× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Phương Tiện Thứ Hai - Phần 2

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định


Đấng Huệ Nhật Đại Thánh
Lâu mới nói pháp nầy
Tự nói được như thế
Lực vô úy tam muội.
Thiền định giải thoát thảy
Pháp không thể nghĩ bàn
Pháp chứng nơi đạo tràng
Chẳng ai có thể hỏi.
Tâm con khó dò được
Cũng chẳng ai hỏi được
Chẳng hỏi mà tự nói
Khen ngợi đạo mình hành.
Trí huệ sâu vi diệu
Chỗ đắc của chư Phật
Các La Hán vô lậu
Và người cầu Niết bàn.
Nay đều sa lưới nghi
Vì sao Phật nói thế ?
Những người cầu Duyên Giác
Tỳ kheo Tỳ kheo ni.
Các trời rồng quỷ thần
Và Càn thát bà thảy
Nhìn nhau ôm lòng nghi
Chiêm ngưỡng Đấng Lưỡng Túc.
Việc đó như thế nào ?
Xin Phật hãy giải nói.

"Đấng Huệ Nhật Đại Thánh, lâu mới nói pháp nầy". Huệ là trí huệ, nhật là mặt trời, ví dụ trí huệ của đức Phật như ánh sáng mặt trời. Là Thiên Trung Thiên, Thánh Trung Thánh, cho nên gọi là Đấng Đại Thánh. Trước kia khi Phật chưa ra đời, thì thế giới chẳng có Phật pháp, giống như chẳng có ánh sáng mặt trời, Chúng sinh đều ở trong đen tối. Khi Phật ra đời, thì giống như mặt trời mọc cao ở trong hư không, chiếu phá tất cả đen tối. Vì khi Phật chưa ra đời, thì người thế gian chẳng rõ chân lý. Chẳng phải chẳng có chân lý, mà là chẳng có ai minh bạch chân lý. Chân lý vốn chẳng đến cũng chẳng đi, chỉ vì chúng sinh đã trầm mê quá lâu, lại chẳng có bậc trí đến chỉ bày, cho nên chẳng biết chân lý sở tại. Thế thì chúng sinh trầm mê vào đâu ? Tức là trầm mê ở trong năm dục : Sắc, thanh, hương, vị, xúc, gọi là năm trần, còn gọi là năm dục.

Sắc trần : Phàm là vật có hình tướng đều gọi là sắc. Như một số người tham trước sắc đẹp, nhìn chẳng thủng sắc trần, cho nên say đắm ở trong sắc trần.

Thanh trần : Thích nghe âm nhạc, thích nghe ca hát, hoặc thích nghe tiếng chim hót, hoặc thích nghe lời mềm mại dịu dàng ngon ngọt, đó đều là đắm say ở trong thanh trần.

Hương trần : Cũng là một thứ dục vọng của con người, ăn vật nầy thì cảm thấy chẳng có hương thơm của vật kia, ăn đồ béo xong thì muốn thay đổi khẩu vị khác, ăn xong khẩu vị nầy, lại muốn đổi khẩu vị khác, thay đổi không ngừng, chẳng khi nào ngừng sự tham trước. Tóm lại, chúng sinh cũng say đắm trong hương trần chẳng tỉnh, giống như uống rượu say không khác.

Vị trần : Tức là mùi vị. Hôm nay muốn ăn cá, mai muốn ăn gà, mốt muốn ăn vịt, ăn xong thịt bò, thì cảm thấy thèm ăn thịt dê, ăn xong thịt dê, thì thèm ăn thịt heo, ăn thứ gì lâu ngày thì sẽ sinh chán, không thể đầy đủ. Đó đều là do tham dục mà sinh ra thực dục, khiến cho chúng sinh trầm mê ở trong vị trần, mà chẳng cách chi tự cứu.

Xúc trần : Tức là thích tiếp xúc vật trơn nhẵn lán mịn, thậm chí giữa nam nữ đều hổ tương tham trước xúc trần, như hãm vào bùn lầy sâu thẳm, càng hãm càng sâu, chẳng cách chi tự cứu.

Năm dục chẳng dễ gì phá được, cho nên kẻ ngoại đạo thuận theo năm dục để thuyết pháp, chẳng thể khiến cho chúng sinh tỉnh ngộ. Chúng sinh chẳng khác nào đi vào con đường chết đen tối, chẳng cách chi ra khỏi, cũng chẳng biết lối ra. Đến khi Phật ra đời, thì mới giống như mặt trời chiếu phá đen tối, cho nên Ngài Xá Lợi Phất nói : "Đấng Huệ Nhật Đại Thánh". "Lâu mới nói pháp nầy". Phật từ lâu xa chẳng nói pháp nầy. Trước kia nói pháp đều là quyền pháp, quyền trí, mà chẳng nói thật trí. Bây giờ mới nói trí huệ chân thật cho mọi người nghe.

"Tự nói được như thế, lực vô úy tam muội, thiền định giải thoán thảy, pháp không thể nghĩ bàn". Đức Phật diễn nói thật trí nầy, thì trước hết nói chính Ngài đã chứng được pháp như vậy, tức mười trí lực, bốn vô sở úy và đủ thứ thần thông tam muội, còn có bốn thiền, tám định, tám giải thoát .v.v., pháp không thể dùng tâm suy nghĩ, không thể dùng lời luận bàn. "Pháp chứng nơi đạo tràng, chẳng ai có thể hỏi". Phật tu đạo đắc được pháp vi diệu đó là thật trí, chẳng phải là quyền trí, cho nên Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát quyền thừa, đều chẳng minh bạch thật trí, cũng chẳng có ai có thể hỏi được. "Tâm con khó dò được" : Pháp nầy chỉ có Đức Phật mới minh bạch được, thâm sâu không thể dò lường được, cho nên cũng chẳng ai hỏi được. "Chẳng hỏi mà tự nói" : Chẳng có ai hỏi, mà Đức Thế Tôn tự nói pháp nầy. "Khen ngợi đạo mình hành" : Tán thán khen ngợi đạo của Phật thực hành. "Trí huệ sâu vi diệu" : Trí huệ chân thật của Phật thâm sâu vi diệu. "Chỗ đắc của chư Phật" : Chỉ có mười phương chư Phật và Phật Thích Ca mới minh bạch được trí huệ nầy. "Các La Hán vô lậu" : Tuy nhiên các bậc Thanh Văn La Hán đắc được vô lậu, và người cầu Niết Bàn, và quyền thừa Bồ Tát cầu được Niết Bàn, hoặc Bích Chi Phật .v.v. "Nay đều sa lưới nghi". Bây giờ mọi người đều sinh nghi hoặc, thì có chướng ngại cho sự tu đạo, do đó người tu đạo chớ có nghi, nếu khởi tâm nghi tức rơi vào đường mê. "Vì sao Phật nói thế, những người cầu Duyên Giác, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, các trời, rồng, quỷ thần và Càn Thát Bà thảy, nhìn nhau ôm lòng nghi. Tại sao Phật nói pháp nầy" ? Chẳng những một số người hồ nghi không tin, mà thậm chí các bậc Duyên Giác, hai chúng xuất gia, tất cả trời, rồng hộ pháp, tám bộ quỷ thần .v.v… đều nhìn nhau ôm lòng nghi. Bạn nhìn tôi, tôi nhìn bạn, ai nấy đều chẳng minh bạch.

"Chiêm ngưỡng Đấng Lưỡng Túc" : Bây giờ mọi người đều chiêm ngưỡng Đức Phật mắt chẳng tạm rời. Đấng Lưỡng Túc, Lưỡng Túc là gì ? Lưỡng là hai, là chỉ phước và huệ. Túc là đầy đủ, tức là phước huệ đầy đủ viên mãn, cho nên gọi là Lưỡng Túc Tôn. Đức Phật Thích Ca tam kỳ tu phước huệ. Trải qua thời gian ba đại A Tăng Kỳ kiếp tu phước tu huệ. Bách kiếp chủng tướng hảo. Trong một trăm đại kiếp về trước tu ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp. A Tăng Kỳ là gì ? Tức là vô lượng số, không thể tính ra được số mục. Đoạn thời gian dài nầy Phật tu phước tu huệ. Tu phước thì cúng dường Tam Bảo, gần gũi chư Phật, cúng dường Phật, Pháp, Tăng, cúng dường Bồ Tát, cúng dường Bích Chi Phật, cúng dường A La Hán. Chẳng những cúng dường một vị, mà là cúng dường vô lượng vô số Phật, Pháp, Tăng .v.v. Tu huệ thì trước phải giữ giới. Tại sao ? Vì trước hết giữ giới, mới do giới mà sinh định, do định mà phát huệ. Định lực tức là chẳng bị cảnh giới chuyển, đối với cảnh thiện, ác đều chẳng động tâm. Cảnh thiện tức là thuận cảnh, cảnh ác tức là nghịch cảnh. Thuận nghịch, khen chê, đều chẳng động tâm, đó tức là có định lực, có định lực mới có huệ lực, cho nên Đức Phật vừa tu phước vừa tu huệ.

Tu huệ thì phải học Kinh điển, nếu chẳng học Kinh điển thì trí huệ không thể tăng trưởng. Học Kinh, Luật, Luận ba tạng thì sẽ sinh huệ. Nếu chỉ tu phước mà chẳng tu huệ, thì tương lai được kết quả gì ? Tu phước chẳng tu huệ, thân voi mang chuỗi anh lạc. Tương lai làm voi vừa cao vừa to lớn, lại có sức mạnh, thân mang châu báu, chẳng có trí huệ. Tu huệ chẳng tu phước, La Hán ôm bát không. Cứ học Kinh điển nhưng chẳng làm việc thiện, chẳng trồng căn lành. Làm việc thiện tức là không làm các điều ác, hãy làm các việc lành. Nếu bạn nói : Tôi nghiên cứu Kinh điển là tốt rồi, tại sao phải làm việc thiện, phải giúp đỡ người ? Thế thì tương lai bạn chứng quả A La Hán, đi hóa duyên chẳng có ai cúng dường. Tại sao ? Vì tại nhân địa chẳng tu phước, thì tại quả địa chẳng có phước. Tôi thường nói :

"Chịu khổ thì hết khổ,
Hưởng phước thì hết phước.


Tại sao bạn phải chịu khổ ? Vì quá khứ bạn chẳng tu phước, cho nên phải chịu khổ. Khổ nầy nếu bạn chịu được nó thì mới dứt được. Nếu bạn chẳng chịu khổ, thì khổ nầy vẫn tồn tại. Nếu bạn có một chút phước báo, nhưng suốt ngày đến tối cứ nói việc hưởng thụ, ở nhà tốt, ăn vật ngon, mua quần áo đẹp, chạy xe mới, thậm chí đi du lịch bằng máy bay, đó đều là đang tiêu mòn phước báo, bạn hưởng hết phước thì chẳng còn phước, thì phải chịu khổ. Vậy Đức Phật thì sao ? Ngài vừa tu phước vừ tu huệ, phước huệ đều tròn đầy, cho nên gọi là phước huệ Lưỡng Túc Tôn. "Việc đó như thế nào ? Xin Phật hãy giải nói" : Mọi người đều khẩn cầu đức Phật nói ra ý nghĩa đó.

Trong hàng chúng Thanh Văn
Phật nói con hạng nhất.
Nay con nương trí mình
Nghi hoặc chẳng hiểu được
Đâu là pháp cứu kính
Đâu là đạo Phật hành ?
Con từ miệng Phật sinh !
Chắp tay chiêm ngưỡng chờ
Xin nói pháp vi diệu
Liền vì nói như thật.
Các trời rồng thần thảy
Số đông như Hằng sa
Các Bồ Tát cầu Phật
Số nhiều đến tám vạn.
Và vạn ức cõi nước
Chuyển luân thánh vương đến
Chắp tay lòng cung kính
Muốn nghe đạo đầy đủ.


"Trong hàng chúng Thanh Văn, Phật nói con hạng nhất" : Ở trong hàng chúng Thanh Văn, Phật nói con Xá Lợi Phất, là người có trí huệ đệ nhất. "Nay con nương trí mình, nghi hoặc chẳng hiểu được". Tuy con là trí huệ đệ nhất, nhưng cũng nghi hoặc chẳng hiểu ? "Đâu là pháp cứu kính" : Cứu kính thì pháp nào là pháp cứu kính ? Là vì pháp cứu kính vi diệu thâm sâu. "Đâu là đạo Phật hành" : Và đâu mới là đạo bồ đề viên mãn của Như Lai tu ? "Con từ miệng Phật sinh" : Tất cả Bồ Tát là chân tử của Phật, từ miệng Phật sinh ra. "Chắp tay chiêm ngưỡng chờ" : Đều chắp tay lại, chiêm ngưỡng đức Phật mắt chẳng tạm rời, đợi Phật nói pháp thâm sâu vi diệu, trí huệ chân thật. "Xin nói pháp vi diệu, liền vì nói như thật". Bây giờ mọi người đều mong đợi Đức Thế Tôn ban pháp âm vi diệu, đạo lý chân thật. "Các trời, rồng, thần thảy, số đông như Hằng sa, các Bồ Tát cầu Phật, số nhiều đến tám vạn" : Thiên, Long bát bộ số đông như số cát sông Hằng, còn có các vị Bồ Tát cầu Phật đạo, đông nhiều đến tám vạn. "Và vạn ức cõi nước, Chuyển luân thánh vương đến" : Và tất cả hàng vạn ức cõi nước khác, có các vị Chuyển luân thánh vương đều đến. Chuyển luân thánh vương lại phân ra Kim luân vương, Ngân luân vương, Đồng luân vương, Thiết luân vương. "Chắp tay lòng cung kính, muốn nghe đạo đầy đủ". Mọi người đều chắp tay lại, cung kính muốn nghe Đức Thế Tôn diễn nói nghĩa lý chân thật đầy đủ viên mãn vô thượng bồ đề đại đạo của đức Phật tu.

Bấy giờ, Đức Phật bảo Xá Lợi Phất : Thôi đi ! Thôi đi ! Đừng nói nữa. Nếu nói việc đó, thì tất cả trời, người thế gian đều sẽ kinh sợ nghi ngờ.

Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Cúi xin nói cho, cúi xin nói cho ! Vì sao ? Vì vô số trăm ngàn vạn ức A tăng kỳ chúng sinh, đã từng gặp các đức Phật, các căn đều lanh lợi, trí huệ sáng suốt, nghe đức Phật nói chắc sẽ cung kính tin nhận.

"Lúc bấy giờ, Phật bảo Xá Lợi Phất : Thôi đi ! Thôi đi ! Đừng nói nữa" : Đây là pháp không thể nói, không cần nói. "Vì sao ? Nếu nói việc đó, thì tất cả trời, người thế gian, đều sẽ kinh sợ nghi ngờ" : Người ở trên trời và người ở nhân gian đều sẽ kinh sợ hoài nghi. Tại sao ? Nếu bạn nói pháp phương tiện quyền xảo, thì họ tin sâu chẳng nghi hoặc, nếu bạn nói pháp chân thật thì họ chẳng tin. Ví như bạn kêu họ đừng có tâm dâm dục thì họ nói : chẳng có tâm dâm dục thì còn có ý nghĩa gì ? Mọi người đều sinh ra tâm nghi hoặc, vì họ cho rằng thứ hành vi đó là khoái lạc nhất. "Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng" : Đức Phật vốn chẳng muốn nói pháp nầy, chẳng nói bộ Kinh Pháp Hoa nầy, nhưng Ngài Xá Lợi Phất nài nỉ khẩn cầu Đức Phật nhất định phải nói, đây gọi là thỉnh pháp. Giảng Kinh vốn phải có người thỉnh pháp mới giảng, bất quá ở những nơi chẳng hiểu Phật pháp, nếu phải đợi người thỉnh, thì dù đợi đến năm sáu năm, cũng chẳng có người thỉnh.

"Đức Thế Tôn ! Cúi xin nói cho, cúi xin nói cho" : Ngài Xá Lợi Phất lại gọi Đức Thế Tôn hãy nói cho. "Xin vì đại chúng mà diễn nói diệu pháp ! Xin vì đại Chúng mà nói diệu pháp" ! Do đó, thỉnh pháp tổng cộng có ba lần, đó là biểu thị khẩn thiết chí thành, nhất tâm cầu pháp. Vì sao ? Tại sao phải ba lần thỉnh Phật nói pháp nầy ? Vì vô số trăm ngàn vạn ức A Tăng Kỳ chúng sinh. "Trong pháp hội nầy có vô lượng vô số chúng sinh. Đã từng gặp các Đức Phật" : Trong quá khứ họ đã từng gặp các Đức Phật, bây giờ cũng gặp được Đức Thế Tôn. "Các căn lanh lợi" : Căn tính của họ đều lanh lẹ thông minh phi thường. "Trí huệ sáng suốt" : cũng đều có trí huệ. Nghe pháp của Phật nói, chắc sẽ cung kính tin nhận. Nếu Phật nói ra chắc chắn họ đều sinh tín tâm, thỉnh Phật từ bi diễn nói pháp thâm sâu vi diệu nầy.

Khi đó, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa nầy, mà nói ra bài kệ :

Đấng Pháp Vương vô thượng
Xin nói chớ do dự
Vô lượng chúng trong hội
Có người sẽ kính tin.


Lúc đó, Ngài Xá Lợi Phất vì biểu thị sự khẩn thiết chí thành thỉnh pháp của Ngài, mới dùng kệ thuật lại ý nghĩa trường hàng ở trên. "Đấng Pháp Vương Vô Thượng" : Chỉ có Phật là bậc tôn kính nhất của thế gian và xuất thế gian. "Xin nói chớ do dự" : Hy vọng Đức Thế Tôn nói pháp nầy, đừng do dự. "Vô lượng chúng trong hội, có người sẽ kính tin". Vì ở trong đại hội nầy, tất có người có thể tiếp nhận cung kính thọ trì.

Đức Phật lại bảo Xá Lợi Phất : Thôi đi ! Nếu nói việc đó, thì tất cả thế gian trời, người, A tu la đều sẽ kinh sợ nghi hoặc, Tỳ kheo tăng thượng mạn sẽ sa vào hầm lớn.

Lúc đó, Đức Thế Tôn nói kệ rằng :
Thôi thôi đừng nên nói
Pháp ta diệu khó nghĩ
Những kẻ tăng thượng mạn
Nghe tất chẳng kính tin.


Ở trước Phật đã hai phen bảo Ngài Xá Lợi Phất : Thôi đi ! Lần nầy là lần thứ ba. Tại sao nói thôi đi ? "Nếu nói việc đó thì tất cả thế gian trời, người, A Tu La đều sẽ kinh sợ nghi hoặc ; không những trời, người .v.v., đều sẽ kinh sợ nghi hoặc, Tỳ Kheo tăng thượng mạn sẽ sa vào hầm lớn" : Ở trong hội có những Tỳ Kheo cống cao ngã mạn, tự cho rằng họ đệ nhất, họ sẽ đọa vào hầm lớn. Đó là bệnh thông thường của con người, ỷ có chút thông minh, chẳng phải là trí huệ cứu kính, khua môi múa mỏ đi khắp nơi khoe khoang mình là đệ nhất. Người thật có trí huệ thì họ giữ kín chẳng để cho người biết. Thế thì đó chẳng phải là tâm tham chăng ? Chẳng phải, sáng lạng mà chẳng lộ ra bên ngoài, là vì phòng ngừa tâm cống cao ngã mạn. Cống cao tức là tự xem mình hơn người, cảm thấy ưu tú hơn bất cứ ai. Ví như : Người da vàng thì cho người da vàng ưu tú, người da trắng thì cho rằng người da trắng ưu tú, người da đen thì cho rằng người da đen ưu tú, đó là một thứ biểu hiện cống cao ngã mạn. Lời xưa có nói : "Mãn chiêu tổn, khiêm thọ ích". Một khi mình khởi tâm kiêu ngạo, thì sẽ có chướng ngại trên đường học vấn, vì không thể nào tiếp thọ học được những gì hay của người khác, người chưa học Phật pháp, thì chẳng thông đạt Phật lý, càng không nên không nên có tâm cống cao.
Có những người thiên tài xuất chúng, thông minh hơn người, bất cứ xem Kinh, tụng Kinh đều nhanh chóng hơn người khác, nhưng y rất dễ sinh ra tâm tự mãn, cho rằng mình thành Phật cũng sẽ nhanh hơn người. Loại người nầy nên nhớ đừng có tâm kiêu ngạo.
Hiện tại Đức Phật nói : "Tỳ Kheo tăng thượng mạn". Họ cho rằng pháp gì họ cũng đều hiểu hết, song hậu quả của họ không thể tưởng tượng được. "Sẽ xa vào hầm lớn" : Hầm lớn tức là ba đường ác : súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục.
"Lúc đó, Đức Phật lại dùng kệ để trả lời Ngài Xá Lợi Phất" : Thôi thôi đừng nên nói, pháp ta diệu khó lường, những người tăng thượng mạn nghe tất chẳng kính tin. Pháp thâm sâu vi diệu nầy của ta nói ra, rất khó có người tin nhận, nhất là những người tăng thượng mạn càng chẳng cung kính tin nhận.

Khi đó, Ngài Xá Lợi Phất lại bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Cúi xin nói cho, cúi xin nói cho, nay trong hội nầy, những người như con, có hàng trăm ngàn vạn ức, các vị đó đời đời kiếp kiếp, đã từng tiếp thọ sự giáo hóa của Phật. Những người nầy tất sẽ cung kính tin nhận, lâu dài sẽ an ổn, sẽ đắc được nhiều lợi ích.

Lúc đó, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa nầy, bèn nói ra bài kệ :

Đấng Vô Thượng Lưỡng Túc
Xin nói pháp bậc nhất
Con là trưởng tử Phật
Cúi xin phân biệt nói.
Vô lượng chúng hội nầy
Sẽ kính tin pháp nầy
Phật đời đời đã từng
Giáo hóa chúng như thế.
Đều một lòng chấp tay
Muốn nghe lời Phật nói
Chúng con ngàn hai trăm
Và người cầu Phật kia.
Xin vì đại chúng nầy
Cúi xin phân biệt nói
Chúng con nghe pháp nầy
Chắc sinh vui mừng lớn.


Lúc đó, Ngài Xá Lợi Phất lại ba lần hai lược khẩn cầu Đức Phật nói :"Đức Thế Tôn ! Cúi xin nói cho, cúi xin nói cho. Nay trong hội nầy người như con có hàng trăm ngàn vạn ức, các vị đó đời đời kiếp kiếp đã từng tiếp thọ sự giáo hóa của Phật. Những người nầy tất sẽ kính tin." Trong pháp hội nầy, những người như con, tức là những Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ .v.v., đã từng trải qua trăm vạn kiếp, đời đời kiếp kiếp, đều tiếp thọ sư giáo hóa của Phật. Nhiều đời nhiều kiếp, Phật đã độ các hữu tình, họ cũng phát nguyện, đời đời kiếp kiếp thường theo học Phật. Phật làm Tỳ Kheo thì những người nầy đã quy y Phật, làm đệ tử của Phật. Khi Phật chứng đắc sơ quả A La Hán, thì họ đều nương theo Phật xuất gia, khi Phật chứng nhị quả thì họ phát nguyện theo Phật tu hành, Phật dùng tâm từ bi để nhiếp hóa họ. Đến khi Phật thành Phật rồi thì những đệ tử nầy đều chứng đắc quả vị A La Hán, đời đời kiếp kiếp theo bên trái bên phải của Phật. "Những đệ tử nầy chắc chắn sẽ kính tin pháp vi diệu của Phật nói. Lâu dài sẽ an ổn, sẽ được nhiều lợi ích". Nếu nghe được Phật nói pháp nầy, thì lâu dần sẽ chẳng sợ sệt, thâm tâm yên ổn đắc được rất nhiều lợi ích.

Khi tôi ở tại Đông Bắc Trung Quốc, và Hương Cảng, có những đệ tử đối với tôi niềm tin rất thâm sâu, bất cứ tôi nói gì họ cũng đều tin sâu chẳng nghi ngờ, khiến cho những người đời nầy quy y lần đầu tiên, hoặc đã quy y hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, thì tín tâm càng vững vàng. Nếu người nào đã quy y nhiều đời thì tín tâm của họ kiên cố kiền thành, đối với Phật pháp tin sâu chẳng nghi ngờ.
Tuy Ngài Xá Lợi Phất nói trong hội có người tất sẽ kính tin, nhưng khi Phật đang muốn nói diệu pháp nầy thì trong đại chúng có năm ngàn người bỏ đi, đó giống như đãi gạo, bỏ hết trấu chỉ còn lại gạo. "Lúc đó, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa nầy mà nói kệ : Đấng Vô Thượng Lưỡng Túc, xin nói pháp bậc nhất." Muốn thỉnh Đức Thế Tôn đấng phước huệ đều viên mãn diễn nói diệu pháp độc nhất không hai nầy. "Con là trưởng tử của Phật, cúi xin phân biệt nói". Con Xá Lợi Phất là đại đệ tử ThanhVăn của Phật, nay cung thỉnh Đức Thế Tôn phân biệt giải nói tỉ mỉ. "Vô lượng Chúng hội nầy, sẽ kính tin pháp nầy, Phật đời đời đã từng, giáo hóa chúng như thế". Các vị ấy đã nhiều đời nhiều kiếp, đã chịu ơn của Phật pháp, cho nên nhất định sẽ tin nhận. "Đều một lòng chắp tay, muốn nghe lời Phật nói, chúng con ngàn hai trăm, và người cầu Phật pháp, xin vì đại chúng nầy, cúi xin phân biệt nói". Một ngàn hai trăm vị Thanh Văn ở trong đại hội nầy, và Bích Chi Phật, Bồ Tát quyền thừa đều khát ngưỡng Đức Thế Tôn diễn nói diệu pháp nầy. "Chúng con nghe pháp nầy, chắc sinh vui mừng lớn". Nếu Chúng con nghe diệu pháp nầy, thì chắc chắn vui mừng nhảy nhót.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Ngài Xá Lợi Phất : Ông đã ân cần ba phen thỉnh cầu, lẽ nào không nói, ông hãy lóng nghe và khéo suy xét. Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Đức Phật vừa nói lời nầy xong, thì trong hội có các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cả thảy năm ngàn người, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lễ Phật rồi đi. Vì sao ? Vì những người nầy tội căn sâu nặng, và những người tăng thượng mạn, chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà nói đã chứng, có lỗi như thế, cho nên chẳng ở lại. Đức Thế Tôn yên lặng chẳng ngăn cản họ.

Lúc đó, Đức Phật nói với Ngài Xá Lợi Phất : Nay chúng của ta đây chẳng còn cành lá, chỉ thuần có chân thật. Xá Lợi Phất ! Những người tăng thượng mạn như thế, đi về cũng tốt. Nay ông hãy khéo lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.
Ngài Xá Lợi Phất nói : Thưa vâng, Đức Thế Tôn, con thích muốn được nghe.

Lúc đó, Đức Thế Tôn bị Ngài Xá Lợi Phất thành tâm khẩn thiết thỉnh cầu mà cảm động, cho nên nói :"Con đã ân cần ba phen thỉnh cầu, lẽ nào chẳng nói." Ta làm sao mà chẳng nói ? Con hãy lắng nghe và khéo suy xét. Ta sẽ vì con mà phân biệt giải nói. Con phải chuyên tâm nhất chí, lóng nghe, bây giờ ta sẽ vì các con mà giải nói cặn kẽ.

"Nói lời nầy xong, thì trong hội có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, cả thảy năm ngàn người, bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ Phật mà lui đi". Lúc đó có năm ngàn người lui về. "Vì sao ? Vì những người đó tội căn sâu nặng và những kẻ tăng thượng mạn chưa được mà nói đã được, chưa chứng mà nói đã chứng, có lỗi như thế, cho nên chẳng ở lại". Tại sao họ phải lui đi ? Vì tội chướng của họ quá nặng, phước mỏng huệ cạn, cho nên không thể ở lại trong hội nầy, để nghe diệu pháp vô thượng. Mao bệnh của những người nầy là tăng thượng mạn, tự mình chưa đắc pháp mà nói đã đắc được pháp, tự mình chưa chứng quả vị A La Hán mà nói đã chứng được, tự mình chưa chứng được trí huệ chân thật, mà nói đã chứng được, do đó những người nầy chẳng có duyên nghe được Kinh Pháp Hoa.

"Đức Thế Tôn yên lặng mà chẳng ngăn cản họ" : Phật cũng chẳng ngăn cản họ, kêu họ đừng đi. "Lúc đó, Đức Phật nói với Ngài Xá Lợi Phất : Nay Chúng của ta đây chẳng còn cành lá, chỉ thuần có chân thật". Phật nói những người vừa mới lui đi, là cành lá tạp nhạp, cũng là vỏ bẹ bên ngoài. Bây giờ những người còn lại toàn là những người có căn lành, có phước huệ, có thuần chân tín tâm thanh tịnh. Năm ngàn người lui đi là vì tâm của họ chẳng thành. Ví như, tôi có hai vị đệ tử, sau lần thọ giới thì chạy đi mất, tình hình cũng giống như năm ngàn người lui đi. Sau đó, anh em hai người đó đi khắp nơi nói dối người đời, nói chúng đã khai ngộ. Đó thật là tự lừa dối người.

"Xá Lợi Phất ! Những kẻ tăng thượng mạn tự bỏ đi cũng là tốt." Họ bỏ đi cũng tốt, tránh sự ảnh hưởng đến người khác, khiến cho người khác xấu theo. "Nay ông hãy lóng nghe, ta sẽ vì ông mà nói" : Bây giờ ông hãy nghe cho kỹ, ta sẽ vì ông mà nói pháp. Xá Lợi Phất nói : "Thưa vâng, Đức Thế Tôn ! Con rất thích muốn nghe". Ngài Xá Lợi Phất và đại chúng đều vui mừng chờ đợi Phật nói pháp.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Diệu pháp như thế, khi đúng thời thì chư Phật Như Lai mới nói. Như hoa Ưu đàm bát, đúng thời mới hiện. Xá Lợi Phất ! Các ông nên tin lời của Phật nói, chẳng có hư vọng. Xá Lợi Phất ! Chư Phật tùy nghi nói pháp ý thú khó hiểu. Vì sao ? Ta dùng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, để diễn nói các pháp, pháp đó chẳng phải suy lường phân biệt mà hiểu được, chỉ có chư Phật mới biết được. Vì sao ? Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời.

Phật bảo Xá Lợi Phất ! Diệu pháp như thế, khi đúng thời thì chư Phật Như Lai mới nói : Diệu pháp nầy chẳng phải bất cứ lúc nào cũng nghe được, phải đợi đến khi nhân duyên chín mùi thì mới nói. Diệu pháp nầy có một ví dụ. Ví dụ gì ? Ví dụ hoa Ưu Đàm Bát đúng thời mới hiện. Thứ hoa nầy chỉ nở trong thời gian rất ngắn thì tàn, cho nên rất trân quý ít có. Hiện tại thứ hoa nầy và diệu pháp nầy đều ít có như nhau. "Xá Lợi Phất ! Các ông nên tin lời của chư Phật nói chẳng có hư vọng." Lời lẽ của Phật nói đều chân thật chẳng hư. "Xá Lợi Phất ! Chư Phật tuỳ nghi nói pháp." Tuy nhiên là diệu pháp khai quyền hiển thật, song, Phật vì pháp chân thật mà thí quyền xảo phương tiện tùy nghi nói pháp, quán căn cơ mà nói pháp, vì người mà mưa pháp vũ. "Ý thú khó hiểu" : Đạo lý bên trong chẳng dễ gì minh bạch được. "Vì sao" ? Vì sao mà chẳng dễ gì minh bạch ? "Ta dùng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên" : Phật dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, và nhân duyên để giáo hóa chúng sinh. "Ví dụ lời lẽ" : Lại đưa ra lời lẽ ví dụ để diễn nói các pháp. "Pháp đó chẳng phải suy lường phân biệt mà hiểu được". Pháp nầy chẳng phải dùng tâm thức để phân biệt suy lường mà minh bạch được, đừng dùng thức thứ sáu và thức thứ bảy, để dò pháp của Phật nói. "Chỉ có chư Phật mới biết được" : Chỉ có Phật với Phật mới biết được pháp nầy. "Vì sao" ? Đây là đạo lý gì ? "Chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời". Đại sự nhân duyên gì ? Chúng ta mỗi người hãy nghĩ xem, đó là đại sự gì ? Đức Phật vì một đại sư nhân duyên, đại sự nầy cứu kính là đại sự gì ? Đại sự nầy chẳng phải việc nhỏ, nếu việc nhỏ thì chẳng nói là đại sự. Câu trả lời rất là đơn giản, và còn có một câu trả lời rất thâm sâu, các bạn hãy tự nghĩ lại. Đó thật là diệu vô cùng, diệu đến cỡ nào ? Diệu đến mức chẳng thể tưởng tượng được, tức cũng là không thể nghĩ bàn. Ở trên đã giảng qua, nói là không thể suy lường phân biệt mà hiểu được. Chẳng phân biệt, chẳng suy lường, đó tức là diệu pháp. Tôi kêu các bạn trả lời vấn đề nầy, kỳ thật vấn đề nầy chẳng cần phải trả lời, vì nó chẳng có trả lời. Chỗ nầy giảng quá lạ lùng, vốn phải có trả lời, sao lại nói chẳng có trả lời ? Vì hiện tại Đức Phật sắp muốn vào Niết Bàn, câu trả lời nầy chỉ có Đức Phật mới phán đoán được. Hiện tại tôi chưa đủ tư cách phán đoán vấn đề nầy, cho nên chúng ta mọi người tốt nhất là hãy quên đi vấn đề nầy, đừng tưởng đến nó. Song, tuy nói tốt nhất là hãy quên đi, nhưng tôi tin rằng các bạn nhất định chẳng quên được, tại sao ? Vì là đại sự nhân duyên, chẳng phải là nhân duyên nhỏ, là đại sự nhân duyên, làm sao mà có thể quên được chăng ? Quên chẳng được. Quên chẳng được vậy biết làm sao ? Chỉ có cách minh bạch nó, nói đi nói lại, đại sự nhân duyên nầy tôi vẫn chưa nói ra, bây giờ tôi phải nói ra. Đại sự nhân duyên nầy, giống như hiện tại trong bàn tay của tôi cầm vật gì. Bạn nhìn thấy vật gì ? Đó là đại sự nhân duyên, bạn biết được tức là đại sự nhân duyên. Bạn nói có vật gì ? Bạn chẳng biết ? Đó cũng là đại sự nhân duyên. Bạn hãy xem có gì ? Gì cũng chẳng có ! Đại sự nhân duyên nầy cũng như thế. Đại sự nhân duyên tức là chẳng có việc, Đức Phật muốn tìm chút việc để làm, tức cũng muốn nói Kinh Pháp Hoa. Nói Kinh Pháp Hoa tức là đại sự nhân duyên. Vậy Kinh Pháp Hoa nói gì ? Là nói diệu pháp của Kinh Pháp Hoa. Thứ diệu pháp nầy là gì ? Là không thể nghĩ, khi bạn nghĩ thì chẳng phải là diệu pháp, một khi bạn hỏi thì chẳng còn diệu. Vậy, chúng ta nghe Kinh để làm gì ? Chúng ta chẳng nghe Kinh càng chẳng diệu sao. Ai kêu bạn đến ? Bạn có thể không nghe !

Còn có một đại sự, chúng ta cũng chẳng nên quên, tức là sinh tử đại sự của mỗi chúng ta. Chúng ta mỗi người đều có sinh có tử, phải minh bạch việc sinh tử cho rõ ràng, thì đại sự nầy mới chấm dứt được. Vấn đề sinh tử của bạn chẳng rõ ràng, thì đại sự của bạn không thể hoàn thành. Nếu chúng ta nghĩ muốn biết đại sự nhân duyên nầy, thì trước hết phải biết tiểu sự nhân duyên. Bạn chẳng biết tiểu sự nhân duyên, thì chẳng biết đại sự nhân duyên. Con người từ đâu đến ? Từ vô minh mà đến. Vô minh tức là tiểu sự nhân duyên, sinh tử tức là đại sự nhân duyên. Tại sao có sinh tử ? Vì bạn có vô minh. Một khi bạn có vô minh thì tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm ngã mạn, tâm nghi ngờ đều xuất hiện. Nếu chẳng có vô minh, thì những vấn đề nầy đều chẳng có. Có vô minh rồi thì có vấn đề ; có vấn đề thì có sinh tử. Cho nên chúng ta trước phải minh bạch rõ ràng tiểu sự nhân duyên, thì sẽ minh bạch rõ ràng đại sự nhân duyên. Tại sao ? Vì đại sự thì do nhỏ mà biến thành lớn, đứa trẻ con do từ nhỏ mà lớn thành người lớn, từ lớn mà thành già, từ già mà chết đi. Nếu bạn chẳng biết gốc rễ của tiểu sự nhân duyên, thì cũng chẳng giải quyết được đại sự nhân duyên, cho nên hiện tại trước phải phá vô minh, phá được vô minh rồi, thì hằng ngày chẳng còn tích tập nghiệp nhỏ mà gây thành họa lớn, do đó đại sư nhân duyên cũng tự nhiên chấm dứt.

Xá Lợi Phất ! Vì sao lại nói chư Phật Thế Tôn, chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời ? Vì chư Phật Thế Tôn muốn khiến cho chúng sinh, khai mở tri kiến của Phật, để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời, muốn mở bày cho chúng sinh tri kiến của Phật mà hiện ra nơi đời, muốn khiến cho chúng sinh ngộ tri kiến của Phật mà hiện ra nơi đời, muốn cho chúng sinh vào được tri kiến của Phật mà hiện ra nơi đời.

Đức Phật gọi Ngài Xá Lợi Phất, nói : Gì là chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà hiện ra nơi đời ? Chư Phật vì việc sinh tử của chúng sinh, đủ thứ nghiệp báo nhân duyên mới xuất hiện ra đời. Chư Phật Thế Tôn muốn khiến cho chúng sinh khai mở tri kiến của chư Phật. Chư Phật Thế Tôn muốn khiến cho chúng sinh đắc được tri kiến của Phật, khai mở tri kiến của Phật. Khai mở tri kiến của Phật, tức là đối với chúng sinh khép kín tri kiến của Phật mà nói. Chúng sinh đã khép kín tri kiến của Phật khi nào ? Là vì vô minh sinh ra, cho nên khép kín tri kiến của Phật lại, bây giờ lại khai mở nó ra. Trí của Phật là gì ? Tức là tâm mà chúng ta tất cả chúng sinh đều có. Tâm nầy đầy đủ trí huệ của Phật, cho nên còn gọi là tâm Phật. Phật kiến là gì ? Tức là Phật nhãn. Bạn khai mở Phật nhãn, thì sau đó bạn sẽ thấy rõ thật tướng của tất cả các pháp, chứng được quả vị thanh tịnh. Chúng ta chẳng khai mở Phật nhãn, là vì chẳng thanh tịnh sở chí, tức cũng là vô minh, phiền não, thô hoặc, tế hoặc, khiến cho tánh chẳng thanh tịnh. Tự tánh vốn thanh tịnh, tại sao bây giờ chẳng thanh tịnh ? Vì chẳng khai mở tri kiến của Phật, cho nên Đức Phật vì khiến cho tất cả chúng sinh trở về nguồn cội, khai mở tri kiến của Phật, cho nên xuất hiện ra đời, hiện tám tướng thành đạo giáo hóa chúng sinh.

"Mở bày cho chúng sinh tri kiến của Phật" : Mục đích duy nhất của đức Phật, là mở bày cho tất cả chúng sinh tri kiến của Phật, tức khiến cho chúng sinh minh bạch tri kiến của Phật vốn tự có, chứ chẳng phải đắc được từ bên ngoài. Chỗ khác nhau của Phật giáo và các tôn giáo khác là : "Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật", đây là chỗ bình đẳng nhất của giáo nghĩa. Bất cứ ai tu hành đều có thể thành Phật, chẳng phải nói tôi là Phật, bạn chẳng phải là Phật, cũng chẳng phải nói bạn là Phật, tôi chẳng phải là Phật. Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Một số ngoại đạo nói : Chỉ có Thiên Chúa là độc nhất vô nhị. Vậy chứ Thiên Chúa từ đâu đến ? Có khi nói vốn có, có khi nói chẳng được hỏi. Nếu hỏi Thiên Chúa từ đâu đến thì phạm tội, nhưng đó tuyệt đối chẳng phạm tội, trừ khi chẳng có Thiên Chúa, nếu như có Thiên Chúa thì chẳng phạm tội. Bạn hỏi họ thì đáng lý họ phải nói cho bạn biết, không thể nói : Tôi chẳng biết, một khi hỏi thì có tội. Chẳng có đạo lý nầy ! Kỳ thật, Thiên Chúa tức là trời Đế Thích ở cõi trời Đao Lợi, còn gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế, có người nói chẳng phải : Chúa trời đó chẳng phải là Chúa trời nầy, là Chúa trời khác. Vậy bạn muốn đem Chúa trời cõi trời Đao Lợi để ở đâu ? Đem ông đi làm Chúa Trời ở đâu ? Trừ khi, tựa như bạn soán ngôi vua, đuổi ông ta đi để cho bạn làm Chúa trời. Kỳ thật, Chúa trời chỉ là một vị hộ pháp ở trong Phật giáo. Một số giáo đồ Thiên Chúa chẳng biết giáo lý nầy, cũng chẳng minh bạch đạo lý vô thủy vô chung, chỉ biết hữu thủy vô chung, nói Chúa trời vốn có, là ý trời khai thủy, Chúa trời sẽ vĩnh viễn tồn tại, vĩnh viễn sống mãi, vĩnh viễn chẳng chết, cho nên là vô chung. Kỳ thật, đây là lý luận của chúng sinh ước lượng, chứ chẳng phải là hiểu biết chân chánh. Tuy nhiên, Đức Phật nói : "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn". Nhưng ai ai cũng có thể thành Phật, chẳng riêng gì mình Đức Phật Thích Ca là Phật, còn những chúng sinh khác thì chẳng cho thành Phật. Mười phương chư Phật, Phật Phật đồng nhau, một luật bình đẳng, chẳng phải nói ta là độc nhất vô nhị, cũng chẳng chuyên chế độc đoán. Hiện tại chẳng phải chỉ có Phật mới có tri kiến của Phật, mà tất cả chúng sinh đều có tri kiến của Phật, chỉ tạm thời chúng sinh chẳng minh bạch đạo lý nầy, chẳng đắc được sức lực nầy, cho nên Phật vì chỉ thị cho tất cả chúng sinh tri kiến của Phật mà xuất hiện ra thế giới Ta Bà nầy.

"Muốn khiến cho chúng sinh ngộ tri kiến của Phật" : Nói về lý thì tức nhiên minh bạch, nhưng chính mình cũng phải giác ngộ. Mình chẳng giác ngộ, chỉ cầu nghe thì trong tâm chẳng lãnh thọ chân chánh. Phật muốn khiến cho tất cả chúng sinh giác ngộ tri kiến Phật mà mình vốn có, cho nên hiện ra nơi đời.

"Muốn khiến cho chúng sinh vào tri kiến của Phật" : Tức nhiên có người chỉ thị rõ ràng, mình cũng chân chánh giác ngộ, nhưng chưa chứng đắc cho nên hiện tại Phật khiến cho tất cả chúng sinh vào tri kiến của Phật. Vào tức là chứng quả, chứng được cảnh giới của Phật, do đó đại sự nhân duyên của Phật, tức là muốn khiến cho chúng sinh : khai, thị, ngộ, nhập, tri kiến của Phật, liễu sinh thoát tử, một khi liễu sinh tử, thì đại sự sẽ hoàn tất. Đại sự hoàn tất, thì chẳng còn việc làm, cho nên Phật nói đạo lý nầy xong rồi thì muốn vào Niết Bàn.

Xá Lợi Phất ! Đó là chư Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời. Đức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, làm tất cả những gì, thường vì một việc, đó là : mở bày cho chúng sinh ngộ được tri kiến của Phật.

Xá Lợi Phất ! Như Lai chỉ dùng một Phật thừa mà vì chúng sinh thuyết pháp, chẳng có hai hoặc ba thừa nào khác. Xá Lợi Phất ! Hết thảy mười phương chư Phật cũng lại như thế.

Xá Lợi Phất ! Chư Phật quá khứ dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sinh diễn nói các pháp, pháp đó đều vì một Phật thừa, các chúng sinh đó theo chư Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí.


Xá Lợi Phất ! Khai, thị, ngộ, nhập, Phật tri kiến mà ta nói ở trước, khiến cho chúng sinh liễu sinh thoát tử, lìa khổ được vui. Đó tức là chư Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời. Đức Phật nói với Xá Lợi Phất : "Chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa các Bồ Tát, làm tốt cả những gì thường vì một việc" : Thường thường chỉ vì một đại sự nhân duyên, tức là mở bày cho chúng sinh ngộ được tri kiến của Phật. "Xá Lợi Phất ! Như Lai chỉ dùng một Phật thừa, mà vì chúng sinh thuyết pháp, chẳng có hai hoặc ba thừa nào khác" : Mười phương chư Phật Như Lai chỉ dùng một Phật thừa duy nhất, để giáo hóa chúng sinh, vì chúng sinh mà nói pháp, chẳng có đại thừa hoặc tiểu thừa. Hai hoặc ba tức là đại thừa, tiểu thừa ; Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa, chẳng có các thừa ấy, cũng chẳng có thừa nào khác. Chẳng có đại thừa, chẳng có tiểu thừa, cũng chẳng có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát thừa vậy. Vậy đó là thừa nào ? Tức là duy nhất một Phật thừa. "Xá Lợi Phất, pháp của tất cả mười phương chư Phật cũng như thế" : Tất cả hết thảy mười phương chư Phật thuyết pháp, thì cũng chỉ nói duy nhất một Phật thừa, chẳng có thừa nào khác. "Xá Lợi Phất ! Chư Phật quá khứ dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên". Những nhân duyên gì ? Tức là bạn trồng nhân lành thì được quả lành, trồng nhân ác thì được quả ác. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, đủ thứ nhân duyên quả báo. "Lời lẽ ví dụ" : Lại dùng đủ thứ ví dụ, đủ thứ lời lẽ tốt đẹp để giáo hóa chúng sinh. "Mà vì chúng sinh diễn nói các pháp, pháp đó đều vì một Phật thừa" : Tuy nhiên nói là có tiểu thừa, đại thừa ; hoặc Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát thừa, song, bổn hoài cứu kính của Phật chỉ vì nói Phật thừa để tiếp dẫn chúng sinh sớm thành Phật đạo. "Các chúng sinh đó, theo chư Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí". Tất cả chúng sinh bắt đầu theo chư Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí. Trí gồm có :

1. Nhất thiết trí.
2. Đạo chủng trí.
3. Nhất thiết chủng trí.


Nhất thiết trí là thuộc về không, là sở chứng đắc về lý không của hàng nhị thừa. Đạo chủng trí là lý chứng đắc của quyền thừa Bồ Tát, cũng gọi là có (hữu), còn gọi là giả. Có nầy là giả có, chẳng phải thật. Cho nên Nhất thiết chủng trí tức là trung đạo, chẳng rơi về có cũng chẳng rơi về không, đó là trí huệ trung đạo của chư Phật chứng đắc.

Xá Lợi Phất ! Chư Phật vị lai sẽ xuất hiện ra đời, cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Pháp đó đều vì một Phật thừa, các chúng sinh đó theo Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí.

Xá Lợi Phất ! Hiện tại chư Phật Thế Tôn, trong mười phương vô lượng trăm ngàn vạn ức các cõi Phật, làm lợi ích an lạc chúng sinh, chư Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Pháp đó đều vì một Phật thừa. Các chúng sinh đó theo Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí.

Xá Lợi Phất ! Chư Phật đó chỉ giáo hóa Bồ Tát, vì muốn chỉ bày cho chúng sinh tri kiến của Phật, muốn cho chúng sinh ngộ được tri kiến của Phật, muốn cho chúng sinh vào được tri kiến của Phật.


Xá Lợi Phất ! Chư Phật quá khứ vì chúng sinh thuyết pháp như thế. Còn chư Phật vị lai ? cũng như thế. Khi chư Phật xuất hiện ra đời, thì cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên, lời lẽ ví dụ mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Pháp đó đều vì một Phật thừa. Pháp của chư Phật nói đều vì duy nhất một Phật thừa, chẳng có thừa nào khác. Các chúng sinh đó, theo Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được Nhất thiết chủng trí. Phật nói các pháp mục đích cuối cùng là khiến cho tất cả chúng sinh đắc được Nhất thiết chủng trí. "Xá Lợi Phất ! Hiện tại chư Phật Thế Tôn trong mười phương vô lượng trăm ngàn vạn ức các cõi Phật, làm lợi ích an lạc chúng sinh" : Hiện tại hết thảy cõi nước trong mười phương, cũng đều thấm nhuần lợi ích tất cả chúng sinh, khiến cho họ đều được yên ổn và khoái lạc. Chư Phật đó cũng dùng vô lượng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên, lời lẽ ví dụ mà vì chúng sinh diễn nói các pháp. Pháp đó đều vì một Phật thừa. Các chúng sinh đó theo Phật nghe pháp, cứu kính đều đắc được nhất thiết chủng trí. Phật nói các pháp, mục đích duy nhất là khiến cho chúng sinh đắc được nhất thiết chủng trí, viên mãn bồ đề, quy vô sở đắc. "Xá Lợi Phất ! Chư Phật đó, tất cả chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, chỉ giáo hóa Bồ Tát" : Mục đích của các Ngài là giáo hóa khiến cho phát tâm Bồ Tát, thành Phật đạo.

"Vì muốn chỉ bày cho chúng sinh tri kiến của Phật, vì muốn cho chúng sinh ngộ được tri kiến của Phật, vì muốn cho chúng sinh vào được tri kiến của Phật" : Hết thảy chư Phật trong mười phương ba đời, đều vì duy nhất một Phật thừa, mà trước hết nói pháp môn thiện xảo phương tiện, mục đích cuối cùng là khiến cho tất cả chúng sinh đắc được tri kiến của Phật, đắc được trí huệ của Phật, đắc được quả vị Phật.

Xá Lợi Phất ! Ta nay cũng lại như thế, biết các chúng sinh có đủ thứ dục niệm, chấp trước nơi thâm tâm, tuỳ theo bản tánh của họ, ta dùng đủ thứ nhân duyên, lời lẽ thí dụ sức phương tiện, để vì họ nói pháp.

"Xá Lợi Phất ! Ta nay cũng lại như thế" : Ta hiện tại giáo hóa chúng sinh, cũng dùng đủ thứ nhân duyên lời lẽ ví dụ mà vì chúng sinh nói pháp. "Biết các chúng sinh có đủ thứ dục niệm" : Ta biết hết thảy chúng sinh, mỗi chúng sinh đều có vô lượng vô biên dục niệm. "Chấp trước nơi thâm tâm" : Những dục niệm nầy chẳng phải một đời một kiếp, hoặc mấy kiếp tích tập nên, mà là từ vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp tập nhiễm mà ra. Những dục niệm nầy, tích tập thâm sâu ở trong tám thức của chúng sinh, do đó chẳng thể nào xả bỏ được, sức tập nhiễm nầy lớn vô cùng, do tâm chấp trước nên chẳng dễ gì đắc được giải thoát. Vì nhân duyên đó, cho nên ta tùy theo bổn tính của họ, dùng đủ thứ nhân duyên, lời lẽ ví dụ, sức phương tiện mà vì họ nói pháp.

Xá Lợi Phất ! Như thế đều vì đắc được một Phật thừa Nhất thiết chủng trí. Xá Lợi Phất ! Ở trong mười phương thế giới còn chẳng có hai thừa, hà huống có ba. Xá Lợi Phất ! Chư phật xuất hiện ra đời ác năm trược : Kiếp trược, phiền não trược, chúng sinh trược, kiến trược, mạng trược. Như thế Xá Lợi Phất ! Vào thời kiếp trược loạn thì chúng sinh cấu nặng, xan tham, đố kị, thành tựu các căn chẳng lành. Chư Phật dùng sức phương tiện nơi một Phật thừa mà phân biệt nói ba.

Xá Lợi Phất ! Nếu đệ tử của ta, tự cho mình là bậc A La Hán, Bích Chi Phật, mà chẳng nghe chẳng biết việc chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát, những người đó chẳng phải đệ tử của Phật, chẳng phải A La Hán, chẳng phải Bích Chi Phật.

"Xá Lợi Phất ! Như thế đều vì đắc được một Phật thừa Nhất thiết chủng trí" : Như ở trước có nói, chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai nói pháp đều giống nhau, đều vì đắc được một Phật thừa, Nhất thiết trí, Đạo chủng trí, Nhất thiết chủng trí. "Xá Lợi Phất ! Ở trong mười phương thế giới còn chẳng có hai thừa, hà huống có ba" : Ở trong mười phương thế giới của chư Phật, còn chẳng có hai thừa, hà huống có ba ? Hai thừa có thể nói là đại thừa và tiểu thừa ; lại có thể nói là tạng giáo và thông giáo. Ba thừa tức là chỉ biệt giáo. Kinh Hoa Nghiêm là đốn giáo, là pháp giáo hóa Bồ Tát, song cũng bao quát bất định giáo. Tạng giáo và thông giáo là pháp giáo hóa A La Hán và Duyên Giác.

Biệt giáo là đối với Thanh Văn và Duyên Giác, sẽ phải hồi tiểu hướng đại, phải hồi hướng đến viên giáo. "Hà huống có ba" : Ba ở đây cũng có thể nói là tạng, thông và biệt giáo. Vì Kinh Pháp Hoa là thuần viên độc diệu. Thuần viên, tức là chỉ nói về viên giáo ; độc diệu tức là chỉ có Kinh Pháp Hoa mới là diệu nhất, ngoài ra tạng, thông, biệt giáo đều chẳng sánh bằng. Do đó, duy chỉ một Phật thừa, tức cũng là nói viên giáo. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát thừa đều là quyền giáo.

"Xá Lợi Phất ! Chư Phật xuất hiện ra đời ác năm trược.

Kiếp trược : Kiếp tức là thời gian. Bổn lai thời gian chẳng tồn tại, nhưng vì ở tại phần của chúng sinh, sinh ra tâm phân biệt mới có quá khứ, hiện tại và vị lai ba đời, cho nên gọi là kiếp. Kiếp là tiếng Phạn, nếu nói đủ là Kiếp ba, dịch là "thời phần". Vào thời đại tội ác đầy dẫy nầy, cho đến thời gian cũng ô nhiễm.

Phiền não trược, tức là có năm độn sử : Tham, sân, si, mạn, nghi. Đó là gốc rễ của phiền não.
Kiến trược, tức là năm lợi sử : Thân kiến, biên kiến, kiến thủ kiến, giới cấm thủ kiến, tà kiến. Độn, là vì nó đến chậm ; lợi là vì nó đến nhanh.

Chúng sinh trược : Chúng sinh có đủ thứ nhân duyên thiện ác xen tạp, mỗi chúng sinh đều có nghiệp ác đặc biệt của họ, cho nên chúng sinh cũng ô trược.

Mạng trược, mạng tức là một đoạn thời gian của báo thân chúng sinh, tức là mạng sống. Mạng sống cũng ô trược. Trược là gì ? Trược cũng giống như bùn ở dưới nước, dùng tay khuấy thì đục ngầu, nhìn chẳng rõ. Thế giới nầy do năm thứ trược đục nầy tạo thành, cho nên thế giới cũng chẳng sạch sẽ, cho nên gọi là đời ác năm trược. "Như thế, Xá Lợi Phất ! Vào thời kiếp trược loạn thì chúng sinh cấu nặng" : Tội cấu của chúng sinh nặng vô cùng. "Xan, tham, đố kị" : Xan tức là keo kiệt, không thể xả bỏ một đồng xu. Tham tức là chẳng những không xả bỏ, mà còn tham lam tài vật của người khác, tham chẳng biết chán. Người xan tham thì tương lai phải chịu quả báo nghèo cùng.

Bây giờ kể về chuyện tham cho mọi người nghe. Có một người nọ, sau khi chết rồi thì đến chỗ Vua Diêm Vương, Vua Diêm Vương hỏi y :"Ông là người thông minh, khi ông còn sống thì cũng chẳng thiệt thòi gì. Ông kiếp sau làm người, thì muốn ăn của người khác hay ăn của chính mình ?" Ông ta nghĩ :"Ăn đồ của mình thì hao tốn, còn ăn đồ của người thì chẳng tốn hao gì của mình." Bèn nói với Vua Diêm Vương :"Tôi thích ăn của người, chẳng thích ăn của mình." Vua Diêm Vương nói :"Tốt, vậy ông đi làm heo, heo thì chuyên môn ăn của người, chẳng ăn của mình." Do đó, người tâm tham nầy mới biết ăn của người khác là sai lầm, nhưng đã yêu cầu với Vua Diêm Vương, chẳng thể nào thay đổi được nữa, do đó bèn đi làm heo. Heo thì suốt ngày đến tối ăn đồ của người, tức là vì tâm tham mà phải gánh chịu. Đố kị, đố tức là đố hiền, nghĩa là thấy bất cứ người nào, nếu tốt hơn mình thì chẳng vui ; kị, là kị năng, nếu người nào mà giỏi hơn mình, thì sinh tâm ganh tị, cho nên hợp lại gọi là đố kị, tức là ghen ghét người hay, người giỏi hơn mình. Người có tâm ghen ghét thì tương lai sẽ đọa lạc, kiếp sau hoặc làm súc sinh vì tâm sân hận quá nặng !

"Các căn chẳng lành" : Vì chúng sinh tham, xan, đố kị, cho nên làm được những gì, cũng đều chẳng phải việc tốt, mà trở thành căn chẳng lành. Căn chẳng lành tức là căn ác. "Chư Phật dùng sức phương tiện" : Chư Phật dùng sức phương tiện quyền xảo. "Nơi một Phật thừa mà phân biệt nói ba" : Vốn chỉ là một Phật thừa, chẳng có thừa nào khác, nếu lúc khởi đầu kêu chúng sinh thành Phật, thì tất cả chúng sinh đều chẳng tin, cho nên mười phương chư Phật, trước hết đều nói pháp tiểu thừa, dẫn dắt tất cả chúng sinh, từ nhỏ đến lớn. "Xá Lợi Phất ! Nếu đệ tử của ta, tự cho mình là bậc A La Hán" : Nếu như họ tự nói đã chứng được quả A La Hán. "Bích Chi Phật" : Đã đắc được quả vị Bích Chi Phật. "Mà chẳng nghe chẳng biết" : Cũng chẳng từng nghe đến một Phật thừa duy nhất chân thật diệu pháp nầy. "Cũng chẳng biết việc chư Phật Như Lai chỉ giáo hóa Bồ Tát" : Họ cũng chẳng biết chư Phật Như Lai vì giáo hóa Bồ Tát để thành Phật quả. "Những người đó chẳng phải đệ tử của Phật. Những người đó chẳng phải là Bồ Tát, chẳng phải là A La Hán, chẳng phải là Thanh Văn Thừa, chẳng phải Bích Chi Phật, cũng chẳng phải là Duyên Giác". Tại sao họ chẳng phải là Bồ Tát ? chẳng phải là A La Hán ? chẳng phải là Bích Chi Phật ? Vì nếu như họ thật sự đắc được quả A La Hán, quả Bích Chi Phật, quả Bồ Tát, thì nhất định sẽ tin diệu pháp của Phật nói, căn tánh của họ nhất định rất sâu dày. Nếu họ không tin thì họ chẳng thật sự chứng được quả A La Hán, chẳng chứng được quả Bích Chi Phật, cũng chẳng chứng được quả Bồ Tát quyền thừa, họ chỉ là kẻ tăng thượng mạn.

Lại nữa, Xá Lợi Phất ! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni đó, tự cho mình đã chứng A la hán, là thân cuối cùng, cứu kính Niết bàn, chẳng còn có chí cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nên biết, những người đó đều là những kẻ tăng thượng mạn. Vì sao ? Nếu có Tỳ kheo thật chứng được A la hán, nếu không tin pháp nầy, thì chẳng có lý vậy, trừ khi Phật diệt độ rồi, hiện tiền chẳng có Phật. Vì sao ? Sau khi Phật diệt độ rồi, người thọ trì đọc tụng, hiểu nghĩa những Kinh như vầy, thật là khó có được. Nếu gặp đức Phật khác, ở trong pháp nầy thì sẽ hiểu rõ.
Xá Lợi Phất ! Các ông nên một lòng tin hiểu, thọ trì lời của Phật nói. Lời của chư Phật Như Lai chẳng có hư vọng, chẳng có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa.


Đức Phật lại nói : "Xá Lợi Phất ! Các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đó, tự cho mình đã chứng A La Hán" : Những vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni đó, nói họ đã chứng được quả vị A La Hán. "Là thân cuối cùng" : Báo thân nầy là báo thân cuối cùng, sau nầy chẳng còn thọ thân khác nữa. "Cứu kính Niết Bàn" : Họ nói đã đắc được cứu kính Niết Bàn, thường, lạc, ngã, tịnh. "Chẳng còn có chí cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác" : Chẳng còn hướng thượng phát nguyện cầu quả vị Vô thượng chánh đẳng chánh giác. "Nên biết những người đó, đều là những kẻ tăng thượng mạn" : Những loại người nầy đều thông minh, ngược lại bị thông minh lầm lẫn, cống cao ngã mạn, là những kẻ tăng thượng mạn. "Vì sao ? Nếu có Tỳ Kheo thật chứng được A La Hán, nếu không tin pháp nầy thì chẳng có lý vậy" : Là nguyên nhân gì ? Nếu như họ đã chứng quả A La Hán, mà họ chẳng tin Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy, thì chẳng có lý. "Trừ khi Phật diệt độ rồi" : Trừ khi Phật đã nhập diệt rồi. "Hiện tiền chẳng có Phật" : Hiện tại chẳng có Phật. "Vì sao" ? Là nguyên nhân gì ? "Khi Phật diệt độ rồi" : Sau khi Đức Phật diệt độ. "Những Kinh như vầy" : Giống như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy. "Người thọ trì đọc tụng hiểu nghĩa" : Người hay thọ trì, hay đọc tụng minh bạch đạo lý nầy. "Thật là khó có được" : Chẳng dễ gì tìm được người giảng giải Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, vì chẳng có người minh bạch cho nên chúng sinh chẳng tin. "Nếu gặp Đức Phật khác" : Hoặc là gặp Phật ở thế giới khác. "Ở trong pháp nầy thì sẽ hiểu rõ" : Đối với đạo lý khai quyền hiển thật trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, họ có thể minh bạch hiểu rõ. "Xá Lợi Phất ! Các ông nên nhất tâm tin hiểu, thọ trì lời của Phật nói" : Các ông tất cả chúng Thanh Văn và chúng Bồ Tát, nên chuyên tâm nhất chí tin hiểu thọ trì pháp của Phật nói. "Lời của chư Phật Như Lai chẳng có hư vọng" : Pháp của chư Phật nói chẳng giả, đều là chân thật không hư. "Chẳng có thừa nào khác, chỉ có một Phật thừa" : Chẳng có ba thừa pháp nào khác, chỉ duy nhất một Phật thừa, cho nên đừng sinh tâm hoài nghi.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy