× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Thí Dụ Thứ ba - Phần 4

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định


Mà nghĩ rằng : Của cải của ta nhiều vô số, không nên dùng xe nhỏ xấu xí, mà cho các con. Nay những đứa trẻ nầy, đều là con của ta, ta thương chúng nó chẳng có thiên lệch. Ta có xe lớn bằng bảy báu như thế, số nhiều vô lượng, nên dùng tâm bình đẳng mà cho chúng nó, không nên có sự phân biệt. Tại sao ? Vì ta dùng của cải nầy, cho khắp tất cả mọi người trong nước, hãy còn không hết, huống gì các người con.

‘’Mà nghĩ rằng: Của cải của ta vô số, không nên dùng xe nhỏ xấu xí mà cho các con‘’: Ông trưởng giả nghĩ như vầy : Pháp tài của ta chí cao vô thượng, không nên dùng pháp tiểu thừa giáo hóa tất cả chúng sinh. ‘’Các con‘’: Tức là hàng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.
‘’Nay những đứa trẻ nầy‘’: Dụ cho các con ba thừa ở trên mới phát tâm, đều không hay biết gì như trẻ con. ‘’Đều là con của ta, ta thương chúng chẳng có thiên lệch‘’: Chúng nó đều là con của ta, ta đối với chúng đều bình đẳng, chẳng khinh người nầy, trọng người kia. ‘’Ta có xe lớn bằng bảy báu như thế, số nhiều vô lượng‘’: Dụ cho bảy Bồ đề phần, bát Chánh đạo, năm Căn, năm Lực, bốn Niệm xứ, bốn Chánh cần, bốn Như ý túc, tổng cộng là ba mươi bảy Đạo phẩm, dùng để trang nghiêm chiếc xe lớn nầy, số nhiều vô lượng. ‘’Nên dùng tâm bình đẳng mà cho chúng nó, không nên có sự khác biệt‘’. Ta nên đối đãi bình đẳng, đều cho xe lớn, không nên có tâm thiên lệch sai khác. ‘’Vì sao? : Bởi nguyên nhân gì ? ‘’Ta dùng của cải nầy, cho khắp tất cả mọi người trong nước, hãy còn không hết‘’: ‘’Trong nước‘’: Dụ cho cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ, ‘’không hết‘’ : Dụ cho Phật pháp vĩnh viễn không thiếu. ‘’Huống gì các con‘’, Pháp bảo của ta bố thí cho tất cả nhân dân trong nước còn không thiếu, huống gì các con của ta ?

Chúng ta phải nhận chân hồi quang phản chiếu, phản tỉnh chính mình có phiền não chăng ? Nếu không có phiền não, tức đã được chỗ tốt của Phật pháp, nếu không thì thiết thực tu hành, đến được cảnh giới tám gió thổi không lay, thì mới thật sự được chỗ diệu của Phật pháp.

Lúc đó, các người con ai nấy đều ngồi xe lớn, được chưa từng có, chẳng phải chỗ trước kia mong đợi.

Xá Lợi Phất ! Ý của ông thế nào ? Ông trưởng giả đó, đồng cho các người con xe trâu báu lớn, có hư vọng chăng ?


‘’Lúc đó, các người con ai nấy đều ngồi xe lớn‘’: Lúc đó, ông trưởng giả ban tặng cho các người con xe lớn, trưởng giả tức là người có của cải giàu vô lượng. Nếu các người con chẳng phải con của ông trưởng giả, thì không thể cho xe lớn. Nếu là con của trưởng giả, mà trưởng giả chẳng có của cải, thì cũng chẳng có gì để cho. Ông trưởng giả đó, có đủ thứ kho tàng, các người con cũng thật là Phật tử, cho nên Phật đồng cho xe lớn. Các người con vốn chỉ cầu được xe dê, hoặc xe hươu, thì tâm đã mãn nguyện, vì ông trưởng giả của cải giàu vô lượng, mới ban tặng xe lớn cho các con, tức là Phật dùng pháp đại thừa cứu độ chúng sinh. ‘’Được chưa từng có, chẳng phải chỗ trước kia mong đợi‘’: Các người con đó, chưa từng thấy qua pháp thượng thừa như thế, chẳng phải ý của họ nghĩ dến. Ví như người tiểu thừa, vốn tu pháp tiểu thừa, đã dứt phần đoạn sinh tử, nay họ mượn nhờ pháp môn tiểu thừa, mà họ vốn tu tập, để hồi tiểu hướng đại, thành tựu pháp đại thừa, dứt biến dịch sinh tử, đó mới là vượt ngoài hy vọng của họ vốn có.’’ Xá Lợi Phất ! Ý của ông như thế nào ? Ông trưởng giả đó, đồng cho các con xe trâu báu lớn, có hư vọng chăng ?’’ Xá Lợi Phất ! Ý ông thế nào ? Ông trưởng giả đó, bình đẳng ban tặng cho các người con, xe trâu báu lớn có thích đáng chăng ?

Xá Lợi Phất nói : Không vậy ! Đức Thế Tôn ! Ông trưởng giả đó, chỉ khiến cho các con khỏi nạn lửa, an toàn tính mạng, chẳng phải là hư vọng. Tại sao ? Vì nếu được an toàn tính mạng, thì đã được đồ chơi tốt đẹp, huống chi dùng phương tiện cứu vớt ra khỏi nhà lửa.

Đức Thế Tôn ! Cho dù ông trưởng giả đó, không cho một thứ xe nhỏ nhất nào, cũng chẳng hư vọng. Tại sao ? Vì ông trưởng giả đó, trước hết nghĩ rằng : Ta dùng phương tiện, khiến cho các con được ra khỏi, vì nhân duyên đó, mà chẳng hư vọng vậy. Hà huống ông trưởng giả biết mình của giàu vô lượng, muốn lợi ích cho các con, mà đồng cho xe lớn.


Tôn giả Xá Lợi Phật trả lời Đức Phật: ‘’Không vậy, Đức Thế Tôn ! Ông trưởng giả đó chẳng nói dối, Ngài muốn khiến cho các con khỏi bị nạn lửa thiêu đốt, được an toàn tánh mạng, cho nên chẳng nói dối vậy. Vì sao ? Mạng người quý giá, nếu đã giữ được tính mạng, thì đã coi như được đồ chơi tốt đẹp, hà huống ông trưởng giả rộng bày phương tiện, cứu vớt tất cả chúng sinh ra khỏi nhà lửa tam giới.

Đức Thế Tôn ! Cho dù ông trưởng giả chẳng cho các con một thứ xe nhỏ nào, cũng chẳng hư vọng. Vì sao ? Vì ông trưởng giả đó, trước khi cứu vớt các người con ra, đã nghĩ như vầy : Ta phải dùng pháp phương tiện khéo léo, khiến cho các con chạy ra khỏi nhà lửa. Vì nhân duyên đó, nên chẳng có lỗi nói dối. Huống gì ông trưởng giả đó, biết mình có của cải giàu vô lượng, khiến cho các người con được lợi ích, đều được xe lớn.’’ Kinh văn ở trên, là đức Phật dùng pháp đại thừa, cứu độ tất cả chúng sinh, cho nên chẳng vọng ngữ.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất ! Lành thay, lành thay ! Như lời ông nói, Xá Lợi Phất ! Như Lai cũng lại như thế, là cha lành của tất cả thế gian, ở nơi sợ hãi suy não lo buồn, vô minh đen tối che đậy, vĩnh viễn hết sạch chẳng còn sót, thảy đều thành tựu vô lượng tri kiến, lực vô sở úy, có sức đại thần thông, và sức trí huệ, đầy đủ phương tiện trí huệ Ba la mật, đại từ bi, thường chẳng lười mỏi, luôn luôn cầu việc thiện, lợi ích tất cả chúng sinh, mà sinh vào nhà lửa tam giới hư mục nầy.

Phật bảo Xá Lợi Phất: Lành thay, lành thay, như lời ông nói, Phật cứu chúng sinh như ông trưởng giả cứu các con. Như Lai là cha lành của tất cả chúng sinh thế gian. Chúng sinh bị tất cả sự sợ hãi, suy não, lo buồn, vô minh che đậy, như nay quét một cái, thì sạch tất cả phiền não, thành tựu tất cả tri kiến của Phật. Như tôn giả Xá Lợi Phất, từ cửa trí huệ của Phật, mà khai mở tri kiến của Phật, đắc được trí huệ bậc nhất. Tôn giả Mục Kiền Liên, từ cửa thần thông mà khai mở tri kiến của Phật, đắc được thần thông đệ nhất, thành tựu mười lực, bốn vô sở úy. Phật có sức đại thần thông, cứu vớt tất cả chúng sinh lìa khổ được vui. Phật có bốn trí: Thành sở tác trí, Diệu quán sát trí, Bình đẳng tánh trí, Đại viên cảnh trí, đầy đủ pháp môn phương tiện khéo léo, trí huệ Ba La Mật, ngồi thuyền Bát Nhã đến bờ kia. Đại từ là ban vui cho chúng sinh, đại bi là cứu khổ chúng sinh, vĩnh viễn chẳng lười mỏi. Phật lấy sự giáo hóa chúng sinh làm bổn hoài, cũng như tôn giả A Nan phát nguyện: ‘’Nếu còn một chúng sinh chưa thành Phật, thì quyết không thủ ngôi Chánh giác.’’ Phật thương xót chúng sinh ở trong sự điên đảo, suốt ngày chạy đông chạy tây, nhận giả làm thật, chẳng biết ra khỏi nhà lửa tam giới, cho nên Phật dùng sức đại thần thông, sức đại trí huệ, để lợi ích tất cả chúng sinh, mà sinh vào nhà lửa tam giới, vì cứu vớt chúng sinh khiến cho họ tỉnh ngộ, để họ sớm ra khỏi nhà lửa.

Vì độ chúng sinh ra khỏi nạn lửa sinh già bệnh chết, lo buồn khổ não, ngu si tối tăm ba độc, mà giáo hóa, khiến cho chúng sinh được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Phật sinh vào nhà lửa vì cứu độ chúng sinh, chúng sinh chẳng sợ hãi, chịu đủ thứ khổ hành hạ mà chẳng biết. Sinh thì như rùa lột mai, già thì các căn suy yếu, bịnh hoạn nằm trên giường, khổ không thể tả, muốn chết cũng chẳng được, đi cũng chẳng được, chết thì như bò sống lột da. Đầy dẫy lo buồn khổ não, ngu si, tối tăm, và lửa tham sân si ba độc. Phật giáo hóa chúng sinh, khiến cho được vô thượng chánh đẳng chánh giác, được quả vị Phật. Phật luôn luôn đều đợi chúng sinh thành Phật, chúng ta nên sớm lìa khỏi tam giới nầy, đừng để Phật đợi lâu.

Thấy các chúng sinh vì sinh già bệnh chết, lo buồn khổ não thiêu đốt, cũng vì năm dục tài lợi, mà chịu đủ thứ khổ, lại vì tham trước truy cầu, hiện phải chịu đựng các sự khổ, sau đó thì chịu khổ ở trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nếu sinh về cõi trời, hoặc ở nhân gian, thì bần cùng khốn khổ, khổ về thương yêu phải xa lìa, khổ về oán ghét mà gặp nhau, đủ thứ các sự khổ như thế. Chúng sinh đắm chìm ở trong đó, vui mừng dạo chơi chẳng hay chẳng biết, chẳng sợ hãi, cũng chẳng nhàm chán, chẳng cầu giải thoát. Ở trong nhà lửa tam giới nầy, chạy đông chạy tây, dầu gặp khổ lớn mà chẳng lo lắng.
Xá Lợi Phất ! Đức Phật thấy vậy rồi, bèn nghĩ rằng : Ta là cha lành của chúng sinh, nên cứu họ khỏi khổ nạn, ban cho họ vô lượng vô biên trí huệ an vui của Phật, để họ dạo chơi.

Đức Phật thấy các chúng sinh, vì sinh già bệnh chết, lo buồn khổ não, các thứ khổ hành hạ, đều vì tham cầu năm dục. Năm dục là: Tài, sắc, danh, ăn và ngủ, hoặc là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Con người thường bị năm dục lay chuyển, mà điên đảo thị phi, nhưng nếu nhìn thấu năm dục, thì sẽ buông bỏ tham trước, làm các thứ công đức. Nếu con người minh bạch: Tài, sắc, danh, ăn và ngủ, đều là vật ngoài thân, đại hạn lai thời thì sẽ buông bỏ tất cả, chẳng còn tham trước năm dục.

Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói: Sáu căn khiến cho con người tạo tội, cũng khiến cho con người thành Phật. Năm dục cũng như thế, mê luyến thì tham trước, nhìn thấu thì buông bỏ. Con người vì do tham cầu, cầu chẳng được thì sinh ra đủ thứ khổ nảo, trên thế gian do tham cầu mà tạo nghiệp, sau khi chết rồi thì đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ để chịu khổ. Nếu sinh về cõi trời, hoặc sinh vào nhân gian, thì sẽ chịu khốn khổ bần cùng. Hoàn toàn bần cùng khốn khổ, dù muốn làm công đức, cũng chẳng cách chi bố thí, còn có khổ về thương yêu mà phải xa lìa, với sự thương yêu người mà phải chia ly, khó bỏ khó lìa, và khổ về oán ghét mà gặp nhau, đủ thứ các sự khổ như thế.

Đắm chìm ở trong tam giới mà vui mừng dạo chơi, chẳng biết phiền não tập, cho nên chẳng sợ chẳng hãi, chẳng sinh nhàm chán, chẳng cầu giải thoát, chạy đông chạy tây ở trong tam giới, gặp đủ thứ việc khổ não mà chẳng lấy làm lo lắng. Phật bảo Xá Lợi Phất ! Phật thấy tình hình như vậy bèn bảo rằng: Tức cũng như ông trưởng giả ở trong thí dụ, nghĩ rằng: Ta là cha của chúng sinh, nên cứu vớt họ khỏi khổ nạn và ban cho họ vô lượng vô biên trí huệ vui của Phật, khiến cho họ vui vẻ dạo chơi ở trong Phật pháp đại thừa.
Người bần cùng đương nhiên là khốn khổ, nhưng giàu có cũng có vui có khổ, vui đến cực điểm thì sinh buồn, cho nên nói:

‘’Bần cùng bố thí là khó,
Giàu sang học đạo là khó.’’

Đức Phật là thái tử cũng học đạo được.

Xá Lợi Phất ! Như Lai lại nghĩ rằng : Nếu ta chỉ dùng sức thần thông, và sức trí huệ, bỏ đi phương tiện, vì chúng sinh khen ngợi tri kiến, lực, vô sở úy của Như Lai, thì chúng sinh không thể do đó mà được độ. Tại sao ? Vì các chúng sinh đó, chưa khỏi sinh già bệnh chết lo buồn khổ não, mà bị thiêu đốt ở trong nhà lửa tam giới, làm sao hiểu được trí huệ của Phật.

Xá Lợi Phất ! Đức Phật lại nghĩ : Nếu ta chỉ dùng sức thần thông và hết thảy Nhất thiết trí, Đạo chủng trí, Nhất thiết chủng trí, mà bỏ đi pháp môn phương tiện, vì chúng sinh khen ngợi tất cả tri kiến, mười lực và bốn vô sở úy của Phật, thì chúng sinh không thể nhờ nhân duyên nầy, mà được giải thoát. Vì sao ? Vì tất cả chúng sinh chưa khỏi khổ sinh già bệnh chết và ưu sầu khổ não, giống như trẻ con vô tri, bị thiêu đốt ở trong nhà lửa tam giới, làm sao biết được trí huệ của Như Lai.

Nếu người chưa gặp được Phật pháp, thì làm sao hiểu được Phật pháp ? Như người Tây phương chưa nghe qua Phật pháp, một khi nghe được Phật pháp, thì sinh tâm sợ hãi, ai cũng đều có tâm lý bịt tai ăn cắp chuông, biết rõ mình phạm lỗi, mà chẳng muốn đối diện với hiện thật, cải lỗi hướng thiện. Chưa gặp Phật pháp mà phạm lỗi, còn có thể tha thứ, chứ gặp Phật pháp rồi, biết rõ mà cố phạm thì tội tăng gấp ba. Người có lỗi hãy nên sửa đổi, người không lỗi thì nên tránh. Người có tội mà phạm nhiều lần không thay đổi, thì sẽ đọa lạc. Biển khổ mênh mông quay đầu là bờ, nên biết sửa đổi lỗi lầm trước kia. Khổng Tử có nói : ‘’Có lỗi thì chớ nãn sửa đổi.’’ Biết lỗi mà sửa đổi, thật là việc lành rất lớn vậy !

Xá Lợi Phất ! Như ông trưởng giả kia, tuy thân và tay có sức mạnh, mà chẳng dùng đến, chỉ ân cần dùng phương tiện, cố gắng cứu các con ra khỏi nhà lửa, sau đó đều cho xe trân báu lớn. Như Lai cũng lại như thế, tuy có trí lực vô sở úy, mà chẳng dùng đến.

Tôn giả Xá Lợi Phất trí huệ cao siêu, làm thượng thủ hàng Thanh Văn, còn Bồ Tát Văn Thù làm thượng thủ hàng Bồ Tát. Phật bảo Xá Lợi Phất ! Như ở trước có đề cập đến ông trưởng giả, tuy thân và tay có sức, dụ cho Phật có đại thần thông và chân thật trí, mà chẳng dùng đến, chỉ dùng pháp phương tiện khéo léo, nói pháp ba thừa để cứu độ các con, tức ba mươi đứa con (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, người ba thừa là chân tử của Phật) và năm trăm người (năm đường chúng sinh), khỏi bị ba độc (tham sân si) thiêu đốt ở trong nhà lửa. Ông trưởng giả dùng xe dê, xe hươu, xe trâu, để ở ngoài cửa, dụ con trẻ ra ngoài cửa, cuối cùng đều tặng cho xe trâu trắng lớn. Xe lớn có lục độ vạn hạnh nghiêm sức, tức chỉ có một Phật thừa. Phật quán căn cơ mà thí giáo, thấy con trẻ căn cơ có hạn, cho nên trước hết cho xe dê, xe hươu, xe trâu, tức pháp tiểu thừa. Phật trước hết nói pháp tiểu thừa, cho đến hội Pháp Hoa mới khai quyền hiển thuật, mở bày cho chúng sinh pháp đại thừa, tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều sẽ thành Phật. Như Lai cũng như thế, tuy có mười trí lực và bốn vô sở úy mà chẳng dùng đến.

Chỉ dùng trí huệ phương tiện, nơi nhà lửa tam giới cứu vớt chúng sinh, vì chúng sinh mà nói ba thừa : Thanh Văn, Bích Chi Phật, Phật thừa.

Sở dĩ Đức Phật dùng trí huệ chi phối pháp phương tiện, quán căn cơ thí giáo, vì người nói pháp, theo bệnh cho thuốc. Chúng sinh bị: Tham, sân, si, che đậy, pháp thân huệ mạng đều bị che lấp. Kẻ tham thì tham chẳng biết chán, chẳng biết đủ. Kẻ sân gặp nghịch cảnh, thì nổi trận lôi định, lửa vô minh nổi dậy, hiện tướng A Tu La. Tâm si che lấp lương tri lương năng của chúng sinh, khiến cho họ mê muội nhân quả, làm việc điên đảo. Con người thường bị lửa tham sân si thiêu đốt. Phật dùng một âm thanh diễn nói pháp, chúng sinh theo loại đều hiểu được, khiến cho Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, cho đến chín pháp giới chúng sinh, nghe pháp của Phật nói, đều phát bồ đề tâm. Phật ở trong tam giới cứu vớt tất cả chúng sinh.

Phật chẳng sợ bị lửa thiêu đốt, mà phát tâm đại bi vào nhà lửa, cứu vớt tất cả chúng sinh. Từ hay ban vui, bi hay cứu khổ, Phật cứu chúng sinh từ trong nhà lửa ra ngoài, chúng ta nên phát tâm bồ đề, sinh tâm sám hối đừng nóng giận nữa, phải biết Phật đang đợi chúng ta ! Tuy nhiên Phật đã dứt sinh tử, sao lại nói: ‘’Chẳng sợ chết‘’? Phật thật sự đã dứt sinh tử, Phật cảm thấy đau đớn như chính mình chịu. Chúng ta phải mau tỉnh giác, sửa đổi lỗi lầm quá khứ, tinh tấn tu hành, đừng để Phật phải đợi lâu ! Phật vì cứu vớt chúng sinh mà phân biệt nói ba thừa : Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Phật thừa. Phật ban cho xe hươu, xe dê, xe trâu trắng lớn, để chúng ta tùy ý lựa chọn.

Mà nói rằng : Các ông không nên ưa thích ở trong nhà lửa tam giới, chớ tham sắc thanh hương vị xúc thô hèn. Nếu tham trước, thì sinh luyến ái sẽ bị thiêu đốt, các ông hãy mau ra khỏi tam giới, sẽ chứng được ba thừa: Thanh Văn, Bích Chi Phật và Phật thừa.

Phật bảo rằng: ‘’Các ông‘’, tức ba mươi người con và năm trăm người, cũng bao quát bạn, tôi và tất cả chúng sinh. Phật bảo tất cả chúng sinh, chớ nhận lầm ở trong tam giới nầy là vui sướng. Tam giới nầy là khổ. Chúng sinh điên đảo thị phi, lấy khổ làm vui, mê chẳng biết về. ‘’Chớ tham sắc thinh hương vị xúc thô hèn‘’: Phật bảo chớ tham năm trần, cũng gọi là năm dục. Mọi vật có hình tướng đều là sắc trần, sắc thanh hương vị xúc trần. Chúng sinh bị năm trần thô hèn mê hoặc che đậy nhiễu loạn tâm tính. Nhưng người tu hành phải đối cảnh vô tâm. Do đó, có câu :

‘’Thấy việc tỉnh việc lìa thế gian,
Thấy việc mê việc đọa trầm luân‘’.

Thấy cảnh giới mà giác ngộ được, thì vượt ra được tam giới, nếu bị cảnh giới mê hoặc, thì sẽ đọa lạc. Do đó, có câu :

‘’ Mắt thấy hình sắc chẳng dính mắc,
Tai nghe chuyện đời tâm chẳng hay ‘’.

Mắt đối với cảnh mà chẳng bị cảnh chuyển, phải tự mình giữ vững tông chỉ, đừng để bị: Sắc thinh hương vị xúc năm trần, làm giao động tâm chí. ‘’Nếu tham trước thì sinh ái‘’: Đa số mọi người không dứt được sinh tử, nguyên nhân chính là có ‘’ái‘’, do ái mà sinh dục, ái dục là gốc rễ của sinh tử. ‘’Sẽ bị thiêu đốt‘’: Tức là bị lửa ái thiêu đốt, đây là ‘’tập‘’ đế, có tình ái thì sinh phiền não. Vì sao có tình ái ? Vì quá coi trọng thân thể nầy, muốn khiến cho thân thể được hưởng thụ. Hãy nghĩ xem tại sao Đức Phật vào núi Tuyết tu hành ? Tại sao thành đạo dưới cội bồ đề ? Tức là Ngài trừ khử tình ái, đoạn phiền não mà chứng quả thành Phật. Ban đầu chuyển bánh xe pháp bốn Diệu Đế nói :

‘’Đây là khổ, tính bức bách
Đây là tập, tính chiêu cảm
Đây là diệt, tính có thể chứng
Đây là đạo, tính có thể tu‘’.

Phiền não là do bên trong có phiền não, mới chiêu đến phiền não bên ngoài.

‘’Các ông hãy mau ra khỏi tam giới, sẽ chứng được ba thừa Thanh Văn, Bích Chi Phật và Phật Thừa‘’: Phật bảo các ông hãy mau mau ra khỏi nhà lửa tam giới, không nên trôi nổi ở trong đó mà quên về. Thanh Văn thừa do nghe âm thanh mà ngộ đạo, Bích Chi Phật tức là Duyên Giác :

‘’Mùa xuân quán trăm hoa nở,
Mùa thu ngắm lá vàng rơi‘’.

Quán vạn vật trời đất thịnh suy, tu pháp mười hai Nhân Duyên, mà chứng quả Bích Chi Phật. Sinh vào thời có Phật tại thế, thì gọi là Duyên Giác, sinh vào thời chẳng có Phật, thì gọi là Độc Giác. Phần nhiều Bích Chi Phật ở trong thâm sơn cùng cốc, chẳng tiếp xúc với bên ngoài, tu hành chứng quả thành Bích Chi Phật. Phật thừa, Phật là tiếng Phạn, dịch là "giác". Giác gồm có:

- Tự giác,
- Giác tha,
- Giác hạnh viên mãn.

Phật khác với phàm phu, phàm phu thì chẳng giác, còn Phật thì tự giác và còn giác tha tức là vừa lợi mình lợi người. Hạnh tự giác giác tha đều viên mãn, do đó gọi là: ‘’Ba giác tròn vạn đức đầy‘’, gọi là Phật. Phật thừa khác với Bồ Tát thừa, Duyên Giác Thừa và Thanh Văn thừa. Kinh Pháp Hoa nói: ‘’Chỉ một Phật thừa, chẳng có thừa nào khác‘’. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, đều là pháp phương tiện khéo léo, khai quyền hiển thật.

Lần thứ hai chuyển bánh xe pháp bốn Diệu Đế, Phật nói :

‘’Đây là khổ, ông nên biết
Đây là tập, ông nên đoạn
Đây là diệt, ông nên chứng
Đây là đạo, ông nên tu‘’.

Lần thứ ba chuyển bánh xe pháp bốn Diệu Đế, Phật lại nói :

‘’Đây là khổ, ta đã biết
Đây là tập, ta đã đoạn
Đây là diệt, ta đã chứng
Đây là đạo, ta đã tu‘’.

Ban đầu Phật chuyển bánh xe pháp bốn Diệu Đế với năm vị Tỳ kheo Kiều Trần Như, Kinh văn Pháp Hoa nầy cũng mở bày đạo lý: Khổ tập diệt đạo.

Nay ta bảo nhiệm việc nầy, tuyệt đối chẳng hư vọng. Các ông hãy siêng tu tinh tấn, Như Lai dùng phương tiện đó, để dẫn dụ chúng sinh ra khỏi nhà lửa.

Phật bảo chứng: Nếu các ông y theo pháp đại thừa mà tu hành, thì chắc chắn sẽ thành Phật, tuyệt đối chẳng hư vọng, các ông tất cả chúng sinh hãy siêng tu tinh tấn, nếu không siêng tu tinh tấn, thì cũng như nói ăn, đếm tiền, do đó có câu :

‘’ Suốt ngày đếm tiền mướn,
Mình chẳng có xu nào,
Nơi pháp chẳng tu hành,
Tội lỗi cũng như thế. ‘’

Trong Kinh Lăng Nghiêm cũng nói : Ví như nói ăn, tuyệt đối không thể no. Phải siêng tu tinh tấn, tinh tấn gồm có: Thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Lạy Kinh, niệm Phật, tham thiền, trì Chú, đều là thân tinh tấn, nếu không thì tâm như con ngựa con khỉ, vọng tưởng lung tung, cho nên phải tinh tấn. Phật pháp thì phải thân thể lực hành, ‘’Nói hay, nói giỏi, mà chẳng thực hành, thì chẳng phải đạo‘’. Chỉ biết mà không hành, thì chẳng đắc được chỗ diệu, phải tinh tấn tu hành mới có lợi ích.

‘’Như Lai dùng phương tiện đó, để dẫn dụ chúng sinh ra khỏi nhà lửa‘’: Phật nói pháp phương tiện, để dẫn dụ chúng sinh ra khỏi nhà lửa, bảo rằng có xe hươu, xe dê, xe trâu, ở ngoài cửa, đợi họ ra khỏi nhà lửa rồi thì cho xe lớn.

‘’Dẫn dụ‘’ chúng sinh, như Phật tay không dụ em bé. Phật thấy em bé bò gần đến miệng giếng, tình thế cấp bách, mới bảo với em bé trong tay của Ngài có kẹo, em bé nghe nói đến kẹo thì quay đầu lại, bò qua chỗ Đức Phật. Em bé khỏi bị rớt xuống giếng, mà trong tay của Phật thật chẳng có kẹo. Chúng sinh muốn ra khỏi tam giới, thì nhờ Phật dụ mà ra khỏi nhà lửa vậy !

Lại bảo : Các ông nên biết ! Pháp ba thừa nầy, đều được các bậc Thánh khen ngợi, tự tại chẳng ràng buộc, chẳng còn nương tựa tìm cầu, ngồi ba thừa đó, dùng vô lậu căn lực giác đạo, thiền định giải thoát tam muội .v.v... mà tự vui sướng, bèn được vô lượng an ổn khoái lạc.

Phật lại bảo, các ông chúng sinh nên biết pháp ba thừa: Thanh Văn thừa, Bích Chi Phật thừa và Phật thừa, ba thừa pháp nầy đều được chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai khen ngợi. Pháp ba thừa nầy, là pháp môn tiếp dẫn chúng sinh, của tất cả chư Phật ba đời trong mười phương. ‘’Tự tại chẳng ràng buộc, chẳng nương tựa tìm cầu‘’: Đắc được tự nhiên trí tức tự tại, tức được tha tâm trí, minh bạch tất cả tâm ý của chúng sinh. ‘’Chẳng ràng buộc‘’, tức được giải thoát, chẳng quái ngại, xa lìa điên đảo mộng tưởng, được trí huệ tối cao, buông bỏ hết tất cả. ‘’Chẳng còn nương tựa tìm cầu‘’: Những gì cần làm đã làm xong, chẳng còn thọ thân sau nữa, tức đã dứt sinh tử. Tự tánh của chúng ta là ‘’năng y‘’, sinh tử là ‘’sở y‘’, đã dứt sinh tử tức vô sở y (chẳng còn nương tựa). Sao gọi là vô sở cầu ? Các lậu đã sạch, phạm hạnh đã vững, tức vô sở cầu (chẳng còn gì mong cầu). Nếu được vô sở y, vô sở cầu, thì chứng quả liễu sinh thoát tử.
‘’Ngồi ba thừa đó‘’: Ngồi ở trong xe ba thừa, dùng năm căn vô lậu: Tín, tấn, niệm, định, huệ, siêng năng tinh tấn, thì năm căn sẽ tăng thêm căn lành, mà sinh ra năm lực (Tín, tấn, niệm, định, huệ lực). ‘’Giác‘’ là bảy giác chi :

1. Trạch pháp giác chi, chọn thiện mà theo.
2. Tinh tấn giác chi.
3. Hỉ giác chi.
4. Khinh an giác chi.
5. Xả giác chi.
6. Định giác chi.
7. Niệm giác chi, lại gọi là bảy bồ đề phần.

‘’ Đạo‘’ là bát Chánh đạo :

1. Chánh kiến.
2. Chánh ngữ.
3. Chánh tư duy.
4. Cháng nghiệp.
5. Chánh mạng.
6. Chánh niệm.
7. Chánh tinh tấn.
8. Chánh định.

‘’Thiền‘’ là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Sơ thiền có ba cõi trời, nhị thiền có ba cõi trời, tam thiền có ba cõi trời, tứ thiền có ba cõi trời. Đó là cảnh giới thiền định của phàm phu. Trời Vô Tưởng là cảnh giới thiền định của ngoại đạo, Trời Ngũ Bất Hoàn là cảnh giới thiền định của bậc Thánh nhân. Người nhân gian tham thiền đả tọa, cũng có thể đạt đến cảnh giới của chư Thiên cõi Tứ Thiền tu thiền định. Người tu thiền định, nhập định được cảnh giới sơ thiền, gọi là Ly Sinh Hỷ Lạc Địa, được sự khoái lạc thiền duyệt vi thực, chỉ cảm thấy thân tâm thơ thới khoái lạc, mà chẳng biết ngày giờ đã qua, giống như hòa thượng Hư Vân tại núi Chung Nam, nhập định mười tám ngày, cũng là đắc được cảnh giới nầy. Thành tâm dụng công tu hành, tham thiền đả tọa, thì sẽ được cảnh giới nầy. Cảnh giới sơ thiền nầy, chẳng phải chỉ riêng cảnh giới của chư Thiên, mà là người tu đạo dùng thân phàm phu tu hành, thì có thể chứng nhập, đây chỉ là giai đoạn ban đầu nhập môn của sự tu hành. Mấy ngày trước có người chứng được cảnh nầy, chứng được bậc nầy, bất quá chỉ là bước thứ nhất của sự tu hành mà thôi ! Muốn chứng Thánh quả, cần phải tiếp tục nỗ lực không ngừng tinh tấn tiến về trước.

Nhị Thiền là Định sinh hỷ lạc địa, đừng tham trước khoái lạc, phải tu định, do đó có câu : ‘’Na già thường tại định, vô hữu bất định thời.’’ Đi đứng nằm ngồi đều như nhập định, chẳng vướng duyên bên ngoài, tâm như nước chảy, trong suốt thấu triệt, ngồi thiền thì chẳng những mạch máu ngừng lại, mà hô hấp hơi thở cũng ngừng lại, chỉ có niệm chưa ngừng lại, còn khởi vọng tưởng, một niệm sinh ra thì sẽ xuất định.

Tam Thiền là Ly hỷ diệu lạc địa, lìa tất cả sự vui sướng, chẳng còn tham trước ‘’thiền duyệt vi thực, pháp hỉ sung mãn‘’, được sự khoái lạc ở cõi trời. Nếu các bạn muốn thưởng thức từ vị đó, thì phải dụng công tham thiền đả tọa.

Tứ Thiền là Xả niệm thanh tịnh địa, cho dù một niệm cũng xả bỏ, vô sinh vô niệm, lúc nầy đã trừ tất cả khách trần phiền não, chỉ chưa chứng quả. Ở trên là cảnh giới khinh an đắc được cửa sự tu đạo.

‘’Định‘’ là bốn vô sắc định :

1. Không vô biên xứ định,
2. Thức vô biên xứ định.
3. Vô sở hữu xứ định.
4. Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Bốn trời định gọi là Trời Vô Sắc Giới, ‘’định‘’ tức gọi là vô sắc định. Chư Thiên bốn cõi trời nầy, chỉ có thức mà chẳng có hình sắc, cho nên gọi là Vô sắc định, còn Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cũng gọi là bốn Không Xứ.

‘’Thiền định‘’ là bốn thiền tám định, bốn thiền thêm bốn vô sắc định, hợp lại thành tám định.

‘’Giải thoát‘’: Có tám thứ giải thoát :

1. Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
2. Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát.
3. Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ.
4. Không vô biên xứ giải thoát.
5. Thức vô biên xứ giải thoát.
6. Vô sở hữu xứ giải thoát.
7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.
8. Diệt thọ tưởng thân tác chứng cụ túc trụ.

Đó là tám giải thoát. Người mới tu đạo, thì trong tâm vẫn tồn tại dục niệm, nên dùng chín pháp quán tưởng (quán bất tịnh) để đối trị sắc bên ngoài, biết được nó bất tịnh thì sẽ không chấp trước vào ‘’sắc‘’, tức được giải thoát, buông xả đặng thì tự tại, nhìn thấu thì buông đặng. Cho nên trước hết phải tu được quán nầy.

Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát, tu hành dụng công thì lâu dần trong sự bất tri bất giác, lìa được niệm sắc dục, bên trong chẳng có niệm sắc dục, vẫn phải quán sắc bên ngoài, quán tưởng gái đẹp tương lai cũng khó tránh cái chết, già chết thì thân của họ cũng biến hoại, quán thây sình thối có ấu trùng rúc rỉa, còn lại xương trắng, xương biến thành đất, bốn đại trả về cho bốn đại, gió trả về cho gió, đất trả về cho đất, nước trả về cho nước, lửa trả về cho lửa, cứu kính chẳng còn gì hết. Thường hay quán tưởng như thế, thì chẳng sinh tâm tham ái, trừ khử được tâm ái dục thì được giải thoát.

Được tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ, cụ túc trụ, tức là trụ ở trong bổn thể thanh tịnh, không, thức, hữu, tưởng, đều giải thoát, được diệt, thọ, tưởng, thân tu diệt, thọ, tưởng định, thức cũng sẽ diệt. Nhưng thức vẫn chưa diệt, thì tám vạn bốn ngàn kiếp sau cũng sẽ tái sinh, cho nên tuy nhiên có cảnh giới bốn Không Xứ mà sinh tử vẫn chưa dứt. Tứ thiền thêm bốn Không Xứ và thêm thọ diệt tưởng định, gọi là chín thứ đệ định. ‘’Tam muội‘’ là không tam muội, vô tướng tam muội, vô nguyện tam muội. Thành tựu ba thứ tam muội nầy, thì thành không vô tướng nguyện.

‘’Mà tự vui sướng‘’: Tu hành được thiền duyệt vi thực, pháp hỉ sung mãn. ‘’Bèn được vô lượng an ổn khoái lạc‘’: Nhất là trong thiền định được vô lượng an ổn khoái lạc, được chân không Niết Bàn, vĩnh viễn lìa tất cả tai nạn lo âu.

Xá Lợi Phất ! Nếu có chúng sinh bên trong có trí tánh, theo Phật Thế Tôn nghe pháp, tin nhận thọ trì, ân cần tinh tấn, muốn mau ra khỏi tam giới, tự cầu chứng Niết Bàn, đó gọi là Thanh Văn thừa. Như các người con đó, vì cầu xe dê mà ra khỏi nhà lửa.

Phật bảo Xá Lợi Phất: ‘’Nếu có chúng sinh, bên trong có trí tánh, theo Phật Thế Tôn nghe pháp tin nhận‘’: Chúng sinh kiếp trước từng theo Phật nghe pháp và hay tin nhận, chẳng sinh nghi hoặc; tin nhận là văn huệ. ‘’Ân cần‘’ là tư huệ, thường suy gẫm. ‘’Tinh tấn‘’ là tu huệ. ‘’Muốn mau ra khỏi tam giới, tự cầu chứng Niết Bàn, đó gọi là Thanh Văn thừa, như các người con đó, vì cầu xe dê mà ra khỏi nhà lửa.’’

Nếu có chúng sinh theo Phật Thế Tôn, nghe pháp tin nhận thọ trì, ân cần tinh tấn, cầu tự nhiên huệ, thích sống một mình ở chỗ vắng vẻ, biết rõ nhân duyên của các pháp, đó gọi là Bích Chi Phật thừa, như các người con kia, vì cầu xe hươu mà ra khỏi nhà lửa.

Nếu có chúng sinh nghe pháp tin nhận thọ trì chẳng nghi, tín tâm phát xuất từ nội tâm, do đó:

‘’Mình ăn thì mình no,
Sinh tử của mình tự mình dứt‘’.

Người khác không thể thay thế bạn sinh tín tâm, phải tự mình sinh tín tâm. ‘’Ân cần tinh tấn, cầu tự nhiên huệ, thích sống một mình chỗ vắng vẻ‘’: Thích tu hành một mình. ‘’Biết rõ nhân duyên của pháp‘’: Biết rõ mười hai nhân duyên thành Bích Chi Phật thừa. ‘’Như các người con kia, vì cầu xe hươu mà ra khỏi nhà lửa‘’: Dùng xe hươu dụ cho Bích Chi Phật thừa, có Phật ra đời thì gọi là Duyên Giác, chẳng có Phật ra đời thì gọi là Độc Giác. Bích Chi Phật là tự chứng tự liễu.

Nếu có chúng sinh, theo Phật Thế Tôn nghe pháp, tin nhận thọ trì, ân cần tinh tấn, cầu Nhất thiết trí, Phật trí, tự nhiên trí, vô sư trí, tri kiến lực, vô sở úy của Như Lai, thương xót vì sự an vui của vô lượng chúng sinh, làm lợi ích cho trời người, độ thoát tất cả chúng sinh, đó gọi là đại thừa. Bồ Tát cầu thừa nầy, nên gọi là Ma ha tát, như các người con kia, vì cầu xe trâu mà ra khỏi nhà lửa.

Nếu có chúng sinh theo Phật nghe pháp, tâm sinh niềm tin thọ trì, ân cần tinh tấn, cầu ‘’nhất thiết trí‘’: Cầu trí biết tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, ‘’Phật trí‘’ là trí huệ mà một số chúng sinh không thể có, ‘’tự nhiên trí‘’, ‘’vô sư trí‘’ đều là trí huệ đại viên mãn giác của Phật, ‘’tri kiến lực, vô vô sở úy của Như Lai‘’: Sự biết của Như Lai là Nhất thiết chủng trí, sự thấy của Như Lai là mắt Phật, ‘’lực‘’ là mười lực, ‘’vô sở úy‘’ là bốn vô sở úy, Phật phát tâm đại từ bi, thương sót sự an vui của chúng sinh, lợi ích trời người, độ thoát tất cả chúng sinh, đó gọi là Bồ Tát đại thừa, nên gọi là Ma Ha Tát (đại). Như các người con kia vì cầu xe trâu mà ra khỏi nhà lửa.

Xá Lợi Phất ! Như ông trưởng giả kia, thấy các người con ra khỏi nhà lửa được an ổn, đến nơi chẳng sợ hãi, tự nghĩ của cải giàu vô lượng, đều đem xe lớn mà cho các con. Như Lai cũng như thế, là cha của tất cả chúng sinh. Nếu thấy vô lượng ức ngàn chúng sinh, do cửa Phật giáo mà ra khỏi đường hiểm khổ sợ hãi của tam giới, thì Phật khiến cho họ được sự an vui của Niết Bàn.

Đức Phật bảo tôn giả Xá Lợi Phất, đức Như Lai như ông trưởng giả giàu có, thấy các người con ra khỏi nhà lửa được yên ổn, ông trưởng giả tức nhiên có của cải vô lượng, bèn bình đẳng ban tặng cho các con xe trâu trắng lớn. Giống như Phật thấy vô lượng chúng sinh, vì nghe Phật pháp mà tin nhận hộ trì, được lìa khỏi khổ, đường hiểm trong tam giới, thì Phật khiến cho chúng sinh đắc được sự vui của thường lạc ngã tịnh.

Bấy giờ, đức Như Lai bèn nghĩ : Ta có vô lượng vô biên trí huệ lực vô sở úy .v.v... các kho tàng Phật pháp. Các chúng sinh đó đều là con của ta, đều bình đẳng ban cho đại thừa, chẳng khiến có người được diệt độ riêng, mà đều dùng sự diệt độ của Như Lai để diệt độ. Những chúng sinh đó thoát khỏi tam giới, Phật đều ban cho sự vui sướng thiền định giải thoát của chư Phật.

Đức Thích Ca Như Lai lúc đó nghĩ như vầy : Ta có vô lượng vô biên trí huệ, mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng. ‘’Các kho tàng Phật pháp‘’: Như bốn đế, sáu độ, mười hai nhân duyên, ba mươi bảy đạo phẩm. .v.v. Các chúng sinh đó đều là con của ta, đều bình đẳng ban cho xe lớn. ‘’Dùng sự diệt độ của Như Lai, mà diệt độ‘’: Chẳng thiên lệch về lý không, khiến cho các chúng sinh thoát khỏi tam giới, Phật đều ban cho thiền định giải thoát tam muội Phật thừa, dùng giải thoát thiền định khoái lạc làm vui sướng, ở trong đó có thể được lạc thú vô cùng.

Đều là một tướng một thứ mà các bậc Thánh khen ngợi, hay sinh vui tịnh diệu bậc nhất.

‘’Một tướng‘’ là thật tướng. Thật tướng đại biểu pháp thân đức, một trong ba đức. Ở trên đã nói rõ ba mươi bảy đạo phẩm, sáu độ, bốn đế, mười hai nhân duyên, bây giờ dùng ba đức để kết thúc phẩm ví dụ, cho nên nói đều là một tướng, tức cũng là thật tướng. Thật tướng là vô tướng, vô sở bất tướng, tất cả vạn vật có hình tướng, đều từ thật tướng mà ra, chân không tức diệu hữu, diệu hữu tức chân không, thật tướng là pháp thân đức của Phật. ‘’Một thứ‘’ (nhất chủng) tức là Nhất thiết chủng trí, là Bát Nhã đức. ‘’Mà các bậc Thánh khen ngợi, hay sinh vui tịnh diệu bậc nhất‘’: Là giải thoát đức, pháp nầy mới được chư Phật khen ngợi, hay sinh vui thanh tịnh vi diệu, lìa cả khổ tức được giải thoát.

Xá Lợi Phất ! Như ông trưởng giả kia, ban đầu dùng ba xe, để dẫn dụ các người con, sau đó chỉ cho một thứ xe lớn, có các báu vật trang nghiêm, an ổn bật nhất, nhưng ông trưởng giả đó chẳng có lỗi hư dối.

Phật bảo Tôn Giả Xá Lợi Phất ! Phật giống như ông trưởng giả kia, ban đầu dùng pháp môn phương tiện, nói ngoài cửa có xe dê, xe hươu, xe trâu, để ở ngoài cửa, gạt dụ các con ra khỏi nhà lửa, đến được nơi yên ổn, thì ông trưởng giả giàu có của cải vô lượng, mới ban cho các con mỗi người một chiếc xe trâu trắng lớn, xe có báu vật trang trí nghiêm sức, an ổn bậc nhất, ai nấy đều được xe lớn, do đó ông trưởng giả chẳng có lỗi nói dối.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy