, thân biến thành màu đen là đã sống đến một vạn năm, thân mà biến thành màu trắng thì thành tiên. Sống khoảng một trăm năm thì sẽ có thần thông. ‘’Ly’’ là một thứ mèo hoang, chuyên bắt gà vịt để ăn. ‘’Hề thử’’ còn gọi là cam khẩu hề, là một loài chuột. Mấy loài động vật ở trên là dụ cho ‘’si‘’ ở trong năm độn sử. ‘’Thủ cung, bá túc’’ là loài chẳng có trí tuệ, dụ cho độc đầu vô minh. ‘’Dứu, ly, hề thử‘’ dụ cho tương ưng vô minh.

‘’Các loài độc trùng dữ, đuổi nhau chạy ngang dọc‘’: Mấy loài độc trùng vừa nói ở trên, là dụ cho độc đầu vô minh và tương ưng vô minh, là ác tướng ở trong tam giới, đó đây đuổi nhau chạy ngang chạy dọc.

‘’Đại tiểu tiện hôi thối, chảy đầy đồ bất tịnh‘’: Dụ cho con người bề ngoài trang điểm đẹp đẽ, nhưng thân thể bên trong rất bẩn thỉu hôi thối, nhưng con người vẫn ngu si chấp trước túi da hôi thối nầy, xem là của báu. Độc trùng ở trên là dụ cho sự ngu si của con người. Con người ở chỗ bất tịnh, tham trước đồ bất tịnh mà chẳng biết, mà những vật bất tịnh nầy chảy đầy dẫy khắp nơi.

‘’Các độc trùng khương lương, bu đậu ở trên đó‘’: ‘’Khương lương’’ là loại bọ hung sống ở trong phân bò, nó vẫn vui vẻ tự đắc, thậm chí dùng phân để cúng Phật, nhưng vì thành tâm, nên Phật cũng từ bi nạp thọ. Vì nó hay cúng Phật, nên đời sau được chuyển làm thân người, nhưng đời trước nghiệp chướng quá nặng, dù được sinh làm người, nhưng bị điết, câm, ngu si, hạ liệt. Loài bọ hung sống ở trong đống phân, nếu bạn muốn nó di chuyển đến hũ dầu thơm, thì nó chẳng thể thích ứng mà chết. Chúng ta là người học Phật pháp, phải học đạo lý chân chánh, đừng giống như loài bọ hung, sống ở trong đống phân, vẫn chẳng biết tỉnh giác.

‘’Cáo sói và dã can‘’: ‘’Cáo’’ tức là hồ ly, hồ ly tinh khiến cho con người ý loạn tình mê. Người Tàu thường dùng hồ ly tinh, dụ cho phụ nữ bại hoại, thường dụ hoặc đàn ông. Thiên tính của hồ ly đa nghi. Trời mùa đông nước đóng thành băng, hồ ly đi trên băng, mỗi bước đều lóng nghe, nếu chẳng có tiếng động gì, thì băng đóng dày chắt, có thể đi được, cho nên nói hồ ly đa nghi. ‘’Sói’’ tính hung ác, tướng mạo như chó. Khi tôi ở núi Không Thanh tại Nam Kinh, thì một đêm nọ, từ Long đầm trên đường về gặp một bầy sói, chúng đi cạnh bên tôi, nhưng chẳng tập kích tôi, tôi bèn vì chúng mà thọ quy y, cho nên trong số đệ tử của tôi, cũng có hơn hai mươi con sói làm đệ tử. ‘’Dã can’’ là tạp giống của hồ ly, hồ ly đã thông minh, mà dã can còn thông minh hơn hồ ly, chúng ở vùng ven núi, hoặc khu rừng cây cao, chúng thường phát ra tiếng rất đặc biệt quái lạ, khiến cho người nghe phải khiếp vía, và những thú khác chẳng dám đến gần.
‘’Liếm nhai dày đạp lên‘’: Có thức ăn ít, thì từ từ liếm nhai, còn nếu có thức ăn nhiều, thì chẳng biết tiếc mà dày đạp lên.

‘’Cắn xé những thây chết, xương thịt bừa bãi ra‘’: Dùng tay xé xác chết ra ăn, vứt bỏ bừa bãi. ‘’Do đó các bầy chó, tranh nhau đến giành ăn‘’: Bầy chó cũng đến tranh ăn xương thịt, chẳng nhường nhịn nhau.

‘’Ốm đói rất sợ sệt‘’: Chẳng hiểu Phật pháp là đói, pháp thân chẳng viên mãn là ốm, một số người chưa nghe Phật pháp, đều có thể gọi là ốm đói.

‘’Khắp nơi tìm thức ăn‘’: Bầy chó cùng nhau tranh giành xương thịt, dụ cho tham trong năm độn sử.

‘’Giành giựt cấu sé nhau’’: Phát ra lời lẽ tranh cãi thị phi.

‘’Gầm gừ gào sủa rên‘’: Trợn mắt mà nhìn là gừ, há mồm nhe răng ra để thị uy là gầm, kêu lớn tiếng là gào sủa, những thứ nầy dụ cho nghi trong năm độn sử .

‘’Nhà đó rất đáng sợ, những cảnh trạng như thế‘’: Trong nhà năm uẩn cảnh trạng rất đáng sợ.

Từ khi bắt đầu bài kệ đến đây, là nói về năm độn sử : Tham, sân, si, mạn, nghi, những thứ nầy chi phối, khiến cho con người điên đảo thị phi, khó mà tự cứu. Cho nên tu đạo phải trừ khử năm độn sử nầy.

‘’Khắp nơi thảy đều có, quỷ lị mị vọng lượng, Dạ xoa các ác quỷ, ăn nuốt cả thịt người‘’: ‘’Khắp nơi’’ là nói tam giới : Dục giới, sắc giới và vô sắc giới, cũng có thể nói là thân của con người. Ba cõi đều đầy dẫy Dạ xoa, ác quỷ, lị, mị, vọng lượng, hoặc trong năm dục đầy dẫy sắc thọ tưởng hành thức, hoặc bốn đế đều đầy dẫy lị mị vọng lượng. ‘’Lị’’ là sơn tinh, là quỷ quái ở trong núi. ‘’Mị’’ là yêu quái cứ làm việc quái đảng ở trong nhà, tức quỷ mị. ‘’Vọng lượng’’ là tinh quái do cây, hoặc đá hóa thành, ngón tay của con người chảy máu nhỏ lên đá, thì đá mượn tinh khí của con người mà biến thành tinh quái. ‘’Vọng lượng’’ là to lớn như núi cao, ban đêm mới xuất hiện, đến khi gà gáy quấy nhiễu mới ẩn mất. Lị mị là quỷ nhỏ bé cao khoảng ba thước, rất nhỏ so với vọng lượng, quỷ Vọng lượng cao ba bốn trượng cho đến ba bốn mươi trượng. ‘’Lị, Mị, Vọng lượng, Dạ xoa, ác quỷ‘’ đều dụ cho năm lợi sử, năm lợi sử khiến cho con người điên đảo, chấp trước làm việc hồ đồ :

1. Thân kiến: Chấp trước thân thể của mình, chú trọng trang điểm túi da hôi thúi nầy, nhận lầm thân giả nầy làm ‘’chân ngã’’. Kì thật, thường trụ chân tâm, tính tịnh minh thể mới là ‘’chân ngã‘’, tức tánh Như Lai tạng, cũng đều là chân ngã. Chân ngã thì chẳng sinh chẳng diệt, chẳng sạch chẳng dơ, chẳng tăng chẳng giảm. Người tu hành nên nhớ đừng nhận giả làm chân, phải trừ khử ‘’thân kiến’’, nhìn thấu buông xả.

2. Biên kiến : Chấp đoạn, chấp thường, đây là tri kiến của ngoại đạo, hoặc cho rằng người chết như đèn tắt, bác vô nhân quả, hoặc cho rằng người như cây cỏ, sinh thì tự sinh, chết thì tự chết, tức là đoạn kiến. Thường kiến là sinh thì làm người, đời đời kiếp kiếp đều làm người, sinh rồi chết, chết rồi lại sinh làm người. ‘’Biên’’ tức chẳng hợp với trung đạo, cường từ đoạt lý.

3. Giới cấm thủ kiến : Là một thứ giới luật của ngoại đạo tu, chẳng phải nhân cho là nhân, chẳng phải quả cho là quả, họ dối gạt tu khổ hạnh vô ích, thì có thể được Niết Bàn. Kì thật, là có những bàng môn tả đạo, vì khổ hạnh mà được thiên nhãn thông, thấy súc sinh được sinh về cõi trời, bèn học theo sinh sống tập quán của loài súc sinh, tu hành những pháp môn, ví như : Giới bò, họ cho rằng : Sở dĩ bò được sinh về cõi trời, đều vì dùng cỏ làm thức ăn, cho rằng ăn cỏ là trai giới trong sạch nhất, cho nên giữ giới bò, cũng dùng cỏ làm thức ăn. Kẻ giữ giới chó, thì cho rằng chó vì người trông giữ cửa, thì có công lao, cho nên hành động và làm theo như chó. Đó là những giới bò, giới chó, của ngoại đạo. Vì tu những khổ hạnh vô ích như vậy, cũng có thể sinh về cõi trời, tức trong Kinh Pháp Hoa có nói : ‘’Ly địa nhất xích nhị xích’’. Ly địa nhất xích, tức sinh về cõi dục giới, ly địa nhị xích, thì sinh về cõi sắc giới. Đó là giới tu của ngoại đạo, song có sự chấp trước, chẳng phải tịnh giới vô lậu của nhà Phật. Còn có một thứ ngoại đạo, lấy heo làm mô phạm, nằm trên đất, dùng tro bôi khắp thân thể, dạy người chẳng nhận ra mặt mũi của họ. Còn có một thứ ngoại đạo, ngủ ở trên giường đinh, cho rằng bị đinh đâm lủng da cũng chẳng sợ, là sự khổ hành khó hành. Còn có một thứ khổ hạnh, dùng dây thừng treo ngược thân thể mà ngủ. Còn có một thứ khổ hạnh, dùng bùn đất làm thức ăn, cho rằng đó mới là sinh sống thiên nhiên. Đó đều là giới cấm thủ, thực hành những khổ hạnh vô ích.

4. Tà kiến : Là tri kiến ngược lại với chánh đạo. Ví như người tu đạo, nên hiếu thuận với cha mẹ, nhưng người tà kiến cho rằng : Sinh dưỡng con cái là bổn phận của cha mẹ, cho nên chẳng hiếu thuận với cha mẹ. Chánh đạo chủ trương chẳng sát sinh, còn họ thì cổ lệ sát sinh. Trộm cắp thì chẳng hợp pháp, nhưng họ dạy người đi trộm cắp. Tà dâm là hành vi bất chánh, nhưng họ dạy người tà dâm. Người không nên nói láo, nhưng họ dạy người nói dối. Người tà kiến thì phản đối việc ăn chay, cho rằng ngựa, bò, dê, các loài súc sinh là trời sinh ra cho con người ăn thịt, hà tất làm hại vật của trời ! Nói tóm lại, kẻ tà kiến thì tất cả tri kiến đều ngược lại với chánh đạo.

5. Kiến thủ kiến : Thấy vật bên ngoài thì sinh tâm ích kỉ, muốn chiếm làm của riêng mình. Năm lợi sử ở trên che lấp trí huệ chân chánh của con người.

Cho nên người học Phật, phải dùng kiếm trí huệ chặt đứt năm lợi sử, mới có thể vượt ra ba cõi. Đó là nói sơ lược về năm lợi sử, nếu nói tỉ mỉ thì nói chẳng hết được.

Vì sao bò, chó, heo, gà, các loài súc sinh có thể sinh về cõi trời ? Vì bò cày ruộng, làm việc cho chủ, nên có công, cho nên có thể sinh về cõi trời. Chó trung thành với chủ, cứu chủ lập công, cho nên có thể sinh về cõi trời, mà chẳng biết rõ nhân duyên chúng được sinh về trời, hiểu lầm sự sinh về trời, nên học hành vi tập quán hằng ngày của chúng. Người tu đạo phải có mắt chọn pháp, biết rõ thị phi, lựa thiện mà theo.

‘’Dạ xoa các ác quỷ’’: Dụ cho tà kiến của năm lợi sử, như Dạ xoa ác quỷ hành sự ở trong bóng tối. ‘’Thịt người’’ dụ cho thiện báo, người làm lành thì được thiện báo.

‘’Nuốt cả thịt người’’ dụ cho kẻ tà kiến bác nhân quả, dẫn dắt kẻ khác làm những việc bại hoại.

‘’Các loài trùng dữ độc, các cầm thú hung ác’’. Tức ở trên đã nói những loài trùng độc và cầm thú.

‘’Ấp cho bú sản sinh’’: ‘’Ấp’’ trứng do ấp mà sinh, ‘’bú’’ là thai sinh, ‘’đều tự giấu gìn giữ‘’: Dụ cho nhân quả thế gian chẳng mất đi.

Quỷ Dạ xoa đua đến
Tranh giành lấy món ăn
Ăn xong no nê rồi
Tâm ác nổi hăng lên.
Tiếng chúng đánh cãi nhau
Thật rất là hãi hùng
Loài quỷ Cưu bàn trà
Ngồi xổm trên đống đất.
Hoặc có lúc hỏng đất
Một thước hoặc hai thước
Dạo đi qua đi lại
Buông lung chơi đùa giỡn.
Cầm nắm hai chân chó
Đánh cho la thất thanh
Lấy chân đạp trên cổ
Khủng bố chó để vui.

‘’Quỷ Dạ xoa đua đến, tranh giành lấy món ăn‘’: Dạ xoa là một loài quỷ hành động rất nhanh nhẹn, cùng nhau tranh giành lấy thức ăn, vì thức ăn thì ít, mà quỷ Dạ xoa thì nhiều, chẳng đủ phân chia, cho nên chúng tranh giành lấy thức ăn. Dụ cho bác vô nhân quả.

‘’Ăn xong no nê rồi‘’: Dụ cho tà kiến thành tựu.
‘’Tâm ác nổi hăng lên‘’: Dụ cho tà kiến tăng trưởng.
‘’Tiếng chúng đánh cãi nhau, thật rất là hãi hùng‘’: Do đó có câu :

‘’Tranh là tâm hơn thua,
Trái ngược lại với đạo,
Tâm sinh ra bốn tướng,
Sao đắc được tam muội‘’.

Tranh là tâm hơn thua, trái ngược với đạo, khởi tâm tranh thì sinh ra : Tướng người, tướng ta, tướng chúng sinh và tướng thọ mạng. Sinh ra bốn tướng nầy, làm sao được tam muội ? Dụ cho tà luận bác vô nhân quả, thật là đáng sợ. Lại dụ cho một số người nghe tà luận, bị mê hoặc mà tạo nghiệp, đọa vào ba đường ác, rất khó ra được.

‘’Loài quỷ Cưu bàn trà‘’: Hình như quả dưa, chẳng có tay, chẳng có chân, gọi là quỷ yểm mị, thường đè trên người khi họ ngủ, khiến cho họ nghẹt thở, thậm chí có thể làm cho người chết. Dụ cho giới cấm thủ kiến trong năm lợi sử.

‘’Ngồi xổm trên đống đất‘’: Dụ cho sáu cõi trời dục giới. Ngoại đạo giữ giới bò, chó, gà, heo, y theo giới tu mười điều thiện, thì được sinh về sáu cõi trời dục giới (Tứ Thiên Vương, Trời Đao Lợi, Trời Dạ Ma, Trời Đâu Xuất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại).

‘’Hoặc có lúc hỏng đất, một thước hoặc hai thước‘’: ‘’Hoặc’’ nghĩa là chẳng quyết định. Ngoại đạo y theo giới tu hành đắc được tứ thiền, sinh về cõi trời sắc giới tức ‘’hỏng đất một thước’’, y theo giới tu tứ không định, được sinh về cõi trời vô sắc giới, tức ‘’hỏng đất hai thước’’.

‘’Dạo đi qua đi lại‘’: ‘’Đi’’ dụ cho sinh về cõi sắc giới, vô sắc giới. ‘’Qua lại’’ dụ cho sinh về cõi dục giới. Dụ cho con người như hạt bụi, lúc cao lúc thấp, lúc lên lúc xuống, ở trong nhà lửa tam giới, tạo nghiệp thiện thì được sinh về cõi trời; tạo nghiệp ác thì đọa địa ngục, làm ngạ quỷ, hoặc súc sinh. Con người do nghiệp dẫn dắt.

‘’Buông lung chơi đùa giỡn‘’: Dụ cho người chẳng minh bạch chân lý, thì chẳng đắc được sự vui cứu kính, những gì có được, đều là khoái lạc giả, chẳng thật.

‘’Cầm nắm hai chân chó, đánh cho la thất thanh‘’: Quỷ Dạ xoa cầm hai chân chó, đánh và ném đi nơi xa. Dụ cho ngoại đạo vọng tưởng, tu khổ hạnh để mong thành tựu đạo nghiệp. Thật ra, giữ giới bò, giới chó, giới heo, đều là khổ hạnh vô ích, khổ hạnh ngoại đạo chẳng phải nhân cho là nhân.

‘’Lấy chân đạp trên cổ‘’: Dụ cho ngoại đạo chẳng phải quả cho là quả. Cho rằng hành khổ hạnh, thì có thể được khoái lạc Niết Bàn.
‘’Khủng bố chó để vui‘’: Quỷ Dạ xoa làm cho chó kinh hãi sủa bậy để làm vui thích. Dụ cho được vị thiền, chứng đắc Ly hỉ diệu lạc địa (sơ thiền).

Lại có các loài quỷ
Thân chúng dài to lớn
Trần truồng rất xấu đen
Thường ở luôn trong đó.
Phát ra tiếng hung ác
Kêu la tìm thức ăn
Lại có các loài quỷ
Cổ chúng nhỏ như kim.
Lại có các loài quỷ
Đầu chúng như đầu trâu
Hoặc là ăn thịt người
Hoặc lại ăn thịt chó.
Đầu tóc rối tung lên
Tàn ác rất hung hiểm
Bị đói khát bức bách
Kêu la chạy đuổi theo.

‘’Lại có các loài quỷ‘’: Ngoại trừ quỷ Dạ xoa ra, còn có các loài quỷ khác. ‘’Thân chúng dài to lớn, trần truồng rất đen xấu, thường ở luôn trong đó’’: Dụ cho thân kiến trong năm lợi sử. Thân của chúng đầy dẫy trong tam giới, cho nên nói là ‘’dài’’, khắp đầy năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cho nên nói là ‘’to lớn’’.

Tự giác mãn túc, chẳng hổ thẹn, chẳng tu pháp lành, cho nên gọi là ‘’trần truồng’’. Vì tội ác khắp mình, cho nên gọi là ‘’đen’’. Chẳng có đức hạnh nên gọi là ‘’xấu’’. ‘’Thường ở luôn trong đó’’: Thường ở trong ba cõi chẳng cầu thoát ra. ‘’Phát ra tiếng hung ác’’: Dụ cho kẻ ngoại đạo tu chấp nặng tướng ta, tu đủ thứ khổ hạnh. ‘’Kêu la tìm thức ăn’’: Dụ cho ngoại đạo vọng tưởng chấp trước cái ta mà được Niết Bàn.

‘’Lại có các loài quỷ, cổ chúng nhỏ như kim’’: Có loài quỷ bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, dụ cho ‘’kiến thủ ’’ trong năm lợi sử, nhận lầm rằng cảnh giới Trời Phi Phi Tưởng Xứ là Niết Bàn. Trời Phi Phi Tưởng Xứ sống lâu đến tám vạn đại kiếp, hết tuổi thọ thì sẽ đọa lạc.

‘’Lại có các loài quỷ, đầu chúng như đầu trâu’’: Dụ cho biên kiến.

‘’Hoặc là ăn thịt người’’: ‘’Thịt người’’ dụ cho căn lành, dụ cho đoạn kiến, thường kiến, dứt căn lành xuất thế.

‘’Hoặc lại ăn thịt chó’’: Dụ cho dứt căn lành thế gian.

Căn lành xuất thế là gì ? Là siêng tu giới định huệ, tức diệt tham sân si, đầy đủ bốn đế, mười hai nhân duyên, lục độ vạn hạnh, hết thảy các công đức, đó là căn lành xuất thế. Căn lành thế gian là giữ năm giới. Thực hành mười điều lành : Không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, đó là năm giới; chẳng sát sinh, chẳng trộm cắp, chẳng tà dâm, không tham, không sân, không si, không nói lời thêu dệt, không nói dối, không chưởi mắng, không nói hai chiều, đó là mười điều lành. Người có đoạn kiến, thường kiến, thì sẽ dứt mất căn lành thế gian và xuất thế gian.

‘’Đầu tóc rối tung lên’’: Dụ cho ngoại đạo. ‘’Chẳng thường mà nói thường’’ : Cho rằng sinh làm thần thì vĩnh viễn là thần; sinh làm người thì vĩnh viễn là người; sinh làm súc sinh thì vĩnh viễn chẳng thay đổi. Ngoại đạo cũng có lý luận sai lầm, một khi chết thì vĩnh viễn diệt hẳn. Những lý luận nầy hoàn toàn sai lầm, chẳng hợp với trung đạo, mâu thuẫn lẫn nhau cho nên nói ‘’đầu tóc rối tung lên’’.
‘’Tàn ác rất hung hiểm‘’: Dụ cho thường kiến, phá chân lý vô thường, còn đoạn kiến thì phá chân lý nhân duyên.

‘’Bị đói khác bức bách, kêu la chạy đuổi theo‘’: ‘’Đói khác’’ là đói khác trí huệ, người tu đạo phải có thức ăn trí huệ và uống thiền định; chẳng nghe Kinh thì chẳng có thức ăn trí huệ; chẳng ngồi thiền thì chẳng uống thiền định, cho nên nói ‘’bị đói khác bức bách’’. ‘’Kêu la’’ dụ cho diễn xướng tà luận đoạn kiến, ‘’chạy đuổi theo’’ dụ cho sinh tử không ngừng, ở trong sáu nẻo luân hồi.

Dạ xoa cùng quỷ đói
Các chim muôn ác độc
Đói quá chạy bốn bề
Rình xem các cửa sổ.
Các nạn như vậy đó !
Vô lượng việc ghê sợ
Vì nhà hư mục đó
Thuộc về nơi một người.
Người đó vừa ra khỏi
Thời gian chưa bao lâu
Về sau ngôi nhà đó
Lửa bổng nhiên nổi lên.


‘’Dạ xoa cùng quỷ đói, các chim muôn ác độc‘’: Dụ cho phiền não năm lợi sử và năm độc sử trong dục giới. Chúng sanh dục giới đều là hữu lậu, nên chẳng biết tu đạo, càng không thể được từ vị thiền duyệt.

‘’Đói quá chạy bốn bề‘’: Dụ cho ngoại đạo tu tà quán, chẳng biết lĩnh ngộ được chân lý, mà họ ngưỡng mộ đạo quả và thiền vị.
‘’Rình xem các cửa sổ, các nạn như vậy đó, vô lượng việc ghê sợ’’: Các nạn như thế, thật là đáng hãi hùng.
‘’Vì nhà hư mục đó‘’: Dụ cho ba cõi vô thủy cố hữu chẳng an ổn.

‘’Thuộc về nơi một người’’: Phật dùng ứng thân vào ba cõi giáo hóa chúng sinh. Từ khi Phật phát tâm cho đến khi thành Phật, trải qua ba đại A Tăng kỳ kiếp, Ngài phát vô lượng vô biên thệ nguyện: Nguyện độ tất cả chúng sinh liễu sinh thoát tử. Cho nên, chúng ta là Phật giáo đồ, nên phát vô lượng vô biên đại thệ nguyện, độ tất cả chúng sinh. Phật giáo đồ nên độ cha mẹ tin Phật, nếu độ được cha mẹ tin chân lý, thì mới là hiếu thuận chân chánh, sau đó độ anh chị em hiểu rõ chân lý, xa lìa tà tri kiến. Đức Phật thành Phật rồi, còn phải đến cung trời Đao Lợi vì mẹ mà nói Kinh Địa Tạng, đủ thấy đức Phật thành Phật rồi, vẫn không quên độ mẹ của Ngài.

‘’Người đó vừa ra khỏi, thời gian chưa bao lâu, sau đó ngôi nhà đó, lửa bỗng nhiên nổi lên’’: Đức Phật giáo hóa tất cả chúng sinh, khiến cho tất cả chúng sinh hàng phục được năm trược, hoàn thành tất cả nghiệp hoặc, Phật mới vào Niết Bàn. Phật vào Niết Bàn rồi, thì tất cả chúng sinh năm trược lại hiện. Cũng có thể dụ cho chúng sinh được Phật giáo hóa, đã được vô minh pháp nhẫn, do đó có câu:

‘’Các lậu đã sạch,
Phạm hạnh đã vững,
Việc làm đã xong,
Chẳng còn sinh tử ‘’.

Chẳng còn sinh vào ba cõi nữa, nên nói là ‘’ra khỏi’’. Tuy Phật đã thành Phật, ra khỏi ba cõi nhưng Phật vẫn nương thuyền từ bi trở lại thế giới nầy, để giáo hóa chúng sinh. ‘’Về sau ngôi nhà đó, lửa bỗng nhiên nổi lên‘’: ‘’Nhà’’ dụ cho năm uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức, lửa năm uẩn thiêu hủy ba cõi.

Bốn phía cùng một lúc
Lửa ngọn cháy hừng hực
Mái nóc và cột kèo
Tiếng nổ vang lách tách.
Đổ gãy rơi rớt xuống
Tường vách đều sụp đổ.


‘’Bốn phía’’ dụ cho bốn niệm xứ. Sau khi Phật vào Niết Bàn, thì tất cả người tu đạo, Tỳ Kheo Tỳ Kheo Ni, đều y theo bốn niệm xứ mà trụ. Bốn niệm xứ: Thân niệm xứ, thọ niệm xứ, tâm niệm xứ, và pháp niệm xứ.

1. Quán thân bất tịnh : Quán thân, thọ, tâm, pháp, đều bất tịnh.
2. Quán thọ là khổ : Quán thân, thọ, tâm, pháp, đều khổ.
3. Quán tâm vô thường : Tâm niệm luôn thay đổi, nên gọi là vô thường, quán thân, thọ, tâm, pháp, đều vô thường.
4. Quán pháp vô ngã : Quán thân, thọ, tâm, pháp, đều chẳng có cái ta. Tu bốn niệm xứ trước hết tu :

1. Quán bất tịnh, để phá trừ chấp cái ta, mượn cái giả tu cái thật.
2. Quán thọ là khổ, có ba sự khổ, tám sự khổ và vô lượng sự khổ.
3. Quán tâm vô thường.
4. Quán pháp chẳng có ngã. ‘’Cùng một lúc’’ dụ cho năm trược, tám sự khổ, bốn điên đảo, cùng một lúc sinh ra. Bốn điên đảo là bốn sự thấy điên đảo của ngoại đạo : Chẳng thường nói là thường, chẳng vui nói là vui, chẳng phải ngã nói là ngã (cái ta), chẳng tịnh nói là tịnh (thường, lạc, ngã, tịnh bốn đức Niết Bàn).

‘’Lửa ngọn cháy hừng hực‘’: Bốn điên đảo, năm trược, tám khổ cùng nhau tương trợ, cho nên nói là lửa ngọn cháy hừng hực.

‘’Nóc mài và cột kèo‘’: Dụ cho xương cốt chi trì thân thể.

‘’Tiếng nổ vang lách tách‘’: Mạng sống mà hết là ‘’nổ’’, dụ cho mạng sống chấm dứt.

‘’Đổ gãy rơi rớt xuống, tường vách đều sụp đổ‘’: Hơi thở chấm dứt là ‘’đổ gãy’’, dụ cho lúc lâm chung thì bốn đại giải tán, đất, nước, gió, lửa đều trở về bổn thể của nó.

Các loài quỷ thần thảy
Đều lớn tiếng kêu to.
Các loài chim điêu thứu
Cùng quỷ Cưu bàn trà
Hoảng sợ chạy tán loạn
Vẫn chẳng chạy ra được.
Thú dữ và trùng độc
Ẩn núp trong hang lỗ
Loài quỷ Tỳ xá xà
Cũng đều ở trong đó.
Vì phước mỏng đức ít
Nên bị lửa bức bách
Lại tàn hại lẫn nhau
Uống máu và ăn thịt.


‘’Các loài quỷ thần thảy‘’: Dụ cho năm độn sử và năm lợi sử.

‘’Đều lớn tiếng kêu to‘’: Các loài quỷ thần thấy căn nhà bỗng nhiên nổi lửa, tường ngã nhà sập, nên hoảng hốt kêu to.

‘’Các loài chim điêu, thứu, cùng quỷ Cưu bàn trà, hoảng sợ chạy tán loạn, vẫn chẳng tự ra được‘’: Dụ cho ba cõi chẳng dễ gì thoát ra, phải nhờ sự giúp đỡ của Phật Pháp Tăng mới ra được.

‘’Thú dữ và trùng độc, ẩn núp trong hang lỗ‘’: ‘’Hang lỗ’’ dụ cho sắc giới.

‘’Loài quỷ Tỳ Xá Xà, cũng đều ở trong đó‘’: Quỷ ăn tinh khí cũng ở trong cõi sắc giới.

‘’Vì phước mỏng đức ít, nên bị lửa bức bách‘’: Vì phước đức mỏng cạn, cho nên thường nóng giận. Người thường nóng giận là do đức hạnh chẳng đủ, nóng giận như bị lửa thiêu. Dụ cho ba cõi chẳng yên, bị bốn điên đảo, tám sự khổ bức bách.

‘’Lại tàn hại lẫn nhau‘’: Trong cõi sắc giới nhàm chán cõi thấp, thích cõi cao hơn, ví như ở cõi sắc giới thì nhàm chán cõi dục giới, thích sinh về cõi vô sắc; người ở cõi trên thì chẳng thích cõi dưới, cho nên ‘’Lại tàn hại lẫn nhau’’.

‘’Uống máu và ăn thịt‘’: ‘’Uống máu’’ dụ cho chúng sinh cõi sắc, và cõi vô sắc mặc nhiên chấp trước, chẳng nói năng với nhau. ‘’Ăn thịt’’ dụ cho chúng sinh cõi sắc, và cõi vô sắc chấp trước công đức.

Những loài thú dã can
Thảy đều đã chết trước
Các loài thú dữ lớn
Giành nhau đến ăn nuốt.
Mùi tanh loan khắp nơi
Đầy dẫy cả bốn bề
Loài ngô công do diên
Cùng với loài rắn độc.
Đều bị lửa thiêu đốt
Tranh nhau ra khỏi hang
Loài quỷ Cưu bàn trà
Bèn bắt lấy mà ăn.


‘’Những loài thú dã can, thảy đều đã chết trước‘’: ‘’Dã can’’ dụ cho lòng tham của dục giới. Đã sinh về cõi sắc giới, nên đã lìa khỏi lòng tham của dục giới.

‘’Các loài thú dữ lớn, tranh nhau đến ăn nuốt, mùi tanh loan khắp nơi, đầy dẫy cả bốn bề’’: Các loài thú dữ lớn’’ dụ cho lòng tham ở cõi sắc giới, có thể nuốt trựng sự tham ở cõi dục giới, có cảnh giới thiền vị, nên dụ cho mùi tanh. Cũng cùng chung: Thân, thọ, tâm, pháp, và bốn đại, nên nói ‘’đầy cả bốn bề’’.

‘’Loài ngô công, do diên, cùng với loài rắn độc, đều bị lửa thiêu đốt, tranh nhau ra khỏi hang‘’: Dụ cho cõi vô sác. Cõi vô sắc cao hơn cõi sắc một tầng, người tu đạo sinh về cõi vô sắc, thì nhàm chán cõi sắc, vì cõi sắc còn có hình tướng có thể thấy, chúng sinh cõi sắc bị hình tướng giới hạn, vẫn còn tướng thô về sự khổ, ở cõi sắc bị tám sự khổ, năm uẩn thiêu đốt, cho nên muốn thoát khỏi cõi sắc, để sinh về cõi vô sắc.

‘’Đều bị lửa thiêu đốt, tranh nhau ra khỏi hang‘’: ‘’Hang’’ dụ cho trời sắc giới, ‘’ra khỏi hang’’ dụ cho trời cõi vô sắc, đến cõi vô sắc, thì định lực càng tiến thêm một bước. Đến cõi trời vô sắc, thì trời cõi sắc diệt, cho nên dùng ‘’loài quỷ Cưu Bàn Trà, bèn bắt lấy mà ăn’’ làm dụ.

‘’Loài quỷ Cưu bàn trà‘’ dụ cho gốc năm độn sử, và năm lợi sử, đều có thể được vô sắc định, nhưng trong văn nói chấp trước năm độn sử, nhàm chán trời cõi sắc, mà muốn lên cõi vô sắc, năm lợi sử đã chứng được vô sắc giới, cho nên nhàm chán trời cõi sắc, cho nên nói rằng : ‘’Loài quỷ Cưu Bàn Trà, bèn bắt lấy mà ăn’’.

Lại có các ngạ quỷ
Trên đầu bị lửa thiêu
Đói khát nhiệt não hành
Hoảng hốt chạy tán loạn.


Ngạ quỷ bụng to như trống, cổ nhỏ như kim, cho nên khó mà no nê được. Trên đầu bị lửa thiêu đốt, đói khát nóng bức hành hạ, nên chạy tán loạn khắp nơi chẳng có mục đích. ‘’Ngạ quỷ’’ dụ cho Trời Tứ Không Xứ (Trời Không Vô Biên Xứ, trời Thức Vô Biên Xứ, trời Vô Sở Hữu Xứ, trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ ).

Trời Tứ Không tuy đã không, nhưng vẫn có thức, chưa dứt sinh tử, chưa được vô lậu ẩm thực, như là loại ngạ quỷ chưa được vô lậu ẩm thực, tuy ở trên đỉnh ba cõi (cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc), nhưng vẫn chưa dứt sinh tử, bị vô thường thiêu đốt, cho nên nói ‘’trên đầu bị lửa thiêu’’. Trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng sống lâu đến tám vạn đại kiếp, hưởng hết phước trời thì vẫn phải đọa lạc, bị lửa vô thường thiêu đốt, chẳng ăn được thức ăn chánh đạo, nên nói là ‘’đói’’, chẳng uống được nước từ nhuận trợ đạo, nên nói là ‘’khát’’.

Chúng sinh ở cõi trời Tứ Không Xứ, tuy là cao nhất trong ba cõi, vẫn có tám sự khổ vi tế bức bách, tám sự khổ vẫn tồn tại ở trong ruộng bát thức, cho nên nói là ‘’nhiệt’’, vẫn có các hoặc vi tế : Kiến hoặc, tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc. Kiến hoặc là thấy cảnh sinh tham ái. Tư hoặc là mê lý khởi phân biệt. Trần sa hoặc là Bồ Tát giáo hóa chúng sinh, phải thông đạt các pháp môn nhiều như hạt cát, hạt bụi, bằng không tự tại giáo hóa tức là trần sa hoặc. Vô minh hoặc là chẳng rõ thị phi, nhận giả làm thật, vì có các hoặc nên nói là ‘’não’’. Chúng sinh ở cõi Tứ Không Xứ vẫn còn sinh tử, chẳng muốn thoát ra, nên nói là ‘’Hoảng hốt chạy tán loạn’’.

Nhà đó là như thế
Thật là rất hãi hùng
Độc hại và nạn lửa
Nhiều nạn chẳng phải một.
Lúc đó ông chủ nhà
Đang đứng ở ngoài cửa
Nghe có người nói rằng :
Các người con của ông.
Trước kia vì dạo chơi
Đến vào trong nhà nầy
Thơ bé chẳng biết gì
Ham chơi vui đùa giỡn.
Ông trưởng giả nghe rồi
Hoảng sợ vào nhà lửa.

‘’Chủ nhà’’ tức là đức Phật, Phật đang đứng ở ngoài cửa, nghe có người nói, các người con của ông, trước kia vì dạo chơi, đến vào trong nhà đó, thơ bé chẳng biết gì, ham vui chơi đùa giỡn. Ông trưởng giả nghe rồi, hoảng sợ vào nhà lửa. Phật đã chứng được pháp thân, cho nên nói ‘’đang ở ngoài cửa’’. ‘’Đứng’’ tức là Phật thường tồn tâm đại bi, muốn cứu chúng sinh, cho nên chẳng trụ tòa đệ nhất nghĩa không.

‘’Nghe có người nói rằng‘’: Dụ cho tam muội, Phật được pháp tam muội, quán căn cơ mà bố thí pháp.

‘’Các người con của ông‘’: Tất cả chúng sinh trong năm đường. ‘’Trước kia vì dạo chơi, đến vào trong nhà đó‘’: Tất cả những chúng sinh nầy, mới phát tâm thì cầu ra khỏi nhà lửa, nhưng chưa được ba bất thối chuyển (vị, niệm và hạnh bất thối), vẫn còn kiến hoặc và tư hoặc. Tất cả chúng sinh tánh vốn thanh tịnh, vì vô minh vọng tưởng chấp trước mà tiếp nối sinh tử, cho nên dụ cho ‘’trước kia vì dạo chơi’’.

‘’Thơ bé chẳng biết gì‘’: Tức tu hành chưa viên mãn, bị kiến hoặc, tư hoặc, vô minh hoặc ràng buộc.

‘’Ham vui chơi đùa giỡn‘’: Sinh vào trong ba cõi chẳng biết ra khỏi, lầm cho rằng thế giới nầy vui vẻ khoái lạc.

‘’Ông trưởng giả nghe rồi, hoảng sợ vào nhà lửa‘’: Dụ cho Phật thương xót chúng sinh, phải vào trong nhà lửa để độ, giáo hoá chúng sinh.

Dùng phương tiện cứu tế
Khiến con khỏi thiêu hại.
Mà dụ bảo các con
Nói các thứ hoạn nạn
Các quỷ và độc trùng
Nạn lửa cháy lan tràn.
Các sự khổ thứ lớp
Liên tục mãi không dứt
Loài rắn độc ngoan phúc
Và các quỷ Dạ xoa.
Cùng quỷ Cưu bàn trà
Loài dã can, chồn chó
Chim điêu, thứu, xi, hưu
Và loài bá túc thảy.
Đều đói khát khổ sở
Thật rất là đáng sợ
Đây là chỗ khổ nạn
Lại còn có lửa lớn
Các người con chẳng biết
Tuy nghe cha dạy bảo.
Vì còn ham vui chơi
Đùa giỡn mãi không thôi.


‘’Dùng phương tiện cứu tế’’: Lúc bấy giờ, đức Phật muốn dùng pháp đại thừa cứu độ hết thảy chúng sinh.

‘’Khiến con khỏi thiêu hại‘’: Muốn cho chúng sinh khỏi bị lửa năm uẩn thiêu đốt.

‘’Mà dụ bảo các con, nói các thứ hoạn nạn‘’: Trong nhà lửa đầy dẫy hoạn nạn, cho nên trong Kinh có nói: ‘’Ba cõi không an, giống như nhà lửa‘’. ‘’Ác quỷ, độc trùng’’ dụ cho năm độn sử.

‘’Nạn lửa cháy lan tràn‘’: Lửa năm uẩn cháy lan tràn khắp nơi, thiêu hủy ba cõi.

‘’Các sự khổ thứ lớp‘’: Các sự khổ liên tục không dứt.

‘’Loài rắn độc ngoan phúc, và các quỷ dạ xoa, cùng quỷ cưu bàn trà, loài dã can chồn chó, chim điêu, si, hưu, và loài bá túc thảy‘’: Dụ cho năm độn sử và năm lợi sử.

‘’Đều đói khát khổ sở, thật rất là đáng sợ, đây là chỗ khổ nạn, lại còn có lửa lớn‘’: Vì chẳng ăn được thức ăn chánh đạo, chẳng uống được nước trợ đạo, cho nên bị đói khát, hoành hành khổ sở, thật rất là đáng sợ. Ba cõi có đủ thứ quái vật, và còn có lửa lớn thiêu đốt.

‘’Các người con chẳng biết‘’: Tất cả chúng sinh chẳng có căn tính đại thừa.

‘’Tuy nghe cha dạy bảo‘’: Tuy thường nghe lời ông trưởng giả dạy bảo.

‘’Vì còn ham vui chơi, đùa giỡn mãi không thôi‘’: Vẫn lưu lại ở trong đó đùa giỡn vui chơi.

Khi đó ông trưởng giả
Bèn nghĩ như thế nầy:
Các con ta như thế
Làm ta thêm sầu não
Nay trong nhà lửa nầy
Chẳng có điều gì vui.
Mà tất cả các con
Vẫn đam mê chơi đùa
Chẳng nghe lời ta dạy
Sắp bị lửa thiêu hại.
Ông trưởng giả lại nghĩ
Bày ra các phương tiện.

Lúc đó, Phật lại nghĩ thế nầy, các con ta như thế, càng làm cho ta thêm phiền não. Nguyện lực của Phật là độ chúng sinh, mà chúng sinh chẳng biết tỉnh ngộ, nên làm cho Phật thêm sầu não. Trong ba cõi, Phật chẳng có gì đáng lưu luyến, mà tất cả các người con say đắm lưu luyến ba cõi nầy.

Người đó ở trong ba cõi bị vô minh trói buộc, chẳng phát bồ đề tâm, chẳng tu bồ đề đạo, thậm chí cũng chẳng tin Phật. Tôi có một đệ tử, cha mẹ của y gần đây đến San Francisco, thấy con của họ từng đốt hương trên cánh tay, thì bất mãn. Hiện nay nhiều người điên đảo thị phi, vốn đốt hương cúng Phật, là một sự cúng dường đối với Phật, mà họ thấy con của họ đốt hương cúng Phật mà bất mãn. Người làm việc điên đảo, thì một số người hoan nghênh, song người muốn tu đạo học cho tốt thì thân thuộc phản đối, đó chẳng phải là điên đảo chăng. Gần đây có một đệ tử, y thấy tất cả sự vật đều đang di động. Khi ánh sáng mặt trời chiếu xuống, thì có thể thấy hạt bụi chuyển động, y khai mở ngũ nhãn trước cảnh giới hiện tượng nầy, có lúc lại như mù, thậm chí cũng nhìn chẳng thấy, đó là hiện tượng ngũ nhãn muốn khai mở mà chưa khai mở. Nếu ai chấp trước về cảnh giới nầy, hoặc muốn được ngũ nhãn, hoặc chẳng muốn có cảnh giới nầy, nếu có phạm lỗi sai lầm, hoặc lo về việc vô ích, thì ngũ nhãn sẽ khép kín. Cho nên khai mỡ ngũ nhãn rồi, phải đầy đủ định lực, có định lực thì mới sinh trí huệ chân chánh.

‘’Chẳng nghe lời ta dạy, sắp bị lửa thiêu hại, ông trưởng giả lại nghĩ, bày ra các phương tiện‘’: Chúng sinh chẳng nghe lời Phật dạy bảo, e rằng sắp bị lửa thiêu đốt, thì Phật bèn suy nghĩ, tức chúng sinh chẳng thọ pháp đại thừa giáo hóa, thì cũng dùng pháp phương tiện quyền xảo để giáo hóa chúng sinh.

Mà bảo các con thảy
Ta có đủ các thứ.
Đồ chơi rất quý giá
Xe báu rất tốt đẹp
Nào xe dê xe hươu
Và xe trâu to lớn.
Nay để ở ngoài cửa
Các con mau ra đây
Ta chính vì các con
Tạo ra những xe nầy.
Tùy ý các con thích
Có thể đi dạo chơi
Các người con nghe nói
Các loại xe như thế.
Bèn lập tức dành nhau
Đua chạy ra khỏi nhà
Đến nơi chỗ đất không
Lìa khỏi các khổ nạn.


‘’Mà bảo các con thảy, ta có đủ các thứ, đồ chơi rất quý giá, xe báu rất tốt đẹp‘’: Bốn câu ở trên là khuyến chuyển.

‘’Nào xe dê xe hươu, và xe trâu to lớn, nay để ở ngoài cửa‘’: Là thị chuyển.

‘’Các con mau ra đây‘’: Là thị chuyển.

‘’Ta chính vì các con, tạo ra những xe nầy‘’: Tức là Phật đã chứng được Phật quả.

‘’Tùy ý các con thích, có thể đi dạo chơi‘’: Là chứng chuyển. Khuyến chuyển, thị chuyển và chứng chuyển, là ba lần chuyển bánh xe pháp bốn Diệu đế. Phật bảo các người con rằng : Ta có những đồ chơi thú vị, hơn những đồ các con đang chơi, nào là xe thượng thừa, xe dê, xe hươu, xe trâu trắng lớn, đang để ở ngoài cửa, các con hãy mau ra ngoài cửa, ta vì các con mà dự bị những xe nầy, các con có thể tùy ý ngồi để đi dạo chơi khắp nơi.

‘’Các người con nghe nói‘’: Dụ cho văn huệ (huệ do nghe).

‘’Các loại xe như thế‘’: Dụ cho diệu pháp thượng thừa.

‘’Bèn lập tức giành nhau‘’: Dụ cho tư huệ và tu huệ (huệ do suy gẫm và huệ do sự tu hành).

‘’Đua chạy ra khỏi nhà‘’: Dụ cho kiến địa (đã chứng quả).

‘’Đến nơi chỗ đất trống‘’: Dụ cho đã chứng được tứ quả A La Hán, tức bậc vô học.

‘’Lìa khỏi các khổ nạn‘’: Đến bậc vô học thì đã dứt được phần đoạn sinh tử, nhưng biến dịch sinh tử chưa dứt được.

Ông trưởng giả thấy con
Được ra khỏi nhà lửa
Ở nơi ngã tư đường
Ngồi trên tòa sư tử.
Mà tự mừng nói rằng :
Nay ta rất vui mừng
Những người con nầy đây
Đẻ nuôi dưỡng rất khó.
Chúng nhỏ dại chẳng biết
Mà đi vào nhà hiểm
Nhiều các thứ độc trùng
Quỷ lị mị đáng sợ.
Lửa lớn cháy mãnh liệt
Bốn phía đều nổi dậy
Mà các người con nầy
Tham trước chơi đùa giỡn.
Ta đã cứu chúng nó
Khiến cho được thoát khỏi
Vì thế các người ơi !
Ta nay rất vui mừng.

‘’Ông trưởng giả thấy con, được thoát khỏi nhà lửa’’: Dụ cho Phật thấy các con được ra khỏi nhà lửa tam giới.

‘’Ở nơi ngã tư đường‘’: Dụ cho bốn Diệu đế.

‘’Ngồi trên tòa sư tử‘’ Lúc đức Phật ngồi trên tòa sư tử.

‘’Mà tự mừng nói rằng, ta nay rất vui mừng‘’: Phật thấy các con thoát nạn nên rất vui mừng.

‘’Những người con nầy đây, đẻ nuôi dưỡng rất khó‘’: Dưỡng nuôi những đứa con nầy chẳng phải dễ.

‘’Chúng nhỏ dại chẳng biết, mà đi vào nhà hiểm‘’: Chúng nhỏ bé vô tri, nên đi vào nhà lửa.

‘’Nhiều các thứ độc trùng, quỷ lị mị đáng sợ, lửa lớn cháy mãnh liệt, bốn phía đều nổi lên‘’. Trong nhà lửa có trùng độc, quỷ lị mị, và bốn phía đều nổi lửa lên.

‘’Mà các người con nầy, tham trước chơi đùa giỡn, ta đã cứu chúng nó, khiến cho được thoát khỏi‘’: Các con tham luyến chơi đùa, mà ta đã cứu vớt chúng ra khỏi nhà lửa.

‘’Vì thế các người ơi, nay ta rất vui mừng‘’: Cho nên ta ở trong tất cả mọi người, ta là người khoái lạc nhất.

Nói tỉ mỉ về đoạn kinh văn ở trên: Ông trưởng giả tức là Đức Phật, trưởng giả có mười đức. ‘’Ngã tư’’ dụ cho bốn Diệu đế. Ba mươi người con, và năm trăm người, tức đã ra khỏi nhà lửa, đạt được bậc vô học, đã thấy rõ pháp bốn đế : Khổ, tập, diệt, đạo. Chúng sinh chưa được độ, thì Phật đứng ở ngoài cửa mà lo lắng cho chúng sinh đang ở trong nhà lửa. Vì Phật đủ tâm đại bi, nên chẳng nỡ bỏ chúng sinh, chỉ sợ chúng sinh đọa lạc ở trong tam giới. Nay chúng sinh đã thoát khỏi tai nạn, nên Phật chẳng còn gì lo lắng, mà yên tâm ngồi trên tòa sư tử. Lúc đó, đức Phật rất đỗi vui mừng. Trước kia Phật chưa gặp chúng sinh có đủ căn tính đại thừa, bây giờ giáo hóa chúng sinh tiểu thừa đã viên mãn, sẽ phải độ chúng sinh đại thừa, cho nên ngồi trên tòa sư tử. Chúng sinh đáng được độ, hết thảy chúng sinh nầy đều đã được độ, chúng sinh đại thừa đã thành Phật, cho nên :‘’Mà tự mừng nói rằng, ta nay rất vui mừng‘’.
‘’Những đứa con nầy đây, đẻ nuôi dưỡng rất khó’’ : Dụ cho Phật giáo hóa chúng sinh chẳng dễ dàng. Chúng ta hằng ngày giảng Kinh thuyết pháp, hoằng dương Phật pháp, cũng chẳng dễ dàng. Các bạn ban đầu gặp Phật pháp, thì chẳng biết gì về Phật, bây giờ đã học Phật pháp được một năm, thì nửa tin nửa ngờ đối với Phật pháp, có thể thấy giáo hóa chúng sinh thật chẳng dễ dàng. Đức Phật ở chỗ ba vạn ức vị Phật, dùng pháp đại thừa giáo hóa chúng sinh, cho nên gọi là ‘’đẻ’’, căn bồ đề của những chúng sinh nầy, ở nơi hai vạn ức vị Phật đã sinh trưởng lớn lên.

Giảng Kinh thuyết pháp là trách nhiệm trọng đại, chẳng thể khinh xuất giảng bậy, nếu nói sai nghĩa Kinh, thì khiến cho người nghe lạc vào đường tà, quả báo của bạn sẽ đọa vào địa ngục. Thuở xưa, Đức Phật ở nơi ba vạn ức vị Phật, đã dùng pháp đại thừa giáo hóa chúng sinh, trong đó có số ít chúng sinh thành thục, cho nên nói là ‘’nuôi dưỡng’’. Đức Phật trải qua hết mọi sự gian khổ, trải qua kiếp số lâu xa, mới được tài bồi hạt giống đại thừa, căn cơ đại thừa, cho nên nói là ‘’rất khó’’. ‘’Chúng nhỏ dại vô tri’’ : Dụ cho căn lành của chúng sinh cạn mỏng, thường bị vọng tưởng che đậy.

Người thiếu trí huệ, mới sinh vào đời năm trược thọ quả báo, nên nói ‘’mà đi vào nhà hiểm’’.

‘’Nhiều các thứ độc trùng, quỷ lị mị đáng sợ’’: Dụ cho lợi sử và độn sử ở trong ba cõi.

‘’Lửa lớn cháy mãnh liệt, bốn phía đều nổi lên’’: Dụ cho trong nhà lửa tam giới có tám sự khổ, bốn điên đảo (chẳng thường cho là thường, chẳng vui cho là vui, chẳng phải ngã cho là ngã, chẳng tịnh cho là tịnh.)

‘’Mà các người con nầy, tham trước chơi đùa giỡn’’: Chúng sinh khởi kiến ái hoặc, chấp trước kiến ái, chẳng thể buông xả.

‘’Ta đã cứu chúng nó, khiến cho được thoát khỏi’’: Phật đã cứu vớt chúng sinh lìa khỏi các khổ nạn.

‘’Vì thế các người ơi, nay ta rất vui mừng’’: Cho nên ở trong tất cả mọi người, ta là người vui mừng nhất.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy