× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Phẩm Phổ Môn Bồ Tát Quán Thế Âm Thứ hai mươi lăm - Phần 2

Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh, vì đi tìm cầu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu, các thứ châu báu, vào trong biển lớn. Giả sử, có gió đen thổi thuyền của họ, trôi dạt vào nước quỷ La sát. Trong đó, dù chỉ có một người xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì hết thảy những người kia, đều được thoát khỏi nạn quỷ La sát, bởi nhân duyên đó, mà có tên là Quán Thế Âm.

Đoạn văn này nói về quỷ La sát trong bảy nạn, cũng có thể nói là nạn gió đen. Nếu có trăm ngàn vạn ức chúng sinh, vì muốn tìm cầu vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, chân châu bảy báu. Người thế gian đi tìm cầu khắp nơi, bạn tranh giành, cho rằng đó là quý báu, kỳ thật đều là vật ngoài thân. Bạn chẳng minh bạch châu báu chân thật của tự tánh, mà tham trước châu báu bên ngoài, dù đắc được cũng chẳng có đại tác dụng gì, đối với trong tự tánh của bạn. Song, một số người đều muốn tìm cầu ‘’vàng’’. Mỗi quốc gia đều hoan hỉ vàng, cho nên người dân cũng cho rằng đó là một vật quý báu ít có, nên ngày đêm nghĩ phương pháp để tìm cầu. Cho đến đất nước xảy ra giao tranh cũng vì vàng. Tại sao con người lại cho rằng vàng quý trọng như thế ? Là vì nó rất hiếm hoi, vì ít cho nên trân quý. Nếu vàng mà nhiều như đất, thì con người coi nó cũng chẳng có giá trị gì. Do đó : ‘’Vật hiếm hoi thì quý.’’ Vì ít cho nên ai ai cũng đều hoan hỉ, thậm chí nằm mộng cũng mộng thấy vàng, có người đến phi châu tìm vàng, có người đến nước Mỹ để tìm vàng. Trước kia, nghe nói ở Cựu Kim Sơn rất là nhiều vàng, cho nên chạy đến nước Mỹ, nhất là người Hoa đến nước Mỹ chuyên môn tìm vàng. Khi vàng ở nước Mỹ khai quật rồi, thì chạy về Á Châu. Nước Mỹ có Cựu Kim Sơn, còn Á Châu thì có Tân Kim Sơn, rất nhiều người chuyên môn tìm vàng. Vì người đến Mỹ để tìm vàng, nên bị chết ở trong biển cũng chẳng biết bao nhiêu người, có thể chết rất nhiều, vì trước kia giao thông chẳng phương tiện như bây giờ, tin tức cũng chẳng linh thông cho lắm, cho nên chết rất nhiều người cũng chẳng biết, đó đều là gặp phải nạn gió đen. Vàng là vật quý báu nhất, bạc là vật quý báu thứ hai. Ngoài ra còn lưu ly, người Trung Quốc gọi lưu ly là ‘’thanh sắc bảo’’, vật quý màu xanh. Xa cừ là một loại đá quý, mã não là một loại đá ngọc, thứ đá này giống như não ngựa, bên trong có đường gân đỏ như huyết, nên gọi là mã não. San hô là cây san hô, có loại cao hơn ba thước, tôi đã thấy qua loại cao hơn một thước. San hô là do một loại trùng trong biển biến thành, đó cũng là một thứ hóa thạch, do trùng biến thành thực vật, giống như cây, chất liệu của nó giống như đá ngọc, nên rất quý giá. 
Ở Trung Quốc có một nhà giàu có, gọi là Thạch Sùng, rất thích so sánh sự giàu có với người khác. Một ngày nọ, ông ta đến nhà của hoàng thân để phó yến, nhà này là bà con của hoàng đế. Đương thời hoàng đế tặng cho một cây san hô, cao khoảng hơn hai thước. Vì là vật của hoàng đế tặng nên đặc biệt quý giá. Hoàng thân mời Thạch Sùng đến nhà dùng cơm rồi, bèn đem cây san hô ra cho thạch Sùng ngắm, ai biết Thạch Sùng dùng tay cầm lên rồi ném xuống đất vỡ nát. Khiến cho hoàng thân buồn rầu vô cùng mới nói : ‘’Đó là vật hoàng đế tặng cho tôi, sao anh lại đập vỡ nó, bây giờ tiền bạc đâu có giá trị gì.’’ Thạch Sùng nói : ’’Anh đừng có buồn, tôi sẽ tặng anh một cây san hô, ngày mai mời anh đến nhà tôi tùy ý anh lựa, muốn lấy cây nào thì lấy.’’

Ngày kế tiếp hoàng thân đến nhà Thạch Sùng tham quan, thì ngay phòng khách chưng đầy cây san hô cao hơn ba thước, hoàng thân thấy tâm bèn nghĩ : ‘’Ta tuy là hoàng thân, mà chẳng giàu bằng anh Thạch Sùng.’’ Do đó, bèn lựa một cây san hô rồi từ giã ra về. Kết quả Thạch Sùng cũng vì giàu có mà bị đấu tranh đến chết. Do đó : 

‘’Người vì tài mà chết. 
Chim vì ăn mà bỏ mạng’’. 

Chúng sinh là điên đảo như thế. Tại sao mà chết ? là vì ‘’ tiền tài’’. Hổ phách là một thứ khoáng vật trong suốt màu vàng, do mỡ của cây hệ tùng biến thành. Trân châu là một loại vật chất hình tròn ở trong ngọc trai, trong suốt óng ánh rất đẹp, gọi là trân châu.

‘’Vào trong biển lớn’’ : Con người vì muốn tìm cầu những báu vật đó, bèn vào trong biển tìm những châu báu. Ở trong biển nhiều châu báu nhất, nên vào trong biển mà tìm cầu. ‘’Giả sử có gió đen’’ : Gió đen là gì ? Tức là gió màu đen, song thứ gió màu đen này, mỗi người cũng đều có. Gì gọi là ‘’gió màu đen’’? Tức là khi bạn nổi giận, thì sắc mặt của bạn phát đen. Vì con người nổi giận nên có gió đen, nếu không nổi giận thì chẳng có gió đen.

‘’Biển’’ là gì ? Tức là ‘’biển tánh’’ của chúng ta, biển tánh của tự tánh. ‘’Gió đen’’ dụ cho vô minh của chúng sinh, ‘’vô minh’’ còn gọi là ‘’phiền não’’. Nếu bạn sinh phiền não tức là có gió đen. Nếu chẳng có phiền não, thì trong ‘’biển tự tánh’’ của bạn gió yên sóng lặng. Làm thế nào mới tìm cầu được châu báu ? Là đi vàotrong tự tánh phát quật chân báu tự tánh. Khi bạn muốn phát quật châu báu tự tánh, thì lúc đó sẽ gặp chướng ngại. Vì sao có chướng ngại ? Là vì đức hạnh của mình chẳng đủ, đức tính chẳng đủ, đạo đứcchẳng đủ, công đức chẳng đủ. Vì chẳng làm công đức, nên đức hạnh cũng chẳng viên mãn. Đức hạnhchẳng viên mãn, cho nên mới có gió đen, mới có ma chướng. Nếu đức của bạn lớn, thì gió đen sẽ biến hóa thành mây cát tường. Do đó có câu rằng : 

‘’Đạo cao long hổ phục, 
Đức trọng quỷ thần khâm’’. 

Nếu người đạo hạnh cao, thì dù rồng thấy bạn cũng khoanh lại. Rồng vốn rất là lợi hại, nó có thể dời núi lấp biển, nếu rồng dụng thần thông thì núi cũng sẽ dời đi, biển cũng dời đi, do đó thế lực của rồng rất là lợi hại. Song, nếu bạn có đạo thì tuy rồng có thần thông quảng đại, cũng chẳng dám thị uy ở trước mặt bạn, mà lão lão thật thật khoanh lại. Cọp tuy hung dữ nhất, song nếu bạn thật sự chẳng có nóng giận, thì cọp thấy bạn sẽ thuần phục bạn, cuối đầu vẫy đuôi, tỏ vẻ hoan nghênh, chẳng làm dữ cắn bạn. Song, bạn phải có đức hạnh thì mới có cảnh giới này. Nếu chẳng có đạo đức, thì rồng cũng chẳng khoanh, cọp cũng chẳng nằm.

‘’Đức trọng quỷ thần khâm’’. Nếu bạn đủ đức hạnh viên mãn, thì dù quỷ thần gặp bạn, cũng đều cung kínhbạn, tôn trọng bạn, hướng về bạn cuối đầu đảnh lễ. Cho nên quan trọng nhất của con người, là phải có đức hạnh.
‘’Gió đen thổi thuyền của họ trôi dạt vào nước quỷ la sát’’ : Quỷ la sát là loài quỷ ăn tinh khí, đa số nữ tính, chuyên môn ăn tinh khí của người. Nếu thuyền bị gió đen trôi dạt vào nước quỷ la sát, nếu trong đó chỉ có một người phát tâm xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thé Âm, thì tất cả mọi người đó, thậm chí trăm ngàn vạn ức chúng sinh, đều được thoát khỏi nặn quỷ la sát. Bởi nhân duyên đó, nên tên của Bồ Tát đó, gọi là Bồ Tát Quán Thế Âm.

Nói đến ‘’đức hạnh’’, mọi người đều nên chú trọng về đức hạnh, sở dĩ người khác với cầm thú, là vì có đức hạnh. Nếu chẳng trọng đức hạnh, thì chẳng nói về đức hạnh, chẳng phân biệt với cầm thú, mà đạo đức là do tu hành thực tiễn tích thành, bằng không thì vốn chẳng có đạo đức để nói. 
Tại quê hương đông bắc, tôi có một người bạn tri kỷ, sao anh ta trở thành bạn tri kỷ của tôi ? Vì anh ta và tôi là đồng đạo. Khi tôi còn tại gia, đã từng vì mẫu thân thủ hiếu, còn anh ta cũng thủ hiếu mẹ bên cạnh mộ phần. Chỗ khác nhau là khi tại gia thì anh ta là kẻ trộm cướp, trước khi thủ hiếu thì anh ta chuyên môn trộm cướp. Có một lần, anh ta trộm cướp đánh lại với họ, chẳng may anh ta thất bại và bị thương, vết thương điều trị hơn nửa năm mà chẳng lành, lúc đó anh ta tỉnh ngộ, bèn nghĩ rằng :’’Do mình làm việc quấy, cho nên vết thương này chẳng lành.’’ Do đó, bèn quyết tâm phát nguyện : ‘’Nếu vết thương này mà lành lại, thì sau này tôi chẳng làm trộm cướp nữa’’, và còn đến bên cạnh mộ của cha mẹ thủ hiếu. Anh ta phát nguyệnrồi, quả nhiên chưa được mấy ngày, thì vết thương tự nhiên lành hẳn. Do đó, mà tiếp tục thủ hiếu. Trong khi thủ hiếu, có rất nhiều chuyện phát sinh. Nay nói ra một câu chuyện cắt thịt để tế trời.

Khi anh ta thủ hiếu, thì trời mưa cả mấy tháng không ngừng. Anh ta tự nhủ :

‘’Mùa màng ngũ cốc của dân chúng trồng, sắp bị nước mưa ngập lụt chết.’’ Bèn phát tâm vì dân chúng cầu cho trời hết mưa, mà phát nguyện rằng : ‘’Nếu trong vòng ba ngày mà hết mưa, thì tôi sẽ cắt thịt trên thân của mình, để cúng dường trời Phật.’’ Sau khi anh ta phát nguyện rồi, thì thật là lạ thay, chưa đến ba ngày thì trời hết mưa. Anh ta bèn thực hành lời hứa của mình, lấy đao cắt thịt của mình. Anh ta cắt thịt xong, vì đau đớn vô cùng nên bị hôn mê bất tỉnh, lúc sau mới tỉnh đậy. Lúc đó, có vị huyện trưởng đi ngang qua đó, nhìn thấy khắp nơi đều có máu tâm nghĩ : Người này cắt thịt của mình, chẳng biết là để làm gì ? Hay là anh ta bị điên ? Bèn hỏi anh ta thì mới biết anh ta vì dân chúng cầu cho dừng mưa, cắt thịt dâng cúng trời Phật. Ông huyện trưởng nghe rồi thì rất hoan hỉ : ‘’Anh thật là người tốt’’! Có ấn tượng tốt đối với anh ta. Sau đó chẳng biết từ đâu bay đến một con chim nhỏ, con chim đó kêu rất đặc biệt, kêu rằng: ‘’Làm nhiều công đức, làm nhiều công đức, làm công đức nhiều thì tốt lắm.’’ Kêu như thế rồi bay đi.

Cho nên vì sao mà tôi cũng chẳng sợ khổ, ban ngày làm việc, chẳng có chút thời gian xem kinh Phật, còn ban đêm thì vì mọi người giảng kinh. Vì muốn làm chút bố thí, dùng pháp để bố thí. Ở nước Mỹ, có thể nói là pháp thiếu thốn nhất, do đó tôi phát nguyện, vì các bạn bố thí Phật pháp, dù khổ nhọc tôi cũng chẳng đình công.

Nếu lại có người, bị người khác cầm đao làm hại, xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì đao gậy của kẻ kia cầm, bèn gãy ra từng đoạn, mà được giải thoát.

Đoạn kinh này nói về nạn đạo gậy. Nếu như có người, khi bị người khác cầm đao muốn giết hại, nếu người đó xưng niệm danh hiểu của Bồ Tát Quán Thế Âm thì ‘’đao gậy của kẻ kia cầm’’ : Kẻ kia là chỉ người muốn giết hại anh ta. Đao gậy là vũ khí cầm tay, khi muốn chém bạn thì ‘’Bèn gãy ra từng đoạn’’, khi bạn xưng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tự nhiên cổ của bạn cứng hơn cây đao. Bổn lai cây đao cứng hơn cổ của bạn, song bây giờ khi cây đao dơ lên chặt cổ của bạn, thì tự nhiên gãy ra từng đoạn. Nếu không tin thì hãy thử xem cái cổ của bạn có cứng như thế chăng ? Cây đao đó sao lại gãy ra từng đoạn ? Chẳng những gãy ra một đoạn, mà còn gãy ra nhiều đoạn, thậm chí cây đao đó gãy vụn ra. ‘’Mà được giải thoát’’ : Nhờ thế mà thoát khỏi nạn đao gậy. Đạo lý giải thoát được là gì ? Là vì anh ta phát tâm niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Có người hoài nghi : ‘’Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, mà có sự linh cảm như thế chăng?’’ Chẳng những linh cảm như thế, mà còn linh cảm nhiều hơn việc này ! Chỉ cần bạn thành tâm tin tưởng, thành tâmniệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ có những sự việc phát sinh, cảm ứng hơn là việc đó.

Nếu trong ba ngàn đại thiên thế giới, đầy dẫy quỷ Dạ xoa và la sát, muốn đến làm hại người, mà nghe họ xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì các ác quỷ đó, còn không thể dùng mắt dữmà nhìn họ, huống chi lại làm hại. Nếu như lại có người, hoặc có tội, hoặc không có tội, bị gông cùm siềng xích, trói buộc thân họ, mà xưng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì gông cùmsiềng xích đều gãy tan, mà được giải thoát.

Đoạn văn này giải trừ nạn quỷ Dạ xoa, quỷ la sát và giải trừ nạn gông cùm siềng xích. ‘’Nếu trong ba ngàn đại thiên thế giới’’ : Ba ngàn đại thiên thế giới là gì ? Vì có chữ ba ngàn, cho nên gọi là ba ngàn đại thiên thế giới. Thế giới của chúng ta đây, có một mặt trời mặt trăng, một núi Tu Di, một tứ thiên hạ. Một tứ thiên hạtức là : Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Câu Lư Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Đông Thắng Thần Châu, bốn đại bộ châu. Bốn đại bộ châu này là ‘’một tứ thiên hạ’’, ‘’một’’ là chỉ một núi Tu Di, một mặt trời, một mặt trăng, và bốn đại bộ châu. Có một ngàn núi Tu Di, một ngàn mặt trời, mặt trăng, một ngàn một tứ thiên hạ, đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn tiểu thiên thế giới hợp lại, là một trung thên thế giới. Một ngàn trung thiên thế giới, là một đại thiên thế giới, vì có chữ ba ngàn, cho nên gọi là ‘’ba ngàn đại thiên thế giới’’.

‘’Trong đó đầy dẫy quỷ Dạ xoa’’ : Trong ba ngàn đại thiên thế giới đó, đều đầy dẫy quỷ Dạ xoa. Dạ xoa gồm có phi hành Dạ xoa, địa hành Dạ xoa, không hành Dạ xoa. Những loài quỷ này, chạy đặc biệt rất nhanh, dù hỏa tiển hiện đại, cũng chạy chẳng bằng chúng, cho nên gọi là quỷ tốc tật, hoặc là quỷ tiệp tật (quỷ chạy nhanh). La sát tức là quỷ ăn tinh khí, chúng chuyên môn ăn tinh khí của người. ‘’Muốn đến làm hại người’’ ? Loài quỷ Dạ xoa và quỷ la sát, đều chuyên môn hại người, đi khắp nơi nhiễu hại người. Ví như bạn muốn phát bồ đề tâm, thì chúng nhất định chẳng vui vẻ, cho nên cố ý gây thêm phiền não cho bạn, mà nghĩ ra đủ thứ phương pháp chướng ngại bạn, khiến cho bạn chẳng thể tu hành, kêu bạn thối đạo tâm. Bổn lai bạn phát bồ đề tâm rất dũng mãnh, song, chúng kiềm tỏa thân của bạn, dạy bạn tự nhiên vọng tưởng lên rằng : ‘’Tu để làm cái gì ? Học Phật pháp có ích gì ? Hay là đừng học Phật pháp, đi đến những nơi khác làm gì cũng rất tự do, muốn nhảy đầm thì nhảy, muốn nghe âm nhạc thì nghe. Học Phật thì những thứ đó chẳng thể làm được, nhiều thứ làm chẳng được, lại không thể xem phim, không thể uống rượu, lại không thể hút thuốc, bạn thấy đó, nhiều thứ không thể làm, Phật pháp càng học càng chán nãn’’! Ai có những tư tưởngnhư thế, tức là quỷ Dạ xoa, la sát đến dạy bạn nghĩ như thế. Có người nghĩ muốn xuất gia làm hòa thượng, thì chúng dạy bạn nghĩ : ‘’Làm Hòa thượng khổ quá ! Suốt ngày đến tối phải làm việc, lại ăn chẳng ngon, mặc chẳng đẹp, khổ hạnh quá, bạn đi làm Hòa thượng có ý nghĩa gì’’? Do đó, bèn thối đại tâm. Lại có người nghĩ muốn làm Tỳ Kheo ni, thì quỷ Dạ xoa la sát cũng đến dạy bạn nghĩ: ’’Hay là đi lấy chồng, có chồng thì mỗi ngày đều có chồng lo, toại tâm mãn dục’’. Tức là chúng muốn cho bạn không thể phát tâm bồ đề, đó là việc của quỷ Dạ xoa la sát, chuyên môn tổn hại đạo tâm bồ đề, phá hoại người tu hành. Cho nên nói : ‘’Muốn đến não hại người’’. ‘’Thì các ác quỷ đó còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn’’ : Một khi niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tự nhiên phóng ra đại quang minh, quỷ đó muốn nhìn bạn, cũng nhìn chẳng thấy, vì chúng nhìn bạn tựa như đèn điện chiếu sáng, mắt cũng mở chẳng ra, cho nên nói ‘’còn không thể dùng mắt dữ mà nhìn’’. ‘’Huống chi lại làm hại’’ : Chúng mắt cũng mở chẳng lên, lại làm sao mà làm hại bạn ? Tự nhiên bèn bỏ bạn chạy xa. Do đó, bạn nên luôn luôn niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì mới bảo đảm.

‘’Nếu như lại có người’’ : Giả sử lại có người như thế. ‘’Hoặc có tội, hay không có tội’’ : Bất cứ là có tội, hoặc chẳng có tội. ‘’Gông cùm xiềng xích’’ : Người có tội thì sẽ bị chính phủ bắt đi, tay bị còng, cổ bị gông cùm, người có tội là chỉ người phạm tội, người chẳng có tội là người bị oan uổng, bị vu cáo, mình vốn chẳng phạm tội, mà bị chính phủ bắt đi nhốt vào lao tù. Gông cùm xiềng xích, đều là hình cụ của người phạm tội mang, trói buộc lại. Nếu bạn lúc đó xưng niệm Nam Mô Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát, thì gông cùmxiềng xích đều gãy tan. Những hình cụ đó tự nhiên gãy ra. ‘’Đều được giải thoát’’: Lập tức bèn được giải thoát, tự do. Gông tự động gãy, cùm tự động mở. Tóm lại, bất cứ hình cụ gì trên thân của bạn, đều tự nhiênmở ra, những tình hình như thế tôi thấy qua rất nhiều.

Có một lần, tôi ở chùa Nam Hoa gặp một vị Hòa Thượng, vào thời kỳ Nhật xâm lược Trung Quốc, vị Hòa Thượng đó bị Nhật bắt đi nhốt vào lao ngục, tay chân đều bị còng. Ngài ở trong ngục suốt ngày niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, niệm niệm không ngừng, một đêm nọ, hốt nhiên gông cùm trên thân của Ngài tự động gãy ra rớt xuống, cửa ngục cũng tự động mở ra, cho nên Ngài thoát khỏi ngục tù, được tự do giải thoát.

Nếu trong ba ngàn đại thiên thế giới, đầy dẫy những kẻ oán tặc, có một người chủ buôn, đem theocác người buôn bán, mang theo rất nhiều châu báu quý giá, đi qua con đường hiểm, trong đó có một người xướng lên rằng : Các thiện nam tử ! Chớ có sợ hãi, các ông nên một lòng xưng niệmdanh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, vì vị Bồ Tát đó, hay đem sự vô úy thí cho chúng sinh. Nếu các ông xưng niệm danh hiệu của Ngài, thì ở nơi oán tặc nầy, sẽ được giải thoát. Các người buôn nghe rồi, đều xưng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, vì xưng niệm danh hiệu của Ngài, nên được giải thoát.

‘’Nếu trong ba ngàn đại thiên thế giới’’ : Nếu như trong ba ngàn đại thiên cõi nước. ‘’Đầy dẫy những kẻ oán tặc’’ : Trong ba ngàn đại thiên thế giới, chỗ nào cũng có oán tặc. Oán tặc là có oan trái với bạn trong quá khứ, cho nên đời này làm oán tặc, để đến cướp đồ của bạn. ‘’Có một người chủ buôn’’: Có một người làm chủ buôn bán, đem theo rất nhiều người làm ăn buôn bán, lại mang theo rất nhiều báu vật quý giá, đi qua nơi có trộm cướp. Song, trong số người buôn đó, có một người đề nghị nói với đại chúng : ‘’Các vị thiện nam tử, các vị huynh đệ ! Xin mọi người đừng lo âu sợ hãi. Chúng ta mọi người, hãy nên một lòng niệm danh hiệu Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.

Vì vị Bồ Tát đó, hay đem tinh thần vô úy để bảo hộ hết thảy chúng sinh. Hiện tại nếu mọi người chúng taniệm danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ thoát khỏi những oán tặc này, mà được giải thoát, và chẳng bị bọn cướp trộm cướp hoặc giết hại’’. Những người buôn đó nghe rồi, mọi người đều cùng nhau xưng niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, quả nhiên thoát khỏi nạn oán tặc, chẳng bị bọn cướp trộm cướp. Vì đó là cảm ứng không thể nghĩ bàn, cho nên mỗi người đều nên phát tâm tin chân thành, đừng có hoài nghi.

Vô Tận Ý ! Sức oai thần của đại Bồ Tát Quán Thế Âm, rộng lớn như thế.

Đức Phật nói xong đạo lý kinh văn ở trên rồi, lại tiếp tục kêu một tiếng : ‘’vô Tận Ý ! Sức oai thần của đại Bồ Tát Quán Thế Âm rộng lớn vĩ đại như thế, nói cũng không hết.’’ 

Nếu có chúng sinh nhiều lòng dâm dục, thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ lìa khỏi lòng dâm dục.

Nếu như có loài chúng sinh đặc biệt nhiều lòng dâm dục. Có người một mặt học Phật, một mặt sinh tâm dâm dục, học Phật pháp càng nhiều, thì tâm dâm dục của họ càng tăng trưởng, suốt ngày đến tối đều vọng tưởng về dâm dục, giống như suối nước chảy không ngừng. Đó là thứ tư tưởng xấu nhất, hành vi và biểu hiện đê hèn. Vậy thì phải làm thế nào ? Bạn đừng lo lắng, đừng buồn rầu. Chỉ cần bạn ‘’Thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm’’, song chỉ tụng niệm Nam Mô Quán Thế Âm thì vẫn chưa đủ, còn phải đem tâm cung kính chân thành ra, hướng về Bồ Tát Quán Thế Âm lễ bái. Đảnh lễ Phật và Bồ Tát là một biểu hiện cung kính nhất. Song một số người chẳng hiểu đạo lý này, nhất là kẻ ngoại đạo thấy mọi người lạy Phật, thìphê bình nói những lời mù : ‘’Đó là tượng gỗ tượng đá, lạy lại có ích gì ?’’ Vì mình chẳng có trí huệ, chẳng nhìn thấy cảnh giới Phật quang phổ chiếu, ngược lại sinh đại ngã mạn, thậm chí xem mình còn lớn hơn Phật, cho nên nói hà tất phải lạy Phật ! Đó là người ngu si đến cực điểm. Nếu thường hay niệm cung kínhBồ Tát Quán Thế Âm, thì tâm dâm dục của bạn tự nhiên sẽ lìa khỏi. Có người nói : ‘’Không xong rồi ! Tôi thích dâm dục mà bây giờ không còn thì làm sao?’’ Nếu bạn thích có dâm dục, thì cũng đừng lo lắng, vẫn có thể có. Nếu không thích có thì có thể không có. Nếu bạn thích có, thì hà tất niệm Bồ Tát Quán Thế Âm ? Cứ giữ nó như thường.

Nếu người nhiều sân hận, thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ lìa khỏi sân hận.

Sân hận là gì ? Sân hận tức là phiền não, tức cũng là vô minh. Sân hận lợi hại như lửa. Do đó có câu : 

‘’Một đốm lửa nhỏ, 
Đốt sạch rừng công đức.’’ 

Cổ nhân cũng nói :

’’Ngàn ngày nhặt củi, 
Đốm lửa thiêu sạch.’’ 

Nghĩa là bạn nhặt củi cả ngàn ngày, song chỉ cần một chút lửa, thì sẽ đốt sạch đống củi đó. Đây là hình dung công đức lành mà chúng ta làm hằng ngày, tuy tu trì nhiều thời, song một khi bạn nóng giận, thì sinh ra lửa vô minh, đốt sạch công đức đã tích tập từ lâu. Người thích nổi lửa vô minh tức là A tu la, mỗi người đều có con đường xu hướng. Có người hướng về Phật đạo, thì tính cách của họ đa số là từ bi, về cõi tiênthì thích thanh nhàn, về cõi người thì có duyên với người khác, về đường ngạ quỷ thì đa số là tính giảo hoạt, chẳng chịu thiệt thòi, là người chẳng thành thật, về đường súc sinh thì lòng tham dục nặng, về đường A tu la thì thích nổi nóng, thứ người này, động hay chẳng động cũng đều nổi lửa nóng giận. Loại người này phải làm thế nào ? Có phương pháp gì có thể thay đổi ? Bộ Kinh Pháp Hoa này đã nói rõ ràng, tức là phải thường niệm : ‘’Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát’’, chỉ cần niệm luôn luôn đừng gián đoạn. Mỗi khi đến chùa nào, phàm là có cúng Phật, hoặc cúng Bồ Tát Quán Thế Âm, thì nên cung kính đãnh lễ. Cũng đừng hôm nay lễ, ngày mai thì lại không; sáng nay đảnh lễ, tối thì chẳng lạy. Nếu kiền, thành, hằng, thường kính lễchư Phật Bồ Tát, thì lâu dần tính nóng giận của bạn sẽ chẳng còn nữa, cho đến chính bạn cũng chẳng biết sự việc thế nào ? Nếu bạn không tin, thì tôi sẽ nói ra một sự kinh nghiệm của chính tôi, để cho các vị mượn làm cảnh.

Trước kia tôi cũng là người rất nóng giận, nói đánh người là đánh người, nói chưởi người thì chưởi người. Khi tôi mười hai mười ba tuổi thì thích chỉ huy, bất cứ bạn lớn cỡ nào ở cùng chỗ với tôi, thì phải nghe sựchỉ huy của tôi, nếu chẳng nghe tôi chỉ huy, thì tôi sẽ đánh ! Chết cũng muốn đánh, đánh đến khi nào bạn đầu hàng mới thôi, đó là hành vi củ A tu la. Về sau, tôi học Phật thì mới giác ngộ tính nóng giận là không đúng, bèn sửa lỗi làm mới, thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm. Cho nên hiện tại làm sư phụ, cũng phải tu hạnh nhẫn nhục. Có khi đệ tử đến coi thường sư phụ, trước hết nổi nóng, song tôi đề thanh hạ khí nhẫn nhục, đến khi anh ta từ từ sẽ hiểu là mình sai quấy. Trước kia, tôi nóng giận với người khác, bây giờ bị đệ tử đến khi phụ tôi, đây có thể nói là báo ứng. Có người nói : ‘’Đệ tử nào đến khi phụ Thầy ?’’ Người khi phụ tôi tức là người đó.

Nếu người nhiều ngu si, thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ lìa khỏi ngu si.

Ở trước đã nói về tham và sân, bây giờ nói về si, đây gọi là ba độc. Ba độc này, đầu độc Phật tánh của con người hôn mê như là ngủ. Tại sao chẳng giác ngộ, một đời đều sống trong cơn say, chết trong ảo mộng ? Là vì ba độc này. Tham tức là dâm dục, dâm dục là lợi hại nhất đối với tự tánh, thế mà một số người cho rằng đó là sự hưởng thụ cao nhất, cho nên cứ làm những hành vi điên đảo, thứ bụi bặm này càng ngày càng nhiều, vì Phật tánh quang minh của bạn chẳng hiển hiện, đó là sự lợi hại của tham độc. Sân độc cũng như tham độc, lợi hại vô cùng.
Bây giờ nói về si độc. ‘’Ngu si’’ là gì ? Tức là cảm thấy mình chẳng ngu si, đó càng là ngu si. Cho rằng mình là người rất thông minh có trí huệ, thật tế bạn hỏi họ : ‘’Anh từ đâu đến ? Tương lai anh đi về đâu ?’’ Thì họ chẳng biết, đến chẳng biết đến, đi chẳng biết đi, bạn nghĩ rằng người như thế là thông minh nhất chăng ? Song họ chẳng thừa nhận mình là người ngu si. Do đó : 

‘’Danh lợi việc nhỏ ai cũng ham 
Sinh tử việc lớn chẳng ai màng.’’ 

Trên thế giới này, cầu danh cầu lợi tuy là việc nhỏ, song con người suốt ngày vì nó mà bôn ba lao nhọc, thậm chí đi hại người, giết người cũng vì ‘’lợi’’. Chẳng phải vì lợi, thì là vì ‘’danh’’. Người của các nước trên thế giới này, nhiều đếm chẳng hết được, song hợp lại mà nói thì chỉ có loại hai người. Tức là, một là cầu danh, một là cầu lợi. Danh và lợi chi phối làm cho con người điên đảo, song vẫn chưa tỉnh, từ sinh ra đến chết đi đều hồ đồ. Có người tham cầu làm quan, có người cầu phát tài, có người cầu con trai con gái, một đời khát vọng các thứ khoái lạc, song hưởng thụ chẳng bao lâu thì chết đi. Chết rồi sinh về đâu cũng chẳng biết. Khi sống thì cho mình là bất phàm, cảm thấy là ngon lành lắm, mình là người có trí huệ rất thông minh, thậm chí học ở nhà trường năm nào tôi cũng đứng nhất lớp, bất cứ làm việc gì tôi cũng đứng đầu, cao hơn mọi người, tự cho rằng thông minh khác thường. Kỳ thật, cho đến mặt mũi của mình cũng chẳng nhận thức được, sự thông minh của bạn đều là giả, đó là thông minh giả. Nếu bạn có trí huệ thật sự, thì chẳng cảm thấy mình có trí huệ. Vậy nói là cảm thấy mình ngu si chăng ? Cũng chẳng cảm thấy mình là ngu si, càng chẳng cảm thấy có trí huệ. Tuy trên bề mặt nhìn lại, đồng thân thể hình trạng với một số người, song những tư tưởng quan niệm bạn đều minh bạch. Minh bạch hết thảy tất cả, như huyễn như hóa. Biết hết thảy tất cả đều giả, thì bạn chẳng tham trước những vinh hoa phú quý ở trong mộng, tham đồ sắc đẹp, tranh ta người, tranh đúng sai, tranh hạng nhất, tranh danh đoạt lợi, mà thấy rõ tất cả đều là vô thường. Cho nên trong Kinh Kim Cang có nói : 

’’Nhất thiết hữu vi pháp, 
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện, 
ứng tác như thị quán’’.

Nghĩa là: 

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng huyễn bọt bóng
Như sương cũng như điện
Hãy quán sát như vậy. 

Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bọt bóng. Pháp hữu vi là gì ? Tức là tất cả có hình tướng, có thể nhìn thấy được, đều gọi là pháp hữu vi, tựa như mộng huyễn bọt nước. Bọt nước ở trong biển, bạn nói là thật hay là giả ? Nói là thật, nó lại hóa là không, nói là giả mà nó lại có bọt nước. Tuy có bọt nước, nhưng chẳng thật tại, chẳng có thể tánh chân thật. Bóng cũng là hư huyễn, lại giống như giọt sương, sáng sớm thì có giọt sương, nhưng khi mặt trời xuất hiện, thì nó lại tiêu mất. Điện cũng là có, song điện quang lửa đá chuyển nháy mắt thì mất, cũng chẳng chân thật. Nếu quán tưởng tất cả sự vật như thế, thì có gì để chấp trước ? Chẳng có gì chấp trước, thì mới thật minh bạch, cũng chẳng tưởng đông nghĩ tây, càng không tưởng nam nghĩ bắc, buông xả hết tất cả những trần lao vọng tưởng. Buông xả hết được tất cả trần laovọng tưởng, thì lúc đó bạn không muốn thành Phật cũng không được, muốn chẳng có trí huệ cũng không thể được, tự nhiên sẽ có.

Cho nên, khi mình chẳng có trí huệ, thì đừng cho rằng mình có trí huệ. Trí huệ chẳng phải từ bên ngoài đến, đừng sinh ra tâm kiêu ngạo : ‘’Ở trong tất cả mọi người, ta là thông minh nhất, đẹp nhất, nổi bậc hơn tất cả mọi người, chẳng giống mọi người !’’ Nếu bạn có tư tưởng như thế, thì tức là chấp tướng. Tướng vốn là túi da hôi thối, như mộng huyễn bọt bóng. Bạn suốt ngày tới tối mặc quần áo đẹp cho nó, ăn đồ ngon, hết lòng vì nó mà hưởng thụ. Song, đến lúc nó muốn đi, thì nó chẳng màng đến bạn. Có người chuyên vì túi da hôi thối mà hút thuốt, lại uống rượu, lại ăn thịt. Suốt ngày đến tối cứ lấp cho cái đáy sâu không đáy này, lấp đầy rồi lại vơi, vơi rồi lại đầy, vĩnh viễn lấp chẳng đầy, vì mình mà bận tới bận lui.

Tại sao tôi mỗi ngày ăn một bữa ? Là vì sợ phiền não, cho nên ăn ít một chút, thì bớt đi rất nhiều phiền não. Một số người cho rằng, ăn đồ ngon là hưởng thụ tốt nhất, tôi thì cho rằng là việc phiền não. Vậy giải thíchsao đây ? Nếu ăn nhiều thì trong bụng chẳng thoải mái, mà ăn ít thì lại sinh tâm tham : ‘’Vì ăn ngon thì lại ăn thêm một chút.’’ Nếu ăn đồ chẳng ngon, thì chẳng sinh ra tâm tham, bụng cũng chẳng thọ tội, cho nên đây đều là việc phiền não. Tại sao con người có những phiền não ? Vì mình quá ngu si, mới tham hưởng thụ, cầu giàu sang, cầu danh lợi, cầu sung sướng, đủ thứ đâu chẳng phải là điên đảo ? Bạn tham cái này, cái kia, kết quả lại thế nào ? Đến lúc vẫn phải chết như nhau. Khi chết, một chút gì cũng chẳng mang theođược, đó chẳng phải là ngu si chăng ? Nếu ngu si như thế, thì phải làm thế nào ? Y chiếu theo Kinh Pháp Hoa : Thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi ngu si đi rồi, thì trí huệ sẽ đến. Ai biết được mình ngu si, thì người đó mới chân chánh nhận thức được mình, đã có trí huệ, thì mới cảm thấy mình là ngu si, càng chạy càng xa. Mình vốn là ngu si, mà tự cho rằng là thông minh, đó chẳng phải là ngu si lại thêm ngu si chăng ? Một cái ngu si vốn chưa đủ, mà biến thành hai cái ngu si. Nếu bây giờ chúng ta không muốn ngu si, thì phải thường niệm cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm. Đây là cách diệu nhất, linh nhất, tuyệt đối diệu không thể tả

Nói về ngu si và trí huệ. Gì là ngu si ? Gì là trí huệ ? Tôi nói về một đạo lý, mà chắt các vị chẳng tin : ’’Ngu si tức là trí huệ, trí huệ tức là ngu si.’’ Tại sao lại nói như thế ? Ở trong Kinh Bát nhã có nói :’’Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc.’’ Cảnh giới này nói rõ về chân sắc, là từ chân không sinh ra, chân không là từ chân sắc mà có, cho nên hai mà chẳng hai. Trí huệ và ngu si cũng như đạo lý đó. Nếu bạn dùng được thì càng ngu si. Ngu si và trí huệ cũng chẳng phải hai, xem thử bạn có dùng được chăng ? Nếu bạn dùng được, thì ngu si cũng biến thành trí huệ, nếu chẳng dùng được, thì trí huệ sẽ biến thành ngu si. Nếu bạn thật sự minh bạch đạo lý này, thì chẳng điên đảo.

Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm có những sức đại oai thần như thế, làm nhiều sự lợi ích, cho nên chúng sinh thường hay niệm. Nếu có người nữ muốn cầu con trai, mà lễ lạy cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì sẽ sinh được con trai phúc đức trí huệ. Nếu muốn cầu con gái, thì sẽ sinh được con gái đoan chánh xinh đẹp, thuở xưa đã từng trồng gốc công đức, được mọi người kính mến.

Đức Phật giảng đoạn kinh ở trên xong rồi, lại gọi một tiếng Bồ Tát Vô Tận Ý nói :’’Bồ Tát Quán Thế Âm như ở trước có nói, có các thứ sức oai thần cứu bảy nạn, giải ba độc, Ngài còn có thần thông diệu dụng lợi ích chúng sinh, cho nên trong tâm chúng sinh thường hay niệm Bồ Tát Quán Thế Âm’’. Chỗ này mọi người đều phải đặc biệt chú ý ! ‘’Tâm thường hay niệm’’ : Chẳng phải miệng niệm mà tâm không niệm. Nếu tâm niệmmà miệng không niệm cũng được. Tóm lại, phải từ từ, vĩnh viễn nhớ danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm. ‘’Nếu có người nữ muốn cầu con trai’’. Nếu như có người phụ nữ muốn cầu sinh được một cậu con trai, thì hãy chiếu theo pháp môn đã nói ở trong Kinh Pháp Hoa, tức là phải lễ lạy và dùng hương hoa trái cây, cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì tự nhiên sẽ được con trai đầy đủ phước đức trí huệ. Nếu cầu con gái thì sẽ sinh được con gái tướng mạo xinh đẹp. ‘’Trước đã trồng gốc công đức, được mọi người kính mến. Tại sao lại có tướng đoan chánh xinh đẹp ? Đó đều là do đời trước, hoặc đã từng mua hương hoa, dùng các thứ đồ trang nghiêm, cúng dường chư Phật Bồ Tát, do công đức cúng dường tích tụ trong quá khứ, cho nên cảm ứng đời đời được tướng mạo viên mãn trang nghiêm, ai thấy cũng ưa mến.

Vô Tận Ý ! Bồ Tát Quán Thế Âm có sức oai thần như thế. Nếu có chúng sinh cung kính lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước chẳng tổn giảm, cho nên chúng sinh đều hay thọ trì, danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Vô Tận Ý ! Nếu có người thọ trì, sáu mươi hai ức Hằng hà sa danh hiệu các Bồ Tát, lại suốt đờicúng dường thức ăn uống, quần áo, đồ nằm, thuốc thang. Ý ông như thế nào ? Người thiện nam, thiện nữ đó, công đức có nhiều chăng ? 
Vô Tận Ý nói : Rất nhiều, bạch đức Thế Tôn ! 
Đức Phật nói : Nếu lại có người, thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, cho đến một thời lễ lạycúng dường, thì phước của hai người đó, bằng nhau không khác, ở trong trăm ngàn vạn ức kiếpkhông thể hết được.


Đức Phật nói xong cứu bảy nạn, giải ba độc, ứng hai cầu ở trên rồi, bây giờ lại nói : ‘’Vô Tận Ý ! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm này, có sức oai thần như đã nói ở trên. Nếu có chúng sinh hay cung kính Bồ Tát Quán Thế Âm, phát tâm lễ lạy Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước của họ chắc chắn tồn tại, chẳng luống qua. Vì vậy cho nên, có những chúng sinh hay thọ trì tụng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.’’ Nếu trong tâm của bạn thường trì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, thì được hết thảy phước báo không thể nghĩ bàn, vi diệu khó dò.

Đức Phật lại gọi một tiếng : ‘’Vô Tận Ý ! Nếu như có người, thọ trì sáu mươi hai ức Hằng hà sa số danh hiệu các Bồ Tát. Chẳng những chỉ niệm và còn suốt đời dùng hương, hoa, đèn, trái cây, hoặc dùng thức ănuống, quần áo, đồ nằm, thuốc thang, bốn thứ cúng dường Tam Bảo. Ý của ông Vô Tận Ý nghĩ như thế nào ? Vị thiện nam tử, thiện nữ đó, đắc được công đức có nhiều chăng ?’’
Phật hỏi xong rồi, thì Bồ Tát Vô Tận Ý trả lời rằng: ‘’Công đức đó rất nhiều.’’ Phật nghe Bồ Tát Vô Tận Ý nói rồi bèn nói : ’’Nếu như có người khác hay niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, đừng nói người đó suốt đời cúng dường, mà dù trong khoảng thời gian rất ngắn, lễ bái cúng dường Bồ Tát Quán Thế Âm, thì phước báu của hai người này đồng nhau, trong trăm ngàn vạn ức kiếp, phước báu đó cũng không hết được.

Vô Tận Ý ! Thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, được lợi ích phước đức vô lượng vô biên như thế.

Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng : Đức Thế Tôn ! Bồ Tát Quán Thế Âm vân du thế giới Ta Bà này như thế nào ? Vì chúng sinh thuyết pháp như thế nào ? Sức phương tiện việc đó thế nào ?

Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý : Thiện nam tử ! Nếu có những chúng sinh trong cõi nước, đáng dùng thân Phật độ được, thì Bồ Tát Quán Thế Âm liền hiện thân Phật, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Bích Chi Phật độ được, thì liền hiện thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Thanh Văn độ được, thì liền hiện thân Thanh Văn, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Phạm Vương độ được, thì liền hiện thân Phạm Vương, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân Đế Thích độ được, thì liền hiện thân Đế Thích, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân trời Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Tự Tại, để vì họ nói pháp. Người đáng dùng thân trời Đại Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Đại Tự Tại, để vì họ nói pháp.

Đức Phật lại gọi một tiếng Bồ Tát Vô Tận Ý nói : ‘’Thọ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, sẽ đắc được phước đức lợi ích chẳng có số lượng, chẳng có bờ bến như ở trên đã nói.’’

Bồ Tát Vô Tạn Ý nghe Phật nói như thế bèn hỏi Đức Phật : ‘’Đức Thế Tôn ! Vị Bồ Tát Quán Thế Âm đó giáo hóa chúng sinh ở thế giới Ta Bà như thế nào ? Làm thế nào để vì chúng sinh nói pháp? Phương tiệnnhân duyên Ngài giáo hóa việc đó thế nào ?’’

‘’Thế giới Ta Bà’’ là gì ? ‘’Ta Bà’’ là tiếng Phạn, dịch là ‘’kham nhẫn’’, tức cũng là hay nhẫn nhục, nghĩa là nói thế giới này rất khổ, chẳng dễ gì nhẫn thọ.
Đức Phật nghe Bồ Tát Vô Tận Ý hỏi như thế, bèn trả lời : ‘’Thiện nam tử ! Nếu như có chúng sinh trong ba ngàn đại thiên thế giới, đáng dùng thân Phật độ được họ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm bèn thị hiện thân Phật, để vì chúng sinh đó nói pháp.’’

Giảng đến đây có người hỏi : ‘’Bồ Tát Quán Thế Âm là Bồ Tát chẳng thành Phật, sao có thể hiện thân Phật để vì chúng sinh nói pháp ? Có phải là mạo xưng Phật chăng ?’’ Chẳng phải. Vì Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong vô lượng kiếp quá khứ, sớm đã thành Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai. Sau khi thành Phật, vì chẳng quên chúng sinh, cho nên Ngài lại đến thế giới này ẩn thân Phật, mà hiện ra thân Bồ Tát để cứu hộchúng sinh, đây gọi là ẩn lớn hiện nhỏ. A la Hán là hồi tiểu hướng đại, Bồ Tát Quán Thế Âm là hồi đại hướng tiểu. Ngài từ thân Phật mà đảo giá từ thuyền, mục đích vì tiếp dẫn chúng ta tất cả chúng sinh khổ não. Cho nên, Bồ Tát Quán Thế Âm tuy bên ngoài hiện thân Bồ Tát, nhưng kỳ thật bên trong ẩn hạnh chư Phật, ở bên trong là hạnh nguyện của chư Phật, hành vi của chư Phật. Sở dĩ Bồ Tát Quán Thế Âm hóa hiện thân Phật, là để vì chúng sinh nói pháp, chứ chẳng phải là mạo xưng Phật để lừa gạt chúng sinh.

Tiếp theo Phật lại nói : ‘’Người đáng dùng thân Bích Chi Phật độ được, thì Ngài liền hiện thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp.’’ Bích Chi Phật nguyên tiếng Phạn là ‘’Bích Chi Ca La’’, dịch ra là ‘’Duyên giác’’. ‘’Duyên Giác’’ lại phân ra có hai : Khi sinh vào thời có Phật ra đời, thì gọi là Duyên Giác, khi sinh vào thời chẳng có Phật ra đời, gọi là Độc giác. Khi có Phật ra đời thì tu mười hai nhân duyên mà ngộ đạo, Ngài quán sát làm sao lại có vô minh ? Vô minh rồi sao lại có hành ? Sao lại có thức ? Sao lại có danh sắc ? Có lục nhập ? Sao lại có xúc ? Sau đó có thọ ? Thọ rồi lại có ái ? Có ái thì có thủ ? Vì có ‘’hữu’’, tức cũng có ‘’sinh’’ ? Có đời sau, tức cũng có lão tử ? Suốt ngày quán sát mười hai nhân duyên như thế, biết tất cả đều là khổ, không, vô thường, vô ngã, cho nên buông xả tất cả, thì sẽ khai ngộ. Do quán mười hai nhân duyênmà ngộ đạo, cho nên gọi là ‘’Duyên giác’’. Lúc sinh ra vào thời không có Phật ra đời, cũng tu mười hai nhân duyên này, và còn quán mùa xuân trăm hoa đua nở, mùa thu quán lá vàng rơi, quán sát đủ thứ trạng tháibiến hóa tự nhiên, cho nên giác ngộ được sinh, trụ, dị, diệt; thành, trụ, hoại, không, đủ thứ tình hình chẳng phải một, chẳng phải vô thường, cũng do đó mà giác ngộ, đây gọi là ‘’Độc Giác’’, sự khác biệt giữa Duyên Giác và Độc Giác là, có và không có Phật ra đời, cho nên tên gọi khác.

Bồ Tát Quán Thế Âm vì có ngàn mắt chiếu thấy, ngàn tai nghe được, biết chúng sinh nào đáng dùng thân Bích Chi Phật độ được, thì hiện ra thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp : ‘’Bạn có biết vô minh từ đâu đến chăng ? Tức là từ một niệm không giác của bạn mà đến. Vì một niệm không giác, cho nên trong tính Như Lai tạng của bạn sinh ra vô minh. Có vô minh rồi, tiếp theo sinh ra ‘’hành’’, .v.v... Đó là đáng dùng thân Bích Chi Phật, để vì họ nói pháp, khiến cho họ khai ngộ, sau dó họ mới phát tâm bồ đề, hồi tiểu hướng đại

‘’Người đáng dùng thân Thanh Văn độ được, thì liền hiện thân Thanh Văn để vì họ nói pháp’’. Thanh Văngọi là gì ? Thanh Văn cũng là A la hán, Duyên Giác cũng là A la hán, đây là người nhị thừa. Thanh là âm thanh, văn là nghe, tức là nghe được âm thanh của Phật mà ngộ đạo. Phật nói âm thanh gì ? Nói pháp bốn đế, nghe âm thanh này mà ngộ đạo, nên gọi là ‘’Thanh Văn’’. Pháp bốn đế là khổ, tập, diệt, đạo. Đức Phậtban đầu vì năm vị Tỳ Kheo, ba lần chuyển bánh xe pháp bốn đế : 

‘’Đây là khổ, tính bức bách
Đây là tập, tính chiêu cảm 
Đây là diệt, tính khả chứng
Đây là đạo, tính khả tu’’.

‘’Đây là khổ, tính bức bách’’ : Nói sự khổ có tính bức bách mãnh liệt, khiến cho người thọ chẳng thấu. Khổ: Có khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ, còn có khổ về sinh, già, bệnh chết, ái biệt ly, oán tắng hội, cầu bất đắc, ngũ ấm xí thạnh, tám thứ khổ. Hết thảy những thứ khổ này, bức bách con người; khiến cho con người suốt ngày phiền não khó chịu. Tất cả mọi vấn đề đều do khổ mà sinh ra, cho nên nói khổ là tính bức bách.

‘’Đây là tập tính chiêu cảm’’ : Tập là tập tụ tích lũy, tập tụ những gì lại với nhau ? Tập tụ phiền não lại với nhau. Tại sao lại có phiền não ? Vì có ‘’khổ’’. Trước hết có khổ, bị khổ đè nén thọ chẳng thấu, thì sinh ra phiền não, thì sinh nóng giận. Cho nên nói, phiền não là tính chiêu cảm, do tụ tập mà thành, tức cũng từ ‘’khổ’’ mà có ‘’tập’’.

‘’Đây là diệt tính khả chứng’’ : Diệt tức là tịch diệt, tịch diệt phiền não vô minh. Tịch diệt an vui, Niết Bàndiệu quả có thể chứng đắc.

‘’Đây là đạo tính khả tu’’ : Đạo này ai ai cũng có thể tu, chẳng có người nào không thể tu đạo được. Bất cứ ai cũng có thể tu đạo, bất cứ ai cũng có thể chứng được lý thể Niết Bàn. Đây là chuyển bánh xe pháp lần thứ nhất.

Đức Phật chỉ là hiện thân thuyết pháp, vì năm vị Tỳ Kheo nói pháp bốn diệu đế này, tiếp theo lại nói : 

‘’Đây là khổ, ông nên biết, 
Đây là tập, ông nên đoạn, 
Đây là diệt, ông nên chứng, 
Đây là đạo, ông nên tu.’’ 

Nghĩa là: ‘’Sự khổ này, chẳng phải chỉ mình ta thành Phật mới biết, ông cũng nên biết sự khổ này. Ông cũng nên đoạn trừ tập đế, nên cầu chứng Niết Bàn diệu quả, cũng nên tu hành bồ đề giác đạo này.’’ Đây là lần thứ hai chuyển bánh xe pháp.

Phật nói lần thứ ba chuyển bánh xe pháp : 

‘’Đây là khổ, ta đã biết 
Đây là tập, ta đã đoạn 
Đây là diệt, ta đã chứng 
Đây là đạo, ta đã tu.’’ 

Sự khổ này ta đã biết, tập này ta đã đoạn. Ta biết khổ thì chẳng còn bị khổ làm mê hoặc, ta đoạn sạch phiền não, tức cũng chẳng còn tập đế. Đây là diệt ta đã chứng đắc, ta đã đắc được sự vui tịch diệt thật sự. Đây là đạo ta đã tu hành rồi.

Năm vị Tỳ Kheo nghe Phật ba lần diễn nói chuyển bánh xe pháp bốn đế rồi, lúc đó lập tức khai ngộ. Vì nghe tiếng của Phật mà ngộ đạo, nên gọi là ‘’Thanh Văn’’. Thanh Văn và Duyên Giác lại gọi là ‘’Nhị thừa’’, cũng gọi là tiểu thừa. Có đại thừa, cũng có tiểu thừa. Đại là gì ? tiểu là gì ? Vốn chẳng có đại, cũng chẳng có tiểu, chỉ vì trong tâm chúng sinh có đại, có tiểu. Tâm lượng vốn tận cùng hư không khắp pháp giới, bất quả phàm phu chúng ta chẳng thể dùng tính Như Lai tạng của mình vốn có. Có người chỉ dùng một phần nhỏ, có người dùng một phần lớn, có người dùng toàn bộ. Chư Phật thì dùng toàn bộ, vì đã trở về cội nguồn cội. Bồ Tát thì dùng một phần lớn, vì Bồ Tát có đại trí huệ, cho nên xử dụng một phần lớn tính Như Lai tạng vốn có. Tiểu thừa biết ít nên cũng dùng ít. Do đó, Bồ Tát Quán Thế Âm gặp cơ duyên, người đáng dùng thân Thanh Văn được độ, thì cũng hiện ra thân Thanh Văn để vì họ nói pháp bốn Thánh Đế.
‘’Người đáng dùng thân Phạm Vương độ được họ, thì liền hiện thân Phạm Vương để vì họ nói pháp’’. Phạm Vương tức là Đại Phạm Thiên Vương, ông ta là hoàng đế ở trên trời Đại Phạm. ‘’Phạm’’ nghĩa là thanh tịnh. Ông ta làm vua ở trên trời cảm thấy rất tự tại, Bồ Tát Quán Thế Âm cũng hiện thân Đại Phạm Thiên Vương để vì họ nói pháp.

‘’Người đáng dùng thân Đế Thích độ được, thì liền hiện thân Đế Thích, để vì họ nói pháp’’. Đế Thích, trong Kinh A Di Đà gọi là Thích Đề Hoàn Nhân, ở trong đạo giáo gọi là Ngọc Hoàng Đại Đế. Đế Thích không chỉ là một, mà có rất nhiều vị. Cõi trời này mà chúng ta thấy biết gọi là trời Đao Lợi. Đế Thích của trời Đao Lợitức cũng là Thiên Chúa mà một số người tín ngưỡng. Trong chú Lăng Nghiêm có một câu là : Nam MôNhân Đà La Gia, ‘’Nhân Đà La Gia’’ cũng là một tên gọi khác của Thiên Chúa. Hết thảy mọi việc trên trời, đều do vị Đế Thích này thống lãnh và cai quản, năng lực của ông ta rất là quảng đại, quyền lực cũng lớn mà thần thông cũng lớn, song ông ta chỉ ở trên trời, mà tuổi thọ của người trời tương lai cũng có lúc hết. Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn thấy chúng sinh, đáng dùng thân trời Đế Thích độ được, thì hóa hiện ra thân Đế Thích để vì họ nói pháp. Tại sao phải hiện thân Đế Thích để nói pháp ? Vì đồng loại thì dễ dàng tiếp thọ sựdạy bảo, giống như loài người chúng ta cũng thế. Bất cứ hạng người nào, thì dễ làm bạn với hạng người đó. Người làm ăn thì làm bạn với người làm ăn, người đi học thì làm bạn với người đi học, người học Phật thì làm bạn với người học Phật, người đánh bạc thì tìm người đánh bạc làm bạn, kẻ ăn trộm thì làm bạn với người ăn trộm. Vì quan hệ như thế, cho nên Bồ Tát Quán Thế Âm thường hóa hiện ra thân đồng loại với chúng sinh, thị hiện phương tiện khiến cho chúng sinh, dễ dàng tiếp thọ độ hóa. Song, Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng chỉ dùng thần thông biến hóa, để hiện thân thuyết pháp, và chẳng nhất định tầm thanh cứu khổmới ứng hóa, thậm chí Ngài phân linh để đến thế giới này làm người, cũng tu học Phật pháp, sau đó mới giáo hóa vô lượng vô biên chúng sinh. Ví như đối với hạng học sĩ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân làm một vị giáo thọ, để vì họ diễn nói Phật pháp khéo dụ, dần dần khiến cho một số học giả cảm thấy hứng thú đối với Phật pháp, tăng thêm niềm tin, mà phát tâm quy y, thọ trì một giới, hai giới, năm giới, cho đến mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của Bồ Tát, sau đó y chiếu theo pháp môn của Bồ Tát Quán Thế Âmmà tu hành, lại biến ra một Bồ Tát Quán Thế Âm, lại thêm một hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm.

Làm sao có thể có ‘’Ngàn trăm ức hóa thân’’? Tức là bạn mô phỏng Ngài, học tập theo Ngài, thì biến thànhhóa thân của Ngài. Do đó, ‘’Pháp chẳng có pháp cố định’’, pháp này chẳng cố định, chẳng chấp trước. Nếu bạn nghĩ chấp trước cố định, thử hỏi chính bạn xem cố định có thể không chết chăng ? Nếu bạn nhất địnhkhông chết, thì việc đó cũng đều cố định. Cho nên đạo lý ‘’trăm ngàn ức hóa thân’’, chẳng khó khăn gì, chỉ cần bạn có tâm hằng thường, có nghị lực học tập Bồ Tát Quán Thế Âm, hoằng dương Phật pháp, cứu độchúng sinh, thì bạn cũng là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm. Có trăm người học Ngài, thì có trăm hóa thân, chỉ cần có người chịu phỏng theo Ngài hoằng dương Phật pháp, thì sẽ có vô lượng vô biên hóa thân, đây là nói về sự, nếu nói về lý tính thì, nếu bạn thành Phật cũng có đầy đủ trăm ngàn ức hoá thân.‘’Người đáng dùng thân trời Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Tự Tại, để vì họ nói pháp. Đáng dùng thân trời Đại Tự Tại độ được, thì liền hiện thân trời Đại Tự Tại, để vì họ nói pháp.’’ Thân trời Tự Tại là gì ? Tức là thiên ma ngoại đạo. Tôi nói toạt ra cho mọi người biết, thân trời Tự Tại này tức là Thiên Chúa Giáo, Thiên Chúa cơ đốc giáo. Đại Tự Tại Thiên Vương cũng thuộc về loại tôn giáo này. Họ rất cống cao ngã mạn, họ nói chẳng có Phật, chẳng có Pháp, chẳng có Tăng, hủy báng Tam Bảo, tự cho mình là tối cao vô thượng. Tại sao lại như thế ? Vì họ quá tự tại, quá khoái lạc, thật là thân trời Tự Tại ! Song, Bồ Tát Quán Thế Âm chẳng trách loài chúng sinh này, khi cơ duyên của họ thành thục, thì Ngài cũng giảng giải Phật pháp cho họ nghe, khiến cho họ chuyển mê thành ngộ, trở về nguồn cội.


Xem dưới dạng văn bản thuần túy