× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Giải Thích Tên Kinh - Phần 1

Giảng Giải: Hoà Thượng Tuyên Hoá
Hán dịch: Ngài Cưu Ma La Thập
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Minh Định


"Diệu", đối với chữ diệu nầy, chúng ta phải cần một phen, hạ khổ công phu để nghiên cứu. "Diệu" tức là huyền diệu, vi diệu, thâm áo không thể dò. Ngài Trí Giả Đại Sư, chỉ nói về một chữ diệu, mà phải mất thời gian chín mươi ngày, tập thành một bộ Pháp Hoa Huyền, là một bộ Kinh quan trọng trong ba bộ Kinh lớn của tông Thiên Thai. Đó là, chỉ nói một chữ diệu, mà phải mất ba tháng mới nói xong, bạn nói có diệu chăng !

Trước khi, giảng bất cứ bộ Kinh gì, thì trước hết giảng về "thất chủng lập đề" (bảy loại làm tên Kinh) và "ngũ trùng huyền nghĩa" (năm tầng nghĩa huyền diệu), đó là quy tắt giảng Kinh của tông Thiên Thai.
Bảy loại làm tên Kinh là : Đơn có ba, kép có ba, đầy đủ có một. Trước hết nói về đơn có ba, tức là người, pháp và dụ.

Thứ nhất là đơn nhân (người) lập đề, ví như "Phật Nói Kinh A Di Đà." Phật là người, A Di Đà cũng là người, cho nên gọi là đơn nhân (người) lập đề, chỉ dùng một người để đại biểu tên của một bộ Kinh. Vì Kinh A Di Đà nầy là nói về pháp môn Tịnh Độ, nói về thế giới Cực Lạc, của Phật A Di Đà. Tại sao có thế giới Cực Lạc ? Vì khi Phật A Di Đà, tại nhân địa làm Tỳ Kheo Pháp Tạng, thì phát bốn mươi tám đại nguyện. Những nguyện nầy nguyện nào cũng độ tất cả chúng sinh vãng sinh về thế giới Cực Lạc, tương lai sẽ thành Phật. Cho nên, bộ Kinh nầy dùng Đức Phật A Di Đà, để đại biểu tên của bộ Kinh nầy.

Khi Phật Pháp đến thời kỳ diệt vong, thì Kinh Lăng Nghiêm là Kinh mất đi trước hết, vì Kinh Lăng Nghiêm là Kinh chánh nhân thành Phật, tức tốc chứng quả liễu nghĩa, chúng sinh nghiệp chuyển nặng, cho nên mất đi trước nhất. Cũng có thể nói là, vì kinh Lăng Nghiêm nói quá tỉ mỉ, về đạo lý vạn sự vạn vật của thế gian, có thể nói là, tiết lậu bí mật của trời đất. Do đó, đến thời kỳ mạt pháp, thì Kinh Lăng Nghiêm bị tiêu diệt đi trước nhất, những Kinh khác cũng theo đó tiếp tục bị diệt; cuối cùng chỉ còn lại Kinh A Di Đà, lưu lại thế giới nầy một trăm năm, cho nên Kinh A Di Đà, là Kinh mất đi sau cùng. Đến lúc Kinh A Di Đà cũng chẳng còn nữa, thì còn lại sáu chữ "Nam Mô A Di Đà Phật", lưu lại trên thế gian nầy một trăm năm, sau đó, sáu chữ diệt mất đi hai chữ, chỉ còn lại "A Di Đà Phật" bốn chữ, lại tồn tại trên thế gian nầy một trăm năm. Cuối cùng, Phật Pháp trên thế gian sẽ hoàn toàn diệt hết. Lúc đó, tam tai bát nạn, tất cả tai hại sẽ xảy đến, thì thế giới nầy theo đó mà huỷ diệt.

Do đó, chúng ta nên đặc biệt chú ý về Kinh A Di Đà. Vì thời đại mạt pháp thì pháp môn Tịnh Độ, sẽ hợp cơ nhất đối với tất cả mọi người. Nhưng thời đại mạc pháp cũng có chánh pháp tồn tại. Giống như nước Mỹ chúng ta đang ở, trước kia chưa hề nghe qua Phật Pháp, bây giờ khắp nơi đều nghe nói về Phật Pháp. Đó là Phật Pháp mới truyền vào nước nầy, cho nên bây giờ có rất nhiều người Mỹ thích ngồi Thiền, thích nghiên cứu Phật Pháp, mở ra mùi gió chánh pháp của Phật Giáo.
Kinh A Di Đà là đơn nhân (người) làm tên Kinh, còn đơn pháp làm tên Kinh là Kinh gì ? Là Kinh Niết Bàn. Niết là "không sinh", Bàn là "không diệt"; không sinh không diệt, chẳng có pháp sinh diệt, đó là đơn pháp làm tên Kinh.

Đơn dụ làm tên Kinh là Kinh Phạm Võng. Phạm Võng là một tấm lưới La Tràng, ở trước cung điện của trời Đại Phạm Thiên. Lưới La Tràng nầy, hình thù tròn rỗng, bốn mặt có lỗ, cho nên gọi là lưới, giống như lưới đánh cá, dùng để trang nghiêm. Đại Phạm Thiên Vương thích trang trí cung điện của mình, cho trang nghiêm đẹp đẽ, cho nên treo lưới La Tràng. Mỗi lỗ của tấm lưới đều có hạt châu, hạt châu nầy phóng ra ánh sáng, cho nên gọi là dạ minh châu, ban ngày cũng phóng ánh sáng, ban đêm cũng phóng ánh sáng. Mỗi hạt châu phóng vào mỗi lỗ, cho nên quang minh chiếu với nhau, lỗ lỗ thông với nhau, ánh sáng với ánh sáng chiếu soi lẫn nhau, lỗ và lỗ thông đạt với nhau, đó gọi là Phạm Võng. Kinh Phạm Võng tức là phẩm Bồ Tát giới. Tại sao Bồ Tát giới dùng Phạm Võng để đại biểu làm tên Kinh ? Vì giới giống như hạt châu phóng quang. Bạn giữ giới thanh tịnh, thì có quang minh. Ở trên đã nói qua đơn có ba : Người, pháp, dụ làm tên Kinh.

Kép có ba : Người (nhân) và pháp làm tên Kinh, người và dụ làm tên Kinh, pháp và dụ làm tên Kinh. Người và pháp làm tên Kinh tức là Kinh Văn Thù Hỏi Bát Nhã. Bồ Tát Văn Thù là người, Bát Nhã là pháp. Bồ Tát Văn Thù là Bồ Tát đại trí huệ. Ngài hỏi về Bát Nhã. Bát Nhã là pháp trí huệ, người có trí huệ mới hỏi được. Bộ Kinh nầy dùng người và pháp để làm tên Kinh.
Người và dụ làm tên Kinh là Kinh Như Lai Sư Tử Hống. Như Lai là một trong mười danh hiệu của Phật. Pháp của Như Lai nói giống như tiếng hống của sư tử, khi sư tử hống thì trăm loài thú đều sợ hãi, bất cứ là sài, lang, hổ, báo, ác thú gì cũng đều sợ hãi. Kinh Như Lai Sư Tử Hống là người và dụ làm tên Kinh.
Dùng pháp và dụ làm tên Kinh, là Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Diệu Pháp là Pháp, Liên Hoa là dụ; dùng diệu pháp chi phối liên hoa, làm đề mục cho bộ Kinh nầy. Cho nên, bộ Kinh nầy dùng pháp và dụ làm tên Kinh, thuộc vào một trong ba loại kép.

Đầy đủ có một, là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh. Phương là phương pháp cũng là Phật Pháp, Đại Phương Quảng ba chữ nầy giải thích đơn giản là : Phật Pháp sâu như biển cả, rộng lớn như hư không chẳng có bờ mé. Phật là người, Hoa Nghiêm là ví dụ. Hoa thì có hương thơm, đại biểu đức tính viên mãn và công đức tu hành, để trang nghiêm mười thân của Phật, cho nên bộ Kinh nầy dùng : người, pháp, dụ ba loại đầy đủ hoàn toàn để làm tên Kinh.

Người nghiên cứu Phật Pháp, nên nhớ bảy loại làm tên Kinh (thất chủng lập đề), để có thể tuỳ thời giảng Kinh. Nếu không hiểu bảy loại làm tên Kinh, thì bạn chẳng phải là người nghiên cứu Phật Pháp. Trong Đại Tạng Kinh có rất nhiều loại, Kinh điển cũng có mấy ngàn quyển, nhưng không ra ngoài bảy loại làm tên Kinh nầy. Cho nên, khi xem Kinh điển thì biết bộ Kinh đó dùng gì để làm đề mục. Nhận thức được lập đề rồi, thì sau đó tự nhiên sẽ đi sâu vào Tạng Kinh, trí huệ như biển. Nếu tên Kinh không biết rõ ràng, ví như gì gọi là Kinh Niết Bàn ? bạn nói không hiểu, nội tên Kinh Niết Bàn đã không hiểu, vậy bạn xem Kinh Niết Bàn lại có ích gì ? Nếu không nhận thức được tên Kinh, thì chẳng thể đi sâu vào Tạng Kinh, cũng chẳng được trí huệ như biển; không được trí huệ như biển, thì bạn một đời học Phật Pháp vẫn tối tăm mù mịt. Cho nên bảy loại làm tên Kinh nầy rất quan trọng.

Nếu ai cũng nhận thức được bảy loại làm tên Kinh, thì có thể nghiên cứu Phật Pháp. Còn có năm tầng nghĩa huyền diệu (ngũ trùng huyền nghĩa). Năm tầng nghĩa huyền diệu là :

1. Giải thích tên Kinh.
2. Giảng giải thể Kinh.
3. Nói rõ tông chỉ.
4. Luận về dụng đồ.
5. Biết rõ giáo tướng.

Tên là bộ Kinh nầy dùng gì làm tên ? Thể là pháp thể của bộ Kinh nầy là gì ? Biết được pháp thể rồi, thì phải biết tông chỉ của Kinh nói gì ? Biết tông chỉ rồi, còn phải biết dụng đồ của Kinh, biết dụng đồ rồi, còn phải biết giáo tướng. Tại sao ? Giống như, chúng ta trước hết phải có tên, như Trương Tam, Lý Tứ, mỗi người đều có tên của họ. Biết được tên Trương Tam, thì sẽ biết thân thể lớn cỡ nào ? cao bao nhiêu ? nặng bao nhiêu ? thân thể của y ra sao ? mạnh khoẻ hay không mạnh khoẻ ? dùng gì để sinh sống? đi học hay đi làm ? Trong các nghề : sĩ, nông, công, thương, y làm nghề gì ? Nếu y đi học thì lấy sự đi học làm tông chỉ, đi học xong lại giúp được gì ? Phải chăng đi ngủ ? chẳng phải, học xong thì y sẽ phát triển dụng đồ của y. Học về khoa học thì phát triển về khoa học, học triết lý thì phát triển về triết lý, mỗi môn đều có chỗ dụng của nó. Kinh cũng như thế, biết được dụng đồ của Kinh, thì đề mục và tông chỉ cũng biết được, cứu kính thân phận là gì ? Ví như thầy giáo, giám đốc. Nói tóm lại mỗi người đều có thân phận của mỗi người, đó là phán rõ sự thành tựu tương lai của họ. Kinh cũng như thế, bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy, dùng pháp và dụ trong bảy loại làm tên Kinh để làm đề Kinh.

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, ở trong năm tầng nghĩa lý huyền diệu, thì huyền nghĩa thứ nhất là giải thích tên Kinh. Bộ Kinh nầy dùng Diệu Pháp Liên Hoa làm tên. Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là ví dụ, vì Phật Pháp vi diệu thâm sâu, một số người không dễ gì hiểu nổi, cho nên dùng liên hoa (hoa sen) để ví dụ, do đó bộ Kinh nầy lấy pháp và dụ làm tên.

Cứu kính thì diệu pháp là gì ? diệu đến cỡ nào ? tốt đến cỡ nào ? Nay tôi nói cho bạn biết, sự diệu nầy không thể dùng tâm suy nghĩ, không thể dùng lời bàn luận, không thể dùng tâm để dò, nghĩ cũng nghĩ không hiểu nổi; nghĩ muốn hiểu biết thì nói không đến được sự diệu của nó. Tức nhiên nghĩ không hiểu biết, vậy không cần nói, có nói cũng không ra ! Song, không thể không nói, nói không ra tức là diệu. Nói không ra vẫn phải nói, sự nói chẳng phải diệu mà là hình dung sự diệu và tư tưởng diễn nói sự diệu nầy.
Cứu kính, ý nghĩa thật sự về diệu là gì ? Đó chỉ có Phật với Phật mới thấu rõ cảnh giới thâm sâu nầy. Nay giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, chỉ giảng chút ít mà thôi. Song, sự chút ít nầy không biết phải giảng bao nhiêu ngày. Vì chữ diệu nầy Ngài Trí Giả Đại Sư củ tông Thiên Thai, giảng mất chín chục ngày, cũng chưa giảng xong chữ diệu, chỉ giảng một phần nhỏ. Năm nay (1968) vào mùa hè tôi giảng chín mươi sáu ngày mới xong bộ Kinh Lăng Nghiêm, thật có thể nói nhanh như ngồi hoả tiển đi thám hiểm mặt trăng. Vì tôi đã từng giảng Kinh Lăng Nghiêm ở tại Hương Cảng phải mất mười bốn tháng mới giảng xong.

Trước hết chúng ta giảng về chữ diệu, chữ diệu nầy cứu kính phải giảng bao nhiêu ngày ? Hiện tại cũng không cách chi biết trước được, giảng được mấy ngày thì hay mấy ngày. Trước hết phải nói về diệu. Gì là diệu ? Diệu pháp tức là diệu, chúng sinh cũng là diệu, Phật cũng là diệu, trong trời đất hết thảy tất cả, chẳng có gì mà không diệu, gì cũng đều là diệu. Cho nên chữ diệu nầy giảng ra thì vô cùng vô tận. Đây cũng là diệu, đó cũng là diệu, diệu cứu kính từ đâu đến ? Từ tâm mà đến.
Làm thế nào bạn biết là diệu pháp ? Vì bạn có tâm, cho nên tâm pháp diệu, kế đến chúng sinh pháp diệu, sau đến Phật pháp diệu.

Tâm pháp diệu như thế nào ? Tất cả sơn hà đại địa, sâm la vạn tượng, nhà cửa phòng xá, hết thảy vạn vật từ đâu đến ? Đều từ một tâm niệm hiện tiền của mỗi người sinh ra, từ trong tâm của chúng sinh sinh ra. Làm thế nào sinh ra ? Bạn sẽ nói :"Không biết !" Đó là diệu. Biết hay không biết đều là diệu. Tại sao bạn biết ? và tại sao bạn không biết ? đó chẳng phải là diệu sao ? đây tức là tâm pháp diệu.
Tâm pháp diệu, tâm diệu như thế nào ? Tâm của con người đều là một không hai. Có người chỉ trước ngực nói :"Tâm của tôi ở đây". Chân tâm của bạn ở đâu ? Bạn đã nhận lầm tâm của bạn rồi ! Là nhận giặc làm con ! Giống như Tôn Giả A Nan, trong Kinh Lăng Nghiêm. Tôn Giả A Nan nói :"Tâm ở trong." Tức là chỉ quả tim bằng thịt, quả tim nầy vô dụng. Sao lại nói nó là vô dụng ? Vì nó chỉ là cục thịt. Đó là do tụ tập nhiều phiền não mà sinh ra quả tim; lại gọi là tâm duyên lự, năng lực phan duyên tư lự giúp cho bạn khởi vọng tưởng. Thức thứ sáu cũng gọi là tâm tập khởi, là quả tim trợ giúp cho bạn khởi vọng tưởng và sinh tâm tạp niệm, tâm duyên lự, tâm tập khởi .v .v . Tâm nầy có rất nhiều tên gọi. Do đó, tâm pháp mà tôi nói, bạn đừng cho rằng đó là quả tim bằng thịt. Vậy riêng ngoài tôi còn có tâm chăng ? Bạn không biết phải chăng ? Hãy xem đó có phải là diệu chăng ? Cho đến mình có tâm mà bạn còn chẳng biết, tức nhiên cho đến tâm cũng chẳng biết, cho đến sinh mạng mà bạn cũng chẳng biết rõ ! Khi sinh ra thì hồ đồ, chết đi cũng hồ đồ, từ đâu đến cũng chẳng biết, đó là diệu ! Khi chết cũng hồ đồ ra đi, chẳng biết đi về đâu, đó cũng là diệu; khi sinh ra và chết đi đều không biết, đó cũng là diệu ! Vậy khi còn sống chẳng phải là diệu chăng ? Đây lại càng diệu ! Sao lại càng diệu hơn ? Ví như, lúc bạn còn bé nhỏ, trong sự bất tri bất giác thì lớn lên, sau lại trưởng thành người lớn; thành người lớn rồi cũng không biết sao lại biến thành người già. Bạn nói đó có diệu chăng ? Không những biến thành người già, mà bạn còn sinh con đẻ cái nuôi dưỡng chúng. Nếu chẳng phải diệu, sao bất tri bất giác thì có nhiều sự biến hoá như thế ? Đó là diệu pháp. Bây giờ giảng diệu pháp nầy ra, thì bạn cảm thấy có chút ý nghĩa, giống như việc ở trên vừa nói, nhưng khi chưa nói ra thì bạn vốn chẳng biết đó là diệu pháp.
Diệu pháp tức là trong sự bất tri bất giác của bạn sinh ra một thứ tác dụng. Những gì bạn thấy trước mắt đều là diệu. Tại sao ? Sao bạn nhìn thấy được ? Nếu không diệu thì bạn nhìn chẳng thấy. Vậy nhìn không thấy thì chẳng phải diệu chăng ? Nhìn không thấy lại càng diệu. Nhìn thấy và nhìn không thấy đều là diệu, nghe được và nghe không được cũng là diệu.

Cho nên trước mắt nhìn thấy được, không những là nhìn thấy; làm sao nhìn thấy được ? Trong Kinh Lăng Nghiêm có nói :"Ai nhìn thấy được ? Ai cùng với bạn nhìn thấy ?" Bạn nói đó có diệu chăng ? Tại sao gần thì bạn nhìn thấy được ? còn xa thì bạn nhìn chẳng thấy ? Đó đều là diệu. Khi bạn nhìn thấy màu vàng, thì có tác dụng màu vàng, bạn nhìn thấy màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen thì những thứ nầy ở trong tám thức của bạn, sinh ra dạng của nó. Sao lại sinh khởi ra ? Ai kêu bạn sinh ra thứ hình bóng đó ? đó có diệu chăng ?
Nghe cũng như thế. Tại sao có âm thanh bạn thích nghe, có âm thanh bạn chẳng thích nghe ? Ai kêu bạn thích và không thích nghe ? Chẳng có ai ! Tại sao mình lại sinh ra tâm thích và ghét ? Thấy sắc đẹp thì sinh tâm ưa thích, thấy nhan sắc không đẹp thì sinh tâm ghét chán. Do ai kêu bạn ? Bạn nói "tôi không biết, chỉ là nghĩ như vậy". Nghĩ như vậy tức là diệu. Hết thảy tất cả đều là diệu; đó là tâm pháp diệu; do trong tâm sinh ra thiên biến vạn hoá. Nếu không diệu sao lại sinh ra đủ thứ biến hoá ?
Diệu quá nhiều, nếu muốn nói thì dù nói mấy trăm năm, cũng nói chẳng xong sự diệu nầy. Nếu nói xong thì chẳng phải diệu. Đức Phật thuyết pháp bốn mươi chín năm, giảng Kinh hơn ba trăm hội, đều không ra ngoài chữ diệu nầy. Cho nên, chữ diệu nầy bao quát Tam Tạng mười hai bộ Kinh, bao quát tất cả Phật pháp, tất cả Phật pháp không vượt ra chữ diệu nầy. Cho nên Ngài Trí Giả Đại Sư giảng đến chín mươi ngày, dù giảng chín mươi năm, cũng giảng không xong chữ diệu nầy. Vậy nói đến Kinh Pháp Hoa, chắc suốt đời nầy cũng không được nghe, cũng chẳng có cơ hội nghe hết được, chín mươi năm cũng nói chẳng xong một chữ diệu, vậy thử hỏi Kinh văn chẳng biết giảng bao lâu mới xong ? Đừng sợ, thời đại hiện nay tất cả sự việc đều nói cho nhanh. Giảng Kinh mau là diệu, giảng chậm cũng là diệu. Tức nhiên, Đức Phật giảng Kinh cũng chẳng vượt ra sự diệu nầy, hiện tại tôi giảng Kinh sao lại kìa khỏi sự diệu nầy ? Lìa khỏi sự diệu nầy thì chẳng diệu, lìa không khỏi tức là diệu.

Pháp tuy nhiên là diệu, muốn biết diệu pháp thì trước hết phải buông xả sự diệu. Buông chẳng đặng là diệu, nhưng buông xả đặng thì mới là thật diệu; nếu không tin thì bạn hãy thử buông xả thân tâm. Trong chẳng có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới; người không, pháp cũng không, tất cả đều không. Bạn nói đó chẳng phải là diệu chăng ? Sự diệu nầy, nếu buông xả thân tâm đặng, thì mới đắc được sự diệu chân chánh của tự tánh vốn có. Nếu bạn trong chẳng có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới, song chẳng lìa khỏi thân tâm thế giới. Đây chẳng phải nói lìa khỏi thân tâm nầy của ta, lìa khỏi thế giới nầy, mới không có thân tâm thế giới; mà là tại thân tâm nầy, tại thế giới nầy mà chẳng có.

"Mắt thất hình sắc chẳng dính mắc,
Tai nghe âm thanh tâm chẳng hay".

Đó là cảnh giới sớm sẽ đạt được, trong chẳng có thân tâm, ngoài chẳng có thế giới. Đây là việc chẳng dễ dàng, cho nên mới diệu. Dễ cũng là diệu, không dễ cũng là diệu, tất cả hết thảy đều diệu, thảy đều không vượt ra ngoài diệu pháp nầy. Cho nên, chữ diệu nầy chẳng có cách chi giảng xong được.
Vì diệu không dễ gì nói, cho nên là diệu. Không dễ dì nói, bây giờ cũng phải nói, cũng là diệu. Nói tóm lại, Diệu ! Diệu ! Diệu ! Tất cả đều diệu. Đây lại có dụng gì ? Bạn hỏi vấn đề nầy, đó mới là thật diệu.

Tu hành, tham thiền, đả toạ, là đi tìm sự diệu nầy. Đức Phật tu khổ hạnh sáu năm tại núi Tuyết, là tìm cầu sự diệu nầy. Tất cả Bồ Tát hành Bồ Tát đạo, cũng là tìm cầu sự diệu nầy. Các bậc A La Hán buông xả tất cả, cũng là đi tìm sự diệu nầy. Tất cả phàm phu, Thánh nhân muốn tu hành, cũng vì tìm cầu sự diệu nầy. Cho nên thành được quả vị Phật cũng gọi là diệu. Là diệu gì ? là Diệu Giác. Bồ Tát là Đẳng Giác, chưa đạt được Diệu Giác. Cho nên hiện tại trước hết phải hiểu sự diệu nầy.

Diệu có hữu dụng gì ? Chẳng có hữu dụng gì, song, gì cũng đều cần nó. Sự diệu nầy, phải nói rằng là đại dụng của nó, đại tạo hoá, trời đất vạn vật, hết thảy tất cả đều từ diệu nầy mà sinh ra. Cho nên đừng cho rằng nhờ Thiên Chúa, Địa Chúa, Nhân Chúa sáng tạo thế giới nầy. Kỳ thật, tất cả đều từ diệu nầy sinh ra. Chữ diệu nầy cũng chỉ có Phật mới có thể cán đán được. Phật tánh vốn có của chúng ta, là diệu giác Phật tánh. Có lối minh bạch chữ diệu nầy, thì bảo sao mà dễ thế ! Nếu bạn minh bạch quá dễ dàng chữ diệu nầy, thì nói chẳng phải diệu chăng ? chẳng phải. Nếu bạn minh bạch chữ diệu nầy quá đễ dàng, thì đó là càng diệu. Tại sao ? Vì bạn chẳng phí sức thì đã minh bạch, đó chẳng phải là diệu chăng ? Bạn phí rất nhiều công phu mới minh bạch, đây lại càng diệu. Cho nên, giảng như thế nào cũng đều diệu, đầu đầu thị đạo.

Bạn nói trước mắt những gì chẳng phải diệu ? Đèn, bàn ghế, tất cả đều là biểu hiện của diệu pháp. Nếu bạn minh bạch được diệu pháp nầy, thì tất cả đều diệu; không minh bạch diệu pháp nầy, thì tất cả đều là thô. Bạn cảm thấy bạn đã minh bạch, nhưng thật ra bạn chưa minh bạch, nếu bạn nghiên cứu bổn thể của nó, thì đều từ một chữ diệu nầy mà sinh ra.

Mùa hè năm nay (1968), giảng bộ Kinh Lăng Nghiêm mất hết chín mươi sáu ngày. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói về năm mươi ấm ma, những ấm ma nầy, đều siêu hơn thiên ma ngoại đạo hiện nay. Vì thần thông của năm mươi thứ ấm ma đó thật là lợi hại, có thứ trên đầu phóng quang, nếu quang minh của nó phóng trúng đầu của bạn, thì đầu của bạn cũng sẽ phóng quang. Nhưng những thứ thần thông nầy, đều là ma ở trong Phật giáo, hà huống ngoại đạo bây giờ, đều không thể phóng quang. Chúng sinh giống như con nhặng, bay loạn xạ đông tây nam bắc, bay tới bay lui, cũng chẳng tìm được lối thoát, đáng thương những người nầy theo người mù. Nếu như bạn nói bạn không biết, muốn cầu pháp thì hãy theo học với tôn giáo hiểu biết, một số người không hiểu biết, bèn dùng người mù dẫn người mù. Vì người hiểu biết và có trí huệ trên thế giới nầy rất ít, còn người không hiểu biết và ngu si thì rất nhiều. Người có trí huệ thì thích nghe chân lý, người chẳng có trí huệ thì thích nghe đạo lý của người mê muội . Đạo lý của người mê là gì ? Ví như họ nói người tu hành không cần đoạn dâm dục, có thể tuỳ tiện, vì nói như thế thì cho rằng nó là tốt. Chủ trương của Phật giáo là đoạn dâm dục, nếu không đoạn dâm dục mà tu hành, thì như trong Kinh Lăng Nghiêm có nói :"Như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn ức kiếp cũng chỉ là cát nóng". Vì dục lạc không cứu kính của nhân gian và khoái lạc cứu kính xuất thế gian không thể nào dung hợp với nhau.

Còn có những người nghiên cứu tu tập ở trong Phật pháp, mà cứ thực hành trên miệng lưỡi, chứ chẳng thật tâm hành trì, chẳng y chiếu theo phương pháp của Phật dạy mà hành trì, đó chẳng khác gì là ma, cũng không thể liệt họ vào trong Phật giáo đồ. Giống như có những người thấy Phật mà chẳng lạy, họ nói họ tin Phật, thứ người nầy hậu quả tương lai không thể tưởng tượng được, cuối cùng sẽ đi vào đường súc sinh, ngạ quỷ hoặc rơi vào địa ngục, chẳng có ai dám bảo đảm. Tại sao ? Vì học Phật pháp, thì phải y chiếu theo phương pháp Phật dạy mà thực hành. Nếu coi "cái ta" lớn hơn Phật thì thật là quá sai lầm ! Người học Phật pháp, không những thấy Phật phải cung kính lễ lạy, mà gặp Bồ Tát cũng phải lạy Bồ Tát, thấy A La Hán cũng phải lạy A La Hán, thấy bậc đại thiện nhân, đại tu hành nên cung kính khâm phục họ, đừng nên cống cao ngã mạn, khinh khi, tự cao tự đại. Bất cứ, người nào học Phật pháp đều phải khiêm nhường, cung kính, hoà hợp.

Trong Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ hai mươi nói về vị Bồ Tát Thường Bất Khinh. Vị Bồ Tát Thường Bất Khinh nầy là tiền thân của Đức Phật, suốt một đời tu hành Bồ Tát đạo. Một đời Ngài chuyên môn hành Bồ Tát đạo "thường bất khinh" (thường không khinh khi ai). Ngài hành như thế nào ? Ngài chuyên môn cung kính mười đại Nguyện Vương của Bồ Tát Phổ Hiền. Mười đại Nguyện Vương là :
1. Lễ kính các Đức Phật : Tức là cung kính đảnh lễ chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai, mười phương ba đời tất cả các đức Phật.
2. Khen ngợi Như Lai : Có người hỏi :"Phật cũng thích người khen ngợi chăng ?" Không sai ! Vì bạn thích khen ngợi Phật thì chính là thích khen ngợi chính mình. Nếu như bạn không muốn khen ngợi mình, thì đừng khen ngợi Phật. Phật và chúng sinh đều như nhau. Bạn nói :"Tôi là Phật, vậy tôi không cần lạy Phật". Đó thì không đúng. Tự tánh của bạn là Phật, nhưng bạn chẳng tu hành, thì chưa chứng được Phật quả như Đức Phật. Nếu ai ai cũng đều là Phật, thì Đức Phật cần gì đến núi Tuyết tu khổ hạnh sáu năm, ngồi dưới cội bồ đề bốn mươi chín ngày mới khai ngộ thành Phật.

Đức Phật trong quá khứ tu đủ thứ khổ hạnh, tu đủ thứ thiền định, tu đủ thứ Bát Nhã trí huệ, tu đủ thứ bố thí, giới luật, nhẫn nhục, tinh tấn và đủ thứ pháp môn. Đời nầy còn phải vào núi Tuyết tu khổ hạnh sáu năm, ngồi dưới cội bồ đề thấy sao mai mọc mà ngộ đạo, phải phí rất nhiều thủ tục ! Mà bạn trong vòng sáu ngày làm không xong, mà bạn cho bạn là Phật, thật là quá tiện nghi. Cho nên, có những người nói họ chính là Phật, thật là không biết hổ thẹn, không biết mắc cỡ. Trong khi đó, Đức Phật trong đời quá khứ đã từng làm Bồ Tát Thường Bất Khinh, tức là vĩnh viễn luôn luôn không khinh thường bất cứ chúng sinh nào. Ngài thấy Phật thì lễ Phật, thấy Bồ Tát thì lễ Bồ Tát, thấy A La Hán thì lễ A La Hán, thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni và tất cả mọi người cũng đều cung kính lễ lạy và nói :"Tôi không dám khinh các vị, các vị đều sẽ thành Phật". Sự phát tâm ấy thật là chân thật, một chút hư giả cũng chẳng có, chân thật cung kính tất cả chúng sinh. Song, Ngài chiêu lại quả báo rất là thậm tệ, vì có những vị Tỳ Kheo kiêu mạn nói :"Ông Tỳ Kheo nầy chẳng hiểu Phật pháp, thọ ký bậy bạ cho người ta". Do đó, Ngài bị đánh, khi Ngài lạy xuống thì bị họ đá Ngài, thậm chí bị đá rụng răng. Đã lạy người ta còn bị người đánh. Sau đó, Ngài ở đằng xa thấy Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thì lạy, khi họ đến gần thì Ngài bỏ chạy, để khỏi bị họ đánh. Ngài vẫn hành Bồ Tát đạo không khinh mạn tất cả chúng sinh, đó là tiền kiếp của Đức Phật tu sáu độ vạn hạnh, chứ chẳng phải một sớm một chiều mà thành Phật. Cho nên những người đó cho rằng mình là Phật, họ chẳng nhận thức được Phật, tự mình lừa dối mình, tự tôn đại, đó là có : tướng ta, tướng người, tướng chúng sinh, chẳng phải là cảnh giới của Phật. Cho rằng mình là Phật mà không tu hành, cứ tạo tội nghiệp, so với hằng ngày bạn ôm bom nguyên tử, bom kinh khí còn nguy hiểm hơn, những người nầy tương lai chắc chắn sẽ đoạ địa ngục, thật là :

"Thiên đường có lối bạn chẳng đi,
Địa ngục không cửa dấn thân vào".

Khi tôi giảng Kinh Lăng Nghiêm đã từng nói qua bài kệ nầy :

"U mê truyền u mê,
Một truyền hai chẳng hiểu,
Thầy rớt vào địa ngục,
Trò cũng chạy theo vào".

Khi ông thầy rớt vào địa ngục, nói với đồ đệ rằng :"Tại sao con cũng vào đây"? đồ đệ nói :"Con theo thầy học đạo, thì đương nhiên cũng theo thầy đến đây". Ông thầy nói :"Lầm rồi ! Lầm rồi ! Đây là địa ngục mà !" Đồ đệ hỏi :"Tại sao thầy dẫn con xuống địa ngục ? Ông thầy đáp :"Cho đến ta cũng chẳng biết sao lại đến chỗ nầy, bây giờ muốn ra cũng chẳng được". Không những chính ông ta ra không được, mà tất cả đồ đệ theo học với ông ta cũng bị luôn. Đó là những kẻ tự xưng là Phật, không nhận thức được Phật, cũng chẳng hiểu Phật pháp.

Ở trên là nói phải tu theo mười đại nguyện vương của Bồ Tát Phổ Hiền.
1. Lễ kính các Đức Phật.
2. Khen ngợi Như Lai.
3. Rộng tu cúng dường : Đây chẳng phải nói hôm nay cúng dường, ngày mai thì không cúng dường ; chẳng phải cúng dường một vị Phật, mà là cúng dường tất cả vị Phật, đều phải cúng dường khắp hết thảy.
4. Sám hối nghiệp chướng : Tại sao chúng ta phải lễ Phật ? Là vì muốn biểu hiện, phát lồ sám hối những lỗi lầm đã gây ra, từ vô lượng kiếp cho đến ngày nay. Từ nay sửa đổi lỗi lầm làm lại con người mới.
5. Tuỳ hỷ công đức : Tức là thấy những việc từ thiện hãy nên làm, làm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Hành Bồ Tát đạo là phải lợi ích cho người, giúp người, chẳng phải chỉ muốn làm lợi cho mình. Phàm là giúp đỡ người, chẳng ích kỷ lợi mình đều là tuỳ hỷ công đức.
6. Thỉnh chuyển bánh xe pháp : Khi bạn biết vị Pháp Sư nào đó giảng Kinh được, thì liên hệ với nhiều người thỉnh vị Pháp Sư đó thuyết pháp. Học Phật pháp phải học với các vị Pháp sư thông hiểu Phật pháp, đừng tự cho rằng mình hiểu Phật pháp. Do đó, thỉnh vị Pháp sư chân chánh hiểu Phật pháp giảng Kinh thuyết pháp, tức là thỉnh chuyển bánh xe pháp.
7. Thỉnh Phật ở lại đời : Bây giờ Phật chẳng còn ở đời, thì thỉnh Phật pháp ở lại đời.
8. Thường học theo Phật : Đức Phật hành Bồ Tát đạo, nhẫn những gì người không nhẫn được, làm những gì người không làm được, tu đủ thứ pháp môn, cho nên phải học theo Ngài.
9. Luôn thuận chúng sinh : Luôn luôn tuỳ thuận chúng sinh, hy vọng khiến cho họ hiểu Phật pháp.
10. Thảy đều hồi hướng : Đem tất cả công đức của mình hồi hướng cho tất cả chúng sinh, khiến cho họ sớm thành Phật đạo.

Giải thích tên "Diệu Pháp Liên Hoa Kinh" thì chữ thứ nhất là diệu. Chữ diệu quá rộng lớn, nói ngang nói dọc, nói xuôi nói ngược cũng đều diệu. Pháp của Đức Phật nói đều là diệu pháp, diệu pháp bao hàm tất cả, cho đến ba tạng mười hai bộ đều bao quát ở trong diệu pháp.
Ba tạng là :
Tạng Kinh,
Tạng luật và
Tạng luận.

Tạng Kinh là nói về định học.
Tạng luật là nói về giới học.
Tạng luận là nói về huệ học.

Kinh, luật, luận, bao hàm đạo lý vô lượng vô biên, vô cùng vô tận, mà công đức ở trong giới định huệ cũng vô cùng vô tận. Tức nhiên, Kinh luật luận là diệu pháp, thì giới định huệ cũng là diệu pháp. Về giới định huệ các bạn đã nghe qua rất nhiều, vậy thử hỏi cứu kính làm được tới đâu rồi ? Chúng ta nghe Phật pháp, không những phải minh bạch mà còn phải y theo pháp tu hành thì mới thật sự có sở đắc. Biết mà chẳng tu hành thì cũng như không biết. Tại sao ? Vì đó cũng như biết thức ăn là ngon, nhưng phải ăn thì mới thật sự thọ dụng. Phật pháp cũng như thế, biết một chút thực hành một chút thì đó mới là người thực hành. Nếu biết mà không thực hành thì đối với bạn, đối với Phật pháp chẳng có ích gì, giống như người bằng đá không khác, hình dáng tuy là người mà chẳng nói được, chẳng đi được.

Diệu gồm có : Tâm pháp diệu, chúng sinh diệu và Phật pháp diệu. Phân ra mà nói thì có ba, hợp lại thì chỉ có một. Dù phân ra hoặc hợp lại để giảng, đều là diệu pháp. Cả ba là diệu pháp, một cũng là diệu pháp.

Ba tạng mười hai bộ. Ba tạng là : Kinh, luật, luận, bao quát giới định huệ ba học vô lậu.
Mười hai bộ Kinh là :

1. Khế Kinh.
2. Trùng tụng.
3. Phúng tụng.
4. Nhân duyên.
5. Bổn sự.
6. Bổn sinh.
7. Vị tằng hữu.
8. Thí dụ.
9. Luận nghị.
10. Tự thuyết.
11. Phương quảng.
12. Thọ ký.

Tuy mười hai bộ Kinh ý nghĩa thâm sâu, nhưng chủ yếu là nhớ và hiểu rõ nghĩa lý của Phật. Phật pháp không nhất định chú trọng về học vấn, mà chú trọng về chân thật hành trì. Lục Tổ Huệ Năng chưa từng đi học, chẳng biết chữ, thế mà Ngài giảng Kinh thuyết pháp. Vì Ngài chẳng biết chữ, khi giảng Kinh thì nhờ họ đọc Kinh văn, họ đọc một câu thì Ngài giảng một câu. Pháp của Ngài giảng rất hợp với ý của Phật, họp với Phật pháp. Lục Tổ tuy không biết chữ mà giảng Kinh thuyết pháp, là vì Ngài đắc được tâm ấn của Phật, của Tổ, diệu pháp dùng tâm ấn tâm ; cho nên pháp của Ngài nói đều là diệu pháp. Lục Tổ đắc được tâm pháp của Ngũ Tổ, y bát của Ngũ Tổ được truyền cho Ngài ; Ngài ở với đám thợ săn mười lăm năm, trong đoạn thời gian đó, Ngài dụng công tu hành, khai mở đại trí huệ. Chúng ta người tu đạo nên nhớ đừng muốn mau, người xưa có nói :"Đừng muốn mau, muốn mau tất không thành". Dụng công tu hành cũng giống như bắn cung, căng quá thì đứt, chùng quá thì lỏng lẻo, đừng căng đừng chùng mới thành công. Do đó có câu :"Tiến nhanh thì lùi cũng mau". Ở Trung Quốc có con phù du, con phù du nầy sáng sớm sinh ra, chiều tối thì chết đi, sinh ra nhanh mà chết cũng sớm. Do đó, chúng ta người tu đạo phải lão thật dụng công, ngàn vạn đừng đi đường tắt nhỏ của bàng môn tả đạo, để mong thành tựu cho nhanh, trên thật tế thì chẳng đạt được mục đích. Chúng ta phải y chiếu theo con đường lớn lục độ vạn hạnh mà tu hành, đây mới là diệu pháp. Trung đạo tức là diệu pháp, lìa xa trung đạo thì chẳng phải là diệu pháp.

Vào đời nhà Hán, có hai người đều làm quan trong triều, một người là Viên Án và người kia là Triều Thố. Viên Án tìm cách giết hại Triều Thố, về sau Viên Án xuất gia làm Hoà Thượng. Vì ông ta luôn luôn thấy quỷ, thấy hồn quỷ của Triều Thố muốn đến để giết ông ta, dù ban ngày hay ban đêm cũng thế, khiến cho ông ta cảm thấy chính mình đã làm việc sai lầm, do đó mà sám hối đi xuất gia. Sau khi ông ta xuất gia rồi, thì chẳng còn thấy hồn quỷ nữa, mới quyết tâm dụng công tu hành. Vì một niệm sai lầm giết người mà xuất gia, cho nên ông ta hy vọng đời sau cũng muốn làm hoà thượng chứ chẳng muốn làm quan. Quả nhiên, đời thứ hai ông ta trở thành một đại Pháp Sư đi hoằng pháp khắp nơi, là một vị khổ tu hành chẳng tham danh lợi dưỡng. Đời này ông ta cũng chẳng thấy hồn quỷ của Triều Thố. Trải qua mười đời như thế, vì ông ta khổ công tu hành, có chút đạo đức, cho nên mỗi đời thân phận càng cao. Đến đời thứ mười một thì ông ta làm Quốc sư, là thầy của hoàng đế. Hoàng đế thưởng cho ông ta chiếc ghế báu làm bằng gỗ trầm hương (đương thời gỗ trầm hương ở bên Tàu là một thứ gỗ quý trọng nhất, chỉ có hoàng đế mới ngồi ghế tạo bằng gỗ này). Khi Quốc sư ngồi trên ghế báu thì tinh thần cảm thấy quá sung sướng, ông ta nghĩ :"Hiện tại trên đời Pháp Sư tôn quý được ngồi trên ghế báu này chẳng mấy vị, đây thật là tốt biết bao"!

Khi ông ta sinh một tâm niệm cống cao, cho rằng hiện nay chỉ mình ta tôn quý trong thiên hạ, liền lúc đó oan hồn của Triều Thố mười đời về trước chưa siêu thoát, nay đến tìm ông ta, đột nhiên trên đầu gối ông ta nổi lên mụt ghẻ mặt người, có miệng, mũi và biết nói, luôn luôn nói với ông ta :"Ông đừng nghĩ cách trốn tôi nữa, tôi đã theo ông mười đời, ông chưa đền mạng cho tôi". Quốc sư Ngộ Đạt mắc phải bệnh mụt nhọt này, ngày đêm la đau, thật khó mà chịu đựng, dù tụng Chú Đại Bi, Chú Lăng Nghiêm và tụng Kinh cũng chẳng tiêu tội được, vì ông ta nghiệp quá nặng. Đó là do ông ta sinh một tâm niệm cống cao ngã mạn, cho nên thần hộ pháp cũng xa lìa, không bảo hộ nữa. Khi đó, ông ta nhớ đến Tôn Giả Ca Nặc Ca, ông ta đã từng hầu hạ Tôn Giả, đương thời Tôn Giả toàn thân bị bệnh ghẻ chảy máu chảy mủ lại có mùi hôi thối. Quốc Sư Ngộ Đạt vẫn hầu hạ Tôn Giả hết mình, rửa ráy thuốc thang phục dịch mọi việc, khiến cho Tôn Giả lành bệnh. Kỳ thật, Tôn Giả Ca Nặc Ca chẳng phải thật có bệnh, Ngài thị hiện để độ Quốc Sư Ngộ Đạt. Quả nhiên Quốc Sư đối tốt với Ngài, sau khi Tôn Giả lành bệnh mới nói với Quốc Sư :"Khi ông có nạn thì đến núi Trà Sơn ở Tứ Xuyên tìm ta, ta sẽ có biện pháp giải quyết". Lúc đó Quốc Sư Ngộ Đạt bị mụt ghẻ mặt người chẳng cách chi trị được, bèn nhớ đến tìm Tôn Giả Ca Nặc Ca. Tôn Giả dùng nước tam muội tắm cho ông ta thì mụt ghẻ mặt người lành khỏi. Cho nên người tu đạo bất cứ như thế nào cũng đừng sanh tâm cống cao ngã mạn.

Ở trên, đã giảng đại khái về ý nghĩa tâm pháp diệu. Bây giờ giảng về chúng sinh pháp diệu. Chúng sinh là gì ? Chúng sinh là do các thứ nhân duyên hòa hợp mà sinh, cho nên gọi là chúng sinh. Chúng sinh phân làm mười hai loài :

1. Noãn sinh (sinh bằng trứng),
2. Thai sinh (sinh bằng thai),
3. Thấp sinh (sinh bằng ẩm ướt),
4. Hóa sinh (biến hóa sinh ra),
5. Hữu sắc (có sắc),
6. Vô sắc (không có sắc),
7. Hữu tưởng (có tưởng),
8. Vô tưởng (không có tưởng),
9. Phi hữu sắc (chẳng có sắc),
10. Phi vô sắc (chẳng không sắc),
11. Phi hữu tưởng (chẳng có tưởng),
12. Phi vô tưởng (chẳng không tưởng).

Mỗi loài trong mười hai loài, lại có đủ thứ sự khác nhau. Ví như : loài sinh bằng trứng, có loài biết bay, có loài chẳng biết bay. Loài biết bay lại có muôn ngàn loại khác nhau, không ai có thể biết rõ hết hoàn toàn. Bạn nói có diệu chăng ? Phân biệt không rõ ràng là diệu, phân biệt rõ ràng cũng diệu. Đó là loài sinh bằng trứng, còn loài bằng thai, sinh bằng biến hóa, bằng ẩm thấp .v.v., cho đến tất cả chúng sinh cũng như thế.
Con người là thai sinh, tất cả súc sinh cũng là thai sinh. Loài sinh bằng trứng như thế nào ? Trứng do tưởng mà sinh, vì có tưởng nghĩ, có nên có sự sinh bằng trứng. Sinh bằng thai là do ái tình mà sinh. Ai ai cũng cho rằng ái tình là việc khoái lạc nhất, nhưng thực tế, mặt trái của khoái lạc nhất là đau khổ nhất. Hiện nay, tại nước Mỹ có rất nhiều người thức tỉnh về ái tình chẳng tự do, do đó thoát khỏi ái tình, đi đến bờ tỉnh thức. Một số thanh niên nam nữ, tùy tiện nói về ái tình, tùy tiện kết hợp, rồi tùy tiện chia tay, nói rằng đó là tự do, kỳ thật, đó là hiểu lầm tự do. Nam nữ đều chẳng kết hôn, không giữ quy cụ, đó không những chẳng phải là tự do mà là lầm lẫn trong sự lầm lẫn. Tại sao ? Vì nếu kết hôn rồi, tuy không tự do vẫn là con đường từ ngàn xưa. Nếu hiểu lầm ái tình, nói không kết hôn thì có thể tùy tiện, đó là muốn chết sớm một chút, muốn phá hoại thân thể của mình sớm một chút, thân thể mà đã bại hoại thì sẽ chết sớm một chút, tình hình này nếu không sớm cứu vãn, thì tai họa sẽ không nhỏ, đó là nói về thai do tình mà có.
Bất cứ là người hoặc là súc sinh, vì súc sinh cũng có tình, tại sao chúng có tình ? Vì thứ tình này do điên đảo tập khí quá sâu, từ vô lượng kiếp cho đến nay. Khi làm người thì tình dục quá nặng, cho nên bị đọa lạc vào súc sinh ; nếu trong đường súc sinh chưa thức tỉnh thì tình dục sẽ càng nặng, thì sẽ càng ngu si ám độn.
Thấp sinh và hóa sinh, sinh ra như thế nào ? Cũng vì tâm dâm dục quá nặng. Bất cứ chúng sinh nào cũng vì có tình, do đó :

"Nghiệp sạch tình không tức là Phật,
Nghiệp nặng tình mê là phàm phu".

Ai bị tình làm mê là phàm phu, nếu bạn chẳng còn dính mắc về tình nữa, xem nó là không tức là Thánh nhân.
Loài người và loài súc sinh, đều có ngàn vạn khác biệt, song, cũng chẳng lìa khỏi diệu pháp này, đều bao hàm ở trong diệu pháp, cho nên chúng sinh pháp cũng là diệu pháp.
Bạn không nghiên cứu nó thì chẳng biết ra sao, nếu mà nghiên cứu thì mỗi loài đều có đạo lý của nó. Tại sao lại làm người ? Tại sao lại làm chó ? Tại sao lại làm heo ? làm bò ? Trong đó đều hàm tàng một diệu pháp. Đạo lý diệu pháp này, chẳng dễ gì minh bạch được, không dễ dàng minh bạch tức là diệu pháp. Bạn nói tôi minh bạch được, minh bạch cũng là diệu pháp. Diệu pháp là một cảnh giới không thể nghĩ bàn, cảnh giới không thể nghĩ bàn này, giống như ở trong phần chúng sinh.

Nói đến Phật pháp diệu, Phật pháp là gì ? Cái gì lại chẳng phải là Phật pháp ? Tất cả các pháp đều là Phật pháp. Phật có tất cả hết thảy các pháp, chẳng có gì mà chẳng phải là Phật pháp. Cứu kính có bao nhiêu ? Tổng quát lại thì có tám vạn bốn ngàn pháp môn. Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, thì pháp môn nào diệu nhất ? Pháp môn nào cũng đều diệu nhất. Trước kia có người hỏi tôi :"Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào là số một ? là cao nhất ?" Tôi đáp :"Bạn cho rằng môn nào hợp với bạn, thì pháp môn đó đệ nhất, cao nhất ; còn pháp môn nào chẳng hợp với bạn, thì pháp môn đó thấp nhất". Phải xem căn tánh của bạn. Phật nói ra tám bạn bốn ngàn pháp môn, là để đối trị tám vạn bốn ngàn bệnh của chúng sinh. Bệnh của bạn trị rồi thì pháp môn đó chẳng còn giá trị nữa. Nếu bệnh của bạn vẫn còn, thì pháp môn đó có thể trị bệnh của bạn, thì pháp môn đó là đệ nhất. Cho nên tám vạn bốn ngàn pháp môn, thì có tám vạn bốn ngàn đệ nhất, cũng có tám vạn bốn ngàn chướng ngại, và tám vạn bốn ngàn tối cao vô thượng.
Hiện tại giảng đến Phật pháp diệu, tức cũng có tám vạn bốn ngàn pháp diệu. Tại sao ? Vì pháp bình đẳng, chẳng có cao thấp, pháp pháp đều là toa thuốc. Bạn có bệnh gì thì uống thuốc đó, thuốc nầy dùng để trị bệnh của bạn, nếu lành bệnh thì thuốc hay, nếu bạn dùng lầm thuốc, thì dù thuốc hay cũng biến thành thuốc độc.

Hôm nay có người hỏi tôi : Ăn thịt có thể khai ngộ chăng ? Tôi nói :"Nếu kẻ ăn thịt một lần nuốt được một con heo, một con dê hoặc một con bò, nếu có miệng lớn như thế thì có thể ; nếu không có miệng lớn như thế thì chẳng có ai bảo đảm có thể khai ngộ. Lục Tổ Huệ Năng sống với bọn thợ săn hơn mười năm, do đó Ngài ăn thịt, song, Ngài ăn rau bên thịt. Vì Ngài sống với thợ săn, thợ săn họ dùng thịt làm thức ăn, nếu Ngài không ăn thịt thì chẳng có gì để ăn, về sau Ngài tự trồng chút ít rau cải cũng chẳng nấu riêng, Ngài bỏ rau vào trong nồi thịt, khi ăn, Ngài vớt rau ăn, đó gọi là rau bên thịt. Lục Tổ Ngài ăn rau bên thịt, vì Ngài là người đã khai ngộ thành Phật, thì Ngài ăn thịt, ăn gì cũng có thể được. Chúng ta chẳng có trí huệ đức hạnh như Ngài Lục Tổ, chẳng khai ngộ, mà cứ tham ăn hưởng thụ, ăn vật ngon vào trong bụng cũng biến thành bẩn thỉu, chẳng có ý nghĩa gì hết". Tâm của chúng ta có thể đến mười pháp giới. Mười pháp giới không ra ngoài một niệm tâm hiện tiền. Ví như, chúng ta sinh một tâm niệm ác, thì trồng xuống nhân địa ngục, sinh một niệm ác nữa, thì trồng xuống nhân ngạ quỷ, sinh một niệm ác ghét hận, thì trồng xuống nhân A Tu La, sinh một niệm ác ngu si, thì trồng xuống nhân súc sinh. Bạn sinh một niệm thiện thì sẽ sinh vào loài người, nếu sinh tâm giữ năm giới, tu mười điều lành, thì sẽ sinh về cõi trời. Nếu như, phát tâm tu hành : khổ, tập, diệt, đạo, bốn Diệu Đế thì trồng nhân Thanh Văn. Bạn phát tâm tu Lục độ vạn hạnh thì trồng nhân Bồ Tát. Bạn phát tâm tu trì tất cả Phật pháp, hy vọng thành Phật, thì đó là trồng nhân Phật.
Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, là mười pháp giới. Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn là bốn pháp giới của bậc Thánh. Trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, là sáu pháp giới của phàm phu, hợp lại là mười pháp giới. Mười pháp giới là từ một niệm tâm hiện tiền của chúng ta tạo thành, cho nên nói tâm pháp diệu. Nếu tâm pháp không diệu thì chúng sinh pháp cũng không diệu ; chúng sinh pháp không diệu, thì Phật pháp cũng không diệu. Vì tâm pháp diệu cho nên chúng sinh pháp cũng diệu, Phật pháp cũng diệu. Mười phương chư Phật cũng chẳng vượt ra một tâm niệm hiện tiền, mười phương các Bồ Tát cũng chẳng vượt ra một tâm niệm hiện tiền của chúng ta ; cho đến mười phương các Duyên Giác, Thanh Văn cũng chẳng vượt ra một tâm niệm hiện tiền của chúng ta. Thậm chí trời, người, A tu la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục, cũng chẳng vượt ra một niệm tâm hiện tiền.
Nói đến chữ tâm, người xưa có nói mấy câu rằng :

"Ba chấm bày như sao,
Uốn cong tợ trăng non,
Mang lông từ đây khởi,
Làm Phật cũng do nó".

Trong thiền tông có nói :"Phật đến chém Phật, ma đến chém ma". Nghĩa là, Phật đến cũng đừng động tâm, phải tu được định lực này. Không thể Phật đến thì sinh tâm vui mừng, một khi sinh tâm vui mừng tức là :"Phàm tất cả các tướng, đều là hư vọng". Tại sao sinh tâm vui mừng ? Nên biết :"Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng, tức thấy Như Lai". Tất cả những gì có tướng đều không thật, nếu nơi tất cả tướng mà thấy là không, thì đó tức là chân không, mà trong chân không lại thấy là có (hữu), đó là diệu hữu. Chân không vốn chẳng không, diệu hữu vốn phi hữu (chẳng có). Bạn nói đó có diệu chăng ? Đến được lúc này thì gọi là "phân chứng tức Phật".
Tuy đến được phân chứng tức Phật, nhưng chưa cứu kính, phải như Đức Phật ngồi dưới cội bồ đề, thấy sao mai mọc mà ngộ đạo, chứng quả cứu kính, đó gọi là "cứu kính tức Phật". Những gì đã nói ở trên là lấy "lục tức Phật" để giải thích về diệu pháp này, đến được lúc này, mới thân chứng bổn thể của diệu pháp mà chân chánh thành Phật.

Cảnh giới diệu pháp thì không suy lường, không phân biệt. Như có người muốn học Chú Lăng Nghiêm, thì họ rơi vào sự suy lường và phân biệt. Nên biết, nếu bạn càng suy lường, thì càng không thể học, càng phân biệt thì càng không hiểu. Nếu bạn muốn nghĩ tại sao, thì không thể nhớ được Chú Lăng Nghiêm. Đừng nghĩ gì hết, mà chỉ biết tụng niệm Chú Lăng Nghiêm, là bổn phận của mình mới đúng. Muốn thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm, thì đừng dùng tâm phân biệt và suy lường, phân biệt tức là thức thứ sáu, suy lường tức là thức thứ bảy. Chúng ta phải dùng diệu pháp không phân biệt, không suy lường, phải dùng chân tâm để học Phật pháp.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy