× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Tin Hiểu Thứ Tư - Phần 2

Lúc đó, ông trưởng giả giàu có ngồi trên tòa sư tử, nhìn thấy biết là con mình, trong tâm rất vui mừng, bèn nghĩ : Của cải kho tàng của ta, nay đã có người giao phó. Ta thường nhớ đến đứa con nầy mà chẳng thấy, nay nó bỗng nhiên đến đây, rất vừa ý của ta, ta tuy tuổi già, do vì tham tiếc.

Lúc đó, Phật ngồi trên tòa sư tử, nhìn thấy biết là con mình: Tức là biết những người tiểu thừa, vì quá khứ Phật đã từng giáo hóa chúng sinh pháp đại thừa, cho nên tâm rất vui mừng, kho tàng trí huệ đức hạnh đã có người giao phó, nguyện lực của Phật sẽ viên mãn. ỀCủa cải kho tàng: Tức là pháp tài, thiền định và vô lượng pháp môn giải thoát, như : Ba mươi bảy đạo phẩm, sáu độ vạn hạnh, mười hai nhân duyên, bốn diệu đế, các pháp tạng, nay đã có chỗ giao phó.

Tuy nhiên ta thường nghĩ nhớ chúng sinh lưu chuyển trong biển khổ sinh tử, muốn cứu vớt, nhưng vì chúng sinh bỏ Phật trốn đi quá xa, cho nên chẳng thể thấy. Nay nó bỗng nhiên đến đây: Biểu hiện nay họ đã hồi tiểu hướng đại, phát đại bồ đề tâm, rất là vừa ý của ta. Tuy ta tuổi tác đã già nua, sẽ vào Niết Bàn, do vì tham ái thương tiếc. Tức tương lai độ được người nào, thì người đó có căn cơ đại thừa, có thể giao phó pháp lớn cho người đó.

Ông liền sai người hầu cận đuổi gấp theo bắt lại. Lúc đó, kẻ sứ giả chạy mau đến bắt lại, gã cùng tử kinh ngạc lớn tiếng kêu oan: Tôi không phạm lỗi gì, sao lại bắt tôi ? Người sứ giả càng nhanh qua bắt, cưỡng dắt đem về. Lúc đó, gã cùng tử tự nghĩ, mình chẳng có tội gì mà bị bắt, chắc chắn phải chết, lại càng sợ hãi, ngất xỉu ngã xuống đất.

Phật liền sai khiến Bồ Tát Ềđuổi gấp theo bắt lại: Dùng đốn giáo pháp đại thừa để giáo hóa người tiểu thừa, muốn khiến cho họ đốn ngộ vô thượng đạo. Chạy mau bắt lại, đơn đao vào thẳng, kiến tánh thành Phật. Nhiếp hóa chúng sinh, khiến cho họ vào trí huệ của Phật. Người nhị thừa tu tập pháp nhỏ (pháp tiểu thừa), đột nhiên nghe được pháp lớn (pháp đại thừa) nầy, bèn sinh tâm kinh ngạc. Tiểu thừa lấy phiền não làm oán, sinh tử làm khổ. Nếu thường nói với họ phiền não tức bồ đề, thì họ lớn tiếng kêu oan, nếu họ nghe sinh tử tức Niết Bàn, thì họ lớn tiếng kêu thống khổ, tôi vô ý cầu pháp đại thừa, sao lại bức bách tôi. Kẻ sứ giả, càng nhanh qua muốn cho họ tự thức bản tính, người nhị thừa Ềtự nghĩ mình chẳng có tội: Tự bảo chẳng có đại từ bi tu pháp lớn nầy, cho nên chẳng muốn bị pháp lớn ràng buộc. Chúng sinh nghiệp nặng cho nên ở trong ngục sinh tử, Bồ Tát dùng tâm đại từ bi vào ngục cứu vớt. Người tiểu thừa tự bảo chẳng có đại phương tiện mà vào sinh tử, tất sẽ mất đi tam thừa huệ mạng, cho nên nói Ềchắt chắn phải chết: Suy lường như thế lại càng sợ hãi. Người trí nhỏ chẳng hiểu pháp lớn, cho nên nói ngất xỉu. Ngã xuống đất : Tức là đắm chìm ở trong vô minh.

Người cha ở xa trông thấy vậy, bèn nói với sứ giả: Không cần người đó, chớ cưỡng đem đến, hãy lấy nước lạnh rưới lên mặt cho nó tỉnh lại, đừng nói chi với nó. Tại sao ? Vì người cha biết con mình ý chí hạ liệt, tự biết mình giàu sang, làm cho con khiếp sợ. Biết rõ là con, bèn dùng phương tiện, chẳng nói với người khác đó là con mình. Người sứ giả nói : Nay ta thả ngươi muốn đi đâu tùy ý. Gã cùng tử vui mừng được chưa từng có, từ đất đứng dậy, đi đến xóm nghèo, để tìm cầu sự ăn mặc.

Phật thấy người nhị thừa chẳng thọ Bồ Tát giáo hóa, tức chẳng có đại căn cơ, sợ thương hại căn lành của họ, cho nên tùy thuận căn tính của họ mà dạy Bồ Tát dùng pháp phương tiện giáo hóa. ‘’Lấy nước lạnh rưới lên mặt‘’: Nếu ai ngất xỉu ngã xuống đất, thì lấy nước lạnh rưới lên mặt của họ, thì sẽ khiến cho họ tỉnh lại. Đây là biểu thị dùng pháp thủy bốn diệu đế của hàng Thanh Văn, khiến cho họ tu hành, từ từ sẽ chứng quả. Phật biết người nhị thừa ý chí hạ liệt cầu pháp nhỏ. ‘’Tự biết mình giàu sang‘’: Vì Phật có đại oai đức, ‘’pháp thân‘’: Biến khắp pháp giới, ‘’báo thân‘’ và ‘’ứng thân‘’: Rất thù đặc tôn quý, mà người tiểu thừa chẳng dễ gì tin thọ. Phật quán nhân duyên nầy rồi, biết rõ họ nơi hai vạn ức vị Phật, đã từng phát đạo tâm, thật là con của Phật. ‘’Chẳng nói với người khác‘’: Tức trước kia vì thật mà thí pháp phương tiện quyền xảo, nơi vườn lộc uyển vì năm vị Tỳ Kheo nói pháp bốn diệu đế, cho đến mười hai nhân duyên. Trong các pháp hội A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, Phật chưa từng đề cập đến hàng Thanh Văn Duyên Giác là con của Phật, chỉ có trong hội Pháp Hoa, cơ duyên đã thành thục, vì Xá Lợi Phất thọ ký sẽ thành Phật, mới nói các Ngài là con của Phật.

‘’Nay ta thả ngươi‘’: Tức là biết căn cơ mỏng cạn, tùy ý thích của họ, gã cùng tử vui mừng, chẳng vì pháp lớn ép buộc, cho nên vui mừng. Tạm lưu lại nơi pháp nhỏ có thể được tỉnh ngộ, cho nên nói "từ đất đứng dậy", lại tu chánh đạo và trợ đạo, như "tìm cầu sự ăn mặc".

Bấy giờ, ông trưởng giả muốn dẫn dụ con mình, bèn bày phương tiện, bí mật sai hai người hình sắc tìu tụy, chẳng có uy đức, bảo họ đi tìm, và nói với gã cùng tử, ở đây có chỗ làm trả giá gấp bội. Nếu gã cùng tử chịu, thì dẫn về cho gã làm. Nếu nó có hỏi sai làm gì, thì nói là thuê hốt phân, chúng ta hai người cũng làm chung với ngươi.

"Muốn dẫn dụ con mình: Phật quán căn cơ của họ, mà bày phương tiện pháp môn. ỀBí mật sai hai người: Phái Bồ Tát hóa làm người Thanh văn thừa để độ hóa, nơi giáo pháp mà nói, tức pháp bốn diệu đế, mười hai nhân duyên. Nếu nơi người mà nói, tức người nhị thừa, tức Thanh Văn và Duyên Giác; nơi lý, tức có làm chân tục hai đế. Bí mật sai: Chiếu theo giáo lý tức ẩn thật là bí mật, khai quyền là sai khiến. Mật giáo tức viên giáo, mãn tự giáo, như Kinh Pháp Hoa vậy. Bán tự giáo tức di giáo, như tam tạng và thông giáo. Nơi người mà nói thì bên trong bí ẩn hạnh Bồ Tát là mật, bên ngoài hiện thân Thanh Văn là sai khiến.

Người tiểu thừa chẳng tu tướng tốt, song nói : Khổ, không, vô thường, vô ngã, bất tịnh quán, thiên về không chẳng phải là trung đạo, cho nên nói "hình sắc tìu tụy". ‘’Chẳng có uy đức‘’ : Tức chẳng đủ mười lực, bốn vô sở úy. Ý nói Bồ Tát đáng dùng thân Thanh Văn độ được, thì hiện thân Thanh Văn, mà vì họ nói pháp để giáo hóa họ. ‘’Ở đây có chỗ làm‘’: Thấy, tu hai lối, tức nhị quả, tam quả La Hán vị. Khổ hạnh của ngoại đạo chỉ phục được hoặc, mà không thể đoạn sạch được hoặc. Hoặc có thể phân ra thô hoặc và tế hoặc. Kiến (thấy), tư (suy nghĩ) hoặc là thô hoặc, trần sa hoặc là tế hoặc, vô minh hoặc có thể đạt đến sắc giới, vô sắc giới, tức tự cho rằng đến được cõi trời, cho rằng là cứu kính. Thật tế thì chưa ra khỏi tam giới, như ở trong nhà lửa. ‘’Trả giá gấp bội‘’: Nếu tu pháp bốn diệu đế và mười hai nhân duyên, thì có thể đoạn vô minh, dứt sinh thoát tử, vượt ra tam giới. ‘’Nếu gã cùng tử chịu‘’: Tức người có căn cơ thì được giáo hóa, nếu chẳng đối cơ thì không thể giáo hóa. ‘’Thuê người hốt phân‘’: Biểu thị khổ, tập, hai đế trong bốn diệu đế, trừ kiến, tư hai hoặc. ‘’Chúng ta hai người, cũng làm chung với ngươi‘’: Biểu thị Bồ Tát thị hiện thân nhị thừa, cũng cùng nhau tu hành tiểu thừa.

Khi đó, hai kẻ sứ giả tìm được gã cùng tử rồi, bèn thuật lại đủ mọi việc như trên. Bấy giờ, gã cùng tử trước hết hỏi lấy giá cả, liền đến hốt phân. Người cha thấy con, thương xót mà trách.

Lúc đó, Bồ Tát hóa thành người nhị thừa, đến chỗ gã cùng tử (chỗ chúng sinh), quán cơ thí giáo, biết rõ có căn cơ, cho nên nói đã tìm được. Hai người vì họ mà nói việc tiểu thừa, tức hốt phân: Khổ, tập, diệt, đạo. Song, gã cùng tử sợ bị lừa, cho nên trước hết lãnh lấy tiền làm công, sau mới chịu làm thuê, ý nói trước hết phải mộ diệt, sau mới chịu tu đạo. Người cha thấy con, thương sót họ thủ quả tiểu thừa, mà trách họ chẳng cầu Phật đạo.

‘’Trước hết hỏi lấy giá cả‘’: ‘’Giá cả‘’ nầy cũng có thể dụ cho sự giá trị vi diệu của Kinh Pháp Hoa.

Giảng đến đây, hốt nhiên tôi nhớ lại một câu chuyện : Tại Trung Quốc vào đời nhà Tấn, có một vị pháp sư tên là Vân Dực, kiếp trước là một con gà rừng, đời nầy được đầu thai làm người, mà tu hành chánh quả. Tại sao gà rừng được đầu thai làm người ? Vì mỗi lần đại sư Pháp Trí giảng Kinh Pháp Hoa, thì đều thấy có một con gà rừng đến nghe kinh, bảy năm như một ngày. Sau đó, con gà rừng nầy chết đi, thì đêm đó đại sư Pháp Trí mộng thấy một vị đồng tử nói: ‘’Ta là con gà rừng mà hằng ngày đến nghe Ngài thuyết pháp, do sự nghe pháp mà tôi đã đầu thai vào nhà cư sĩ Hoàng, tương lai sẽ xuất gia với đại sư‘’.

Mấy năm sau, cư sĩ họ Hoàng thiết trai cung thỉnh đại sư Pháp Trí, khi đứa bé vừa thấy đại sư đến, thì vui mừng chạy đến nói rằng: ‘’Sư phụ của con đến rồi‘’!

- Đại sư Pháp Trí nói: ‘’Thì ra ngươi là con gà rừng đó‘’! Họ cởi áo của đứa bé xuống, thì thấy trên thân của đứa bé có ba cái lông chim. Cha của đứa bé thấy vậy, thì cho phép đứa bé lạy đại sư Pháp Trí làm thầy, và xuất gia tu đạo.

Pháp sư Vân Dực chuyên tâm trì tụng Kinh Pháp Hoa và kiến lập một tịnh xá Pháp Hoa, siêng năng tu hành mười năm như một ngày. Một ngày nọ, chợt có một thiếu nữ cầm cành hoa vẫy, và nâng lên một cái giỏ, trong đó có một cái đầu heo trắng và hai củ tỏi, cô ta xin ở lại một đêm. Pháp sư Vân Dực kiên quyết cự tuyệt ở ngoài cửa, nhưng cô ta nhất quyết không đi, pháp sư Vân Dực phải cho cô ta ở trong phòng trên đống cỏ một đêm, vào lúc nửa đêm, cô ta hốt nhiên vừa khóc vừa la, rên rỉ kêu đau bụng, yêu cầu pháp sư vì cô ta mà bắt ma. Pháp sư thấy tình trạng nghiêm trọng, cho nên dùng tích trượng bắt ma ở bụng của cô ta, khiến cho cô ta bình phục.

Sau khi trời sáng, thì thấy cô ta mặc xiêm y màu hoa lục, đằng vân mà đi, hóa thành mây ngũ sắc, đầu heo trắng nhỏ đó đã biến thành con voi trắng, hai củ tỏi thì biến thành hai đóa hoa sen. Một đóa hoa sen con voi ngự lên, còn đóa hoa sen kia thì thấy Bồ Tát Phổ Hiền ngự lên và còn nói: ‘’Mấy ngày nữa, thì ngươi có thể đến pháp hội của ta, cho nên trước hết ta phải đến thử trình độ tu hành của ngươi, quả nhiên không sai, ngươi có thể làm quyến thuộc của ta. ‘’Lúc đó, trong hư không phóng ra luồng quang minh rất cát tường, hoàng đế thấy được luồng quang minh nầy, trong tâm rất hoan hỉ, bèn kiến tạo một ngôi chùa Pháp Hoa rất lớn. Gà rừng nghe Kinh còn có cảm ứng như thế, chúng ta là thân người đừng bỏ qua cơ hội tu học pháp vi diệu thâm sâu nầy.

Vào thời vua Lương Võ Đế, có một vị Tỳ kheo Ni, tên là Đạo Ký, biệt hiệu là Tổng Trì, là đệ tử lớn của Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma, ở một mình trong túp lều tranh chuyên tâm trì tụng Kinh Pháp Hoa. Sau khi qua đời, thì tín đồ mai táng ở ngoài túp lều tranh. Bảy tám năm sau, dưới mộ tự nhiên mọc lên một đóa hoa sen xanh. Hoàng đế nghe được tin nầy, bèn sai người đào mộ lên xem thử hoa sen từ đâu mọc lên, thì phát hiện hoa sen nầy mọc ra từ miệng của vị Tỳ kheo Ni đó, thật là chuyện kì lạ ! Do đó, chứng minh tụng trì Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn.

Lại có một vị Tỳ Kheo ni tên là Hoa Thủ, mỗi khi vị sư cô nầy tụng một biến Kinh Pháp Hoa, thì trên tay hiện ra một đóa hoa sen. Do đó, hai tay đều mọc đầy hoa sen. Hoàng đế nghe được tin nầy, bèn truyền gọi đến phong cho pháp hiệu là Hoa Thủ.

Nếu có cơ hội nghe được Kinh Pháp Hoa, cho đến một câu kinh một bài kệ, hoặc danh hiệu người trong Kinh Pháp Hoa, thì đều có căn lành lớn, bằng không thì chẳng vào được pháp môn nầy.

Có một vị pháp sư tên là Pháp Vân, khéo diễn giảng Kinh Pháp Hoa, biện tài vô ngại, theo lời phát nguyện mà đến độ hóa tất cả chúng sinh. Lúc đó, có một vị hòa thượng rất kính ngưỡng đức hạnh của vị pháp sư nầy, bèn phát nguyện như vầy : Tôi muốn đời đời kiếp kiếp đều có tướng tốt như vị pháp sư nầy, biện tài vô ngại và sức đại nguyện. Đêm đó, sau khi vị nầy phát nguyện rồi, thì mộng thấy có người nói với ông ta, đại sư Pháp Vân vào thời Phật Nhiên Đăng, đã bắt đầu diễn giảng Kinh Pháp Hoa, chẳng phải một sớm một chiều mà thành tựu như thế. Nếu bạn muốn được biện tài vô ngại như ông ta, thì phải hạ thủ công phu một phen. Do đó, có thể biết Kinh Pháp Hoa trăm ngàn vạn kiếp khó gặp được, khó thấy, khó có thể nói pháp môn vi diệu nầy.

Lại một ngày khác, ông ở trong cửa sổ, xa trông thấy con, thân thể ốm gầy tìu tụy, phân đất bụi bặm dơ dáy chẳng sạch. Ông bèn cởi chuỗi ngọc áo tốt mịn màng, và đồ trang sức, lại mặc đồ thô rách trỉn dơ, bụi bặm lấm thân, tay phải cầm đồ hốt phân, bộ dạng đáng nể sợ.

‘’Lại‘’ nghĩa là trịnh trọng. ‘’Ngày‘’ là thời gian hoặc trí huệ. ‘’Khác’’ người nhị thừa dùng quyền giáo làm giáo lý của mình, còn thật giáo thì cho rằng giáo lý của kẻ khác. ‘’Ông ở trong cửa sổ‘’: Ý nói Phật chẳng đứng ở cửa giữa mà đứng ở kế bên, nói tóm lại, Phật vì giáo hóa người nhị thừa, mà tạm thời chẳng đứng ở trung đạo, xa trông thấy con bỏ pháp lớn.

‘’Ốm‘’: Chẳng có đại trí huệ. ‘’Gầy‘’: Phước lực chẳng đủ, họ chẳng hiểu rõ đức Phật ba A tăng kỳ tu phước huệ, trăm kiếp gieo trồng tướng tốt, cho nên thân thể ốm gầy. ‘’Tiều tụy‘’: Bên trong sợ vô thường, còn bên ngoài gặp năm ấm tám thứ khổ. Bốn trụ trần là phân đất, vô minh phiền não là bụi bặm, có bụi bặm vô tri nầy, và bốn trụ trần ràng buộc, kiến tư hai hoặc chưa dứt, tâm phan duyên không ngừng, cho nên nói dơ dáy chẳng sạch. Người xuất gia tu đạo cẩn thận, không nên mượn tiền người khác, hoặc nghĩ muốn được người khác cúng dường, đó là tâm niệm chẳng trong sạch, là điều dơ dáy chẳng sạch. Nên lấy tông chỉ:

Dù chết lạnh chẳng phan duyên,
Dù đói chết chẳng hóa duyên,
Dù nghèo chết chẳng van nài
Làm bổn phận của người xuất gia.


Bồ Tát Vi Đà từng phát nguyện rằng: Nếu có ai tu được ba phần đức hạnh, thì có bảy phần cảm ứng. Khi tôi còn trẻ, thì từng gặp người vu khống phỉ báng và hết lương thực mấy ngày, song chưa vì gặp hoàn cảnh khó khăn nầy mà giải đãi tu hành, cho nên được cảm ứng Bồ Tát Vi Đà, vì tôi giải trừ đủ thứ chướng ngại.

‘’Ông bèn cởi chuỗi ngọc các thứ‘’: Dụ cho báo thân và ứng thân vô lượng công đức của Phật. Phật chẳng muốn gã cùng tử sợ hãi, cho nên ẩn ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, mà hiện thân tướng Tỳ Kheo già cao một trượng sáu, cho nên nói "cởi chuỗi ngọc, áo tốt mịn màng và đồ trang sức mà mặc đồ thô rách trỉn dơ". ‘’Thô‘’, ẩn tàng thân Lô Xá Na ngàn trượng, mà hiện thân cao một trượng sáu. ‘’Rách‘’, tức sinh nhẫn và pháp nhẫn. Người hữu lậu có phiền não, hữu vi nên nói là ‘’bụi bặm lấm thân‘’. Tay phải dụ cho dùng pháp quyền xảo phương tiện giáo hóa hàng nhị thừa. ‘’Đồ hốt phân‘’: Dụ cho pháp môn đối trị kiến hoặc và tư hoặc, tự dùng pháp nầy đoạn sạch các hoặc, mà được thành Phật đạo, hơn nữa, lại dùng pháp nầy để giáo hóa người, cho nên gọi là cầm.

‘’Bộ dạng đáng nể sợ‘’: Phật vì giáo hóa chúng sinh, nên có khi thị hiện tướng sợ hãi sinh tử.

Hôm nay kể lại chuyện vua Lưu Ly giết dòng họ Thích. Một ngày nọ vua Lưu Ly khởi tâm sân hận muốn giết dòng họ Thích, song chẳng có binh quyền, có một ông quan tên là Hảo Khổ, khuyên vua giết cha đoạt binh quyền, hưng binh đến nước Ca Tì La Vệ, giết hết dòng họ Thích trong bảy ngày đêm. Lúc đó, các vị đệ tử lớn thỉnh Phật cứu, nhưng Phật im lặng chẳng nói, mà đầu của Phật cũng đau ba ngày. Tôn giả Mục Kiền Liên không đành làm ngơ, mới cứu năm trăm người bỏ vào bình bát, mang đến hư không, bảy ngày sau lui binh thì năm trăm người đều biến thành máu. Các vị đệ tử lớn hỏi Phật, vì nguyên nhân gì ? Phật nói: ‘’Trong quá khứ, có một nước nọ tên là Bổ Ngư. Nước đó vì hạn hán đói khác, trong nước đó có một cái hồ lớn, trong hồ có rất nhiều cá. Dân trong nước đói gần chết, mới đến bắt cá trong hồ để ăn. Nước trong hồ cạn dần, trong đó có Ngư vương tên là Bật Ngư, bị bắt lên bờ, cá nhảy vùng vẫy. Có một đứa bé thấy vậy, vì thích chơi nên lấy cây gõ lên đầu cá ba cái. Hiện tại binh mã nước Xá Vệ đến giết dân nước Ca Tì La Vệ, tức là cá ở trong hồ xưa kia vậy, ông quan Hảo Khổ là thuộc hạ của Ngư vương. Nay nhân dân của nước Ca Tì La Vệ bị giết, là nhân dân của nước Bổ Ngư xưa kia. Đứa bé gõ lên đầu cá ba cái là thân ta vậy. Lúc đó, tuy ta chẳng ăn cá, nay tuy đã thành Phật, vẫn bị quả báo đau đầu, cho nên nói nhân quả chẳng mất vậy‘’. Phật lại nói kệ rằng:

‘’Cho dù trăm ngàn kiếp
Nghiệp tạo ra chẳng mất
Nhân duyên hội ngộ thời
Quả báo mình phải chịu’’.


Bảo những người làm: Các ngươi phải siêng làm, chớ nên lười nghỉ ! Vì dùng phương tiện nên được đến gần người con. Lúc sau lại bảo : Này gã nam tử ! Ngươi thường làm ở đây, chớ đi nơi khác nữa, ta sẽ trả thêm giá cho ngươi. Những đồ cần dùng như : Bồn, chậu, gạo, bột, muối, dấm, ngươi chớ tự nghi nan, cũng có kẻ tớ già để sai khiến, nếu cần ta cấp cho. Ngươi nên an lòng, ta như cha của ngươi, chớ có sầu lo. Tại sao ? Vì ta tuổi tác đã già nua, mà ngươi thì trẻ mạnh. Ngươi thường trong lúc làm việc, chẳng có lòng khi dối, lười biếng, nóng giận, than oán, đều không thấy ngươi có các điều xấu đó, như các người làm công khác. Từ nay về sau, ngươi như con đẻ của ta. Tức thời, ông trưởng giả bèn đặt tên cho gã cùng tử gọi là con.

Bấy giờ, gã cùng tử tuy mừng gặp được việc như thế, song vẫn còn tự cho mình là khách làm công hèn. Vì vậy nên trong suốt hai mươi năm thường sai hốt phân.

‘’Bảo các người làm công‘’: Tức Phật vì những người tu hành diễn nói pháp bốn niệm xứ :

1. Quán thân bất tịnh.
2. Quán thọ thị khổ.
3. Quán tâm vô thường.
4. Quán pháp vô ngã.

Có rất nhiều người coi thân thể mình rất quan trọng, cuối cùng của báu trong nhà vốn có bị mất sạch, không thể thức tỉnh bổn tính của mình. Thân thể nầy vốn chẳng phải là chân ngã, chỉ có thể nói đây là thân thể của ta, song quyết không thể nói thân thể nầy tức là ta. Nếu ai quá luyến ái tham trước thân thể của mình, thì ngày càng trầm luân đọa lạc, càng thêm ngu si. Nên biết thân như cái phòng, chỉ tạm thời tá túc, chẳng phải chân tính thường trụ, hà tất quá luyến ái không xả bỏ nó đặng !

Tứ niệm xứ.

1. Quán thân bất tịnh : Thân thể là vật dơ dáy nhất, khi còn sống thì chín lỗ thường chảy ra đồ dơ bẩn: Mắt, tai, mũi, đều có ghèn, cứt váy, cức mũi các vật nhơ nhớp, trong miệng thì có nước bọt và đàm, lại thêm tiểu tiện đại tiện, đó là chín lỗ bất tịnh. Thế mà người chẳng những chẳng thấy là bất tịnh, ngược lại còn trang điểm bên ngoài, khiến cho nó hưởng thụ thức ăn ngon, mặc đồ đẹp, mà chẳng biết con người càng tham trước hưởng thụ, thì tự tính càng ô nhiễm. Khi con người phải chết thì chẳng mang theo được thứ gì, chỉ có nghiệp tùy thân. Ai Làm nghiệp thiện nhiều, thì sẽ tái sinh về ba đường lành; còn ai làm ác, thì đọa vào ba đường ác.

Bất cứ người nam người nữ nào đẹp nhất trần gian, sau khi chết thì thân hình đều ghê sợ như nhau, thân thể sình thối rữa nát sinh dòi, cuối cùng thành một đống xương trắng, hoặc thiêu rồi thì thành tro, bạn lại ở đâu ?

Ai là cha con chồng vợ !
Trước mắt cốt nhục đã chẳng thật,
Ân ái trở thành cừu hận.
Phú quý như xuân mộng,
Công danh tợ mây trôi,
Hãy nhớ vô thường,
Chớ đừng chấp trước túi da hôi thối nầy !

2. Quán thọ thị khổ: Đối trị duyên thọ chấp lạc điên đảo vọng kiến.

3. Quán tâm vô thường: Do huệ lực quán chiếu nầy, khiến cho tâm xa lìa lỗi lầm chấp thường vọng kiến.

4. Quán pháp vô ngã: Vũ trụ vạn pháp đều do nhân duyên hòa hợp mà thành. Thân thể của chúng ta do năm uẩn, bốn đại hợp lại mà thành, một khi bốn đại chẳng điều hòa, năm uẩn ly tán thì thân thể chết mất. Các pháp vốn không, cho nên nói quán pháp vô ngã. Tu bốn niệm xứ, thì có thể đoạn trừ ái mhiễm chấp trước, mà được giới định huệ .

Các người phải siêng làm, chớ nên lười nghỉ": Dụ cho tu bốn chánh cần, hay phát sinh noãn vị. Đã sinh điều ác thì khiến cho đoạn diệt, chưa sinh điều ác thì khiến cho đừng sinh. Chưa sinh điều lành thì khiến cho sinh ra, đã sinh điều lành thì khiến cho tăng trưởng, phải luôn luôn thời khắc tu bốn chánh cần, như người dùi cây lấy lửa, phải tiếp tục nỗ lực. Một khi giải đãi thì sự lấy lửa không thành. Cho nên nói bốn chánh cần là noãn vị trong bốn gia hạnh. Bốn gia hạnh tức: Noãn, đỉnh, nhẫn, thế đệ nhất. Tu bốn chánh cần, thì từ từ tiếp cận được với chân như, cho nên nói Ềđược đến gần người conỂ. ỂLúc sau lại bảo: Dụ cho bốn như ý túc. ỂNàyỂ là từ kinh tỉnh giác, khiến cho kẻ mê mộng tỉnh giác.

Chánh cần: Thuộc về trí huệ, như người nam là dương tính. Bốn như ý túc thuộc về định, như người nữ là âm tính, đây biểu thị định huệ tương trợ mới có thể sinh trí huệ vô lậu. Người tu đạo vốn không, nên có sự phân biệt nam nữ, đều nên có chí khí đầu đội trời chân đạp đất, siêng tu Phật đạo mới có thể phát dương Phật giáo. ỀNgươi thường làm ở đây: Biểu thị đã đạt được đỉnh vị, chớ hướng ngoại truy cầu nữa. Song, phải nhẫn thọ tất cả cảnh giới nghịch, do đó có câu:

Không trải một phen lạnh thấu xương,
Sao được hoa mai thơm ngát mũi.


Chớ đi nơi khác nữa: Tức bảo gã cùng tử chớ theo tà, hoặc tu pháp ngoại đạo vô ích nữa, nên lấy sự chánh niệm tu thân, trừ khử hữu lậu. Sẽ trả thêm giá cho ngươi: Biểu thị được pháp vô lậu, tu chánh đạo như mặc áo, trợ đạo như ăn cơm, phá huỷ kiến tư hai hoặc, sẽ được vô học vị, tức là thế đệ nhất vị.

Những đồ cần dùng: Tức y áo chánh đạo, thức ăn trợ đạo. ‘’Bồn chậu‘’, dụ cho tứ thiền. ‘’Gạo‘’, biểu thị sinh không trí huệ, ‘’Sinh‘’ tức chúng sinh, cũng là người, cho nên cũng có thể gọi là nhân không trí. ‘’Bột‘’ biểu thị pháp không trí. Sinh không trí là thô, còn pháp không trí là tế. Gạo bột cũng có thể dụ cho chánh đạo. Người thế gian nhìn chẳng thấu, chấp người và chấp pháp, cho nên mọi thứ đều buông xả chẳng đặng, mà nơi nơi tự đi tìm phiền não.

Một lần nọ, đức Phật và các đại chúng đi thọ trai chủ cúng dường, đại chúng đều đi đền nhà trai chủ, chỉ để lại một chú tiểu Sa Di trông giữ tịnh xá Cấp Cô Độc. Lúc sau, lại có một vị cư sĩ đến chỉ thỉnh được một chú tiểu Sa Si đó đi. Khi chú Sa Di dùng xong bữa cơm, thì trai chủ quỳ xuống thỉnh thuyết pháp. Ai biết vị Sa Di đó chẳng biết thuyết pháp, thấy tình hình như vậy bèn trốn bỏ chạy đi. Vì thời đó ở Ấn Độ, người thỉnh pháp biểu thị cung kính, đều phải năm thể sát đất, không thể tuỳ tiện ngước đầu lên nhìn, cho nên chú Sa Di lén trốn đi mất, mà vị trai chủ cứ chờ nghe pháp, rất lâu mà chẳng nghe tiếng nào, mới ngước đầu lên nhìn thì lạ thật ! Người cũng chẳng có, mà pháp cũng không, tức khắc ngộ được "người không, pháp không", chứng được sơ quả. Ông ta lập tức đến Tịnh Xá Kỳ Hoàn, để đảnh lễ chú tiểu Sa Di cảm tạ, còn chú Sa Di thì sớm đã vào phòng khóa cửa lại, nghe tiếng gõ cửa tâm càng bối rối; hốt nhiên cũng khai ngộ ! Song, thời đại mạc pháp nấy, muốn khai ngộ chẳng phải là việc dễ dàng.

‘’Muối dấm‘’: Muối dụ cho vô thường, tức tu quán vô thường. "Dấm", tức quán tất cả là khổ. Vì ăn chánh đạo : Gạo và bột, nếu chẳng có muối dấm các mùi vị, thì chẳng dễ gì nuốt vào; tóm lại, nếu ai muốn tu chánh đạo, cũng phải có nhân duyên tương trợ để trợ đạo. Trợ đạo tức là bốn chánh cần, bốn như ý túc, năm căn, năm lực, bảy bồ đề phần và tám chánh đạo. Bốn như ý túc còn gọi là bốn thần túc :

1. Dục như ý túc : Nghĩa là dục vọng gia tăng tu đạo chứng quả.

2. Niệm như ý túc: Niệm niệm nhất tâm, trụ vào chánh lý, tức dùng tư duy để tu thiền định, ví như tham thoại đầu: ‘’Niệm Phật là ai‘’ ? Hoặc ‘’Bộ mặt thật trước khi cha mẹ sinh ra’’.

3. Cần như ý túc.

4. Quán như ý túc.

‘’Cũng có kẻ tớ già để sai khiến‘’: Dụ cho như ý quán hay phát thần thông, dùng thay thế chân tay, nhưng thần thông liệt nhược, cho nên nói là già. ‘’Sai khiến‘’ trong như ý quán cũng có pháp nầy trợ giúp cho chánh đạo, tức thành câu giải thoát nhân, cho nên nói nếu cần sẽ cấp cho. ‘’Ngươi nên an lòng‘’: Dụ cho năm lực:

1. Tín lực: Niềm tin đủ thì chẳng khi dối.
2. Tinh tấn lực: Tinh tấn nên không giải đãi.
3. Niệm lực: Niệm niệm trụ nơi chánh lý, cho nên không sân hận.
4. Định lực: Có định lực thì không hận.
5. Huệ lực: Trí huệ đủ thì chẳng sinh oán. Nếu được năm căn thì sẽ bền vững khó hoại, đây là nhẫn vị vậy .

‘’Ta như cha của ngươi‘’: Phật vốn là cha lành của tất cả chúng sinh, song vì chúng sinh mê muội, chẳng biết mình tương lai cũng sẽ thành Phật, cho nên Phật nói chớ sầu lo nữa. ‘’Vì sao‘’: Tại sao‘’? Tuổi tác của ta đã già lớn‘’: Phật đã viên mãn đầy đủ trí đức và đoạn đức, còn hàng Thanh Văn chưa có trí đoạn hai đức, cho nên nói ‘’mà ngươi thì trẻ mạnh‘’. Ngươi thường tu năm lực, bốn chánh cần, bốn như ý túc, cho nên chẳng có khi dối giải đãi, sân hận, than oán các tật sấu, như người làm công khác, tức chẳng tu ngoại đạo các khổ hạnh vô ích. từ nay về sau ngươi giống như con đẻ của ta. ‘’Bèn đặt cho cái tên‘’: Thế đệ nhất vị, tên là ‘’con‘’, tức chuyển phàm thành Thánh. Kinh A Hàm có nói về năm loại con, là tứ quả và Bích Chi Phật.

‘’Bấy giờ, gã cùng tử tuy mừng gặp được việc như thế, song vẫn còn tự cho mình là khách làm công hèn‘’: Lúc nầy, người nhị thừa tuy gặp được pháp duyên đại thừa, nhưng chẳng biết mình có thể sẽ thành Phật để tiếp nối dòng dõi Phật, cho nên nói tự cho mình là khách làm công hèn, song, tu pháp quyền giáo mà ‘’trong hai mươi năm thường sai hốt phân‘’: Hốt phân kiến, tư hai hoặc, đây có thể giải thích là vô ngại giải thoát, trong sự tư duy, vô ngại có chín loại, riêng giải thoát cũng có chín loại, lại thêm vào một kiến đế và một vô ngại, hợp lại thành hai mươi, cho nên nói trong hai mươi năm thường sai hốt phân.

Sau đó, tâm của gã cùng tử tin dần ra vào chẳng ngại sợ, nhưng chỗ gã ở vẫn nguyên chỗ cũ.

‘’Sau đó‘’: Khi người nhị thừa trừ kiến tư hai hoặc rồi; đã tạm tin pháp đại thừa, chẳng khởi nghi hoặc phỉ báng, cho nên nói tâm tin dần dần. Nghe pháp đại thừa gọi là "vào". Thấy thân Phật cao một trượng sáu nói pháp tiểu thừa gọi là "ra". Ra vào đại tiểu nầy tuy chẳng nghi nan, song vẫn bảo đại thừa là việc Bồ Tát, chẳng phải trí huệ năng lực của mình sánh kịp, mà chẳng chịu hồi tiểu hướng đại, cho nên gọi là vẫn còn ở chỗ cũ. Tuy Phật có đại bi nguyện lực muốn cứu vớt tất cả tội khổ chúng sinh, chỉ vì chúng sinh tự cam chịu đọa lạc, không chịu thoát ly, cho nên Phật vừa bắt đầu diễn nói Kinh Pháp Hoa, thì có năm ngàn Tỳ kheo rút lui. Do đó, có thể thấy chúng sinh khó độ, mê các trần lao tính điên đảo, cho đến Phật Bồ Tát, cũng cảm thấy khó độ chúng ta chúng sinh đáng thương nầy, đó chẳng phải rất đáng thương xót chăng ?

Đức Thế Tôn ! Khi đó, ông trưởng giả bị bệnh, biết mình chẳng bao lâu nữa sẽ chết, bảo gã cùng tử nói : Nay ta có nhiều vàng bạc châu báu, kho tàng tràn đầy, trong đó bao nhiêu chỗ đáng lấy cho, ngươi phải biết, tâm ta như thế, ngươi nên thể theo ý ta. Vì sao ? Nay ta với ngươi chẳng khác biệt, nên gắng dụng tâm đừng để mất đi.


"Đức Thế Tôn ! Vị trưởng giả đó mắc bệnh, biết mình chẳng bao lâu nữa sẽ chết‘’: Có cơ duyên thì ứng, là sinh; cơ hết là tạ, là chết, nay cơ duyên giáo hóa chúng sinh sắp hết, nên vào Niết Bàn. ‘’Vàng‘’, biểu thị trung đạo. ‘’Bạc‘’, biểu thị chân lý, đủ thứ pháp môn đều là châu báu. ‘’Kho tàng tràn đầy‘’: Dụ cho tất cả thiền định trí huệ, chẳng có thiếu khuyết, trong đầy ngoài tràn. ‘’Trong đó bao nhiêu‘’: Tức Bát nhã quảng, lược hai môn, Bồ Tát hành Bát Nhã, nên biết tướng quảng lược, lược tức là ít, quảng tức là nhiều. ‘’Chỗ đáng lý cho‘’: Tự mình tu hành là ‘’lấy‘’, còn giáo hóa kẻ khác là ‘’cho‘’. Chỗ đáng lý lấy và đáng cho ngươi đều phải biết. ‘’Tâm ta như thế‘’: Phật lấy Bát Nhã làm tâm. Tâm, Phật, chúng sinh cả ba chẳng khác biệt. ‘’Ngươi nên thể theo ý ta‘’: Khiến cho đồng ngã thể pháp không vậy. ‘’Nay ta với ngươi, chẳng có khác biệt‘’: Nay những gì ta có, đều phó thác cho ngươi. Hiện tại ngươi và ta đã không khác, nên gắng dụng tâm chiếu cứ, chớ quên lời nói của cha, đừng làm cho mất đi pháp Bồ Tát đạo.

Khi ấy, gã cùng tử liền thọ nhận lời dạy bảo, biết các của cải vàng bạc châu báu, và các kho tàng, mà chẳng có ý muốn lấy chừng bữa ăn, song chỗ của gã ở vẫn tại chỗ cũ, tâm hạ liệt vẫn chưa bỏ được.

Lúc đó, hàng nhị thừa lãnh thọ giáo lý đại thừa và trí huệ công đức của Phật, tâm lượng tạm rộng lớn, song vẫn ở tại cảnh giới nhị thừa, chưa bỏ được tâm hạ liệt.

Lại trải qua ít lâu sau, cha biết con ý chí tạm thông thái, thành tựu chí lớn, tự chê tâm ngày trước. Đến giờ sắp chết, ông gọi người con đến, và hội cả thân tộc, quốc vương đại thần, Sát đế lợi cư sĩ, khi đã hội đến đông đủ, ông bèn tuyên bố rằng : Các vị nên biết, người nầy là con ta, do ta sinh ra trong thành nọ, bỏ ta trốn đi lang thang, khốn khổ hơn năm mươi năm. Nó vốn tên ấy, còn ta tên ấy. Xưa ta ở tại thành nầy, ôm lòng lo lắng tìm kiếm, bỗng ở nơi đây gặp được nó. Nó thật là con ta, ta thật là cha của nó. Nay ta có tất cả bao nhiêu của cải, đều là con của ta có, trước đây của cải cho ra thâu vào, con ta đây coi biết.

‘’Lại trải qua ít lâu sau‘’: Từ thời A Hàm đến thời Pháp Hoa. Sau khi Phật thành đạo, trước hết nói Kinh Hoa Nghiêm, như mặt trời mọc chiếu vùng cao nguyên, kế đó nói Kinh A Hàm, như mặt trời sau đó chiếu thung lũng, song lúc ấy cũng đều chiếu vùng núi cao. Cho nên Phật ở trong pháp hội Hoa Nghiêm, vì pháp thân Đại sĩ nói pháp, độ đại Bồ Tát, còn ở thời A Hàm, Phương Đẳng, thì Bồ Tát cũng đến pháp hội để làm ảnh hưởng chúng. Thời Bát Nhã thì phải hồi tiểu hướng đại, hàng nhị thừa chuyển làm đại thừa, thời nầy Phật muốn đem gia nghiệp phó thác cho đệ tử, song vẫn chưa thật hành, đến hội Pháp Hoa mới chánh thức phó thác cho đệ tử.

‘’Cha biết ý của con tạm thông thái‘’: Dụ cho Phật sau thời Bát Nhã vừa nói Kinh Vô Lượng Nghĩa, thì hàng nhị thừa bèn nghe vốn từ một pháp sinh vô lượng pháp, đều suy tư vô lượng các pháp, lý nên trở về một pháp. Tư duy như thế dần dần thông thái, cho nên được cơ duyên đại thừa phát sinh, do đó nói tự chê tâm ngày trước.

‘’Đến lúc sắp chết‘’: Đức Như Lai chẳng còn bao lâu sẽ vào Niết Bàn, hóa duyên đã hết, những người đáng độ đều đã độ xong, cho nên vào Niết Bàn, chính là chỉ thời Pháp Hoa vậy. ‘’Ông gọi người con đến‘’: Tức là hai vạn ức người được Phật giáo hóa, đều vân tập đến. ‘’Thân tộc‘’: Biểu thị pháp thân của Bồ Tát trong mười phương đến pháp hội nầy làm ảnh hưởng chúng. ‘’Quốc vương‘’: tất cả tiệm đốn, Tam Tạng mười hai bộ Kinh, đương cơ đều được lợi ích, mỗi bộ đều khác nhau, đều là đệ nhất. Đẳng Giác Bồ Tát là ‘’Đại thần‘’, Thập địa Bồ Tát là ‘’Sát Đế Lợi‘’, ba mươi tâm Bồ Tát là ‘’cư sĩ ‘’.

Ông trưởng giả ở trong pháp hội nầy, tuyên nói rõ hàng nhị thừa thật là con đẻ của ông, do ông sinh ra, biểu thị gã cùng tử đã được Phật giáo hóa, tạm phát bồ đề tâm. Gã cùng tử nầy xưa kia ở trong thành nọ, bỏ pháp đại thừa mà trốn vào sinh tử, trôi nổi lang thang trải qua sáu nẻo luân hồi khốn khổ, tức một mình nghèo khổ, cho nên nói hơn năm mươi năm. Do đó, Phật ôm lòng lo lắng tìm kiếm, thường tìm cơ duyên để hóa độ. Bỗng ở nơi căn nhà nầy được cảm ứng đạo giao, toại tâm mãn nguyện, dùng pháp quyền xảo phương tiện để độ, truyền trao pháp lớn, phó thác gia nghiệp, cho nên nói: ‘’Nay ta có hết thảy tất cả của cải, đều là con ta có‘’. Của cải tức là đại thừa vạn đức vạn hạnh. ‘’Trước đây của cải cho ra thâu vào con ta đây coi biết‘’: Xưa kia Phật nói pháp tiểu thừa, nay đã quy vào pháp đại thừa, hồi tiểu hướng đại. Tóm lại, hàng nhị thừa đã biết Kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã, cho đến Pháp Hoa Niết Bàn...

Đức Thế Tôn ! Khi ấy gã cùng tử nghe cha nói như thế, bèn rất vui mừng, được điều chưa từng có, mà nghĩ rằng : Ta vốn chẳng có lòng mong cầu, nay kho tàng châu báu nầy, tự nhiên mà đến.

Đức Thế Tôn ! Khi gã cùng tử được Phật thọ ký vui mừng tin nhận, được điều chưa từng có. Ta vốn chẳng có tâm hành Bồ Tát đạo làm Phật tử, nay sao lại gặp được nhân duyên thù thắng nầy, nghe Phật khai quyền hiển thật, pháp bảo diệu thừa nầy, như kho tàng châu báu tự nhiên mà đến.

Đức Thế Tôn ! Ông trưởng giả giàu có tức là đức Như Lai, chúng con giống như con của Phật. Đức Như Lai thường nói chúng con là con.

Đức Thế Tôn ! Chúng con vì ba sự khổ, nên ở trong sinh tử chịu các sự nhiệt não, mê hoặc vô tri, ưa thích các pháp nhỏ.

Đức Thế Tôn ! Ông trưởng giả giàu có tức là Đức Như Lai. Bồ tát là chân tử của Phật, còn hàng nhị thừa tuy đã hành Bồ Tát đạo mà chẳng tự biết, cho nên nói: ‘’Giống như con‘’. Đức Như Lai xem chúng sinh như con một, chỉ vì chúng sinh xả bỏ pháp lớn thành Phật mà ưa thích pháp nhỏ, mê hoặc vô tri, cho nên ở trong biển khổ sinh tử, ở trong nhà lửa tam giới, chịu sự bức bách nhiệt não của lửa năm uẩn, nhận giặc làm con, bỏ giác hợp trần. Ba khổ:

1. Thân thể vốn có đủ thứ khổ, gọi là khổ khổ.
2. Thân thể từ từ suy nhược, gọi là hoại khổ.
3. Nghiệp vận thiên lưu gọi là hành khổ .

Ngày nay đức Thế Tôn khiến cho chúng con, suy nghĩ dọn trừ phân dơ các pháp hí luận. Chúng con ở trong sự siêng gắng tinh tấn, được đến Niết Bàn giá một ngày, đã được đây rồi, tâm rất hoan hỉ, tự cho đã đủ, bèn tự bảo rằng : Ở trong Phật pháp, do siêng năng tinh tấn nên được rộng nhiều, song đức Thế Tôn trước biết chúng con tâm hèn tệ, ưa thích pháp nhỏ, liền khiến cho chúng con buông bỏ, Phật chẳng phân biệt nói chúng con sẽ có phần bảo tàng tri kiến của Như Lai.


Hôm nay ở trong hội Pháp Hoa, đức Thế Tôn khiến cho chúng con ngộ, biết sở tu tập pháp nhỏ trước kia, đều là các pháp hí luận, cho nên nay muốn trừ khử. Chúng con vì sợ sinh tử vô thường các thứ khổ, mà siêng tinh tấn tu đạo, chỉ vì được giá Niết Bàn một ngày, được chút ít quả vị, thiên chân Niết Bàn bèn tự cho là đủ. Song đức Thế Tôn sớm đã biết chúng con tham trước năm dục thô tệ, ưa thích pháp nhỏ, cho nên chẳng phân biệt diễn nói pháp đại thừa, khiến cho buông bỏ tu tập pháp nhỏ, xả nơi đại thừa giáo hóa, còn tuyên nói chúng con đều có trí huệ công đức bảo tàng tri kiến của Như Lai.

Đức Thế Tôn dùng sức phương tiện nói trí huệ của Như Lai. Chúng con theo Phật được giá Niết Bàn một ngày, cho đã được nhiều rồi, đối với pháp đại thừa nầy chẳng có chí cầu. Chúng con lại vì trí huệ của Như Lai, vì các Bồ Tát mở bày diễn nói, mà tự mình chẳng có chí muốn nơi pháp đó. Tại sao ? Vì đức Phật biết chúng con tâm ưa thích pháp nhỏ, nên dùng sức phương tiện thuận theo chúng con để nói, mà chúng con chẳng biết thật là con của Phật.

Đức Thế Tôn từ bi dùng pháp quyền xảo phương tiện, diễn nói pháp thâm sâu trí huệ của Như Lai. Chúng con theo Phật nghe pháp tu hành, được tiểu Niết Bàn, bèn cho đã được đại Niết Bàn, chẳng muốn tấn tu Pháp Hoa viên đốn đại thừa. Ngài Xá Lợi Phất và Tu Bồ Đề cho rằng: Các Ngài hay vì các đại Bồ Tát nói pháp đại Bát nhã, hoàn toàn là trí huệ thần lực của Phật gia bị, mà chẳng biết mình vốn có hạt giống Bồ Tát cũng diễn nói được pháp lớn, cho nên nói chúng con chẳng biết thật là con của Phật.

Nay chúng con mới biết, đức Thế Tôn ở nơi trí huệ của Phật, chẳng có lận tiếc. Tại sao ? Vì thuở xưa thật là con của Phật, nhưng lại ưa thích pháp nhỏ. Nếu chúng con có tâm thích pháp lớn, thì Phật sẽ vì chúng con nói pháp đại thừa. Ở trong Kinh nầy chỉ nói nhất thừa, mà xưa kia ở trước các Bồ Tát, Phật chê trách hàng Thanh Văn ưa thích pháp nhỏ, song đức Phật thật dùng đại thừa giáo hóa, cho nên chúng con nói : Vốn chẳng có tâm mong cầu, mà nay châu báu lớn của đấng Pháp Vương tự nhiên đến, như chỗ con của Phật đáng được, đều đã được vậy.

Hôm nay, chúng con mới biết Phật dùng đại từ bi, vốn muốn giáo hóa chúng sinh pháp đại thừa, chỉ vì chúng sinh căn tính hạ liệt ưa thích pháp nhỏ, cho nên Phật thuận theo căn cơ mà diễn nói quyền pháp. Hiện nay, chúng con đã biết, xưa kia từng thọ Phật giáo hóa, vốn đầy đủ hạt giống đại thừa, cho nên phát tâm ưa thích đại thừa, mà Phật lại vì chúng con khai quyền hiển thật, diễn bày duy nhất một Phật thừa, mà chẳng có thừa nào khác. Thuở xưa, ở trong hội Phương Đẳng, Bát Nhã, Phật ở trước các vị Bồ Tát, chê trách hàng tiểu thừa là tiêu nhạ bại chủng. Chúng con vốn chẳng có tâm mong cầu Phật pháp, nay ở trong hội nầy, châu báu lớn vô thượng (tất cả Phật pháp) của đấng Pháp Vương (Như Lai) chẳng cầu mà tự đến, như sở đắc pháp của các Bồ Tát, chúng con hôm nay đều đã được. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, ba thừa, hiện nay ở trong pháp hội nầy, đều quy về một Phật thừa, tự nhiên mà được.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy