× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Tựa Thứ Nhất - Phần 5

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định




Lại thấy chư Phật đang ở các cõi đó.

Đây là điềm lành thấy chư Phật, là Thánh và phàm tương đối. Thánh là Phật, phàm là người. Trong luồng hào quang trắng hiện ra cõi nước của chư Phật, và các Đức Phật đang giáo hóa chúng sinh. Dùng luồng hào quang trắng là có hai nghĩa :

1. Ứng cơ đầu giáo (theo căn cơ mà thuyết pháp).
2. Đoạn hoặc trừ nghi.


Giống như đức Phật A Di Đà, cũng có tướng luồng hào quang trắng, như bài kệ tán Phật A Di Đà rằng : "A Di Đà Phật thân kim sắc, tướng hảo quang minh vô đẳng luân." Biểu thị ba mươi hai tướng tốt, tám mươi hai vẻ đẹp, quang minh không thể sánh được. "Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu Di." Giữa chân mày phóng ra luồng hào quang trắng, chuyển động như rồng múa không ngừng, luồng quang minh rộng cỡ năm hòn núi Tu Di. "Hám mục trừng thanh tứ đại hải." Mắt trong suốt sáng ngời như nước bốn biển. "Quang trung hóa Phật vô số ức." Trong luồng quang minh trắng của Phật A Di Đà lại có hóa Phật vô số ức. "Hóa Bồ Tát chúng diệc vô biên." Có hóa Bồ Tát vô lượng vô biên. "Tứ thập bát nguyện độ chúng sinh." Mỗi lời nguyện đếu khiến cho chúng sinh thành Phật. "Cửu phẩm hàm linh đăng bỉ ngạn." Người có thể phân làm : thượng, trung và hạ phẩm, trong ba phẩm lại phân làm chín phẩm. Do đó, chín phẩm hoa sen tức là thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm, thượng hạ phẩm ; trung thượng phẩm, trung trung phẩm, trung hạ phẩm ; hạ thượng phẩm, hạ trung phẩm và hạ hạ phẩm. Chín phẩm chúng sinh nầy, khi Đức Phật A Di Đà gia bị đều lên bờ Niết Bàn bên kia.

Luồng hào quang trắng của Phật Thích Ca, cũng lớn như năm hòn núi Tu Di. Ở trong Kinh Quán Phật Tam Muội Hải có nói rằng : Khi Đức Phật Thích Ca ra đời, thì luồng hào quang trắng là năm thước, tu khổ hạnh thì mười bốn thước, thành Phật thì mười lăm thước. Ở trong không gian tướng luồng hào quang trắng, sắc trắng như lưu ly, biểu thị : thường, lạc, ngã, tịnh, tức là Niết Bàn bốn đức, trong không gian đại biểu trung đạo, cũng có nghĩa là thường, tướng nhu nhuyến là biểu thị lạc, thư thái tự tại, tùy ý có thể dài hoặc ngắn là đại biểu chân ngã, màu trắng là thanh tịnh, cũng dụ cho Niết Bàn bốn đức : Thường đức, lạc đức, ngã đức, tịnh đức, là trung đạo bảo ấn thật tướng, ở trong luồng hào quang trắng lại thấy chư Phật ở các cõi đó, mà Đức Phật Thích Ca từ khi đản sinh cho đến nhập Niết Bàn, tu tất cả khổ hạnh, đủ thứ tướng mạo và công đức cũng hiển ở trong đó.

Và nghe chư Phật giảng Kinh thuyết pháp, cũng thấy các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, các vị tu hành đắc đạo. Lại thấy các vị đại Bồ Tát, đủ thứ nhân duyên, đủ thứ tin hiểu, đủ thứ tướng mạo, hành Bồ Tát đạo. Lại thấy chư Phật vào Niết Bàn, sau khi chư Phật vào Niết Nàn, đều đem xá lợi của Phật, đựng thờ trong tháp bằng bảy báu.

Đây là điềm lành nghe thuyết pháp. Chư Phật đều ở tại mỗi cõi thuyết pháp giáo hóa bốn chúng đệ tử (Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ), khiến cho họ y pháp tu hành mà chứng đắc A La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc đắc quả vị Phật. Đây là điềm lành về chứng quả, là người và pháp tương đối, tức cũng là điềm lành nghe pháp và chứng quả. "Lại thấy các vị đại Bồ Tát" : Lại thấy các vị Bố Tát và đại Bồ Tát. "Đủ thứ nhân duyên" : Dùng đủ thứ nhân duyên để tu đủ thứ pháp môn và giáo hóa đủ thứ chúng sinh. "Đủ thứ tin hiểu" : Là chỉ pháp bốn Diệu Đế, mười hai Nhân Duyên, lục độ Vạn Hạnh .v.v., đủ thứ sự tin hiểu. "Đủ thứ tướng mạo" : Dùng đủ thứ hạnh môn tu đủ thứ pháp. "Hành Bồ Tát đạo" : Luồng hào quang trắng của Đức Phật từ cõi nầy phóng đến cõi kia, là biểu thị tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha, tức hành Bồ Tát đạo.

"Lại thấy chư Phật nhập Niết Bàn", "sau khi chư Phật nhập Niết Bàn" : Niết Bàn là không sinh không diệt, nghĩa là viên tịch. Công viên đức tịnh, công đức viên mãn. Đó là thị hiện việc chư Phật giáo hóa chúng sinh đã hoàn mãn, thu vô lượng pháp trở về một pháp, thị hiện chấm dứt việc giáo hóa. Sau đó xây tháp mà làm Phật sự, là biểu thị ban đầu ra đời, cuối cùng là tượng pháp. "Đều đem Phật xá lợi mà dựng thờ trong tháp bằng bảy báu." Xá lợi là linh cốt, sau khi Phật vào Niết Bàn rồi, dùng lửa thiêu, nhặt được xá lợi rất nhiều, cho nên xây tháp mà cúng dường. Tháp có hai nghĩa : 1. Phương mộ. 2. Cao hiển. Tháp bảy báu cúng dường xá lợi, là biểu thị pháp thân của Phật sở tại, đó là điềm Phật thị hiện Niết Bàn. Những gì ở trên vừa giảng đều là điềm cõi nước phương khác.

Niết Bàn có bốn :

1. Tự tính thanh tịnh Niết Bàn.
2. Hữu dư Niết Bàn.
3. Vô dư Niết Bàn.
4. Vô trụ xứ Niết Bàn.


Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc khởi ý nghĩ như vầy : Nay Đức Thế Tôn hiện tướng thần thông biến hóa, vì nhân duyên gì mà hiện điềm lành nầy ? Nay Đức Phật Thế Tôn đang nhập tam muội, là việc ít có không thể nghĩ bàn. Bây giờ nên hỏi ai, ai là người đáp được ? Lại nghĩ thế nầy : Ngài Văn Thù Sư Lợi là con của đấng Pháp Vương, đã từng gần gũi cúng dường vô lượng chư Phật trong quá khứ, chắc đã thấy tướng ít có nầy, nay tôi nên hỏi Ngài.

Bồ Tát Di Lặc là Phật sẽ hạ sinh trong tương lai, là Bồ Tát bổ xứ. Di Lặc dịch là "Từ Thị", lại có tên là A Dật Đa, nghĩa là Vô Năng Thắng. Ngài dùng mắt từ bi bình đẳng trông tất cả chúng sinh, mà chẳng khởi tâm phân biệt. Hiện tại Ngài không minh bạch Đức Phật vì sao phải dùng tướng luồng hào quang trắng hiện tướng thần biến, do đó khiến cho Ngài khởi ba ý niệm. Tại sao Đức Phật phải hiện tướng sáu điềm lành ? Nay Đức Thế Tôn đang nhập tam muội, là việc ít có không thể nghĩ bàn, nên hỏi ai ? Có thể hỏi Bồ Tát Văn Thù, Ngài là con của Đấng Pháp Vương, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật trong quá khứ, tự nhiên sẽ biết rõ việc ít có điềm lành nầy, ta nên đi hỏi Ngài. Văn Thù Sư Lợi nghĩa là diệu cực hoặc diệu lạc. Vì sao Bồ Tát Di Lặc khởi nghi vấn ? Vì Bồ Tát sơ địa chẳng biết Bồ Tát nhị địa, Bồ Tát cửu địa chẳng biết Bồ Tát thập địa, thập địa Bồ Tát chẳng biết cảnh giới của đẳng giác Bồ Tát, hà huống là cảnh giới của Phật ? Do đó, người ngu chẳng biết người trí, người ngu si chẳng biết cảnh giới của người có trí huệ, chẳng phải quá thì bất cập ; người phóng tâm chẳng biết người định tâm. Tóm lại, tâm thần không yên, lo trước lo sau, tâm căn tán loạn, chẳng hiểu rõ cảnh giới nhập định, cho nên phàm phu chẳng biết Thánh nhân, tiểu thừa chẳng biết đại thừa. Xá Lợi Phất là bậc đại trí huệ ở trong tiểu thừa A La Hán, nhưng Xá Lợi Phất không hiểu rõ cảnh giới của Bồ Tát. Một số Bồ Tát cũng không hiểu cảnh giới của Bồ Tát bổ xứ. Bổ xứ là tương lai thay thế Phật vị của Đức Phật Thích Ca. Bồ Tát Di Lặc là Bồ Tát nhất sinh bổ xứ, mà Bồ Tát bổ xứ lại không biết Phật quả , Bồ Tát tôn kính cùng cực, cho nên Ngài mới khởi ý niệm nghi vấn.

Khi đó, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ và các vị trời, rồng, quỷ thần .v.v… đều khởi nghĩ như thế nầy : Tướng quang minh thần thông của Đức Phật, nay nên hỏi ai ?

Không những Bồ Tát Di Lặc, mà cho đến bốn chúng và trời, rồng, quỷ thần .v.v… cũng khởi ý niệm hoài nghi, tại sao Đức Phật phải hiện tướng thần thông quang minh ? Kỳ thật, Bồ Tát Di Lặc chẳng phải không biết nhân duyên Đức Phật hiện điềm lành. Ngài cũng đã từng cúng dường vô số chư Phật trong quá khứ. Ngài chỉ là vì thỉnh pháp, vì thế đại chúng giải mối nghi, mới hiện tướng hoài nghi mà hỏi Bồ Tát Văn Thù.

Bấy giờ, Bồ Tát Di Lặc muốn giải quyết tâm nghi của mình, lại quán sát tâm của bốn chúng : Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ và các chúng hội trời, rồng, quỷ thần .v.v… mà hỏi Bồ Tát Văn Thù, vì nhân duyên gì mà có điềm lành nầy ? Tướng thần thông phóng đại quang minh, chiếu phương đông một vạn tám ngàn cõi, đều thấy cõi nước của chư Phật đó trang nghiêm. Do đó, Bồ Tát Di Lặc muốn tuyên lại nghĩa nầy bèn dùng kệ để hỏi.

Lúc đó, Bồ Tát Di Lặc muốn cầu khai thị nghi vấn, lại thấy bốn chúng đệ tử và trời, rồng, quỷ thần .v.v… sinh tâm nghi ngờ, do đó mới hỏi Bồ Tát Văn Thù.

Quỷ phân ra : ngạ quỷ (quỷ đói) và bảo quỷ (quỷ no). Quỷ nghĩa là "quy", là trở về. Ai ai cũng có Phật tánh, đều có thể trở về cội nguồn cứu kính thành Phật, nhưng vì vô minh phiền não mà tạo nghiệp, chết rồi do nghiệp lực dẫn vào địa ngục, đưa đẩy vào đường ngạ quỷ. Vì lúc sống, chẳng biết lợi dụng thân người nầy để tu thiện, sau khi chết rồi mới biết dụng tâm sai lầm, đi sai đường, cho đến bỏ giác hợp trần, mà trôi nổi ở trong biển khổ, khổ không thể tả. Song, nếu kịp thời hồi đầu, biết mê trở về giác, thì Đức Phật cũng khiến cho lên bờ bên kia, cuối cùng sẽ thành Phật.
Thần nghĩa là "thiên tâm", có thần thông và cảm ứng tự nhiên. Bồ Tát Di Lặc nói với Bồ Tát Văn Thù : "Xin Ngài từ bi nói cho chúng tôi biết, vì nhân duyên gì mà đức Phật phải hiện tướng thần thông ít có nầy, phóng đại quang minh chiếu phương đông một vạn tám ngàn thế giới ? Đồng thời lại thấy vô số ức cõi nước chư Phật và điềm lành Phật diễn thuyết pháp." Hiện tại trước mắt giới khoa học phát triển tiến bộ nhất, cho rằng lên cung trăng hoặc phóng vệ tinh nhân tạo, đến tinh cầu khác là việc giỏi nhất, song, hai ngàn năm về trước, Đức Phật dùng tướng luồng hào quang trắng, sớm đã biết đã thấy tất cả bí mật ở trong vũ trụ không gian, hiển hiện ở trong tướng luồng hào quang trắng một vạn tám ngàn thế giới, thấy tất cả chúng sinh và chư Phật đều rõ ràng mỹ lệ lại trang nghiêm. Vì muốn cho chúng sinh minh bạch ý của Phật, cho nên Bồ Tát Di Lặc lại dùng kệ để hỏi.

Ngài Văn Thù Sư Lợi !
Đấng Đạo Sư cớ chi ?
Phóng quang trắng giữa mày
Quang minh chiếu hết thảy.
Trời mưa hoa Mạn đà
Và hoa Mạn thù sa
Gió thơm hương chiên đàn
Khiến vừa lòng đại chúng.
Do nhân duyên như vậy
Cõi nước đều nghiêm tịnh
Mà ở thế giới nầy
Có sáu thứ chấn động.
Lúc nầy bốn bộ chúng
Thảy đều rất vui mừng
Thân tâm đều an lạc
Đắc được chưa từng có.


Bồ Tát Văn Thù ! Đấng Đạo Sư của chúng ta, vì cớ gì phóng luồng hào quang trắng giữa chặng mày, chiếu khắp hết thảy ?

Đạo Sư tức là Đức Phật Thích Ca. Ngài dẫn đường chúng ta từ con đường đen tối đến con đường sáng, trở về ngôi nhà xưa, là ngôi nhà nào ? Là cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Lúc đó, trời mưa xuống hoa Mạn đà la và hoa Mạn thù sa màu trắng và màu đỏ, không những xinh đẹp mềm mại, mà còn tỏa ra mùi hương chiên đàn, chu vi khoảng bốn mươi dặm. Cho nên chúng sinh đều hoan hỉ vui mừng, mặt đất đều trang nghiêm thanh tịnh. Ở thế giới nầy, lại phát sinh sáu thứ chấn động, bốn chúng đều vì thấy điềm lành, mà thân tâm đều sung sướng vui thích, đó là việc ít có từ trước chưa từng có.

Quang minh giữa chân mày
Chiếu thẳng về phương đông
Một vạn tám ngàn cõi
Thảy đều như sắc vàng.
Dưới chiếu ngục A tỳ
Trên chiếu trời Hữu đỉnh
Trong tất cả thế giới
Các chúng sinh sáu đường.
Sinh tử chỗ họ đến
Nghiệp duyên thiện và ác
Thọ báo tốt và xấu
Thảy đều thấy rõ hết.


Luồng hào quang trắng trung đạo của Đức Phật, trước hết chiếu phương đông, chiếu khắp một vạn tám ngàn cõi, cho đến khắp cả hư không đều thành màu hoàng kim. Dưới chiếu đến ngục A Tỳ, trên chiếu đến cõi trời Hữu Đỉnh, trong tất cả thế giới. Hữu là dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Hữu đỉnh tức là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng cao nhất trong tam giới. Cõi trời nầy thuộc về vô sắc giới, chẳng có hình sắc cho nên không thể thấy, nhưng ở trong luồng hào quang trắng, nương hào quang mà thấy được. Chúng sinh ở trong sáu nẻo luân hồi, sinh sinh tử tử, tử tử sinh sinh, chuyển đi chuyển lại, khó thoát ra được. Sinh tử, tức là sự trở lại của năm ấm (sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng là chỉ tinh thần và thân thể). "Nghiệp duyên thiện và ác" : Là nhân đến, tốt xấu là quả đến. Chính là hai con đường thiện và ác, tu thì tu, tạo thì tạo, xem bạn đi con đường nào mà thôi. Tu là tu nghiệp thiện, tạo là tạo nghiệp ác, muốn thăng đi lên hoặc đọa lạc, hoàn toàn do mình nắm trong tay. Thân người khó được, nếu không sớm tu năm giới mười điều lành, mà làm điều ác, thì kiếp sau không dễ gì được làm người nữa.

"Thọ báo tốt và xấu, thảy đều thấy rõ hết." Đây là nói ở tại nhân địa, người tu thiện thì được quả báo tốt, nếu tạo ác thì được quả báo xấu. Tất cả đều thuận tâm tính, thuận nghiệp lực mà đến. Cho nên chúng sinh ở trong sáu nẻo hổ tương tạo nghiệp, hổ tương thọ báo, lưu chuyển trong luân hồi, chẳng có thời kỳ chấm dứt. Tất cả nghiệp duyên quả báo nầy, đều thấy hết ở trong luồng hào quang trắng.

Lại thấy các đức Phật
Đấng Thánh chúa sư tử
Đang diễn nói Kinh điển
Tối vi diệu bậc nhất.
Âm thanh rất thanh tịnh
Thốt ra lời êm diệu
Giáo hóa các Bồ Tát
Vô số ngàn ức vạn.
Tiếng phạm âm thâm diệu
Khiến người ưa thích nghe
Đức Phật ở mỗi cõi
Đều diễn nói chánh pháp.


Lại thấy chư Phật. Phật là chúa trong bậc Thánh, như sư tử. Âm thanh của Phật rất thanh tịnh vô cùng, lời nói rất lưu loát viên mãn, giọng điệu rất êm diệu, ai cũng đều ưa thích nghe. Phật dùng âm thanh nầy để thuyết pháp, giáo hóa vô số ức vạn Bồ Tát. "Tiếng phạm âm thâm diệu." Thứ âm thanh thanh tịnh nầy thâm diệu vô cùng, khiến cho tất cả chúng sinh hoan hỉ tin thọ, mà tin sâu thắng trí của Phật. Đồng thời, mỗi vị Phật ở thế giới kia cũng đều đang diễn nói chánh pháp.

Dùng đủ thứ nhân duyên
Và vô lượng thí dụ
Chiếu rõ các Phật pháp
Để khai ngộ chúng sinh.
Nếu người gặp sự khổ
Chán sinh già bệnh chết
Vì họ nói Niết bàn
Dứt hết thảy các khổ.
Nếu người có phước báo
Từng cúng dường chư Phật
Chí cầu pháp thù thắng
Vì họ nói Duyên Giác.
Nếu có những Phật tử
Tu đủ thứ hạnh môn
Để cầu huệ vô thượng
Vì họ nói tịnh đạo.
Nầy Bồ Tát Văn Thù !
Tôi ở tại nơi đây
Thấy nghe như vậy đó
Và ngàn ức thứ việc.
Như thế nhiều vô số
Nay sẽ lược nói ra
Tôi thấy cõi nước kia
Có Hằng sa Bồ Tát.
Tu đủ thứ nhân duyên
Để cầu chứng Phật đạo
Hoặc có vị bố thí
Vàng bạc và san hô.
Chân châu ngọc ma ni
Sa cừ và mã não
Kim cương đồ quý báu
Tôi tớ và xe cộ.
Trang sức và xe kiệu
Đều hoan hỉ bố thí
Hồi hướng quả vị Phật
Nguyện đắc được thừa ấy
Bậc nhất trong ba cõi
Chư Phật thường khen ngợi.


"Dùng đủ thứ nhân duyên." : Vì người có đủ loại căn cơ và đủ thứ tập khí mao bệnh, cho nên phải dùng vô lượng thí dụ, để vì chúng sinh thuyết pháp, khiến cho họ hiểu thấu được Phật pháp chân chánh, y theo đó mà hành trì. "Chiếu rõ các Phật pháp." : Dùng trí huệ quang minh để thấu hiểu tất cả Phật pháp. "Để khai ngộ chúng sinh." : Khiến cho trí huệ và bồ đề của chúng sinh tăng trưởng, y như mỏ vàng, nếu không khai quậc, thì chẳng bao giờ được vàng thật, đây cũng là ví dụ. Con người vốn đầy đủ Phật tánh, nhưng đang tiếc chẳng nhận thức mặt thật của mình. Song, nếu gặp bậc thiện tri thức chỉ điểm cho họ, theo đó mà làm theo thì được trở về cội nguồn. Do đó :

Phá vỡ tâm niệm một chút nghi,
Mười phương nơi đâu chẳng gia trì,
Phật nhãn tròn sáng thường chiếu nhau,
Chỉ tại mỗi người không tự biết.


"Nếu người gặp sự khổ." : Phàm phu tuy thân tâm đều thọ khổ mà chẳng biết, ngược lại còn cho khổ là vui, do đó khổ lại thêm khổ, càng thọ khổ thì càng muốn tạo khổ. Vô minh phiền não vốn là khổ, nhưng con người cứ chấp trước mà chẳng muốn xả bỏ, cho nên không thể thoát khỏi biển khổ, ngược lại đọa vào địa ngục, vĩnh viễn trầm luân thọ khổ mà không thể tự cứu. Ngoại đạo cũng vì muốn dứt khổ, mà tìm cầu lối thoát, song chẳng tìm được, cuối cùng quay lưng với đạo mà theo đuổi đọa vào trong đường ngạ quỷ.

Con người có thế trí biện thông, tuy nhiên có chút thông minh, cũng thông đạt pháp thế gian mà chẳng minh bạch pháp xuất thế gian. Do đó, khi khổ nạn xảy đến thì chẳng biết ứng phó như thế nào, muốn dứt khổ nhưng ngược lại tạo khổ. Khi người rơi vào nghịch cảnh nghèo cùng bệnh hoạn bức bách, nếu hiểu được thọ khổ tức hết khổ, biết được đây là những nghiệp đã tạo ra trong quá khứ nên chiêu lại quả báo, đời nầy phải an phận làm người. Nhưng nếu kháng cự nhân gây ra trong quá khứ chẳng chịu trả, tự tạo nghiệp mà mình chẳng thừa nhận, ngược lại còn oán trời trách người, thậm chí còn lợi dụng sự thông minh đi trộm cướp lường gạt. Thật là lên được tới núi lại gặp cọp. Mánh khoé gạt người cuối cùng sẽ bị người bắt được. Khi mưu kế bại lộ thì bị cảnh sát bắt, đưa đến quả báo ngồi tù, hoặc lâu hoặc mau do tội nặng hay nhẹ mà quyết định. Thứ quả báo nầy, chỉ thân thể thọ khổ mà thôi, quan trọng nhất là chẳng tránh khỏi ác nghiệp nầy, đưa đến tương lai sẽ đắc được quả báo súc sinh. Sở dĩ con người gặp sự khổ, đều vì chính mình đã tạo ra đủ thứ nghiệp ác. Nếu còn không tỉnh ngộ thì sẽ không được làm người nữa mà đọa vào ba đường ác.

"Chán sinh, già, bệnh, chết." Khổ có ba thứ :

1. Khổ khổ : Khổ trong sự khổ.

2. Hoại khổ : Vốn chẳng có khổ, nhưng vì sung sướng rất ngắn ngủi, sự vui chẳng bao lâu, nên gọi là hoại khổ.

3. Hành khổ : Con người từ nhỏ lớn dần lên, trưởng thành rồi già, già rồi chết đi, niệm niệm sinh diệt không ngừng ; như sóng biển, sóng trước diệt, sóng sau lại sinh, sóng sau diệt, sóng sau nữa lại sinh, liên tục không ngừng. Do đó, hành khổ chẳng có ai tránh khỏi được.
Ngoài ra còn có tám thứ khổ :

1. Sinh khổ : Khi đứa bé mới lọt lòng mẹ thì khóc : Khổ a ! Khổ a ! Có thể thấy thế gian có lắm sự khổ, nhưng ở tại thế giới kham nhẫn nầy (thế giới Ta Bà) lâu rồi, lại lấy khổ làm vui, quên mất đường về. Ở trong thai mẹ, nếu người mẹ ăn đồ nóng, thì thai nhi cảm thấy như ở trong núi lửa. Nếu người mẹ ăn đồ ăn lạnh, thì thai nhi có cảm giác lạnh như ở trong địa ngục hàn băng. Trách sao được, khi thân ở trong thai mẹ chỉ phải chịu khổ mà không thể mở lời than oán. Lúc lọt lòng mẹ thì giống như hai quả núi đè ép, sinh ra rồi gặp gió thổi thì thân thể lại giống như bị dao cắt, đau thấu tim gan. Song, đối với sự khổ nầy, hầu hết mọi người quá ba tuổi thì cũng từ từ quên mất.

2. Già khổ : Lớn tuổi thì sức khoẻ cũng suy giảm, mắt mờ tai điết, răng rụng, ngũ quan chẳng còn linh hoạt ; tóm lại chẳng có ai tránh khỏi sự già nua, đó chẳng phải là khổ chăng ?

3. Bệnh khổ : Sự khổ nầy càng chẳng ai tránh khỏi, dù bạn là ông vua, tổng thống, hoặc đại thần, .v.v… đều khuất phục dưới con ma bệnh, già, chết. Bệnh có nhiều thứ, bệnh hoạn mang đến sự khổ đau cũng đếm không xuể.

4. Chết khổ : Khổ nhất là khổ về chết và khổ về sinh. Khi sinh ra thì như rùa lột mu, chết thì như bò sống lột da. Vậy mục đích học Phật là gì ? Tức là chấm dứt sinh tử, thoát khỏi luân hồi.

5. Thương lìa nhau khổ : Thế tục tham nhiều về tình ái, khó phân ly khó xả bỏ. Nhưng càng thương yêu bao nhiêu, đến lúc sinh ly tử biệt, thì càng đau khổ bấy nhiêu. Ái tình là nhân trầm luân trong biển khổ. Nếu khử trừ sạch tâm dâm dục, thì đoạn sạch mầm mống sinh tử, cũng chẳng còn thọ luân hồi, bằng không vẫn lưu chuyển ở trong biển khổ, không khi nào dứt được.

6. Ghét gặp nhau khổ : Người nầy tôi ghét nhất ! Tôi chẳng muốn thấy y ! Nhưng nếu đối với vợ của mình, cũng khởi tâm chán ghét, mà y thị luôn luôn quấn quít không lìa, đó thật là ghét thấy nhau như chẳng thấy, hoặc là mình ghét người nào đó mà phải tránh né y, nhưng đôi khi lại gặp y ! Đó đều là khổ về ghét gặp nhau. Nếu tâm tự tại thì tất cả đều tự tại, tâm như ý thì tất cả đều như ý. Nếu trong tâm có quá nhiều chán ghét oán hận, thì tất cả những gì thấy nghe cũng khiến cho mình chẳng được như ý. Đó là tự mình làm khổ mình.

7. Cầu không được khổ :
Mong cầu chẳng được cũng khổ. Nếu muốn thăng quan phát tài, hoặc bạn trai muốn có người vợ đẹp, còn bạn gái muốn được người chồng tốt, nhưng đều chẳng thành công, thì phiền não sẽ phát sinh, đêm ngủ chẳng yên, ăn chẳng biết ngon, tinh thần hoảng hốt, tinh thần bất định, đó đều là khổ !

8. Năm ấm thiêu đốt khổ : Thân thể vốn là khổ, là vô thường. Cho nên, tám thứ khổ nầy luôn luôn bức bách chúng ta, chi phối chúng ta, cho nên Đức Phật mới nói pháp Niết Bàn. Niết là không sinh, Bàn là không diệt. Nếu chẳng chấp trước thân giả tạm nầy, mà cầu đạo vô thượng, thì sẽ được Niết Bàn, cũng là : thường, lạc, ngã, tịnh, bốn đức Niết Bàn. Do đó, dứt hết các sự khổ, tất cả mọi sự khổ đều dứt sạch.

Ai muốn chấm dứt đau khổ, thì phải rộng trồng ruộng phước, cung kính lễ bái và cúng dường Tam Bảo, đừng làm điều ác, hãy làm các điều lành, đủ thứ công đức. Nhưng đừng chấp trước mình từng bỏ ra bao nhiêu tiền, hãy dùng tâm chân thật để làm bố thí, tu phước đức và huệ đức, tức là phước huệ song tu. Làm công đức là tu phước, nghe Kinh và nghiên cứu Phật pháp thì sẽ khai mở trí huệ, đó gọi là tu huệ. Do đó, nếu người có phước báo, từng cúng dường chư Phật. "Chí cầu pháp thù thắng". Lập chí muốn cầu pháp thù thắng. "Vì họ nói Duyên Giác". Pháp mười hai Nhân Duyên, khiến cho họ quán thế duyên, giác ngộ pháp tính. Mười hai Nhân Duyên là : Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão tử. Đây là pháp của người nhị thừa tu. "Nếu có những Phật tử, tu đủ thứ hạnh môn, cầu chứng huệ vô thượng, vì họ nói tịnh đạo." Nếu có đệ tử của Phật muốn cầu đạo vô thượng, tu tập lục độ vạn hạnh, thì Đức Phật vì họ mà nói Phật đạo thanh tịnh, tức là lục độ Ba la mật. "Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ! Tôi ở tại thế giới Ta Bà nầy. Thấy nghe như vậy đó", mắt thấy cảnh Phật, tai nghe tiếng của Phật, đều như vậy đó. "Và ngàn ức thứ việc" : Còn có rất nhiều thứ việc khác. "Như thế nhiều vô số" : Là chỉ sự thấy và nghe quá nhiều. Nay sẽ lược nói ra : Bây giờ tôi phải lược nói với Bồ Tát Văn Thù. "Tôi thấy cõi nước kia, có Hằng sa Bồ Tát, tu đủ thứ nhân duyên, mà cầu chứng Phật đạo" : Tôi thấy được cõi nước kia, Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng, dùng đủ thứ nhân duyên tu hành. Nếu ai muốn cầu Phật đạo thì phải làm công đức, tất sẽ đắc được trí huệ, còn phải hạ thủ một phen khổ công phu ! Bồ Tát nhiều như số cát sông Hằng còn phải dùng đủ thứ nhân duyên để tu phước huệ, để cầu quả vị Phật, hà huống là phàm phu ! "Hoặc có người bố thí." : Có người dùng bảy báu để bố thí, vì muốn cầu Phật đạo. Bảy báu là : vàng bạc và san hô, trong biển có báu do tụ khí kết thành, màu sắc nhuận đỏ, hình như cây gọi là san hô. "Chân châu ngọc ma ni" : Châu ma ni gọi là châu như ý. "Xà cừ và mã não" : Con sò lớn ở trong biển, tức là ốc biển lớn. Mã não là tụ khí trong đá, màu sắc nhuận đỏ như não ngựa. "Kim cương đồ quý báu" : Kim cương tức là toàn thạch, là một thứ đá rất quý, rất cứng dùng để chạm ngọc và thủy tinh. "Tôi tớ và xe cộ" : Người nầy thậm chí đem tôi tớ, xe cộ ra bố thí. "Trang sức và xe kiệu" : Xe kiệu là một thứ xe nạm châu báu, thời xưa hoàng đế thường dùng xe kiệu nầy đi lại. Quân lính khiên đi cho nên gọi là xe kiệu. "Đều hoan hỉ bố thí, hồi hướng quả vị Phật" : Đây là người rất vui thích dùng bảy báu làm bố thí. Ngược lại, nhân sĩ người thời nay chỉ bỏ ra vỏn vẹn năm đồng, mười đồng thì cho rằng đã nhiều lắm rồi, mà còn ghi nhớ trong tâm, chẳng biết công đức chánh bố thí, ngoại trừ đem bảy báu ra bố thí nhưng tâm chẳng có tơ hào hối tiết và cũng đừng khởi tâm chấp trước mới khế hợp Phật đạo. "Nguyện đắc được thừa ấy" : Nguyện đắc được Phật thừa. "Bậc nhất trong tam giới" : Thành Phật ở trong dục giới, sắc giới và vô sắc giới, cho nên là bậc nhất trong tam giới. "Chư Phật thường khen ngợi" : Thành Phật rồi, được chư Phật trong mười phương tán thán ca ngợi.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy