× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Thí Dụ Thứ ba - Phần 1

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định




Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất hớn hở vui mừng, bèn đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, mà bạch Phật rằng : Hôm nay nghe đức Thế Tôn nói pháp nầy, tâm con rất hớn hở được chưa từng có. Tại sao ? Vì xưa kia con theo Phật nghe pháp như vầy : Thấy các vị Bồ Tát được thọ ký sẽ thành Phật, mà chúng con chẳng được dự vào việc đó, rất tự cảm thương, mất đi vô lượng tri kiến của Như Lai.

Đức Thế Tôn ! Con thường một mình ở dưới gốc cây nơi rừng núi, hoặc ngồi hoặc đi kinh hành, bèn nghĩ thế nầy : Chúng con đồng vào pháp tánh, tại sao đức Như Lai dùng pháp tiểu thừa mà tế độ ? Đó là lỗi của chúng con, chứ chẳng phải đức Thế Tôn vậy.


Đây là phẩm thứ ba, Phẩm Thí Dụ. Thí dụ tức trong kinh thi nói là thể so sánh. Trong kinh thi có thể phú (giải bày), thể so sánh và thể hứng (thấy cảnh nảy ra lời thơ). Thí dụ tức thể so sánh. Vì đạo lý thâm áo, người khó hiểu, cho nên đưa ra một ví dụ khiến cho người hiểu dễ dàng.

Lúc bấy giờ, tất cả đại chúng đều trông mong đức Phật thọ ký. Ngài Xá Lợi Phất thân miệng ý ba nghiệp đều thanh tịnh, sinh tâm vui mừng lớn, mới đứng dậy chắp tay chiêm ngưỡng tôn nhan của đức Phật, mà nói với Phật rằng: "Con ở trước đức Thế Tôn, thân miệng ý đều thanh tịnh. Trước kia con ở trong hội Phương Đẳng và hội Bát Nhã, cũng chưa từng nghe qua diệu pháp như vầy. Bây giờ, con nghe đức Phật nói diệu pháp nầy, thấy tất cả đại Bồ Tát được Phật thọ ký sẽ thành Phật, bèn có cảm xúc, tâm rất bi thương chưa được Như Lai thọ ký, mất đi vô lượng từ bi trí huệ tri kiến của Phật. Đức Thế Tôn ! Con thường một mình ở dưới gốc cây nơi núi rừng, dụng công tham thiền. Vì núi rừng vắng lặng, cho nên một lần ngồi xuống thì cả mấy ngày, ngồi đến mỏi mệt thì đứng dậy đi kinh hành. Mỗi lần tự nhủ: Chúng con Thanh Văn Bồ Tát đều được pháp tính, vì sao đức Như Lai chẳng dạy chúng con pháp đại thừa, mà dùng pháp tiểu thừa để giáo hóa ? Phải chăng đức Như Lai đối với chúng con người tiểu thừa chẳng từ bi ? Chúng con thường khởi vọng tưởng như thế. Song, hồi quang phản chiếu rồi mới biết, đây là lỗi của chúng con. Chúng con người tiểu thừa căn mỏng huệ cạn, khó phát tâm nguyện độ sinh, cho nên Phật nói pháp đại thừa mà chúng con không thể tiếp thọ. Đây là lỗi căn cơ hạn hẹp của chính chúng con."
Vì sao ? nếu chúng con chờ Phật nói nhân duyên thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tất dùng pháp đại thừa mà được độ thoát. Nhưng chúng con chẳng hiểu Phật dùng phương tiện tùy nghi nói pháp. Mới nghe Phật pháp, gặp được liền tin nhận, suy gẫm chứng lấy. Đức Thế Tôn ! Con từ xưa đến nay, suốt ngày trọn đêm tự khắc chế trách mình, mà nay được nghe Phật nói pháp chưa từng có, dứt các nghi hoặc, thân tâm thơ thới, rất an vui tự tại. Hôm nay mới biết thật là Phật tử, từ miệng Phật sinh ra, từ pháp hóa sinh, được pháp tính của Phật.
Sở dĩ chúng con là hàng Thanh Văn, nghe Phật nói nhân duyên thành tựu Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tất dùng pháp đại thừa tu hành, mới được độ thoát. Vô thượng chánh đẳng chánh giác tức là Phật vị. Chánh giác, chẳng giống phàm phu, những gì phàm phu làm, đều là hồ đồ chẳng tự giác. Chánh giác chưa đến được trình độ giác tha. Giác tha khác với nhị thừa. Người nhị thừa chỉ đắc được Chánh giác mà chưa đắc được Chánh đẳng. Chánh đẳng là bậc đại Bồ Tát, bậc Đẳng giác Bồ Tát. Diệu giác là Phật. Đẳng giác Bồ Tát còn một phần sinh tướng vô minh chưa phá, cho nên chưa đắc được Diệu giác vị. Nếu phá sạch một phần sinh tướng vô minh, thì sẽ đắc được Diệu giác. Đẳng giác là hữu tình Thượng sĩ, Phật là Vô Thượng Sĩ.

"Muốn chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác", quả vị Phật, phải dùng pháp Bồ Tát đại thừa mới được độ thoát. Chúng con hàng Thanh Văn, chẳng biết Phật dùng pháp phương tiện giáo hóa chúng sinh, quán căn cơ thí giáo, vì người thuyết pháp, theo bệnh cho thuốc. Chúng con vừa nghe Phật nói pháp bốn Diệu Đế và mười hai Nhân Duyên bèn tin nhận, dụng công tu hành được chứng quả. Đức Thế Tôn ! Con từ khi ở trong pháp hội Phương Đẳng cho đến hiện tại, từ sáng đến tối, tự khắc chế trách mình. Ngày đêm là gì ? Đêm tức là lúc trước chưa khai ngộ, giống như ban đêm; khai ngội rồi thì như ánh sáng mặt trời chiếu ban ngày. Nếu so sánh tiểu thừa với đại thừa Bồ Tát, thì tiểu thừa như ban đêm, đại thừa Bồ Tát như ban ngày, cho nên nói "suốt ngày trọn đêm".

"Đều khắc chế trách mình" : Khắc chế là chính mình đối trị với chính mình, tức là trong Nho giáo có nói về công phu "khắc kỷ". Nhan Hồi hỏi Đức Khổng Tử làm thể nào đắc được "nhân". Khổng Tử đáp : "Khắc kỷ phục lễ là nhân". Nghĩa là khắc chế chính mình, khôi phục thiên lý là nhân. Nhan Hồi lại hỏi làm thế nào khắc kỷ phục lễ ? Khổng Tử đáp :

"Phi lễ vật thị,
Phi lễ vật thính,
Phi lễ vật ngôn,
Phi lễ vật động."


Nghĩa là : Việc gì chẳng hợp với lý đạo thì đừng xem, chẳng những không xem mà cũng đừng nghe, như có ai nói thị phi thì đừng nghe. Lời chẳng hợp với đạo lý thì đứng nói, việc chẳng hợp với đạo lý thì đừng làm. Xem, nghe, nói, làm, đều hợp lễ, thì tức là khắc kỷ phục lễ. Ngài Xá Lợi Phất thường khắc chế mình mà không phóng dật. Muốn học Phật pháp phải phát tâm dũng mãnh, không sợ gian lao khốn khổ, phàm ai thành công cũng đều có sự khắc chế công phu. Tại Hương Cảng có vị pháp sư Thọ Dã (bây giờ trụ trì chùa Quang Minh ở Nữu Ước), lúc trước ông ta bế quan trên núi Ngũ Đài, dùng máu để biên Kinh Hoa Nghiêm. Kinh Hoa Nghiêm có tám mươi quyển, có hơn mấy chục vạn chữ. Thầy đó dùng máu biên bộ Kinh nầy, đủ thấy Thầy đó có công phu "khắc kỷ".
Tôn giả Xá Lợi Phất tiếp tục nói : Nay học tập Phật pháp, nghe diệu pháp của Kinh Pháp Hoa, dứt tất cả nghi hoặc, thân tâm đều thơ thới rất an vui tự tại. Hôm nay mới biết con thật là Phật tử (con của Phật), từ miệng Phật sinh ra, từ Phật pháp hóa sinh, đắc được Phật pháp tính.

Bấy giờ, Ngài Xá Lợi Phất muốn thuật lại nghĩa trên, bèn nói bài kệ rằng:

Con nghe tiếng pháp nầy
Đắc được chưa từng có
Tâm sinh vui mừng lớn
Lưới nghi đều đã trừ.
Xưa nay nhờ Phật dạy
Chẳng mất nơi đại thừa
Tiếng Phật rất ít có
Hay trừ khổ chúng sinh.
Con đã được sạch lậu
Nghe cũng trừ khổ não.


Lúc đó, tôn giả Xá Lợi Phất muốn tường thuật lại ý nghĩa Kinh văn vừa nói ở trên, bèn dùng kệ để nói: Con nay nghe được tiếng diệu pháp nầy, đắc được diệu pháp chưa từng có, tâm sinh vui mừng lớn, lưới hoài nghi đã trừ sạch. Thuở xưa, đời đời kiếp kiếp nhờ Phật giáo hóa, tài bồi hạt giống đại thừa, đời nầy đã chín mùi. Tiếng của Phật vi diệu thanh tịnh sâu xa, rất ít có trong đời, hay dứt trừ phiền não của chúng sinh. Con đã chứng tứ quả A La Hán, đắc được lậu tận thông. Con vốn căn tính tiểu thừa, chưa thật sự minh bạch đạo lý Bồ Tát. Hiện tại con nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khiến cho khổ não của con đều trừ sạch.

Con ở nơi hang núi
Hoặc dưới cây trong rừng.
Hoặc ngồi hoặc kinh hành
Thường suy gẫm như vầy:
Than ôi ! Tự trách mình
Sao lại khi dối mình.
Chúng ta cũng Phật tử
Đồng vào pháp vô lậu
Đời vị lai chẳng được
Diễn nói đạo vô thượng.

Con ở nơi hang núi, hoặc trong rừng cây, hoặc ngồi hoặc đi, thường nghĩ việc nầy, mà than thở sao lại tự trách mình ? Chúng con đều là Phật tử, đồng vào pháp vô lậu, nhưng ở đời vị lai chẳng được diễn nói diệu pháp vô lậu.

Sắc vàng ba mươi hai
Mười lực các giải thoát
Đồng trong một pháp tánh
Mà chẳng được việc nầy.
Tám mươi tướng tốt đẹp
Mười tám pháp bất cộng
Những công đức như thế
Mà con đều đã mất.
Lúc con kinh hành riêng
Thấy Phật trong đại chúng
Danh đồn khắp mười phương
Rộng lớn ích chúng sinh.
Nghĩ mình mất lợi nầy
Vì con tự khi dối
Con thường nơi ngày đêm
Đều suy nghĩ việc nầy.
Muốn hỏi đức Thế Tôn
Là mất hay chẳng mất ?
Con thường thấy Thế Tôn
Khen ngợi các Bồ Tát.
Vì thế nên ngày đêm
Con nghĩ về việc nầy
Nay nghe tiếng Phật nói
Tùy nghi mà nói pháp.
Vô lậu khó nghĩ bàn
Khiến chúng đến đạo tràng
Con vốn chấp tà kiến
Làm thầy các Phạm chí.
Thế Tôn biết tâm con
Trừ tà nói Niết Bàn
Khiến con dứt tà kiến
Chứng đắc được pháp không.
Bấy giờ tâm tự bảo :
Đến được nơi diệt độ.


Thân Phật là thân sắc vàng, có ba mươi hai tướng. Mười lực tức là mười thứ trí huệ lực của Phật. Ba mươi hai tướng là :

1. Dưới chân bằng như đáy hộp.
2. Dưới chân có tướng bánh xe ngàn căm.
3. Gót chân như đảnh Phạm vương.
4. Ngón tay nhỏ dài.
5. Thân vuông thẳng.
6. Tay chân có màng lưới.
7. Tay chân mềm mại.
8. Mắt cá mập đầy.
9. Lông mình mượt.
10. Cánh tay như nai chúa.
11. Thân tròn đầy.
12. Tay thòng quá gối.
13. Đảnh có nhục kế.
14. Vô kiến đảnh.
15. Mã âm tàng.
16. Da mịn trơn.
17. Lông mình vòng bên phải.
18. Thân tía màu hoàng kim.
19. Bảy chỗ bằng đầy.
20. Tiếng Phạm âm.
21. Xương vai sung mãn.
22. Thân trên như sư tử.
23. Khuỷu tay mập nhỏ.
24. Răng trắng đều nhau.
25. Bốn mươi cái răng.
26. Răng trắng như ngà.
27. Má như sư tử.
28. Trong miệng có thượng vị.
29. Lưỡi rộng dài.
30. Tướng bậc trượng phu.
31. Lông mi xanh biếc.
32. Tướng hào quang trắng giữa mày.


Mười lực :

1. Trí lực biết xứ phi xứ.
2. Trí lực biết nghiệp báo ba đời.
3. Trí lực biết các thiền giải thoát tam muội.
4. Trí lực biết các căn thắng liệt.
5. Trí lực biết chủng chủng giải.
6. Trí lực biết chủng chủng giới.
7. Trí lực biết nhất thiết chí xứ đạo.
8. Trí lực biết thiên nhãn vô ngại.
9. Trí lực biết túc mạng vô lậu.
10. Trí lực biết vĩnh đoạn tập khí.


Các giải thoát bao quát tám giải thoát :

1. Nội hữu sắc tướng quán ngoại sắc giải thoát.
2. Nội vô sắc tướng quán ngoại sắc giải thoát.
3. Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ.
4. Không vô biên xứ giải thoát.
5. Thức vô biên xứ giải thoát.
6. Vô sở hữu xứ giải thoát.
7. Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát.
8. Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ túc trụ.
Đó là tám giải thoát, người tu thiền tông phải biết.


Đồng trong một pháp tính, mà hàng tiểu thừa chưa được thọ ký thành Phật. Thân của Phật có tám mươi vẻ đẹp, mười tám pháp bất cộng. Pháp bất cộng là chẳng chung với ba thừa Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, chỉ có Phật mới đầy đủ pháp nầy.

Mười tám pháp bất cộng :

1. Thân vô thất.
2. Khẩu vô thất.
3. Niệm vô thất.
4. Vô dị tưởng.
5. Vô bất định tâm.
6. Vô bất tri kỷ xả.
7. Dục vô diệt.
8. Tinh tấn vô diệt.
9. Niệm vô diệt.
10. Huệ vô diệt.
11. Giải thoát vô diệt.
12. Giải thoát tri kiến vô diệt.
13. Nhất thiết thân nghiệp tùy trí huệ hành.
14. Nhất thiết khẩu nghiệp tùy trí huệ hành.
15. Nhất thiết ý nghiệp tùy trí huệ hành.
16. Trí huệ tri quá khứ thế vô ngại.
17. Trí huệ tri vị lai thế vô ngại.
18. Trí huệ tri hiện tại thế vô ngại.


"Những công đức như thế" : Như vừa nói ở trên ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, mười lực, các giải thoát, mười tám pháp bất cộng, đủ thứ công đức, mà con Xá Lợi Phất hành tiểu thừa đã mất các công đức. Xá Lợi Phất khi một mình tham thiền hoặc đi kinh hành, thì thấy Đức Phật ở trong đại chúng, danh đồn khắp mười phương. Phật vì lợi ích tất cả chúng sinh mà chẳng xa lìa. Xá Lợi Phất nói : Con cảm thấy mình đã mất đi tất cả những lợi ích mà mình tự khi dối mình, cho rằng mình đã mất đi lợi ích nầy. Con thường ngày đêm sáu thời, suy gẫm về việc nầy của con cứu kính mất đi hay chẳng mất ? Con thường thấy đức Thế Tôn tán thán ngợi khen các đại Bồ Tát. Do đó, nên ngày đêm con đều nghĩ về việc nầy. Bây giờ, con nghe tiếng của Phật nói, tùy cơ nghi của chúng sinh mà nói diệu pháp. Pháp nầy là vô lậu, không thể nghĩ bàn, khiến cho chúng sinh đắc đạo bồ đề.

Tôn giả Xá Lợi Phất, trước kia từng có sự chấp trước, có tà tri tà kiến, muốn làm thầy của tất cả Bà La Môn (Phạm chí) ngoại đạo. Đức Thế Tôn hiểu rõ căn cơ của con, mới trừ dứt tà kiến của con, còn vì con nói pháp Niết Bàn quả Thánh. Cho nên, tất cả tà tri tà kiến của con đều đã dứt sạch, chứng được pháp chân không. Lúc đó, tâm con cho rằng, chứng quá A La Hán, tức là đã đạt được cứu kính tịch diệt.

Nay mới thật biết rõ
Chẳng phải thật diệt độ.
Nếu sẽ được thành Phật
Đủ ba mươi hai tướng
Chúng trời người Dạ Xoa
Rồng Thần đều cung kính.
Lúc đó mới bảo rằng :
Vĩnh viễn vào Vô Dư
Phật ở trong đại chúng
Nói con sẽ thành Phật.
Nghe tiếng pháp như thế
Nghi hoặc đều đã trừ
Vừa nghe Phật nói ra
Trong tâm rất sợ nghi.
Phải chăng ma giả Phật
Nhiễu loạn tâm con chăng !

Tôn giả Xá Lợi Phất lại nói : Con lúc trước cho rằng mình đã được diệt độ, té ra chưa đến được chốn Bảo sở, nay đã giác ngộ, trước kia con chỉ chứng được lý không, chứ chẳng phải Niết Bàn chân chánh. Nếu như tương lai được thành Phật, đủ ba mươi hai tướng, được chư Thiên, nhân loại, Dạ xoa, Thiên long bát bộ, rồng và thần .v.v., đều đến cung kính, lúc đó mới có thể cho rằng: Chân chánh diệt độ, được Vô Dư Niết Bàn. Phật ở trước đại chúng nói, con tương lai sẽ thành Phật, con nghe được pháp âm như thế, thì tất cả tâm nghi hoặc đều dứt sạch. Nhưng ban đầu vừa nghe Phật nói pháp, thì trong tâm con sinh tâm rất sợ nghi, hoài nghi đây có phải là ma biến làm Phật chăng ? Sao lại nói được diệu pháp nầy ? Có phải nó đến để nhiễu loạn tâm tu định của con ?

Phật dùng đủ thứ duyên
Thí dụ khéo nói pháp.
Tâm Phật an như biển
Con nghe lưới nghi dứt
Phật nói đời quá khứ
Vô lượng Phật diệt độ.
An trụ trong phương tiện
Cũng đều nói pháp nầy
Phật hiện tại vị lai
Số đông không thể lường.
Cũng dùng các phương tiện
Diễn nói pháp như thế
Như Thế Tôn hôm nay
Từ sinh đến xuất gia.
Đắc đạo chuyển pháp luân
Cũng dùng phương tiện nói
Thế Tôn nói thật đạo
Ba Tuần làm chẳng được.
Thế nên con biết chắc
Chẳng phải ma giả Phật
Vì con sa lưới nghi
Bảo là ma vương nói.
Nghe tiếng Phật êm diệu
Xâu xa rất vi diệu
Diễn xướng pháp thanh tịnh
Tâm con rất vui mừng.
Nghi hoặc đã dứt hẳn
An trụ trong thật trí
Con chắc sẽ thành Phật
Được trời người cung kính.
Chuyển pháp luân vô thượng
Giáo hóa các Bồ Tát.


Phật lại dùng đủ thứ phương tiện nhân duyên, thí dụ, dùng biện tài khéo léo, vì con nói pháp nầy, tâm của Phật an định như biển cả, khiến cho tâm của con cũng an định như biển. Phật nói đủ thứ pháp môn thiện xảo phương tiện, cho nên đoạn trừ được tất cả nghi hoặc của con. Phật nói tất cả vô lượng chư Phật diệt độ đời quá khứ, đều chiếu theo pháp môn phương tiện nầy, vì tất cả Chúng sinh nói, tức là diệu pháp Kinh Pháp Hoa. Tất cả chư Phật hiện tại và vị lai nhiều vô cùng vô tận, cũng dùng đủ thứ phương tiện nói diệu pháp nầy. Hiện tại, Thích Ca Mâu Ni Phật Thế Tôn, từ cung trời Đâu Suất hạ sinh nhân gian, hiện tám tướng thành đạo.

Tám tướng :

1. Từ nội viện cung trời Đâu Suất hạ sinh vào vương cung Vua Tịnh Phạn, tại nước Ca Tì La Vệ xứ Ấn Độ.
2. Nhập thai : Phật ở trong thai mẹ ngày đêm đều vì trời người quỷ thần thuyết pháp.
3. Trụ thai mười tháng.
4. Ra khỏi thai thì Phật dùng một tay chỉ trời một tay chỉ đất nói : "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn."
5. Xuất gia tu khổ hạnh sáu năm.
6. Dưới cội Bồ Đề thấy sao mai mọc mà ngộ đạo.
7. Thành đạo rồi chuyển bánh xe pháp, vì tất cả chúng sinh thuyết pháp.
8. Cuối cùng vào Niết Bàn.


Đó là tám tướng thành đạo, nhưng Tông Thiên Thai sửa tướng thứ ba trụ thai làm tướng thứ năm là hàng ma tức là :

1. Đâu Suất hạ sinh.
2. Nhập thai.
3. Xuất thai.
4. Xuất gia.
5. Hàng ma.
6. Thành đạo.
7. Chuyển pháp luân.
8. Vào Niết Bàn.


Tám tướng nầy Tông Thiên Thai nói.

Trong đại thừa, tướng hàng ma bao quát ở trong tướng thành đạo. Mà nay đức Phật, từ lúc hàng sinh nhân gian đến xuất gia, thành đạo rồi chuyển pháp luân, tức cũng là dùng phương tiện pháp môn thuyết pháp. Hiện tại đức Thế Tôn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là trí huệ chân thật, cũng là đạo lý thật tướng. "Ba Tuần" tức là ma vương, y không thể nào nói được chân lý nầy. Do đó, con biết chắc chắn chẳng phải ma giả Phật. Vì con sa vào lưới nghi, cho rằng Phật nói pháp là ma vương nói. Bây giờ, nghe được tiếng êm diệu từ bi hỷ xả của Phật. Tiếng của Phật sâu xa vi diệu (một trong tám mươi vẻ đẹp), diễn xướng diệu pháp thanh tịnh. Tâm con rất vui mừng nghi hoặc vĩnh viễn đoạn tuyệt, an trụ vào trong thật trí huệ. Trong tương lai con nhất định sẽ thành Phật, được trời người rồng thần tôn kính, chuyển đại pháp luân vô thượng, giáo hóa tất cả đại Bồ Tát.

Bấy giờ, đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất : Nay ta ở trong đại chúng trời người Sa môn, Bà la môn mà nói, xưa kia ta đã từng ở chỗ hai vạn ức vị Phật, vì đạo vô thượng, nên thường giáo hóa ông. Ông cũng theo ta tu học lâu dài, ta dùng phương tiện dẫn dắt ông, khiến cho sinh vào trong pháp của ta.

Lúc đó, Phật nói với Ngài Xá Lợi Phất: Nay ta vì trời, người, Sa môn, Bà La Môn, đại chúng mà nói, ta đã từng ở chỗ hai vạn ức vị Phật, ta vì cầu đạo vô thượng (có bảy vô thượng đạo : Thân vô thượng, thọ trì vô thượng, cụ túc vô thượng, trí huệ vô thượng, bố thí vô thượng, giải thoát vô thượng, hành vô thượng). Ta thường giáo hóa ông. Ông trước kia chưa khai ngộ, luôn luôn theo ta tu học Phật pháp. Ta dùng đủ thứ phương tiện pháp môn dẫn dắt ông, mới khiến cho sinh vào trong Phật pháp của ta Phật Thích Ca Mâu Ni.

Xá Lợi Phất ! Xưa ta dạy ông chí nguyện Phật đạo, nay ông đã quên, mà bèn tự bảo đã được diệt độ. Nay ta muốn khiến cho ông nhớ lại nguyện xưa đã hành đạo, vì các Thanh Văn nói Kinh đại thừa nầy, tên là Diệu Pháp Liên Hoa, pháp giáo hóa Bồ Tát, được Phật hộ niệm.


Xá Lợi Phất ! Ông ở đời vị lai, trải qua vô lượng vô biên số kiếp không thể nghĩ bàn, cúng dường hàng ngàn vạn ức vị Phật, phụng trì chánh pháp, đầy đủ đạo tu hành của Bồ Tát, sẽ được thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nước đó tên là Ly Cấu, cõi đó bằng phẳng thanh tịnh trang nghiêm, an ổn, giàu có, sung sướng, trời người đông đảo. Dùng lưu ly làm đất, có tám đường giao thông, dây bằng vàng dùng giăng bên đường, cạnh lề đường đều có hàng cây bằng bảy báu, thường có hoa quả. Đức Hoa Quang Như Lai cũng dùng ba thừa giáo hóa chúng sinh.

Xá Lợi Phất ! Đức Phật đó ra đời, tuy chẳng phải đời ác, nhưng vì nguyện xưa cho nên nói pháp ba thừa.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Thuở xưa, ta giáo hóa ông chí nguyện thành Phật đạo, mà nay ông đã quên mất, tự nói đã được diệt độ. Ta muốn ông nhớ lại nguyện lực đã phát ra xưa kia, nay vì hàng Thanh Văn nói Kinh điển đại thừa tên là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, dạy ông pháp Bồ Tát. Học pháp nầy, thì được mười phương chư Phật hộ niệm. Xá Lợi Phất, ta vì ông thọ ký, ông ở trong vô lượng kiếp vị lai cúng dường vô số chư Phật, phụng trì chánh pháp, đầy đủ lục độ vạn hạnh, sẽ được thành Phật, hiệu là Hoa Quang Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Nước của ông tên là Ly Cấu. Ở trên là mười danh hiệu chung của mỗi vị Phật. Cõi nước của ông thanh tịnh bằng phẳng, an ổn giàu có sung sướng, trời người đông đảo. Dùng lưu ly làm đất, có tám đường giao thông, dùng vàng làm dây giăng bên đường, lề đường có những hàng cây bằng bảy báu, luôn luôn có hoa quả. Đức Hoa Quang Như Lai dùng Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát ba thừa giáo hoá chúng sinh. Khi Xá Lợi Phất thành Phật, tuy chẳng phải đời ác, nhưng bởi vì nguyện lực xưa cho nên nói pháp ba thừa.

Kiếp đó tên là Đại Bảo Trang Nghiêm. Vì sao tên là Đại Bảo Trang Nghiêm ? Vì trong nước đó dùng Bồ Tát làm đại bảo. Các Bồ Tát nhiều vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn. Toán số ví dụ cũng không thể tính được, ngoài trí lực của Phật ra, không ai biết được. Nếu muốn đi thì có hoa báu đỡ chân. Các vị Bồ Tát đó, chẳng phải mới phát tâm, các Ngài đều đã trồng gốc công đức lâu xa, tu phạm hạnh thanh tịnh, nơi vô lượng trăm ngàn vạn ức chỗ các đức Phật. Thường được chư Phật khen ngợi, thường tu trí huệ của Phật, đủ đại thần thông, khéo biết tất cả các pháp môn, chân thật không hư dối, chí niệm kiên cố, các Bồ Tát như thế đầy khắp nước đó.

Đức Hoa Quang Như Lai thành đạo, vào kiếp đó tên là Đại Bảo Trang Nghiêm. Vì sao gọi là Đại Bảo Trang Nghiêm ? Vì trong cõi nước đó, dùng Bồ Tát làm đại bảo. Có nhiều Bồ Tát số đông không thể nghĩ bàn, đếm chẳng hết được. Chỉ có Phật đầy đủ mười trí lực mới biết được số lượng. Phật đi thì có hoa sen báu đỡ dưới chân. Các Bồ Tát cõi đó, chẳng phải mới phát tâm tu hành, đều đã trồng căn lành lâu xa, nơi chỗ của vô lượng các đức Phật, từng tu phạm hạnh thanh tịnh, thường được chư Phật tán thán. Các Ngài thường tu trí huệ chân thật của Phật, đầy đủ đại thần thồng, thông đạt các pháp thật tướng, tất cả hành vi đều chân thật chẳng hư dối, chí niệm kiên cố chẳng thối lui, các đại Bồ Tát như thế đầy khắp nước đó.

Xá Lợi Phất ! Đức Phật Hoa Quang thọ mười hai tiểu kiếp, trừ làm vương tử chưa thành Phật, thì nhân dân nước đó thọ tám tiểu kiếp. Đức Hoa Quang Như Lai, trải qua mười hai tiểu kiếp, thì thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn, sẽ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, bảo các Tỳ Kheo rằng : Bồ Tát Kiên Mãn kế đây sẽ thành Phật, hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, ứng cúng, Chánh biến tri. Cõi nước của Đức Phật đó cũng lại như thế.

Xá Lợi Phất ! Phật Hoa Quang đó diệt độ rồi, chánh pháp trụ thế ba mươi hai tiểu kiếp, tượng pháp trụ thế cũng ba mươi hai tiểu kiếp.


Phật bảo Xá Lợi Phất ! Đức Hoa Quang Như Lai thọ mạng mười hai tiểu kiếp. Thọ mạng của con người bắt đầu từ tám vạn bốn ngàn tuổi, mỗi một trăm năm thì giảm xuống một tuổi, thân cao mỗi một trăm năm cũng giảm xuống một tất, giảm đến thọ mạng của con người chỉ còn mười tuổi, đây gọi là kiếp giảm. Tuổi thọ của con người lại từ từ tăng lên, đến tám vạn bốn ngàn tuổi, mỗi một trăm năm cũng tăng một tuổi, thân cao tăng thêm một tất, một tăng một giảm như thế gọi là một kiếp. Một ngàn kiếp làm một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp làm một trung kiếp, bốn trung kiếp làm một đại kiếp. Trừ lúc Ngài làm vương tử chưa thành Phật, thì nhân dân nước đó thọ tám tiểu kiếp. Đức Hoa Quang Như Lai trải qua mười hai tiểu kiếp, thì sẽ thọ ký cho Bồ Tát Kiên Mãn, sẽ thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác, hiệu là Hoa Túc An Hành Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, cõi nước đó cũng lại như thế. Phật Hoa Quang diệt độ rồi, chánh pháp trụ ở đời trải qua ba mươi hai tiểu kiếp (thời đại chánh pháp thì thiền định kiên cố), tượng pháp cũng trải qua ba mươi hai tiểu kiếp (thời đại tượng pháp thì chùa chiền kiên cố).

Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn thuật lại nghĩa trên, bèn nói bài kệ rằng :

Xá Lợi Phất tương lai
Thành Phật đấng đại trí
Hiệu là Phật Hoa Quang
Sẽ độ vô lượng chúng.
Cúng dường vô số Phật
Đầy đủ hạnh Bồ Tát
Mười lực các công đức
Chứng được vô thượng đạo.
Qua vô lượng kiếp sau
Kiếp tên Đại Bảo Nghiêm
Thế giới tên Ly Cấu
Thanh tịnh chẳng dơ bẩn.
Dùng lưu ly làm đất
Dây vàng giăng bên đường
Hàng cây xen bảy báu
Thường có hoa quả thật.

Lúc đó, Phật dùng kệ để tường thuật lại ý nghĩa trường hàng vừa nói ở trên.
Xá Lợi Phất ! Trong tương lai ông sẽ thành Phật đấng đại trí, phổ độ chúng sinh, hiệu là Hoa Quang Như Lai, độ vô lượng chúng sinh. Bởi ông từng cúng dường vô số chư Phật, đầy đủ lục độ vạn hạnh Bồ Tát đạo, có mười lực của Như Lai, tám giải thoát, thiền định công đức .v.v...

Đức Phật đó chứng được quả vị đạo vô thượng, trải qua vô lượng kiếp sau, kiếp tên Đại Bảo Trang Nghiêm, thế giới tên Ly Cấu, thanh tịnh chẳng dơ bẩn, dùng lưu ly làm đất, dây vàng giăng bên đường, hàng cây xen tạp bảy báu, thường có hoa quả thật đầy khắp, khiến cho ngưới thấy mà phát bồ đề tâm.

Các Bồ Tát nước đó
Chí niệm thường kiên cố
Thần thông Ba la mật
Thảy đều đã đầy đủ.
Nơi vô số chư Phật
Khéo học Bồ Tát đạo
Các Đại Sĩ như thế
Do Phật Hoa Quang độ.
Khi Phật làm vương tử
Bỏ nước xả vinh hoa
Ở nơi thân cuối cùng
Xuất gia thành Phật đạo.
Phật Hoa Quang trụ thế
Thọ mười hai tiểu kiếp
Chúng nhân dân nước đó
Thọ mạng tám tiểu kiếp.
Sau khi Phật diệt độ
Chánh pháp trụ ở đời
Ba mươi hai tiểu kiếp
Rộng độ các chúng sinh.
Chánh pháp diệt hết rồi
Tượng pháp ba mươi hai
Xá lợi rộng truyền khắp
Trời người đều cúng dường.
Sự việc Phật Hoa Quang
Đại khái là như thế
Đấng Lưỡng Túc Tôn kia
Tối thắng chẳng ai bằng.
Phật đó tức thân ông
Nên phải tự vui mừng.


Các đại Bồ Tát trong nước Đại Bảo Trang Nghiêm nầy, chí niệm đã được ba bất thối (vị bất thối, niệm bất thối, hạnh bất thối) và được đại thần thông, sáu Ba la mật, thảy đều đầy đủ. Ở chỗ vô số chư Phật thường hành Bồ Tát đạo, lục độ vạn hạnh. Tất cả các đại Bồ Tát đều do Phật Hoa Quang giáo hóa. Đức Hoa Quang Như Lai làm vương tử, thì xả bỏ tất cả vinh hoa phú quý, một đời cuối cùng xuất gia làm Tỳ Kheo, tu hành mà thành Phật đạo. Đức Hoa Quang Như Lai trụ thế sống lâu đến mười hai tiểu kiếp, nhân dân nước đó sống lâu đến tám tiểu kiếp. Sau khi Phật diệt độ, chánh pháp trụ ở đời đến ba mươi hai tiểu kiếp, rộng độ vô lượng chúng sinh. Sau khi thời đại chánh pháp diệt, thì đến thời đại tượng pháp cũng ba mươi hai tiểu kiếp. Xá lợi rộng truyền cho đời, trời người đều cúng dường bảo tháp xá lợi. Sự việc của Phật Hoa Quang đại khái là như thế. Đức Phật đầy đủ phước huệ chẳng ai sánh bằng, là Đức Hoa Quang Như Lai thân ông trong tương lai, nên mừng được thành Phật rộng độ chúng sinh.

Bấy giờ, bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trời, rồng, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, đại chúng, thấy Đức Phật thọ ký cho Ngài Xá Lợi Phất, sẽ thành Phật Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tâm rất vui mừng hớn hở vô cùng, ai nấy đều cởi y trên thân, để cúng dường Đức Phật. Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương, và vô số Thiên tử cũng đem y trời đẹp, hoa trời mạn đà la, hoa ma ha mạn đà la, cúng dường đức Phật, y trời tung lên bèn trụ ở trong hư không mà tự xoay vòng. Âm nhạc của chư thiên trăm ngàn vạn thứ, cùng một lúc đều tấu lên ở trong hư không, mưa xuống các hoa trời mà nói như vầy : Xưa kia đức Phật ban đầu chuyển pháp luân ở thành Ba La Nại, cho đến hôm nay mới chuyển pháp luân lớn nhất vô thượng.

Khi Đức Phật thọ ký cho tôn giả Xá Lợi Phất rồi, thì bốn chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, A Tu La (vô đoan chánh), Ca Lâu La (đại bành kim sí điểu), Khẩn Na La (thần nhạc), Ma Hầu La Gìa (đại mãng xà), tám bộ quỷ thần đều tụ tập nghe Phật thuyết pháp. Thấy Xá Lợi Phất ở trước Phật, được thọ ký vô thượng chánh đẳng chánh giác, tương lai sẽ thành Phật Hoa Quang, mọi người đều sinh tâm vui mừng. Ai nấy đều cởi y trên thân của mình đem cúng dường cho Đức Phật. Người xuất gia thì đem tổ y cúng dường (người xuất gia có ba y : Đại y còn gọi là tổ y, là y hai mươi lăm điều có 108 ô; thất y là y bảy điều; ngũ y là y năm điều; người xuất gia phải có ba vật thường bên mình tức là y, bình bát, tọa cụ).

Người tại gia cư sĩ thì cởi y phục tốt đẹp nhất trên thân đem cúng dường. Thích Đề Hoàn Nhân, Phạm Thiên Vương và vô số Thiên tử cũng đem y phục trời tốt đẹp, hoa trời mạn đà la (hoa nhỏ màu trắng), hoa ma ha mạn đà la (hoa lớn màu trắng) để cúng dường. Y của chư thiên cúng dường cho đức Phật, lơ lửng xoay vòng ở trong hư không, và có trăm ngàn vạn thứ nhạc trời đồng tấu lên ở trong hư không, đều cùng nhau nói: Xưa kia đức Phật ở thành Ba La Nại, ban đầu chuyển bánh xe pháp, cho đến hôm nay, mới diễn nói diệu pháp lớn nhất vô thượng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, khai quyền hiển thật.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy