× Trang chủ Tháp Babel Phật giáo Cao Đài Chuyện tâm linh Nghệ thuật sống Danh bạ web Liên hệ

☰ Menu
Trang chủ » Phật giáo » Kinh điển diễn giải

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa



Giải Thích Tên Kinh - Phần 2

Diệu pháp tuy là diệu, song người dùng được rất ít. Xưa kia có vị cư sĩ họ Bàng, sau khi ông ta khai ngộ, thì nhớ lại từ vô lượng kiếp cho đến nay, đời đời kiếp kiếp cho đến hiện tại mới khai ngộ, cảm thấy sự việc thật không dễ dàng, cho nên ông ta nói lên pháp môn của diệu pháp đã ngộ, thật là : "Khó, khó, khó "! Vì tu hành thì phải sửa đổi diệt trừ tập khí mao bệnh nhưng vẫn cứ tái phạm, bạn muốn không nóng giận nhưng khi có sự việc xảy đến lại khiến cho bạn nổi giận, có vẻ như thử thách bạn. Ví như : Bạn muốn không uống rượu nữa, mà tình cờ gặp bạn bè rủ bạn đi uống rượu. Bạn từ chối nói bạn giữ giới rượu, y lại nói :"Uống lần cuối cùng này rồi hãy giữ giới", sau đó lại có người bạn khác đến rủ bạn nữa, cứ như thế mà muốn giữ giới rượu chẳng phải dễ, thậm chí tất cả những hành vi tập khí xấu, nghĩ muốn tiêu trừ thật chẳng dễ dàng chút nào.
Cư sĩ họ Bàng cảm thấy sự khai ngộ rất khó, song vợ của ông ta cho rằng không khó. Bà ta nói :"Dễ, dễ, dễ ! Bách hoa đầu thượng Tổ Sư ý". Nghĩa là : hết thảy cỏ cây, đều là tâm ấn pháp môn của Phật, diệu ý của Tổ Sư Đạt Ma ở trên đầy trăm hoa. "Thúy trúc hoàng hoa, vô phi bát nhã". Tất cả trúc xanh hoa vàng, đều là thuyết pháp, biểu hiện trí huệ Bát nhã. Tô Đông Pha đã từng nói rằng :

"Kê thanh tận thị quảng trường thiệt,
Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân".

Nghĩa là : tiếng suối reo, tướng lưỡi rộng dài của mười phương chư Phật, nói ở trong Kinh A Di Đà, màu sắc đỉnh núi, đâu chẳng phải là diệu pháp chăng ! Một cộng cỏ, một bụi cây đều là diệu pháp. Như vậy cứu kính thì có gì khó ? Vì cả nhà ông cư sĩ họ Bàng, đều là người khai ngộ, còn con gái của ông ta là Bàng Linh Chiêu cũng nói :"Cũng chẳng khó, cũng chẳng dễ ! Đói thì ăn, mệt thì ngủ". Đó là biểu thị, bình thường hằng ngày như ăn cơm, mặc áo, ngủ, nghỉ .v.v., đều là diệu pháp. Người tu đạo suốt ngày ăn cơm, nhưng chưa ăn một hạt gạo, suốt ngày mặc áo, nhưng chưa mặc một sợi tơ, đó chẳng phải nói dối, mà là tâm chẳng dính mắc ; do đó : thấy mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, ăn mà chẳng biết mùi vị, đó là đã đạt đến cảnh giới vô tâm. Lúc đó, tuy là ngủ nhưng giống như tỉnh, vì chẳng hồ đồ, chẳng giống như người thường mộng mị, khởi vọng tưởng.

Tại Trung Quốc, có vị Quốc Sư Ngọc Lâm rất thông minh. Sư phụ của Ngọc Lâm muốn Ngọc Lâm và sư huynh của Ngài (Ngọc Lam), trong một ngày một đêm học thuộc bộ Kinh Pháp Hoa, nếu ai thuộc lòng trước thì truyền pháp cho người đó. Sư huynh của Ngọc Lâm ngủ li bì suốt ngày, Quốc Sư Ngọc Lâm cho rằng, mình nhất định thuộc Kinh Pháp Hoa trước sư huynh của mình. Không ngờ Ngọc Lâm lên gặp Sư Phụ, thì Sư Phụ nói với Ngài rằng, sư huynh của con đã thuộc lòng tối hôm qua rồi. Tại sao sư huynh của Ngài mau thuộc lòng như thế ? Vì cảnh giới của Ngài đã đạt đến ngủ mà chẳng ngủ, có thể là nhập định. Người thường dụng công phu, thì bất cứ đi đứng nằm ngồi, đều có thể nhập định. Người không dụng công, thì chê chỗ này ồn ào, chỗ kia chẳng thanh tịnh. Kỳ thật, nếu như tâm của bạn thanh tịnh, thì đi đâu cũng đều thanh tịnh.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật từng nói với Ngài A Nan :"Thành Phật là do sáu căn, đọa lạc cũng do sáu căn". Sáu căn, sáu thức, mười pháp giới đều là diệu pháp, đều là biểu hiện xưa nay nói về tâm, song bạn đừng suy lường, đừng phân biệt, một khi suy lường và phân biệt, thì rơi vào sào huyệt của ý thức. Do đó, phần đông tâm không thể chuyên nhất, không thể chuyển thức thành trí. Trí là do thức biến hóa ; trí cũng là diệu pháp. Ở phần chúng sinh là chuyển trí thành thức, là trí huệ vốn có biến thành ý thức, cho nên từ diệu biến thành thô, mà thô thì chẳng diệu. Ở tại phần của Phật thì chuyển thức thành trí ; cho nên ở trong sào huyệt ý thức, đắc được trí huệ chân chánh, mà chứng được diệu pháp.
Diệu pháp mà nói ra thì vô cùng vô tận, chiếu theo trong bổn môn của Đức Phật, thì có mười thứ diệu, tích môn lại có mười thứ diệu. Bổn tức là Phật, tức diệu giác ; tích là thùy tích, hiển bày đủ thứ vết tích. Vì diệu quá rộng, quá nhiều, cho nên Trí Giả Đại Sư, từng nói về chữ diệu trong chín mươi ngày. Diệu thì không thể dùng tâm để suy nghĩ, không thể dùng lời luận bàn, chỉ có biết là diệu, song vẫn có chỗ không minh bạch. Dưới đây, sẽ giảng những công án để mọi người nghe, để chứng minh chỗ diệu của diệu pháp.
Trước kia, có vị Hòa Thượng mỗi ngày đều tụng một bộ Kinh Pháp Hoa, từ trong Kinh, Ngài biết biên chép bộ Kinh này, công đức không thể nghĩ bàn, do đó, Ngài cung kính biên chép toàn bộ Kinh Pháp Hoa. Khi Ngài biên xong bộ Kinh này, thì đang lúc mùa đông, Ngài đem bút bỏ vào trong nước ngâm để rửa, thì trong nước hốt nhiên hiện ra một đóa hoa sen bằng băng đá. Đóa hoa sen bằng băng đá đó dần dần cao lớn. Do đó, Ngài tự cho mình một biệt hiệu là "Băng Liên Hòa Thượng" (Hoà Thượng hoa sen bằng băng đá), sự việc này lúc đó có rất nhiều người thấy được.

Còn có một câu chuyện, cũng chứng minh sự diệu của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Trước kia, có vị Hòa Thượng rất có địa vị tham chánh ở trong triều đình. Mỗi lần ông ta từ Chùa đến hoàng cung đều chẳng ngồi kiệu, ông ta cỡi ngựa. Mỗi lần ông ta ngồi trên lưng ngựa, thì đọc thuộc lòng quyển thứ nhất của Kinh Pháp Hoa, đến hoàng cung thì vừa tụng xong quyển thứ nhất. Ngày nào cũng thế, một ngày nọ, con ngựa đột nhiên chết, mà có nhà cư sĩ đối diện trước Chùa của ông ta, hạ sinh một bé trai. Trước khi hài nhi ra đời, thì mẹ của đứa bé mộng thấy, con ngựa của vị Hoà Thượng cỡi chui vào bụng bà ta, chẳng bao lâu thì hài nhi ra đời. Bà ta cảm thấy kỳ lạ, mới kêu người đến Chùa hỏi xem, mới biết con ngựa đó vừa mới chết. Bà ta biết đứa bé này là con ngựa đó đến đầu thai, cho nên đem đứa bé đó vào Chùa, song đứa bé đó rất ngu si, tối tăm, bất cứ dạy y đọc, hoặc viết chữ, y chẳng làm được, cho nên một chữ cũng chẳng biết. Song, có một vị Hòa Thượng dạy y đọc Kinh Pháp Hoa, thì y nhớ quyển thứ nhất rất nhanh chóng, còn những quyển còn lại y chẳng nhớ được. Vì khi y làm ngựa thì mỗi ngày vị Hoà Thượng cỡi, đều tụng thuộc lòng quyển thứ nhất, cho nên y nhớ được. Vì y nghe được Kinh Pháp Hoa, mà được đầu thai làm người, do đó đủ biết công đức của bộ Kinh Pháp Hoa này, thật là không thể nghĩ bàn.
Vào thời đại nhà Tấn, tại Vân Nam có vị cư sĩ tên là Trần Đông Viện, ông ta rất tin Bồ Tát Quán Thế Âm. Ông ta từng đến núi Phổ Đà, lễ bái đạo tràng của Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi ông ta lạy xong, thì thấy một vị Hòa Thượng đang tụng Kinh Pháp Hoa, bèn thỉnh vị Hòa Thượng đó thế ông ta tụng Kinh siêu độ hồn của mẹ, khiến cho được lìa khỏi cảnh khổ, sớm sinh lên cõi Trời. Khi công đức viên mãn thì con bò của nhà ông ta đột nhiên chết đi. Đêm đó, con bò báo mộng cho ông ta nói :"Ta là mẹ của ngươi, vì khẩu nghiệp quá nặng, tội nghiệt quá sâu, cho nên đầu thai làm bò. Nay nhờ nhà ngươi thỉnh Pháp Sư tụng Kinh siêu độ ta, khiến cho ta lìa khỏi thân bò, nhưng vẫn chưa lìa khỏi khổ ở địa ngục, nhà ngươi hãy thỉnh vị Pháp Sư vì ta tụng Kinh siêu độ nữa" ! Trần Đông Viện lại đến núi Phổ Đà gặp vị Hòa Thượng đó, thỉnh Hòa Thượng siêu độ mẹ của ông ta nữa, vị Hòa Thượng đó tụng Kinh thì đương nhiên rất thành tâm, nhưng chứng nghiện rượu chưa bỏ được, đôi khi uống một hai ly rượu. Khi ông ta biết tình hình mẹ của Trần Đông Viện, thì rất thành tâm quỳ trước bàn Phật tụng Kinh Pháp Hoa, khi tụng đến quyển thứ tư, thì ông ta khát nước, muốn uống trà, nhưng bình trà chẳng có trà, song thấy trong ly rượu thường dùng hằng ngày lại có rượu, bèn uống hết ly rượu đó, rồi tiếp tục tụng hết bộ Kinh Pháp Hoa.
Trần Đông Viện lại nằm mộng thấy mẹ của ông ta nói :"Số là ta có thể thoát khỏi địa ngục, khi Pháp Sư tụng Kinh Pháp Hoa, từ quyển một đến quyển bốn thì trong địa ngục đầy khắp kim quang, còn có hoa sen bằng vàng sinh ra, chính lúc đó ta phải đi đầu thai, thì hốt nhiên có mùi rượu đầy khắp địa ngục, từ quyển thứ năm đến quyển thứ bảy, thì chẳng có công hiệu là bao, ngươi hãy thỉnh vị Hoà Thượng đó vì ta tụng nữa !" Trần Đông Viện lại đem tình hình trên nói với vị Hòa Thượng đó. Trước kia, vị Hòa Thượng đó cho rằng uống một hai ly rượu chẳng có quan hệ gì, khi trải qua sự việc này thì ông ta hoàn toàn bỏ rượu. Từ câu chuyện này nhìn lại thì sự diệu của Kinh Pháp Hoa không thể nghĩ bàn.

Người học Phật, phải biết Kinh Pháp Hoa có rất nhiều sự mầu nhiệm, như làm súc sinh mà nghe Kinh nghe Pháp, thì được đầu thai làm người, ở trong địa ngục chịu khổ mà nghe được Kinh, thì có thể sinh về cõi Trời. Vì có ý nghĩa như vậy, cho nên có một số người tụng niệm Kinh điển, y chiếu phương pháp trong Kinh điển mà tu hành, bất quá tu hành tuyệt đối đừng tự mãn, đừng cho rằng tụng Kinh có công đức. Nếu bạn sinh tâm tự mãn, không những chẳng có công đức, mà có thể nói là lãng phí. Từ từ trồng xuống chút căn lành, người tu đạo nên nhớ đừng tự đại, đừng cống cao ngã mạn, phải khiêm cung hòa kính.
Trong khi Pháp Bảo Đàn, có một đoạn nói : Có một vị Tăng tên là Pháp Đạt, tụng Kinh Pháp Hoa đã hơn ba ngàn bộ, do đó ông ta sinh tâm cống cao ngã mạn. Khi ông ta đến Tào Khê Chùa Nam Hoa gặp Lục Tổ Huệ Năng, thì bổn lai tất cả chư Tăng thấy vị Hòa Thượng trụ trì đều đắp y trì cụ, cung kính đảnh lễ. Vì trong tâm của Pháp Sư Pháp Đạt sinh ra một sự chướng ngại, cho rằng tụng đã hơn ba ngàn bộ Kinh Pháp Hoa, thì công đức chắc chắn không ít, do đó, khi ông ta thấy Lục Tổ Huệ Năng thì chỉ khom lưng, đầu lạy chẳng đụng đất.
Lục Tổ hỏi ông ta :"Hiện tại trong tâm của ông có vật gì ? Ông bình thường tu tập pháp môn gì ?" Pháp Sư Pháp Đạt nói :"Tôi tụng Kinh Pháp Hoa đã hơn ba ngàn bộ". Lục Tổ nói :"Đừng nói tụng được bao nhiêu bộ Kinh, điều quan trọng là hiểu được ý của Kinh". Lại nói :

"Lễ bổn triết mạn tràng
Đầu hề bất chí địa ?
Hữu ngã tội tức sinh
Vong công phước vô tỷ".

Nghĩa là :

Lễ lạy để diệt trừ kiêu mạn,
Sao đầu chẳng đụng đất ?
Còn cái ta thì tội sinh ra,
Quên cái ta thì phước vô ngần.

Chính là :

"Tâm mê Pháp Hoa chuyển,
Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa".

"Tụng Kinh cửu bất giải, dữ nghĩa tác cừu già". Nghĩa là : khi tâm của bạn mê, thì bị Kinh Pháp Hoa chuyển, khi trong tâm của bạn minh bạch, thì chuyển được Kinh Pháp Hoa. Chuyển Pháp Hoa mới là diệu pháp, bị Pháp Hoa chuyển, là diệu mà chẳng diệu, chuyển Pháp Hoa mới là không diệu mà diệu. Bạn tụng Kinh Pháp Hoa hơn ba ngàn bộ, nhưng chẳng hiểu nghĩa trong Kinh, thì giống như bạn với ý nghĩa của Kinh, sinh ra một sự oan cừu. Bổn lai bộ Kinh này với bạn là một thể, nhưng bạn cho rằng, tụng được hơn ba ngàn bộ Kinh thì có công đức, có sự chướng ngại, cho nên biến thành hai. Chỉ vì bạn chưa minh bạch đạo lý trong Kinh, cho nên chưa trừ khử được tâm cống cao ngạo mạn.
Từ câu chuyện này về sau, hy vọng bất cứ vị nào có công đức gì, đều đừng sinh tâm kiêu ngạo và tự mãn. Nên nhớ ! Người học phật pháp, nhất định phải khiêm cung hòa kính, đừng kiêu ngạo với bất cứ người nào, điểm này rất là quan trọng, hy vọng mọi người để vào tai những gì tôi nói.

Đề Kinh của bổn Kinh này là : Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, diệu pháp rộng lớn vô cùng, chẳng cách chi nói hết được. Ở trên đã giải thích đại khái, bây giờ giảng tiếp về hai chữ Liên Hoa (hoa sen).
Hoa sen là một thứ hoa hy hữu nhất. Thứ hoa này, thuộc về : hoa quả cùng lúc ; hoa nở thì sen hiện, hoa rụng thì sen thành. Rễ của hoa sen ở dưới bùn, cọng thì ở trong nước, còn hoa thì vượt lên khỏi mặt nước. Rễ ở trong bùn là biểu thị phàm phu, cọng ở trong nước là biểu thị hàng nhị thừa. Phàm phu chấp về có, ở trong bùn là ví dụ có ; nhị thừa thì chấp không, cọng hoa ở trong nước là biểu thị không. Hoa sen ở trên mặt nước là vượt ra không, có ; là biểu thị trung đạo và liễu nghĩa. Tức chẳng rơi về không, cũng chẳng rơi về có. Không, có gọi là hai bên, chẳng chấp vào hai bên, là trung đạo liễu nghĩa.
Sao lại nói hoa sen là biểu thị sự trung đạo liễu nghĩa, đại giáo viên đốn ? Vì một khi hoa sen nở, thì có sen, đó gọi là biểu thị nhân quả không hai ; nhân là quả, quả cũng là nhân, như trồng nhân Phật thì kết quả Phật. Mà hoa quả cùng lúc, cũng là biểu thị khai quyền hiển thật. Hoa sen nở thì biểu thị khai quyền, pháp quyền xảo phương tiện, sen hiện ra là biểu thị thật pháp ; là chân thật không hư, dùng pháp thật tướng làm thể.

Trong bổn Kinh này có nói, Phật vì đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời. Đại sự gì ? Là vấn đề sinh tử của chúng sinh. Phật dạy tất cả chúng sinh giác ngộ, liễu sinh thoát tử. Có người nói :"Sinh tử ai ai cũng có, sao gọi là đại sự ?" Không sai, ai ai cũng sinh, ai ai cũng chết. Song, sinh rồi lại chết, chết rồi lại sinh, cứu kính là vì sao ? Trang Tử có nói mấy câu này rất là chí lý :"Sinh mạng của tôi thì có hạn, mà sự hiểu biết thì vô hạn, lấy cái có hạn học cái vô hạn". Nghĩa là, sinh mạng thì có hạn định, có lúc kết thúc, song, sự hiểu biết thì chẳng có bờ mé. Chúng ta dùng sinh mạng có hạn đînh, để học sự hiểu biết vô hạn, đó thì chẳng cách chi truy cứu được ! Nhưng ông ta chỉ biết một nửa, chưa biết hết toàn thể, tại sao nói như thế ? Vì ông ta chỉ biết sinh mạng có lúc kết thúc, mà chẳng biết kết thúc rồi sẽ có bắt đầu nữa.
Sinh mạng của chúng ta, chẳng phải đi rồi thì không trở lại. Nếu bạn biết vấn đề sinh tử như thế nào, thì cũng chỉ giải quyết được một nửa ; nếu chẳng biết vấn đề sinh tử như thế nào thì chẳng minh bạch. Do đó, đến cũng hồ đồ, đi cũng hồ đồ. Về vấn đề sinh tử, Tử Lộ từng hỏi đức Khổng Tử :"Thầy ! Con phải dùng phương pháp gì để cung phụng quỷ thần ?" Khổng Tử đáp :"Chưa biết lo cho người, sao cung phụng được quỷ ?" Tử Lộ lại hỏi : "Dám hỏi về cái chết, con cả gan hỏi về chết như thế nào ? Chết từ vị nó như thế nào ? Tình hình chết như thế nào"? Khổng Tử đáp :"Chưa biết sinh, làm sao biết chết"? Nghĩa là chưa biết sống như thế nào, lại làm sao biết chết ? Tức cũng là, sinh như thế nào thì chết như thế ấy. Vậy cứu kính sinh như thế nào ? Đó là nói đến vấn đề căn bản, mọi người nên chú ý chỗ này một chút, sinh tử là một đại sự.

Người là do tình dục mà sinh, cho nên cũng do tình dục mà chết. Nếu chẳng có tình dục thì chẳng có sinh, cũng chẳng có chết. Vấn đề sinh tử là do tâm tham dục, nếu đoạn trừ được tâm tham dục, thì cũng biết rõ về sinh tử. Phật là vì muốn chấm dứt vấn đề sinh tử của tất cả chúng sinh, mà đến thế giới này, cho nên vấn đề sinh tử rất là quan trọng.

Có câu chuyện về vấn đề sinh tử : Xưa kia có một đại phú ông cưới một cô vợ rất đẹp, sinh được ba người con. Đại phú ông ngoài tiền bạc ra, ông ta chẳng biết gì hết. Tiền là người bạn tốt nhất trong cuộc đời của ông ta, như cốt nhục chí thân, cho nên ông ta sửa đổi một đoạn "Trung Dung" của bậc Thánh nhân trước tác. Sửa là :

"Thiên mạng chi vị tiền,
Suất tính chi vị tiền,
Tu đạo chi vị tiền.
Tiền dã giả, bất khả tu du lìa dã".

Tiền thì không phút giây nào xa rời nó. Do đó, ông ta đặt tên cho thằng con trai cả tên là Vàng, đứa kế là Bạc, vì vàng bạc đều có, đứa thứ ba thì đặt tên rất là kỳ quái, gọi là Nghiệp Chướng.
Khi ba đứa con của ông ta trưởng thành, thì ông ta cũng già nua, lại còn mắc bệnh tê liệt, mắc phải bệnh này ông chẳng đi đâu được, suốt ngày nằm trên giường, nhà tuy giàu có, song chẳng ai hầu hạ ông ta. Vợ đẹp của ông ta cũng xa lìa ông ta, đứa con thông minh của ông ta cũng chẳng đến thăm ông ta. Ông ta cắn răng muốn chết sớm một chút, song ông ta lại nghĩ : Một mình xuống âm phủ quá cô đơn, do đó ông ta thương lượng với bà vợ nói :"Tôi bị bệnh đã lâu, coi bộ chẳng qua khỏi, bằng chi chết sớm một chút cho yên thân. Bà có thể đi với tôi nhé ?" Bà vợ đẹp của ông ta đáp :"Sao ông lại có thể kêu tôi đi với ông ? Chết thì ai cũng không thể thế cho ai, ông bị bệnh thần kinh chăng ?" Ông ta thấy vợ chẳng chịu đi theo, ông ta bèn gọi đứa con trai cả nói :"Vàng ! Khi con vừa sinh ra thì ta thương con nhất, con có biết chăng ?" Con trai cả đáp :"Đương nhiên con biết". Ông ta lại nói :"Bây giờ ta sắp chết, con đi với ta nhé ?" Con trai cả nghe vậy đáp lại :"Ông thật là hồ đồ ! Tuổi của ông đã lớn, là đáng chết, con còn trẻ sao có thể chết được ? Nếu như cha thương con thì đừng kêu con chết đi". Do đó, đứa con cả chạy đi. Ông ta lại kêu đứa thứ nhì nói :"Bạc ! Hiện ta sắp chết, con đi với ta nhé ?" Con trai thứ nhì nói :"Ông này lộn xộn ! Muốn chết thì chết, sao lại kêu ta đi theo với ông ?" Vợ của ông ta và hai đứa con lớn, chẳng chịu đi theo ông ta. Cuối cùng ông ta kêu đứa thứ ba đến nói :"Nghiệp Chướng ! Con tuổi trẻ nhất, ta cũng thương con nhất, ta muốn chết, nhưng bỏ con chẳng đặng, con tính làm sao đây ?" Thằng út thông minh lanh lợi nói :"Đừng lo, cha thương con nhất thì con sẽ chết theo cha" ! Ông ta nghe vậy rất vui mừng, vì chỉ có đứa con út Nghiệp Chướng chịu đi với ông ta vào địa ngục, cho nên ông ta nói :

"Mọi thứ chẳng mang theo được,
Chỉ có nghiệp theo mình".

Tất cả vàng, bạc, châu báu, đều mang đi chẳng đặng, chỉ có nghiệp thiện, hoặc nghiệp ác, mà bạn tạo ra, thì mới theo bạn như bóng theo hình. "Đản niệm A Di Đà, vãng sinh cực lạc quốc". Tức nhiên là nghiệp theo mình thì phải chuyên tâm niệm "Nam Mô A Di Đà Phật", thì sẽ được vãng sinh về thế giới Cực Lạc, sẽ không đọa lạc vào biển khổ sáu nẻo luân hồi. Trong Kinh A Di Đà có nói : Cõi nước Cực Lạc dùng vàng làm đất, vàng làm đất thì nhiều vô số, có thể nói là giàu sang đến cực điểm.

Chúng ta sống ở đời, phải kịp thời làm thiện, còn chút hơi thở, chút sức lực, thì phải làm thiện tích đức, đừng có chỉ mượn phước đã tích tập trong kiếp trước, mà hưởng thụ hết trong đời này.

Hoa có nhiều loại khác nhau, có loại "hoa dại không có quả", chỉ có hoa mà chẳng có quả, là ví dụ những người buông lung, cứ nói dối, chỉ nói mà không làm, cũng là ví dụ cho ngoại đạo. Vì những bàng môn tả đạo, mặt ngoài trông có vẻ rất là thần thánh, họ cũng rất dụng công tu hành, tu đủ thứ sự khổ hạnh, nhưng chẳng kết quả, cuối cùng chẳng thành công, đó cũng như hoa dại chẳng có quả.
Có thứ "hoa có rất nhiều quả", đó là ví dụ phàm phu cúng dường cho cha mẹ, sư trưởng, đủ thứ hành vi hiếu thuận. Vì cúng dường cha mẹ, cho nên được rất nhiều công. Những công này, tương lai cũng sẽ kết rất nhiều quả, hoặc là sinh về cõi trời, hoặc là sinh vào cõi người làm người giàu có, đó thật là một hoa có nhiều quả.
Lại có, "một hoa kết một quả", đó là biểu thị Duyên Giác. Duyên Giác tu hạnh viễn ly, tu pháp môn này, thì vào trong rừng sâu núi thẳm, cũng chỉ đắc được quả vị Duyên Giác.
Lại có, "trước quả sau hoa", như Tu Đà Hoàn, họ đã chứng quả Tu Đà Hoàn, nhưng về sau họ vẫn cần tiếp tục tu hành.

Lại có, "trước hoa sau quả", đây là biểu thị Bồ Tát thừa, Bồ Tát thì trước phải tu hành, về sau mới đắc được quả vị Bồ Tát. Song, những thứ hoa đã nói ở trên, không thể ví dụ với diệu pháp được, cũng không thể sánh với diệu pháp, chỉ có hoa sen mới thật sự có thể ví dụ cho diệu pháp, vì hoa sen là hoa quả cùng lúc, biểu thị tức quyền tức thật.
Hoa quả cùng lúc vừa nói ở trên, mới biểu thị khai quyền hiển thật, vừa có hoa lại có quả, quyền là hoa, thật là quả, song, duy thật thí quyền, sao lại có hoa ? Hoa là vì chấp quả mà có. Khi Phật nói Kinh Hoa Nghiêm, A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã đều vì nói Kinh Pháp Hoa, mới nói những Kinh điển đó. Pháp được nói ra trước là quyền pháp (pháp phương tiện), chứ chẳng phải là thật pháp, đến hội Pháp Hoa mới là thật pháp, thật giáo. Đem quyền giáo triển khai, để hiện thị ra nhất thừa thật pháp, đó tức là : hoa nở sen hiện, cũng gọi là khai quyền hiển thật. Hoa rụng sen thành, tức gọi là bỏ quyền lợi thật, xả bỏ quyền pháp, tuyên lưu ra diệu pháp chân thật. Thật giáo thượng thừa tức là viên đốn nhất thừa.

Pháp của Phật nói gồm có : bổn, tích (gốc, vết tích) hai môn. Bổn môn là gì ? Bổn là căn bổn, tích là vết tích. Bổn là gì ? Bây giờ đưa ra một ví dụ : Mặt trăng ở trong hư không là bổn (gốc), mặt trăng trong nước là tích, gốc chỉ có một, mà tích thì có vô lượng vô biên. Do gốc mà có tích, nhờ có gốc mới hiển thật tích. Khai tích hiển gốc. Tích là tông tích, như bóng, có cái bóng hoặc là sự tích. Đó đều là do thật mà thí quyền, khai quyền hiển thật, giống như đạo lý bỏ quyền lợi thật.
Ở trong Kinh văn nói : Mười sáu vị Vương tử phát tâm xuất gia tu đạo là gốc, mà ở trước đó chẳng biết lâu xa bao nhiêu, cho nên mười sáu vị Vương tử xuất gia cũng không kể là gốc. Hiện tại Đức Phật Thích Ca, thị hiện thân Phật đến thế giới này, vì chúng sinh mà thuyết pháp là tích. Kỳ thật, Phật Thích Ca chẳng phải mới ở thế giới này tu đạo thành Phật, mà trong vô lượng kiếp lâu xa về trước đã thành Phật rồi. Trong Kinh Phạm Võng có nói :"Ta đến thế giới Ta Bà này đã tám ngàn lần". Thế giới Ta Bà hiện tại của chúng ta đây, là một thế giới Ta Bà mới, là thế giới Ta Bà trẻ trung, còn có thế giới già, bổn lai thế giới đó mới gọi là gốc, thế giới hiện tại gọi là tích. Nếu dùng Phật pháp theo sự hiểu biết của chúng ta, thì chẳng cách chi đo lường được, là vô cùng vô tận, vô lượng vô biên, cho nên gọi là diệu pháp.

Hoa sen là tượng trưng cho diệu pháp. Diệu Pháp Liên Hoa là ví dụ cho bộ Kinh này, là biệt danh của bộ Kinh này. Biệt tức là riêng biệt, tại sao lại riêng biệt ? Vì chữ Kinh là tên chung. Tất cả Kinh đều gọi là Kinh ; giống như tất cả mọi người đều gọi là người. Song, mỗi người còn có tên của họ. Diệu Pháp Liên Hoa là tên riêng, Kinh là tên chung. Đây là dùng : riêng, chung hai pháp để phán đoán tên của bộ Kinh này.
Diệu Pháp là diễn nói vô tận. Nếu nói ý nghĩa rộng, thì thật không biết nói đến bao giờ mới hết, dù có nhiều thời gian cũng giảng chẳng xong. Hiện tại đã giải thích sơ lược về tên Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Kinh, mọi người hầu như đều biết rành chữ Kinh, song, cứu kính có thật hiểu về chữ Kinh chăng ? Nguồn gốc Kinh có năm lối giải thích áo diệu, cho nên gọi là ngũ trùng huyền nghĩa, tức là :

1. Thích danh.
2. Biện thể.
3. Minh tông.
4. Luận dụng,
5. Phán giáo.

Ngoài ra chữ Kinh còn bao hàm nhiều ý nghĩa khác.
Kinh nghĩa là "con đường", là con đường từ phàm phu đến quả vị Phật, đó là ý nghĩa thứ nhất. Thứ hai gọi là pháp bổn, tức là pháp căn bản, là phương pháp trở về nguồn cội (thành Phật). Thứ ba là suối vọt, nghĩa là trào ra không ngừng, hoặc nghĩa là dây mực, tức là một thứ quy cụ, do đó "Không dùng quy cụ, sao thành vuông tròn". Nghĩa là cần có compas, thước, mới vẽ họa đồ được. Còn có một ý nghĩa là kết man. Kết là kết lại với nhau, man là tràng hoa, nghĩa là sâu kết tất cả các pháp lại với nhau. Cho nên mới nói Kinh là quán nhiếp thường pháp. Đem tất cả đạo lý trước sau, sâu lại với nhau, khiến cho đừng rời lạc chương tiết, cũng giống như làm văn, phải có mở đề, thân bài và kết luận. Kinh văn tựa như dùng một sợi chỉ khâu kết ý nghĩa lại. Nhiếp là nhiếp trì tất cả chúng sinh căn cơ hóa độ được ; bất cứ bạn thích hợp pháp môn nào, thì ở trong Kinh đều bao hàm hết thảy. Ví như : tham thiền, tĩnh tọa, thuyết pháp, giảng Kinh, trì luật, hoặc niệm danh hiệu Phật, trì Chú, học mật .v.v., bất cứ pháp môn nào, cũng đều có đủ trong Kinh điển.
Kinh, lại hàm có ý nghĩa là trường (dài). Trường tức là vĩnh viễn không đổi, từ khi đức Phật nói, rồi đến kết tập Kinh điển, cho đến hiện tại chưa từng biến đổi, một chữ cũng không thể bớt, cũng không thể thêm ; do đó không tăng không giảm, tức là ý nghĩa của Kinh vẫn hằng thường như vậy.

Tu Đa La là tiếng Phạn, dịch là "khế Kinh". Khế nghĩa là hợp ; trên thì thông với tâm của chư Phật, dưới thì hợp với tâm của chúng sinh ; đều tâm tâm khế hợp, niệm niệm như như. Như trong Kinh Hoa Nghiêm có nói :"Tâm, Phật, chúng sinh, cả ba chẳng khác nhau". Cho nên Kinh là tâm pháp, là chúng sinh pháp, tức là Phật pháp. Ba thứ pháp này, chẳng có sự phân biệt, đó là hiểu nghĩa Kinh hàng đầu trong sự "thích danh" (giải thích đề Kinh).
Biện thể là nhận thức bổn thể của Kinh này. Vậy bộ Kinh này lấy gì làm thể ? Bổn Kinh này lấy thật tướng làm thể. "Thật tướng vô tướng, vô sở bất tướng". Tất cả tướng, đều từ thật tướng mà sinh ra, không những các tướng đều do thật tướng sinh ra, mà tất cả chư Phật, tất cả các Bồ Tát, tất cả Duyên Giác, Thanh Văn cũng đều từ thật tướng huyễn sinh ra. Vậy thật tướng do ai tạo ? Chẳng có ai tạo, là bổn lai có đủ. Sao lại có ? Gốc thật tướng có trước tất cả chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, cho đến tất cả chúng sinh, cũng đều tự bổn Kinh sinh ra. Vì chúng ta trải qua thời gian quá lâu, đã quên mất ngôi nhà thật sự của mình, quên mất nguồn gốc mẫu thể. Bây giờ mọi người phát tâm nghe bộ Kinh này, có thể nói là tìm lối tắt trở về nhà.

Đã biết tên và thể của bổn Kinh này rồi. Vậy lấy gì làm tông ? Lấy nhất thừa : Nhân quả thực tế làm tông. Nhất thừa là một Phật thừa, chẳng có thừa nào khác. Người tu học từng phân ra : Thanh Văn thừa, mà bộ Kinh này, chỉ hướng về một thừa, tức là Phật thừa. Phật thừa chẳng nằm ở trong năm thừa. Thừa này dùng nhân quả chân thật làm tông. Bổn Kinh dùng hoa sen làm dụ, nghĩa là : tức nhân tức quả, tức quả tức nhân. Hoa sen nở tức là Phật nhân, đồng thời kết thành sen, tức là Phật quả. Cho nên nói, dùng nhất thừa nhân quả làm tông cho bổn Kinh này.
Đã biết tông của Kinh này rồi, bây giờ hãy nghiên cứu về dụng đồ. Dụng đồ của bộ Kinh này, là muốn chúng ta đoạn trừ nghi hoặc mà sinh tín tâm, Ngài Trí Giả Đại Sư đọc tụng Kinh Pháp Hoa mà khai ngộ, đắc được Đà La Ni, do đó sáng lập ra tông Thiên Thai. Chúng ta tuyệt đối đừng xem thường bộ Kinh này. Nên biết tất cả chư Phật, chư Bồ Tát, tất cả Tổ Sư, đều từ hoa quả trong bộ Kinh này mà sinh ra.

Giáo tướng của bộ Kinh này là gì ? Giáo tướng của Kinh này là đề hồ, trong năm thời tám giáo, tướng của Kinh Pháp Hoa và Kinh Niết Bàn đều thuộc đề hồ. Đề hồ là từ sữa bò, do sữa sinh ra lạc, do lạc sinh ra tô, từ tô sống ra tô chín, từ tô chín ra đề hồ. Cho nên, đề hồ là vị ngon thơm hạng nhất, đó chỉ là một ví dụ. Mọi người nghe được bộ Kinh này, thì đồng như nếm được pháp vị diệu nhất, ngon nhất, trên hết thảy, vì toàn Kinh chữ đều bao hàm diệu nghĩa vô cùng, phải nhất tâm thọ trì làm chủ thì sẽ đắc được lợi ích vô tận.

Bộ Kinh này, do Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, dịch vào thời Diêu Tần. Diêu Tần là thời kỳ Đông Tấn tại Trung Quốc, lúc ban đầu do Phù Kiên thống trị. Từ Hán Cao Tổ diệt Tần về sau, đến nhà Tấn có những người còn hoài niệm về nhà Tần. Cho nên Phù Kiên (người sau của Tần Thủy Hoàng) tổ chức một bang phái gọi là Tần Bang. Lập một nước ở tại Trường An gọi là Phù Tần. Lúc đó Khâm Thiên Giám (nhà thiên văn học) thấy ở trên bầu trời Ấn Độ có vì sao trí. Do đó, mới nói với Phù Kiên rằng, đương thời ở Tây vực (Ấn Độ) có bậc đại trí huệ, tương lai sẽ đến Trung Quốc, sẽ ủng hộ cho Trung Quốc. Phù Kiên nói :"Ta biết người này nhất định là Cưu Ma La Thập, chúng ta hãy đem binh đi bắt Ngài đem về !" Do đó, phái đại tướng quân Lữ Quang, dẫn bảy vạn nhân mã đánh nước Quy Từ Tây Vực (nay là một khu vực nhỏ cạnh bên Tân Cương của Trung Quốc), phải bắt lấy Pháp Sư Cưu Ma La Thập đem về. Khi Lữ Quang chưa đến nước Quy Từ, thì Pháp Sư Cưu Ma La Thập nói với vua nước Quy Từ rằng :"Hiện nay Trung Quốc xuất binh đánh chúng ta, mục đích chẳng phải tranh đất đai, Ngài nên giảng hòa với Trung Quốc, bất cứ điều kiện gì đều đáp ứng họ". Song, vua nước Quy Từ chẳng nghe lời của Ngài Cưu Ma La Thập. Khi quân đội của Lữ Quang đến, thì ông ta đốt lửa đánh nhau với. Quân đội của Trung Quốc hùng mạnh, đánh thắng nước Quy Từ nhỏ yếu này rất dễ dàng, giết chết vua nước Quy Từ. Bổn lai vua nước Quy Từ rất là hạnh phúc, nhưng tại sao ông ta bị quân đội Trung Quốc giết chết ? Vì tiền kiếp nghiệp sát của ông ta quá nặng, cho nên định nghiệp không thể chuyển, không cách chi trốn tránh nghiệp báo xảy đến.
Diệt được nước Quy Từ rồi, Lữ Quang đem Ngài Cưu Ma La Thập về ở tạm tại Tây Lương, thì nghe nói trong nước phát sinh biến cố. Phù Kiên đã bị Diêu Trường giết chết. Diêu Trường lên làm Diêu Tần Hoàng Đế (vì ông ta họ Diêu, cho nên cải đổi triều đại Phù Tần thành Diêu Tần). Lữ Quang bèn ở tại đất Lương hạ trại tại chỗ trũng. Ngài Cưu Ma La Thập nói với Lữ Quang rằng :"Tuyệt đối đừng hạ trại ở chỗ này, chỗ này chủ nguy hiểm lắm. Khi nước lớn xuống thì sẽ ngập chìm hết toàn quân". Lữ Quang nói :"Ngài là người xuất gia, hiểu biết gì về việc bày binh bố trận ? Hạ trại tại chỗ này sao lại bị ngập chìm chết ? Ngài đừng lo lắng !" Vì anh ta chẳng nghe lời Ngài Cưu Ma La Thập, quả nhiên nửa đêm nước lũ từ trên núi tràn xuống, thế nước dữ dội làm chết hết năm sáu ngàn binh lính. Sáng ngày sau, anh ta mới biết Ngài Cưu Ma La Thập là người có thần thông. Từ đó anh ta rất khâm phục, rất tin tưởng Ngài Cưu Ma La Thập. Vì Lữ Quang nghe nói Diêu Trường đã giết Phù Kiên, do đó anh ta án binh bất động tại Tây Lương, qua hai năm Diêu Trường chết, con là Diêu Hưng lên kế vị. Diêu Hưng biết trước kia Phù Kiên phái Lữ Quang đi bắt Ngài Cưu Ma La Thập về kinh, nhưng Lữ Quang không chịu, do đó Diêu Hưng phát binh đánh Lữ Quang, vừa lúc đó Lữ Quang qua đời, con là Lữ Long lên thay. Hai bên đánh với nhau, quân đội Lữ Long bị thua. Lúc đó, mới thỉnh Ngài Cưu Ma La Thập về Trường An, làm công tác phiên dịch Kinh điển. Công tác phiên dịch Kinh điển rất to tác khó khăn. Tại sao Phù Kiên muốn Lữ Quang đi bắt Cưu Ma La Thập đem về ? Tại sao Diêu Hưng lại phát binh đi tiếp Ngài Cưu Ma La Thập ? Vì lúc đó, Ngài Cưu Ma La Thập đức cao vọng trọng, ai ai cũng đều khâm phục kính ngưỡng Ngài. Ngài còn là nhân tài phiên dịch Kinh điển hay nhất, cho nên Diêu Hưng bắt Ngài đến Trung Quốc để phiên dịch Kinh điển. Đó là nguyên nhân Ngài Cưu Ma La Thập đến Trung Quốc.

Nhân duyên bản thân của Ngài Cưu Ma La Thập cũng rất kỳ diệu. Phụ thân của Ngài là Cưu Ma La Viêm, là con của thừa tướng một nước ở Trung Ấn Độ, bổn lai Cưu Ma La Viêm có thể kế thừa chức thừa tướng, nhưng ông ta không muốn làm quan, mà muốn xuất gia tu đạo. Do đó, đi các nơi du học, đi khắp các nơi tìm minh sư. Vì phụ thân của ông ta là thừa tướng, cho nên đến đâu thì mọi người đều hoan nghênh, khi ông ta đi đến nước Quy Từ, thì không những vua nước Quy Từ ra ngoài xa đón, mà còn mời ông ta dùng yến tiệc ở trong cung. Vua có người em gái tên là Kì Bà, khi thấy Cưu Ma La Viêm thì không nỡ rời xa. Kì Bà rất thông minh, khinh thường đàn ông của nước mình, cho rằng họ đều xấu chẳng hợp với cô ta, nhưng lần này thấy Cưu Ma La Viêm bèn động tâm. Tuy nhiên, cô ta chẳng nói với anh của cô ta, nhưng vua nước Quy Từ cũng là người thông minh, vua biết em gái mình, rất có hảo cảm đối với Cưu Ma La Viêm, do đó, gả Kì Bà cho Cưu Ma La Viêm. Chẳng bao lâu thì Kì Bà thọ thai, thì chuyện kỳ lạ cũng phát sinh. Kì Bà vốn không hiểu ngôn ngữ Ấn Độ, nhưng khi mang thai Ngài Cưu Ma La Thập, thì không những nghe được mà còn nói được tiếng Phạn, còn có tài năng biện tài vô ngại. Đương thời có vị A La Hán nói với mọi người rằng :"Đứa trẻ ở trong bụng của bà này, nhất định chẳng phải tầm thường, là người có đại trí huệ. Trước kia, đệ tử của đức Phật là Ngài Xá Lợi Phất ở trong bụng mẹ, thì mẹ của Ngài cũng có trí huệ biện tài vô ngại, đại khái đứa trẻ này cũng như Xá Lợi Phất". Đó là lúc Ngài Cưu Ma La Thập ở trong bụng mẹ, giúp cho mẹ của Ngài tăng thêm trí huệ.
Mẹ của Ngài sinh Ngài ra rồi, qua ba năm sau lại sinh một người con nữa. Từ đó trở đi, mẹ của Ngài luôn luôn đến Chùa nghe Kinh, vì căn cơ của bà ta sâu dày, nghe Pháp Sư thuyết pháp : Người ở trên thế gian đều là khổ, không, vô thường, vô ngã thì bà ta phát tâm muốn xuất gia. Nhưng phụ thân của Ngài Cưu Ma La Thập không cho xuất gia vì tham luyến vợ đẹp, tài sản và địa vị, không những mình chẳng muốn xuất gia trở lại, mà cũng chẳng cho vợ xuất gia. Nhưng Kì Bà đã quyết tâm muốn xuất gia, bà ta phát nguyện nói : "Nếu không được xuất gia thì tôi sẽ nhịn đói mà chết". Do đó, bà ta chẳng ăn uống gì, ban đầu bà ta không ăn thì Cưu Ma La Viêm nghĩ chẳng hề gì, nhưng đến ngày thứ sáu thì thấy sự việc chẳng xong, nếu không cho bà ta xuất gia, thì không nỡ để bà ta chết đói, cho nên bèn nói với bà ta :"Tôi cho bà đi xuất gia, nhưng bà trước phải ăn uống đã !" Song, bà ta nói : "Ông đã cho phép tôi xuất gia thì trước phải xuống tóc cho tôi, sau đó tôi mới ăn. Nếu không xuống tóc, đợi tôi ăn xong thì ông không cho tôi xuất gia, lúc đó biết làm sao ?" Cưu Ma La Viêm thấy tình hình như vậy, bất đắc dĩ mới đi thỉnh Hòa Thượng trụ trì ở Chùa gần đó đến xuống tóc cho bà ta. Xuống tóc rồi bà ta mới ăn uống, chính thức bắt đầu đời sống của người xuất gia, học tập Phật pháp. Học tập Phật pháp nhất định phải có tâm chân thành; nếu chẳng có tâm thành, thì dù học bao lâu cũng chẳng thành tựu. Vì bà ta quá thành tâm, dù chết cũng muốn xuất gia, xem thường sống chết, buông xả tất cả mọi thứ, cho nên "tĩnh cực quang thông đạt", linh quang của bà ta hiện thông, mà chứng được sơ quả.
Kì Bà chứng được sơ quả rồi, thì dẫn Ngài Cưu Ma La Thập đến Chùa lễ Phật. Ngài Cưu Ma La Thập lúc đó, là cậu bé chỉ mới bảy tuổi. Khi vào Chùa thấy họ lạy Phật, Ngài cũng lạy Phật, thấy họ thắp hương, cũng thắp hương; lại thấy ở trước bàn Phật có lư hương thật lớn, nhẹ nhất nặng cũng khoảng hơn trăm lạng, nhưng Ngài chẳng phí chút sức lực, bèn bưng lư hương lớn đó để lên đầu, rồi nghĩ :"Ta chỉ là cậu bé bảy tuổi, sao lại có thể bưng nổi lư hương lớn nặng như thế này ?" Trong tâm Ngài vừa mới sinh tâm suy lường phân biệt, thì cảm thấy lư hương đó nặng như ngàn cân, chẳng chịu nổi được nữa, bèn buông lư hương rớt xuống đất. Do đó, Ngài Cưu Ma La Thập ngộ được tất cả trên thế gian đều do tâm tạo. Trước khi Ngài chưa sinh tâm suy lường phân biệt, thì lư hương nặng mà chẳng cảm thấy nặng, nhưng khi sinh tâm phân biệt rồi, thì không nặng cũng nặng trở lại. Ngài ngộ được "tất cả do tâm tạo ". Sau đó, Ngài theo mẹ đi xuất gia, lạy Bàn Đồ Bồ Đạt Đa làm thầy, tu học theo tiểu thừa, mỗi lần đọc tụng một ngàn bài kệ, mỗi bài kệ có ba mươi sáu chữ, cho nên mỗi ngày học ba vạn sáu ngàn chữ (số mục này gấp hơn ba mươi lần Chú Lăng Nghiêm). Ngài mới bảy tuổi, mà mỗi ngày học ba vạn sáu ngàn chữ, sự thông minh trí huệ này, chẳng phải người thường có thể sánh được. Vì Ngài học nhanh như thế, chẳng bao lâu thì học hết toàn bộ Kinh điển tiểu thừa, không những như thế mà Ngài còn học pháp thế gian như : y dược, chiêm tinh, bói quẻ .v.v.. Học hết pháp tiểu thừa và học vấn thế gian rồi, Ngài đến Ấn Độ học pháp đại thừa. Khi học pháp tiểu thừa, thì Ngài cảm thấy Kinh điển tiểu thừa rất vi diệu. Về sau học pháp đại thừa, mới biết pháp đại thừa là diệu trong diệu, không thể nghĩ bàn. Ngài rất thông minh, lại siêng tu, do đó sở học Kinh điển và học vấn vừa nhiều vừa nhanh chóng. Đó là giai đoạn Ngài Cưu Ma La Thập học Phật pháp.

Khi Ngài học Kinh điển đại thừa viên mãn rồi, Ngài trở về nước Quy Từ hoằng pháp, giáo hóa chúng sinh. Vì Ngài khác lạ hơn người, cho nên mọi người đều biết, đó là một vị Pháp sư lỗi lạc. Đương thời, có vị luận sư cho rằng, trên thế gian này chẳng có ai biện luận thắng được ông ta. Một ngày nọ, ông ta thách thức ra thông cáo nói :"Nếu bất cứ người nào biện luận thắng ta, thì ta sẽ cắt đầu của ta xuống để tạ ơn người đó". Lúc đó, Ngài Cưu Ma La Thập đi ngang qua đó, nghe luận sư nói như thế, thì hỏi ông ta hai vấn đề, song vị luận sư này bí lối, nói chẳng ra lời. Đáng lẽ ông ta phải chém đầu để đa tạ, nhưng lúc đó xả chẳng đặng chém đầu, do đó lạy Ngài Cưu Ma La Thập làm thầy, học tập Phật pháp.
Không lâu Ngài Cưu Ma La Thập trở về nước cậu của Ngài (nước Quy Từ). Cậu của Ngài rất cung kính Ngài, dùng vàng tạo tòa sư tử thỉnh Ngài Cưu Ma La Thập, đăng đàn giảng Kinh thuyết pháp. Nhưng lúc đó, Ngài Cưu Ma La Thập có ý định chuẩn bị đi độ thầy tiểu thừa của Ngài (Bàn Đà Đồ Đạt Đa). Vì có rất nhiều người tín ngưỡng thầy tiểu thừa của Ngài, nếu độ được ông ta, thì cũng có thể độ được rất nhiều người đến học pháp đại thừa. Cho nên cậu của Ngài vì Ngài tạo tòa sư tử bằng vàng, mà Ngài có ý định muốn ra đi đến độ thầy của Ngài. Do đó, cậu của Ngài định sẽ khởi ấn tượng chẳng tốt đối với Ngài. Định sẽ nghĩ thế này :"Ngài là cháu ngoại tộc, chẳng có chút tình cảm nào, ta rất cung kính đối với Ngài, còn vì Ngài tạo tòa bằng vàng, mà cuối cùng chẳng giữ Ngài lại được". Nhưng vừa đúng lúc đó, Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa đến nước Quy Từ, cho nên Ngài Cưu Ma La Thập và vua đều đi ra ngoài xa đón rước.
Vua hỏi Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa rằng :"Tại sao xa xôi mà Ngài đến nước của ta ?" Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa nói :"Thứ nhất, tôi nghe nói vua rất tin Phật pháp, cung kính Tam Bảo, cho nên tôi đến để gặp bệ hạ. Thứ hai, tôi nghe nói Cưu Ma La Thập, pháp sư bây giờ pháp duyên thịnh đại, cho nên tôi đến thăm". Do đó, vua thỉnh Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa vào cung ở với Ngài Cưu Ma La Thập. Ngài Cưu Ma La Thập thấy thầy của Ngài đã đến, bèn vì ông ta giảng "Kinh Đức Nữ Sở Vấn" (Đức Nữ Sở Vấn đại thừa Phật giáo đạo lý). Giảng xong thì thầy của Ngài nói :"Ông cảm thấy giáo lý đại thừa có chỗ nào cao siêu ? có chỗ nào đặc biệt ? Ông bỏ tiểu thừa mà học đại thừa, giáo lý đại thừa là nói về không, không tức là gì cũng chẳng có, ông học nó có ích gì ? Không, vốn là không, sao ông lại đi học ?" Ngài Cưu Ma La Thập nói :"Trong (cái) không lại có (cái) có ; trong chân không mới có diệu hữu, trong diệu hữu tức cũng là chân không. Pháp đại thừa mới là pháp cứu kính triệt để, chẳng giống như tiểu thừa, có quá nhiều danh tướng, quá câu thúc, chẳng đắc được giải thoát".
Sư phụ của Ngài đáp :"Bây giờ ta đưa ví dụ ra để bác đạo lý của ông nói. Ví như : có người cuồng nhờ một người thợ dệt để dệt cho y, dệt xong một tấm lụa mịn vô cùng đưa cho người cuồng xem, nhưng người cuồng còn chê là thô nói :"Dệt chưa được khéo lắm". Lúc đó người thợ dệt gạt người cuồng nói :"Anh nói tấm này thô, bất quá bây giờ tôi còn có một tấm lụa mịn đẹp ở trong hư không". Thợ dệt lấy tay chỉ vào hư không kêu người cuồng xem, người cuồng nhìn chẳng thấy bèn nói : "Chẳng có ! Trong hư không chẳng có tơ lụa gì hết !" Người thợ dệt đáp :"Tấm lụa đó ở trong hư không, mịn tinh vi lắm, dù tôi là thợ dệt cũng nhìn chẳng thấy, huống gì anh chẳng phải là thợ dệt, thì làm sao nhìn thấy được !" Người cuồng nghe nói cho rằng rất có lý, do đó thưởng cho người thợ dệt một số vàng. Về sau, rất nhiều thợ dệt cũng như thế, đến gạt người cuồng nói :"Sự dệt lụa của tôi ở trong hư không rất tinh vi, mịn nhuyễn vô cùng, chẳng có ai có thể sánh được". Người cuồng nghe nói thì cũng cho họ rất nhiều tiền. Pháp đại thừa mà ông nói tức là không, trong không mới có diệu hữu, mà nhìn chẳng thấy, giống như ví dụ vừa rồi".

Ngài Cưu Ma La Thập nói chẳng phải, do đó lại vì thầy của Ngài giảng rất nhiều diệu pháp đại thừa, và biện luận hơn một tháng mới thuyết phục được thầy tiểu thừa của Ngài. Lúc đó, Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa hiểu đạo lý chân không diệu hữu của đại thừa rồi, nói với Ngài Cưu Ma La Thập :"Bây giờ ta phải lạy ông làm thầy". Ngài Cưu Ma La Thập nói :"Đó thì không được, trước kia tôi lạy thầy làm thầy, bây giờ sao thầy lại lạy tôi làm thầy ?" Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa nói :"Tôi là thầy tiểu thừa của ông, ông là thầy đại thừa của tôi, ai nấy đều có thầy của thừa đó, đó chẳng có gì quan hệ". Ông ta nói như thế thì Ngài Cưu Ma La Thập thu thầy của Ngài làm đệ tử. Từ câu chuyện Ngài Bàn Đà Bồ Đạt Đa trở lại lạy đệ tử làm thầy, chúng ta có thể biết người xưa chẳng có "ngã tướng" (cái ta), mà là lấy đạo làm thầy, chỉ cần đạo đức của bạn cao hơn tôi, thì tôi lạy bạn làm thầy mà chẳng có quan niệm về ngã tướng (tướng ta).

Khi Ngài Cưu Ma La Thập ở nước Quy Từ, thì có một lần thời tiết hạn hán, không mưa, lúc đó Ngài hiển thần thông cầu mưa, Ngài bày pháp đàn rồi, tiên đoán nội trong ba ngày, chắc chắn sẽ có mưa, quả nhiên đến ngày thứ ba thì mưa xuống, cho nên phần đông nhân dân càng thêm cung kính tín ngưỡng Ngài Cưu Ma La Thập. Từ đó, có nhiều vị quốc vương thỉnh mời Ngài Cưu Ma La Thập đăng đàn giảng Kinh thuyết pháp, dùng thân làm tòa ngồi ; tức là ông vua dùng thân thể của mình làm tòa, để cho Ngài Cưu Ma La Thập ngồi lên giảng Kinh thuyết pháp. Đó là biểu thị sự cung kính, sùng bái nhất đối với Phật pháp. Ngài Cưu Ma La Thập đi khắp nơi xứ Ấn Độ giảng Kinh thuyết pháp, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh. Lúc thiếu thời, Ngài theo mẹ đi các nơi tham phương, thì gặp một vị La Hán. Vị La Hán này nói với mẹ của Ngài :"Bà phải bảo hộ chú tiểu Sa Di này, chú tiểu Sa Di này chẳng phải người thường. Nếu chú tiểu này đến ba mươi tuổi mà không phá giới, chuyên cần giữ gìn giới luật, thì sẽ giáo hoá độ được rất nhiều người, như tổ thứ tư Ưu Ba Cúc Đa". Ngài Cưu Ma La Thập rất tin lời của vị La Hán nói với mẹ của Ngài. Mẹ của Ngài chứng đến tam quả A La Hán rồi, quán sát biết được tương lai nhân duyên con của mình, cho nên nói với Ngài :"Tương lai con sẽ độ chúng sinh ở đông độ (Trung Quốc), nhưng đối với thân con bất lợi vô cùng". Ngài Cưu Ma La Thập nói :"Chỉ cần con lưu truyền hoằng dương Phật pháp đến đông độ, thì bất cứ gian nan khốn khổ cách mấy con cũng phải thực hành. Vì Bồ Tát phát tâm không vì mình, chỉ vì chúng sinh". Đó là lúc đó Ngài Cưu Ma La Thập đã phát đại bồ đề tâm, muốn hoằng dương Phật pháp đến Trung Quốc.

Bây giờ, nói về tình hình khi Lữ Quang bắt Ngài Cưu Ma La Thập đưa về Tây Lương. Lúc đó, Lữ Quang có một cận thần tên là Trương Tri bị bệnh nặng, có một vị Bà La Môn gạt nói y có thể trị lành bệnh cho Trương Tri, nhưng Ngài Cưu Ma La Thập biết người này lường gạt, bèn nói với Lữ Quang rằng :"Dù ông bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không thể trị lành bệnh cho Trương Tri, tôi có thể chứng minh cho ông xem. Bây giờ tôi đốt sợi chỉ ngũ sắc thành tro, sau đó bỏ vào trong nước. Nếu tro biến trở lại chỉ ngũ sắc, thì bệnh của Trương Tri không thể chữa khỏi, còn nếu tro trong nước vẫn là tro, thì Trương Tri sẽ hết bệnh". Khi thử xem thì tro chưa vào trong nước đã biến trở lại thành chỉ ngũ sắc. Không lâu quả nhiên Trương Tri qua đời, mà Lữ Quang cũng tốn một số vàng vẫn chẳng ích gì. Đó là cảnh giới thần thông của Ngài Cưu Ma La Thập, chẳng phải một số phàm phu dò biết được.
Sau khi Lữ Quang qua đời, con là Lữ Toản lên thay thế. Khi Lữ Toản đương triều năm thứ hai, thì có con heo ba đầu sinh ra, và còn có người thấy một con rồng từ phương đông thăng lên, cuộn tròn chiếm cứ ở trước cung điện, cho đến tối mới ẩn mất, Lữ Toản cho rằng đó là điềm tốt, cho nên đặt tên cho hoàng cung là "Bàn Long" (rồng cuộn tròn). Lại có người nhìn thấy một con rồng đen ở ngoài cửa thành ngự phòng, Lữ Toản lại đem tên "Cửu Cung áp" đổi lại là "Thăng Long áp". Nhưng Ngài Cưu Ma La Thập nói với Lữ Toản rằng :"Những con rồng này thị hiện là điềm xấu vô cùng, những thứ rồng này xuất hiện thì cho biết trong nước sẽ có tai nạn. Nếu lập tức tu bồi công đức thì sẽ hóa giải tai hại". Nhưng Lữ Toản quyết chí đương đầu chẳng biết sợ gì cả. Một ngày nọ, Lữ Toản đánh cờ với Ngài Cưu Ma La Thập, Lữ Toản ăn con cờ (con chốt) của Ngài và nói :"Tôi chém đầu Hồ Nô". Ngài Cưu Ma La Thập ăn con ngựa và nói :"Anh không thể chém đầu Hồ Nô mà Hồ Nô sẽ chém đầu nhà ngươi ". Ngài Cưu Ma La Thập nói lời đó là để cảnh tỉnh Lữ Toản, nhưng anh ta thủy chung chẳng ngộ. Lữ Quang có người em tên là Lữ Bảo, có con tên là Lữ Siêu, lúc nhỏ tên là Hồ Nô, Lữ Siêu lúc đó đang âm mưu muốn ám sát Lữ Toản. Chẳng bao lâu, Lữ Siêu quả nhiên giết chết Lữ Toản, lập anh là Lữ Long lên làm hoàng đế. Lúc đó, mới có người biết sự tiên đoán của Ngài Cưu Ma La Thập là đúng. Lữ Long lên ngôi tại Kinh Châu rồi, Diêu Hưng phát binh đến đánh, rước Ngài Cưu Ma La Thập trở về Trung Quốc.

Ngài Cưu Ma La Thập đến được Trường An, thì được tôn làm Quốc Sư. Ngài đứng đầu về trung tâm phiên dịch Kinh, gồm hơn tám trăm vị Tăng và các vị học giả. Ngài dịch được hơn ba trăm quyển Kinh. Chúng ta có thể chứng minh Kinh của Ngài dịch rất chính xác vô cùng. Khi Ngài Cưu Ma La Thập sắp viên tịch, Ngài yêu cầu trà tỳ (hoả thiêu) và nói :"Trong cuộc đời của tôi đã dịch rất nhiều Kinh điển, nhưng chính tôi cũng không biết trong lời Kinh có chính xác hay chăng ? Nếu chính xác thì khi thiêu thân của tôi, lưỡi không bị cháy, còn nếu sai lầm thì lưỡi cũng cháy luôn". Quả nhiên thiêu xong thì thân thể cháy thành tro, duy chỉ cái lưỡi vẫn an nhiên như sống không hủy hoại. Vào đời Đường, Ngài Đạo Tuyên Luật Sư (giữ giới trong sạch, được cảm ứng chư Thiên thường đem cơm cúng dàng), có một lần Ngài hỏi chư Thiên :"Tại sao người đời thích đọc Kinh điển, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch ?" Chư Thiên đáp :"Ngài Cưu Ma La Thập đời đời đều phát nguyện : Mỗi khi Phật xuất hiện ra đời, Ngài đều lãnh trách nhiệm phiên dịch Kinh điển. Bảy vị Phật trong quá khứ cho đến hiện tại, Kinh điển đều do Ngài phiên dịch ra, rất tuyệt đối chính xác".
Ngài Cưu Ma La Thập tinh thông Tam Tạng : Kinh, luật, luận, cho nên xưng là "Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập". "Cưu Ma La Thập" là tiếng Phạn dịch là "đồng thọ". Ngài tuy là đồng tử, nhưng có đủ phong độ của bậc trưởng giả : về đức hạnh, trí huệ và phẩm học. Cho nên, Diêu Tần Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, tức là người dịch Kinh Diệu Pháp Liên Hoa từ tiếng Phạn ra tiếng Hán.
Xem dưới dạng văn bản thuần túy