× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Thọ Lượng Của Như Lai thứ mười sáu - Phần 1

Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật. Mười danh hiệu là gì ? Tức là Như Lai, ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, đủ mười hiệu này nên gọi là Thế Tôn. Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều gọi là Như Lai. Như Lai là gì ? Tức là : 

‘’Thừa như thật chi đạo,
Lai thành chánh giác.’’

Thừa là trí như như, lai là cảnh như như. Dùng trí như như để quán sát cảnh như như. Cảnh trí như như, cảnh trí hợp mà làm một. Tóm lại, cũng chẳng có cảnh, cũng chẳng có trí. Đạo là nhân, giác là quả. Đây là cảnh giới nhân viên quả mãn, cho nên gọi là ‘’Như Lai.’’ Như Lai có hai thân, tức là chân thân và ứng thân. Chân thân là pháp thân, ứng thân là hóa thân, tuy danh từ khác nhau, song thể dụng giống nhau. Theo căn cơ chúng sinh mà hiện thân, để vì chúng sinh nói pháp. Do đó : 

‘’Bất biến tùy duyên, tùy duyên bất biến.’’ 

Ví dụ như : Chân thân cũng như mặt trăng sáng ở trong hư không, ứng thân giống như bóng mặt trăng ở trong nước. Do đó, có câu : 

‘’Thiên đàm hữu thủy thiên đàm nguyệt.’’

Nghĩa là : 

‘’Ngàn ao hồ có ngàn mặt trăng hiện vào.’’

Phàm là nơi nào có nước, chỉ cần lắng trong không đục, thì mặt trăng đều hiện bóng vào. Song, mặt trăng trong nước chẳng đi, mặt trăng trên trời cũng chẳng đến. Cho nên nói:

"Như Lai chẳng đến chẳng đi".

Tuy Đức Phật thị hiện đến thế giới này, song cũng chẳng sinh; tuy thị hiện nhập diệt, cũng chẳng có diệt. Tại sao ? Vì bổn thể của Ngài chẳng động. Đó là cảnh giới không sinh mà thị hiện sinh, không diệt mà thị hiện diệt, khiến cho chúng sinh đừng chấp trướccó sinh có diệt. Phật thì không sinh không diệt, huệ mạng của Phật cũng chẳng có hạn lượng, về thời gian là vô hạn, về không gian là vô lượng. Như Lai có ba thân, tức là :

1). Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật, dịch là "Biến mãn nhất thiết xứ" (đầy khắp mọi nơi). Trí huệ quang của Ngài chiếu khắp hư không, tận hư không biến pháp giới. Pháp thân của Phật vô tại vô bất tại. Tại sao ? Vì pháp thân của Phật không hình không tướng, thuần nhất thanh tịnh, chân Phật vô hình, cho nên không có chỗ nào mà chẳng phải là pháp thân ở tại chỗ đó.
Có người khởi vọng tưởng : ‘’Đại khái nơi chẳng thanh tịnh, thì chẳng có pháp thân của Phật‘’ ! Nói cho bạn biết ! Pháp thân của Phật chẳng có chỗ nào mà không có (vô sở bất tại). Thanh tịnhhay không thanh tịnh, là do tâm phân biệt của phàm phu mà nói. Tại cảnh giới của Phật mà nói, thì không thanh tịnh cũng biến thànhthanh tịnh. Ở trước kinh này có nói về ba lần biến đất đai, tức là không thanh tịnh biến thành thanh tịnh.

2). Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật, dịch là "Tịnh mãn". Tức là các hoặc đều tịnh, trí huệ viên mãn. Khi Đức Phật chứng đạo dưới cội bồ đề, thì hiện thân Lô Xá Na ngàn trượng, để vì pháp thân Đại sĩ (Bồ Tát) nói Kinh Hoa Nghiêm. Hàng tiểu thừa thấy Phật chỉ là tướng Tỳ Kheo một trượng sáu, do đó ‘’Có mắt chẳng thấy Lô Xá Na, có tai chẳng nghe giáo viên đốn.’’ Đây là hình dung hàng tiểu thừa chẳng có căn tánhđại thừa. Tuy nhiên ở tại hiện trường mà giống như kẻ mù kẻ điếc.

Có người hỏi : ‘’Hàng nhị thừa là bậc Thánh nhân, sao chẳng thấy Phật chẳng nghe pháp; chúng ta là phàm phu, sao lại thấy được Kinh Hoa Nghiêm‘’ ?
Đáp : ‘’Vì hàng nhị thừa cơ duyên còn chưa thành thục, cho nên chẳng nghe pháp đại thừa. Chúng ta gặp được Kinh Hoa Nghiêm, phải cảm kích ân điển của Bồ Tát Long Thọ. Trong quá khứ chúng ta đã gieo trồng căn lành, kết pháp duyên với Kinh Hoa Nghiêm, cho nên đời này được nghe kinh điển này.’’

Sau khi Đức Phật vào Niết Bàn, khoảng sáu trăm năm sau, Bồ Tát Long Thọ ra đời ở Ấn Độ, Ngài có trí huệ hơn người, bất cứ kinh gì sách gì, qua mắt rồi thì không bao giờ quên, thuộc lòng như nước chảy. Ngài đọc hết tất cả kinh sách thế gian, chẳng còn sách gì để đọc, Long Vương thỉnh Ngài xuống lầu tạng kinh ở dưới Long Cung, để đọc kinh điển đại thừa. Ngài phát hiện bộ Kinh Hoa Nghiêm, gồm có quyển thượng, trung, hạ ba quyển. Quyển thượng và quyển trung quá nhiều bài kệ, người thế gian không thể tiếp thọ được, chỉ có quyển hạ có mười vạn bài kệ. Ngài tốn ba ngày thời gian, mới đọc xong mười vạn bài kệvà nhớ vào trong não hải, rồi trở về Ấn Độ, viết ra trên lá bối chẳng xót một chữ, trở thành bộ kinh ‘’Không thể nghĩ bàn,’’ lưu truyền ở nhân gian. Kinh Hoa Nghiêm mà chúng ta gặp là bộ kinh này. Nhân duyên của chúng ta thành thục, tương lai khi giảng xong bộ Kinh Pháp Hoa, thì chúng ta tiếp tục giảng bộ Kinh Hoa Nghiêm. Tôi ước lượng khoảng mười năm mới giảng xong bộ Kinh Pháp Giới này.

Nói đến đây lại có người khởi vọng tưởng : ‘’Bồ Tát Long Thọ làm sao mà xuống Long cung được ? Ngài lặn xuống nước chăng‘’ ? Phàm là người chứng quả, đều có thần thông, vào đất như vào nước, đi trong nước như đi trên đất. Ngài đến bờ biển thì nước biển tự nhiên rẽ ra thành đường đi, chân Ngài chẳng dính nước, bèn đi đến Long cung, bạn nói có diệu chăng ! Bạn có muốn xuống Long cung tham quan chăng ? Hãy mau ngồi thiền nhập định, đắc được ngũ nhãn lục thông, thì bất cứ muốn đến đâu, cũng đều toại tâm như ý, chẳng bị vật gì hạn chế.

3). Thiên Bách ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật, dịch là "Năng nhân tịch mặc". Nghĩa là thân khẩu ý ba nghiệp, lìa các lỗi ác được vắng lặng. Phật tùy loại chúng sinh mà hiện thân để giáo hóa. Tóm lại, theo cơ của chúng sinh mà hiện thân nói pháp, chẳng những ở thế giới này nói pháp, mà còn nói pháp ở khắp mười phương vô lượng thế giới, để giáo hóa chúng sinh.
Phẩm này là vì giải quyết lòng nghi của chúng mà nói : ‘’Ta thành Phật đến nay rất là lâu xa, thọ mạng của Như Lai vô lượng A tăng kỳ kiếp.’’ Phẩm này nói rõ công đức báo thân và trí huệ của Phật, trên thì hợp với thật tướng, dưới thì khế với chúng sinh.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Bồ Tát và tất cả đại chúng : Các thiện nam tử ! Các ông nên tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai. Lại bảo đại chúng : Các ông nên tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai. Lại bảo đại chúng : Các ông nên tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai. 

Sau khi Đức Phật nói xong Phẩm Từ Dưới Đất Vọt Lên rồi, bèn nói Phẩm Thọ Lượng của Như Lai. Lúc đó, Phật bảo tất cả Bồ Tát và đại chúng trong hội Pháp Hoa nói : ‘’Các vị thiện nam tử ! Các ông hãy thanh tịnh tâm của mình, thu nhiếp ý của mình, chú ý lắng nghe ! Nên tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai.’’ Trước kia nói pháp ba thừa, là tùy phương tiện mà nói, bây giờ nói pháp một thừa, nên gọi là pháp chân thật.
Đức Thế Tôn sợ rằng hàng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, trong pháp hội khởi vọng tưởngchẳng chú ý nghe pháp, cho nên lại nói lần nữa : ‘’Các ông nên tin hiểu lời nói chân thật của Như Lai.’’

Bấy giờ, trong đại chúng Bồ Tát, Bồ Tát Di Lặc làm thượng thủ, chắp tay bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Xin hãy nói đi, chúng con sẽ tin nhận lời của đức Phật nói, bạch ba lần như thế rồi nói : Xin hãy nói đi, chúng con sẽ tin nhận lời của đức Phật nói.

Lúc đó, trong đại chúng Bồ Tát nghe Phật nói ba lần như thế. Bồ Tát Di Lặc đại biểu cho đại chúng, hướng về Đức Phật cung kính chắp tay mà bạch rằng : ‘’Đức Thế Tôn ! Xin Ngài hãy vì chúng con mà nói lời chân thật, chúng con sẽ tin sâu tiếp thọ lời nói của Phật, tuyệt đối chẳng hoài nghi pháp của Phật nói.’’ Nói như thế ba lần, thì Phật yên lặng chẳng nói (ba lần thỉnh pháp để biểu thị chí thành khẩn thiết). Bồ Tát Di Lặc lại nói : ‘’Xin Đức Thế Tôn hãy vì chúng con mà nói, chúng con nhất định tin nhận lời của Phật nói.’’

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết các Bồ Tát ba lần thỉnh không ngừng, bèn bảo rằng : Các ông hãy lắng nghe, sức thần thông bí mật của Như Lai, tất cả thế gian trời người và A tu la, đều cho rằng hôm nay đức Phật Thích Ca Mâu Ni, lìa bỏ hoàng cung đến thành Già Gia chẳng bao xa, ngồi nơi Đạo tràng, đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Lúc đó, Phật biết các vị Bồ Tát ba lần thỉnh pháp không ngừng, bèn nói với các vị Bồ Tát rằng : ‘’Các ông phải nghe cho kỹ ! Sức thần thông bí mật của Như Lai.’’ Tất cả thế gian trời người và A tu la đều nói rằng : ‘’Hiện tại Phật Thích Ca Mâu Ni, lìa khỏi cung điện của vua Tịnh Phạn, đi đến thành Già Gia chẳng bao xa, ngồi dưới cội bồ đề, chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.’’

Thiện nam tử ! Thật ra, từ khi ta thành Phật đến nay, đã vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức Na do tha kiếp. Ví như, năm trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ, ba ngàn đại thiên thế giới. Giả sử, có người nghiền ra thành bụi, đi qua phương đông, năm trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ cõi nước, mới để xuống một hạt bụi, cứ theo hướng đông làm như thế, hết số hạt bụi đó.

Thiện nam tử ! Thật ra ta thành Phật đến nay, đã có vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức Na do tha kiếp. Chứ chẳng phải hiện tại mới chứng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Ví như, có năm trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ (vô lượng số), ba ngàn đại thiên thế giới. Giả sử, có người đem hết các thế giới đó nghiền ra thành bụi, đi thẳng về phương đông, qua năm trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ cõi nước, mới để xuống một hạt bụi, để hết số hạt bụi, chẳng còn hạt bụi nào cả.

Các thiện nam tử ! Ý của các ông thế nào? Các thế giới đó, có thể suy nghĩ tính đếm biết được số bao nhiêu chăng?

Các thiện nam tử ! Ý của các ông thế nào ? Những thế giới như thế có bao nhiêu ? Các ông có thể suy nghĩ, tính đếm cứu kính có bao nhiêu số mục, các ông có biết số chắc chắn là bao nhiêu chăng ?

Bồ Tát Di Lặc và hết thảy Bồ Tát, đều bạch đức Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Các thế giới đó vô lượngvô biên, chẳng phải tính đếm mà biết được. Tất cả hàng Thanh Văn, Bích Chi Phật, dùng trí huệ vô lậu, cũng không thể suy nghĩ biết được số lượng. Chúng con trụ ở bậc bất thối, ở nơi việc này, cũng chẳng biết được. Đức Thế Tôn ! Các thế giới như thế vô lượng vô biên.

Bồ Tát Di Lặc và tất cả Bồ Tát đồng thời nói với Phật : ‘’Đức Thế Tôn ! Những thế giới đó vô lượng vô biên, chẳng phải tính toán mà biết được số mục, cũng chẳng phải dùng sức tâm của một số người, mà tưởng tượng đến được. Dù tất cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác, dùng trí huệ vô lậu để suy nghĩ cũng chẳng biết được số mục. Chúng con hàng Bồ Tát đều trụ ở bậc bất thối, ở nơi việc này cũng chẳng biết được. Đức Thế Tôn ! Những thế giới đó chẳng có số lượng, chẳng có bờ bến, không thể nói, không thể hình dung được.’’

Bấy giờ, đức Phật bảo đại chúng Bồ Tát : Các thiện nam tử ! Nay ta phân minh nói cho các ông nghe, các thế giới đó, hoặc để hạt bụi, hoặc không để, đều nghiền ra thành bụi hết, một hạt bụi là một kiếp. Từ ta thành Phật đến nay, còn nhiều hơn số đó, trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ kiếp. Từ đó đến nay, ta thường ở tại thế giới Ta Bà này, thuyết pháp giáo hóa, cũng ở nơi trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ cõi nước khác, giáo hóa lợi ích chúng sinh.

Lúc đó, Đức Phật bảo các đại Bồ Tát ở trong pháp hội rằng : ‘’Các vị thiện nam tử ! Nay ta sẽ phân minhnói rõ cho các ông nghe. Đi về hướng đông, trải qua vô lượng thế giới như thế, hoặc để một hạt bụi xuống, hoặc không để hạt bụi xuống, lại đem tất cả những thế giới đó, đều nghiền ra thành bụi. Một hạt bụi là một kiếp, từ khi ta thành Phật đến nay, đã trải qua nhiều hơn số kiếp hạt bụi đó, khoảng trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ đại kiếp. Từ đó đến nay, ta thường ở tại thế giới Ta Bà này, thuyết pháp giáo hóa chúng sinh, cũng ở những thế giới khác giáo hóa chúng sinh, tại trăm ngàn vạn ức Na do tha A tăng kỳ cõi nước, giáo hóa lợi ích tất cả chúng sinh.’’

Các thiện nam tử ! Trong khoảng giữa đó, ta nói Phật Nhiên Đăng, và còn nói đức Phật đó vào Niết Bàn. Như thế đều dùng phương tiện phân biệt.

Các vị thiện nam tử ! Từ lúc ban đầu ta thành Phật, đến hiện tại pháp hội Linh Sơn, trong khoảng giữa này ta đã từng nói qua : ‘’Ta ở vào thời Phật Nhiên Đăng, tên là Bồ Tát Thiện Huệ. Sau gặp Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ta, vào thời kỳ Hiền Kiếp, sẽ được thành Phật hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni.’’ Ta lại nói : ‘’Phật Nhiên Đăng nhập Niết Bàn vào thời nào‘’? Những pháp ta nói đó, thật là pháp phương tiện, vì đối với căn tánh của chúng sinh mà nói ra nhân duyên đó, sự tích đó. Thật tế thì chẳng phải như thế, chẳng qua phương tiện phân biệt nói mà thôi. Các ông đừng cho nó là thật.

Các thiện nam tử ! Nếu có chúng sinh đến chỗ ta, thì ta dùng mắt Phật quán sát, niềm tin và các căn lợi độn của họ, để độ họ. Nơi nơi tự nói danh tự khác nhau, tuổi tác lớn nhỏ, cũng hiện nói sẽ vào Niết Bàn, lại dùng đủ thứ phương tiện nói pháp vi diệu, khiến cho chúng sinh phát tâm hoan hỷ.

Các vị thiện nam tử ! Giả sử có chúng sinh đến chỗ ta, thì ta dùng mắt Phật để quán sát năm căn của họ, là lợi hay là độn, để thuyết pháp giáo hóa họ.
Nếu người có tín căn mà nghe Phật pháp, thì họ liền tin, chẳng sinh tâm hoài nghi, giữ quy cụ chẳng phóng dật. Sau khi tin Phật pháp rồi, thì còn phải tinh tấn nỗ lực tu hành. Bằng không, có tín căn mà chẳng tinh tấnthì đó là ‘’khẩu đầu thiền.’’ Nói mà chẳng làm thì cũng như không, chẳng ích lợi gì. Phải từ từ đi đứng nằm ngồi, niệm niệm không quên mới có công hiệu. Những pháp môn học được, chẳng thiết thực nghiên cứu, chẳng chuyên tâm đọc tụng, thậm chí một ngày nóng mười ngày lạnh, thì vĩnh viễn chẳng đắc được giải thoát. Niệm căn bất thối thì mới sinh ra định căn. Có định căn rồi thì mới sinh huệ căn. Năm căn này đều có mối quan hệ với nhau. Người chẳng có định căn, khi cảnh giới đến khảo nghiệm thì hồ đồ. Tại sao ? Vì chẳng có huệ căn, cho nên huệ căn rất là quan trọng. Do năm căn mà sinh ra năm lực, năm lực trợ giúp thành tựu đạo nghiệp.

Lợi căn là người thông minh, độn căn là người ngu si. Người thông minh thì không bị cảnh giới chuyển, mà chuyển được cảnh giới. Cảnh giới ác chuyển thành cảnh giới thiện, cảnh giới nghịch chuyển thành cảnh giới thuận. Người ngu si thì ngược lại, việc tốt làm thành việc xấu, việc thiện làm thành việc ác, cứ làm việc điên đảo. Tại sao lại thông minh ? Vì làm nhiều công đức, chẳng làm việc thất đức. Tại sao lại ngu si ? Vì chẳng làm việc công đức, cứ muốn chiếm tiện nghi, chẳng chịu thiệt thòi. Phải hiểu rằng : 

‘’Thiệt thòi là chiếm tiện nghi.’’

Đạo lý này các vị hãy nghiên cứu thì sẽ biết nghĩa của nó.
Lão Tử từng nói qua bài này rằng : 

‘’Đại đạo phế, hữu nhân nghĩa.
Trí huệ xuất, hữu đại ngụy.
Lục thân bất hòa, hữu hiếu tử,
Quốc gia hỗn loạn, hữu trung thần.’’

Nghĩa đại khái là : Đại đạo chẳng còn, thì mới đi giảng về nhân nghĩa. Người có trí huệ xuất hiện, thì trên thế gian sẽ có việc gian ngụy phát sinh. Gia đình bất hòa thì mới hiển lộ người con có hiếu. Nước nhà hỗn loạn, thì mới xuất hiện trung thần. Tục ngữ có câu : 

‘’Chẳng có núi cao thì không hiển lộ đất bằng.’’

Khi nước nhà thái bình, thì ai ai cũng đều là người tốt, chẳng phân biệt được người trung kẻ gian. Khi đất nước đại loạn, thì mới biết rõ trung thần báo quốc, gian thần bán nước, xưa nay đều rõ ràng.

Phật tùy theo chúng sinh nào độ được, thì thuyết pháp giáo hóa họ, cho nên nơi nơi chốn chốn, tự nói danh hiệu của mình, hoặc là nói Tỳ Lô Giá Na, hoặc nói Lô Xá Na, hoặc nói Thích Ca Mâu Ni. Tuy danh hiệukhác nhau, song đều là một người. Tuổi tác của Phật ở đời, hoặc lớn, hoặc nhỏ, hoặc già, hoặc trẻ, đều khác nhau. Lại đối với hàng đệ tử nói : ‘’Hiện tại ta sẽ vào Niết Bàn.’’ Kỳ thật, Phật cũng chẳng sinh, cũng chẳng diệt, thường ở tại cõi Thường Tịch Quang thuyết pháp. Lại dùng đủ thứ phương tiện pháp môn, diễn nói pháp vi diệu không thể nghĩ bàn, khiến cho chúng sinh hoan hỷ.

Các thiện nam tử ! Như Lai thấy các chúng sinh ưa thích pháp tiểu thừa, đức mỏng, trần cấu nặng, thì vì người đó nói : Ta thiếu niên xuất gia, đắc được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. Nhưng thật ra, ta thành Phật đến nay, rất là lâu xa, nhưng dùng phương tiện giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ vào Phật đạo, mà nói như thế.

Các vị thiện nam tử ! Như Lai quán sát căn cơ của tất cả chúng sinh, để vì họ nói pháp. Có chúng sinhthích pháp tiểu thừa, thì vì họ nói pháp tiểu thừa. Có chúng sinh hoan hỷ pháp đại thừa, thì vì họ nói pháp đại thừa. Đối với chúng sinh phước mỏng đức cạn, hoặc phiền não cấu nặng, độn căn thì nói : ‘’Ta lúc thiếu niên xuất gia tu đạo, đã chứng quả giác Vô thượng chánh đẳng chánh giác.’’ Song, thật ta thành Phật đến nay rất là lâu xa, đã vượt hơn số bụi A tăng kỳ kiếp. Nhưng dùng pháp môn quyền xảo phương tiện, để giáo hóa chúng sinh, khiến cho họ cải tà quy chánh, hồi tiểu hướng đại, phát tâm bồ đề chứng nhập Phật đạo, cho nên mới nói pháp như thế.

Các thiện nam tử ! Như Lai nói tất cả kinh điển, đều vì độ thoát chúng sinh, hoặc nói thân mình, hoặc nói thân của chư Phật, hoặc thị hiện thân mình, hoặc thị hiện thân Phật khác, hoặc nói việc của mình, hoặc nói việc của Phật khác. Những lời nói ra, đều chân thật không hư.

Các vị thiện nam tử ! Như Lai nói tất cả kinh điển, đều vì độ thoát tất cả chúng sinh, lìa khổ được vui mà nói. Vì chúng sinh có tám vạn bốn ngàn trần lao, cho nên mới nói ra tám vạn bốn ngàn pháp môn. Mỗi pháp môn đối trị mỗi chứng bệnh. Đối với chúng sinh tâm tham nặng, thì nói quán pháp bất tịnh; đối với chúng sinh tâm sân nặng, thì nói quán pháp từ bi; đối với chúng sinh tâm si nặng, thì nói quán pháp nhân duyên. Tóm lại, theo bệnh cho thuốc, thì mới có công hiệu. Phật dùng đủ thứ pháp môn, đối trị đủ thứ tập khí mao bệnh của chúng sinh.

Phật giáo hóa chúng sinh, hoặc nói thân mình, hoặc nói thân của chư Phật, dùng thân làm khuôn phép, làm mô phạm cho chúng sinh, hoặc thị hiện thân mình, hoặc thị hiện thân Phật khác, để làm mô phạm khiến cho chúng sinh học theo, hoặc nói nhân duyên bổn sinh bổn sự của chư Phật, Bồ Tát, Bích Chi Phật, A La Hán. Những lời nói ra đều chân thật không hư.

Tại sao ? Vì Như Lai thấy biết tướng ba cõi như thật, chẳng có sinh tử, hoặc thối lùi, hoặc xuất hiện, cũng chẳng tại thế, hoặc diệt độ, chẳng thật, chẳng hư, chẳng như, chẳng khác. Chẳng như ba cõi, mà thấy ba cõi. Những sự việc đó, chỉ có Như Lai mới thấy rõ, chẳng có sai lầm.

Đây là nguyên nhân gì ? Như Lai dùng tri kiến chân như thật trí, chiếu thấy tướng của ba cõi chẳng có sinh tử. Tại bổn thân của Phật mà nói, thì chẳng có sinh, cũng chẳng có diệt, cũng chẳng có thối lùi, cũng chẳng có xuất hiện, cũng chẳng trụ thế, cũng chẳng diệt độ.
Một số phàm phu, quán tất cả pháp là thật có, hàng nhị thừa quán tất cả pháp là không tướng, Phật quán tất cả pháp là chẳng thật chẳng hư. Tóm lại, trung đạo mới là chân không diệu hữu; diệu hữu không ngại chân không. Cũng chẳng phải như, chẳng phải khác. Sao gọi là chẳng phải như ? Chẳng phải một. Sao gọi là chẳng phải khác ? Cũng chẳng phải hai. Chẳng giống như chúng sinh trong ba cõi, thấy ba cõi thì có ba cõi. Tại Phật mà nói, thì chẳng có sinh tử, chẳng có ba cõi. Những sự việc như thế chỉ có Như Lai mới thấy rõ chẳng có sai lầm.

Vì chúng sinh có đủ thứ tánh, đủ thứ dục, đủ thứ hạnh, đủ thứ nghĩ nhớ phân biệt. Phật muốn khiến cho sinh các căn lành, cho nên dùng đủ thứ nhân duyên, ví dụ lời lẽ, đủ thứ thuyết pháp, làm các Phật sự, chưa từng tạm phế bỏ.

Vì hết thảy chúng sinh đều có đủ thứ tập tánh, đủ thứ dục vọng, đủ thứ nghiệp hành, đủ thứ nghĩ nhớ phân biệt. Phật muốn khiến cho chúng sinh trồng tất cả căn lành, cho nên dùng đủ thứ nhân duyên, đủ thứ ví dụ, đủ thứ lời lẽ, đủ thứ thuyết pháp. Làm những Phật sự từ lâu xa đến nay, chưa từng tạm thời phế bỏ. Tóm lại, ngày ngày làm Phật sự chẳng có ngừng nghỉ.
Chúng sinh là gì ? Phàm là có huyết, có khí, có mạng sống, đều là chúng sinh, tức cũng là do chúng duyên hòa hợp mà sinh. Phi, tiềm, động, thực, đều là hữu tình chúng sinh, cây, cỏ, vàng, đá, là vô tình chúng sinh, hữu tình chúng sinh đang nói pháp, vô tình chúng sinh cũng đang nói pháp, bất quá chúng ta phàm phu chẳng thấu được mà thôi, bậc Thánh nhân chứng được ngũ nhãn lục thông, đều biết đều thấy.

Như thế, từ khi ta thành Phật đến nay, rất là lâu xa, thọ mạng vô lượng A tăng kỳ kiếp, thường trụbất diệt.

Như ở trên vừa nói, từ khi ta thành Phật đến nay, thời gian rất là lâu xa, tuổi thọ vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, thường trụ ở cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ, cũng chẳng sinh, cũng chẳng diệt. Và chẳng phải chỉ chứng đạo ở dưới cội bồ đề, nhập diệt tại Sa La song thọ. Đó bất quá là phương tiện thị hiện mà thôi.

Các thiện nam tử ! Thuở xưa, ta hành Bồ Tát đạo, được tuổi thọ đến nay vẫn chưa hết, lại tăng thêm. Nay chẳng phải thật diệt độ, mà nói là sẽ diệt độ. Như Lai dùng phương tiện đó, để giáo hóachúng sinh.

Các vị thiện nam tử ! Thuở xưa, khi ta hành Bồ Tát đạo, được tuổi thọ đến nay vẫn chưa hết. Còn lâu dàihơn hạt bụi số kiếp đã nói ở trên. Hiện tại ta muốn vào Niết Bàn, chẳng phải thật diệt độ, chỉ là phương tiệnnói pháp, bèn nói là sẽ diệt độ. Như Lai vì phương tiện giáo hóa chúng sinh, mà nói như thế.

Tại sao ? Nếu Phật sống lâu ở đời, thì người đức mỏng chẳng trồng căn lành, bần cùng hạ tiện tham trước năm dục, vào trong lưới vọng kiến nhớ tưởng.

Tại sao Phật có diệt độ, mà nói là chẳng có diệt độ ? Phật vốn là chẳng sinh chẳng diệt. Nếu như Phật sống lâu ở đời chẳng vào Niết Bàn, thì người phước mỏng sinh tâm ỷ lại, chẳng muốn trồng căn lành. Tâm nghĩ : ‘’Phật còn ở đời, mình từ từ trồng căn lành cũng chưa muộn, còn có nhiều thời gian.’’ Cho nên, bổn ý của Phật thị hiện Niết Bàn, là khiến cho chúng sinh sớm trồng căn lành, sớm thành Phật đạo.

Giảng đến đây, tôi nhớ lúc ở đông bắc bên Tàu, đệ tử quy y với tôi thì rất đông, song đệ tử tu hành thì rất ít. Dạy họ tu hành thì có người nói : ‘’Tôi chẳng có thời giờ tu, khi về già tu cũng chưa muộn.’’ Sau khi tôi rời khỏi đông bắc đến Hương Cảng, thì có nhận thư của đệ tử gởi đến nói : ‘’Người đó bây giờ tu hành, rất là nỗ lực, chẳng giải đãi nữa.’’ Vì sư phụ không có ở đó, thì họ mới tu hành. Nếu sư phụ ở đó, thì họ chưa chịu tu hành. Sau khi tôi đến Hương Cảng, cũng có rất nhiều người quy y, song tu hành chẳng nhận chân. Tôi rời khỏi Hương Cảng đến nước Mỹ, thì lúc này họ mới biết chẳng có sư phụ, thì phát sinh những việc khó khăn, chẳng cách gì giải quyết được. Do đó, thơ này thì thỉnh sư phụ trở về, thư kia thì thỉnh sư phụgiúp đỡ. Tóm lại, ngày ngày gặp mặt, thì chẳng cảm thấy quan trọng, khi không gặp thì mới biết là quan trọng.
Nguyên nhân Phật chẳng ở lại đời, là vì chúng sinh bần cùng hạ tiện, tham trước năm dục, chẳng biết chẳng hay, đọa vào trong lưới vọng kiến nhớ tưởng điên đảo, làm che lấp đi trí huệ quang minh, cứ làm việc điên đảo.
Tại sao người lại bần cùng ? Vì kiếp trước chưa làm việc công đức, cũng chẳng trồng căn lành, cứ nghĩ muốn chiếm tiện nghi, cho nên đời này chẳng có phước báo.

Nếu thấy Như Lai thường ở đời chẳng nhập diệt, thì họ sẽ sinh tâm kiêu mạn phóng túng, mà ôm lòng nhàm chán giải đãi, chẳng sinh tâm khó được gặp Phật, chẳng sinh tâm cung kính. Do đó, Như Lai dùng phương tiện nói : Tỳ Kheo nên biết, chư Phật ra đời rất khó được gặp.

Chúng sinh tham luyến năm dục, nếu thấy Phật thường ở đời mà không nhập diệt, thì họ bèn sinh tâm kiêu mạn phóng túng, chẳng giữ quy cụ. Họ ngày ngày thấy Phật, thời thời gặp Phật, thì sinh tâm nhàm chángiải đãi, mà chẳng sinh tâm khó được gặp Phật ở đời, chẳng sinh tâm cung kính Tam Bảo. Do đó, cho nên Như Lai phương tiện nói : ‘’Này các Tỳ Kheo ! Các ông nên biết, mười phương chư Phật xuất hiện ra đời, chẳng dễ gì gặp được.’’

Tại sao ? Vì những người đức mỏng, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, hoặc có gặp Phật, hoặc không gặp Phật. Nhờ việc đó mà ta nói rằng : Các Tỳ Kheo ! Như Lai khó có thể được gặp, những chúng sinh đó nghe lời như thế, thì sẽ sinh tâm khó được gặp Phật, ôm lòng luyến mộ khát ngưỡng đối với Phật, bèn trồng căn lành. Do đó, tuy Như Lai chẳng thật diệt, mà nói là diệt độ.

Vì sao nói rất khó được gặp Phật ? Vì tất cả những người phước mỏng, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức kiếp, hoặc có gặp được Phật, hoặc không gặp được Phật. Vì lẽ đó, cho nên ta mới nói : ‘’Này các Tỳ Kheo ! Như Lai rất khó gặp được.’’ Những chúng sinh đó, nghe ta nói như thế, thì bèn sinh tâm khó gặp Phật ra đời, trong tâm bèn luyến mộ Phật, khát ngưỡng Phật, bèn trồng xuống căn lành. Vì lẽ đó, cho nên Như Lai tuy chẳng phải thật nhập diệt, mà phương tiện nói là nhập diệt. Kỳ thật, bây giờ Phật vẫn còn ở tại pháp hội Linh Sơn, diễn nói Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chưa tan hội. Có gì chứng minh ? Vào đời Tùy, Thiên Thai Trí Giả Đại Sư, Ngài tụng Kinh Pháp Hoa đến Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự, bèn nhập định thấy được cảnh giới này, do Ngài Huệ Tư Đại Sư ấn chứng rằng : 

- ‘’Phi nhữ mạc thức, phi ngã mạc chứng.’’ 

Do đó có thể biết, thật có việc đó chứ chẳng hư cấu. Tổ Sư đại đức chẳng nói dối.

Lại nữa ! Thiện nam tử ! Pháp của chư Phật Như Lai đều như thế, vì độ chúng sinh, đều thật chẳng hư. 

Các vị thiện nam tử ! Mười phương ba đời tất cả chư Phật đều nói pháp như thế, do đó ‘’Phật Phật đạođồng.’’ Vì giáo hóa chúng sinh mà nói pháp, đều chân thật chẳng hư. Trước hết nói pháp ba thừa, đó là vì thật thí quyền; bây giờ nói pháp một thừa, đó là khai quyền hiển thật. Trước ba sau một, vì khai ngọn hiển gốc, gốc ngọn chẳng lìa. Đây là pháp "hết ba về một, hết ngọn về gốc".

Ví như vị lương y trí huệ thông đạt, biết luyện chế thuốc, khéo chữa lành các chứng bệnh. Có rất nhiều người con, hoặc mười, hai mươi, cho đến một trăm người. Vì có duyên sự nên đi xa đến nước khác. Các người con sau này, uống nhầm thuốc độc, thuốc phát buồn bực điên loạn, lăn lóctrên đất.

Phật vì nói rõ đạo lý này, mới đưa ra ba mươi ví dụ để giải thích. Ví dụ tuy chẳng phải là chân lý, nhưng có thể nói rõ chân lý, cho nên có kinh ví dụ truyền bá trên thế gian.
Ví như có vị lương y trí huệ rất thông minh, biết rõ tính thuốc khéo điều trị tất cả nghi nan tạp chứng. Vị lương y này (đại biểu cho Phật), có rất nhiều con (đại biểu cho chúng sinh), hoặc mười (thập địa Bồ Tát) người con, hoặc hai mươi (nhị thừa) người con, cho đến một trăm (đại biểu cho trăm pháp giới) người con. Vị lương y này, vì có bệnh nhân đặc biệt, nên đi xa đến nước khác, do đó chẳng cách chi chiếu cứ các người con ở nhà. Các người con ở nhà đều rất thơ bé, chẳng ai chăm sóc, bèn lấy thuốc độc uống, bị trúng độc. Trong tâm phiền muộn điên loạn, nằm lăn lóc trên đất, thống khổ không thể tả.

Bấy giờ, người cha trở về nhà, các người con uống thuốc độc, hoặc có người mất bản tâm, hoặc có người không mất, ở xa trông thấy cha về, đều rất vui mừng, quỳ lạy thăm hỏi cha được bình antrở về. Chúng con ngu si, uống lầm thuốc độc, xin cha hãy cứu chữa, khiến cho chúng con khỏi bệnh được sống lâu.

Trong lúc khẩn cấp, thì người cha từ nước khác trở về. Những người con này đã uống thuốc độc, có người đã mất tri giác, có người còn tỉnh táo, trúng độc chẳng nặng lắm. Họ ở đằng xa nhìn thấy người cha trở về, ai nấy đều rất mừng rỡ : ‘’Ba Ba ! Ba được bình an trở về, không việc gì chứ ! Chúng con anh em quá ngu si, uống thuốc độc mà cứ tưởng là nước đường. Xin ba hãy tha thứ sự ngu si của chúng con, hãy cứu chữa khiến cho chúng con khỏi bệnh, để sống lâu trăm tuổi.’’

Người cha thấy các con đau khổ như thế, bèn y theo các phương pháp, tìm cỏ thuốc tốt, sắc vịthơm ngon thảy đều đầy đủ, đâm giã sàng rồi hòa hợp cho các người con uống, mà nói rằng : Đây là thuốc hay, sắc vị thơm ngon thảy đều đầy đủ, các con hãy uống đi, thì sớm sẽ hết khổ não, chẳng còn bị bệnh nữa.

Vị lương y đó từ nước ngoài trở về, phát hiện con của mình vì tham ăn mà trúng độc. Có người bất tỉnh nhơn sự, có người còn tỉnh, song đều rất đau khổ, thật đáng thương xót. Bèn y chiếu theo các phương pháp tìm cỏ thuốc giải độc hữu hiệu nhất, có màu sắc dễ nhìn, mùi vị ngon ngọt, cho nên nói là sắc vị thơm ngon đều đầy đủ, khiến các người con hoan hỷ uống thuốc giải độc này (Phật pháp). Vị lương y đem thuốc đâm giã rồi sàng lấy bột mịn, thêm mật ong hòa hợp làm thành viên. Các người con uống rồi bèn giải trừđộc tố, nhanh chóng khôi phục sức khoẻ.

Về sau người cha nói với các con rằng : ‘’Thuốc rất hay này, sắc cũng thơm, vị cũng ngon. Các con hãy mau uống vào, thì sẽ giải trừ được đau khổ lập tức hết bệnh, chẳng còn bị bệnh nữa, thứ thuốc này là vạn linh đan, trị được bá bệnh, có bệnh thì trị bệnh, không bệnh thì càng khoẻ.’’

Vị lương y đó tức là Phật, các người con tức là tất cả chúng sinh. Nói Phật đi đến nước khác, hoặc chẳng có Phật ra đời, hoặc đã vào Niết Bàn. Lúc đó, chúng sinh vì chẳng có trí huệ chân chánh, cho nên chẳng phân biệt được thức ăn có độc, hay không có độc, thấy là ăn, bèn ăn lầm thuốc độc. Thứ thuốc độc này, tức là tà kiến của bàng môn tả đạo, nói những đạo lý chẳng cứu kính. Chúng sinh vô tri nhận lầm thuốc độc, cho là thuốc trường sinh bất lão. Tại sao phân biệt chẳng rõ ràng ? Vì si mê quá sâu nặng, chẳng cách chi tự cứu.

Chúng sinh bị si mê quá sâu nặng, khi gặp Phật trở về, bèn cúi đầu đảnh lễ, thỉnh Phật từ bi thương xótcứu ra khỏi biển khổ. Vì có chúng sinh chịu uống thuốc, nên trừ sạch chất độc; có chúng sinh chẳng chịu uống thuốc, nên chất độc vẫn còn tồn tại. Cho nên, học Phật pháp quý tại thực hành, chẳng phải ở lời nói.
Lương y có thần hiệu ‘’Diệu thủ hồi xuân,’’ bằng ngược lại, ngụ ý tức là kẻ giết người chẳng thấy máu. Tại sao lại nói như thế ? Vì bác sĩ bây giờ, đa số dùng bệnh nhân để làm vật thí nghiệm, thành công thì y có tiếng tăm, thất bại thì bệnh nhân mất mạng.

Bây giờ kể một câu chuyện, tuy là chuyện tiếu, nhưng cũng có tính chất giáo dục, có thể cảnh giác cho bác sĩ. Một ngày nọ, vua Diêm Vương mắc bệnh, sai tiểu quỷ đến dương gian mời bác sĩ. 
- Tiểu quỷ nói : ‘’Việc này tôi không thể đi‘’! 
- Vua Diêm Vương hỏi : ‘’Tại sao‘’? 
- Tiểu quỷ nói : ‘’Tôi không biết vị nào là lương y‘’? 
- Diêm Vương nói : ‘’Việc này rất đơn giản, mày đến trước cửa bệnh viện, thấy chỗ nào hồn quỷ ít, tức là lương y, thì hãy mời đến âm gian chữa bệnh cho ta.’’ Tiểu quỷ vâng lời đến dương gian tìm khắp nơi, cũng chẳng được lương y. Nhìn trước cửa chỗ chẩn mạch, đều có vô số oan hồn khóc than đòi đền mạng. Tiểu quỷ thật chẳng có biện pháp, muốn trở về thì lại sợ Diêm Vương nóng giận, bèn đi về phía trước, phát hiện trước cửa một nhà chẩn mạch, chỉ có hai oan hồn. Tiểu quỷ bèn mời vị bác sĩ đó đến chỗ Diêm Vương, để chữa bệnh cho Diêm Vương.

Vị bác sĩ đó đến chỗ Diêm Vương được chiêu đãi rất ân cần, vừa mời thuốc, vừa mời trà, khiến cho ông ta chẩn mạch tử tế. 
Vua Diêm Vương hỏi : ‘’Xin ông hãy chẩn mạch, tôi mắc bệnh gì‘’? 
Bác sĩ trả lời : ‘’Không cần phải chẩn mạch, bất cứ bệnh gì, chỉ cần uống một viên thuốc đặc hiệu, thì sẽ khỏi bệnh.’’ 
Diêm Vương nghe rồi cảm thấy mạc danh kỳ diệu, tâm nghĩ đâu có lý này, không chẩn mạch mà uống thuốc, thì chẳng phải là "lang trung" chăng ? Lang trung tức là bác sĩ giả, chuyên môn gạt những người thôn quê vô tri vô thức. 
- Bèn hỏi : ‘’Bác sĩ làm nghề y đã được bao lâu‘’? 
- Bác sĩ nói : ‘’Sáng sớm hôm nay khai trương, thì bị quỷ đại ca mời đến chữa cho Ngài.’’Diêm Vương nghe rồi bèn sinh hoài nghi, hỏi tiểu quỷ rằng : ‘’Trước cửa của ông ta có bao nhiêu oan hồn?‘’ 
- Tiểu quỷ đáp : ‘’Chỉ có hai, đang ở đó khóc kể, bị ông ta dùng thuốc độc làm chết, chết rất oan uổng.’’ 
- Diêm Vương bèn nói với bác sĩ rằng : ‘’Ông không cần trở về dương gian, hãy ở lại đây để khỏi hại độc người khác chết nữa.’’ Cho nên, vị bác sĩ đó cũng làm quỷ luôn.

Trong số các người con, ai không mất bản tâm, thấy thuốc hay đó, sắc hương đều tốt bèn lấy uống, bệnh lành khỏi hẳn. Người mất đi bản tâm, thấy người cha về, tuy cũng vui mừng thăm hỏi, xin cha chữa bệnh, tuy cũng cho thuốc, mà chẳng chịu uống.

Trong số các người con, có người phát cuồng, có người tỉnh táo. Những người con chưa phát cuồng, thuốc hay sắc vị thơm ngon, thì lập tức uống vào. Chất độc trong người đều tiêu tan hết (tức là kiến tư hoặc, trần sa hoặc, vô minh hoặc đều phá trừ hết). Những người con trúng độc quá nặng, thấy người cha trở về, tuy cũng vui mừng thăm hỏi, cũng xin cha chữa bệnh. Nhưng người cha cho họ thuốc giải độc, mà họ chẳng chịu uống (biết Phật pháp là thuốc hay, chuyên trị tham sân si phiền não mà chẳng chịu y giáo phụng hành, giống như những đứa con thơ bé trúng độc, mà chẳng chịu uống thuốc).


Xem dưới dạng văn bản thuần túy